.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC


Dưới chân mùa xuân

  • PSN - 1.9.2013 |  Đoàn An Nam
    1

…Vào giữa năm học PCB (Lý-Hóa-Sinh) thì trường gọi Tuân lên nhận học bổng đi Nhật. Cái mơ ước của cuộc đời sinh viên một đất nước nhược tiểu có lẽ không có gì lớn hơn là xuất dương để học hỏi cái mới, cái lạ nơi xứ người.

Cho nên một ngày thấy tên mình và một người bạn khác trên bản thông cáo của trường gọi lên gặp phòng Học vụ làm thủ tục, Tuân như đứng sững giữa cơn mơ. Có bao giờ anh ngờ được một học bổng xuất ngoại lại đến tay mình? Anh đã nạp hồ sơ cho Hội đồng Du học cũng chỉ cầu âu, cho tròn những con đường chuẩn bị tương lai, thế thôi.

Nào ngờ! Tuân tự nhủ trong cuộc đời cứ phải làm tất cả những gì có thể làm được. Nhật Bản lại là niềm hảnh diện ngấm ngầm trong anh, một người Ðông Á, về một nền văn minh phối hợp được những tinh túy của triết Ðông dựa trên nguyên tắc bất nhị với nền kỹ thuật phương Tây đặt gốc rễ trên lô gích tuyệt đối. Cho nên nó có một sức hấp dẫn đặc biệt với Tuân, con người từ cội nguồn vẫn muốn theo lẽ trung dung làm phương châm cho cuộc sống. Như lối nghĩ của dân tộc anh.

Suốt tuổi trẻ, Tuân mê mãi với phim ảnh Nhật. "La Sinh môn" (Arika Kurosawa 1950 - Giải sư tử vàng Venise 1951) đượm tinh túy Phật giáo trong nét phong phú đặc biệt của nền văn hoá Nhật, tưởng nhẹ nhàng giản dị mà suy nghĩ mãi vẫn cứ thấy chân lý chập chờn đâu đó, như một chiếc lưới phù sinh vẫn giăng mắc giữa cái thiện và cái ác, giữa cái đúng và cái sai, giữa thành thật và dối trá, giữa lưỡng cực.

"Người phu xe " (Hiroshi Inagaki - Sư tử vàng đại hội điện ảnh Venise 1958) làm một cuộc cách mạng phá đổ những bức tường phong kiến trong tình yêu. Dù gì anh phu xe si tình cũng được phu nhân đáp lại, anh nghĩ thế, với nụ cười ban thưởng cho những dâng hiến của riêng anh cho người trong mộng tưởng. Ðó có phải là một đền đáp cho tình yêu mộc mạc, giản dị mà tha thiết của anh? Anh không cần biết. Anh sung sướng đi vào cái chết, không phải vì tuyệt vọng, mà vì hơi rượu tình nồng cháy trái tim anh trước khi bị vùi vào tuyết phủ.

Ôi cái nền lãng mạn phương Ðông! Nó yêu kiều quá, đẹp quá, thơ quá trong cuộc sống vẫn có quá nhiều biến thiên cơ cực. Tình ca đã nuôi được những dân tộc phương Ðông lớn lên, vượt tầm vóc, như nghệ thuật bonsai truyền thống.

Tình ca đã làm những dân tộc chậm tiến vẫn cắn răng mà thu dọn đổ nát, hoang tàn từ thù hận và tham vọng sứ quân. Tình ca vẫn cất được tiếng hát tươi vui giữa chết chóc, bạo tàn để con người vẫn được sống và văn hoá còn trường tồn.

Nhưng cuộn phim đã để lại một dấu ấn sâu sắc nhất trong đầu óc anh vẫn là cuốn "Bảy người võ sĩ đạo" (Kurosawa 54- Oscar phim ngoại quốc xuất sắc nhất, được chọn là phim có y trang đẹp lộng lẫy). Tinh thần Samourai với Kurosawa và tài diễn xuất tuyệt vời của Toshiro Mifune trong vai người hiệp sĩ tàng tàng gốc nông dân Kikuchiyo đã lột tả hết những nét đặc trưng mạnh nhất của chủ nghĩa samourai chưa thấy có trong lịch sử một dân tộc nào khác.

