.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC


Người đàn ông xa lạ

Những cơn đau mỗi lúc một dồn dập. Cơn đau này tràn sang cơn đau khác thành một cơn đau bất tận. Hai bàn tay run rẩy của An bám chặt vào thành giường inox, móng sắt cứa mạnh vào lòng bàn tay nhưng cô chẳng có cảm giác gì. Cô y tá giữ chặt vai An và ghì xuống giường, giọng vỗ về: “Ngậm miệng lại, hít thật sâu vào…, như thế, được rồi, ráng lên… Ráng lện chút nữa”. Cả đời An chưa bao giờ có cảm giác như thế. Đau như xé ruột, cơ thể như có ai đó căng ra và bứt ra từng mảnh. An có cảm giác bị dồn nén đến nghẹt thở. An nghĩ mình sắp chết. Thân người oằn lên trong một nỗ lực cuối cùng. An muốn gào nhưng không đủ sức, chỉ còn phát ra tiếng rên rỉ như một con thú bị thương. Có một cái gì đó cuốn phăng tất cả…

- Được rồi…

Vị bác sĩ kêu lên vui mừng. An nghe tiếng trẻ con khóc yếu ớt, tiếng người trao đổi, tiếng lanh canh của sắt thép va chạm vào nhau như từ một cõi xa xôi nào vọng tới. Mí mắt nặng nề khép lại, cảm giác đau đớn không còn như trước, An lả người đi. Bàn tay rời khỏi thành giường, buông lõng, không còn đủ sức nhấc lên nữa. Bồng bềnh trong cái cảm giác ấy bao lâu không biết cho đến lúc cô y tá chấm chấm mồ hôi trên trán của An, An từ từ hé mắt ra, một khuôn mặt còn trẻ nghiêng xuống với nụ cười thật tươi. Khuôn mặt thật gần, An nghe cả hơi thở âm ấm của cô ta phả vào mặt và cả hàng mi cong nhấp nháy: “Ổn rồi, một thằng cu thật oách! Sướng không?”.

An không đủ sức để cười. Những thao tác cuối cùng đã được hoàn tất. Hai cô y tá khép chân An nhấc bổng cô sang băng ca. Thằng bé bọc trong cái khăn lông thò ra khuôn mặt được đặt nằm ngay bên cạnh. Hai mẹ con được đẩy ra khỏi phòng sinh.

Chị Thuận đang đứng chờ ở cửa với khuôn mặt bồn chồn lo lắng bỗng tươi tỉnh hẳn lại. Chị vừa đi theo vừa nói: “Chị lo quá! Lạy Phật. Con so như thế là mau rồi. Chị đã báo cho Đức, hôm nay nó sẽ về”. Trạm xá này của huyện nhưng được tài trợ bằng chương trình nhân đạo của nước ngoài nên được xây mới hoàn toàn, trông khang trang và tươm tất. Đi qua hai dãy hành lang trắng tinh rồi vào một căn phòng bé kê hai giường vừa đủ cho hai sản phụ.

Chị Thuận vạch khăn lông nhìn đứa bé trầm trồ, xuýt xoa. Một lúc sau, chị bảo: “Thôi để chị về nhà lo cái gì cho em ăn, nhân thể đem thêm đồ đạc vào. Hồi sáng hoảng quá, chị chẳng đem theo được cái gì!”. Chị tất tả đi ra sau khi gởi An cho người ở giường bên cạnh. Trông chị phục phịch thế mà khi cần cũng nhanh nhẹn ra phết. An thầm cảm ơn người đồng nghiệp lớn tuổi, người bạn láng giềng, chu đáo, tốt bụng đã giúp đỡ khi cô mới chân ướt chân ráo đến cái huyện lị nhỏ bé này.

