.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ- Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Nguyễn Thị Thanh Dương

Đứa con

Chị Bông ngồi say sưa ngắm thằng bé đang chơi đùa cùng với chị nó trong phòng đợi đông người của bác sĩ Nguyễn thị Hoa Cúc. Thằng bé khỏang chừng 3 tuổi, y như tuổi thằng cu Tí của chị ngày nào.

Chị rơm rớm nước mắt khi nhớ đến đứa con duy nhất ngắn số. Tội nghiệp, thằng bé sinh ra đã ốm yếu, sau một cơn bệnh thì qua đời. Thế mà đã hai năm qua rồi, nhưng hình ảnh đứa con yêu vẫn chưa bao giờ xa rời chị.

Hồi nào tới giờ chị luôn thích có con, càng đông càng vui, ở xứ Mỹ này lo gì chuyện vật chất như ăn mặc, nuôi con, bởi nếu vì cớ sự gì mà cha mẹ thất nghiệp, tài chính thiếu thốn thì xin trợ cấp nhà nước, đâu ai để trẻ con đói khát hay ốm đau không thuốc men chữa trị.

Lấy chồng muộn màng năm chị đã gần 40 tuổi, mãi mới đẻ ra thằng cu Tí chị mừng vui như người ta trúng số độc đắc, với chị con cái qúy hơn tiền của. Thằng bé đã là gạch nối gắn bó thêm tình nghĩa vợ chồng, là tương lai để chị thêm yêu đời, ham làm việc và ham sống.

Thằng bé mất đi vợ chồng chị đau khổ, héo hon. Trong lòng chị lại trổi dậy niềm ước muốn có một đứa con khác, dù lúc này tuổi chị đã lớn, anh Bông thì ân cần khuyên can chị:

- Thằng cu Tí không sống đời với mình chắc duyên nó chỉ có bấy nhiêu, bây giờ em lớn tuổi mà sinh con chỉ sợ nó lại ốm đau như thằng cu Tí hay mắc bệnh down thì càng buồn thêm thôi.

Chị Bông biết thằng cu Tí ốm yếu vì chị đã lớn tuổi và mang thai nó khi ấy chị đang ốm đau. Rút kinh nghiệm, lần này chị sẽ ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, ngủ nghỉ thật đầy đủ để mang thai thì chắc chắn sẽ đẻ ra một đứa trẻ khỏe mạnh dễ thương. Chị Bông đã đi khám bác sĩ phụ khoa, tử cung tốt, đường kinh nguyệt của chị vẫn điều hòa, và chị hỏi thăm dò nhiều người ở tuổi 45 như chị họ vẫn đẻ con và đứa bé khỏe mạnh, bình thường nên chị càng tin tưởng và quyết chí theo đuổi mộng ước, dù anh Bông thì không tán thành, anh e ngại đứa trẻ của bà mẹ lớn tuổi sẽ kém thông minh, cảnh cha gìa con cọc vất vả. Năm nay anh 50 tuổi rồi, nếu có con, thì ngày ngày ông bố không còn trẻ trung phải đưa con đến nhà trẻ, và mười mấy năm sau khi con tốt nghiệp trung học, biết đâu ông bố gìa đang ngồi xe lăn sẽ tham dự lễ con ra trường? Hôm nay chị đi bác sĩ gia đình để khám lại sức khỏe, không hiểu sao người chị luôn cảm thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon nên người chị vẫn gầy khô gầy đét như con cá khô được nắng quắt queo. Những món ăn ngon chất đầy trong tủ lạnh, những loại thuốc bổ để đầy trong ngăn kéo chẳng giúp chị được gì…

Cánh cửa phòng đợi lại mở ra, một bác trai khá lớn tuổi bước vào trước, giữ cửa cho bác gái đang hì hục đấy thằng bé vào, vì nó cứ ù lì như muốn đứng im tại chỗ không hiểu gì cả. Nhìn thằng bé ai cũng biết ngay nó mắc bệnh tâm thần nào đó, gương mặt ngờ ngệch, nước dãi từ miệng lòng thòng vì chưa kịp lau.