Samourai vừa là một giai cấp qúi tộc dấn thân cho nghĩa lớn, đượm tính hy sinh và anh hùng cá nhân, còn thấm đượm một nghệ thuật sống theo tinh thần Ðông phương, cao hơn và có ý nghĩa hơn nhiều cái tinh thần thực dụng chuộng vật chất phương Tây; và cũng vượt hẳng con người sĩ phu Nho gia chưa được khẳng định hẳng vóc dáng suốt hơn 2500 năm tồn tại của lịch sử Khổng giáo!

Tuân đã yêu xiết bao nền văn hoá phong phú thắm đượm ấy, trong ước mơ một ngày sẽ nắm bắt tận tay, nhìn tận mắt. Tuân sung sướng giữa cơn mơ rực rỡ. Mộng ước bay cao. Anh hát trên giòng sông quê hương mỗi ngày, trong nổi tưởng nhớ mảnh đất chôn nhau cất rốn vẫn còn đó dưới chân anh. Anh ôm nó vào giấc ngủ hàng đêm, mong cho chóng đến ngày lên đường.

Nhưng. Vẫn chữ nhưng! Việc chuẩn bị đã hoàn tất. Hồ sơ, thủ tục khám sức khỏe đã xong hết từ lâu. Bộ đồ vét ba dành dụm tiền may tặng cũng đã trân trọng nầm gọn trong chiếc va ly mới toanh. Nhưng cuối cùng anh đã bị bỏ lại. Không ai giải thích tận tình cho anh rõ tại sao.

Tuân rơi từ cơn mơ xuống đất, dãy dụa câm lặng với niềm đau của riêng mình.

Tuân bỏ luôn kỳ thi PCB vì anh đã ngưng cua từ lâu không thể nào bắt kịp bài vở nữa. Anh ngao ngán lại muốn bỏ Huế mà đi. Anh nộp đơn thi vào bất cứ trường chuyên môn nào. Hành chánh, Võ bị, Sư phạm...

Ðịnh mệnh đã chọn cho anh con đường làm quan. Anh đậu vào trường Quốc gia Hành chánh không náo nức lắm, cho là cái nghiệp nó chọn mình. Nhưng những người khác không nghĩ như anh.

Khuôn mặt Ba rạng rỡ lên vì ông nghĩ phước nhà đã tới, và có thể nhờ anh giòng họ sẽ chuyển một khúc quanh. Mẹ không giấu được nổi mừng vui trong chiếc bếp của bà, luôn tay lăng xăng nấu nướng, cho con trai xứng đáng của mình những món ngon hợp khẩu nhất. Các em của anh vui ra mặt vì tương lai đã có một chỗ dựa vửng chắc.

Họ hàng kéo đến mừng anh. Hàng xóm láng giềng và những bạn bè của mẹ xa gần nói về con gái của họ. Tuân lên đường tự tin, thấy mình đã lớn khôn. Khi nhớ lại ngày đến bưu điện nhận điện tín gọi nhập học, đích thân ông trưởng Ty đã tiếp anh ưu ái, với những lời khích lệ chí tình mong anh thành đạt với may mắn đặc biệt mà định mệnh đã dành cho anh...

Trường Quốc gia Hành chánh do Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng lập, dựa theo mô thức trường "ENA Pháp - Ecole nationale d'administration", trong khuôn khổ nền hành chánh công quyền lâu đời mà Việt Nam mô phỏng.

Tổng thống Diệm xuất thân từ trường "Hậu bổ" Nam triều, làm quan đến Thượng thư bộ Lại, nên rất ưu ái những công bộc tương lai mà ông muốn đào tạo cho một guồng máy cai trị tiến bộ.

Trực thuộc Phủ Tổng thống trường đã lớn nhanh như thổi về phương diện cơ sở vật chất đến cán bộ giảng dạy và chất lượng huấn luyện. Sinh viên ngoài học trình lý thuyết rất nặng, còn được trang bị những kiến thức thực tiễn của đời sống chính trị, kinh tế xã hội quốc gia qua các buổi nói chuyện thường xuyên của các Tổng Bộ trưởng, các Cố vấn và Phụ tá tại Phủ Tổng thống về các vấn đề của đất nước.

