.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Tác giả khác

Vẫn còn nghi vấn
Đáp lại nghi vấn của Đặng Văn Sinh về xuất xứ của bài thơ "Linh Mà Em"

  • PSN - 14.02.2008 | Trần Đan Hà

 

Đầu năm lang thang vào nét, tình cờ đọc trên trang web Phù Sa bài viết của nhà văn Đặng Văn Sinh :- Bài thơ “Lính mà em” của ai? Tựa đề bài viết là một câu hỏi? Mở đầu tác giả viết:- Sau khi Phạm Tiến Duật qua đời, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho đăng lại bài thơ “Lính mà em” của nhà thơ quá cố. Bài thơ đã gây ấn tượng mạnh trong tôi, bởi yếu tồ lãng mạn trữ tình được thể hiện qua những dòng cảm xúc thật chân thành của một người lính trong cuộc chiến đang ở vào thời kỳ vô cùng khốc liệt… Phần giữa thêm chi tiết li kỳ: Ông Vũ Quốc Chấm là quân giải phóng, trong tháng 4-75 có nhặt được tại phi trường Đà Nẵng một cuốn sổ tay của người lính Việt nam Cộng hòa nào đó để lại, trong đó chép bài thơ “Lính mà em”, cũng đều cho rằng tác giả là một nhà thơ lớn của quân giải phóng được đề cập ở trên.  

 

Nhưng sau đó có một cô bé (ở miền Nam) phát hiện ra, trong sổ tay chị gái của mình cũng có bài thơ giống hệt như thế (chỉ khác vài ba chữ) mà tác giả lại là… một người lính Sài Gòn?  

 

Vậy thì rốt cuộc, bài thơ "Lính mà em" là của ai? Của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà người lính Cộng hòa nào đó vô tình "nhặt được" bản thảo rơi trên đường hành quân, chép vào sổ tay rồi đến khi thành phố thất thủ, anh ta "bỏ của chạy lấy người" di tản (hoặc tử thương) tại phi trường hay là ngược lại?... (còn nhiều chi tiết ly kỳ, nhưng chỉ trích chừng ấy cũng tạm đủ!)

 

Rất nhiều chuyện ly kỳ thật, tác giả bài thơ ấy là một nhà thơ lớn của Quân giải phóng mà bị người lính Việt Nam Cộng Hòa “nhặt được” bản thảo rơi trên đường hành quân? Thế thì đến bây giờ bản thảo bài thơ ấy (của nhà thơ đã quá cố) đâu để đăng lại bài thơ của tác giả? Sao lại còn có một bài thơ tương tự như vậy (nhưng có khác vài ba chữ) được ghi lại trong một cuốn sổ tay của người Lính VNCH? Nếu sự thật là tác giả nầy đã sáng tác bài thơ “Lính mà em”, thì lúc sáng tác bài thơ chắc chắn tác giả đang ở Trường sơn, thì đâu có máy Fotokopie để in ra nhiều bản, nên lập luận nầy không đứng vững!

Và còn rất nhiều nghi vấn!

 

Nhưng xin hãy gác lại những nghi vấn đi ngược dòng thời gian để tìm về một khung trời dĩ vãng, nơi đó đã cho chúng ta những nỗi niềm bâng khuâng khi nhớ lại một thời… những ngày tháng tuy không có kỷ niệm đẹp để ấp yêu, không có một chuổi ngày hạnh phúc để nhung nhớ, vì lúc ấy Quê hương đang chìm trong lửa đạn của một thời chiến tranh, một thời nhọc nhằn của tuổi trẻ, một thời lo âu của tuổi già, một thời kinh hoàng của bé thơ…

 

Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe… Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy… Đại bác qua đây con thơ giật mình… Từng vùng thịt xương có mẹ có em… (Đại bác ru đêm nhạc TCS).

 

Còn cảnh nào buồn hơn khi quê hương đang ngày đêm ì ầm lửa đạn? Đã nhiều đêm thấy mắt mẹ không vui. Mà làm sao mẹ vui cho được khi đàn con của mẹ đứa thì theo chủ nghĩa nầy, đứa thì mang lý tưởng nọ để bôi mặt chém giết lẫn nhau? Phía nào cũng cho là “Chính nghĩa” để tạo nên lòng hận thù giữa người Bắc người Nam cho đến bây giờ, sau gần 33 năm vẵn còn mang trong lòng hận thù và phân hóa. Mà thử nhìn lại cuộc chiến bi thảm ấy có đem đến cho dân tộc Việt Nam một ý nghĩa nào khả dĩ để an ủi những người đã nằm xuống? Chống ngoại xâm để bão tồn Quốc tổ? Sao những người hy sinh trên chiến trường đều mang chung những họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… đều là giòng họ của Việt tộc?

