.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

ĐẠO PHẬT ỨNG DỤNG | Pháp đàm | Chia sẻ...

Lòng tin,
chất liệu trưởng dưỡng tâm Bồ đề

  • PSN | 5.05.2009 | Thiện Ý

Hồi còn trẻ tôi thường cảm thấy lòng tin (faith) giống như là một ‘cái nạng’ không cần thiết trong đời sống vì nó đã không giúp ích gì nhiều cho bản thân, nhưng đôi khi chính vì nó mà tôi bị khổ sở, trù dập.  Không có lòng tin thì khó sống trong đời, mà tin nhiều thì dễ bị lợi dụng, bêu xấu.  Về mặt lý thuyết, lòng tin là một đức tính tốt trong cuộc sống đời thường.  Nhưng, trên thực tế, nó thật là một trở ngại, một đức tính dễ làm ‘mất lòng’ mình hơn là ‘thu phục’ lòng người. Khi còn trẻ, chúng ta thường rất ngây thơ và dễ tin.  Sống trong sự đùm bọc, chở che của gia đình chúng ta luôn tin rằng ai cũng tốt bụng như cha mẹ, anh em mình.  Nhưng sau vài lần lăn lóc trong cõi đời ‘ô trọc’ chúng ta bỗng cảm thấy lòng tin của mình bị người ta đem ra lợi dụng, bóp méo, vo tròn để có lợi cho họ.  Vậy là chúng ta bắt đầu đâm nghi!

Tuy nhiên, khi tuổi đời của tôi càng lớn thì đời tôi ngày càng phức tạp và khó khăn đủ điều.  Tôi đâm ra phân vân đối với con đường tôi đã chọn. Thiếu lòng tin trong đời đã khiến tôi đánh mất không biết bao nhiêu cảm tình, và lúc nào cũng âu lo, tính toán.  Rồi một ngày nọ sự lo âu và căng thẳng (stress) đã bắt kịp tôi!  Trong lúc loay hoay làm việc bỗng dưng tôi không thể nào tập trung.  Tâm tư cứ bị ám ảnh về những lo âu và hoảng sợ không đâu.  Rõ ràng, tôi cần một sự thay đổi trong thái độ và cách nhìn đời của mình vì về lâu về dài tôi cảm thấy mình thua thiệt hơn là hưởng lợi từ cách sống ‘Tào Tháo’- thà phụ người chứ không để người phụ ta- của mình! Tôi tự hỏi tại sao mình lại phải lo âu, căng thẳng, và sợ hãi thế này!  Tại sao lại không từ bỏ những lo âu về tương lai và sầu não của quá khứ? Hãy để cho lòng tin chắp cánh để xem mọi chuyện có ổn thỏa hay không?  Ngay giây phút đó, tôi buông xuôi, xả bỏ tất cả và để lòng tin vào ngự trị trong tâm.

Tính keo sơn của lòng tin

Ngoài xã hội và trong các cuộc giao tế, lòng tin tạo nên sự bền chặt trong các mối liên hệ làm ăn và củng cố uy tín cho bản thân.  Dụ như bạn thường tìm kiếm và mua sắm những mặt hàng đã tạo được lòng tin đối với bạn vì món hàng bạn mua phản ảnh thực sự những gì đã được quảng cáo và mô tả.  Hoặc, trong những mối giao tế, liên hệ cá nhân bạn sống thật, nói thật, và làm thật trong cung cách đối xử với mọi người.  Tiến trình gây dựng lòng tin trong mọi người và chính bạn đòi hỏi sự kiên nhẫn và thành thật.  Nhưng thành quả của lòng tin này sẽ là chất keo giúp duy trì và phát triển tính lâu dài của các mối liên hệ và lòng tự tin cho chính bạn. 

Trong gia đình, tình đoàn kết, thương yêu, san sẻ cho nhau đều bắt đầu từ lòng tin giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, người thân, và láng giềng. Lòng tin như một chất keo, gắn bó con người với con người và để cho tình người cùng mối liên hệ thân thiết có chất liệu để thêm lớn mạnh.  Buông bỏ mối âu lo, hoảng sợ cho tương lai đã làm cho tôi có thêm những khoảng trống trong tâm để toàn tâm, toàn ý tập trung vào công việc mà tôi thích, và thụ hưởng những tấm lòng, tình người trong gia đình và ngoài xã hội mà lâu nay tôi cứ lo sợ bị lợi dụng, tổn thương.  Lòng tin phải có cơ sở, mà cơ sở đó là dữ liệu. Dữ liệu đó chính là đời sống bớt âu lo, căng thẳng của tôi.  Tôi tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong phút giây làm việc, và không còn lo lắng nhiều đến kết quả của nó.  Lòng tin đã giải thoát tôi khỏi những hệ lụy do chính mình giàn dựng và cho tôi sự tự do để biết sống.     

