.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC

 

Cư tang

  • PSN - 11.3.2011 | Quý Thể

Gần mười hai giờ khuya công việc dọn dẹp trong quán mới xong. Huyên thấy lúc này là cơ hội thích hợp nhất để ngỏ lời với Ái. Anh ngập ngừng hồi lâu rồi nói :

- Anh tính…

Ái dịu dàng :

- Tính chi anh Sáu ?

Huyên :

- Anh tính ăn Tết xong rồi rằm tháng giêng anh nhờ người tới bỏ trầu cau …

Ái la lên :

- Nói tầm bậy ! Chưa được đâu. Cỏ ở trên mộ chồng em chưa xanh mà !


***

Trong đời Huyên có hai điều ao ước: có tiền mua chiếc xe cúp và lấy Ái làm vợ. Hồi tháng tám anh đã mua được xe cúp, còn chuyện lấy Ái bị nàng khước từ, nàng nại cớ cỏ trên mộ chồng chưa mọc xanh. Anh Hậu – chồng nàng – chết hồi đầu tháng mười một năm Thìn, đến bây giờ cỏ chưa mọc. Đi bước nữa sợ miệng thế gian, chịu làm sao nổi ? Anh nghĩ trời cứ nắng chang chang như thế này cỏ làm sao xanh cho được ? Mấy ông già bà cả đều sợ cái lụt năm Thìn, cái hạn năm Tị, năm nay đúng là năm Tị. Năm trước có bao nhiêu nước ông trời đã trút xuống hết, năm sau khô như rang. Cái này cứ diễn đi diễn lại hoài, đã thành qui luật. Từ hồi ra giêng tới giờ không một giọt mưa, nắng xối xả như trút lửa xuống cánh đồng.

Xã này nằm ven biển, ba phần dân làm ruộng một phần làm muối. Huyên có ba sào ruộng muối. Cái nắng hạn năm nay dân làm ruộng khổ bao nhiêu thì dân làm muối sướng bấy nhiêu. Được cả mùa muối lại được cả giá. Huyên trúng lớn, đủ tiền mua chiếc xe cúp cánh én, tuy cũ nhưng đem ra thợ " tút" lại trông cũng mát con mắt. Gần đây chiều nào anh cũng cỡi xe hóng gió. Anh muốn chở Ái đi chơi nhưng nàng không cho. Ông trời giúp anh thực hiện được cái mộng thứ nhất, nhưng cũng ông trời đỗ nắng như thế này làm anh tan đi cái mộng thứ hai.

Ái có cái quán, sáng bán cà phê, chiều bán nhậu ở ngay trước trụ sở uỷ ban huyện. Ái coi Huyên như một vị thần tài của mình. Sau lần bói bài nàng càng tin chuyện đó. Một hôm vào buổi trưa nàng ngủ gục chỗ quầy hàng. Nàng lúc nào cũng thiếu ngủ, mỗi đêm chỉ ngủ được vài giờ, tửng bưng sáng đã thức mở cửa quán bán cà phê.

Thường nàng dậy từ bốn giờ để chuẩn bị. Đêm, tới mười hai giờ vị khách cuối cùng chưa chịu ra về. Nàng đang chìm nổi trong giấc mộng chập chờn thì có con mụ Bê, làm nghề giát lễ ở chợ kiêm nghề bói bài tây, tới. Ái tỉnh người ngay, nói :

- Bói giùm tui một quẻ đi. Mấy lúc này rủi ro quá, hồi sáng tự nhiên không đụng chạm mà nứt hai cái ly cối. Xế trưa gãy cái móng tay. Người ta nói gãy móng tay xui lắm.

Buổi trưa quán vắng người. Cả hai kéo lại bàn. Mụ Bê xóc bài đưa Ái bốc một con. Mụ Bê lại xóc rồi trải ra mặt bàn bảy con bài. Nhìn một con bài mụ nói :

- Mày đây nè!