Gia đình 3 người ấy đang nhìn quanh quẩn tìm chỗ ngồi, chị Bông nhanh nhẹn chỉ chiếc ghế bên cạnh:

- Hai bác ngồi đây đi.

Đây là ghế trống duy nhất, bác gái ngồi xuống, kéo thằng bé khờ vào lòng và rút khăn từ trong túi chắc lúc nào cũng có sẵn để lau nước dãi cho nó. Chị Bông ái ngại hỏi thăm:

- Nó là cháu nội hay cháu ngọai của bác vậy?

Bác gái nghe đầy đủ không sót chữ nào nhưng vẫn hỏi lại:

- Chị nói gì cơ ?

- Dạ, em hỏi hai bác là ông bà nội hay ngoại của thằng bé này?

Bác gái chép miệng than thở:

- Nội ngoại gì chị ơi, chúng tôi là cha mẹ của nó đây mà.

Một bà Việt Nam khác ngồi gần cũng tò mò lên tiếng:

- Tôi cũng tưởng ba má nó bận đi làm nên ông bà đưa nó đi khám bác sĩ chứ. Ai dè…

Một bà khác lại hỏi như để tính toán tuổi đời của cha mẹ:

- Thằng bé này bao nhiêu tuổi rồi?

- Nó 15 tuổi, nhưng ai cũng bảo như mới lên 5 lên 6, ngu ngơ không biết gì.

- Vậy chị sinh nó chắc ở tuổi ngoài 40 chứ ít gì? Bác gái bắt đầu trải lòng giữa những người xa lạ, nhưng quanh đây toàn là người Việt Nam, là đồng hương cả, nên trước lạ sau quen:

- Vâng, đúng thế, tôi mang thai cháu năm 44 tuổi…

Bà kia ra vẻ hiểu biết cướp lời:

- Tuổi ấy mà còn mang thai là không tốt đâu, sao chị không khám bác sĩ, theo dõi tình trạng thai nhi có bình thường khỏe mạnh không trước khi quyết định sinh nó ra, hở?

- Có đấy, khám định kỳ đầy đủ cả, và bác sĩ sản khoa đã phát hiện ra thai nhi bị Down Syndrome, khuyên tôi nên huỷ bỏ. Tôi theo đạo Công giáo, đâu dám phá thai, coi như giết một mạng người, thôi đành nuôi đứa con bệnh mà lương tâm yên ổn. Nhưng các chị ơi, lương tâm yên ổn mặt này thì dày vò khổ đau nhiều mặt khác, vợ chồng chúng tôi đã mệt mỏi, căng thẳng vì nó suốt mười mấy năm qua. Tôi đã phải nghỉ làm việc từ khi sinh nó, cũng may nó được tiền trợ cấp và thẻ khám bệnh miễn phí, nếu không thì gia đình tôi cũng tan gia bại sản từ lúc nào rồi..

- Nói chị buồn thì cũng phải nói, chị đã quyết định sai lầm rồi, thà dứt bỏ bào thai, vết thương của lương tâm ray rứt rồi cũng lành, còn hơn là sinh nó ra, nhìn nó như thế này chị sẽ ray rứt suốt đời vì nó là gánh nặng cho gia đình chị và cho xã hội.

Bác gái rơm rớm nước mắt:

- Tôi hiểu ra thì đã muộn rồi. Thương con vất vả bao nhiêu tôi cũng gánh chịu, chỉ lo mai sau khi vợ chồng tôi chết đi, để lại gánh nặng cho các anh chị nó. Đấy, mỗi lần đưa nó đi bác sĩ cả hai vợ chồng cùng đi mới lo nổi.

