.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

 Vĩnh Hảo


Thông điệp từ biển lớn

  • 28.06.2007

Sea View photo

Từ bãi đậu xe bước lên thềm dành cho người đi bộ, người ta vẫn chưa thấy được biển. Phải leo một con dốc thoai thoải với những bụi hoa vàng vươn cao khỏi đầu, dẫn đến một vọng hải đài lộ thiên; từ nơi đây, nhãn quan mới bất chợt mở bừng trước một đại dương xanh thẳm, mênh mông, tráng lệ.

Từng đàn hải âu tung cánh bay lượn trong vũ khúc miên trường của sóng nước và gió lộng thênh thang. Triền núi lởm chởm đá, đổ dài xuống tận bãi cát lao xao bọt nước trắng. Rải rác đâu đó vẫn còn dấu vết của những dòng dung nham đen kịn đóng thành nhiều tầng lớp, tưởng chừng như những trang giấy dày của cuốn huyền sử đất trời bị thiêu hủy bởi tạo hóa từ hàng triệu triệu năm trước.

Đây là biển. Đây là nước. Biển phương tây nối biển phương đông. Bên này bên kia nhìn nhau không thấy bến bờ, nhưng nước thẳm mênh mông chỉ là một.

Xa hút bên kia, xuyên qua trùng trùng sóng xanh và mây trắng, là quê mẹ. Nơi đó, sau hơn ba mươi năm, đã nhiều đổi thay. Người ta nói vậy. Tất nhiên là phải vậy. Vạn vật và lòng người thay đổi trong từng giây phút, từng sát-na, không lẽ hơn ba mươi năm mà chẳng gì đổi thay? Không gì đổi thay mới là chuyện lạ, và chuyện lạ như thế là điều không thể chấp nhận được. Nhưng mà đổi thay theo chiều hướng nào? Xu hướng văn minh tiến bộ của nhân loại dù nhanh hay chậm thế nào, dù vận dụng chủ thuyết, chủ trương, ý thức hệ nào, tất cũng phải nhắm đến mục đích tối hậu là mang lại hạnh phúc thực sự cho con người, cho xứ sở, cho toàn hành tinh. Hạnh phúc ấy, qua kinh nghiệm dài lâu của lịch sử loài người, đã cho thấy rằng không nhất thiết phải là sự sung túc, tiện nghi của vật chất hay kỹ thuật. Trái lại là đàng khác. Có nghĩa rằng đời sống con người, càng đơn giản chừng nào, càng dễ có hạnh phúc chừng nấy. Nhận thức nầy xem ra có vẻ đi ngược với “xu thế thời đại”, khi mà hầu hết con người đều hăm hở chạy đua với thời gian, tiền bạc và kỹ thuật tân tiến. Nhưng kỹ thuật tân tiến chẳng qua cũng chỉ là cách để có nhiều thời gian hơn bằng cách rút ngắn nó lại: trong một khoảng thời gian nhỏ, có thể làm được nhiều việc hơn; nhiều việc hơn có nghĩa là tăng thêm cơ hội cho sự hưởng thụ tiện nghi, cũng có nghĩa là tạo thêm nhiều tiền bạc và tài sản. Bằng phương cách ấy, con người lẩn quẩn trong nỗ lực vừa tạo tác vật chất vừa nô lệ vật chất, vừa tạo tác thời gian vừa nô lệ thời gian. Xét cho cùng, con người chỉ tự trói mình trong trùng vây của ràng buộc, phiền não, để làm những kẻ nô dịch suốt kiếp cho vật chất và thời gian.

Hạnh phúc không phải là làm được thật nhiều việc trong một thời gian rất ngắn. Hạnh phúc chính là không cần phải làm gì cả, vô tư vô lự, trong một thời gian rất dài.

Hạnh phúc không phải là có thể sở hữu được rất nhiều thứ, thu gom vơ vét tài sản, vật dụng và tiền bạc đầy dẫy chung quanh mình. Hạnh phúc chính là buông xả tất cả, không còn vướng bận vào bất cứ thứ gì.

