.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Trần Đỗ Cung - Chứng nhân lịch sử cận đại

 

ĐẢO CHÍNH NGÔ ĐÌNH DIỆM?

  • Đầu Xuân 2007, tại Prunedale, Monterey, California

    

Ngô gia : Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu với vợ Trần Lệ Xuân.

Người ta đã nói nhiều về sự hình thành và cấu tạo của cuộc chính biến Mồng Một tháng Mười Một lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa đưa đến thảm sát hai anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Có người cho là Dương Văn Minh thường thấy chơi quần vợt với Đại Sứ Maxwell Taylor hẳn đã có dịp bàn thảo nhiều với viên sứ thần Mỹ liên quan đến quan điểm của tòa Bạch Ốc. Người khác lại nói rằng Đại Tá Lou Conein (thường gọi là Năm Cụt vì bàn tay mất một ngón khi sửa xe hơi bị cánh quạt gió chém đứt), một người Mỹ gốc Pháp hay lăng xăng với nhóm Đôn-Kim-Đính nên đã là đầu mối với nhóm này. Tuy nhiên tôi đã có lần gập Năm Cụt ngồi chờ ở nhà Bác Sỹ Phan Huy Quát thì đâu có thể kết luận vội vã là y tìm cách thúc đẩy ông Bác Sỹ nho nhã đối lập này vào chính biến.

     Lại trong lúc đảo chính diễn biến Lou Conein luôn có mặt tại Bộ Tổng Tham Mưu, vào ra phòng ngoài phòng trong một cách thoải mái, ôm theo một cặp Samsonite đầy tiền và đã nói câu “on ne peut pas faire une omelette sans casser les oeufs”! Cặp Samsonite có lèn chặt đi chăng nữa thì đựng được bao nhiêu để mua được các Tướng dù thuộc loại hèn khát nhất! Mà “casser les oeufs” đâu chỉ có nghĩa là hạ sát thôi!

     Tuy không có dính dáng gì đến những biến cố trọng đại nhưng tôi cũng đã gián tiếp chịu ảnh hưởng phần nào kỳ thị chính trị khi bị cho ngồi chơi xơi nước sai vặt vì không ký gia nhập Cần Lao và tình nghi là Đại Việt Bắc Kỳ. Để xử dụng thì giờ co dãn của mình và cũng để “kiếm thêm chút cháo” cho gia đình tôi đã phải đi giậy Anh ngữ cho cựu Đại Úy Pháp Cottet của hãng R. J. Cross, Trung Tá Nguyễn Văn Châu Giám Đốc Chiến Tranh Chính Trị, giậy Pháp ngữ cho Đại Sứ Phi Luật Tân Farrolan, Việt ngữ cho cố vấn Dick Adams cạnh Tổng Trưởng Tài Chính Nguyễn Lương. Do đó có lẽ hồ sơ an ninh quân đội, hẳn ghi cả Đại Việt, thân Tây thân Mỹ và CIA nữa. Tuy nhiên mới đây có tin Dick Adams là một nhân viên của CIA -- thì hầu hết người Mỹ nào qua Việt Nam cũng chẳng nhận thêm nhiệm vụ tương tự -- nên sự nghi kị đè lên tôi cũng có lý tuy không đúng.

     Rồi cuộc đảo chính của các sỹ quan nhẩy dù trẻ Vương Văn Đông và Nguyễn Triệu Hồng xẩy ra ngày 11 tháng 11 1960. Sáng ngày 12 tôi ngồi ở hàng hiên trước nhà nghe ngóng tình hình vì vợ sắp đến ngày sanh chưa biết tìm cách nào đưa nàng đi bệnh viện. Khoảng mười giờ sáng trời nắng đẹp, bỗng một xe Jeep xịch đến, Nguyễn Cao Kỳ lái có Nguyễn Chánh Thi ngồi bên cạnh và trên ghế sau hai lính nhẩy dù nai nịt súng ống đằng đằng sát khí. Kỳ vẫy tay, tôi chạy lại thì y nói, “Cung, toa đưa chìa khóa mở kho lấy Napalm thả xuống dinh Gia Long”. Tôi trả lời, “Moa bị ngồi chơi xơi nước từ lâu, đâu có biết gì bom đạn nữa đâu. Nếu cần thì toa qua nhà Nguyễn Trung Sơn mà lấy”. Sự việc chỉ có vậy nhưng chắc chắn đã có con mắt nhòm ngó báo cáo. Và sau khi Nguyễn Chánh Thi đào thoát cùng nhóm sỹ quan đảo chính bằng phi cơ C-47 thuộc đơn vị của Kỳ do Phan Phụng Tiên lái thì có nhiều xì xào trong Không Quân về những trường hợp liên hệ.