Chị Bông góp chuyện:

- Thôi thì số ai nấy chịu. Có vợ chồng khỏe mạnh, trẻ tuổi, mới sinh con đầu lòng gặp ngay con khờ con dại, thế là hai vợ chồng thất vọng, e sợ không dám đẻ thêm nữa. Tôi làm ở day care, biết trường hợp một bà mẹ Mỹ lớn tuổi không chồng, cuộc sống hoang đàng, xô bồ, nay ông này mai ông khác, và nghiện rượu nặng, năm 45 tuổi lại mang thai. Ai cũng ái ngại cho bà ta và cho đứa bé trong bụng. Thế mà đẻ ra thằng con kháu khỉnh thông minh mới lạ đời, bà ngoại nó phải đưa đón nhà trẻ vì sinh con xong bà mẹ nghiện rượu phải đi cai nghiện hết mấy tháng trời. Tuy nói thế nhưng chị Bông vẫn thấy chạnh lòng và thấy bất ổn, lát nữa vào gặp bác sĩ gia đình chị sẽ hỏi kỹ về tình trạng mang thai ở tuổi đời 45 của chị xem bác sĩ sẽ khuyên như thế nào? Có nên cầu may hên xui không? Vì có thể chị đẻ ra một đứa con bình thường, khỏe mạnh nhưng cũng có thể là một đứa trẻ bất bình thường như thằng bé khờ kia.

 ***

Chị Bông về nhà với nét mặt đăm chiêu, anh Bông hỏi ngay:

- Bác sĩ nói sức khỏe em thế nào?

- Thì xưa nay vóc dáng em vẫn gầy, em mệt mỏi vì tình trạng mất ngủ, bác sĩ khuyên nên tạo điều kiện đi ngủ đúng giờ cho quen giấc

- Vậy là em chừa cái tật coi phim đến khuya đi nhé, cứ ráng cho hết chỗ gay cấn này đến chỗ ly kỳ kia không thể dừng lại được, nên tối nào cũng vào ngủ muộn.

- Em buồn nhất là bác sĩ khuyên em không nên mang thai ở cái tuổi 45 vì thể trạng sức khỏe của em hiện nay.

Anh Bông mừng rỡ, thuyết phục thêm:

- Anh đã nói em không nghe. Vợ chồng sống với nhau vẫn hạnh phúc dù có con hay không. Đứa con là tất cả niềm vui hạnh phúc của cha mẹ, nhưng đứa con cũng có thể là niềm đau, nỗi bất hạnh đắng cay mà cha mẹ phải hứng chịu. Anh đọc tin tức Việt Nam trên net, một gia đình giàu có, cha mẹ đại gia, có hai thằng con trai lớn lên đều nghiện hút xì ke ma túy, lần lượt phá hết cơ nghiệp của cha mẹ chúng. Một gia đình giàu có khác, thằng con đi hoang về nhà khảo của, giết cha mẹ để lấy tiền cho thỏa chí ăn chơi hoang đàng của nó

- Thì các nhà ấy vô phước nên gặp những thằng con trời đánh …

- Chưa kể bao nhiêu gia đình khác cha mẹ cật lực làm việc kiếm tiền thì con cái ra sức tiêu tiền, ăn xài đồ hiệu, đi nhà hàng sang trọng, đã thế còn sống lai căng, mê coi phim Hàn Quốc, bắt chước đua đòi theo phim Hàn Quốc, giữa Sài Gòn nóng bức mà chàng trai quàng khăn cổ như diễn viên trong phim “Bản tình ca mùa Đông” nào đó, còn cô gái thì vẽ mắt tím, tô môi tím như nàng diễn viên xứ Kim Chi và nhất định phải vào nhà hàng Hàn Quốc chỉ để ăn tô mì chính hiệu xứ Hàn.

Chị Bông công nhận:

- Em coi phim Việt Nam lấy từ kịch bản Hàn Quốc ra đây nè, bộ Việt Nam mình không có nhà văn nào viết kịch bản hay hay sao mà phải mượn cốt chuyện của người ta? Vô tình mà lai căng từ tư tưởng văn hóa đến cách sống ngoài đời.

