.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật  | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Vũ Nam

 
Chú tiểu Đệ

  • PSN - 11.11.2010 | Vũ Nam

Buổi công Phu sáng xong, chú tiểu Đệ lật đật ra sau để lo chuẩn bị buổi ăn sáng cho thầy Hạnh Thảo, sư phụ của chú. Công việc hai năm nay rồi, ngày nào cũng vậy, gần như chú thuộc nằm lòng. Nói ăn sáng cho sang trọng, chớ thầy trò của chú ăn uống rất đạm bạc. Thường chỉ một nồi cháo trắng ăn với củ cải muối. Hoặc thỉnh thoảng một nồi khoai lang, khoai mì. Sự ăn uống đạm bạc ấy lâu dần đã tập cho chú giảm bớt những cảm giác ham thích những món ăn sang trọng, những món ăn mặn mà chú đã quen từ thuở chào đời cho đến ngày xuất gia đầu Phật, đi theo làm đệ tử cho thầy Hạnh Thảo. Lúc đó, mới vừa mười hai tuổi chưa hiểu gì về Phật Pháp, không biết gì về những đau khổ của cuộc đời, nhưng do duyên tiền định nào mà chú chấp nhận xuất gia một cách dễ dàng khi thầy Hạnh Thảo bàn chuyện với ông bà thân sinh chú để xin chú làm đệ tử. Từ một chú bé đang học lớp đệ lục, đang vui chơi với bạn bè trong trường lớp, có trai có gái, chú trở thành một chú tiểu mặc áo nâu, đầu cạo trọc chỉ chừa một lỏm ở trước. Cuộc đời chú đang sôi nổi trở lại trầm lặng khi tuổi còn trẻ thơ như thế.

Khi con mình xuất gia theo thầy Hạnh Thảo, chú thím Huỳnh cũng thấy buồn buồn trong bụng không ít. Nhất là thím Huỳnh, dù nhà năm đứa con, có tới ba đứa con trai, nhưng khi nghe lời chồng cho thằng Thanh, đứa con út, theo đầu Phật để làm đệ tử cho thầy Hạnh Thảo thím cũng rất buồn. Dù vẫn gật đầu nghe lời mỗi khi chồng khuyên bảo:

- Đời là bể khổ mà bà! Bà có thấy đời tôi không? Khổ quá trời! Cả đời bà nữa cũng vậy. có sung sướng gì đâu! Đứa nào có ý muốn đi tu thì cứ cho nó đi. Cản làm gì tu được thì sướng thân chớ đâu phải là khổ mà mình buồn cho nó. Mình mới đang khổ đây bà!

Nhìn chồng nói, nhìn ánh mắt nhăn nheo của chồng, mái tóc đã màu muối tiêu, đôi mắt đã nhìn xuyên suốt qua nhiều đời sống ở trần gian, thím Huỳnh thấy tin tưởng lời chồng lắm. Ổng đi nhiều. Ổng biết nhiều vì ổng từng trải. Nhưng thím vẫn nghĩ tình thương của người mẹ giành cho con nó không giống như tình thương của người cha dành cho con. Nếu tình thương của người cha cho con thường mang tính chất trí tuệ, thì tình mẹ dành cho con có tính chất mẩu tử thiêng liêng, vì phải mang nặng đẻ đau, lấy máu huyết thịt xương mình mà tượng hình cho con, sanh ra con. Nhưng thím biết chồng thím cũng chưa nghĩ nhiều về sự ràng buộc giữa người đàn bà và đứa con. Và là mẫu người đàn bà lúc nào cũng để chồng quyết định, vẽ ra tất cả mọi công việc, nên thím cũng giống như mọi lần, đều nói theo:

- Ông tính sao thì tính. Nếu thấy cho nó đi tu là sướng thì ông cứ cho đi. Tôi thì sao cũng được. Cũng cầu Trời khẩn Phật là như ông nói: Tu là cội phúc.

Thấy vợ đã bằng lòng, chú Huỳnh vui trong bụng chú còn nói thêm:

- Nó đi tu với thầy Hạnh Thảo là tốt. Thầy là người có học. Từng có tú tài Pháp. Từng làm việc ở Sài Gòn. Có chức phận lớn.

Chú lại tằng hắng mấy lần rồi mới tiếp tục:

- Gần nửa năm nay tiếp xúc với Thầy, mình thấy không, Thầy là một nhười đạo đức. Tôi thấy thằng Đệ mà làm đệ tử cho Thầy cũng là mừng cho nó.

- Thì tôi có nói với ông là thầy Hạnh Thảo không đạo đức đâu. Đời tụi mình làm sao sánh lại với đời của thầy. À, mà lâu nay tôi muốn hỏi ông nhưng tôi không có dịp, là: Tại sao Thầy không tu ở Sài Gòn? Nghe nói ở Sài Gòn có nhiều chùa lắm mà! Tại sao Thầy lại về chi ở cái ấp Nước Ngọt này để mà tu. Lại còn lên tuốt trên núi cất chùa vắng hoe!