Phật dạy như thế nào về lòng tin

Tuy nhiên, ai trong chúng ta đều hiểu rằng, không phải lúc nào nhân duyên cũng đều thuận lợi, như thời tiết đôi khi lúc mưa lúc nắng do ảnh hưởng của vô thường.  Để củng cố lòng tin bạn cần phải sống thực, thử nghiệm xem lòng tin của bạn có được hỗ trợ và thăng tiến chút nào!  Như thời đức Phật còn tại thế, Ngài rất thận trọng khi nói đến lòng tin.  Trong kinh Nền Tảng  Đức Tin, khi dân chúng Kalama hỏi đức Phật việc phải tin theo ai, trong số các bậc đạo sư thường đến giảng dạy tại làng họ, Ngài đã chỉ cho họ cách nào để bảo vệ và phát triển lòng tin:  “ Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán. Nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo.” (Trích ‘Kinh Tụng Hàng Ngày’ Thích Nhật Từ biên soạn)

Nghĩ đúng (chánh tư duy) và hiểu đúng (chánh kiến) là hai yếu tố hàng đầu trong tám con đường chân chánh (bát chánh đạo) cực kỳ quan trọng để đưa đến giác ngộ mà Phật đã dạy lần đầu cho 5 anh em trong nhóm ngài Kaundinya (Kiều Trần Như) .  Nếu bạn nghĩ đúng và hiểu đúng thông qua những trải nghiệm của tự thân, không phải qua những lời lẽ cao siêu và thông tuệ của người khác như trong Kinh Kalama đã dạy ở trên, thì  hai yếu tố này sẽ là đôi cánh nâng cao lòng tin chân chánh (chánh tín) vì thiếu hai yếu tố này lòng tin có thể sẽ dễ bị đặt sai chỗ.  Trong giai đoạn khó khăn về mặt kinh tế hiện nay, lòng tin luôn bị đặt trong những tình huống khó khăn, đầy thử thách nên nghĩ đúng và hiểu đúng trước khi tin là hành động vô cùng cần thiết. 

Chất  liệu (Fuel) cho việc tu tập

Lòng tin trong tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng cũng không khác.  Lòng tin là những bước đầu đưa bạn đến với Phật pháp.  Theo thuật ngữ Phật giáo gọi đây là sơ tâm, nghĩa là tâm ban đầu.  Cái tâm ban đầu này như là một hạt giống cần chăm sóc và bảo vệ cẩn thận, chuyên cần vì nó rất mỏng manh và dễ hư dễ vỡ.  Hành trì và tu tập là cách duy nhất để bảo vệ, chăm sóc, và nuôi dưỡng lòng tin.  Như một mầm non, rồi thì cây non cần chăm bón, tưới tẩm đúng cách, đúng lúc, nếu thời tiết thuận lợi, hay nói theo danh từ Phật giáo, khi nhân duyên (nhân) thuận lợi, chín muồi cây non sẽ nảy mầm và sinh trái (quả), bằng ngược lại mầm non hay cây non sẽ bị chết khô (quả) vì thiếu sự chăm sóc cần mẫn (nhân).                 

Lòng tin như một chất đốt cần thiết để thắp sáng tâm bồ đề của chúng ta.  Nhờ hành trì và tu tập tinh cần đúng đường, đúng lối, lòng tin của chúng ta thêm vững mạnh và tâm bồ đề thêm cứng chắc.  Lòng tin ban đầu hay sơ tâm rất quý giá nhưng cũng rất mỏng manh như đời người của chúng ta vậy.  Nếu lầm lỡ không may, chúng ta đặt lòng tin không đúng chỗ khiến mình bị lợi dụng, trù dập,  hoặc chúng ta không nghĩ đúng (tà tư duy) và không hiểu đúng (tà kiến) mê theo những tín ngưỡng, dị đoan, những hủ tục cúng tế thánh thần, giết hại sanh linh rốt cuộc tiền mất, tật mang thì lòng tin của chúng ta sẽ dễ dàng bị sụp đổ và tan nát, khó cứu vãn. 

Chính mình thử nghiệm, chính mình kinh qua để thấy được lòng tin của mình được củng cố ra sao!  Vì giá trị vô giá của lòng tin bạn không thể nào xem nhẹ những trải nghiệm tự thân cần thiết này.  Chúng đích thực là chất liệu, là năng lực giúp bạn duy trì và trưởng dưỡng tâm bồ đề.
 

Thiện Ý
San Jose
, tháng tư 2009

 

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm tu tập - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.