.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC

 

Cái chết của ông Ba Mươi

  • PSN - 21.11.2010 | Lê Minh Văn

Lời tác giả : Ngọai trừ các nhân vật và sự kiện thật của lịch sử Điện Biên Phủ do các sử gia và nhân chứng Pháp kể lại, tất cả những nhân vật khác, tên các đơn vị và bối cảnh truyện đều là hư cấu. Những trùng hợp ngẫu nhiên, nếu có, nằm ngòai chủ định của người viết ; vì ở đây tác gỉa chỉ muốn đề cập đến yếu tố con người và thân phận của nó trong những điều kiện khác nhau của lịch sử.

 

 

Thời tiết thay đổi nhiều. Cuối tháng sáu Paris đã có những ngày nắng đổ lửa. Trên những đường phố xe cộ dần thưa thớt. Rất nhiều người Paris đã rời thành phố đi nghỉ hè, không như thông lệ lấy grandes vacances tháng tám là tháng tương đối đẹp, nắng ráo, ổn định nhất trong năm.

 

Tôi tìm chỗ đỗ xe bên bờ rừng, cách cổng vào sở thú khá xa vì khó tìm chỗ đậu. Những ngày nóng bức người Paris không đi nghỉ hè thường vào rừng Vincennes hóng mát. Một phần rừng có sở thú nổi danh này thuộc quản hạt Paris. Đường RER tốc hành và métro của đô thị đều có trạm dừng ở trung tâm thị trấn, không xa rừng Vincennes.

 

Giá vé vào cửa giảm phân nửa. Từ ít lâu nay, một phần thú lạ ở đây đã di chuyển đi những sở thú khác, do việc quản lý lỗ lả. Tòa Đô chánh Paris lại không có tiền tài trợ cho chi phí điều hành và nuôi dưỡng thú vật. Phần khác ngọn giả sơn bằng bê tông cốt sắt là biểu tượng của sở thú đã hư hại nhiều nơi, không bảo đảm an tòan cho du khách lên vọng cảnh vùng Vincennes và tòa lâu đài của vua chúa Pháp thời Trung cổ. Sở thú họat động cầm chừng chờ tìm nguồn tài trợ của các định chế tài chánh, hoặc tiền đóng góp của dân chúng nhằm hồi phục vị thế cũ của một trong những sở thú lớn nhất nước Pháp.

 

Tôi rẽ phải theo thói quen. Đi qua kiosque bán kem tôi nhớ thằng cháu nội. Lần nào cũng vậy, vào cửa là nó dẫn tôi đi về lối này để ăn hai boules kem dâu. Dưới bóng mát của chiếc dù sọc, thằng bé nhìn vơ vẩn lên ngọn giả sơn, liếm láp chất kem mát lạnh. Vừa bốn tuổi mà Maxime đã biết rất nhiều điều, quan sát tinh tường. Cháu đặt câu hỏi :

 

Papi có biết đến khi nào thì ngọn gỉa sơn có thể mở cửa trở lại để Maxime có thể trèo những bậc thang lên tận đỉnh kia kìa ?

 

Tôi lắc đầu chưa kịp trả lời thì cháu tiếp :

- Chắc còn lâu lắm phải không Papi ? Cháu đi ngang qua lần rồi không thấy người ta làm travaux, sửa chữa lại công trình.

 

Tôi nói lơ lững :

- Sớm muộn gì thì người ta cũng phải tân tạo lại sở thú. Mục đích chính không phải để kiếm lợi tức, nhưng nhằm cung ứng cho người dân Paris và vùng phụ cận một nơi giải trí xứng đáng vào cuối tuần và những dịp hè.

 

Chờ cháu ăn xong cây cornet kem, tôi tìm một góc cạnh đẹp của hòn giả sơn, chụp cho nó vài pô hình kỷ niệm.