 

Cuộc huynh đệ tương tàn nầy đâu phải do ý muốn của cha mẹ, nhưng không thể ngăn cản được đàn con bất hiếu nên mới chuốc lấy đau buồn! Và nét ưu tư của cha đã hằn lên vầng trán, vì hơn nửa đời lận đận mà cha chưa có giây phút bình an! Cũng như tuôi bé thơ cảm thấy ngỡ ngàng chưa biết những chuyện xẩy ra là thế nào, tại sao? Chỉ biết cuộc tương tàn nầy bắt nguồn từ chiến dịch “Giải Phóng Miền Nam” của chính quyền Hà Nội đã đưa quân Giải phóng xâm nhập vào Nam. Như chứng tích của một anh Bộ đội Giải phóng trên đường vào Nam, nhưng không may đã tử thương, còn để lại trong ba lô một bài thơ gởi về cho Mẹ, với một tâm sự rất chân thành, đã diễn tả lại thân phận của anh Bộ đội Giải phóng quân rất trung thực và nhân bản:

Từ ngày con lên đường xa mẹ

Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung

Đường xa thân núi chập chùng

Sớm nắng biển chiều mưa rừng gian khổ  (*)

 

Nhưng những anh Bộ đội giải phóng ấy vào đến miền Nam, thấy tất cả người dân họ sống trong cảnh hạnh phúc đầm ấm, thấy học sinh ngày ngày cắp sách đến trường, thấy bóng mẹ vẫn vui bên liếp cải, thấy chị đang gánh hàng ra chợ bán, thấy cha đang cặm cụi ngoài đồng với những luống cày vun lên đất mới, thấy những đồng lúa xanh tươi như đang trải dài đến tận chận trời, thấy vườn cây nặng oằn những trái, nhưng thân cây vẫn sừng sửng hiên ngang để giữ gìn hoa trái, để ươm mầm sức sống cho con… Đã khiến cho anh Bộ đội kia thàng thốt kêu lên:

Con nhìn ra thấy giải phóng gì đâu? (*)

 

Đây là tâm sự chân thành được thốt ra từ cõi lòng thánh thiện của anh “Giải phóng quân”, nhưng đáng tiếc anh không còn may mắn đem tấm chân tình ấy để trang trải cho mai sau.

 Chiến tranh đã cuốn hút tuổi trẻ vào con đường khốn cùng, không lối thoát. Lứa tuổi mà đáng lẽ đang cắp sách đến trường, lại đành phải xếp bút nghiên để theo việc đao cung. Ước vọng chưa thành nhưng biết làm sao khi Tổ quốc cần đến những bàn tay, những tấm lòng bảo vệ.

 

Heo hút từ những vùng rừng sâu núi thẳm, từ những vùng quạnh vắng tiêu điều các anh đã đi qua, đã chứng kiến những cảnh đau lòng đang xẩy ra hàng ngày trên quê hương thân yêu! Chiến tranh đã cướp đi biết bao nguồn yêu mến, mà mẹ đã chắt chiu dành dụm cho con, mà cha ươm mầm sống cho con bằng nuôi dưỡng một cội nguồn văn học muôn đời, những mong cho cây đời kết thành hoa trái. Nhưng vận nước nổi trôi, sơn hà dậy sóng, những người trai đành phải hy sinh tất cả để lên đường. Còn các nàng thiếu nữ thì bị bỏ lại nơi chốn quê nhà, khi tình chưa nồng duyên chưa đượm mà phải chia tay với người thân, để chỉ còn lại chiếc bóng bên đời mà nỗi chờ mong càng ngày càng thêm mòn mỏi. Với ngày tháng chờ mong bóng dáng của người tình, chợt thấy lòng khắc khoải lo âu…

 

