.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

             TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

Diễn đàn Phật tử

 
Trăn trở của một giáo viên Phật tử

  •  PSN 20.12.2013 | Chúc Thiệu

Anh 2, Thay Trong.jpgThầy Nguyễn Thái Trọng, pháp danh Thiền Ẩn giáo viên Ngữ văn Trường THCS Tân Nhựt (xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh, TP.HCM). Thầy Trọng chia sẻ: Ngay từ bé tôi đã được bà ngoại và mẹ dẫn đi chùa lễ Phật. Tôi thích ngồi yên và ngắm nhìn tượng Phật. Rồi từ đó, Đức Phật đã luôn hiện hữu trong tâm tôi, cùng tôi đi qua cuộc đời này hơn 30 năm… Đôi khi tôi tự hỏi: Có lẽ một nhân duyên lành đã được vun trồng từ nhiều đời chăng?

Tôi đến với nghề dạy học cũng là một nhân duyên. Thuở nhỏ, tôi rất thích đọc sách và mê học nhất là môn Văn, thậm chí còn học lệch môn khiến rất nhiều thầy cô phiền lòng, lo lắng. Ngay từ những ngày tháng đầu tiên của cấp THCS, tôi đã nuôi dưỡng ước mơ lớn lên sẽ thi vào sư phạm để dạy Văn. Thầy cô giáo cũng nhận ra tôi có năng khiếu nên bồi dưỡng thêm để tôi vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp thành phố và tôi đã không phụ sự kỳ vọng của thầy cô và bạn bè… Kể từ đó, tôi đã mơ mình được đứng trên bục giảng. Còn bây giờ bục giảng là một phần quan trọng của đời tôi!

Nhiều năm đứng trên bục giảng, điều thầy thao thức nhất là gì? Và thầy đã giải quyết việc ấy như thế nào, trong tâm thế của một người thầy và một người con Phật?

- Gần 10 năm đứng trên bục giảng, điều tôi thao thức nhất vẫn là việc học trò mình chuẩn bị hành trang gì và hướng đi như thế nào để bước vào đời. Đây đúng là một “công án” thật sự cho mỗi em. Nếu không giải quyết được, các em sẽ bước chân vào cuộc đời một cách vội vã hoặc lúng túng. Những bước đi đầu tiên ấy sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả cuộc đời các em. Cho nên người làm thầy ngoài việc truyền đạt kiến thức còn phải là người “hướng đạo” cho học trò.

Trong khả năng của mình, tôi luôn lắng nghe và chia sẻ với học trò những gì cần thiết nhất cho những bước đi dài. Ở tuổi 15 các em chưa đủ “sáng mắt sáng lòng” để hoạch định một hướng đi, một nghề nghiệp trong tương lai nhưng các em đã biết mơ ước. Tôi khuyên những học trò nhỏ của mình hãy cứ ước mơ nhưng phải xây dựng nó trên nền tảng của hiện tại - ngày mai bắt đầu từ hôm nay!

Nghề giáo là một nghề không đơn giản, nhất là trong thời đại bây giờ, trong cơ chế thị trường…

- Tôi xin khẳng định là không có nghề nào là đơn giản! Mỗi nghề nghiệp có một đặc thù và độ khó riêng. Nếu ta thực sự yêu thích và quyết tâm “sống chết” với nghề thì nghề sẽ không phụ ta. Tôi đặt học trò mình nơi trái tim nên tôi không cảm thấy bị chi phối, ràng buộc hay bị áp lực từ ngoại cảnh. Tôi nghĩ, mặc dù mình đang sống trong cơ chế thị trường nhưng mình vẫn cứ ung dung đi bởi vì tôi biết có những thứ không thể nào đem ra mua bán được mà chỉ có thể trao truyền và tiếp nhận bằng trái tim mà thôi.

Trong phương châm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn”, thì khi dạy đạo đức cho học trò, thầy đã thổi vào lòng các em những giá trị gì?

- Tôi hướng các em theo tinh thần “Từ bi” mà Đức Phật đã dạy. Tôi không đủ khả năng để hiểu hết nghĩa lý sâu xa của “Từ bi” nên chỉ dạy học trò mình một khía cạnh của “Từ bi” là “tình thương”.

Các em phải biết thương bản thân, thương những người trong gia đình và thương bạn bè. Bởi nói như thầy Minh Niệm: “Tất cả cũng tàn phai/ Chỉ tình thương ở lại/ Những gì trao hôm nay/ Sẽ theo nhau mãi mãi”… Và cũng chỉ có tình thương mới chuyển hóa được những hạt giống của hận thù, bạo động. Tôi thầm mong học trò mình khi gặp một cảnh đời bất hạnh, một số phận không may, thay vì lạnh lùng, vô cảm bước đi thì “lòng chợt từ bi bất ngờ” để tim mình có thể nhói đau và rơi nước mắt… Đó chính là tình người vậy!

Thầy Trọng và học trò cũ nơi góc nhỏ ở văn phòng đoàn trường

Theo thầy, nếu được dạy những giá trị của nhà Phật ở nhà trường (như ở Thái Lan chẳng hạn) thì sẽ giúp ích được những gì cho các em trong việc rèn luyện nhân cách, vốn đang là vấn đề quan tâm lớn nhất hiện nay?

- Những lời vàng minh triết của Đức Phật nếu được ứng dụng một phần nhỏ để giảng dạy trong nhà trường thì tôi thiết nghĩ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài cho thế hệ trẻ. Chúng ta hãy để phần nghi thức của tôn giáo sang một bên mà đến để thấy những giá trị thật sự của đạo đức Phật giáo trong việc chuyển hóa khổ đau, giáo dục con người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.

Tôi xin trích dẫn vài điều trong Giới thứ tư - Lắng nghe và ái ngữ: Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói năng gì khi biết cơn bực tức đang có mặt trong con, nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của những bực tức ấy, nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong người mà con đang bực tức. Con nguyện học nói sự thật và lắng nghe như thế nào để có thể giúp người kia thay đổi và thấy được nẻo thoát ra ngoài những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên những sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể”.

Đó có phải là kỹ năng sống không? Có phải là những giá trị đạo đức mà biết bao thế hệ tiền nhân vẫn dạy dỗ thế hệ hậu sinh không? Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình cho việc chúng ta có thể áp dụng lời Phật dạy vào việc giáo dục nhân cách học sinh.

Kho tàng giáo pháp mà Đức Phật ban tặng cho thế gian này thật đồ sộ và uyên áo nhưng không có nghĩa là những lời minh triết đó chỉ nằm đằng sau lớp cổng thâm nghiêm của nhà chùa mà không thể đi vào cuộc đời, thấm vào từng tế bào não, từng nụ cười của những mầm non đang chập chững bước vào đời.
 

Theo: Chúc Thiệu GNO

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm sống - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI   |   LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.