.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Văn-Nghệ-Sĩ sẽ không còn, nếu Tự Do và Sáng Tạo bị tước đoạt" (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TIN VĂN

Nguyễn Văn Đính
Tạ Thu Thâu, từ quốc gia đến quốc tế

  • PSN | 18.11.2007 | Đinh Tiểu Nguyên ghi
    Sinh hoạt Văn hóa Paris hôm 4-11-2007 : giới thiệu biên khảo

                       

Ra mắt sách vẫn là một sinh hoạt khá quen thuộc trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tuy nhiên, ở Paris, ngay ở Âu Châu, ra mắt sách không được thường xuyên như ở Hoa Kỳ, vì sách vở và báo chí ở đây rất hiếm, gần như thiếu vắng, tuy người đọc được tiếng việt hảy còn khá đông.

 

Chiều ngày 4 tháng 11, từ 14 giờ đến 17 giờ, tại Hội trường của Maison des Centraliens, Paris 8, có tổ chức một buổi giới thiệu quyển sách của Cụ Nguyễn Văn Đính xuất bản lần đầu tiên năm 1939 tại Sàigòn. Sau đó bị cấm nên sách của Cụ từ đó không có dịp tái bản.

 

Trong gần đây, các con của Cụ may mắn tìm lại được tại thư viện Quốc Gia Pháp. Vì chưa quá thời hạn qui định về tác quyền, tác phẩm của Cụ được các con in lại.

Đó là quyển : TẠ THU THÂU TỪ QUỐC GIA ĐẾN QUỐC TẾ

 

Tác phẩm biên khảo này lần đầu tiên được các con của Cụ tổ chức vào mùa thu năm rồi tại Hội trường của Trường Janson de Sailly, Paris 16, nơi tác giả theo học cho đến lớp dự bị thi tuyển vào trường Kỹ sư, vào giữa tiền bán thế kỷ vừa qua.

 

Khách tham dự có hơn trăm người phần đông là người Pháp, cựu học sinh của trường. Sử gia Daniel Hemery, gốc Đệ Tứ, thuyết trình tỉ mỉ giai đoạn lịch sử Việt nam từ trước và sau đệ nhị thế chiến, qua chiến tranh Việt nam, những tranh chấp và hợp tác giai đoạn giữa cộng sản đệ III, đệ IV và các lực lượng quốc gia không cộng sản trong phong trào chống tây giành độc lập cho Việt nam.

 

Ông Nguyễn Văn Trần tham gia ý kiến, nhắc lại lúc bấy giờ những người yêu nước không cộng sản hợp tác với cộng sản tranh đấu cho độc lập dân tộc phần lớn đều bị cộng sản lần lược sát hại. Số còn lại, sau đó, không chịu rời chiến khu vì tránh bị mang tiếng Việt gian cũng lại chết trong tay cộng sản.

 

Ông Hemery cũng đồng ý là tất cả những người chết trong tay cộng sản lúc bấy giờ, đặc biệt như các Ông Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, đều là những người yêu nước chơn chánh. Mục đích của họ tranh đấu hoàn toàn cho đất nước của họ.

 

Nay quyển Tạ thu Thâu từ Quốc Gia đến Quốc Tế được Bác sỉ Trần Ngươn Phiêu, nguyên Tổng trưởng Xã hội của Chánh phủ Sài gòn, hiện cư ngụ ở  TX, Huê kỳ, cho nhà xuất bản Hải Mã của Ông tái bản, với bìa màu, thêm phần phụ bản thơ của tác giả Nguyễn Văn Đính và bài điều tra của sử gia Hoàng Ngọc Thành, nguyên giáo sư Đại Học Văn Khoa Sài gòn, người  Quảng Ngãi, quê quán là nơi xảy ra cái chết của Tạ Thu Thâu. Ông Hoàng Ngọc Thành xác nhận thủ phạm là Cộng sản Hà nội và giết Tạ Thu Thâu là do lệnh từ Trung Ương.

 

Bác sỉ Trần ngươn Phiêu lập nhà xuất bải Hải mã nhằm chủ trương cho tái bản hoặc xuất bản những biên khảo về các nhân sĩ, người tranh đấu ở miền Nam trước kia. Thân phận của họ thường bị bỏ quên, trong lúc những nhà tranh đấu gốc miền Bắc thường xuyên được nhắc nhở ân cần !

 

Cũng như lần giới thiệu trước, hôm 4 tháng 11 bắt đầu chương trình bằng phần chiếu phim 20 phút về tác giả và thân thế, từ lúc thiếu thời cho đến ngày qua đời tại Sàigòn năm 1985.

 

Lời thuyết minh bằng tiếng Việt, có phụ đề tiếng Pháp cho một ít người Pháp trong số gần một trăm người tham dự, thuộc thân hữu xa gần của ban tổ chức.

 

Các con của tác giả, Ông Bà Nguyễn Điền Thuận, các Cô Oanh, Xuyến và Phu quân, lần lược nói lý do tổ chức giới thiệu quyển sách của cha, ngõ lời cảm ơn nhà xuất bản Hải mã và tất cả thân hữu tham dự. Ban Tổ chức hôm ấy còn có thêm sự tiếp tay của con dâu trưởng của tác giả, Bà quả phụ Nguyễn Điền Thạnh, từ Sài gòn qua.

 

Kết thúc phần I của chương trình, Ông Nguyễn Văn Trần nói lại những kỷ niệm của ông với tác giả qua thời gian dài và những nhận xét riêng của ông về tác giả Nguyễn Văn Đính.

