.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 Vĩnh Hảo

Mưa xuân

  • PSN 14.02.2009

Sau vài ngày rộn ràng với nắng ấm đầu xuân, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh theo những cơn gió ngày đêm thổi qua vùng này. Những hàng cây đơm đầy hoa trắng ở vườn trước đã không ngại ngần buông thả từng đợt hoa theo gió, trải khắp mặt đất. Từ xa, trông như tuyết đang rơi. Khắp đất vườn là hoa tuyết.

Hoa gì mà trắng, lại nở vào cuối đông và rơi vào đầu xuân như thế? - Bằng lăng trắng. Hãy tạm gọi như vậy, vì cái tên này, tôi chỉ mới tìm ra được khi tình cờ nhìn thấy hình chụp của nó trên một trang lưới nói về các giống cây lớn nhanh của Nam Mỹ. Nhưng vẫn chưa dám xác định. Theo hình dáng và mô tả thì giống quá. Natchez crepe myrtle. Một loại bằng lăng lai, hoa trắng không hương, có nguồn gốc từ châu Á, đã thành giống cây thiên nhiên từ lâu ở một số tiểu bang đông nam Hoa Kỳ. Mà thôi, cái tên này có chính xác hay không cũng chẳng sao. Mười năm qua, không biết tên cây gì, hoa gì, cái đẹp của nó vẫn như thế, chẳng suy giảm; và bây giờ, biết tên rồi, dù đúng hay không, cũng chẳng tăng thêm.

Điều muốn nói là thời tiết năm nay không bình thường. Đầu năm âm lịch, có nhiều ngày gió lạnh, và sau Tết ta, mưa tầm tã suốt tuần lễ thứ nhì, khiến cho thảm hoa bằng lăng trắng rất nên thơ phải bị đẫm giập trong những vũng nước đọng. Những ngày bắt đầu mưa, có sấm chớp ì ầm thịnh nộ. Sau đó là những cơn mưa rỉ rả, không ồn ào nhưng dây dưa, như thể chẳng bao giờ muốn dứt. Trời âm u ngày như đêm, tăng cái vẻ quạnh quẽ của khu xóm vốn tĩnh mịch.

Nghe nói ở quê nhà, trời cũng mưa nhiều trong những ngày xuân. Bên này, bên kia, đều mưa. Những kẻ cô quạnh, nghèo, sẽ đón Tết như thế nào nhỉ? Mất và thiếu rất nhiều, nhưng tốt nhất là hãy còn những mảng nắng rực rỡ của mùa xuân làm cho lòng ấm áp, dễ chịu hơn. Không có nắng ấm mùa xuân thì còn gì là xuân! Mưa có cần thiết phải rơi vào những ngày xuân không? Trong thâm tâm, có một chút hờn trách về những ngày mưa đã phá hủy vẻ phong quang tự nhiên của những ngày đầu năm. Ngoài sân bây giờ là những vũng nước lênh láng, lềnh bềnh xác hoa, thay vì là một thảm hoa trắng thật đẹp.

