.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

             TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

Diễn đàn Phật tử

 
Phật giáo Việt Nam ở đâu
trong dòng chảy của dân tộc?

  • PSN 1.9.2013 | Nguyễn Quốc Nam


…Khi còn ở cấp tiểu học, rồi trung học, một trong những môn học thích thú nhất là môn Sử. Ở tuổi thiếu niên này thật sự chưa hiểu được chính xác Sử là cái gì nhưng vẫn thích Sử. Có lẽ vì hình ảnh “cậu bé” Trần Quốc Toản không được dự Hội Nghị Bình Than bàn cách chống quân Nguyên nên tức giận bóp nát trái cam, rồi may cờ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Say mê tài Yết Kiêu ngụp lặn dưới nước đục thuyền giặc. Cảm phục Hai Bà Trưng mặc giáp vàng, cỡi voi đánh tan quân Hán. Rất khoái câu nói của Bà Triệu “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Rồi, không biết bao nhiêu Anh Hùng Dân Tộc trong suốt triều dài lịch sử bốn ngàn năm chống ngoại xâm…nhiều…nhiều lắm.


Sau này, trưởng thành, đến lúc tóc đã có sợi bạc, đọc lại những sách sử vẫn say mê như máu nóng thời trẻ và chợt hiểu thêm rằng đạo Phật dường như đã gắn liền với sự thịnh suy của Dân Tộc. Các triều đại Lý-Trần thể hiện nổi bật nhất về sự ảnh hưởng tích cực của Phật giáo vào vận mệnh của nước nhà. Từ vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông cho đến Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đều chống giặc, giữ nước trên nền tảng của triết học Phật giáo.


Không những thế, những vị Thiền sư như Sư Vạn Hạnh phò vua Lê Đại Hành và là người thầy của Lý Công Uẩn (sau trở thành Vua Lý Thái Tổ), cùng với vua quan chăm lo việc nước. Tuệ Trung Thượng Sĩ cùng với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi quân Nguyên Mông. Như Thiền sư Đỗ Thuận đóng vai người chèo đò đưa khách sang sông để đối đáp với sứ giả của Trung Hoa, lo toan việc đại sự cho quốc gia. Gần hơn nữa, một Thích Tuệ Sỹ với nỗi lòng đau đáo về tiền đồ Dân Tộc…


Có thể nói, đạo Phật đã quyện vào dòng chảy của Dân Tộc như một thực thể không rời. Có người còn cho rằng:
“Sự tồn vong của Dân Tộc chính là sự tồn vong của đạo Phật, hoặc ngược lại, sự tồn vong của đạo Phật là sự tồn vong của Dân Tộc”.


Không biết nhận định này có đúng không, nhưng… đó là chuyện của ngày hôm qua.


Ngày nay thì sao?


Về bề mặt phát triển Phật giáo thì có thể nói không ngoa là choáng ngợp. Rất nhiều sử sách cho rằng thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Việt Nam là trong suốt triều đại Lý-Trần. Nhưng, nhìn trên bề mặt thì những dấu ấn di tích từ triều đại Lý-Trần không là gì với những công trình Phật giáo ngày hôm nay.


Ngày nay, Việt Nam có Tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á trên núi Cấm thuộc tỉnh An Giang. Tượng Phật nhập Niết bàn ở Tà Cú, Bình Thuận đã lập kỷ lục Châu Á là tượng phật lớn và dài nhất trên đỉnh núi. Tượng Phật ngọc bằng đá saphire lớn nhất Việt Nam tại Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, Vĩnh Phúc. Rồi chùa Bái Đính lớn nhất Việt Nam, có khả năng là vĩ đại và lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2015. Dự án sắp tới sẽ xây một loạt chùa với hoa văn dát vàng ròng trải dài trên ba miền Bắc-Trung-Nam,…


Đọc lại những áng thơ, văn về lễ hội chùa thời xa xưa như lễ hội chùa Hương, chùa Keo, chùa Trăm Gian,… mới cảm thấy rằng lễ hội ngày xưa rất dân gian, rất gần gũi, đơn sơ và rất Phật.


Ngày nay, không chỉ vào dịp lễ hội mà bất kỳ một sự kiện nào, một ngày nghĩ nào, một cơ hội nào thì người-người đi lễ chùa. Cảnh tượng chen lấn khấn vái, đốt hương (ngày xưa ta gọi là thắp hương), khói dầy đặc cả không gian chùa đến nỗi người vừa cắm hương vào lư người khác lấy đi dập tắt, cứ thế mà luân chuyển suốt ngày đêm.


Quan sát để biết những ai là người đến chùa khấn vái, cầu xin.