 

Maxime hướng dẫn tôi đi tiếp. Chỗ thăm thú đầu tiên là chuồng nai. Ông bà nội đã dẫn cháu đi xem phim Bambi cách đây không lâu. Nó rất thích và cảm động thấy nhân vật chính của cuốn sách hình nổi tiếng Walt Disney xuất hiện trên màn ảnh lớn. Bây giờ đối diện với Bambi thật, giữa những chú nai tơ lông còn những đốm nâu, thằng bé trăm trô nói chuyện như hai người bạn từ lâu lắm không gặp.

 

Tôi muốn tạt qua xem chuồng hổ và sư tử. Thằng bé nói không vì một lần mẹ nó đọc sách cho nghe cọp là loại thú dữ ăn thịt người. Nó sợ phải nhìn thấy giống vật hung dữ ấy. Nhưng qua collection « le monde des animaux - thế giới lòai vật » nó biết rất nhiều về các lòai thú. Đặc biệt về cọp nó thuộc nằm lòng từng đặc tính, nói lòai bạch hổ Sibérie có con dài đến hai mét rưỡi, cân nặng đến hơn hai trăm ký lô. Tôi kể cho nó nghe đã từng thấy tận mắt một bộ da cọp lớn lạ kỳ ở nhà một ông Trung tá tiểu khu phó trên cao nguyên Việt nam. Bộ da chiếm trọn một phần phòng khách, chiều dài từ đầu đến đuôi đo đến những ba mét rưỡi. Ông vạch cho chúng tôi xem bảy dấu sứt trên vành tai do cọp tự xé rách sau khi bắt người để ghi dấu chiến công..

 

Đại đội địa phương quân bảo vệ những thôn ấp bị đe dọa phải dày công săn đuổi vì cọp đã thành tinh, khôn linh vô cùng, né tránh hết mọi âm mưu săn bẫy. Nhưng cuối cùng cũng phải chết bỡi những trái mìn claymore định hướng gài ở những chỗ con cọp không thể ngờ được…

 

Thật ra tôi muốn xem cọp vì tò mò. Lần đầu tiên dẫn mấy đứa cháu họ thăm sở thú, tôi đã chú ý đến chú hổ đực hùng hổ đi lại trên thềm đất cao, sau những chấn song sắt. Thọat nhìn tôi ngỡ chú muốn diệu võ dương oai khi có người đến gần. Nhưng không phải thế. Thái độ nóng nảy tột cùng của chú rõ ràng là cung cách của kẻ « gậm một khối căm hờn ở trong củi sắt » Thân hình chú không đẩy đà như những chú sư tử yên phận nằm nghỉ ngơi nhởn nhơ dưới bóng mát sau bữa thịt mà người ta phát cho không. Chú hổ ngược lại không thèm ngó ngàng đến tảng thịt đỏ thẩm do người nuôi chúng liệng vào. Có lẽ chú chưa đói chăng ? Hoặc là bản tính trầm tỉnh ít háu ăn nên chú để dành đó chờ lúc cần ăn ? Chú bực bội đi đi lại lại. Lần ấy tôi dừng lại khá lâu lẳng lặng nhìn chú. Cái thân hình cân đối không vạm vỡ, nói cho đúng là hơi ốm làm nổi rõ những vệt sọc đen uốn lượn nhịp nhàng với những động tác đi đứng đường bệ. Trong cung cách nóng nảy uất hận của chú tóat ra một cái gì đó đáng kính, đáng nể hơn nhiều chú sư tử với thân hình đồ sộ oai hùng lại cam phận thỏa thuê nằm gặm từng mảng thịt trước mắt bàng quan thiên hạ.

 

Tôi rời chuồng nghĩ rằng cũng có lúc chú cọp gẩm thân phận tù đày của mình, nổi giận một chút đó thôi. Nhưng cả năm sau, vợ chồng tôi lại có dịp dẫn thằng cháu nội đi thăm vườn thú. Nhân khi thằng bé đang mải mê nhìn ngắm mấy con thiên nga trắng trên giòng suối nhân tạo uốn lượn không xa chuồng cọp tôi nháy nhà tôi trông chừng thằng bé tạt nhanh qua thăm con mãnh hổ. Chú vẫn thế, cao ngạo, đường bệ và phẫn nộ đi đi lại lại trên bậc thềm cao, như nổi căm hờn không nguôi trong lòng chú về thân phận của kẻ sa cơ. Và chuồng bên dưới, gia đình chú sư tử hèn nhát an phận vẫn nằm ngơi nghỉ thỏai mái sau bữa thịt.