Thời tiết đổi thay là vận hành tự nhiên của đất trời, có gì mà phải hờn trách. Xuân đến, xuân đi, hạ đến, hạ đi, thu đến, thu đi, đông đến, đông đi. Chẳng mùa nào đến mãi, cũng chẳng mùa nào đi mãi. Đã hiểu chuyện, vậy mà vẫn buồn và tiếc thế nào ấy. Là bởi “ông Trời” kéo mùa đông bỏ vào mùa xuân, đem cái quá khứ để khuấy động cái hiện tại. “Ý Trời” ở đây không thể nói là bình thường. Giải thích thế nào đây? Tại sao đang xuân mà mưa lại rơi? Ừ, thì mưa, mưa xuân. Đã từng nghe nói “mưa xuân” chưa? Nếu đã từng nghe, từng đọc trong văn thơ hai chữ ấy, vậy thì mưa rơi những ngày xuân vẫn là chuyện bình thường, có gì mà thắc mắc! Trong vận hành quen thuộc theo thứ lớp tự nhiên của thời tiết, thỉnh thoảng cũng có lúc trái cảnh, trái thời. Những cái trái thời trái cảnh ấy không bao giờ vô ích. Nó xuất hiện để điều chỉnh chính cái vận hành tự nhiên ấy, để cho tự nhiên trở nên tự nhiên hơn. Có nghĩa rằng không bình thường cũng là bình thường; không tự nhiên cũng là tự nhiên; không trật tự chính là trật tự. Bản chất của thế giới vô thường là như thế. Chẳng có cái gì cố định, ngay cả vận hành gọi là tự nhiên của thời tiết. Cũng chẳng có cái trật tự thứ lớp nào mà miên viễn chẳng đổi thay. Thiên nhiên có thể đổi thay, điều chỉnh bằng những cái trái thời thì con người cũng có thể đổi thay bằng những cuộc canh tân, cải cách. Xóa cũ, lập mới, hoặc chống cái mới, phục hồi cái cũ, đều là cách để con người thay đổi hiện trạng mà họ không bằng lòng.

Biết thì vui theo, có gì phải hờn trách hay buồn tiếc! Trong vô thường nhìn ra lẽ thường. Trong biến động trau luyện sự định tâm. Trong chông gai học được sự nhẫn nhục. Trong ồn ào thịnh nộ, giữ được sự tịch mặc, an nhiên.

Kìa, hoa trắng kia dù đã trở thành những hoa tang cho một mùa xuân đẫm nước, thì lá trên cành cũng nhờ mưa rơi mà rửa sạch những bụi bặm sót lại buổi tàn đông. Kìa, chiếc xe đậu trong ga-ra nhiều ngày không ra đường, cũng cần được thanh tẩy bằng mưa. Cứ lái ra ngoài, chạy một vòng trong mưa. Chạy chầm chậm, không vội vã gì, vì không nhất thiết phải đi đến đâu. Khi trở về, xe đã sạch. Chẳng có thời tiết hay biến động nào mà không dạy cho mình những bài học và ban tặng mình những lợi ích.

Chiều nay, mưa mới vừa tạm ngưng thì nắng đã bừng lên ở một góc trời. Bước ra, nhìn lên trời, thấy một cầu vồng ngũ sắc.

 

California, ngày 13 tháng Giêng, Kỷ Sửu (07.02.2009)

 

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

VĨNH HẢO

Tên đầy đủ là Nguyễn-Phước Vĩnh Hảo, quê Nha Trang, gốc Thừa Thiên.

Cựu học sinh các trường Ấu Việt, Sinh Trung, Hóa Khánh, Võ Tánh (Nha Trang), Bồ Ðề (Hội An), Già Lam & Vạn Hạnh (Sài-gòn, sau năm 1975), Trường Cải Tạo Lao Ðộng K4 (Long Khánh, Ðồng Nai), NOVA (Northern Virginia Community College), Los Angeles Valley College (California)... Ngoại trừ trường tiểu học Sinh Trung, các trường còn lại đều bị cắt ngang bởi chính bản thân, hoặc do hoàn cảnh.

Cọng tác với một số báo Việt ngữ tại hải ngoại với văn, thơ, tùy bút... rất giới hạn, không thường xuyên, như: Chân Nguyên, Khởi Hành, Làng Văn, Thư Quán Bản Thảo, Phật Giáo Hải Ngoại, Phật Giáo Việt Nam, Thế Kỷ 21, Viên Giác, Văn Học... và nhiều tạp chí, đặc san khác; chủ trương trang lưới Buddha Home (Nhà Phật -www.buddhahome.net)

- hiện sống và làm việc tại miền Nam California

 

- đã xuất bản 13 tác phẩm gồm truyện dài, truyện ngắn, thơ và tùy bút

 

- chủ biên trang lưới www.buddhahome.net

 

- chủ trương tạp chí văn học Phật giáo: Phương Trời Cao Rộng

 

- Trang nhà www.vinhhao.net

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.