.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

Diễn đàn Phật tử

 
Tịnh độ tức là tịnh tâm
(Pure land means pure mind)

  • PSN -27.2.2013 | Nhất Chi Mai

Kinh Kim Cang định nghĩa hai chữ Phật Pháp như sau: “Phật pháp giả, nhất thiết pháp giai thị Phật pháp”, nghĩa là tất cả các Pháp đều là Phật pháp, hoặc là “Phật pháp giả, thị chư pháp như nghĩa”, Phật pháp là nghĩa như thật của các Pháp. Ở đây có hai vấn đề cần hiểu rõ về hai chữ Phật Pháp. Một, Phật pháp trong bài này không hoàn toàn đề cập đến lời Phật dạy, tức là Tam tạng Kinh, Luật và Luận mà nó còn có ý nghĩa bao quát hơn, hoàn chỉnh hơn. 2. Phật Pháp ở đây phải được hiểu theo hai từ riêng biệt nhau. Phật tức là tính giác ngộ, làm cho giác ngộ - thấy biết được thật tính và thật tướng của các Pháp, thấy được thật tính và thật tướng của sắc (yếu tố thuộc về vật chất) và tâm (yếu tố thuộc về tinh thần). Pháp, theo Duy thức học (Vijñānavāda) nghĩa là cái gì khi nhìn vào mà ta nhận biết được tính chất và hoạt dụng (tác dụng) của nó thì đó gọi là pháp. Vậy, Pháp ở đây được hiểu như là tất cả mọi sự biểu hiện của mọi sự vật hiện tượng cũng như những biểu hiện của tâm lý, của trong và ngoài. Như vậy Phật pháp nói một cách dễ hiểu là cái gì, điều gì, người nào mà nó có thể đánh thức, làm cho con người đó nhận biết được thật tướng và thật tính của sắc và tâm, thấy được nguyên lý của duyên khởi, thấy được 1 không lìa khỏi 2, 3, 4… và 2, 3, 4… không thể lìa khỏi 1. Cái đó gọi là Phật pháp. Cho nên chúng ta thấy, Tế Điên Hoà Thượng, tuy mang hình tướng là một Hoà thượng nhưng Ngài có thể làm tất cả những chuyện mà chúng ta nghĩ là không nên làm. Ngài đi vào những chỗ mà chúng ta nghĩ là Ngài không nên vào. Ngài ăn những thứ mà chúng ta nghĩ là Ngài không nên ăn. Ngài uống những thứ mà chúng ta nghĩ là Ngài không nên uống. Bởi vì, Ngài làm tất cả những việc làm đó không phải Ngài muốn làm cho Ngài, Ngài thiếu thốn hay thèm khát mà là Ngài làm để giúp người khác thoát ra khỏi bóng tối của vô minh để nhận biết được tính giác ngộ nơi chính họ. Chính vì vậy, rượu Ngài uống là Phật Pháp, thịt chó Ngài ăn là Phật Pháp, chốn lầu xanh ngài đi vào lập tức biến thành đạo tràng thanh tịnh.

Từ chỗ hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ Phật pháp ở trên, chúng ta đi sâu hơn chút nữa, Đức Phật mặc dù đã thuyết rất nhiều bài Kinh, tuy nhiên chưa phải là đã đủ, đó chỉ là những bài Kinh được thuyết theo từng nhân duyên mà thôi. Những điều Phật thuyết chưa phải là chân lý tuyệt đối, chưa phải là cái duy nhất, ngược lại Đức Phật nói trong Kinh Viên Giác rằng: Tất cả những Pháp được thuyết bởi Ngài giống như là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi, (Nhất thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ). Vì Pháp Phật thuyết chỉ có giá trị như là ngón tay chỉ mặt trăng để nương vào ngón tay đó mà chúng ta có thể nhìn thấy được mặt trăng, nên trong Kinh Kim Cang nói: Thuyết pháp nghĩa là không có Pháp nào để thuyết thì đó mới gọi là thuyết Pháp, (Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp). Người thuyết pháp thật sự thấu triệt được lời Phật dạy thì không nên chấp vào Kinh điển, mà phải tuỳ nghi vận dụng phương tiện, khéo léo thích ứng với từng căn cơ của từng người, với từng phong tục tập quán, văn hoá khác nhau của từng xứ sở, như là tuỳ vào bệnh mà cho thuốc vậy. Vì thế, không có một pháp nào cố định để thuyết (Phật pháp bất định pháp). Thuyết mà giống như không thuyết, làm mà chẳng thấy có điều gì cần làm cho nên làm được tất cả mọi việc.