Cuối học kỳ là những giai đoạn tập sự ở các cơ sở trung ương và địa phương để chuẩn bị luận văn tốt nghiệp. Các kỳ hè nam sinh viên còn phải qua các khoá thụ huấn quân sự nhằm trang bị tinh thần thời chiến cũng như các kỹ thuật quân sự cơ bản rất cần thiết cho người công bộc trong bối cảnh thực tế phức tạp của một xã hội chiến tranh mà các vấn đề hành chánh, an ninh quân sự... tròng tréo nhau thiên hình vạn trạng. ..

xxx

Vào những ngày cuối cùng trên băng ghế trung học của Tuân, đại tá dù Nguyễn Chính Danh đã làm một cuộc đảo chánh. Và nếu đại tá Trần Trịnh Khả không mang quân kịp về cứu giá thì chế độ đã sụp đổ. Thần tượng đang xuống ngôi khi loạn từ bên trong và "chí sĩ " đã phải cầu cứu tướng ngoài. Chế độ như một cây xanh đang đâm cành trổ nhánh bổng rủ lá vì những con sùng đục ruổng từ trong thân.

Tuân hối tiếc lắm một thời kỳ thái bình vừa khép lại với cuộc chính biến. Vì kể từ khi ông Diệm tuyên bố thành lập nền Cộng hòa ngày 26 tháng 10 năm 1956 miền Nam Việt nam từ tình trạng dật dờ thiếu chính thống đã nghiểm nhiên tìm được một chỗ đứng khá xứng đáng trên chính trường thế giới.

Có Mỹ ủng hộ đàng sau lưng, họ Ngô đã làm được việc. Bình định giáo phái, sứ quân để xây dựng chính quyền trung ương, ổn định đồng tiền và giá cả, phát triển kinh tế hữu hiệu gíup đời sống người dân tăng cao thấy rõ...

Bỗng nhiên lãnh đạo lạc tay lái một cách khó hiểu, chế độ phạm hết lỗi lầm này đến lỗi lầm khác, mất dần uy tín. Người ta đã nói về những mâu thuẫn đông tây, tôn giáo trong cái gia thế pha trộn tư tưởng Thiên chúa giáo và truyền thống quan lại Nho gia, lương đống của triều Nguyễn.

Dù những cái đầu lãnh đạo của họ Ngô đình đa số nhiểm Tây học, như cố vấn Ngô đình Nhu tốt nghiệp Ecole de charité của Pháp; nhưng những tư tưởng khai phóng không đủ mạnh để rút cội rễ gia đình ấy ra khỏi ao tù phong kiến. Ðó là nguyên nhân sâu của những cơ hội lịch sử miền Nam bị bỏ lỡ, bên cạnh những tác động chính trị của các thế lực bên ngoài...

Bằng mưu lược Tào Tháo, anh em Diệm - Nhu lại thắng cuộc chính biến như đã thắng các tướng giáo phái sứ quân Bảy Viển, Ba Cụt, Năm Lửa (và có thể cả vị tướng nhiều huyền thoại Trình Minh Thế) "Chí sĩ" đã được cứu giá, quân chính phủ cuối cùng đã đập tan cuộc đảo chánh của các tiểu đoàn dù; nhưng uy tín Tổng thống Ngô Đình Diệm đã sứt mẻ nặng nề và chế độ Cộng hoà đã lãnh một nắm đấm ô nhục vào giữa mặt. Cơn nội thương đang âm ỉ phát tác...

Những lầm lẫn chính trị trầm trọng cứ tiếp diễn, đưa đến vụ nổ ở đài phát thanh Huế. Việc kỳ thị tôn giáo có thật. Tệ hại hơn, những giải thích quanh co của Tổng thống Diệm cho thấy nó được chủ trương từ đầu não chính quyền trung ương.

Có thể ông Diệm đã kẹt giữa những vụng về chính trị đối với Phật giáo đòi bình đẳng tôn giáo, và những quyền lực chính trị mạnh hơn đã nhúng tay vào khai thác triệt để những vụng về đó.

Phong trào Phật giáo đấu tranh bắt đầu bằng một "Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo" qui tụ sự ủng hộ triệt để của đại đa số quần chúng đã dồn chính quyền công giáo thiểu số vào một thế chống đỡ rời rạc.

Tổng thống Diệm mất hết uy tín trong dư luận quần chúng và đang để vuột khỏi tầm tay những cảm tình và hậu thuẫn còn sót lại nơi các thế lực phương Tây đã từng ủng hộ chế độ.