Anh Bông thoáng thở dài:

- Chắc mấy cô gái quê Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc cũng phần nào từ những ảo ảnh đẹp đẽ thơ mộng trong các phim truyện Hàn Quốc mà ra? Nhưng vẫn còn nhiều người Việt Nam khác vọng ngoại, thích đồ ngoại, sống ở Việt Nam phải khoe ăn pizza, ăn spaghetti, ăn gà chiên mới sang, dù thực tế chưa chắc đó là những món họ ưa thích.

- Đúng rồi anh, thà ốm đau họ thích ra nước ngoài như Thái Lan, Singapore hay sang Mỹ chữa trị đã đành, vì điều kiện y tế ở Việt Nam yếu kém, cẩu thả và vô trách nhiệm…

Anh Bông cười khì:

- Vậy mà trớ trêu thay, các bà Việt kiều từ Mỹ về Việt Nam đi thẩm mỹ viện căng da mặt, cắt mắt v.v.. vì gía rẻ, họ không lường trước được nếu chẳng may rủi ro thì nguy hại đến chừng nào, như vừa rồi có cô ở Hà Nội chết vì đi thẩm mỹ viện nâng ngực, hay có một ông Việt kiều về Việt Nam chữa trị mắt tại bệnh viện mắt ngay Sài Gòn, thay vì mắt sáng ra lại bị mù, ông ta vội vàng bay về Mỹ để gặp bác sĩ nhãn khoa chữa trị tiếp, đồng thời nộp đơn thưa kiện bệnh viện mắt Sài Gòn. “Đền được vạ thì má đã sưng” tục ngữ ta đã nói thế, ông Việt kiều chẳng thể chữa lại con mắt đã bị mù. Điều kiện y khoa ở Mỹ là một trong những nơi hàng đầu thế giới mà họ lại chối từ, về Việt Nam vì ham rẻ thật là khó hiểu.

Chị Bông lại thở dài:

- Nãy giờ mình đi qúa xa đề tài của mình rồi, tương lai chúng mình không có con sẽ ra sao?

- Trong hoàn cảnh nào cũng có niềm vui của nó nêu ta biết chấp nhận, cố đẻ một đứa con trong điều kiện ngặt nghèo thì có ích gì ? …

Giọng anh Bông bỗng trở nên thương cảm, trầm xuống:

- Em còn nhớ chúng mình đã coi cuốn DVD ngắn của hội bác ái Phanxico, ở San Francisco, CA nói về một trại phong cùi bên Việt Nam không?. Khi một thanh niên, con của người cùi trong trại lên phát biểu anh ấy đã nghẹn ngào mặc cảm vì căn bệnh của cha mẹ, vì nguồn gốc của mình, dù anh hiện là một bác sĩ và không hề mang mầm bệnh của cha mẹ..

Chị ngậm ngùi:

- Hình ảnh ấy em không sao quên được, em coi mà rơi nước mắt luôn, anh bác sĩ ấy về làm việc ngay trong trại cùi, nơi anh đã được sinh ra và lớn lên. Ngoài ra còn những người con khác của những cặp vợ chồng cùi khác mặc dù đã ra khỏi trại, sống đời thường để quên đi qúa khứ, nhưng họ vẫn canh cánh nỗi niềm thân phận của mình. Tội nghiệp!

- Dù là những người mang bệnh phong cùi, nhưng họ vẫn bình đẳng, có quyền tự do của con người, yêu nhau, lấy nhau và sinh con cái. Nhưng nếu anh là người làm việc trong trại cùi, có chút thẩm quyền hay uy tín nào đó, thì anh sẽ khuyên những trại viên bệnh phong cùi, có đến với nhau, lấy nhau, hãy vui sống với nhau để an ủi, chia sẻ về sinh lý cũng như về tâm lý, nhưng không nên đẻ con, dù chúng không di truyền bệnh phong cùi của cha mẹ.