Và tịnh độ thường được chúng ta biết đến như là một cảnh giới được mô tả vô cùng thanh tịnh, đẹp đẽ, cõi giới ấy nằm ở hướng Tây chứ không phải là cõi ta bà chúng ta đang ở. Hiểu như vậy mới chỉ là một khía cạnh phương tiện khuyến hoá của Tây Phương thắng cảnh mà thôi. Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta chú tâm vào những diễn biến của đời sống hiện tại, chứ không nói nhiều về một tương lai hão huyền nào khác. Bởi vì Tây Phương Cực Lạc chỉ như là một viên kẹo ngọt khi đứa trẻ khóc, chỉ là sự an ủi khi con người chịu đựng quá nhiều đau khổ do chính họ tạo ra ở cuộc đời này. Tịnh độ chính là Tịnh tâm. Trong nhà Phật, Tâm được ví như đất. Tâm là mảnh đất (a-lại-da thức còn được gọi là tạng thức, và còn nhiều tên gọi khác nữa) chứa đựng bao nhiêu hạt giống nghiệp, chứa đựng bao nhiêu thói hư tật xấu, bao nhiêu thói quen và ngay cả hạt giống giác ngộ cũng được chứa đựng ở trong đó. Hễ nhìn vào mảnh đất tâm như thế nào thì sẽ biết được đời sống của con người đó như thế ấy. Điều này cũng giống như, nhìn đất thì sẽ biết được tương lai của cây trồng. Cho nên, tu là cải tạo mảnh đất tâm, là chăm bón cây trí tuệ, là nhổ gốc, đốn rễ cây vô minh, lầm lẫn, lầm tưởng…Từ đây chúng ta thấy rằng, không có một cảnh giới Tây phương cực lạc ở ngoài thế giới ta đang sống, không có cảnh giới địa ngục ngoài cuộc sống này. Một điều thú vị là, trước khi dẫn vào các cảnh giới địa ngục trong Kinh Địa Tạng, Kinh văn đã nhắc khéo chúng ta rằng, Tâm là địa – Tâm là đất. Có nghĩa là địa ngục cũng diễn ra ở trong chính cái mảnh đất tâm của chúng ta mà thôi. Đừng bao giờ đợi chết rồi mới thấy địa ngục cũng giống như đừng bao giờ đợi chết rồi mới thấy cảnh giới Tây phương cực lạc. Phải biết là ngay trong con người này, mảnh đất tâm này, ngay cuộc đời này, ngay trong từng tâm niệm sanh diệt liên tục, ngay trong cái ý nghĩ thiên ác này của con người chúng ta, địa ngục và cảnh giới tây phương luôn luôn hiển hiện. Nếu như dụng công quán chiếu thì mỗi ngày chúng ta đều đi qua đi lại giữa địa ngục và cảnh giới tây phương không biết bao nhiêu lần. Bởi vì, một tâm niệm xấu ác hiện ra thì là ta đang vào địa ngục và một tâm niệm thiện lành khởi lên là ta đang ở Tây phương cực lạc. Cho nên, không phải cầu vãng sanh cũng không phải nhắm mắt mà niệm Phật cho nhiều để cầu lên Tây phương cực lạc mà hãy cố gắng làm cho cái tâm xấu ác của mình tiêu trừ đi và cái tâm lành thiện của mình tăng trưởng lên. Mức độ thanh tịnh ở trong tâm của chúng ta như thế nào thì mình sẽ thích ứng hiện tiền trong cảnh giới Tây phương cực lạc ngần ấy. Chỉ đơn giản vậy thôi. Cũng vậy, không cần phải đợi chết rồi mới sợ địa ngục. Hễ tâm địa xấu ác của mình bao nhiêu thì địa ngục sẽ hiện diện trong cuộc sống của chúng ngần ấy. Ngồi mà nhìn thật kỹ lại chính con người và tâm thức của mình thì sẽ rõ. Nhìn sự khác biệt giữa giàu và nghèo, ấm no và đói khát, cuộc sống hạnh phúc và những mảnh đời bất hạnh khổ đau trên cuộc đời này thì chúng ta sẽ thấy rõ địa ngục và cực lạc tây phương ở đâu thôi. Cho nên, các bậc đại nhân, những hàng Bồ tát thường đi lại giữa địa ngục và Tây phương để hóa độ chúng sanh. Biết giúp người bớt khổ, biết làm người vui, biết động viên chia sẻ, biết dẹp bớt thị phi, hơn thua, ganh ghét đố kỵ, biết kiểm soát cơn nóng giận, biết hoá giải hận thù, biết trải lòng thương yêu… thì là mình đã tự cứu mình và rất nhiều người ra khỏi cảnh khổ của địa ngục rồi vậy.