Có lẽ dễ nhận biết là người đến cầu tài, cầu lộc. Từ một người bán hàng xén cho đến doanh nhân tiền triệu (đô-la Mỹ) đều khấn cầu được “ăn nên làm ra”, kiếm thật nhiều tiền và nhiều tiền hơn nữa. Thành phần này chiếm tỉ lệ nhiều nhất.


Kế đến là các cấp lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên nhà nước. Cương vị hay chức vụ là vấn đề quan trọng nhất. Khấn cầu được thăng quan, tiến chức và được an toàn sau khi hết nhiệm kỳ.


Người đến cầu phước cũng tương đối phổ biến.
Một điều khó hiểu là người đến khấn cầu sự giải thoát, bình an, tự tại thì rất ít.


Lật lại những trang sử cũ thì không thấy hoặc chưa tìm ra có giai đoạn nào mà người sĩ tử đi chùa cầu Phật trước khi vào trường thi. Ngày nay, trước mùa thi, học sinh, sinh viên và bậc cha mẹ viếng chùa rất đông để van vái, cầu xin cho mình hoặc con cháu được thi đỗ. Thậm chí có những chùa tổ chức cả một buổi thuyết giảng về đạo pháp trong thi cử.


Có thể khẳng định rằng, chưa có thời kỳ nào trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam mà người đi chùa cúng vái, thờ phượng ồ ạt như ngày nay. Cũng khẳng định là chưa có thời kỳ nào mà nhà chùa được xây dựng rộng khắp, to lớn và bề thế như thời kỳ này.


Không chỉ phát triển trong nước, Phật Giáo Việt Nam đang lan tỏa và hình thành mạnh mẽ tại các nước có cộng đồng người Việt sinh sống như Hoa-kỳ, Canada, Úc, Pháp. Những năm gần đây có khuynh hướng các vị tăng, ni di dân ra nước ngoài truyền bá đạo pháp; hình thức tuy đơn lẻ nhưng bên trong hàm chứa cả một hệ thống trong một bức tranh tổng thể. Hiện tượng này có vẻ tương tự như trong thời kỳ cuối thế kỷ 18 khi Giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine) cũng như những giáo sĩ người Pháp đặt chân đến Việt Nam với sứ mạng truyền giáo.


Phải chăng Phật Giáo Việt Nam đã phát triển đến thời kỳ cực thịnh?

Nếu dựa trên số lượng phật tử, số đông tìm đến cửa chùa để thờ phượng, cúng bái, nghe kinh và qui mô xây dựng nhà chùa thì đúng là Phật Giáo Việt Nam đang vào thời kỳ cực thịnh.


Người tìm đến cửa chùa hầu hết để cầu tài, lộc, phước, danh vọng, đỗ đạt, giải thoát, an lạc, tu tập hay bất kỳ một mong muốn nào đó đều không có gì là sai vì khi con người không dám chắc có thể tự mình đạt được sự mong muốn thì tìm đến một đấng toàn năng để có thêm niềm tin, sức mạnh và nghị lực. Điều này có thể hiểu được trong thời Quốc thái Dân an.


Đất Nước và Dân Tộc không đang trong thời kỳ an bình như vậy.

Rất nhiều người cho rằng đất nước đang đứng trước “nguy cơ” hay “hiểm họa” bị Bắc thuộc lần thứ 5. Không đúng – Đất nước đã bắt đầu bị Bắc thuộc lần thứ 5 thì mới chính xác.


Ải Nam Quan đã mất. Một số điểm cao dọc trên biên giới Việt Bắc đã bị chiếm. Trung Quốc đã đưa người vào Tây Nguyên, nơi các tướng lãnh Pháp từng nói: “Ai chiếm được Tây Nguyên là sẽ khống chế toàn Đông-Nam Á”. Vịnh Bắc Bộ đang bị lấn áp, Hoàng Sa đã mất, một số đảo Trường Sa nằm trong tay Trung Quốc, tàu thuyền Trung Quốc đang tràn ngập biển Đông. Kinh tế bị khuynh loát bởi tư bản đỏ Trung Quốc, hầu hết nhà máy nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc cung cấp và khống chế. Văn hóa Trung Quốc tràn ngập từ sách nhi đồng cho đến phim truyện truyền hình. Các cụm làng Trung Quốc đang mọc lên tại khắp mọi miền đất nước, trai tráng thợ thuyền Trung Quốc lùng xục lấy vợ Việt Nam.


Trung Quốc đang gậm nhắm Việt Nam.

Không dừng ở đây. Khi Trung Quốc chiếm trọn biển Đông đó là thời điểm khởi đầu Việt Nam hoàn toàn bị Bắc thuộc, hoàn thành giấc mơ đại Hán và đồng hóa tộc Việt, bộ tộc duy nhất còn sót lại trong nhóm Bách Việt.
 