Câu hỏi của bà xã làm chú hơi giật mình. Chú tự hỏi: A há! Tại sao thầy Hạnh Thảo lại không tu ở Sài Gòn mà về tuốt ở dưới này? Lại còn lên trên núi nữa. Lâu nay, mỗi khi đi chợ ở làng Phước Hải hoặc Long Hải, lúc mua xong đồ đạc, chú hay vào tiệm cà-phê ngồi uống một ly mà chờ xe đò. Ở đó người ta thường hay nói về sách lược của Cộng Sản Bắc Việt. Sách lược đó là họ gài cán bộ ở lại miền Nam, tất cả trong mọi lãnh vực: chùa chiền, nhà thờ, dân giả, công chức, v.v... Họ chờ dịp là nổi lên "giải phóng miền Nam". Từ năm 1954, sau Hiệp định Genève hai tháng, khi từ Sài Gòn dắt vợ con về để làm gác-dan cho cái ông chủ người Pháp tên Paul này, chú cũng quen dần dần rất nhiều Thầy nhiều Cô về đây cất chùy để tu. Đất nước đã hòa bình, lại gặp cảnh vật hữu tình, nên ấp Nước Ngọc tập trung được nhiều chùa chiền. Thế thì cũng hay. Vùng có núi có biển, thì ngoài là, nơi để du khách cuối tuần tấp nập tiềm đến nghĩ mát, còn là nơi để du khách có dịp viếng cảnh viếng chùa. muốn lên cao chót vót trên đỉnh núi có chùa Thang Lầu, lưng chừng núi có chùa Bồng Lai, Ngọc Tuyền, dưới chân núi có chùa Ông Cả, chùa bà Hai Luông... Mỗi chùa điều có một hai Thầy trụ trì, hoặc hai Ni Cô trông coi. Nhưng... ai thì chú sợ, chứ như Thầy Hạnh Thảo thì không bao giờ chú nghi ngờ là... Việt Cộng... nằm vùng được. Vì, chú từng cùng Thầy Hạnh Thảo về Sài Gòn để thăm nhà Thầy. Vợ Thầy đã mất. Các con Thầy đều đã thành danh, đã lớn, đã có gia đình. Như thầy nói, Thầy có Ý Nguyện từ lâu rồi, khi con lớn, thành gia thất xong là Thầy đi tu. Giờ, con cái đã lớn, đã thành gia thất thì thầy đi tu là theo cái ước nguyện của Thầy. Nhà cửa Thầy như thế, chức phận Thầy như thế, con cái Thầy như thế, thì Thầy không thể là Việt Cộng nằm vùng được. Nếu có nghi thì nghi cái Thầy Bảy kia kìa. Khi ghé thăm chú thím, thì Thầy hơi nói nhiều đến chính trị, đến chế độ hiện hành, dù Thầy mặc áo nâu, nhưng xem ra Thầy có vẻ ghét chế độ hiện tại ra mặt. Có lẽ, Việt Cộng lợi dụng chiếc áo cà sa, chiếc áo nâu để cho cán bộ ẩn núp chờ thời. Thầy Bảy thì khác với Thầy Hạnh Thảo xa. Thầy Bảy mặt mày còn trẻ, có vẻ lanh lợi quá, cặp mắt lại sáng ngời đến độ... láo liên. Còn Thầy Hạnh Thảo đã gần tuổi hưu trí rồi, Thầy xin hưu sớm để đi tu. Đi tu mà Thầy vẫn lãnh hưu trí của chính quyền Quốc Gia. Mặt Thầy rất hiền. Cặp mắt Thầy rất định. Thầy lúc nào cũng vui vẻ và hầu như Thầy không bao giờ nói chuyện chính trị với chú thím. Như thế thì không thể nghi ngờ Thầy nằm vùng cho Việt Cộng được. Chú giải thích cho thím:

- Thầy tu theo lối Tịnh Độ. Một mình lập chùa tu. Bằng công phu, niệm Danh hiệu A Di Đà. Để tự giải thoát. Đã bao năm sống giữa thành phố ồn ào rồi. Giờ Thầy phải tìm nơi yên tĩnh để tu chớ. Thầy đâu có chức phận. Đâu phải là Đại Đức, là Thượng Tọa, mà tu ở trong các chùa lớn ở Sài Gòn, để còn làm phận sự cho Giáo Hội, Tông đồ mà hoằng dương Đạo pháp. Thầy là Cư sĩ. Tu một mình, một chùa.

Thím Huỳnh nghiêng nghiêng nhìn chồng, lòng khen ngợi được nói ra bằng miệng:

- Sao ông rành quá vậy! Chuyện Phật Pháp xem ra ông còn rành hơn chuyện trồng chuối con, mảng cầu con cho ông Paul nữa.

Chú nghe khen thì lấy làm hãnh diện, nhưng bản tánh chú thì khiêm nhường nên chú thành thật giải thích cho thím hiểu:

- Thì bà không thấy sao. Mấy lần Thầy Hạnh Thảo tới đây. Tôi với Thầy ngồi nói chuyện gần cả luôn một buổi chiều. Không làm gì được cả. Hoặc khi tôi lên chùa thăm Thầy, Thầy cũng mời lại dùng cơm rồi nói chuyện về đạo, suốt cả buổi với Thầy. Thầy có cái lạ. Cái gì Thầy cũng lấy cho tôi. Thầy nói: Chú lấy về xài đi! Con tôi cho tôi đó. Nó cho nhiều quá! Lúc thì cục xà bông, lúc thì cây kem đánh răng, lúc bao cà phê, trà... Đó, mỗi lần tôi đem về thì bà thấy đó. Đồ đạc Thầy quen cho mà Thầy ít muốn nhận lại của ai. Đó là cái tâm bố thí đó bà. Đó cũng là một hạnh nguyện.

Nghỉ một chút chú lại tiếp:

- À. Mấy lần có dịp về Sài Gòn với Thầy, ghé lại nhà Thầy tôi thấy nhà Thầy thật đầy đủ. Nhà hiện giờ là đứa con gái út trông coi. Đúng là người ta có phước thật. Cô gái út hiếu thảo vô cùng. Lại thật hiền thật tốt với tôi, dù tôi chỉ đáng là đệ tử của Thầy Hạnh Thảo.

Thấm thoát vậy mà đã hai năm rồi, giờ lo ăn sáng cho sư phụ, chú tiểu Đệ thấy công việc tu hành không thể gọi là sung sướng, nhưng cũng không thể kêu là khổ cực được.

Chú nghỉ lại lúc sửa soạn cho con đi xuất gia, chú Huỳnh, cha của chú đã hỏi han trước chú:

- Ba má không bắt buộc con đi tu, nhưng nếu con muốn đi, thích đi thì ba má sẽ cho con đi theo làm đệ tử cho Thầy Hạnh Thảo để mà tu hành. Con nên nhớ một người tu cứu được đến mười đời cha mẹ. Cái đó tùy con quyết định. Riêng ba má thì ba má vẫn muốn trong nhà có một đứa đi tu.

Còn má của chú như vì thương con quá nên thêm vào:

- Ba mầy nói là vậy, chứ mọi việc đều do con quyết định. Con thích tu thì đi tu. Còn con không thích thì con ở nhà như anh chị em của con vậy. Con không đi ba má cũng không có buồn gì cả. Chứ con sợ ba má buồn rồi con đi tu thì không tốt. Con đi tu mà con buồn thì ba má cũng không vui được.