 

Lần thứ ba, chỉ hai ông cháu đi thăm vườn thú. Không thể rời Maxime để trở lại chuồng cọp, tôi tính tóan một lối đi tắt qua vườn khỉ, nhân dịp phóng một cái nhìn lên mô đất cao, giang sơn giam cầm của chú cọp. Qua đầu hàng dậu cắt xén thẳng tắp tôi rùng mình thấy ông hùm vẫn đi lại trong tư thế bất bình giận dữ. Thì ra nổi căm hờn bị cầm giữ không bao giờ nguôi trong lòng lòai linh thú mà ở quê tôi bên Việt Nam, nhất là miền cận sơn người ta kính cẩn gọi bằng « Ông cọp » hoặc kiêng kị không dám gọi đích danh mà cho số « Ông Ba mươi » ! Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu nổi tại sao là « ông ba mươi » mà không phải là « ông một » hoặc « ông hai mươi lăm » ?

 

Đây là lần thứ tư tôi một mình trở lại Vincennes, cũng để thăm chú mãnh hổ kỳ lạ. Nhưng trên bậc thềm vắng vẻ không còn bóng « Ông Ba mươi » oai hùng đó nữa. Chỉ còn vợ con chú sống lặng lẽ, đi lại uể ỏai như những chiếc bóng mờ.

 

Tôi ngồi xuống băng ghế, suy nghĩ vẩn vơ về những kỷ niệm, họăc chuyện kể về lòai cọp. Hình ảnh những ông hổ qua những mẩu chuyện huyền hoặc rất đa dạng. Lúc nhỏ tôi say mê đọc « Thần Hổ », sau đó bị ám ảnh nặng về cá tính trả thù với linh khứu ngọai hạng của lòai cọp. Trong thực tế lòai mãnh thú này có sức mạnh kỳ lạ như cọp vùng phía bắc Trung quốc có thể trèo cây, lên cao đến 6 mét để bắt mồi rồi nhảy xuống đất an tòan ; hoặc phóng qua các hàng rào cao đến 4 mét để tấn công người. Ấy là những khám phá gần đây trong một trại nuôi hổ vùng núi Trường Bạch. Ngày trước, những khả năng ngoại hạng này của giống hổ đã được nói đến như chuyện huyền thọai. Vào thập niên 60, một trưởng ấp người Thượng đã kể cho tôi nghe chuyện một con cọp lớn vào ấp bắt một con bê nhà ông. Bị báo động nó cỏng bò con phóng qua hàng rào ấp chiến lược thật dể dàng. Mấy tuần sau nó viếng nhà ông phó ấp. Cọp ngồi xổm dưới mé nhà sàn đang rình rập bầy heo nhốt trong góc đúng lúc gia chủ mắc tiểu. Sau một cuộc rượu cần ông phó ấp chân nam đá chân xiêu làm sao mà từ trên mé sàn rơi xuống đúng trên lưng ông cọp. Nó giật mình phóng lên, bay qua hàng rào cao. Ông phó ấp té lộn xuống đất. Vợ con nghe động rọi đèn tìm, dìu ông lên nhà sàn. Ông sợ qúa nằm liệt giường và á khẩu trong một thời gian khá lâu mới hòan hồn ra khỏi cơn kinh hãi...

 

Tôi ngồi chờ, suy nghĩ miên man khá lâu mà chú mãnh hổ Vincennes vẫn biệt tăm dạng trên thềm đất cao. Tôi thất vọng nghĩ rằng vì chú qúa cứng đầu nên có thể đã bị chuyển trại biệt giam đâu đó. Đầu óc tôi mông lung cảnh giam cầm cải tạo của chính bản thân mình nơi đất Bắc xa xưa. Tôi ngồi xuống băng ghế gỗ đối diện chuồng sư tử, từ đó có thể nhìn thẳng lên mô đất cao, với hy vọng mơ hồ là biết đâu chú cọp mến yêu của tôi lại đột nhiên xuất hiện. Nhưng có thể chẳng bao giờ nữa. Linh tính của tôi bảo thế.