Hạnh phúc ấy, nhìn ở mặt chính trị, xã hội, thì đó là tự do; nhìn ở phương diện tâm linh, tôn giáo, thì đó là giải thoát.

Trời cao, biển rộng, sở dĩ đẹp là do ở chỗ bao la bát ngát, không bờ không bến. Không ai trong cuộc đời mà không bị mê hoặc bởi vẻ vô cùng vô tận của trời và biển. Nhưng trời thì xa quá, không chạm đến được, còn biển thì nơi đây, gần gũi, sinh động, chân có thể dẫm lên, tay có thể sờ đến, và thân có thể hụp lặn trong đó. Người ta có nhiều kinh nghiệm, kỷ niệm từ biển, và học từ biển rộng nhiều hơn là trời cao. Hình ảnh của biển được dùng rất nhiều để làm ẩn dụ trong văn chương, trong kinh điển: Đại dương thống khổ. Biển lớn sinh-tử…

Và có một số người được sinh ra từ biển không thể không nói tới. Những người này, già trẻ lớn bé, có kẻ già trên tám mươi, có kẻ chỉ là hài nhi còn trong bụng mẹ. Đã một lúc nào đó, họ lần lượt xuống thuyền, ra biển, bỏ lại tất cả sau lưng. Gia đình, bạn bè thân thuộc, tài sản, đất đai, làng xóm, chùa chiền, nhà thờ, đình miếu, ngôi trường cũ, kỷ niệm, kỷ vật, và trên tất cả những thứ ấy: quê hương. Lênh đênh trên biển lớn nhiều ngày để tìm một bến bờ tự do. Tay không tấc sắt, đã không thể tìm được tự do và hạnh phúc nơi chính quê hương của mình dưới một chính thể hà khắc, họ phải gom tài sản tiền bạc để mua một chuyến đi. Lại gom cả sinh mệnh của mình để đánh đổi tự do. Trong đại dương thống khổ ấy, trong biển lớn sinh-tử ấy, nhiều người, rất nhiều người trong số họ, đã bị cướp bóc, hãm hiếp, giết hại, bởi chính nhân viên công lực của đất nước mình cũng như của hải tặc các nước láng giềng, hoặc bị ép bức làm nô lệ tình dục suốt kiếp ở một nơi chốn xa lạ nào đó; nhiều người chết đói chết khát; nhiều người bị bão lớn, sóng to nhận chìm. Lượng máu và nước mắt của họ không sánh được như nước đại dương, nhưng mặn và đau xót hơn rất nhiều.

Những kẻ may mắn sống còn, trôi giạt đến bờ biển của những nước láng giềng, lam lũ, tiều tụy, vật vờ như những hồn ma bóng quế lạc về từ địa ngục. Đặt chân trên vùng đất mới, họ lập tức được người nước ngoài tiếp cứu bằng lòng nhân đạo, mở vòng tay để chào đón như là thành viên mới của xứ sở tự do, mà đồng lúc cũng bị chính quyền trong nước kết án như những kẻ phản bội tổ quốc và quê hương. Bắt đầu từ đây, với hai bàn tay trắng, họ làm lại cuộc đời. Cuộc đời cũ, cuộc đời mới, được chấm dứt và khởi đầu từ biển lớn. Thế nên, lòng không thể không lớn, tình không thể không bao la. Hơn ba mươi năm vật lộn với cuộc sống, từ việc học hành cho đến nghề nghiệp, họ đã trải qua cú sốc văn hóa, tâm lý chao đảo, vượt bao gian khó, khổ nhọc, đắng cay, để từ hai bàn tay không, dựng nên sự nghiệp hiển hách của cá nhân, gia đình, và một cộng đồng lớn mạnh.

Người ta nói họ phản quốc, phản dân tộc nhưng kỳ thực chính họ lại là những người yêu nước, yêu dân nồng nàn nhất. Ngày đêm canh cánh nhớ nước thương nòi. Tháng năm học hành và làm việc để ổn định đời sống mà lòng nào nguôi trước khổ nạn của quê hương. Từ kẻ thành danh giàu có cho đến người già nua yếu kém nhận trợ cấp hàng tháng của chính phủ, lúc nào cũng sẵn dành một phần tiền, một phần quà gửi về quê hương. Từ thiên tai cho đến tai họa gây nên bởi những kẻ bạo ngược vô tình, những người sinh ra từ biển lúc nào cũng tiên phong, mau mắn nhất để dang tay cứu giúp cho nạn nhân quê nhà.