Ông Diệm ý thức rất rõ ràng sự nghiệp chính trị của mình đang sụp đổ vô phương cứu vãn. Hơi thở và mạch sống của miền Nam tưởng như đã hồi phục và ươm mầm trên vùng đất úng ngập đã khơi những con kinh thoát nước, phơi phóng đất đai dưới ánh mặt trời mới. Giải đất ấy một thời tưởng đã tìm được một không khí trong lành mới cho những mầm hy vọng mới đang trổ dưới chiếc đũa thần của thiên tài lãnh tụ.

Nhưng "thiên thời" không đến với ông Diệm. Lãnh tụ gảy gục dưới sấm sét không phải vì ông không biết "tri thiên mệnh".

Chắc chắn trong con người ông ngào trộn những trật tự cổ của Khổng giáo và những tư tưởng khai phóng mới của phương Tây. Sự dung hợp ấy đã có thể nẩy sinh một hệ thống giá trị mới nếu sự gặp gỡ giao lưu xảy ra ở một bối cảnh lịch sử khác thuận lợi hơn.

Ðiều bất hạnh cho những giai đoạn đen tới kế tiếp có lẽ đã khởi sinh từ những chạm trán tư tưởng đông- tây trong lòng chế độ thu gọn vào một đại gia đình "quan lại-Thiên chúa giáo" truyền thống.

Một bào huynh Tổng giám mục chỉ thấy độc một nhu cầu tôn giáo thông qua nguyên tắc những phát triển xã hội đồng hành với sự lớn mạnh của khối Thiên chúa giáo.

Một bào đệ ít học hơn, ấm ức cuồng cẳng trong ngôi nhà từ đường cổ kính ở Phú cam ôm mộng làm lãnh chúa.

Người em út nhiểm Tây học không muốn dính líu vào những tranh chấp ở quê nhà an phận với chức đại sứ ở Anh quốc.

Linh hồn của chế độ nằm trong cái đầu thông thái thiếu bình thường của bào đệ Ngô đình Nhu, lấy hà khắc và độc đoán theo phương thức Machiavel (le Prince) làm phương châm răn đe trong nghệ thuật cai trị. Bên cạnh ông là một người vợ cũng không được bình thường, dữ dằn, sống sượng đến nỗi dư luận phương Tây phải gắn cho danh hiệu "Con hổ cái".

Những thế lực xung đột ấy đã phân tán hết sức mạnh tập trung của lãnh tụ kẹt cứng ở giữa. Và khi chủ trương bạo lực hỗ trợ cho sự phát triển Thiên chúa giáo thắng thế trong lòng cái “gia đình trị” ấy cũng là lúc hồi chuông báo tử cho chế độ gióng lên.

Bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã đổ thêm dầu vào lửa. Và lửa đã cháy ở ngả tư Phan Đình Phùng trên thân xác của hòa thượng Thích Quảng Ðức. Cả thế giới rúng động vì ngọn lửa tự thiêu. Và chế độ mong manh tồn tại trên mật vụ chìm nổi đã long những mạch vữa cuối cùng, để rồi phải sụm xuống dưới chân chùa Xá lợi.

Phật giáo lớn nhanh như thổi trở thành một người khổng lồ đang bì bỏm tìm phương hướng trên cánh đồng lầy quê hương. Phật giáo kết hợp trong lòng nó tuyệt đại đa số quần chúng phức tạp gọi chung là người lương, không thuần nhất, phân tán, mâu thuẫn. Hàng giáo phẩm từ nhiều hệ phái và những chính kiến khác biệt từ lâu ẩn nhẩn nơi thanh vắng một ngày chợt thấy bối rối ở trung tâm sân khấu chính trị.

Chủ lực phong trào Phật giáo nằm ở lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh. Lê Hữu Biên, Tôn Tuệ Quang (cùng khóa Quốc gia Hành chánh với Tuân), Nguyễn Trọng, Trần Thúy... của các trường và phân khoa đại học khác là những người tiên phong xây dựng Phong trào Sinh viên (Phật giáo) đấu tranh.

Một tầng lớp trí thức trẻ dấn thân khá muộn màng trong một bối cảnh lịch sử nghiệt ngã thật sự chưa tìm được chỗ đứng xây dựng của họ trong việc khởi phát một tri thức công dân trong giòng tiến hoá dân tộc. Lực lượng trẻ ấy đã xuất hiện bất chợt, thiếu chuẩn bị, thiếu kết hợp chung quanh một chủ thuyết chính trị.

Trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin vào tư cách chính trị của tầng lớp cha anh, những trí thức trẻ muốn tự khẳngg định mình trong cuộc dấn thân không hành trang tư tưởng, nhưng cũng không mặc cảm, vì không thiếu nhiệt tình. Họ đã kiên trì chống phá các khuynh hướng độc tài, quân phiệt, phản dân tộc, phản dân chủ.

Những tấm lòng đầy nhiệt huyết của họ đã thành công trong đấu tranh đường phố. Nhưng họ cũng đã phơi bày nhược điểm tai hại vì thiếu tính thuyết phục cho sự ổn định ở tương lai và những mô hình dân chủ hiện thực.

Sự bế tắc này rõ ràng là hệ qủa của quá trình lịch sử hậu thuộc địa và cuộc tranh chấp quốc - cộng dằng dai. Những người đấu tranh đường phố đã không tìm được chỗ dựa chính trị. Phật giáo ư ? Làm gì có lãnh đạo và ý hệ chính trị. Quân đội ư ? Một sức mạnh quyết định nằm trong tay những tướng lãnh thiếu hiểu biết về chính trị, nhưng lại đầy tham vọng vì đã đánh hơi được quyền hành chánh. Mặt trận Giải phóng miền Nam ư ? Lịch sử quan của đảng Cộng sản Việt nam đã nhận lầm toàn bộ phong trào thanh niên sinh viên là của họ.

Cho nên giữa những tham vọng tranh đoạt trong giai đoạn rối ren đó, phong trào đấu tranh của trí thức trẻ miền Nam đã không tìm thấy lối thoát lịch sử quyết định.

Thành công duy nhất của họ là những phấn kích đem lại cho những chính khách nhút nhát, những nhân vật chính trị đang cầm quyền nhưng không mấy tin tưởng vào sự tồn tại của chế độ Ngô đình, và cả những tướng tá xương sống của chế độ đang được tòa đại sứ Mỹ và CIA ve vãn để làm cuộc đảo chánh 01 tháng 11 năm 1963.

Tin đồn đã thành sự thật. Khoảng gần 14 giờ chiều 01.11 ba chiếc jeep trí súng đại liên và quân đội quân phục tác chiến hú còi chạy vút qua đường Trần Quốc Toản. Sinh viên nhốn nháo tụ tập bàn tán trên các hành lang ký túc xá. Những chiếc radio bán dẫn mở to. Có tiếng nhạc quân hành. Buổi phát thanh gián đoạn một cách bất thường. Quân hành rồi quân hành.

 

Ðúng là có biến cố như mọi người vẫn chờ đợi. Tuyên cáo về một "Hội đồng Quân nhân Cách mạng" do tướng Bích Dương làm chủ tịch có làm cho nhiều người ngạc nhiên về vai trò chủ yếu của ông.

 

Người có khả năng nhất quyết định cuộc đảo chánh là ông tướng trẻ gốc hoàng phái nắm chức vụ tin cẩn Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Ông ta từng chịu ơn mưa móc của "cụ". Nhưng mặt khác, ông vẫn là người Phật giáo gốc Huế. Chính từ đó mà có tin đồn về những “áp lực tinh thần” khiến ông có thể làm cú đảo chánh thật trên cú "bravo 2" như cái đầu thâm trầm của "ông Cố vấn" đã dự liệu...

 

Các tướng tá chủ lực của Hội đồng lần lượt xướng danh, cả những tên tuổi thân tín của họ Ngô đình mà ít người ngờ nỗi. Súng bắt đầu nổ rền trời Sài gòn. Hai chiếc T 28 quần trên thành Cộng hòa đánh bom dữ dội. Ðến khuya thành thất thủ. Quân đội Cách mạng vây dinh Gia Long. Không có tin tức, cũng không hiệu triệu trên một đài phát thanh bí mật nào đó.

 

Khoảng 10 giờ sáng ngày 02.11, đài loan tin hai anh em ông Diệm - Nhu “tự sát” trên chiếc M 113 đón anh em ông về bộ Tổng tham mưu gặp “Hội đồng Quân nhân Cách mạng”.