     Rồi một buổi sáng đẹp trời của tháng Hai 1962, hai phi cơ AD-6 do Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử lái trong một phi vụ hành quân bỗng nhiên vòng lại thả bom gây thiệt hại nặng cho cánh trái dinh Độc Lập khiến bà Ngô Đình Nhu bị thương nhẹ. Sài Gòn lại một lần nữa lên cơn sốt, dân chúng nhốn nháo trong khi pháo phòng không từ các tầu Hải Quân bắn liên hồi trúng phi cơ của Phạm Phú Quốc hạ khẩn cấp xuống sông Sài Gòn và Quốc bị bắt. Trong Không Quân từng nhóm tụm năm tụm ba đầy lo lắng. Sáng hôm sau Tư Lệnh Nguyễn Xuân Vinh dẫn một tốp mấy chục sỹ quan tham mưu và chỉ huy đơn vị, ăn mặc quân phục trắng đại lễ lên dinh Gia Long tạ tội. Chúng tôi có cả thẩy bốn chục người, nét mặt căng thẳng đứng nghiêm thành bán nguyệt trong phòng khánh tiết dẫn đầu bởi vị Tư Lệnh cực kỳ âu lo, nét mặt trọng đại.

     Độ mười lăm phút sau thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm bước vào, Tư Lệnh Không quân hô to nghiêm rồi nói, “Kính thưa Tổng Thống, chúng con xin trình diện để nghe Tổng Thống giậy bảo”. Mọi người đứng thẳng cứng ngắc, trong phòng hoàn toàn im lặng đến nỗi nghe cả con ruồi vỗ cánh qua lại. Tổng Thống mặc âu phục trắng tinh, sắc mặt đỏ hồng, nghiêm nghị đảo mắt một vòng trước khi hiểu thị. Ông ta tuôn ra một tràng với giọng Huế nặng chịch đều đều, cặp mắt nhìn xuống không giáp mắt bất cứ ai đứng trước mặt và cũng không cho lệnh bỏ tư thế nghiêm trong suốt một tiếng đồng hồ. Chúng tôi nghe tiếng được tiếng chăng, đại để là kỷ luật quân đội, sự đe dọa của Cộng Sản và uy tín lãnh đạo. Trời nóng cực kỳ, đứng nghiêm cứng ngắc trong phòng khánh tiết chật chội có người muốn xỉu. Khi được lệnh giải tán thì thở phào túa ra bãi đậu xe như ong vỡ tổ trở về lại căn cứ Tân Sơn Nhứt.

     Hai hôm sau, vẫn như thường lệ, tôi  ngồi sau bàn giấy ngồi-chơi-xơi-nước-phụ-tá-Tham-Mưu-Trưởng, làm những công việc linh tinh “ad-hoc” hoặc ngáp ruồi vặt chờ hết giờ. Bỗng nhiên đúng mười giờ sáng tôi được gọi vào trình diện. Theo đúng lễ nghi nhà binh, tôi rảo bước đứng trước bàn giấy đồ sộ của vị chỉ huy và dơ tay chào nghiêm, chờ chỉ thị. Nhận thấy sắc mặt Đại Tá Vinh có vẻ đanh khác thường. Ông ta hất hàm trợn mắt nói ngay một câu ngắn gọn và lạnh lùng, “Đại Tá Đỗ Mậu gọi, anh đi trình diện gấp”! Tôi cảm như một xô nước lạnh dội vào mặt. dơ tay chào rồi quay gót ra. Trở về bàn giấy tôi ngồi xuống nhưng trong lòng xốn xang cực độ. Tôi chưa được bao giờ giáp mặt ông Đại Tá Giám Đốc An Ninh Quân Đội nhưng đã nghe đồn nhiều về ông ta như một Schulzstaffel Himmler sắt máu của Gestapo. Ông nắm tất cả các hồ sơ quân nhân và bất cứ thăng thưởng đều phải qua tay ông phê phán trước khi thi hành. Trong cơ quan lại nổi tiếng về tra tấn gông cùm, hèo điện, tầu ngầm tầu bay, ai đã trải qua thì không chột cũng què. Nghĩ đến thân phận một đại úy quèn mang tiếng là thân Tây thân Mỹ, có gốc Đại Việt thì sau vụ Không Quân nổi loạn chẳng biết thân phận mình sẽ bị đưa đẩy đến đâu? Tôi lo lắng trăm phần không biết rồi đây vợ con sẽ ra sao?