Nhưng những thời buổi khốn cùng nầy, cũng đã có những phương tiện truyền tin những lời thăm hỏi từ hậu phương gởi ra tiền tuyến, qua các chương trình dành riêng cho lính. Để khích lệ tinh thần, để an ủi những chàng trai ngoài sương gió, đồng thời xoa dịu nỗi chờ mong của những người yêu của lính. Mặc dầu tâm sự thì muôn trùng nhưng lòng người có hạn, cho dù có xoa dịu bằng cách nào, thì phía chơi vơi, hụt hẩng vẫn là tấm lòng của những kẻ chia ly. Người đi vào chốn mịt mùng sương gió, biết lấy gì che đắp những giọt buồn đang rơi rụng. Chưa kể đến gian khổ trước mặt, những hiểm nguy chung quanh đang chờ chực từng giây từng phút. Biết lượng trời có đủ rộng để chở che cho thảm cảnh chiến tranh, cho những nạn nhân chỉ biết ngày đêm thiết tha cầu nguyện? …

Nếu vắng anh…, em chắp hai tay lên nguyện cầu… (*)

 

Lời cầu nguyện của những người may mắn được sống nơi hậu phương gởi ra cho các anh nơi tiền tuyến. Nhờ vậy mà những chiến sĩ đang xông pha ngoài chiến trường còn chút an tâm để vui sống với đồng đội, để còn đủ kiên tâm chung lòng bảo vệ Quê hương.

 

Còn nhớ khoảng giữa thập niên sáu mươi, chương trình phát thanh dành riêng cho lính rất phong phú bằng văn thơ và nhạc. Bằng những phương tiện có được để gởi ra tiền tuyến, trong đó đặc biệt là những cánh thư của người yêu dấu, gói ghém tất cả nỗi nhớ niềm thương…

Có những đêm trường em luôn nhắc tên người yêu.

Tha thiết như tiếng chim muông gọi đàn cuối chiều… (*)

Đây nỗi lòng thầm kín nhưng vô vàn thiết tha của những người mong chờ…

Hay nỗi ước mơ làm đẹp thêm lòng tự phụ là có người yêu làm lính:

Nếu em không là người yêu của lính.

Ai đem cánh hoa rừng về tặng em.

Ai băng gió sương cho em đợi chờ.

Và những lúc anh về, ai kể chuyện đời lính cho em nghe…(*).

 

Nỗi tự hào của những thiếu phụ có chồng là lính, hay những cô thiếu nữ có người yêu là lính, là niềm hảnh diện dâng hiến tất cả tấm lòng cho Tổ quốc. Nên cho dù nỗi buồn đợi chờ, niềm nhớ nhung có vời vợi khi vắng bóng người yêu, nhưng vẫn gói trọn lòng chờ vào tấm trung trinh tiết nghĩa:

Ngày anh xa vắng, em không trang điểm đợi chờ…

Đợi chàng một hai năm, hay là cả đời xuân xanh…

Ngày nao đầu pha tuyết sương, vẫn mong tái ngội một lần…(*).

 

Những thiếu phụ vẫn còn mãi ôm ấp một giấc mơ. Giấc mơ một ngày đẹp trời, ra đầu ngõ đón chồng về sau ngày tàn chinh chiến…

 

Hay đối với những người đã lên đường với nỗi tự hào là chung góp công sức để bảo vệ Tổ quốc thân yêu:

Ban ơi, mai nầy ai hỏi đến tên tôi.

Bạn ơi hãy nói khoác chiến y rồi… (*)

 

Hay những chuyện yêu đương của lính, đôi khi cũng chứng tỏ tính hào hoa, để không bị những người dèm pha là “nhát cáy”:

Ai nói với em nếu anh là lính.

Không biết nói yêu mỗi khi gần em?...

Ai nói với em lính không sầu nhớ.

Không có trái tim đắm say mộng mơ…? (*)

 

Trở lại với đề tài bài viết: Bài thơ “Lính mà em” của ai?

 Nếu muốn biết chắc chắn tác giả là ai, thiết tưởng cũng nên tìm về với nguồn gốc, xuất xứ, hoàn cảnh và nguồn cảm hứng tạo thành, cũng như những “chi tiết li kỳ” đã diễn ra chung quanh bài thơ. Để có được những dữ kiện nầy, cũng nên phân biệt “chiều hướng” sáng tác của hai miền Nam-Bắc. Để từ đó, mới nhận chân được chính xác xuất xứ từ đâu và  tác giả là ai?