- Vì sao vậy anh? phải có đứa con cho họ hú hí chứ, cuộc đời họ bất hạnh qúa mà?

Anh Bông cương quyết:

- Một đứa bé sinh ra trong điều kiện cha mẹ bệnh tật, không đủ sức khỏe chăm sóc chúng, họ không có tài chính, vì ngay bản thân họ cũng sống lệ thuộc vào xã hội, chúng lây lất lớn lên trong điều kiện sống thiếu thốn của trại cùi và xung quanh là bủa vây bởi những bệnh nhân hình hài dị biệt sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn đứa bé biết chừng nào. Chẳng lẽ vì cha mẹ muốn có chút niềm vui với con mà để một tâm hồn mai sau mặc cảm với xã hội, với cuộc đời ?

Chị Bông chợt nhớ ra:

- Bữa hôm em đọc báo Việt Nam có cái “Làng không chồng” toàn là các bà các cô không chồng mà có con mới là… vui. Hoặc họ lỡ lầm, hoặc họ… ế ẩm, khó kết duyên cùng ai nên cố tình “xin” người đàn ông một đứa con. Thế mới biết đứa con cần thiết lắm. Xin tiền xin bạc thì khó chứ xin đàn ông đứa con thì các ông nhanh nhẩu “cho” ngay, cho … dư xài luôn, dù chị ta không đẹp nhưng cũng là của lạ, cũng là món “khóai khẩu”.

- Các bà này may ra còn thông cảm được, vì các bà bình thường, không phải như các cặp vợ chồng sống trong trại phong cùi, nhưng kể cũng tội những đứa bé không cha, chỉ còn bà mẹ nghèo nàn, lam lũ, ngày ngày đi mua bán ve chai hay hàng rong trên đường phố, nhà cửa thì vá víu tạm bợ, tương lai đứa bé chắc gì được ăn học đến nơi đến chốn?

- Thôi thì miễn sao khi các bà ấy về gìa cũng có con, có cháu bên cạnh còn hơn vò võ đơn độc một mình.

- Niềm tha thiết có con mỗi người mỗi cảnh em ạ, có những cặp vợ chồng đẻ con nhờ ống nghiệm hay nhờ người khác đẻ giùm. Có những người có thể đẻ con, thì con bị vướng bệnh hiểm nghèo như bệnh tâm thần, bị mù mắt, hay một căn bệnh lạ. Họ đẻ thêm đứa nữa, mong khá hơn, nào ngờ cũng bị như thế, và họ lại cố gắng mang thai lần nữa với quyết tâm tìm kiếm một đứa con khỏe mạnh bình thường để nương tựa và nối dõi sau này. Thế là cả mấy đứa con đều mang bệnh như nhau. Sao họ không hiểu ra rằng trong dòng máu họ đã có một mầm bệnh nào đó, đến đứa thứ hai đáng lẽ họ phải ngừng lại. Thật là tội, cả một gánh nặng khổ đau trong gia đình họ và là mối thương tâm cho xã hội.

Chị Bông chán nản:

- Nãy giờ nghe anh kể mà em ngao ngán qúa, thà không có con còn hay hơn.

- Thế là em đã hiểu ra được cảnh ngộ cuộc đời rồi. Đứa con là tất cả nhưng cũng không buồn khi ta không có nó. Ta sẽ có niềm vui khác, bạn bè em đó, vì vướng bận con cái nên không thể lấy vacation đi đâu được, ngoại trừ mùa Hè, còn vợ chồng mình Xuân, Hạ, Thu, Đông gì cũng được, thích là đi.

Chị tự trách thân:

- Nhưng em không được hưởng niềm vui thú “Đêm về nghe con khóc vui triền miên” như nhạc sĩ Lam Phương trong bài hát “Ngày hạnh phúc”.