Phải khó khăn lắm An mới đổi được thế nằm nghiêng để nhìn thằng bé kỹ hơn. Chưa bao giờ An nhìn một đức trẻ sơ sinh thật gần như thế. Ôi, cái sinh linh bé nhỏ và mong manh làm sao! Chiếc đầu nhỏ, tóc thưa và bết lại. Thóp trán hoi hóp. Mắt nhìn tít chỉ còn lại hai cái khe, môi trề ra trông thật đáng yêu. Màu da đỏ tía nổi bật trên chiếc khăn lông màu hồng nhạt. Lại có mụn trứng cá li ti trên mũi nữa chứ, buồn cười thật. Từng ấy mà đã có mụn rồi nhỉ!

Bàn tay nắm lại với những ngón bé xíu. An nhớ lại những con búp bê mà mình từng chơi hồi nhỏ. Tự nhiên An mỉm cười, lấy đầu ngón tay trỏ của mình cù vào lòng bàn tay của đứa bé để đánh thức nó. Đứa bé vẫn ngủ yên, mấy ngon tay duỗi ra rồi nắm lại một cách vô thức bao lấy đầu ngón tay của An. Sự tiếp xúc đầu tiên giữa mẹ và con, một cảm giác lạ lùng mới mát mẻ tràn ngập lòng An. Mình đã trở thành một người khác, mình đã là mẹ…

Tự nhiên An nghĩ đến mẹ, cô nhìn ra cửa sổ. Một nhánh phượng vắt ngang rung rinh. Cô bồng bềnh trong sắc hoa đỏ chói ấy. Ngoài kia chắc phượng đã nở nhiều rồi. Con đường phượng bay đến trường, con đường dọc bờ sông lên nhà… và cả sắc tím của hoa bằng lăng nữa…

Ngôi nhà của bà ngoại là một ngôi nhà yên tĩnh nằm ở một khu ngoại ô yên tĩnh trong thành phố vốn cổ kính và yên tĩnh. Có lẽ vì nó thiếu vắng bóng đàn ông. Thiếu cái tràn trề sinh lực, đôi lúc nhộn nhạo của họ, mọi cái bỗng trở nên bất động, vô hồn. Ông ngoại mất sớm, cậu Bằng hy sinh trong trận chiến dịch biên giới phía Tây Nam, dì Tịnh lấy chồng ở dưới phố. Căn nhà chỉ có ba người đàn bà: bà ngoại, mẹ và An. Căn nhà im đến độ một tiếng động dù khẽ khàng thế nào cũng vang thành tiếng: tiếng xè xè của con ong lạc cánh vào nhà, tiếng thằn lằn chặc lưỡi tiếng tí tách của đồng hồ tiếng quèn quẹt của bước chân người trên nền gạch, có lục dường như nghe tiếng sột soạt của áo quần. Hồi nhỏ có nhiều lúc An chạy huỳnh huỵch từ nhà trên xuống nhà dưới, hét to, xô vật này đẩy vật khác cốt để phá tan sự yên lặng đáng sợ ấy nhưng rồi sự yên vẫn bao trùm ngôi nhà. Chừng như đó là một thuộc tỉnh cố hữu của nó không một ai có thể thay đổi được.

Cái thuở vô tư An sống hồn nhiên lắm. Nhưng bắt đầu suy nghĩ, An thấy mình khác xa các đứa trẻ khác: An không có bố. Bố chết chăng? Chắc không phải thế. Chẳng có ảnh bố trên bàn thờ. Người trong nhà hay nhắc những kỷ niệm về ông ngoại, về cậu Bằng mà tuyệt chẳng có lời nào đề cập đến bố. Hồi nhỏ chắc cũng có lần An hỏi về bố. Những câu trả lời có chút thần bí để trấn an con trẻ. Lớn lên một chút nữa thì cách trả lời lòng vòng và mãi về sau này là sự lẩn tránh tưởng chừng người đàn ông ấy chưa từng hiện diện trong cái nhà này và những gì bao quanh người ấy là một vùng cấm. Những người đàn ông xa lạ mà An không biết mặt, biết tên ấy lại hiện diện thường trực và trở thành nỗi ám ảnh đối với ba người đàn bà…