Mụ chỉ con đầm cơ rồi nói :

- Khá rồi, khỏi lo, mày được thằng cha này giúp. Lão mười chuồn mà giúp thì hết sẩy. Lão là thần tài của mầy, nhưng mày bị con mẹ đầm bích nó phá.

Ái biết "mười chuồn" là ai, "đầm bích" là ai. Nhìn ra cửa đúng lúc đó Huyên từ trụ sở huyện nhắm quán Ái bước sang. Ái nghĩ thầm, bói bài linh thiệt, mới nhắc đã có. Nhiều lần rồi kể từ cái thất thứ bảy, bảy bảy bốn mươi chín ngày thì anh chàng này đến. Ái để ý cứ hôm nào có anh Huyên trưởng phòng nông nghiệp đến mở cửa hàng là ngày đó buôn may bán đắt. Nhiều lần như thế làm cho Ái tin rằng nàng với anh này hạp tuổi, kết hợp với nhau làm ăn được. Từ đó thấy Huyên thì Ái mời.

- Anh Sáu mai nhớ tới sớm mở hàng giùm em nghe !

- Ừ.

Huyên rất sung sướng, anh luôn cố gắng giữ lời hứa, sáng nào tuy không ghiền cà phê song anh cũng tới sớm mở hàng. Lúc này mới bốn mươi chín ngày của anh Hậu. Ái chưa dám chưng diện loè loẹt. Nàng mặc bộ đồ xoa đen bó sát người, lai áo viền đăng ten thêu hoa rơi màu tím. Nơi hàng cúc áo nàng gắn mảnh vải trắng nhỏ xíu, chỉ bằng chừng nửa con tem, đó là miếng vải tang, dấu hiệu của việc thủ tiết thờ chồng. Nét mặt nàng lúc nào cũng làm bộ buồn buồn khiến cho Huyên thấy nàng có vẻ đẹp não lòng. Anh lo mai đây khi hết tang, nàng lại diện mấy cái áo hoa rộng thùng thình may theo mốt mới sẽ mẩt đi sự hấp dẫn thâm trầm của bộ đồ tang chế ! Mỗi khi nghe Ái mời đến mở cửa hàng lòng Huyên phơi phới. Anh nghĩ giúp cho người quả phụ có đồng ra đồng vào mà mình chẳng mất gì thì sao lại tiếc công! Cho nên dạo gần đây anh có lơ là công tác, mất tiên tiến, chi bộ nhắc nhở, anh chẳng cần chi. Buổi sáng anh xén của Nhà nước nửa tiếng, buổi chiều cũng thế. Ban đêm, hết giờ hành chính, đó là thời gian của anh cho nên anh tự nguyện ở lại cùng nàng dọn quán. Từ chỗ đi lại thường xuyên mà tình cảm giữa hai người nảy nở, ban đầu ít, sau nhiều. Chỉ ngặt có một điều năm nay hạn hán quá đổi nên cỏ trên mộ chồng người cô phụ chưa mọc được.

Bốn mươi bảy tuổi, bổ túc văn hoá lớp mười, gọi là lớp 10 nhưng anh học lai rai cọng lại chưa được bốn năm cũng có chứng chỉ đàng hoàng. Anh làm trưởng phòng nông nghiệp huyện. Huyên vẫn còn mù mờ về thời gian vợ để tang chồng. Anh đem chuyện này hỏi nhiều người thì lại càng tối tăm rắc rối thêm. Mỗi người nói một kiểu chẳng ai giống ai. Người dựa luật tây kẻ luật tàu, người lấy tục lệ tập quán ra mà “vận dụng”.