Cho nên hãy cẩn thận, đừng để sự tưởng tượng (sajñā) sai lầm của mình, tức là sự hiểu biết sai lầm của mình nó làm mình vọng cầu xa xôi, sợ hãi mù quáng. Hãy nên nhớ rằng, đạo Phật là đạo của trí tuệ , là đạo của sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến), là đạo vô thần, là con đường tự thân vận động, tự dấn thân vào con đường cải tạo lại mảnh đất tâm thức. Tâm là mẹ đẻ của muôn vàn ý nghĩ, là nguyên nhân chính yếu của hạnh phúc và khổ đau trong cuộc sống hiện tại và tương lai của ta. Và trí tuệ - sự hiểu biết đúng với bản chất thật sự của vạn hữu là bà mẹ đẻ ra chư Phật trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Và nên biết rằng, niệm Phật, tụng kinh, làm phước là để duy trì và phát huy năng lượng thanh tịnh trong tâm thức chứ chưa phải là yếu tố quyết định cho sự giác ngộ giải thoát. Duy chỉ có trí tuệ mới có thể giúp chúng ta vượt qua khỏi những vọng chấp sai lầm, giúp chúng ta phá bỏ được ý niệm về một bản ngã ích kỷ, nhỏ bé, hẹp hòi mà thôi. Chúng ta phải biết rằng, loài người chúng ta sống được là nhờ vào sự tưởng tượng của trí óc. Đó chính là thói quen nhận thức phân biệt của tâm dựa vào những khái niệm, ngôn từ để mà duy trì và hoạt động. Vì thế, hãy biết rõ, thế giới mà chúng ta đang xây dựng và đang bám lấy, nó chỉ là thế giới của khái niệm mà thôi. Đã là khái niệm thì cũng như là chiếc áo ta mặc bên ngoài che đậy cái thân trần truồng ô trược này, chứ khái niệm tuyệt đối không phải là thực tại như cái mà nó diễn bày, mô tả. Hạnh phúc và khổ đau cũng vì thế mà không thật có, vì nó được xây dựng trên dòng chảy của sự nhận thức phân biệt của tâm thức mà thôi. Vượt qua được thế giới của khái niệm tức là chúng ta đã có thể chạm tay vào thực tại, thực tướng và thực tính của các Pháp rồi đấy. Tâm là mẹ đẻ của tất cả mọi thứ dù là hữu hình hay vô hình. Tâm thiết lập tịnh độ chứ tịnh độ không thể thiết lập tâm được.

Nhất Chi Mai, Sept 18, 2012

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm sống - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.