Đối với bà, người đàn ông xa lạ là nỗi nhục nhã, cay đắng, ê chề. Trong cái thành phố nhỏ này mà nếp xưa được bảo tồn dưới mỗi mái nhà dễ gì người ta chấp nhận một người đàn bà không chồng mà lại có con. Sinh con ra, nuôi lớn chừng ấy lẽ nào bà lại không được hưởng cái hạnh phúc uống được chén rượu, ăn được miếng trầu như những người bình thường khác. Mà nhà bà có gì kém cỏi cho cam. Bà thấy mình xấu hổ với dòng tộc và có lỗi với người chồng quá cố nhưng bà là người tu hành, không trút nỗi bực dọc và buồn phiền lên con gái và cháu ngoại. Cái im lặng của bà là cái im lặng của người đã hiểu chút Phật pháp, thấy được cái lẽ vô thường của cuộc đời. Bà không dậm chân. Đấm ngực oán trời, trách đất mà lặng lẽ chấp nhận xem những vận số của mình. Có lẽ vì thế mà tiếng tụng kinh của bà hàng đêm thành kính và khẩn thiết đến xoa lòng.

Người đàn ông xa lạ đối với mẹ là nỗi ân hận dày vò không nguôi. Những năm tháng tuổi thơ, An thấy mẹ sống lầm lũi như một cái bóng. Mặc cảm tội lỗi khiến mẹ muốn thu mình nhỏ lại, thật nhỏ trước mắt mọi người. Mẹ thay cả ba người đàn ông và lao động để nuôi sống gia đình. Cả nhà sống bằng thu nhập chính nhờ mấy luống hoa huệ, hoa cúc, bán vào ngày rằm, mồng một và tiền chằm nón thêu nón bỏ chợ của mẹ.

Vất vả là thế nhưng An chẳng hề thấy mẹ hé răng than thở một lời. Đến bây giờ An mới hiểu vì làm mẹ quá sớm nên mẹ không có tuổi trẻ, không có cái hồn nhiên vô tư của những cô gái cùng trang lứa. Mẹ ít cười. Nụ cười của mẹ là một nụ cười của một người quen chịu đựng, chỉ hé ra một nửa.

Mẹ ít bạn bè và ăn mặc xề xoà đến tội nghiệp. Áo quần cũ của dì Tịnh đem lên có gì mặc lấy chớ chẳng mua sắm gì thêm. Lo cái ăn trong nhà không đủ, còn tiền đâu nữa. Nhiều khi thấy mẹ mặc một bộ đồ cũ đã ngã màu, bên ngoài thùng thình một chiếc áo dài tay để che nắng, nón lật ngửa về phía sau, một chồng nón cao nghệu trước giỏ xe, gò lưng đạp dưới trời nắng chang chang cho đúng hạn giao hàng. An thương mẹ và thấy lam lũ quá.

Có lần An theo mẹ ra sông giặt chiếu. An thích ngồi trên cái rễ sung cái to như con rắn, hai chân đung đưa khuấy nước. Mẹ đang lom khom giặt, chừng như mỏi lưng, mẹ ngừng tay một lát và vươn người thẳng lên. Quần xắn đến đầu gối, tóc vừa gội xoã ra, gió thổi bay dạt ra đằng sau lộ cái đài cổ cao, trắng ngần trong chiếc áo cánh màu tím hoa bèo. Ráng chiều vàng rực tạo thành một quầng sáng trên tóc mẹ. Mẹ nhìn về phía An và cười. Mẹ đẹp một cách rạng rỡ và thánh thiện khiến An phải rùng mình. Nhan sắc là quà tặng của thượng đế dành cho người đàn bà để chắp cánh cho họ. Còn nhan sắc đã khiến cho mẹ trở thành một thiên thần đoạ lạc.

Mẹ giấu kín bưng tình cảm của mình. Có lần An bị đánh thức bởi một giọt nước mắt nóng hổi rơi trên mặt, đầu An gối trên đầu mẹ, bàn tay mẹ vuốt nhẹ lên tóc An. Khuôn mặt mẹ nghiêng xuống thật gần bọc An trong cái nhìn trìu mến đến xót xa. Đôi mắt mẹ vốn đen bây giờ trở nên thăm thẳm.