 

Tôi nhìn quanh. Ở băng ghế không xa phía trái, một ông Tây già ngồi đó từ hồi nào đang im lặng quan sát. Bắt gặp tia nhìn của tôi, ông mỉm miệng cười ra dáng chào. Hình như ông muốn đứng dậy hay sao. Rồi lại ngồi xuống, dáng vẻ bức rức. Cho đến một lúc khi tôi không còn để ý nữa thì ông ngập ngừng tiến lại phía tôi.

 

- Xin lỗi ông, tôi có thể ngồi chung băng ghế này ?

 

Không bằng lòng lắm vì bỗng nhiên bị quấy rầy, tôi đáp lơ lững :

- Dĩ nhiên thưa ông. Chỗ công cọng mà ! 

Ông ta lặng lẽ ngồi xuống, lý nhí nói « cám ơn »

 

Tôi không nói gì nhưng lòng không vui, thầm nghĩ :

« Ơn với nghĩa gì. Chỗ ngồi này đâu có phải của riêng tao. Nhưng gía mà mày phú lỉnh đi chỗ khác thì tao có thể yên với kỷ niệm riêng với chú hổ? »

 

Chợt nhiên ông Tây già quay sang tôi :

- Xin lỗi, không phải vì tò mò, nhưng tôi đóan không lầm là ông ngồi đây để tưởng nhớ chú cọp không còn đi đi lại lại trên mô đất cao kia ? 

 

Tôi rùng mình vì nhận xét tinh tế của ông già. Hóa ra ông ta đã quan sát mọi hành tung tư tưởng của mình ?

 

Tôi đáp thành thật :

- Tôi đã xem nhiều sở thú, nhiều chuồng cọp. Nhưng chưa bao giờ có một chú hổ nào có « nhân cách » như chú hổ ở đây.

 

- Hòan tòan đồng ý với nhận xét của ông. Từ lâu lắm tôi cũng bị thu hút bởi tính cách đặc biệt hiếm hoi của « Ông Ba mươi » này.

 

Tôi la lớn :

- Ông nói sao ? Ông ba mươi nào ?

- Là chú hổ đặc biệt của chúng mình theo cách gọi của người Huế vùng cận sơn. Nếu tôi đóan không lầm thì ông cũng là người Việt nam?

- Dạ đúng thưa ông. Tôi là người Việt nam, gốc Huế. Theo cách ông nói tôi đóan già là ông không xa lạ lắm với quê tôi ? 

- Đúng đó thưa ông. Tôi tên là Bernard, nguyên chef de bataillon - tiểu đòan trưởng, đã từng đóng quân ở Huế những năm 1953 - 1954.

- Vậy là ông lớn tuổi hơn tôi đến một thế hệ ! Thời ấy tôi còn bé lắm. Những kỷ niệm về người Pháp chỉ còn lãng đãng nơi đồn « Săn đá » (doanh trại của quân đội Pháp, do chữ soldat ?) hoặc dinh « Ông Sáu » (tư thất của Đại tá Pháp chỉ huy trưởng phân khu) hoặc ở tiệm dancing trên đường Trần Hưng Đạo cạnh rạp Tân Tân, nơi những ông tây bà đầm thanh lịch vẫn đến nhảy đầm. Họăc là những ngày « cách to rui dê - 14/7 » chúng tôi bị cha mẹ cấm cửa không cho ra đường sợ mấy ông tây say, nhất là tây mặt rạch (sénégalais) đánh đập hành hung.

 

Ông khách cười :

- Hóa ra chúng tôi để lại những kỷ niệm xấu đến như vậy sao. Vì tôi đã từng có mặt ở tất cả những nơi còn đọng lại những kỷ niệm thơ ấu của ông. À xin lổi ông tên gì nhỉ ? 

- Văn Thanh - Qui signifie la finesse littéraire !