Trước tiên là ông cụ Luận, bảy mươi hai tuổi, còn khoẻ lắm nhưng cứ ngồi một chỗ, dòm trộm mông đàn bà và chuyên nói chuyện nhân nghĩa lễ trí tín với đám con cháu. Nghe đâu trước kia ông có làm ở toà khâm. Ông nói “Tây chúng nó nhơn đạo với đàn bà lắm. Luật tây bắt mấy con mụ chết chồng ở goá đúng mười tháng mới cho đi thêm bước nữa. Để xem thử thằng chồng trước nó có để lại cái gì trong bụng con vợ nó không ? Chớ nếu cho lấy liền đầu hôm sớm mai con đẻ ra biết của anh nào? Nếu tính thời gian theo lối Tây thì rất có lợi cho Huyên. Nhưng thằng cha Tuân – trước làm Hương bộ - lại nói “Ba năm là ba năm, không được thiếu một ngày!” Cùng quan điểm này còn có lão Ngại làm nghề thầy cúng, có sách thọ mai gia lễ, căn cứ vào sách vở cũ, lão buộc mấy chị chết chồng phải chăn đơn gối chiếc đằng đẵng ba thu. Luật lệ theo phái này khắt khe thật. Ái còn lâu mới được xoá bỏ “cấm vận”. Giữa hai phái này có nhóm thứ ba chủ trương trung dung, tương đối dễ nghe hơn. Mụ Tám, ngày thường bán cá khô, ngày rằm, mồng một, bán tương chao ở chợ Cồn, biết “vận dụng sáng tạo” đưa ra cái thuyết “Cũng là ba năm nhưng chỉ cần thủ tiết một năm tròn, lấy năm trước mấy ngày, năm sau mấy ngày cũng gọi là ba năm”. Nếu áp dụng theo cách này thì Ái chỉ còn năm tháng nữa là đáo hạn. Nhưng cỏ trên “thực địa” chưa xanh, biết tính làm sao ?

Năm nay hạn đến nỗi mấy cái giếng sâu nhất trong làng đều khô. Đồng ruộng nứt nẻ cả, dế than chui vô mấy lỗ nẻ tụi trẻ con chịu thua. Người ta phải quang gánh đi tới chân núi gánh nước giếng khơi về cho người và trâu bò uống. Buổi trưa Huyên nhìn lên gò, chỗ nghĩa địa mấy bụi cây trụi lá rung rinh nhoà đi trong lớp không khí nóng như rang, cảnh vật mờ ảo giống như nhìn qua tấm kính ướt. Huyên buồn rầu nghĩ nóng như thế này cây lớn còn héo làm sao đòi cho có cỏ xanh ?

Còn Ái lại có nỗi khổ riêng của nàng. Trong quẻ bài có con mụ đầm bích nó ám quả không sai. Đầm bích tức là mụ Son, chị con Phấn, hai chị em nhà này giống nhau như đúc. Mụ Son cũng mở quán sáng cà phê chiều nhậu như Ái. Hai quán ngó vào nhau giống như hai ông tướng trong bàn cờ. Ở cái thị trấn nhỏ này khách khứa có hạn, hai chị bắt buộc phải lao vào cuộc cạnh tranh ráo riết. Từ cái thuở nhà nước ta chủ trương bao cấp và người ta còn sợ cả cái chữ quảng cáo và cái từ văn hoa gọi là tiếp thị thì chưa ra đời – thời kỳ đó trong quán thường bày khẩu hiệu “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” nhưng những cô mậu dịch viên ngồi rầu rĩ ở quầy hàng giống như thi sĩ tìm vần thơ. Cái thủơ mà giới ăn nhậu thường gọi đùa các cô là “mắc dịch viên” ngay từ buổi bình minh thương nghiệp tư doanh đó hai chị này đã biết áp dụng kỹ thuật marketing để câu khách. Trước tiên là cuộc leo thang chưng diện. Bên này bộ xoa Pháp, bên kia bộ mútxơlin. Bên này bộ xoa xuýt bóng, bên kia bộ xoa suýt gân. Cứ thế mà làm giàu cho con Lan bán vải trả góp đem đến tận nhà. Sau khi anh Hậu chồng Ái qua đời, Ái bỗng nhiên rơi vào tình trạng hưu chiến bắt buộc. Cho tới khi làm cái giỗ trăm ngày cho chồng xong, Ái tự coi mình được giải phóng hoàn toàn. Nàng lại tiếp tục lao vào cuộc chạy đua vũ trang. Ái chưng diện phấn son như cũ mà lại còn hơn trước. Bởi chị bị mụ Son qua mặt trong thời gian ba tháng mười ngày. Thấy mụ mang đôi dép Thái bảy màu, chị gởi người đi thành phố tìm mua cho được đôi dép Nhật trăm ngàn. Móng tay nàng thay đổi hàng tuần, con nhỏ Liên trưa nào cũng mang thùng đồ nghề tới săn sóc mấy cái móng tay móng chân . Ái đổi từ màu hồng nhạt, cánh sen, dâu tươi, hoa cà, tím sen, nhũ bạc, nhũ vàng. Chị tin bị gãy móng tay không những mất đẹp mà còn xui nữa.