Đối với An, người đàn ông xa lạ trở thành nỗi ám ảnh dằn vặt và nỗi khát khao vô bờ. Những buổi sáng ngồi học bài trên chiếc bàn nhỏ, cạnh cửa sổ nhìn ra cái ngõ nhỏ với hai hàng chè tàu thẳng tắp xanh rời rợi ấy, thấp thỏm đợi chờ một bóng người, hoặc ít nhất một cái thư gửi từ đâu đó…

Những buổi chiều lặng lẽ, bó gối ngồi trên bực thềm lắng nghe tiếng chuông chùa xa xa, tiếng nước khua ở bến sông gần đó, và bên kia sông nghĩa địa dài với những ngôi mộ nằm lặng lẽ trong bóng chiều. Ánh nắng tắt dần, bầu trời chuyển sang màu lam tím. An thấy tâm hồn thơ bé của mình tràn ngập nỗi buồn mênh mông. Ước gì có một người nào đó nghiêng xuống bên cạnh An, đưa bàn tay cho An nắm lấy. Hoặc ôm An vào lòng mà bảo: An, bố là bố của con đây.

Người đàn ông xa lạ ấy không có hình dáng gì cụ thể. Đó là những con người tốt bụng trong các truyện cổ tích mà An đọc ngày còn nhỏ. Đó là nhân vật nào đó trong những bộ phim Hàn Quốc trên truyền hình. Cũng có thể có dáng dấp người này một ít, người kia một ít của những người thầy mà An yêu quí trong những năm tháng còn học ở trung học. Nó không là một con người cụ thể mà góp nhặt những ước mơ nên nó nhoè nhẹt trong ký ức của An. Để tìm gương mặt cụ thể của con người ấy, nhiều lần An nhìn thật gần, thật kỹ khuôn mặt của mình trong gương. Khác với cặp mắt đen thăm thẳm của mẹ, mắt An màu nâu hơi xếch dưới hàng lông mày rậm. Khác với làn da trắng xanh và khuôn mặt thon thả của mẹ, khuôn mặt của An góc cạnh với làn da nâu hồng, cái trán nhô cũng như cái tính lầm lì và bướng bỉnh của An. Người đàn ông ấy thế nào nhỉ? An lặng im và mơ tưởng…

An còn nhớ năm đầu tiên cô bước chân vào cấp ba, cuối một tiết học, trong không khí nhộn nhạo của lớp, cô giáo chủ nhiệm gọi: “Tâm An, có bổ sung vào lý lịch của em tên cha và nghề nghiệp để cô ghi vào sổ điểm”. An lặng người đi. Giọng của cô giáo thường ngày vốn nhẹ và thanh sao hôm nay lanh lảnh đến thế? An có cảm giác cả lớp đang im lặng và chăm chú nhìn mình. An lên bàn giáo viên mà hai chân cứ chạm vào nhau và về chỗ như thế nào cũng không biết nữa. Giờ ra chơi An bỏ hai tiết sau và nghỉ học luôn hai ngày. Cô giáo chủ nhiệm đến nhà, sau một hồi nói chuyện với mẹ, rồi vào phòng thăm An, cô bảo: “Cố gắng uống thuốc cho mau lành, đi học để khỏi mất bài vở”.

Nửa tháng sau, dì Tịnh và mẹ qua toà án làm lại giấy khai sinh cho An. Chỗ tên cha vốn để trống bây giờ xuất hiện một cái tên: Nguyễn Văn Định. Có một cái tên trong giấy khai sinh thực ra nó cũng chẳng thay đổi được điều gì. Có lẽ nó bình thường hơn về mặt hành chánh mà thôi. An cũng biết những đứa trẻ không có bố cuộc sống chỉ còn một nửa. Để bảo vệ An, người ta bao quanh cô một vòng bí mật; để khỏi gợi lên niềm đau xưa, người ta lảng tránh quá khứ. Nhưng làm sao che giấu và lảng tránh cái điều sờ sờ trước mặt kia. Phải nhìn sâu vào nó để chuyển hoá nó. Thà chịu đau một lúc còn hơn ray rứt cả một đời. Bà và mẹ đã bỏ qua nhiều cơ hội và hậu quả là người đàn ông xa lạ ấy đã ám ảnh và đầu độc cuộc sống của ba người.