Người ta nói họ là những người đầy căm thù, cực đoan, nhưng kỳ thực họ là những người rất mực từ bi hỷ xả. Họ không vì một thiểu số cầm quyền mà bỏ quên hàng triệu người dân thống khổ. Họ không vì một tập đoàn tham nhũng, hối lộ, thối nát, mà bỏ mặc đồng bào trước những nỗi nguy nan. Ở nơi chốn tự do sung túc hà tất phải bận lòng thù ghét những ai! Chẳng qua là vì thương dân thương nước mà bất bình với những sai trái của tập đoàn tham ô. Biển có khi im lặng như tờ, nhưng cũng có lúc thịnh nộ dương oai. Không phải im là nhu nhược hèn yếu; không phải thịnh nộ là căm thù, bạo động. Chỉ là im lặng để lắng nghe, thấu suốt, và lên tiếng là để nói cái khát vọng tự do hạnh phúc của sinh dân.

Sinh từ biển lớn, họ có tấm lòng bao dung như biển: đã từng tha thứ những kẻ đày ải, giam cầm, hành hạ, bóc lột mình, luôn nghĩ đến nỗi đói khổ của đồng bào và luôn sẵn sàng đem tài sức mình để xây dựng quê hương. Họ đã tìm thấy tự do, nhưng ước vọng tự do cho kẻ khác vẫn chưa nguôi. Họ tiếp tục nhẫn nại, chờ đợi sự hồi đầu hướng thiện của những kẻ xấu-ác. Đó là lòng nhân, là trí tuệ, mà cũng là sức mạnh của họ.

Họ, những bé sơ sinh năm ấy bây giờ đã trở thành những bậc cha mẹ của những bé sơ sinh thế hệ mới; những thanh niên nhiệt huyết can trường năm ấy, bây giờ đã đứng trước thềm lão niên. Nhiều người trong số họ đã ra người thiên cổ. Nhưng biển lớn hãy còn đó. Mênh mông, không cùng, không tận.

Từ biển lớn, gửi thông điệp nhân từ, trí tuệ và nhẫn nại về đất mẹ quê cha.

 

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

VĨNH HẢO

Tên đầy đủ là Nguyễn-Phước Vĩnh Hảo, quê Nha Trang, gốc Thừa Thiên.

Cựu học sinh các trường Ấu Việt, Sinh Trung, Hóa Khánh, Võ Tánh (Nha Trang), Bồ Ðề (Hội An), Già Lam & Vạn Hạnh (Sài-gòn, sau năm 1975), Trường Cải Tạo Lao Ðộng K4 (Long Khánh, Ðồng Nai), NOVA (Northern Virginia Community College), Los Angeles Valley College (California)... Ngoại trừ trường tiểu học Sinh Trung, các trường còn lại đều bị cắt ngang bởi chính bản thân, hoặc do hoàn cảnh.

Cọng tác với một số báo Việt ngữ tại hải ngoại với văn, thơ, tùy bút... rất giới hạn, không thường xuyên, như: Chân Nguyên, Khởi Hành, Làng Văn, Thư Quán Bản Thảo, Phật Giáo Hải Ngoại, Phật Giáo Việt Nam, Thế Kỷ 21, Viên Giác, Văn Học... và nhiều tạp chí, đặc san khác; chủ trương trang lưới Buddha Home (Nhà Phật -www.buddhahome.net)

- hiện sống và làm việc tại miền Nam California

 

- đã xuất bản 13 tác phẩm gồm truyện dài, truyện ngắn, thơ và tùy bút

 

- chủ biên trang lưới www.buddhahome.net

 

- chủ trương tạp chí văn học Phật giáo: Phương Trời Cao Rộng

 

- Trang nhà www.vinhhao.net

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.