Kết quả cuộc chiến mậu dịch giữa hai người tỏ ra cân sức, cán cân lực lượng khi nghiêng bên này, khi ngả bên kia. Cứ thấy số cốc chén hai người ngồi trước sân rửa thì biết kết quả của việc mua bán. Cũng có một số khách hàng thuộc loại đặc biệt, họ ghi đầy sổ bên này, chạy qua quán bên kia. Số khách này hai chị tự nguyện nhường cho nhau.

Cuộc chạy đua thời trang làm cho nền kinh tế của hai “siêu cường” dần dần kiệt quệ, Chị Son bên kia vét ngăn kéo hết cả tiền, không còn đủ mua ký cà phê bột pha cho khách, phải đem bộ đồ xoa mới may tới cầm cho mụ Sáu Lốp. Bộ đồ may hết sáu chục ngàn mới xỏ tay có một lần mà năn nỉ mụ ta đến gãy lưỡi mới chịu cho vay hai chục ngàn mà còn nói giọng nhân nghĩa. Bên này Ái cũng chẳng hơn chi. Có khi kẹt tiền lấy két bia lên men cũng phải thân chinh giấu bộ đồ mút dưới đáy giỏ đi cầm. Thế mà cả hai vẫn lao vào cuộc chiến tranh phi lý này.

Bây giờ nghĩ tới việc đi bước nữa với anh Huyên, Ái rất sợ miệng tiếng thế gian. Khi nói câu này Ái luôn luôn bị ám ảnh bởi cái miệng loe tô son đỏ lòm của con mụ Son trước mặt. Cuộc sống của Huyên cũng chẳng dễ dãi gì.

Trong cơ quan không thiếu sự cạnh tranh phe nhóm. Nhiều phe nhiều nhóm, ai không cùng “nhóm máu” thế nào cũng bị văng. Cái ghế anh ngồi chẳng kiếm chác gì cũng có người nhòm ngó. Cơ quan là thế, tưởng tới quán được yên thân, ai dè anh cũng bị đẩy vào cuộc chiến tranh chiếm người đẹp. Đám đàn ông sồn sồn, có vợ hoặc không, cả những đưá choai choai đáng con của chị Son, chị Ái cũng xem hai người đàn bà này là của chung, “phát huy quyền làm chủ tập thể”. Mấy tháng đầu tiên khi anh Hậu vừa qua đời, họ còn nể nang người cô phụ. Sau thì vì ba cái chai bia lên men, cồn chín chục chữ pha nước lã còn gọi la bia “lên cơn” làm cho bọn đàn ông quên cả.

Ái rất khéo. Mặc dù nàng chưa qua trường lớp ngoại giao nào nhưng Ái biết ban bố tình cảm một cách dàn trãi, ai cũng có phần. Thế nhưng không phải theo kiểu bình quân chủ nghĩa mà theo con số ghi trong phiếu tính tiền. Cuộc đời này vốn không bình đẵng, bàn nào có kêu nem chả, bia chai Sài gòn thì phải chiếu cố cho người ta, nghĩa là Ái kéo ghế ngồi với khách lâu lâu. Bàn nào chỉ có rượu trắng đậu phộng, lúc đi ngang qua chỉ được cái liếc mắt đưa tình.