 

Tuân mường tượng đến khuôn mặt máu me của hai anh em ông, nhất là cựu Tổng thống Diệm, để nhớ lại những ngày nào trước đại giảng đường anh và các bạn bè Quốc gia Hành chánh trong lể phục trắng, cà vạt đen vẫn làm hàng rào danh dự chào đón Ngô Tổng thống trong những dịp ông đến viếng trường.

 

Khuôn mặt ông khá phúc hậu, có nét trung thần của một quan thượng thư qùi gối trước hoàng thượng dâng tài lương đống. Nhưng đôi mắt ông lại khác. Nó có cái vẻ gì sắc sảo, uy hiếp người.

 

Có lẽ vì thế ông đã tổ chức trưng cầu dân ý, bêu rếu truất phế đức Quốc trưởng Bảo Đại trong những năm đầu ông chấp chánh chăng? Và cái nốt ruồi phá tướng nổi rõ dưới con mắt là dấu ấn thê thảm của một định mệnh? Nghe nói ông vẫn là người tin dị đoan. Cho nên các bài diễn văn bao giờ cũng được kết thúc bởi câu "xin Thượng đế phò hộ chúng ta".

 

Nhưng Thượng đế và Chúa đã bỏ ông có lẽ vì những tội lội trần gian ông đã phạm. Chúa cũng chịu thua những cố chấp mê muội của lòng người. Chúa không lường được những bầy tôi cung cúc lạy cụ xưng con nhưng đã đâm cho cụ một ngọn dao lút cán. Chúa cũng e dè thế lực khủng khiếp của đệ nhất Siêu cường trên trái đất muốn làm gì cũng được.

Tuân tưởng tượng mãi khuôn mặt máu me của cụ Diệm, người chí sĩ trong huyền thoại tuổi thơ của anh những năm 54, 55 khi miền Nam sau hiệp định Genève chỉ là một "no man's land". Hồng hoang, dật dờ. Thiếu sinh khí. Thiếu niềm tin. Ðói lãnh tụ.

Chí sĩ đã từ Mỹ quốc trở về dưới chiếc đũa thần của Ðức hồng y Spellman như cứu tinh sáng giá của một dân tộc nhược tiểu, đói khổ, thù hận, bị chia cắt.

Chí sĩ đã đến với Tuân trong những giấc mơ chờ đợi ngày về của Người, lẩm nhẩm tung hô. Em bé tội nghiệp của chúng ta đã đặt niềm tin đầu đời nơi những chói ngời của lãnh tụ. Em đã cầm cờ chạy khắp xóm làng tung hô nào "cụ Ngô Đình Diệm treo ấn từ quan", nào "cụ Ngô Đình Diệm cứu tinh anh minh của dân tộc"...

Em đã từng ngây ngất lấy tay áo trắng của đồng phục học sinh chùi những giọt nước mắt mừng tủi ngày cụ về Huế thăm quê hương và ra mắt đồng bào cố đô ở Phú văn Lâu. Khuôn mặt phúc hậu hồng hào và bộ đồ "tissu" trắng ngà cụ mặc có bao giờ em quên được ?

Thế mà bây giờ ? Cụ đã tự kết thúc cuộc đời chính trị và danh dự của mình như thế... Và sau cái chết thê thảm của cụ ?

Tuân đã ôm lấy mặt giấu những giọt nước mắt chua chát chỉ chực trào ra giữa đường phố đông người.

xxx

Ông Diệm là một nhà hành chánh bảo thủ. Cho nên dưới thời ông đã đặt ra rất nhiều cấm đoán. Văn chương, ca nhạc lãng mạn bị cấm, nhảy đầm phương Tây bị cấm, võ thuật dù là gốc dân tộc cũng không được phép lưu truyền. Ðó là chỗ thất sách của một nền cai trị thiếu cỡi mở làm người dân càng ngột ngạt thêm bên cạnh những bức bách khác. Những nhà độc tài thường chỉ thấy duy nhất mình có lý. Ðề tài luận văn «hà chánh mãnh ư hổ» trong kỳ thi tuyển vào trường Quốc gia Hành chánh mà Tuân đã làm khá xuất sắc nghe nói do tay chính cụ Diệm chọn. Thế mới biết ngồi trên quyền hành người ta dễ dàng quên những lý tưởng đã vạch và để mình sai lầm mà chẳng hề hay biết!