Dân tộc Việt bị diệt vong.
Lại dở những trang sử cũ. Thường thấy Phật Giáo Việt Nam đồng hành với dân tộc vào những giai đoạn thăng trầm của đất nước.


Những năm gần đây, hay dễ nhớ hơn, là từ những ngày Tết năm 2013 khi hầu hết các chùa, trong và ngoài nước, đông kín phật tử tới dự lễ, viếng Phật cho đến Đại lễ Phật Đản trong không khí hân hoan và hàng triệu-triệu con người chảy hội đón mừng với bao nhiêu sự kiện rước kiệu, diễn hành xe hoa, chèo thuyền hoa trên sông, lễ thả hoa đăng, hành hương, khai kinh, giảng đạo.


Trong hàng triệu-triệu con người đó, hàng ngàn Vị chức sắc, hàng vô số lời kinh câu kệ, bài thuyết giảng, lời cầu nguyện, tuyệt nhiên không hề có một ai gióng lên tiếng chuông thức tỉnh “Đất nước đang bị giặc ngoại xâm”, không có một lời chỉ rõ “Trung Quốc đang Hán hóa dân tộc Việt”.


Tại sao như vậy?

Câu trả lời duy nhất: đó không phải là việc của nhà Phật, người tu hành không làm chính trị.
Vậy, xin hỏi tiếp. Có phải Sư Vạn Hạnh, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Thiền sư Đỗ Thuận đã sai khi tham gia vào việc cứu nước mà ngày nay được gọi là “chính trị”? Các vị Vua triều đại Lý-Trần đưa triết lý nhà Phật vào việc giữ nước, dựng nước là không đúng đắn?


Thử hỏi, liệu có thể tìm được sự hạnh phúc, thư giản, yên vui, an nhiên, tự tại, thân tâm an lạc khi nước mất nhà tan, dân tộc lầm than dẫn đến họa diệt vong?


Có thể quan điểm cho rằng “Sự tồn vong của Dân Tộc chính là sự tồn vong của đạo Phật, hoặc ngược lại, sự tồn vong của đạo Phật là sự tồn vong của Dân Tộc” chưa hẳn đúng, nhưng có lẽ khó có ai phủ nhận được Phật Giáo Việt Nam đã hòa quyện vào dân tộc trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.


Nếu Dân tộc bị diệt vong thì Phật Giáo Việt Nam sẽ về đâu?

Triết lý nhà Phật không luận đến sự manh động. Nhưng có phải vì thế mà Phật Giáo Việt Nam không hề manh động khi cần đòi hỏi những yêu cầu chính đáng?


Có phải trong những năm đầu thập kỷ 1960 Phật Giáo Việt Nam đã hô hào chống lại chính sách phân biệt tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm? Cao trào của sự phản kháng này vào tháng 6 năm 1963 khi tăng đoàn Phật Giáo rầm rộ xuống đường biểu tình tại Sài-gòn và đỉnh điểm là giây phút tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức. Lực lượng cảnh sát được điều tới, nhưng không phải để đàn áp mà giữ trật tự an ninh cho cuộc biểu tình và hành động tự thiêu. Năm tháng sau, chính phủ Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam Việt Nam bị sụp đổ.


Hãy bỏ ra ngoài nghi vấn sự kiện trên có, hay không có tiềm ẩn yếu tố tính chính trị. Điều này để lịch sử phán xét. Nhưng, chắc chắn sự kiện này là một minh chứng:


Để có thể bảo vệ quyền tự do và sự bình đẳng hành đạo thì người Phật tử và Phật Giáo Việt Nam sẵn sàng tranh đấu kể cả hy sinh mạng sống của mình cho đạo pháp, và kể cả phải lật đổ chính phủ.


Tây Tạng là một tấm gương bi tráng sống động. Kể từ năm 1999 đã có 118 vụ tự thiêu tại Tây Tạng – xin nhấn mạnh một lần nữa là 118 vụ tự thiêu - hầu hết là những vị Sư, Ni Tây Tạng. Mặc dù vậy, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn không dừng đàn áp với quyết tâm Hán hóa dân tộc Tây Tạng. Từ khi chiếm được đất nước Tây Tạng thì có ngày nào Phật Giáo Tây Tạng được yên vui, an bình để hành đạo?


Chính sách bành trướng, bá quyền đại Hán của Trung Quốc đã quá rõ.

Đất nước Việt đã bắt đầu bị xâm lấn. Dân tộc Việt đang dần bị Hán hóa. Họa diệt vong ngày càng gần.

Ngay giờ phút này, Phật Giáo Việt Nam đang ở đâu trong dòng chảy của Dân Tộc?


Nguyễn Quốc Nam
07/2013


 

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm sống - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI   |   LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.