 

Phần II của chương trình giới thiệu tác phẩm. Bà Phan thị Trọng Tuyến, một nhà văn quen thuộc của Paris, tóm lược quyển sách Tạ thu Thâu từ Quốc Gia đến Quốc tế, nhấn mạnh về cuộc đời hoạt động của Tạ thu Thâu theo đuổi lý tưởng Đệ tứ cho đến ngày bị cộng sản Đệ tam sát  hại.

 

Bà còn đưa ra một thư mục dài để thính giả có thể đọc và tra cứu thêm về Đệ Tứ việt nam và những cuộc xung đột đẩm máu với Đệ Tam.

 

Dược sĩ Jolivet, con rể của tác giả, nhận xét về quan điểm Đệ tam và Đệ tứ của tác giả. Theo ông, điểm này ông không thấy rõ nét ở tác giả cho lắm.

 

Tiếp theo, cụ Hoàng Khoa Khôi, năm nay 92 tuổi, vẫn giữ lý tưởng Đệ Tứ đến cùng, đến tham dự và lên án Đệ Tam đã sát hại đồng chí Tạ Thu Thâu của Cụ. Cụ đòi nhà cầm quyền cộng sản Đệ tam, tức theo tư tưởng của Staline và Mao Trạch Đông ở Hà nội ngày nay, hãy phục hồi danh dự cho Tạ Thu Thâu.

 

Vì sức khỏe nên Cụ không nói được. Cụ viết sẳn bài phát biểu. Ban tổ chức nhờ ông Nguyễn Ngọc Giao, nguyên giảng dạy Toán tại Đại học Paris VII, dịch ra Pháp Văn và đọc dùm Cụ Khôi. Ông Nguyễn Ngọc Giao, tiếp theo, tóm lược bằng tiếng Pháp nội dung tác phẩm của Nguyễn Văn Đính để giúp những người Pháp trong cử tọa hiểu được tác phẩm giới thiệu.

 

Trước khi mở lời, ông Nguyễn Ngọc Giao tự giới thiệu ông không phải đảng viên đảng Cộng sản Pháp, cũng không phải đảng viên đảng Cộng sản Hà nội. Ông chỉ theo xu hướng Đệ Tam mà người ta thường gọi là phái Staline.

 

Nhìn ông Giao đọc bài phát biểu của Cụ Khôi lên án Cộng sản Hà nội, trong hội trường chắc chắn có người không khỏi không nhớ lại, cũng tại Paris, vào tháng 5/1998, tại giảng đường Sorbonne, ở hàng ghế đầu có ông Robert HUE, Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp ngồi, trên bàn diễn giả, hai đảng viên trí thức cộng sản Đệ Tam và Đệ Tứ thay phiên nhau phát biểu về đề tài « Dưới áp lực toàn cầu hóa, người ta sẽ trở lại với Mác ? ». Một cảnh « đề huề » xóa quá khứ xung đột có khi đẩm máu giữa hai anh em thù nghịch. Nhưng chỉ xảy ra ở Paris vì cả hai đều đang trên đà xuống dốc thảm hại !

 

Giáo sư Phan Kiều Dương, trường kỹ sư hầm mỏ  (Mines Paris) nhắc lại những kỷ niệm xưa với Tạ Thu Thâu lúc ông còn ở Sài gòn, chưa đi Pháp học. Những kỷ niệm vô cùng đẹp. Nhứt là mối quan hệ thân tình giữa hai Bà Thâu và Bà Hùm. Ban tổ chức có dự bị sẽ đón tiếp Bà Tạ Thu Thâu, năm nay 94 tuổi. Nhưng tới giờ chót vì sức khỏe Bà không đến được.

 

Sau cùng, sử gia Pascal Bourdeaux, người trẻ tuổi tài hoa, vừa trình xong luận án tiến sĩ về Phật giáo Hòa Hảo, nói và đọc được tiếng Việt và cũng vừa đi một vòng ở Việt nam trở về, được Ban Tổ chức mời lên nói về giai đoạn kháng chiến Việt nam giành độc lập và những xung đột giữa những lực lượng Quốc gia với Cộng sản vì chủ trương nắm độc quyền lãnh đạo kháng chiến, sát hại những người cùng kháng chiến không theo Cộng sản, những người lãnh đạo các tôn giáo miền Nam tham gia kháng chiến, như Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.

 

Kỹ sư Hoàng Trọng Trang, chồng cô Kim Xuyến, giới thiệu chương trình và điều hợp chương trình. Ông giải thích đây không phải là một diễn đàn chính trị của một tổ chức tranh đấu trong cộng đồng mà chỉ là một buổi giới thiệu tác phẩm biên khảo của Ông Nguyễn Văn Đính, thân phụ của Ban Tổ chức, nên không đặt vấn đề quan điểm chính trị và mong được tránh mọi mâu thuẫn, tị hiềm giữa những người cùng tham dự.

 

Buổi giới thiệu sách Tạ thu Thâu từ Quốc Gia đến Quốc Tế kết thúc vui vẻ. Người tham dự hài lòng vì sự tổ chức chu đáo, phòng ốc khang trang, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng tốt, không khí hội trường nghiêm chỉnh.

 

Ban Tổ chức ân cần mời mọi người hãy chậm ra về, để dùng ly nước với gia đình tác giả Nguyễn Văn Đính.

 

Đinh tiểu Nguyên

   

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.