.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

ĐẠO PHẬT ỨNG DỤNG | Pháp đàm | Chia sẻ...

Viên kẹo của Mahatma Gandhi

  • PSN | 23.07.2009 | Minh Ðạo, Thích Pháp Chính

Trong mục dành cho bạn đọc của nhật báo Le Monde - tờ báo cấp tiến của giới trí thức, có uy tín hàng đầu ở Pháp – có đăng một câu chuyện giản dị do Jean Hébert, người đã nhiều năm sống bên cạnh Mahatma Gandhi, kể lại. 

Chuyện xẩy ra trong một làng nhỏ phía Nam Ấn Ðộ, nơi Gandhi sống một cách đạm bạc. Một bà mẹ dẫn đứa con trai 10 tuổi tới gặp Gandhi, nói :

 - Xin thầy hãy nói với thằng nhỏ này nó không nên ăn nhiều kẹo nữa. Rồi nó sẽ chán ăn. Răng nó sẽ hư mất.

 - Ðúng vậy, nhưng 10 ngày nữa bà hãy trở lại đây – Gandhi trả lời.

 

Mười ngày sau, bà mẹ dẫn đứa con trở lại. Gandhi gọi đứa bé đến, nói :

 - Cháu đừng có ăn nhiều kẹo nữa. Cháu sẽ chán cả ăn và răng của cháu sẽ hư mất !

 - Cám ơn thầy. Cháu nó sẽ nghe lời thầy.

 

Bà mẹ lấy làm lạ hỏi :

 - Tại sao thầy không nói với nó 10 ngày trước ?

 

Gandhi trả lời :

 - Bởi vì 10 ngày trước tôi còn ăn kẹo.

 

Mahatma Gandhi, nhân vật vĩ đại của dân tộc Ấn Ðộ, người đựợc tôn vinh là Thánh, đã phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động chống lại chính quyền thực dân Anh, giành lại độc lập cho Ấn Ðộ, chỉ làm những gì ngài đã nói.

 

Ðể chống lại chính sách thuế má nặng nề của thực dân Anh, ngài tự tay se sợi, dệt vải, tự cầy cấy lấy gạo để ăn, đi bộ hàng ngàn cấy số ra bờ biển làm muối. Hàng triệu người Ấn đã theo ngài.

 

Vào thời điểm xẩy ra những vụ tai tiếng về tài chánh, lối sống vô đạo đức của giới chính khách ở Pháp và khắp nơi trên thế giới, các vụ lạm dụng tình dục trẻ em của giới tu sĩ ở Mỹ, ở Pháp và nhiều nơi khác, vị độc giả của báo Le Monde, qua câu chuyện giản dị này, muốn nhắc nhở những nhà lãnh đạo chính trị, các nhà lãnh đạo tôn giáo rằng họ hãy làm tốt những gì họ muốn dậy dỗ người khác về sự lương thiện và bổn phận công dân, sống theo những điều đạo đức của tôn giáo mình.

 

Hơn 2500 năm trước, Khổng Tử, triết gia vĩ đại của nhân loại, cho rằng muốn có một nền chính trị tốt, trước hết phải có các nhà lãnh đạo tốt, là những tấm gương về đạo đức, lời nói và việc làm phải đi đôi.

 

Muốn, được như vậy, các nhà lãnh đạo phải tu dưỡng bản thân, lo chuyện gia đình cho yên ấm sau mới có thể hoàn thành tốt các trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, theo đúng trình tự tu thân tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

 

Có được như vậy, dân mới tín nhiệm, nói dân mới nghe (danh chính, ngôn thuận).

 

Nhưng trước hết phải có lòng công chính, tôn trọng sự thực, lòng dạ ngay thẳng, lương thiện, chân thành (Chính tâm, thành ý). Làm việc công thì phải chí công vô tư.

 

Ðó một nhà lãnh đạo lý tưởng. Lý tưởng nên quí hiếm hoặc không có trong thực tế. Trừ các vị thánh ! Nhưng trước khi thành thánh, hãy sống lương thiện, làm một người tốt. Sống đời tốt, sau mới sống đạo đươc. Vi nhân nan, vi đạo nan !

 

Mặc Tử, người đồng thời với Mạnh Tử, vị Á Thánh của đạo Nho, chủ xứơng thuyết Kiêm Ái -yêu thương gồm đủ- nói : Quân tử được bảo làm con heo, không làm đựợc thì nhận là không làm đựợc ; Nếu được bảo làm tướng quốc một nước biết không đủ tài đức, cũng cứ nhận làm. Ðó là người giả đạo đức, ngụy quân tử, lời nói không đi đôi với việc làm.

 

Vương Dương Minh, triết gia Trung Quốc đời Minh chủ trương thuyết Tri hành hợp nhất. Lý thuyết chỉ có giá trị khi có thể mang ứng dụng vào đời sống thực tế. Nếu không chỉ là lý thuyết suông, vu vơ, hoang tưởng. Lời nói phải đi đôi với việc làm, mới có giá trị.

 

Dậy người về luân lý, đạo đức, giảng kinh, thuyết pháp là những việc dễ làm. Học để hiểu thì dễ. Làm được - hành mới khó : tri dị hành nan. 

 

Ðức Thế Tôn trong 49 năm thuyết pháp không phải chỉ là những điều nói suông, hí luận. Ngài đã mang cả đời mình ra thực chứng, giáo dục người khác. Ðó là thân giáo. Học để hiểu. Hiểu để ứng dụng văn, tư, tu. Học mà không hành chỉ là hí luận, mở mang kiến thức. Hành mà không học, không hiểu là tu mù, dễ lầm lẫn, lạc đường theo tà thuyết, ma đạo..

 

Pháp môn thì nhiều, căn cơ, nghiệp duyên mỗi người mỗi khác, nên hành trì có chỗ khác nhau. Nhưng chung nhất, để được tri hành hợp nhất, cũng nhất thiết phải dựa vào Bát Chánh Ðạo của Ðấng Thế Tôn

 

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói rằng phải thận trọng khi nhận một vị làm thầy tâm linh. Phải xem xét trong ít nhất 10 năm hành trì của vị đó thế nào, có đúng với Tam pháp ấn khổ vô thường, vô ngã hay không ?

 

Ma giảng kinh, thuyết pháp còn hay hơn cả Phật. Luyện giọng cho hay, uốn éo cho khéo, đạo hạnh thì không, cốt để loè người. Cũng như một diễn viên giỏi đóng vai khóc cười, vai trung vai nịnh hay hơn người thường. Vì đó là giả, không thật. Chỉ sau những cơn pháp nạn, hỗn mang tăm tối, ánh sáng -lẽ thật- hiện ra mới tỏ đựơc Ma hay Phật (giả hay chân) !

 

Ban đêm thấy sợi dây thừng lại tưởng là con rắn, sợ cuống lên. Sáng ra, nhìn rõ sợi dây, tự trách mình là ngu ! Cả đời học Phật, sống theo Phật, cuối cùng cũng chỉ có một điều cơ bản: hãy nhìn rõ lẽ thật ! Nhìn rõ lẽ thật (chánh kiến) mới có suy nghĩ đúng, nói năng, hành động, sinh sống chính đáng, an định tinh thần, để có thể nhìn rõ các sự vật hiện tượng như tự thân của nó.

 

Ðó là Bát chánh đạo, tám con đường đưa đến sự hợp nhất giữa tư duy và hành động, lời nói với việc làm luôn đi đôi với nhau.

 

 

 Paris 19.7.2009

 Minh Ðạo Thích Pháp Chính

 

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm tu tập - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.