Ôm con lấy khăn lau mặt, bàn tay người mẹ ấm áp nhân từ. Đôi mắt má chú nhìn sâu vào mắt chú. Ở trong đôi mắt đó chú thấy có đọng những giọt nước long lanh. Giọt nước ấy như chứa đựng một tình yêu vô bờ bến. Chú thấy cha chú, lẫn má đều nghĩ rằng chú buồn. Nhưng không, chú chưa nghĩ được sự buồn vui khi chuẩn bị lên đường xuất gia. Chú chỉ có một chút gì nhung nhớ lại mái gia đình, bạn bè, anh em. Một chút thôi. Chứ nó không có gì ràng buộc nhiều. Còn chiếc áo nâu, cái túi xách cũng màu nâu của Thầy Hạnh Thảo, hình ảnh mà trong nửa năm nay chú đã thấy như một hình ảnh càng ngày càng gần gũi, thân thiết. Tuy nhiên, lúc đó chú vẫn không nói được một lời cho ba má chú yên lòng. Với số tuổi mười hai, không như những đứa trẻ khác, lanh lợi, hoạt bát, chú lại ít nói, buồn vui trong lòng như nuớc chảy của dòng sông. Có đó, rồi trôi mất đó. Chú còn nhớ rằng chú không nói một lời, không khóc một giọt nước mắt, trong ngày chú lên đường xuất gia theo Thầy Hạnh Thảo.

Ở với Thầy Hạnh Thảo trong hai năm nay, sáng công phu, rồi ăn sáng, rồi phụ với Thầy dọn dẹp chùa, tưới cây, trồng thêm cây mới, rau cỏ trong một buổi sáng. Trưa, ngọ trai xong thì nghỉ một giờ đồng hồ sao đó bắt đầu đọc Kinh. Học đến chiều lại lo tưới cây, lo chuẩn bị cơm chiều. Tối đọc Kinh, đọc sách, nghe Thầy Hạnh Thảo giảng về kinh, giảng về đạo, và về văn hóa, rồi chỉ tịnh. Có khi đi Sài Gòn thì Thầy dẫn theo, có khi Thầy để lại trông chùa, nhang đèn cho các bàn thờ Phật. Có những lúc rảnh rang Thầy cho phép chú xuống núi để thăm lại gia đình. Lúc này thì chú thím Huỳnh đều quấn quít lấy con không rời nửa bước. Đoạn đường từ chùa của chú trên núi xuống tới nhà chú khoảng chừng năm cây số. Khoảng cách không gian không xa, nhưng khoảng cách về đời sống đã xem ra trăm lần cách biệt. Gia đình vẫn ăn mặn! Còn chú chay trường đã được gần hai năm. Gia đình vẫn theo đuổi công việc của đời sống! Còn chú chăm lo việc tu hành, việc đạo. Thấy con đã lớn, tu hành đã lâu mà chưa một lần than vãn, chú thím Huỳnh lấy làm mừng lắm. Giờ chú còn giảng đạo cho ba má chú nghe mỗi khi chú về:

- Giờ ba má muốn nghe chuyện gì về đạo con sẽ giảng cho ba má nghe. Thầy Hạnh Thảo dạy con rất nhiều điều hay. Ngoài ra con còn tự đọc kinh, đọc sách con cũng biết.

Ngồi ở chiếc bàn tròn, hai vợ chồng với đứa con, bên cạnh bánh trái nước trà. Giờ, chú thím Huỳnh thấy như mình không còn ngồi đối diện với thằng con trai, mà là ngồi đối diện một người đã đi tu. Nhưng lòng thì vẫn yêu thương con tràn ngập. Thím thì cứ đưa mảng cầu cho con ăn, chuối cho con ăn, còn chú thì cứ rót nước trà kêu con uống.

- Thôi, con biết gì thì con nói cho ba má nghe. Chứ ba má biết gì mà hỏi. Việc đạo ba má đâu có rành, bởi vậy mới cho con đi tu đó. Đi tu để được học Đạo Pháp, để thực hành.

Dù bà xã nói như vậy, nhưng chú Huỳnh vẫn muốn hỏi con một vài điều mà bấy lâu chú thắc mắc. Chú nhìn chăm chăm vào con để hỏi như người học trò hỏi Thầy một cách chân thành:

- Đâu con nói cho ba nghe về Bát Chánh Đạo coi! Tu theo Bát Chánh Đạo để giải thoát là sao?

Chú tiểu Đệ gãi đầu. Dù Thầy Hạnh Thảo đã giảng, nhưng bất thình lình chú chưa thể nhớ rõ từ đầu đến đuôi. Chú cười. Nói với ba chú:

- Ba cũng rành về đạo quá nha! Tưởng ba hỏi gì về cái thường. Ai dè ba lại hỏi về Bát Chánh Đạo. Nhưng theo kinh con đọc thì nó như thế này. Bát Chánh Đạo là tám con đường đi đến sự giải thoát. Nếu người nào thực hành đầy đủ sẽ chứng được quả giải thoát, là cái nhân để thoát lý sanh tử luân hồi. Đó là:

Một, thấy nghe chân chánh.

Hai, suy nghĩ chân chánh

...

Đó, đơn giản Bát Chánh Đạo là vậy. Nhưng giảng giải ra thì dài dòng nữa. Ba má có muốn nghe không?

Vừa nghe chú thím Huỳnh gật đầu, không ngờ mới mười bốn tuổi mà chú tiểu Đệ cũng thuộc rành rẽ về kinh điển như vậy. Công việc gác-dan cho chủ Tây đã chiếm mất thời giờ của chú thím. Ngày thứ bảy, chủ nhật phải nấu cơm, chuẩn bị cho gia đình chủ xuống nghỉ mát cuối tuần. Khi chủ về thì phải lo làm sạch sẽ lại, dọn dẹp lại cho đâu vào đó. Rồi còn lo trồng cây trái, bông hoa như chủ căn dặn, nên chú thím không có thì để đọc kinh, nhưng được một cái là chú thím lại rất thích nghe ai giảng kinh. Nhất là chú Huỳnh, mỗi khi chú lên chùa thăm Thầy Hạnh Thảo, hoặc khi Thầy Hạnh Thảo xuống nhà thăm chú, thì chú ngồi nghe Thầy Hạnh Thảo giảng về đạo gần cả nửa ngày mà chú lhông biết chán. Nghe chú hỏi, má chú lên tiếng liền:

- Thôi, để khi khác! Ba con muốn xem kinh thì hôm nào con thỉnh cho ba con một cuốn. Chớ việc đạo biết bao giờ mà giảng giải cho hết. Về nhà thăm nhà thì để cho nó còn nghỉ.