Những năm cấp ba trôi qua nhanh… An bước vào tuổi mới lớn, cô có nhiều bạn bè hơn, cả những dự định và ước mơ… Năm An thi đậu vào Sư phạm thì bà mất, nhà chỉ còn lại hai mẹ con. Với sức vóc của một cô gái trẻ, An có thể đỡ đần cho mẹ nhiều mặt. Nhờ vào vốn ngoại ngữ kha khá, cô đi dạy kèm và trang trải một phần sinh hoạt phí gia đình. Cuộc sống bây giờ có vẻ nhẹ nhàng hơn. Nỗi ám ảnh về quá khứ không còn hiện diện thường trực và lẫn vào đâu đó trong góc khuất của tâm hồn cô. Tuy thế, thỉnh thoảng nó vẫn trở lại trong giấc mơ của An mà khi thức dậy vẫn còn nguyên ở đó niềm khát khao cháy bỏng và nỗi buồn mênh mông.

An ra trường, với thứ hạng tốt nghiệp khá cao, cô có thể xin được một trường cấp ba vùng ven ở quê nhà và được gần mẹ. An không làm thế, cô liên hệ với người bà con xa và xin vào miền Nam. Dì Tịnh phản đối kịch liệt, phân tích điều hơn lẽ thiệt cho cô. Mẹ có vẻ buồn nhưng không nói gì. Hình như mẹ hiểu và ngầm ủng hộ cô. An rời thành phố vào một ngày đầu tháng 9 mưa dầm lê thê. Nhìn bóng mẹ và dì Tịnh liêu xiêu qua màn mưa và màn nước mắt, An thoáng ân hận về quyết định của mình và thương mẹ vô cùng. Nhưng cô không để cho ý nghĩ ấy dừng lại lâu trong trí óc. Con tàu rít lên, chồm về phía trước, nhà cửa hai bên đường lướt nhanh, bỏ lại sau lưng thành phố quê hương nơi lý lịch và con người An bị số phận đóng dấu. Từ nay An phải sống và làm chủ cuộc đời mình.

Cái thân cao lớn của Đức lừng lững hiện ra ở cửa, một tay xách một xách quần áo, còn tay kia một cái cà mèn – đúng dáng dấp của một người đi thăm nuôi. Trông anh có vẻ vội vàng, lo lắng trong bộ đồng phục cán bộ kỹ thuật nông trường chưa thay kịp. Tự nhiên An thấy vui mừng quá như anh đi đâu xa thật lâu mới về. Vẫn cái giọng Nam ồm ồm, nhễ nhại quen thuộc: “Nhận được điện của chị Thuận, anh về ngay. Thế mà cũng không kịp. Anh lo quá! Em có sao không? Có đau lắm không?”.

- Em không sao.

- Chị Thuận bảo em ăn cháo cho nóng.

- Thôi. Lát nữa.

Anh ngồi ghé ở mép giường, thận trọng vạch khăn lông nhìn đứa bé.

- Trời ơi, sao chị Thuận bảo 3kg2 mà nó nhỏ xíu thế này. Nuôi bao giờ cho lớn đây.

- Anh nhậu một con cá lóc 1kg5 thì bằng chừng nào.