Từ ngày gắn bó với Huyên. Ái cũng có phần đỡ khổ, có anh ta tới sớm về khuya phụ giúp. Mấy thằng cha ác khẩu nói “Con Ái có cặp lưỡng quyền nhọn hoắt, tướng sát phu, một thằng vừa mới hy sinh, thằng khác sắp lên đài liệt sĩ !” Nghe bọn đàn ông doạ thế Huyên cũng chẳng sợ, anh nghĩ con người ta có cái số. Vấn đề quan trọng của anh trong giai đoạn này không phải cặp lưỡng quyền mà là cỏ xanh .

***

Cuối tháng chín, sắp qua đầu tháng mười vẫn chưa có giọt mưa. Một hôm sau khi dọn dẹp xong Huyên lại đặt vấn đề, Ái đưa điều kiện cỏ xanh, Huyên nói :

- Em phải thông cảm chứ, từ đầu tháng giêng tới nay chưa có giọt mưa, lấy gì cỏ xanh ?

Ái cười, nụ cười đẹp mà lạ, chưa bao giờ Huyên thấy.

- Em có đi hội họp mấy lần. Em thấy anh Sáu mỗi khi lên diễn đàn nói hay quá. Có người giới thiệu, anh khệnh khạng bước lên. Anh nắm cái micrô bẻ lên bẻ xuống, đưa mấy đốt ngón tay cong lại gõ lốp cốp vài cái. Anh hắng giọng rồi cất cái tiếng trọ trẹ miền Thanh Nghệ lên… Anh bắt đầu làm ông thầy đời dạy thiên hạ làm nông nghiệp. Ở đây mấy ông già nói anh từ trên trời rơi xuống cái xã Cận Sơn này, anh có biết chi đất đai thời tiết nơi đây mà làm khôn ? Anh có biết mấy lão nông dân tối nào cũng bị anh lôi lại đây ngồi nghe anh nói, buồn ngủ, ngáp sái quai hàm. Anh dạy cho thằng cha Ngạn cách thiến heo? Anh có biết ba đời nhà nó làm nghề thiến heo ! Đồ nghề chỉ có con dao nhíp, túm lọ nồi, hũ dầu dừa đã nuôi sống vợ chồng con cái nhà họ bao đời nay. Hắn làm ăn như vậy mà có con heo nào chết đâu. Thiến heo làm cho heo chết ai để yên cho, xứ này người ta còn quí con heo hơn con người, heo đau họ mua thuốc ngoại về cho uống, còn người đau thì chỉ hái lá. Anh lên giọng dạy cho mụ Sử nuôi heo nái. Anh bày cho mụ cách coi cái “huê” của nó biết nó đã muốn heo đực hay chưa ? Anh đâu biết con mụ này nuôi heo nái từ hồi mới mười hai tuổi. Mụ ta còn mánh tới nỗi heo nái không chịu động đực, mụ ta lấy nước đái heo đực tưới trong chuồng. Mụ nói nó ngửi mùi đực thì nó “ngây”… Heo tơ nuôi mãi không chịu lớn, mụ ta lấy kềm bấm răng, giã làm heo con đem ra chợ bán. Mụ giỏi như thế còn dạy dỗ cái gì nữa ?

Ái còn tính nói nhiều nữa, nhưng Huyên với cái giọng thành thật :

- Nhiệm vụ phải nói chứ ai mà muốn? Ai giỏi bằng nhân dân, thôi đừng có ngạo anh nữa, tội nghiệp mà…

Ái vẫn cười :

- Ai ngạo anh. Muốn cỏ xanh thì khó gì …

Huyên hỏi :

- Không có mưa thì làm sao ?

Ái :

- Không mưa thì làm mưa !

Huyên :

- “Nghiêm túc” đi, đừng có giỡn.

Ái :

- Ai mà giỡn. Muốn có mưa thì xách một vài thùng nước lên gò mả mà tưới…

Nhìn bộ mặt nghệt ra của Huyên, Ái thương hại tiếp :

- Đất cát ở đây chỗ nào cũng đầy hạt cỏ, muốn cỏ mọc nhanh thì bón cho nó nắm phân urê. Đôi bữa thì cỏ xanh rì, khó chi !

 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.