- Ô, tên ông đẹp nhỉ ! Người Việt nam thường gởi gắm ước vọng của mình qua tên những đứa con. Một truyền thống đẹp, chứ không phải những cái tên tây vô cảm chọn trong lịch thánh của chúng tôi.

- Ông nói thế chứ những cái tên thánh trong một phạm trù nào đó cũng mang những ước vọng đạo đức theo nghĩa công giáo.

- Đồng ý với ông ! Người Tây phương thường thực tiễn. Khoa học từ đó nẩy sinh với những định luật và ước lệ. Cái nhìn của người da trắng chúng tôi vì thế thường đóng khung. Họ tự cho mình là văn minh, và chiếm một vị thế cao hơn những sắc dân khác. Kinh nghiệm sống của tôi ở Viễn đông xác nhận mặc cảm đó, nhưng chỉ ở trong phạm trù tôn giáo và khoa học kỹ thuật mà thôi… 

 

Tôi gật đầu :

- Nghĩa là…

- Chỉ trong những lãnh vực cần đến nghệ thuật tổ chức và phương pháp.

- Tôi chưa hiểu rõ lắm. Trong tôn giáo không cần duy lý.

- Có đấy ông ạ ! Công giáo chúng tôi đặt nền tảng trên đức tin về một đấng sáng thế, chủ thể của vạn vật. Mọi giá trị ở đời phải đồng nguyên về điểm chuẩn này…

 

Ông Tây già dừng lại một chút, dáng suy tư nói tiếp :

- Nhưng thôi, ta không nên đề cập đến đề tài ấy. Tôi không muốn đi sâu vào lãnh vực tâm linh mênh mông này. Vì một biến cố vừa xảy ra hôm qua còn làm xao xuyến tâm hồn tôi.

 

Tôi biết ông khách muốn nói với tôi một điều gì quan trọng, nên im lăng chờ.

- Ông biết không ? - Ông tây già tiếp - « Ông Ba mươi » đã chết chiều hôm qua !

 

Tôi giật nẩy mình :

- Hèn gì… Ông tận mắt chứng kiến cái chết của chú mãnh hổ ? 

- Vâng ạ ! Bằng chính mắt tôi.

 

Ông Tây ôm mặt như cố dấu những xúc động dào dạt trong lòng.

 

Tôi nghĩ có một cái gì uất khúc trong liên hệ giữa ông Tây già, cựu tiểu đòan trưởng trong đòan quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam và chú hổ gìa phẫn hận kiếp kiếp bị giam cầm làm một « trò lạ mắt thứ đồ chơi » cho bàng quan thiên hạ. Đôi khi có những cảm thông siêu hình giữa người và thú, trong khả năng nhận biết và chia sẻ giữa những sinh vật, vượt quá khả năng ngôn ngữ và cấp độ thông minh. Chính ở điểm tế nhị và siêu hình này, nơi mà khoa học thực nghiệm chưa đủ kinh nghiệm soi sáng, đã khai sinh những khả năng truyền thông giữa con người và những giống vật thông minh như giống cá heo trong các cuộc biểu diễn tuyệt vời theo dấu hiệu của người chăm sóc chúng ; hoặc canh chừng phần biển sâu, phát hiện người nhái địch trong việc phòng vệ các căn cứ hải quân.

Qua những cuộc thịnh diễn « cởi ngựa nghệ thuật » những con ngựa nòi đã chứng tỏ một sự cảm thông tuyệt vời với người kỵ mã, dẫn đến những động tác trình diễn khéo léo bất ngờ thích thú. Vài phát hiện gần đây tiết lộ chuyện một chuyên viên truyền thông với thú vật đã đóng vai trò trung gian cho việc phối trí những động tác nghệ thuật khó khăn ấy !

 

Gần gủi ta nhất là lòai chó nuôi trong nhà, rất quyến luyến đến nổi có thể chết theo chủ. Đã có nhiều câu chuyện cảm động và đáng ngạc nhiên truyền tụng về lòng trung thành và tình cảm sâu đậm như chuyện chú chó Buck và tay phiêu lưu tìm vàng Thorton ở Alaska của Jack London chẳng hạn.