- Ờ…

Anh vừa ca cẩm vừa chê bai: nào là mắt ti hí, mũi không cao, chỉ có tai dài giống ba thôi. Nhưng cứ nghe cái giọng vừa ngạc nhiên vừa âu yếm và cái ánh mắt ngời ngời ấy An biết chồng rất hạnh phúc. Tính Đức vốn thế. Những lúc bị tình cảm chi phối anh nói năng lộn xộn, không đầu, không đuôi, thậm chí nói trái với những điều mình nghĩ để che giấu tình cảm. Nhưng trong anh là một tấm lòng nhân hậu hiếm thấy. Đức không biết nói những lời có cánh. Anh cũng không thể bàn luận một cuốn truyện, một bộ phim bằng những lời lẽ như An và đám đồng nghiệp của cô, nhưng có thể chữa lại cái chuồng gà và chằng chống nhà cửa trong mùa gió chướng. Nghe nhạc, xem phim chừng mười phút là ngáy nhưng theo dõi sát sao thời sự và cực kỳ yêu bóng đá. Anh có nhậu lai rai tí chút với bạn bè. Đàn ông Nam Bộ mà! Nhưng không bao giờ quá chén. Anh có thể kiên nhẫn ngồi hàng giờ nghe An ca cẩm về chuyện trường, chuyện lớp, chuyện vặt vãnh trong đời sống, điểm vào đó những nhận xét, những câu khôi hài, đơn giản hoá mọi sự và giảm nhẹ tâm trạng và căng thẳng buồn bực của An. An không mong gì hơn thế.

Nhìn người đàn ông cao lớn nghiêng mình trên đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn với nét mặt hân hoan, lòng cô rưng rưng. Tự nhiên An nghĩ đến người đàn ông xa lạ. Không. An nghĩ đến bố. Tiếng bố vọng lên trong lòng An vừa gần gũi lại vừa mới mẻ vô cùng. Chắc là bố không biết con hiện diện trên cõi đời này, hoặc là một lý do nào đó bố không chấp nhận con, nhưng con vẫn là một phần của bố, không thể khác được. Bố có lý của bố, con cũng phán xét về điều này và xem đó như là vận mệnh của mình. Con cảm ơn bà vì bà không thành kiến mà ruồng rẫy đứa cháu tội nghiệp. Và mẹ – An nghĩ đến cái ngày nước lũ tràn bờ, mẹ đã “vượt biển một mình”, chông chênh giữa hai bờ vực sống – chết, và để chấp nhận An, mẹ đã hy sinh cả một đời. Khi đã làm mẹ, cô thấm thía một điều: người phụ nữ làm mẹ và nuôi con một mình cô đơn, khổ sở biết bao nhiêu! Đức bảo: “Anh đã gọi điện cho má, ngày kia má sẽ vào”.

Đức cầm lấy tay An, bàn tay vuông vắn, to bè sần chai của một người quen lao động bọc lấy bàn tay xanh mướt mỏng manh của cô. Lòng rưng rưng nhưng tâm hồn An nhẹ nhàng như cất được gánh nặng từ bao năm qua. Ông trời cũng công bằng không lấy của ai điều gì mà lại không ban cho họ một điều tương tự. An đã có một người đàn ông của riêng mình và tìm thấy ở bờ vai rắn chắc của anh chỗ dựa mỗi khi mệt mỏi. An đã có một đứa con, một sinh linh nhỏ bé đáng yêu và vì nó cô có thể hy sinh tất cả, kể cả cái chết. An đã có một mái nhà, một căn nhà nhỏ trong khu tập thể, có chiếc đu nhỏ trước hàng hiên, cái hàng rào thấp bằng gỗ với hàng tóc tiên hoa nhỏ li ti mà cô rất thích. Và xa xa một vạt rừng cao su thăm thẳm, những nương ngô xanh mượt nổi bật trên vùng đất màu đỏ thẫm ngồn ngộn sức sống, hào phóng như thiên nhiên và con người vùng đất phương Nam này. Từ lúc này và chính ở nơi đây, An phải trở thành một con người khác, không truy tìm quá khứ để gặm nhấm nỗi đau của mình và ngẩng cao đầu hướng về phía trước, biết chấp nhận, biết mở lòng ra để tha thứ và để yêu thương.

Mùa Vu Lan, Huế ngày 20 tháng 7.PL 2551.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 43 | Lê Thị Chân Tú

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.