Quay qua ông xã, thím nói:

- Thôi để con nó nghỉ. Ông bày đặt hoài.

Nói xong thím đi lại xem cái áo choàng của con. Thím có cái thói quen lâu nay như thế. Mỗi lần chú tiểu Đệ về thăm. Khi cha con nói chuyện. Thím tìm xem chiếc áo con thím có chỗ nào rách, chỗ nào sứt chỉ thím vá lại. Bốn đứa con khác, chú thím gởi đi ra ngoài Vũng Tàu để học, một tháng tụi nó cũng về thăm chú thím một lần, nhưng những lần tụi nó về thăm nhà, thím nhận thấy tình thương của thím không thắm thiết nồng mặn bằng tình thương của thím dành cho chú tiểu Đệ. Ở Vũng Tàu, bốn đứa con cũng ở chung nhau trong một cái nhà nhỏ do ông chủ Tây của chú thím làm chủ. Tụi nó có cuộc sống đầy đủ, học hành đàng hoàng, mặt mày đứa nào đứa nấy đều tươi vui mỗi khi về thăm chú thím. Còn với chú tiểu Đệ, cuộc sống tu hành lâu nay đã làm tính tình chú trầm mặc lại. chú không còn tươi nói rộn ràng như hồi chưa đi tu. chú ăn nói nhỏ nhẹ. Cười tươi nhưng không ồn ào lớn tiếng. Lại ăn chay, ở trên núi, nên da dẽ chú không hồng hào mà là một màu trắng xanh, dù chú không có bệnh hoạn. Từ sự khác biệt đó, nên thím Huỳnh thấy dần dà tình thương dành cho chú tiểu Đệ có vẻ nhiều hơn mấy đứa khác. Khi chú về thăm, ngoài việc vá áo, vá quần cho con, thím còn chuẩn bị cho con đôi dép mới, đôi giày săn-đan để con lên xuống núi cho dễ dàng, lon gui-gô đậu mè, hũ chao, chai nước tương, kem đánh răng, khăn lau mặt, một vài chục trái mảng cầu, điều, vú sữa, v.v... Nên mỗi khi chú trở về chùa chú tiểu Đệ phải mang quằn cả vai. Thím đâu bao giờ quên một câu hỏi mà mỗi khi chú tiểu Đệ về thăm nhà:

- Ở trên chùa con có cần gì không? Thiếu gì nói ba má mua. Hoặc ba con đem lên, hoặc có dịp con về lấy.

Mỗi lần như thế, chú thấy, chú đi tu mà còn để sự lo lắng cho cha mẹ quá nên chú không an lòng. Nhưng chú biết tính của má chú là như vậy, với tất cả những đứa con:

- Ở trên chùa, Thầy mua đủ cả rồi. Mỗi lần ở Sài Gòn về Thầy mua đầy đủ cả. Khi nào gần hết Thầy lại trở về Sài Gòn để đem xuống, nên không thiếu gì hết. Chừng nào thiếu cái gì con sẽ nói xin ba má. Ba má đừng lo lắng nhiều cho con!

Thím Huỳnh thì hay lo về vật chất, nhưng còn chú Huỳnh thì chú lại ngược với vợ, chú lo cho con nhiều về mặt tinh thần. Mặc dù chú tiểu Đệ đã yên ổn tu hành với Thầy Hạnh Thảo, nhưng lâu nay Thầy Bảy vẫn hay đến đây, vẫn nói xa gần về chú tiểu Đệ, về các đứa con trai, con gái của chú, xa hơn Thầy Bảy lại nói về... những việc đang xảy ra ở miền Bắc. Về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội gì đó. Ở đó có một xã hội không còn giai cấp, xóa bỏ bất công vân vân và vân vân. Thầy Bảy nói càng nhiều, chú Huỳnh càng lo chừng đó. Dù đất nướn đang an bình, ấp Nước Ngọt đang thanh bình, nhưng qua lời nói của Thầy Bảy, chú thấy như những biến động sẽ có trong nay mai cho cái miền Nam này, cho cái ấp Nước Ngọt này. Gương mặt với nhiều nét suy nghĩ, bàn tay chai sần vì những ngày làm lao động. Cuộc đời chú đã trải qua nhiều bể dâu. Chú bây giờ đâu có còn lo cho tương lai của chú, chú chỉ lo tương lai của các con. Còn đất nước có hòa bình lâu dài hoặc trở lại chiến tranh thì cũng ngoài khả năng của chú. Đó là việc của trời. Nhưng lo lắng thì chú vẫn có sự lo lắng cho gia đình chú, và cho cái ấp Nước Ngọt này. Chú hỏi con:

- Ở trên chùa con có hay gặp Thầy Bảy không con?

Chú tiểu Đệ vẫn vô tư, không biết gì về những suy nghĩ trong đầu của ba chú:

- Thỉnh Thoảng con cũng gặp. Con gặp ngoài suối, hoặc khi đang làm ngoài vườn. Chứ Thầy Bảy không có vào chùa bao giờ.

- Gặp con thầy có nói gì không?

- Không. Thầy chỉ hỏi chuyện tu hành. Rồi thôi.

- Thầy Bảy với Thầy Hạnh Thảo có khi nào nói chuyện với nhau không con?

- Không. Con chưa bao giờ thấy. Gặp nhau hai vị đều chắp tay chào Nam Mô A Di Đà Phật rồi thôi. À, mà sao ba hỏi Thầy Bảy kỹ vậy. Có gì không ba?

Chú Huỳnh có lo lắng nhưng chú vẫn không nói cho con nghe. Vì đầu óc chú tiểu Đệ còn nhỏ quá nên chú không muốn nói các điều lo lắng của chú. Chú sợ ảnh hưởng đến việc tu hành của con chú. Với lại việc chính trị thì chú tiểu Đệ chưa thể nào hiểu được. Chú chối con:

- Không có gì. Ba chỉ muốn hỏi vậy thôi. Vì Thầy Bảy cũng thường ghé thăm đây lắm.