     Suy nghĩ kỹ những gì phải nói phải khai. Liên hệ với Đại Việt, những năm hoạt động với Việt Minh, tại sao được Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm và Tướng Nguyễn Văn Hinh cho đặc ân đi Pháp du học, nhạc phụ là Đại Việt nặng ký đã làm Giám Đốc Công-An Bắc Việt, thân thiện với Đặng Văn Sung, Nguyễn Tôn Hoàn, vv. Bao nhiêu sự việc quay cuồng trong đầu, làm sao ăn nói cho hợp tình hợp cảnh? Ít phút suy tư, tôi lấy lại tâm trạng thăng bằng và cầm mũ đi ra tìm phương tiện di chuyển. Bỗng thấy Đại Úy Nguyễn Văn Hữu lái Vespa dừng lại hỏi,”có phải anh lên An Ninh Quân Đội không, tôi cũng đi và anh leo lên sau tôi chở, mình cùng đi”. Biết Hữu là thành viên Đại Việt miền Nam nên tôi suy ra là sự việc có lẽ dính vào vụ dội bom dinh Độc Lập vì cả Quốc lẫn Cử đều liên hệ đến Việt Nam Quốc Dân Đảng mà thời kỳ 45-46 Đại Việt chẳng đã núp danh VNQĐD là gì. Như vậy thì có thể thu hẹp vào hướng này và suy đoán tại sao Tư Lệnh Không Quân có vẻ vừa tức tối vừa tự mãn khi ra lệnh cho tôi trình diện Đỗ Mậu.

     Khi đến số 5 Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Hữu thả tôi xuống và anh ta đi về hướng khác. Tôi lấy hết can đảm hít vào thật dài và bước qua cổng đến bực thềm lên văn phòng Đại Tá Mậu. Lên ba bậc tam cấp, tôi thản nhiên vào văn phòng thì gập một Đại Úy trẻ cỡ ba chục tuổi ngồi sau một bàn giấy có một dàn điện thoại. Tôi dơ tay chào thì hắn ngước bộ mặt quan trọng lên và nói ngay, “Anh vào đây mà còn nhâng nhâng nháo nháo à”? Có lẽ hắn không có cảm tình với Không Quân, hoặc giả vụ Quốc Cử đã gây ra một không khí thù hận? Tôi thấy nóng mặt liền to tiếng sủa lại, “Tôi với anh đều cùng lon Đại Úy; theo phép lịch sự tôi chào anh trước mà anh ăn nói ngang ngược như vậy. Hay đây là chỗ chuyên tra tấn đánh đập. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách của các anh”!

     Vừa nói xong thì cánh cửa lim nâu bóng vụt mở toang và tên Đại Úy Chánh Văn Phòng đứng phắt ngay dậy. Hiện ra trong khung cửa là Đại Tá Mậu mà tôi chưa từng gập mặt. Môt gương mặt khắc khổ, da đen nâu, má hóp, lưỡng quyền cao, đeo cặp kính đen to, cổ áo trưng ba bông mai bạc sáng lóe. Tôi chưa định thần để dơ tay chào thì ông ta bước ra, ôm choàng lấy tôi và nói thân tình như với người bạn đã lâu gặp lại: “Cung vào đây với mình”! Rồi ông nắm tay tôi kéo vào phòng dưới cặp mắt chắc là quá ngạc nhiên của viên Đại Úy xấc xược. Tôi đi theo vào một căn phòng to lớn, tối mù mù vì cửa sổ treo toàn các màn cửa dầy và mầu xẫm. Chỉ có mỗi một ngọn đèn trên bàn giấy vĩ đại kê xa cuối phòng, có chụp mầu xanh ve hắt ra một thứ ánh sáng nhợt nhạt mờ ảo càng tăng thêm vẻ bí hiểm cho khung cảnh. Ngay cửa để một con cọp nhồi bông nhe răng dữ tợn. Tôi xớ rớ không biết xưng hô ra sao thì Đại Tá Mậu kéo tôi đến bàn giấy chất đống hồ sơ và ắn tôi ngồi xuống ghế phía trước. Sau khi ngồi ông nói với một giọng Quảng Bình trầm trầm rất thân thiện làm cho tôi hoang mang không biết xử trí ăn nói ra sao.

     Tôi vừa mở miệng “Thưa Đại Tá” thì ông xua tay, “Cung để mình nói”. Và ông tuôn ra một hơi, “Mình biết tất cả các hoạt động của Cung từ trước đến giờ vì lòng yêu nước nhiệt thành. Ở cương vị của mình, mình thấy rõ tụi cộng sản hoạt động nguy hiểm như thế nào với kế hoạch Mặt Trận Giải Phóng của chúng đánh lừa nhiều người miền Nam thật thà”. Tôi chợt suy về vụ mình làm gián điệp cho Việt Minh chống Pháp hồi trước nên há miệng định nói thì ông ta dơ tay chận lại và tiếp tục: “Cung nhìn thấy cả chồng hồ sơ trên bàn, toàn là những việc cấp bách nguy hiểm. Sở dĩ mình còn ngồi lại đây lúc này là vì mình rất thương Cụ. Tuy nhiên ông Nhu “sectaire” quá xá. Mình cam đoan với Cung là kể từ hôm nay sẽ không ai theo rõi đường đi nước bước của Cung nữa. Cung đeo lon Đại Úy từ 1956. Đây giấy tờ của Cung, mình sẽ ký thuận cho Cung lên Thiếu Tá ngay”. Sau khi nói thêm vài câu tâm tình ông bắt tay cho tôi ra về, giải tỏa cho tôi các lo âu trong lòng, không dè mà sự việc lại xẩy ra một cách quá bất ngờ như vậy.