 

Trường hợp ông Tây viễn chinh có thể đặc biệt hơn. Có một uẩn ức nào chăng khi tuổi gìa của ông hầu như dành hết cho chú hổ tội nghiệp bị giam cầm mãn kiếp trong góc rừng nhỏ này của Paris ?

 

Bernarrd ngẩng đầu lên quay sang tôi. Ánh mắt ông xa xăm như lạc thần. Hình như trong cái nhìn mông lung thăm thẳm ấy, những kỷ niệm sâu đậm đã in hằn những dấu vết không thể xóa nhòa trong tâm khảm một lúc nào đó bỗng sống dậy, day dứt ông. Một cuộc đời phiêu lưu đầy sóng gió ở miền đất Viễn đông xa lạ hầu như chiếm trọn hết cuộc đời và con tim ông. Tôi nghĩ thế vì trong ánh mắt nhìn tôi đã thấy những trìu mến, dù tôi là một người Việt nam tương đối còn xa lạ với ông. Tôi hiểu ngay rằng những tình cảm tốt đẹp đã gợn dậy trong lòng ông chẳng qua vì tôi cũng quan tâm đến một con mãnh thú cô đơn, lạc lỏng trong cảnh rừng thênh thang này của Paris.

 

Có ai dư hơi sức bỏ công vào đây ngồi hàng giờ chỉ để chiêm ngưỡng những động thái phẩn nộ vô ích của một con hổ về thân phận bị giam cầm của nó ? Với đời sống ầm ầm chuyển động nhanh như ánh chớp của thời đại tòan cầu hóa, người ta chỉ sống với tương lai. Một sự nghiệp rõ ràng chỉ có với những ai ngửi thấy tương lai trong chớp mắt, một tương lai trong phút chốc ẩn chứa muôn ngàn giải đáp phải cân phân, chọn lựa và quyết định cấp thời. Nếu bạn không chộp lấy cơ hội chỉ diễn ra trong một sát na, một đơn vị thời gian cực tiểu trong vũ trụ quan của nhà Phật, bạn sẽ lở tàu và có thể cười đau khóc hận. Thế mà trong thế giới tương tranh cực lực ấy, lại có những con người như Bernard cứ mãi sống với quá khứ xa xăm đã chôn chặt hơn năm mươi năm. Có thể nói một cách sổ sàng mà không sợ nhầm lẫn là những con người như ông ta thì kể như đã hết xài, đã chết. Cả tôi cũng vậy, một người tị nạn vừa từ giả cuộc sống bon chen, một người hưu trí trẻ còn mới toanh mà cũng đã bốn lần ngồi chiêm ngưỡng nổi phẩn hận gàng bướng của chú hổ già thì cũng lạ. Tôi cũng không hơn gì ông Tây gần đất xa trời. Cả hai chúng tôi là những kẻ đang chết với qúa khứ của mình.

 

Bernard mấp máy môi nghẹn ngào nói với tôi :

- Quả là nghiệp chướng. Mãi đến tận chiều hôm qua, nhờ người trách nhiệm chuồng cọp đến lấy xác chú hổ nói cho biết, tôi mới khám phá ra được rằng quê quán « Ông Ba mươi » của tôi ở tận Việt Nam ! Chú hổ là tặng vật của sở thú Sài gòn cho ông Giám đốc sở thú Vincennes nhân chuyến công du của ông ấy qua Việt nam cách đây gần hai mươi lăm năm.

 

Tôi vỡ lẽ những liên hệ, và từ đó là những tình cảm, tuy mới chớm và còn e dè, nhưng khá sâu đậm của Bernarrd dành cho tôi. Đồng thời một dấu hỏi mù mờ chợt hiện ra trong trí tôi. Những liên hệ với Việt Nam, cũng như chú hổ Việt nam mà ông ta vừa khám phá ra gốc gác sau lúc hổ chết thì có hơn gì những tình cảm thường tình của một người văn minh thương xót một sinh vật bị giam cầm ? Có một cái gì khác lạ, ẩn ức, sâu sắc nơi trường hợp « Ông Ba mươi » linh cảm nhạy bén và biết uất hận về thân phận tù hảm của mình ?