Hôm nay là một ngoại lệ. Hai Thầy trò chỉ ăn cháo trắng với chao. Hai tuần nay trong mình Thầy Hạnh Thảo yếu, vì cảm, nên Thầy chưa về lại Sài Gòn để mua đồ ăn, hoặc nhận đồ tiếp tế từ con. Thầy nói, ráng vài ngày nữa khi Thầy mạnh Thầy sẽ về Sài Gòn một chuyến. Còn thiếu thốn thứ gì cần thiết lắm thì Thầy sai chú tiểu Đệ xuống ngồi xe đò đi qua xã Long Hải để mua về xài. Mái ngói ở hậu liêu của chùa có một lỗ hở, nên mới hơn bảy giờ mà ánh sáng đã xuyên qua đó. Nhờ đó chú mới nhận ra được là ở ngoài trời đã sáng. Múc cháo ra hai chén, lấy chao ra cái đĩa, so đũa muỗng xong, chú để đó cho Thầy Hạnh Thảo. Thầy có thói quen như vậy. Khoảng mười lăm phút sau giờ công phu sáng thì Thầy mới xuống. Trong lúc chờ cháo nguội, chú mở cửa để đi ra sân. Trời mờ sáng, sương vẫn còn đọng trên các lá cây trong vườn. Dòng suối từ trên núi cao đổ xuống, chảy theo đường dẫn làm bằng nửa ống tre vẫn tuông chảy. Mấy lu đựng nước suối đã đầy tràn. Chiều hôm qua trước khi đi ngủ, chú đã lấy ống tre kê ở miệng lu ra, nên nước suối từ trên cao đổ xuống lại đổ vào dòng của nó. Nước suối cứ trôi. Ngày tháng cứ qua. Cuộc đời là biến đổi, là vô thường. Không có gì tồn tại. Thầy Hạnh Thảo hay nói như vậy. Cảnh vật đẹp quá trong buổi sáng đầu ngày. Yên tĩnh. Tiếng chim hót vang lừng. Tiếng vượn hú xa xa lâu lâu vọng lại. Con suối, nhìn ngược lên thượng nguồn cong queo hun hút. Những cục đá lồi lõm hai bên dòng như tạo thành hai lối đi được bằng những tảng đá núi. Hàng cây đứng hai bên suối vươn cao vun cút lên trời. Tu đã hai năm. Cảnh rừng núi hai năm qua xung quanh chùa vẫn vậy. Nhưng, cứ mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, đứng nhìn cảnh vật quanh chùa, lòng chú tiểu Đệ vẫn thấy còn một chút xao xuyến trong lòng, như ngày nào vừa đến đây ở tu ngày đầu tiên. Chú đang đứng trầm ngâm ngoài vườn thì Thầy Hạnh Thảo xuất hiện ở ngay cửa. Hai tuần nay trong mình thầy yếu, cộng với buổi sáng ánh nắng chưa sáng tỏ nên da mặt thầy trông xanh xao hơn. Mặt Thầy vuông nhưng không bầu bĩnh mà đôi má nay đã thấy hốp nhiều. Thấy đệ tử đang đứng tần ngần ngoài vườn. Bất kể sương sáng. Thầy lo ngại nói với đệ tử:

- Thôi vô ăn sáng với Thầy đi con! Cháo nguội rồi đó! Đứng ở ngoài sớm, sương ngấm vào người sẽ bịnh.

Khi hai Thầy trò ngồi xuống bàn ăn. Thì như mọi lần, cả hai đều tự động chắp tay lên niệm Phật. Bóng của hai Thầy trò, trong hai bộ đồ nâu bên bữa ăn sánh thanh đạm, nếu người đời nhìn vào chắc chắn sẽ không thể trả lời được là họ đang vui hay buồn với cuộc sống nâu sồng như thế. Trước khi để tâm vào việc ăn, Thầy Hạnh thảo nhắc đệ tử:

- Ăn xong, Con với Thầy ra xuống mấy cây chuối tiêu con và mảng cầu con nha. Hôm nay cố gắng làm cho xong. Cuối tuần chắc thầy đi Sài Gòn. Làm xong, con cắt mấy trái mít xuống. Mấy trái mít lớn Thầy thấy nó chín rồi đó. Để trên cây hoài Thầy sợ khỉ sẽ ăn hư mất. Hoặc nó rụng xuống đất thì hư hết.

Chú lo lắng cho sức khỏe của Thầy:

- Mấy hôm nay Thầy không khỏe. Nếu Thầy muốn thì Thầy cứ để mình con làm. Thầy nghỉ cho khỏe. Thầy làm nặng, sợ Thầy bịnh thì cuối tuần Thầy sẽ không đi Sài Gòn được.

Thầy Hạnh Thảo xoa dịu nỗi lo lắng cho đệ tử:

- Thầy thấy khỏe rồi nên mới kêu con làm để Thầy phụ. Chứ nếu chưa thấy khỏe Thầy không có kêu con làm hôm nay đâu. Đừng quá lo lắng cho Thầy. Thôi ăn đi con.

Hai Thầy trò yên lặng ngồi ăn sáng. Không biết Thầy Hạnh Thảo đang nghĩ gì, chứ chú tiểu Đệ thì vừa ăn mà vừa nghĩ đến ngày chú từ giã gia đình để xuất gia. Buổi chiều nắng còn vương vãi trên mái tôn của ngôi nhà. Sau một lúc nói chuyện trong nhà, trước khi đi ba má chú, chú, và Thầy Hạnh Thảo còn ra đứng tần ngần trước sân nhà để nói thêm những chuyện lặt vặt. Chú nghe ba má chú nói với Thầy Hạnh Thảo:

- Cháu nó còn nhỏ quá! Mới có mười hai tuổi đầu. Còn dại khờ lắm! Được cái là hiền. Tôi cũng không biết là co duyên với Phật Pháp không. Nhưng Thầy muốn và nó thì chịu theo Thầy nên vợ chồng tôi bằng lòng cho theo Thầy để đi tu. Nếu ngày nào Thầy thấy cháu nó không thể tu được nữa thì Thầy cho cháu trở về lại với đời. Hoặc nếu cháu nó không còn duyên phước để tiếp tục theo đuổi con đường Phật Pháp thì Thầy cũng hỷ xả mà cho cháu trở lại nhà, vì nghiệp nới đời nó còn thì nó phải trả.