 

Theo lịch sử Văn học vào thời đất nước chia đôi, thì hàng ngủ Văn nghệ sĩ miền Bắc phải chịu sự kiểm soát gắt gao của Đảng nhất là tư tưởng, nên không ai dám “lãng mạn” mà nội dung bài thơ “Lính mà em” mang tính lãng mạn trữ tình. Nên nhất định bài thơ không phải xuất xứ từ hàng ngủ Văn nghệ sĩ miền Bắc. Thứ nhì là, miền Bắc gọi những người “Sinh Bắc tử Nam” là “Quân Giải Phóng” để đối với “Lính Việt Nam Cộng Hòa” mà đến giờ vẫn còn gọi như vậy (theo trong bài viết). Như vậy bài thơ nầy chắc chắn là xuất xứ từ một người lính miền Nam.

 

Như đã kể trên, vào thời điểm giữa thập niên sáu mươi, tại miền Nam có chương trình giao thoa giữa các anh chiến sĩ và những em gái hậu phương, đã thấy xuất hiện một bài thơ với tựa đề “Lính mà em”, sau đó không lâu thì được phổ nhạc và hát trên đài phát thanh. Bản nhạc có những câu như:…

Tàu cập bến, anh hẹn mình dạo phố.

Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm…  (*)

 

Thì có thể thấy lóe lên một chút ánh sáng về xuất xứ của bài thơ. Thành phố Sài Gòn những năm tháng ấy, chắc không ai lại không thấy cảnh những người lính Hải Quân hào hoa, mỗi khi tàu cập bến thì có cảnh dập dìu hò hẹn với người yêu đi dạo phố. Hai câu nầy, so sánh với hai câu trong bài thơ mà được quý vị ở trên sưu tậm:-

Hẹn nghỉ phép, anh cùng em dạo phố.

Tay chiến binh đan đầu ngón tay mềm…

 

(trích trong bài thơ do quý vị trên sưu tầm và cho rằng tác giả là Phạm Tiến Duật, một nhà thơ lớn của Quân Giải Phóng ở Trường Sơn). So sánh với hai câu thơ trên, thì từ ngữ của câu trong bản nhạc mang nhiều chất thơ hơn, và khung cảnh hiện thực hơn, do đó mà cảm hứng trở nên lãng mạn, trữ tình.

 

Ví dụ như:

Tàu cập bến… đối với: Hẹn nghỉ phép

Tay chinh nhân… đối với: Tay chiến binh

 

(tay “chinh nhân” thì lúc nào cũng dịu dàng mềm mại hơn tay “chiến binh” vì tay chiến binh thì phải cầm súng, cầm dao nên đã chai lỳ. Cho nên, khi thấy “năm ngón tay mềm” mà nằm trong tay “chiến binh” thì thấy tội nghiệp biết bao?)

Ở một đoạn khác của bản nhạc:

Hôm mình đi ciné về mưa nhiều.

Áo dài tay bên áo trắng hoa biển.

Anh che cho em đừng làm ướt áo.

Anh quen rồi mưa gió, lính mà em…  (*)

 

 

Chắc chắn ai cũng nhận rằng, khung cảnh nầy thật nên thơ nên cho đến bây giờ và có lẽ đến ngàn sau vẫn còn nhớ về kỷ niệm. Mặc dù nói như thi sĩ Hoàng Lộc: Kỷ niệm thì xa, xa lắm mơ hồ. Chẳng lẽ nhắc để làm nên yêu dấu? (ở đây nhắc lại kỷ niệm để tìm xuất xứ của một bài thơ, đang bị “người ta” làm nên chuyện mà không thể không lên tiếng, vì có nhiều “chi tiết li kỳ”…)

 

So sánh với những câu trong bài thơ được quý vị trên sưu tầm:

Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm.

Trời mưa to hai đứa nép bên thềm.

Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím.

Anh quen rồi, không lạnh. Lính mà em.  (*)

 

Cũng nên so sánh từng câu để tìm xuất xứ, tình và lý cho phân minh. Với mục đích đi tìm nguồn gốc, và cũng hòa đồng với người sáng tác để thưởng thức cho trọn vẹn với cảm xúc.

 

Lời của bài thơ được phổ nhạc:

Hôm mình đi ciné về mưa nhiều… So sánh với cảnh: Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm

thì cảnh trên nên thơ hơn, và đầy đủ chi tiết với tinh thần giúp đỡ người yêu, còn mình thì đã quen với cuộc sống gian khổ của người lính.