Sau khi ông Diệm đổ, Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã chọn vị phó Tổng thống bù nhìn và ba phải đặt vào chức vụ Thủ tướng trong một hoàn cảnh vô cùng tế nhị và có hàng ngàn vấn đề phải giải quyết cấp thời. Quyết định vô cùng sai lầm ấy như gáo nước lạnh dập tắt một khí thế và niềm hy vọng đổi mới. Ông Bích Dương sai lầm đã đành, vì ông ta chỉ có một khả năng thiên lôi, sai đâu đánh đó. Éo le thay, Phật giáo vì nhu cầu khẩn thiết lật ông Diệm phải nhắm mắt chấp nhận Bích Dương. Người Mỹ dù thật tâm với một miền Nam cần ổn định và mạnh cũng không thể làm gì hơn với khoảng trống lãnh đạo sau ông Diệm. Những lãnh tụ chính trị đối lập đã bị cố vấn Ngô Đình Nhu thâm hiểm thủ tiêu hoặc bôi bẩn. Hàng tướng lãnh dưới trướng không khác gì gia nô. Cho nên những chính khách cỡ ông Nguyễn Hội Ðồng hoặc tướng lãnh cỡ Bích Dương được đặt lên chiếc ghế lãnh đạo làm cho chính họ cũng phải lúng túng lo sợ. Người dân đen ngửa cổ trông lên không khỏi thất vọng vì biết những chóp bu bất đắc dĩ của mình sẽ chóng mặt và té xuống đất bất kỳ lúc nào với biến động không tránh khỏi. Từ bất ổn đó mà nảy sinh ra chỉnh lý, đảo chánh, chống đảo chánh… Cái trớ trêu của lịch sử đã vẻ nên một bối cảnh chính trị đậm nét khôi hài của những con múa rối, trong một giai đoạn lắm trò dở khóc dở cười, với tâm thức hổn mang của hàng sứ quân ôm mộng tranh bá đồ vương.

Sài Gòn ngột ngạt những cơn giông chính trị. Chúng dồn tới phủ vây bầu trời vốn đã u ám từ ít lâu nay. Niềm tin lóe lên sau cách mạng đã chợt tắt. Hội đồng tướng lãnh làm được đảo chánh, nhưng không hề biết làm chính trị.

Chính phủ nằm trong tay đốc phủ sứ Nguyễn Hội Ðồng cũng hệt như một sứ mạng khai phóng trao lầm một con người chỉ quen vâng dạ trên lối mòn quan lại. Ông đốc phủ của nền hành chánh thuộc địa xưa dáo dác núp mình dưới chiếc khiêng «chính phủ chuyên viên», trong lúc nổi phẩn nộ của quần chúng ngày càng lồng lên trước một thời cuộc cần thay đổi đến tận gốc rễ những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội.

Cái trớ trêu khủng hoảng ấy chỉ làm lợi cho một con báo gấm thủ đoạn đang ẩn mình trên ngọn Ngọc linh của vùng II nhòm ngó, chờ thời. Tướng râu ba chòm Nguyễn Khoái không nhọc sức, chẳngg tốn một viên đạn. Ông ta đã tinh ranh lựa đúng thời cơ để chụp lấy mộng tranh đoạt bằng cú «sửa giò» ngoạn mục.

Hôm qua con lạy cụ mà lên. Ðến cái chức Tư lệnh một Vùng chiến thuật đã tưởng tột đỉnh vinh hoa. Nào ngờ! Tướng quân cười sảng khoái. Mộng đồ vương rút lại chỉ giấc mơ! Và chính trường có khác chi sân khấu. Cứ vẻ mặt cho kỹ, cứ sắm tuồng cho hấp dẫn là ăn chắc. Khán giả là quần chúng ngu muội sẽ hoan hô.

Cho nên Tướng quân đã nhờ một vị giáo sư khả kính Tây học nhào nặn những định chế đặc biệt chế ra cái «Hiến chương Vũng Tàu » cho ông ta chính thức ngự lên ngôi cao tuyệt đỉnh. Tổng hội Sinh viên và những học trò của vị giáo sư phản ứng mạnh. Lê Hữu Biên và Nguyễn Trọng Tác hô hào xé Hiến Chương.