 

Bernarrd giải đáp ngay cho những thắc mắc của tôi :

- Lúc đầu tôi vẫn tưởng là một chú hổ bình thường như những chú hổ đủ giống, đủ sắc màu đủ quốc tịch mà tôi đã xem trong khắp các sở thú đông tây mà bước chân phiêu lãng của tôi đã đặt tới. Cũng như ông, Văn Thanh ạ, tôi bị thu hút ngay bởi nhân cách, dáng hùng vĩ của « Ông Ba mươi » Từ tướng đi đường bệ, kẻ cả, đến lối nằm nhẹ nhàng cảnh giác đến cốt cách ăn uống chẩm rãi từ tốn.

 

Đặc biệt là đôi mắt sáng như sao có một mãnh lực thôi miên kỳ lạ. Đôi mắt rất có hồn và uy dũng này phiền thay lại cuốn hút tôi vào những giấc ngủ đầy mộng mị. Những ánh nhìn dữ dội ấy đã đè tôi xuống tận đáy những kỷ niệm đau đớn khiến nhiều khi tôi đã phải thét lên trong những giấc ngủ cô đơn, để tỉnh giấc giữa màn đêm dày đặc của qúa khứ, mồ hôi lạnh tuôn đổ trên tấm thân thể đã trỉu nặng với thời gian. Đó, chính đôi mắt óan hờn đầy uy mãnh ấy đã khuất phục tôi trong tuổi già. Để phải nhớ đến một đôi mắt cũng sáng long lanh, thông minh và uy dũng của một người Việt nam đáng kính đã nằm xuống dưới phát đạn oan nghiệt thù hận của tôi…

 

Bernard lẩm nhẩm một mình, nhưng đủ cho tôi nghe : 

- Vô lý…Ông ta chết đã năm mươi lăm năm nay, trong lúc đời sống một chú hổ chỉ khỏang hai mươi lăm năm…

 

Tôi mơ hồ chợt hiểu, nhưng giữ im lặng. Tôi nghĩ đến một cái chết oan khúc tức tưởi. Có thể nào ông ta lưu luyến trần gian, và vất vưởng đến những ba mươi năm trước khi đi nhận đầu thai làm kiếp hùm ?

 

Bernard bỗng khựng lại, im lặng một chốc lát rồi nói tiếp :

- Xin lỗi ông, Văn Thanh ! Tôi qúa lời đi lẫn vào một kỷ niệm đau đớn mà tôi muốn quên. Sớm muộn gì thì tôi cũng phải kể hết cho ông nghe về một lầm lẫn vô cùng đáng tiếc đã giết chết đời tôi. Nhưng hôm nay qủa thật tôi không muốn mình lạc đường vào một chuyện đáng phàn nàn như vậy...

 

Xin lỗi tôi đã dừng lại ở đâu nhỉ ?…À, tôi nhớ lại rồi…Đôi mắt ấy ! Đôi mắt mà con linh thú vẫn nhìn tôi mỗi lần tôi đến với nó.

 

Như ông cũng biết đấy, tôi thường vào đây thăm chú hổ già. Trăm lần như một, lúc nào chú cũng nóng nảy đi đi lại lại trên thềm đất cao. Có điều không hiểu được là sự hiện diện của tôi hình như làm ông mãnh chú ý hơn những người khác. Mỗi lần thấy tôi đến là chú quay đầu lại nhìn. Trong đôi mắt sắc long lanh hình như có dịu lại những tia hung dữ. Tôi nghĩ là một sự cảm thông lặng lẽ nào đã đến với chú hổ, làm nguôi ngoai cơn phẩn hận.

 

Từ khi biết được lai lịch của hổ tôi cho rằng chính yếu tố Việt nam đã gắn liền những tình cảm dịu dàng xa xứ của chú với tôi, một người ngọai quốc đã dàn trải phần đời chính của mình trên đất nước thân yêu của chú, đã yêu thương đất nước khốn khổ ấy.