Một tay vuốt đầu chú tiểu Đệ, Thầy Hạnh Thảo từ tốn trả lời:

- Cửa thiền luôn luôn rộng mở. Nếu sau này cháu nó thấy không thể tu niệm được nữa, thì cứ xin xã giới. Rồi khi nào muốn tu lại thì xin thọ giới lại lần thứ hai. Đời người tu giống như bông xoài, trứng cá vậy đó chú Thím Huỳnh à! Xoài ra bông nhiều. Cá đẻ rất nhiều trứng. Nhưng xoài thì chẳng đậu được bao nhiêu! Còn cá thì chẳng nở được mấy con! Cháu nó đi tu được ngày nào thì mình mừng cho cháu ngày nấy. Tôi, tới tuổi già rồi mới đi tu đây thì sao.

Trong khi Thầy nói thì chú Huỳnh mặt mày trông tư lự. Chú nghiêm trang để lắng nghe lời dạy của một bậc tu hành. Chiếc áo ngắn tay hở ngực. Chiếc quần đùi ngắn. Chú là hiện thân của kẻ đã nhiều gian nan trong tiền kiếp. Nghiệp chướng còn dầy nặng. Vợ con đùm đề. Trách nhiệm bổn phận. Bao chuyện đã ràng buộc chú không thể nào thoát được. Chú, giống như Thầy Hạnh Thảo, là chờ đến khi nào các con lớn rồi hẵng hay, rồi mới quyết định được. Còn thím Huỳnh thì dù nghe lời chồng để con đi tu, nhưng thím vẫn buồn. Nên trước khi chia tay con, thím vẫn còn nước mắt đọng mi. Thím không quá đáng nhu những người đàn bà khác: Khi con tình nguyện xuất gia thì đến chùa quở la Thầy trụ trì, Thầy Tổ là dụ con, rồi buồn khổ, khóc lóc van này Thầy trả con về lại cho gia đình. Nhưng nhìn thấy con thơ sắp sữa rời bỏ mái ấm gia đình để sống đời đạo hạnh thì thím cũng bùi ngùi cảm động. Thím sửa cái áo cho con, gài lại mấy hột nút, dặn dò con trong làn dòng nước mắt:

- Đi theo Thầy để tu thì phải nghe lời Thầy nha con. Khi Thầy cho phép thì về thăm ba má và mấy anh chị em con. Đi đâu phải xin phép thầy. Ở trên núi, phải mặc đồ ấm đừng ỷ y sẽ bịnh hoạn. Con muốn đi thì má cho đi. Tu được thì phước đức cho thân con sau này. Không ai bắt ép cả.

Chỉ có vẻ mặt chú tiểu Đệ lúc bấy giờ là vắng lặng. Dải nắng chiều đã làm vàng vọt mái ngói đỏ trên nóc "vi-la" của ông Paul, làm vàng vọt trên từng lá của cây bông sứ, trên từng lá của những cây dương, của dàn bông giấy, nhưng đã không làm vàng vọt được tấm lòng của chú lúc này. Chú thổn thức cho chuyện xuất gia lắm. Nên chú ít bị xáo trộn về chuyện mẹ già đang có nước mắt đầm đìa ở vành mắt. Mấy bộ đồ trong túi xách đang được chú giữ trên tay mà chú còn quên mất. Tâm hồn chú bay bổng lên trên những tầng núi cao, đang nằm sừng sững sau nhà. Con đường mòn từ nhà chú vào chân núi khoảng ba cây số. Hằng ngày, chú đã đi qua đi lại, đi tới đi lui, để bắt chim, để thăm thằng Út của gia đình bác Hai ở tận sát chân núi. Mỗi ngày ra vào mấy bận. Hôm nay, cũng con đường này sẽ dẫn chú đi, để theo Thầy Hạnh Thảo mà lên trên chùa của Thầy, cất ở lưng chừng núi. Và chú sẽ ở đó để tu, trong một ngôi chùa nằm cạnh bên dòng suối thật mơ mộng, mà ba chú đã đôi lần dẫn chú cùng lên thăm Thầy Hạnh Thảo, thăm chùa.

Giật mình. Đánh thót một cái chú tiểu Đệ mới trở về thực tại. Chú cảm thấy lo sợ. Vì Thầy Hạnh Thảo thường dạy, lúc ăn phải tập trung việc ăn. Lúc uống phải tập trung việc uống. Như thế mới định. Không nên nói chuyện lung tung, nghĩ chuyện lung tung lúc ăn uống. Chú ngó lên vì sợ Thầy Hạnh Thảo bắt được sự lơ là không chánh niệm của mình. Chú bắt đầu tập trung lại việc ăn uống.

Ăn uống xong, dọn dẹp xong thì nắng cũng chói chang cả rừng núi. Hai Thầy trò ra túp lều sau nhà lấy cuốc, giá xúc, để bắt đầu xuống các cây con. Đất núi trong mùa mưa đã mềm, nhưng vì có những cục đá con con chen lẫn lộn, nên hai Thầy trò đào cũng rất mệt. Ngôi chùa Thầy Hạnh Thảo nằm trên nền đất bình, chỉ hơi nhô lên và trũng xuống, cũng có chỗ lồi lỏm nhưng tựu trung trên lưng chừng núi mà có một thế đất như thế để cất chùa thì tuyệt rồi. Quanh chùa những cây mít cao đã che rợp bóng mát. Chỗ hai Thầy trò đang làm là nơi đất vừa phát hoang, trống trải, nên làm chưa được lâu, nhưng vì ánh sáng mặt trời rọi vào nên mặt mày, mình mẩy hai thầy trò đã đầm đầy mồ hôi. Cả thân áo đều lấm tấm nước. Ánh sáng trong vắt. Ánh sáng rải màu vàng rực trên các ngọn lá. Mỗi khi đứng nghỉ mệt thì cả hai đều nhìn ra biển. Biển bây giờ đã hiện ra thâm thấp ở phía trước mặt, dưới chân hai người. Màu biển xanh rì. Mặt biển êm ru của ngày hè. Những chiếc ghe cào từ làng Phước Tỉnh qua đã chạy từng cặp từng cặp với một khoảng cách đều đặn. Những chiếc xuồng đánh cá của dân làng Long Hải, Phước Hải cũng neo rãi rác đó đây trên mặt biển. Thật xa khơi các chiếc tàu buôn vô ra cảng Vũng Tàu đã cho những làn khói khổng lồ bay tỏa vào không gian của buổi sáng. Trong mùa hè, mỗi buỗi sáng hình ảnh ở biển lúc nào cũng như thế. Nhưng chú tiểu Đệ lại thấy lúc nào cũng đẹp. Không có lúc nào là nhàm chán. Cảnh vật với núi với biển lồng lộng, làm tâm hồn chú phơi phới hân hoan.