     Trở về đến Bộ Tư Lệnh Không Quân vừa ngồi vào bàn giấy thì lại đã có lệnh gọi vào trình diện nữa. Nhin thấy Nguyễn Xuân Vinh mặt xần xùi có những mảng bầm tím đỏ, chồm lên mặt chiếc bàn giấy quá khổ, bạnh hàm ra nghiến răng nói, “Anh được Đại Tá Đỗ Mậu che chở hả? Đừng tưởng như thế là xong đâu. Tôi chỉ nhấc chiếc điện thoại này lên là anh biết”. Ông Tư Lệnh của tôi vừa nói hùng hổ vừa chỉ vào một trong ba bốn chiếc điện thoại xếp trên góc bàn. Ý hẳn có chiếc “điện thoại đỏ” nối trực tiếp với ông Nhu. Tôi tức sôi ruột chợt suy nghĩ “nhân tình thế thái” và dơ tay chào rồi quay phắt ra không nói đi nói lại một lời. Ngồi xuống bàn trong lòng ngao ngán, nghĩ đến lúc còn cùng học tại trường Salon de Provence bên Pháp, tình bằng hữu tưởng như khăng khít. Tại sao con người có thể thay đổi như vậy chỉ vì tham vọng địa vị? Hay là hắn ghen tị với mình vì nhẩy đầm lả lướt? Hay hắn cay vì khi động viên vào trường Nam Định rồi đi Salon như một “poussin” mới nhập ngũ trong khi mình nhờ “chó dắt” mà đeo luôn lon Thiếu Úy, ở nhà ngoài, không phải qua giai đoạn ắc-ê? Hoặc giả anh ta vẫn tự đấm ngực là có văn bằng Math Géné trong khi mình đã qua Math Spé, Math Géné và cả Méca Rat nữa? Thôi thì chấp nhận cái tự ti của một đối tượng đã nhờ thời thế nắm quyền sinh sát trong tay!    

     Bẵng đi khá lâu, vào khoảng chin giờ sáng tháng Bẩy 1962 Phạm Ngọc Thảo lại điện thoại cho biết là đang theo học Anh ngữ tại trường Sinh Ngữ Quân Đội để sửa soạn qua Mỹ dự khóa học Tham Mưu ở Fort Leavenworth. Anh ta rủ tôi buổi trưa qua Tổng Tham Mưu dùng cơm cho vui. Khi tôi nói là không có phương tiện di chuyển thì anh bảo “Tôi sẽ sang đón”. Đúng mười hai giờ trưa Thảo lái xe Jeep qua và tôi xách mũ leo lên xe anh. Tôi đinh ninh là chúng tôi sẽ ghé Câu Lạc Bộ sỹ quan nhưng khi qua cổng thì Thảo lại rẽ qua tay trái tiến đến giẫy nhà của cấp Tướng và đậu lại. Xuống xe, anh hướng dẫn tôi lên cầu thang đến lầu hai và quẹo mặt tới một căn kế căn bìa. Anh điềm nhiên mở cửa cho tôi cùng vào. Gập một Trung Tá Lục Quân lạ mặt niềm nở bắt tay tôi và được giới thiệu là Trung Tá Phạm Đăng Tấn, Phụ Tá của Đại Tá Đỗ Mậu. Trung Tá Tấn lăng xăng mở tủ lạnh lấy ra các món thịt nguội jambon, saucisse, cornichon bầy ra bàn với dao nĩa bánh mì và khăn giấy. Thật là bất ngờ cho tôi, và cả ba người cùng ngồi ăn.

     Thì ra đây là căn nhà của Đại Tá Đỗ Mậu. Mở đầu câu chuyện, Thảo đi thẳng vào vấn đề là tình hình chính trị quá rối rắm trong khi Cộng Sản ngày càng mở rộng mặt trận chính trị đi đôi với nỗ lực quân sự. Các chống đối của nhóm sinh viên trí thức cộng thêm vấn đề Phật Giáo càng làm cho chính quyền nghiêng ngửa và dư luận thế giới hết sức bất lợi. Vậy phải có một thay đổi mới mong chỉnh đốn lại được. Đang hình thành một cuộc đảo chính mà quân đội đóng vai trực tiếp. Nhiều Tướng lãnh đã đồng ý, nhất là ông bên cạnh (Tướng Trần Thiện Khiêm). Hải Quân đã xong, nay xin hỏi một câu, “Cung, toa có thể nắm lấy chỉ huy Không Quân không; chỉ cần cho vài máy bay lên vè vè huy trương thanh thế và Không Quân cho một ít lính, không cần biết bắn cũng được, đứng tại các góc phố làm vì thôi”? 