Tuân cùng đông đảo bạn bè sinh viên tham dự cuộc biểu tình ngồi trên đại lộ Thống nhất trước dinh Thủ tướng. Cuộc thương lượng kéo dài. Phái đoàn đại diện sinh viên tham dự cuộc điều đình từ trong dinh ra lắc đầu. Phản ứng lồng lên, đám biểu tình đứng bật dậy la ó dữ dội.

Ông Tướng phụ tá Phủ Chủ tịch trấn an không được buộc tướng Nguyễn Khoái phải xuất hiện. Trước áp lực mạnh của lực lượng sinh viên học sinh mà ông ta biết rõ sức mạnh nằm ở hậu thuẫn đàng sau là khối Phật giáo Thống nhất vẫn còn đầy đủ sức nặng quyết định. Và có lẽ không phải vì ý thức được thế yếu của mình, nhưng từ một bản tính trí trá, Nguyễn Khoái đã làm một màn cải lương chính trị.

Ba giờ chiều, ông ta trịnh trọng bước lên diễn đàn mồ hôi nhể nhại. Ðiều bất ngờ kỳ thú là hàm râu ba chòm đã cạo sạch. Ông ta nắm tay Lê Hữu Biên, dong cao lên dỏng dạc hô «Đả đảo Hiến chương Vũng Tàu!»

Mọi người ngơ ngẩn đến sửng sốt. Sự thật này vẫn là của lịch sử.

Sinh viên tranh đấu lặng lẽ rời dinh số 7 trả lại nó sự yên lặng cố hữu với những âm mưu. Tiu nghỉu như người võ sĩ đấm một cú thôi sơn. Ðịch thủ ngả xuống một cái rầm. Bốc khói và biến mất! Kẻ chiến thắng chợt lo sợ, không biết địch thủ ở đâu? Có trở thành Nhan Hồi?

Câu trả lời không lâu sau là chằng tinh đã mọc lên ba cái đầu gọi là «Tam đầu chế». Khoái dẫn tướng Bích Dương từ Biệt điện quản thúc ở Ðà Lạt về, dổ ngon dổ ngọt. Ông ta cũng lăng xăng xầm xì với tướng «câm» Trần Trịnh Khả rủ rê cùng tự phong thêm một sao. Ba thế lực mạnh nhất thời bấy giờ là Chính quyền, Phật giáo và Quân đội sẽ nắm tay nhau dẹp loạn an dân. Tam đầu chế với tổng cọng mười hai ngôi sao lấp lánh thì còn đám thảo khấu nào dám tơ tưởng mộng đánh đổ thế chân vạc của kế sách «Tam quốc chí» ?

Nhưng con nít cũng biết hai cái đầu kia chỉ gật. Nguyễn Khoái tự tung tự tác múa tay trong bị. Lòng dân ly tán. Tướng lãnh bất phục, từ đó nổi loạn sứ quân. Chính trường trăm hoa đua nở. Tôn giáo lồng lên. Ðấm đá túi bụi. Ðảo chánh loạn xạ. Hố Nai kéo lên dằn mặt Viện Hoá đạo. Cuộc «thập tự chinh» suýt đổ máu tín ngưỡng nếu hàng lãnh đạo tôn giáo chân chính như Cha Viên và Thượng toạ Quảng Ðại không kịp nắm tay nhau trên mui xe kêu gọi hòa giải…

Các sứ quân Dương, Lâm, Phạm Thạc lần lượt bị đánh văng xuống võ đài, làm sáng danh hai đại hiệp mới. Bắc Kiều Phong Nguyễn Chính Danh và Nam Mộ Dung Nguyễn Cao Kiến có những tuyệt chiêu riêng. Nhưng tạm thời hòa hoãn vì thời cơ chưa chín.

 

Ðám thảo khấu của các Bang Hội vẫn thèm thuồng cuộc tranh đoạt. Bọn Tả phái hiểm ác vẫn ngồi ở Cục Rờ nhòm ngó động tĩnh. Cho nên hai đại hiệp của thời đại mới vẫn tọa thủ ở hai đầu đất nước liên tay dẹp loạn rồi sẽ tính cuộc ân oán, cao hạ.

Bắc tướng vì vậy đã nhiều lần nhọc công rời đỉnh Sơn Trà về Kinh đô dẹp loạn.

Nam tướng hào hoa đủng đỉnh trên ngọn tháp Cô Tô ở Tân Sơn Nhất chờ tung chưởng quét sạch bọn chuột nhắc háo danh!

Còn tiếp. 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.