Nghỉ mệt xong chú lại chỗ làm. Lỗ đất của chú đang đào cũng gần lỗ của Thầy Hạnh Thảo. Vì thế Thầy Hạnh Thảo mới có dịp nói chuyện với đệ tử của mình:

- Đất có mưa mấy hôm liền mà vẫn còn cứng quá hả con! Như vầy thì Thầy trò mình từ giờ đến trưa chắc đào được chừng khoảng mười cái lỗ là cùng.

Vừa cong mình cầm cuốc kéo đất lên, chú tiểu Đệ cũng trò chuyện với Thầy:

- Thầy mệt thì Thầy đi nghỉ đi! Để đó con đào cho!

Thầy nhìn trò với vẻ thương hại. Nụ cười ngượng ngập:

- Thì Thầy ở ngoài này làm với con cho vui. Với lại vận động một chút thì mới mạnh khỏe.

Lâu lâu chỏm tóc phía trước trán của chú tiểu Đệ đánh phủ xuống trước mặt chú, làm chú hết thấy đường, lại phải ngừng lại lấy tay hất ra sau. Cuối cùng quá bực bội chú lấy sợi dây thun cột nó ngang qua đầu để giữ nó nằm yên một bên. Biện pháp này chú hay thực hiện mỗi khi chú bực bội về chỏm tóc này. Nhất là những lúc lên núi xuống núi chú cũng thường làm như vậy. Thấy đã quen mắt nên Thầy Hạnh Thảo cũng chẳng nói gì với việc làm như thế của người đệ tử.

Làm được hai tiếng đồng hồ, bỗng nhiên có tiếng chân người từ chùa đi ra. Hai Thầy trò đều quay về nơi có tiếng động. A. Thì té ra là Thầy Bảy. Tưởng heo rừng, cọp, beo thì sợ, chứ là người thì đâu có gì. Hai thầy trò đều đồng ngưng cuốc đất để đợi Thầy Bảy đang từ từ đi tới. Khi đến gần, cả ba đều đồng loạt chắp tay và niệm lớn: Nam Mô A Di Đà Phật.

Thầy Hạnh Thảo và chú tiểu Đệ thỉnh thoảng đều có gặp Thầy Bảy trong những lúc tình cờ như khi đi lên và xuống núi. Hoặc những lúc Thầy Bảy đi đâu đó mà dùng đường ngang chùa Thầy Hạnh Thảo để đi, nhưng chưa bao giờ Thầy Bảy trực tiếp đi tìm Thầy trò Thầy Hạnh Thảo như hôm nay. Đó là một điều mà cả hai Thầy trò Thầy Hạnh Thảo đều lấy làm lạ.

Thầy Bảy bắt chuyện trước với Thầy Hạnh Thảo:

- Thưa Thầy. Nghe ba chú tiểu Đệ nói Thầy bịnh nên tôi ghé thăm Thầy. Hôm qua tôi có ghé thăm chú thím ấy nói tôi mới biết. Sao, Thầy thấy khỏe chưa mà đã ra làm vườn rồi?

Làm Thầy tu thì không nên để y đến cách ăn mặc nhiều. Tuy nhiên cần nhất là sự sạch sẽ. Nhưng ở nơi Thầy Bảy thì không có sự sạch sẽ nào hết. Thầy như không để ý lắm. Bộ đồ mấu nâu của Thầy xốc xếch, nhăn nhúm và lấm tấm vết dơ. Dù đầu Thầy đã cạo, nhưng Thầy vẫn để râu đôi ba ngày mới cạo một lần, nên giờ đang đứng trước mặt chú tiểu Đệ, mặc dù chú còn nhỏ ít để ý, chú vẫn thấy hàm râu Thầy Bảy nổi lên đậm đen trên khuôn mặt.

- Dạ cám ơn Thầy. Tôi bịnh mấy hôm trước lận. Đến hôm nay là đỡ nhiều rồi. Nằm hoài cũng mệt, tôi nghĩ vận động một chút thì mau khỏe hơn. Thầy Hạnh Thảo chống cuốc đứng nghỉ và ôn tồn trả lời với Thầy Bảy như thế.

Thấy Thầy Bảy chưa nói tiếp gì nên Thầy Hạnh Thảo mời:

- Mời Thầy vô chùa mình dùng chén trà rồi nói chuyện. Đứng ngoài này nắng nóng quá.

Nói xong Thầy Hạnh Thảo đi trước, Thầy Bảy tiếp nối theo, đi được mấy bước như sực nhớ ra điều gì, Thầy Hạnh Thảo quay lại:

- Nè, Đệ con. Thầy vô chùa một chút. Con cứ làm tiếp tục. Khi nào mệt cứ đi nghỉ.

- Dạ, con làm tới trưa con vô.

Khi bóng hai vị tu hành khuất sau những thân cây mít, chú tiểu Đệ mới trở lại công việc của mình. Chú vẫn cuốc đều đều nhưng đầu óc chú lại suy nghĩ về việc Thầy Bảy vừa đến. Linh tính cho chú thấy có cái gì quan trọng lắm chớ không phải là một cuôc thăm viếng bình thường mà khi vừa gặp, Thầy Bảy đã nói với thầy của chú: nghe Thầy bịnh nên tôi ghé thăm Thầy.

Làm đến trưa vẫn chưa thấy Thầy Hạnh Thảo ra, thấy đói nên chú tiểu Đệ dẹp cuốc, đi rửa tay, vô chùa chuẩn bị buổi ngọ trai cho hai thầy trò. Qua khỏi cửa vào hậu liêu, chú nghe được tiếng chuyện trò rù rì của hai người ở trong phóng khách chùa. Tiếng lục đục ở nhà bếp, tiếng nồi niêu chạm vào nhau đã làm cho tiếng rù rì im bặt, và chỉ sau đó một chút là có tiếng chào từ giã ra về của Thầy Bảy. Thầy nói lớn nên chú tiểu Đệ nghe rõ ràng:

- Thôi trưa quá rồi! Tôi xin phép chào Thầy. Có dịp mình sẽ trò chuyện lại. Kính chúc Thầy sớm bình phục.