     Nghe đến đó tôi trả lời ngay là không được vì theo tập tục quân chủng thì cần có một người phi hành chỉ huy. Trung Tá Tấn bảo ngay, “Vậy anh có thể đề nghị một tên không”? Sau khi tôi cùng Tấn duyệt xét một số tên sỹ quan Không Quân như Nguyễn Ngọc Oánh, Võ Dinh, Võ Xuân Lành, Huỳnh Bá Tính, Võ Công Thống, Nguyễn Huy Ánh, Nguyễn Văn Lượng, Trần Văn Minh, Phạm Long Sửu…, chúng tôi đều không thấy ai thích hợp được (Trung Tá Tấn nắm vững tĩnh hình tất cả các sỹ quan trong quân đội) thì tôi đưa tên Nguyễn Cao Kỳ vì y đang bất mãn mất chức chỉ huy Liên Phi Đoàn Vận Tải và sửa soạn đổi ra Nha Trang làm huấn luyện viên phi hành. Tôi nói thêm là Kỳ có tiếng bay bổng, được anh em mến nhưng phải cái hơi nông cạn tuy liều lĩnh như một Don Quichote.

     Cả Tấn và Thảo đồng ý và bảo tôi tìm cách liên lạc móc nối Kỳ. Tôi nói sẽ cố gắng, tuy nhiên sự giao hảo giữa tôi và Kỳ không tốt đẹp lắm, vì hồi 1955 tôi hay mò sang đơn vị của Kỳ trong buổi trưa khám mấy sợi cables điều khiển bánh lái. Khi thấy nhiều sợi bị tưa đứt tôi liền đề nghị Trung Tá Hổ ra lệnh ngưng bay chờ thay cables mới. Kỳ nổi sùng và trong một buổi họp tại Bộ Tư Lệnh anh ta đã nói, “Từ giờ tôi không muốn thấy ông Đại Úy Cung leo lên máy bay của tôi mà không có phép của tôi”. Đại Tá Hổ ôn tồn phản bác “Đại Úy Cung làm việc là thay mặt tôi”. Kỳ im bặt và từ bấy giờ trở đi sư liên hệ giữa tôi và Kỳ hết sức lạnh nhạt. Thảo với Tấn đồng thanh, “Chuyện vặt mà anh Cung, anh Cung cố gắng đi”!

     Lúc về nhà tôi suy nghĩ nát óc cách thức mồi Kỳ. Sực nhớ đến tủ trưng bầy rất nhiều chai rượu quý giá mà các học trò ngoại quốc tặng. Tôi không uống rượu nên chỉ xếp đẹp mắt trong tủ kính để ngắm nghía. Biết Kỳ là một tay mê rượu ngon nhưng nghèo, sáng hôm sau tôi lấy ra một chai Johnny Walker Black Label bỏ vào túi giấy xách qua Liên Phi Đoàn Vận Tải. Khi tôi bước vào văn phòng Kỳ thì thấy anh ta đang lúi húi dọn các ô kéo, ý chừng sẵn sàng nhường chỗ cho người thay thế, sắc mặt mất hẳn cái hào khí thường nhật. Tôi dơ tay chào rồi để túi rượu lên mặt bàn và nói, “Tôi có nhiều rượu quý do các học trò ngoại ngữ biếu mà không biết uống. Nay thấy anh sắp đổi nhiệm sở, tôi nghĩ đem một chai qua biếu anh làm quà”. Kỳ gật gù rút chai Johnny Walker ra ngắm nghía rồi cám ơn một cách nhẹ nhàng.

      Trưa tôi về nhà và sửa soạn ngồi vào bàn ăn với vợ con thì xe Jeep Kỳ xịch đến trước cửa. Kỳ chậm rãi bước vào nhà và ngồi xuống divan, nét mặt suy tư. Tôi bỏ bát đũa chạy tới ngồi cạnh Kỳ thì anh ta nói ngay, “Moa cám ơn toi cho moa chai rượu quý. Tuy nhiên moa suy đi nghĩ lại việc lạ ấy. Vậy phải đến hỏi cho ra nhẽ, có chuyện gì đàng sau”? Kể ra thì Kỳ cũng tinh và nhậy cảm thật. Tôi liền kể cho anh ta biết buổi họp trưa hôm qua với Trung Tá Tấn và Trung Tá Thảo trong căn nhà của Đại Tá Đỗ Mậu và không quên nhấn mạnh với anh là việc tối mật và tối nguy hiểm. “Vậy anh có đồng ý không thì cho tôi biết ngay, và người ta sẽ phối hợp thẳng với anh”. Thì Kỳ không cần suy nghĩ, nét mặt bì bì không thay đổi, bắt tay tôi xiết thật chặt và nói mỗi một câu ngắn gọn, “OK”.

