.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

ĐẠO PHẬT ỨNG DỤNG | Chia sẻ...

Trên đỉnh vô ưu

  • PSN - 7.5.2010 | Minh Mẫn

Cứ mỗi lần Hạ về, người ta lại nhắc đến mùa Đản sanh của Thái tử Sĩ Đạt Ta không những các nước theo đạo Phật, ngay cả Liên Hiệp quốc và nhiều nhà văn học, học giả, trí thức cũng từng một lần nghĩ đến hiện tượng của 26 thế kỷ trước xảy ra trên vùng đất xa lạ, vùng phì nhiêu của tín ngưỡng và Thánh nhân.

Mỗi mùa như thế, các tu sĩ Phật giáo đều nói chuyện với tín đồ mình về ý nghĩa của sự xuất hiện ngôi sao lạ trên nền trời Châu Á. Người ta nói rằng: một ngôi sao hội tụ của những ngôi sao; cũng ai đó nói rằng, trên tấm thảm nhung đa sắc, có một gam màu cá biệt, như sự cá biệt của năm màu hỗn hợp tạo nên Đạo kỳ, biểu tượng của ngũ căn, ngũ lực tự thân mà loài người năm châu không ra khỏi vòng cương tỏa. Ở đây, màu gam đặc biệt của Bạch Tịnh thức tỏa rạng trên sắc da Hoàng kim, do nhiều đời tích tụ sự trong sáng, thanh khiết của chủng thức.

Huyền thoại bảo rằng Thái tử ra đời trên bảy bước sen, nhưng triết học bảo rằng, phàm tính ngập chìm trong hỷ - nộ - ái - ố - bi - ai - lạc, khi thức chuyển thành trí qua quá trình tu tập thì tập khí là lò kim cang nung đốt kim thân bất hoại cho ra những viên ngọc Xá lợi tinh tuyền.

Sự xuất hiện của bậc Đại giác là sự xuất hiện của một Đại Trí nơi mỗi hành giả, luôn là tiềm năng trong mỗi tự thân, đó là giọng ca ngân dài trên sóng luân hồi qua sáu nẻo: Nhất thiết chung sanh giai hữu Phật tánh. Sự xuất hiện của bậc đại Giác hàng ngàn năm trước hay bậc Nhất thiết chủng Trí của hàng ngàn năm sau, cũng đều là một cuộc đản sanh đặc thù nhưng rất Bình thường trên những đóa sen nâng gót Tịnh.

Tam tạng kinh luật chỉ là lộ trình phức tạp, vì nghiệp thức phức tạp của sinh loại khi chọn đúng một trong vô số lộ trình thích hợp cho cá nghiệp, thì đường đi trở nên đơn giản lạ lùng. Tuy đơn giản nhưng không giản đơn để thực hiện. Khi kiên trì miên mật vô số lượng kiếp, nghiệp thức được hấp tẩy, trở nên đơn thuần, trong sáng và từ từ thăng hoa! Gọi là một cuộc lột xác khi hoát nhiên đại ngộ. Chim vẫn hót, rồng vẫn phun nước, hoa vẫn nở và gót tịnh bảy bước luôn nở sen trong mỗi sinh loài.

Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Luôn là tuyên ngôn xác định phẩm giá cho một nhân sinh, vì con người luôn là một sinh vật cao đẳng đủ khả năng thăng hoa giữa trời và đất, thế mà, buồn thay, mỗi lần giáp mùa sen nở, những người con của đại Giác, luôn biến Đấng Toàn Tri thành một vị thần ngồi giữa phẩm vật hoa quả lắng nghe bao lời van xin cầu khẩn. Trong đại điện vẫn âm u một cõi hiển linh, đền thờ tâm linh tự thân cũng luôn ngập chìm trong mê tín. Mùa Đản sinh, một biểu tượng xuất hiện Trí Tuệ của con người, biến thành một mô thức tín ngưỡng tôn giáo hơn là thời điểm đánh dấu cho cuộc thăng hoa của Trí Tuệ.

Đành rằng tiểu thương tin Phật qua hàng hóa, đành rằng doanh nghiệp biết Phật qua doanh thương, đành rằng chính trị tin Phật qua bình đẳng hóa xã hội, họa sĩ nhìn Phật qua gam màu, thơ văn thấy Phật qua nét lượn bay của bút pháp, ca sĩ hiểu Phật qua xúc cảm diễn đạt với người nghe. Em bé yêu Phật qua miếng bánh thỏi kẹo, rừng cây thể hiện lời Phật qua những chiếc lá chao nghiêng rời cành… những hình ảnh đó đã biểu hiện nơi cảnh giới Đức Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, là âm lưu nội tại trong từng nhiễm sắc thể hiện hữu, thế mà, trong giây phút sa đọa của tâm hồn, những như nhiên đó được gom chung vào một niềm tin cuồng nhiệt, đẩy xa chiếc lá ra tận cơn sóng trùng dương, thay vì tôn kính, hòa nhập cùng bậc Đại giác như một sinh thể thăng hoa, lại biến Phật tính nội tại như một uy thần ban phước giáng họa, buộc ngài phải lắng nghe những van xin vô lý của xã hội. Ngài từng can ngăn chúng ta đừng bao giờ đẩy ngài lơ lửng giữa tầng không, vì ngài vẫn là một con người, con người đi trước con người một quảng thời gian tiến hóa.

Phật là những gì thế gian hiện hữu, có thể là sỏi đá, có thể là tiếng khóc trẻ thơ, có thể là vầng mây lãng đãng, là tiếng róc rách của suối, hơi thở của rừng… với một thực thể thanh tịnh, chúng ta, với tâm bất tịnh, làm méo mó hình ảnh thanh khiết theo tầm nhận thức méo mó của chính ta.

Mùa Đản sinh không chỉ là dịp tôn kính Thần tượng, gợi nhớ công hạnh của một giáo chủ, tiến hành lễ nghi của một tôn giáo. Người con Phật xem Rằm tháng Tư là một dấu mốc đáo lệ của 365 ngày để tự kiểm những tiến bộ trên đường tu tập và hoằng hóa lợi tha. Một mùa trăng tròn của nội tâm và linh thức để được can đảm đối diện với đấng Điều Ngự sư mà ca lên rằng: Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

Và Đấng Thế Tôn, Thiên Nhân chi đạo sư đó luôn là biểu tượng của tánh toàn giác nơi mỗi sinh loại. Ngày ra đời của Ngài là ngày mà mỗi chúng ta sẽ đoạn tuyệt với trầm luân hoặc hiện tại, hoặc tương lai từ nội thể để bước đi toàn giác của chúng ta luôn nở sen nâng gót Tịnh.
 

Minh Mẫn
Mùa Đản Sanh 30/3/2010

 

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm tu tập - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.