 

Còn những câu kế tiếp của bài thơ được sưu tầm thì thấy hơi gượng, như những đoạn: Trời mưa to hai đứa nép bên thềm… (đã nép bên thềm rồi thì có thềm che, cần chi anh che cho em nữa?)

 

Hay câu: Anh quen rồi, không lạnh. Lính mà em.

So với câu hát trên thì: Anh quen rồi mưa gió, lính mà em… (*)

thì câu thơ hơi gượng mà câu hát mới hợp cảnh hợp tình và mới thật là hay!

 

Qua sự tìm hiểu sơ khởi, thì chắc chắn đã có xuất xứ: Tác giả bài thơ “Lính mà em” là của một người Lính Hải Quân ở Sài Gòn.

 

Nhưng có nhiều bản sai khác một vài chữ thì điều nầy rất dễ hiểu. Từ xưa đã có phong trào “họa thơ”, có thể họa vận, có thể họa nội dung, có thể khác nội dung nhưng ý nghĩa hay âm nhạc của thơ thì hao hao giống nhau.

 

Ví dụ: Ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử có mấy câu thơ đẹp tuyệt vời:

           Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

           Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

 

Khi nhìn vào đám thiếu nữ duyên dáng ấy thì cảm thấy xao xuyến, nhưng chợt hiểu ra rằng rồi mai đây thì có kẻ sẽ sang ngang, để lại một chút buồn vì nuối tiếc không vơi…

 

Sau nầy cũng có người họa lại rằng:

            Biết đâu trong đám tóc thề ấy,

            Có kẻ yêu mình chẳng nói ra! (*)

 

Thì cũng ý nhị lắm chứ, có ai nói bài họa không là sáng tác, không có chất thơ?  Nhưng cũng chỉ có giá trị nghệ thuật vài chục phần trăm mà thôi. Thơ họa cũng là một cách thăng hoa nghệ thuật, nâng cõi thơ lên một thế giới tuyệt diệu. Có thể cho rằng đây là một lối sáng tác, tuy nhiên nếu muốn nói đến nghệ thuật chân chính, khi muốn đề cập đến một tác phẩm và tác giả, thì cần phải tìm về với nguồn gốc cũng như tác giả của bài xướng.

 

 Vì thế nên cho dù “bài họa” có hay đến đâu, có xuất sắc đến thế nào thì không bao giờ có thể gọi là “cốt tủy” của “bài xướng” được! Nên điều quan trọng là phải để xuất xứ, của cả hai bài thơ xướng họa thì độc giả mới có thể thưởng thức trọn vẹn với cảm xúc, cũng như để cho các thế hệ sau không bị hiểu lầm “tác giả” mà đau lòng thiên cổ.

 

 Đến đây thì bài thơ “Lính mà em” của ai? Cũng đã tìm ra xuất xứ, như vậy thì những người sưu tầm trên đây không còn lý do gì để gán ghép bài thơ nầy cho một nhà thơ lớn của Quân giải phóng nữa! (tuy đã quá cố nhưng tình cảm dĩ nhiên vẫn còn nhiều người dành cho nhà thơ!).

  Đối với một người yêu Nghệ thuật và tôn trọng tác giả và tác phẩm Văn học, mỗi khi nghe thấy những nghi vấn mà chưa tìm ra nguồn gốc, hay tác giả thì lòng vẫn cảm thấy không yên. Nhưng trong hoàn cảnh “tam sao thất bổn” nầy, cộng thêm là khan hiếm tài liệu để sưu tầm, thì cũng chỉ nhắc lại sự yêu cầu của nhà văn Đặng Văn Sinh đã viết:-

 

  “Vậy thì rốt cuộc, bài thơ "Lính mà em" là của ai? Của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà người lính Cộng hòa nào đó vô tình "nhặt được" bản thảo rơi trên đường hành quân, chép vào sổ tay rồi đến khi thành phố thất thủ, anh ta "bỏ của chạy lấy người" di tản (hoặc tử thương) tại phi trường hay là ngược lại? Rất mong có sự minh định từ những người lính của cả hai bên đã từng tham gia cuộc chiến và bạn đọc trong và ngoài nước yêu mến văn chương.”

 

 

Trân trọng

Trần Đan Hà

 

(*) Những câu thơ được trích dẫn được sót lại lỏm bỏm trong trí nhớ, không toàn vẹn nên rất tiếc cũng không biết tác giả là ai! (Xin quý vị thông cảm).

 

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.