     Sáng hôm sau là Thứ Bẩy. Tôi đến nhà Thảo ở một biệt thư khang trang nằm ở số 51 trên đường nhỏ Tự Đức miệt Dakao. Nhà có cổng sắt và rào sắt kín đáo, có lính canh đứng sau cửa cổng. Lần đầu tiên tôi đến nơi này và theo chỉ dẫn của Thảo tôi đã thuê taxi đợi trả tiền trước để đề phòng mật vụ. Lại một lần nữa đóng vai trò điệp viên, nhưng tuy trong phe ta mà lại phập phồng hơn hồi xưa xông vào sào huyệt của Pháp nhiều. Có lẽ bây giờ mình đã vợ con đùm đề nên không còn cái liều mạng của thời son trẻ nữa.

     Sau khi bấm chuông thì lính gác bên trong xoạch mở lỗ vuông trên cánh cửa sắt ghé mắt ra hỏi. Tôi bước vào một sân lát gạch rộng có nhiều cây cảnh đẹp đẽ và một dàn cây leo che rợp trên một chiếc bàn dài gỗ với hai ghế dài hai bên. Nhà thật vắng lặng, Thảo bước ra trong bộ quần áo pijama thoải mái và anh lính biến mất. Chúng tôi ngồi dưới bóng rợp của dàn cây leo. Sau khi tôi cho Thảo biết về công việc liên lạc tốt đẹp với Kỳ thì Thảo mừng lắm. Thảo nói thế là mọi sự đã xếp đặt xong và thỉnh thoảng tôi nên phối hợp với y để biết chính xác chi tiết khởi sự.

     Theo dự tính thì chính biến có thể xẩy ra nhân buổi duyệt binh thường niên 26 tháng Mười mà lính tráng tham dự cầm súng đã bỏ hết đạn dược. Tuy nhiên kế hoạch đã bị hủy vì những đòn Bravo và Anti-Bravo của cố vấn Ngô Đình Nhu. Như trù liệu, khi súng nổ thì tôi và Thảo sẽ mỗi người  ngồi trên một xe bọc sắt của Dương Hiếu Nghĩa trực chỉ Dinh Gia Long. Vậy tôi phải liên lạc thường xuyên với Thảo để biết tường tận chi tiết, ngày N, giờ G và địa điểm lên xe thiết giáp.

     Hồi ấy vì tôi đã bắt đầu có hai tiêm hớt tóc cho tốp lính Mỹ tiền phưong  của USARIS (United Army Riukiu Island Support) đến từ Okinawa thiết lập hệ thống liên lạc với bộ đầu não của họ nên tôi đã có chút tiền mua được chiếc xe Morris 1100 mới toanh của Saigon Motors mà chủ nhân là ông Nguyễn Thành Niệm. Hôm 29 tháng Mười tôi lái xe đến đậu bãi ở trước Sở Thú, thuê bao một taxi không có vành lốp trắng đến nhà Thảo (xe vành lốp trắng là xe mật vụ). Nhưng khi taxi tốp vào và tôi ung dung bấm chuông thì anh lính gác mở lỗ cổng nhìn ra và nói ngay “Có mật vụ”! Liếc mắt phía bên kia đường tôi thấy hai nhân viên nhà đèn trong đồng phục xanh đang lúi húi làm việc. Tôi nhẩy phắt lên taxi dục trở lại Sở Thú. Khi đi qua một villa có trưng bảng sơn vàng kẻ chữ đỏ “PHÒNG XÃ HỘI PHỦ TỔNG THỐNG” thì thoáng thấy một xe Jeep phóng ra. Thúc taxi chạy gấp lấy xe của mình và phóng một mạch trở về Tân Sơn Nhứt. Dọc đường tôi vượt cả hai đèn đỏ nhưng khi nhìn vào gương chiếu hậu thì không thấy xe đuổi theo.

    Về đến nhà, nghĩ rằng chỉ nội đêm nay hay mai chúng sẽ đến hốt mình, tôi bám trụ kỹ trong căn cứ và không dám lang thang ra khỏi cổng Phi Long. Bởi vậy đêm 31 khi súng nổ tôi ung dung ngồi sau bàn giấy cố hữu, gác hai chân lên mặt bàn có một chiếc radio nhỏ vặn vừa đủ nghe tin tức. Vài bạn sỹ quan Không Quân đảo qua hỏi thăm, cho tôi là một người am hiểu tình hình. Độ bốn giờ sáng thì Kỳ đến với một bọn bốn năm tùy tùng, ai nấy đều mặc ắo bay liền quần mầu xanh xám. Riêng Kỳ mặc một bộ mầu cam của thủy quân Mỹ. Họ đều súng ống xum xuê, lựu đạn lủng lẳng, sắc mặt căng thẳng và quan trọng. Kỳ bảo tôi, “Cung, toa ở đây lo Không Quân; để moa đi bắt thằng Hiền rồi thằng  Sang”. Nhưng Kỳ quên rằng Đỗ Khắc Mai Tham Mưu Trưởng, Cần Lao Ủy Không Quân, mới đáng bắt. Huỳnh Hữu Hiền mới lên thay Nguyễn Xuân Vinh bị đẩy đi Mỹ sau vụ Quốc Cử làm loạn còn Phạm Ngọc Sang là người luôn luôn lái phi cơ chở Tổng Thống. Họ chỉ là những quân nhân thuần túy, người miền Nam hiền lành thật thà và thi hành nhiệm vụ một cách đứng đắn nghiêm chỉnh. 