 

- Ông nói đúng đấy, Bernard ! Chính tôi cũng thấy đôi mắt ấy dữ dằn giận dữ, nhưng cũng có phần dịu đi khi nhìn thấy tôi. Có khác chăng là ông hổ gìa không thèm nhìn tôi lâu. Sau phút bất thần nhận « đồng hương » ông-ba-mươi cúi đầu rảo bước. Không hùng hổ như trước, mà có vẻ chán chường mệt mỏi trong thân phận tha hương. Bây giờ nghe ông nói tôi mới nhận ra niềm thông cảm ấy của chú linh hổ với một con người Việt nam xa xứ.

 

- Có lẽ chúng mình đã nhân cách hóa một cách thái quá về một con vật, dù là chúa lòai vật nổi tiếng dũng cảm và thông minh. Nhưng một điều chắc chắn mà ông cũng như tôi đều nhìn nhận là « Ông Ba mươi » của chúng ta có một vẻ « người » khác hẳn những con hổ bình thường khác. Nhất là cái nhìn sắc lạnh khiến tâm can tôi phải xao xuyến mỗi lúc giao cảm.

 

Ngày cuối cùng gặp gỡ, chiều hôm qua chứ có xa xôi gì, tôi thấy « Ông Ba mươi » đã mệt mỏi lắm. Ông ấy cũng đi đi lại lại như mọi lần. Nhưng vũ khúc diệu võ dương oai không còn liền lạc nữa. Những vằn đen trên sắc lông vàng - cam sẩm nâu như rời ra, lạc lỏng, chảy xuống ; chứ không như những gợn sóng liên hòan trên tấm thân đường bệ cứ uốn lượn dáng đi trong vũ khúc nghê thường.

 

Khi tôi đến hàng rào ngòai cho khỏang cách an tòan thì « Ông Ba mươi » dừng lại nhìn tôi. Ôi, tôi phải nhớ hòai ánh nhìn đó. Những tia sáng long lanh óan hờn đã chợt tắt tự lúc nào, nhường chỗ cho một nổi chán chường, tuyệt vọng, ai óan. Ông hổ chậm rãi tiến đến gần những chấn song, rồi dừng lại, buồn bả. Thân hình ông ta bỗng rung động. Tôi linh cảm một thứ tiếng nói im lặng sau cùng. Đột nhiên ông hổ gầm rống bằng tất cả sức tàn, lao thẳng vào những chấn song sắt to vô tri đã giam hảm đời tù. Tôi cứng đơ người không cử động được, không thể nào hiểu được hành động bất ngờ này là một toan tính tự hủy hay cơn đau đớn sau cùng đã động mạnh đến cân não chấn thương câm nín của ông hổ…

 

Mọi người kinh hãi chạy tán lọan, riêng tôi vẫn đứng sững bên hàng rào nhìn tấm thân gầy gò của « Ông Ba mươi » đổ xuống, nằm bất động.

 

Nhân viên an ninh báo động. Tưởng có biến cố, một nhân viên mang súng chạy lại phía tôi la hớt hãi :

« Xin tránh ra xa hàng rào an ninh ! Ông có làm sao không ? »

 

Tôi trấn an ông ta bằng một nụ cười méo xệch :

« Cám ơn ông. Tôi chẳng bị gì cả. Có lẽ chú hổ gìa đã chết ? »

 

Bernard thở dài :

- Cũng tốt thôi ! Đọan cuối một oan nghịệt !… 

Rồi như thể để nói cho riêng mình :

« Oan nghiệt ấy bây giờ chỉ còn mình tôi phải gánh chịu…Nhưng có lẽ cũng chẳng còn bao lâu nữa. Ôi, tôi vẫn ngày đêm chờ đợi ngày giải thóat… »

 

Ông Tây chợt đứng dậy, hơi nghiêng ngã. Ông chỉ nhìn tôi chứ không nói giả từ. Tôi ngồi lại chiêm nghiệm những lời bóng gió bí ẩn ông ta đã vô tình hé lộ.

  

Xem tiếp...

 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.