- Em hãy để tình cảm yêu thương ấy cho những đứa trẻ mồ côi bất hạnh, những đứa trẻ đói ăn thiếu mặc đang sống ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới thì qúy biết bao.

Chị đăm chiêu:

- Nói đến những đứa trẻ mồ côi mồ cút em lại nghĩ mà oán trách những người mẹ vô lương tâm đẻ con ra đem bỏ ngoài lề đường, nơi thùng rác cho kiến bu ruồi đậu, đứa bé còn phần còn phước thì được cứu sống, không thì chết thảm thương.

Sao họ không đem nó gởi trong viện mồ côi, dù là hưởng tình thương thừa của tha nhân còn hơn là không có gì, may ra lại được người nước ngoài nhận làm con nuôi cũng đổi đời.

- Vậy mà chính phủ Việt Nam thỉnh thoảng còn làm khó dễ người nước ngoài muốn xin con nuôi Việt Nam kìa, đòi hỏi điều kiện này nọ, và có lúc tạm ngưng công việc này, làm người nước ngoài nản lòng, họ sang Trung Quốc, Thái Lan, nước Nga hay các nước Đông Âu xin con nuôi thủ tục dễ dàng mau chóng hơn.

Chị Bông than thở:

- Nhà nước Việt Nam sao mà “chảnh” thế? Hãy coi như nhà mình nghèo, con đông, nuôi không xuể, người ta nhà giàu xin con thì cho bớt đi, miễn là họ đứng đắn và có khả năng tài chánh nuôi nấng con mình nên người, làm khó dễ làm gì, chỉ khổ đám con nheo nhóc nhà mình thôi.

- Thế đấy, trẻ em trong các cơ sở mồ côi thì thiếu ngân sách, trẻ em lang thang đường phố thì quản lý không nổi, sinh ra trộm cắp, hư hỏng, mà chính phủ Việt Nam cứ ra vẻ ta đây lo lắng bảo vệ trẻ em, làm khó khăn cho người nước ngoài đến Việt Nam xin con nuôi.

- Những người nước ngoài xin con nuôi thường là khá gỉa tài chánh và họ giàu tình thương. Cho họ nhận trẻ mồ côi, Việt Nam vừa bớt gánh nặng xã hội, vừa cho đám trẻ có tương lai sáng sủa hơn, thông thường đứa nào cũng được cha mẹ nuôi lo ăn học tới nơi tới chốn. Đứa nào đại phước thì vẻ vang như ông Philipp Roester con nuôi người Đức, làm tới chức Bộ trưởng kinh tế Đức, rồi phó thủ tướng Đức, hay thằng nhóc Pax Thiên con nuôi nữ tài tử Angelina Jolie đó, tha hồ sống đời vương gỉa.

Anh Bông kết luận:

- Đúng thế, về phần số mình, anh chấp nhận hoàn cảnh không con với em trong suốt cuộc đời này. Được chưa?

Chị Bông ngả đầu vào ngực anh, mỉm cười:

- Vâng, em tin anh và nghe theo lời anh. Có lẽ trời không cho em đứa con, nhưng đã cho em một người chồng hiểu biết, thông cảm và yêu thương vợ là may mắn hơn nhiều người rồi.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

 

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

Nguyễn Thị Thanh Dương tên thật  Nguyễn Thị Thanh, sinh ngày 12 tháng 9 năm 1951.

Định cư tại Mỹ năm 1991, hiện đang sống tại vùng Dallas, tiểu bang Texas.

Cộng tác với báo Trẻ, phát hành tại địa phương và vài thành phố, tiểu bang khác.

Đã in :

-  Tuyển tập truyện ngắn: "Đường dài thăm thẳm" năm 2007.

-  Tập thơ: "Một thời tương tư" năm 2007".

Yêu thích thơ văn từ lúc tuổi  teen. Cho đến bây giờ niềm đam mê đó vẫn không ngừng nghỉ.


 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.