     Cuộc đảo chính vẫn tiếp diễn cho đến khi nghe tin đột ngột Tổng Thống và Cố Vấn bị thảm sát trên xe bọc sắt chở hai ông về Tổng Tham Mưu. Nghe nói tin này đã gây bàng hoàng cho nhiều Tướng lãnh có mặt trong Bộ Tổng Tham Mưu và người ta thấy Trung Tá Phạm Ngọc Thảo xách máy ảnh chụp cảnh tượng thê lương khi bửng xe bọc sắt được mở ra. Theo sách Thép Đen của Đặng Chí Bình thì quản giáo Hỏa Lò đã lập tức dùng loa phóng thanh công bố cho toàn trại tù một cách mãn nguyện tin tức oan nghiệt này.

     Viết bài này tôi không có chủ định đưa ra những lập luận bào chữa hay phản bác hậu quả của cuộc chính biến Mồng Một tháng Mười Một. Công việc ấy để cho lịch sử xét đoán. Tôi chỉ muốn đưa ra những nhận xét cá nhân theo một nhãn quan, tai nghe mắt thấy, để cho người đọc tự suy đoán, ai chủ động và ai phối hợp. Riêng với Đại Tá Đỗ Mậu, tôi có hai điều tiếc. Sau mười năm chật vật nuôi vợ con trên đất nước này tôi mới có thì giờ nghĩ đến tìm hiểu tại sao ông ta đối xử với tôi một cách quá bất ngờ như vậy? Tôi chưa giáp mặt lại ông để cám ơn cứu tử đối với tôi thì ông đã ra đi vĩnh viễn trên Fresno.

     Tôi tin chắc trong cuối đời ông cũng có nhiều trăn trở nội tâm. Khi đọc cuốn Hồi Ký “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” của ông, do bạn trẻ Đào Vũ Anh Hùng gửi cho mượn, tôi thấy rằng ông là một người chân phương theo lễ giáo Khổng Mạnh khác hẳn những điều mà người ta thường nói về ông. Sinh từ một gia cảnh thanh bần ở đất nghèo Quảng Bình cùng xứ với Võ nguyên Giáp và Ngô Đình Diệm, ông gia nhập lính Khố Xanh rồi đổi ra  làm huấn luyện viên Hạ Sỹ Quan tại Huế. Ông đã có dịp gập Thượng Thư Ngô Đình Diệm treo ấn từ quan và hai người trở thành tri kỷ, trao đổi những u uẩn nội tâm về tình hình nước nhà. Bởi vậy phải nói rằng Đỗ Mậu là người đầu tiên, một thứ khai-quốc-công-thần, đã hăng say cổ võ cho sự trở về của Ngô Đình Diệm.

     Trong khi giữ chức Đại Tá Giám Đốc An Ninh Quân Đội, ông đã cư xử vô cùng nhân hậu với những thành phần chống đối và quảng đại với các người mà ông cho là giỏi có nhiều triển vọng trong quân đội. Ông kể lại chuyện lúc Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Xuân Vinh từ một chuẩn úy năm 1955 được thăng Đại Tá năm 1960, đến tư gia ông trong Đại Bạch Phục mang theo cặp ba Mai Bạc còn gói kỹ trong túi xin ông tự tay gắn lon mới cho Vinh, đền đáp ơn Hãn Mã. Nghĩ lại, ngày tôi bị gọi lên run sợ trình diện ông và được ông đối đãi thân tình, ký giấy thuận cho lên Thiếu Tá mà tôi không có một lời cảm ơn, chỉ chào xách nón hân hoan ra về, thì thật quả là thiếu sót.

     Riêng Nguyễn Cao Kỳ trong khi còn bần hàn đã được ông che chở tận tình trong vụ bà chi buôn thuốc phiện từ Lào về. Kỳ thường lui tới nhà riêng như em út, điềm nhiên mở tủ lạnh ăn uống thoải mái. Lúc bà mẹ chết và chỉ ước được chôn tại Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi thì Kỳ đến xin giúp đỡ và Đỗ Mậu đã bỏ ra 30 ngàn mua cho miếng đất. Sau này ông bị Hội Đồng Quân Lực cho về hưu đi nghỉ mát ở Nha Trang, lúc Kỳ lên làm Thủ Tướng đã có lần cho mời Đỗ Mậu đến văn phòng để bắt ngồi đợi cả giờ trước khi đàn em hồi xưa thủng thỉnh ra tiếp để nói vài câu vu vơ. Thật là nhân tình thế thái, “Thức lâu mới biết đêm dài”!