Tiếng trả lời của Thầy Hạnh Thảo:

- Dạ. Kính cám ơn Thầy đã bỏ thì giờ tới thăm. Thầy trò tôi cũng kính chúc sức khoẻ Thầy. Dạ có dịp mình sẽ đàm đạo lại.

Tiếng ghế chạm nhau, tiếng người đi ra cửa, Thầy Hạnh Thảo đưa khách ra tận trước sân chùa rồi mới trở vô. Gần đến hậu liêu, ngay chỗ cửa đi vào phòng riêng của Thầy, Thầy nói vọng xuống bếp:

- Đệ à!

- Dạ. Con đây Thầy.

- Con lo ngọ trai một mình đi nha! Thầy mệt, Thầy đi nằm một chút. Chừng nào Thầy khỏe Thầy xuống bếp tự lo chuyện ăn uống sau.

Thầy nói xong, không đợi người đệ tử trả lời, vội vàng vào phòng nghỉ và đóng cửa ra vào lại.

 ***

 Cả buổi chiều ngày hôm đó, khi chú tiểu Đệ ôm cuốn kinh Lăng Nghiêm để học, Thầy Hạnh Thảo vẫn nằm lì trong phòng. Đi lính sợ ải còn làm sãi sợ Lăng Nghiêm. Trong khi chú tiểu Đệ cứ mỗi buổi chiều rán học tới học lui kinh Lăng Nghiêm, như buổi chiều hôm nay cũng vậy, thì Thầy Hạnh Thảo có một chuyện buồn hết sức là đời.

Sau buổi nói chuyện với Thầy Bảy, giờ Thầy thấy không còn an tâm chút nào cho Thầy và cho cả chú tiểu Đệ. Thầy lo lắng không biết Thầy còn ở lại ấp Nước Ngọt này bao lâu để lo việc tu hành, rồi lo lắng đến ngôi chùa, miếng vườn vừa mới gây dựng, tu chưa được mấy năm, nay lại phải bỏ đi, để cho nó thành hoang phế. Còn không đi thì phải trở thành một trạm của cách mạng! Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sắp hình thành rồi! Nhưng sự lo lắng nhất của Thầy là không biết chú thím Huỳnh có cho Đệ theo Thầy về Sài Gòn để tu học không, một khi Thầy quyết định bỏ tất cả ở đây để về lại Sài Gòn. Nếu chú thím Huỳnh cho Đệ theo Thầy thì mọi việc tốt rồi, còn vì thương con, muốn gần gũi bên con mà giữ Đệ lại, thì hai thầy trò đành phải chia tay! Và rồi ở tuổi mười bốn này, tuổi bồng bột, thiếu suy nghĩ liệu Đệ có thoát khỏi những lời tuyên truyền mật ngọt của Thầy Bảy không, hay rồi không bao lâu, một hai năm nữa đây Đệ lại tham gia cách mạng! Cả chú thím Huỳnh nữa, cứ nghe Thầy Bảy tới lui với chú thím hoài Thầy cũng lo ngại. Không biết chú Huỳnh có rành rẽ về chính trị không, một khi nói chuyện chính trị với Thầy Bảy. Thầy thấy cả một bầu trời ảm đạm sẽ đến trong nay mai cho ấp Nước Ngọt này. Làng bản ở đây, đồi núi ở đây, chùa chiền ở đây, nay mai đây sẽ là những cơ sở vững chắc của cách mạng, vậy ai không tiên đoán được là ở nơi đây sẽ hứng chịu những tai ương!?

Nhìn qua cửa sổ, Thầy thấy trời chiều sao âm u quá! Mây đen từ đâu vần vũ kéo về, chắc trời lại sắp mưa. Thầy đành cố gắng ngồi dậy đi tìm chú tiểu Đệ, để hỏi xem còn quần áo nào phơi bên ngoài, lấy đem vô vì trời sắp mưa.


Vũ Nam
(Germany)

VŨ NAM

Tên thật là Lý Văn Văn. Sinh năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy. 

Nhập ngũ tháng 10, 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Ngày 30 tháng 4, 1975 vẫn còn là SVSQ Không Quân QLViệt NamCH. 

Vượt biên cùng gia đình năm 1980, được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt.

Định cư ở Đức năm 1981, học nghề chuyên môn, ngưng học ở giữa năm thứ 2 ngành kỹ sư Cơ Khí. 

Bắt đầu viết văn từ năm 1985.

Cộng tác với các báo:

- Ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc san Biển Đông...

- Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Lửa Việt, Nắng Mới...

- Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, Tin Văn...

- Ở Na Uy: Pháp Âm.

- Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập, Tâm Giác... 

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Sau Ngày Tang - tuyển tập truyện ngắn - 1987

- Bên Dòng Sông Donau (Danube) - tuyển tập truyện ngắn - 1990

- Bên Này Bức Tường Bá Linh - tuyển tập truyện ngắn - 1993

- Nơi Cuối Dòng Sông - truyện dài - 1994

- Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur - truyện dài - 1997

- Một Đêm Ở Genève - tuyển tập truyện ngắn - 2004

- Hoa Liên Kiều - tuyển tập truyện ngắn - 2008  

Góp Mặt Trong Các Tuyển Tập:

- Những Cây Viết Miền Nam - 1990

- Truyện Hay Hải Ngoại - 1991

- 3 tuyển tập Văn Bút Âu Châu 1989, 1994, 1996

- Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - 1994

- Trông Vời Quê Cũ - 1996

- Trông Cơn Vật Vã - 1999

- Tập Diễm Ngưng Huy - 2003

- Nhân Văn Lục (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) - 2003

- Thi Văn Viễn Xứ 1 - 2005

- Nam Phong Tuyển Tập - 2006

- Giai Thoại  Văn Chương - 2006

- Thi Văn Viễn Xứ 2 - 2007

- Quê Nam Một Cõi - 2007

- Món Ăn Theo Bước Di Tản - 2009.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.