     Dần dà ông thấy những nhược điểm của Ông Diệm còn nặng lề lối quan liêu. Rồi vấn đề Phật Giáo nổ lớn do chính sách bài đạo nghiêng về các cha cố di cư phong kiến miền Bắc Bùi Chu Phát Diệm. Thêm vào đó sự gia đình trị rõ ràng với lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long, cố vấn Ngô Đình Nhu trong vai trò điều khiển Mật Vụ, bà Nhu Trần Lệ Xuân xấc xược và bạo ngược áp đảo cả Tổng Thống đã thúc đẩy Đỗ Mậu về phe bí mật chống lại chính quyền đang đi vào con đường bế tắc hoàn toàn.

     Tuy nhiên kết quả vụ Đảo Chính đưa đến cái chết thê thảm của hai anh em ông Diệm đã cho ông một bất ngờ quá buồn lòng của một con người đạo đức, tiết nghĩa và liêm khiết trong một xã hội bát nháo. Song tôi nhận thấy rằng tuy ở cương vị Giám Đốc An Ninh Quân Đội ông đã biết nhiều tin tức nhưng ông đã không rõ được những cái khúc mắc chính trị nên đã có nhiều ý tưởng sai lầm hay thiên lệch về thời Đệ Nhất cũng như Đệ Nhị Cộng Hoà. Trong phần cuối cuốn Hồi Ký của ông lối viết thay đổi qua một thể văn hằn học không như lúc đầu chân phương đôn hậu. Ông chỉ trích ông Diệm cũng như ông Thiệu dựa lên Thiên Chúa Giáo quá mức đưa thế nước vào bế tắc. Ta nghĩ rằng ông không viết hết hồi ký mà để cho con cháu hoàn tất nó.

     Thì con người đâu có thể toàn vẹn được. Chỉ nghĩ hình ảnh ông và gia đình cũng phải di tản ngày cuối cùng bằng ghe và lưu lạc đến một trại di cư Thaí Lan trong năm tháng trời trước khi đến được Mỹ, ta cũng phải hiểu là sự am tường tình hình còn giới hạn của ông. Ông cũng nói đến Phạm Ngọc Thảo mà không có lời bình luận gì về vai trò “điệp viên thượng thặng” mà Bắc Việt túm lấy tuyên truyền và nhiều người nghi ngờ . Requiestcat in Pace cho Đại Tá Đỗ Mậu.

-----------------------------------------

Tham khảo.- Việt Nam Khói Lửa Quê Hương Tôi, Chương XII, Hai năm cuối cùng, trang 472 về Chuẩn Úy Nguyễn Xuân Vinh.

Chương XVIII, trang 769, Nguyễn Cao Kỳ, đàn em thân thiết.             

Zone de Texte:  

 


TRẦN ĐỖ CUNG

Sinh ngày 28 tháng Ba năm 1922 tại Nho Lâm, Nghệ An.

Chính quán tại Nhị Khê, Hà Đông. Trưởng thành ở Thanh Hóa.

Tốt nghiệp Thành Chung tại Collège de Thanh Hóa, nhập học trường Quốc Học Khải Định Huế và tốt nghiệp Tú Tài toàn phần toán năm 1942.

Ra Hà Nội học môn Toán Chuyên Biệt (Mathématiques Spéciales) ở trường Albert Sarraut và đậu các bằng Toán Học Tổng Quát (Mathématiques Générales), bằng Cơ Học Lý Tưởng (Mécaniques Rationelles) năm 1944 và 1945.

Trong thời kỳ này hoạt động tích cực với Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương, Tráng Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn của Hoàng Đạo Thúy. Và tham gia phong trào ái quốc Việt Minh chống Pháp cho đến khi trở về Hà Nội năm 1947 làm gián điệp đột nhập đầu não của Pháp ở Thành Pháo Thủ. Năm 1949 thành hôn với cô Nguyễn thị Bảo là con cụ Phủ Nguyễn Đình Tại. Nhận làm Giám Đốc Thể Dục Thể Thao cho Bộ Trưởng Nguyễn Tôn Hoàn và di chuyển vào Sài Gòn.

Động viên nhập ngũ năm 1953, du học Pháp Quốc tại trường Không Quân Salon de Provence và tốt nghiệp cuối năm 1955 với bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hàng Không.

Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thanh Niên năm 1964 rồi Tổng Cuộc Trưởng Tổng Cuộc Tiếp Tế 1965-67, ngang hàng Thứ Ủy trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, đương đầu và phá vỡ sự phong tỏa kinh tế Thủ Đô của Việt Cộng.

Về hưu quân đội Tháng Mười 1972 với cấp bậc Trung Tá và vào thương trường cho đến khi mất nước thì may mắn di tản qua Mỹ Tháng Tư 1975 rồi được bảo trợ về định cư tại Monterey California cho đến nay. .

Prunedale, 2 Tháng Ba, 2007

Tác phẩm



Câu chuyện một di dân tị nạn Việt

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.