.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

Diễn đàn Phật tử

 
Chuyện không giống ai

  • PSN -22.12.2011 | Minh Mẫn

Một số trang mạng, trong đó có Yahoo mail vừa đưa tin: “DỰNG TƯỢNG PHẬT BÀ QUAN ÂM…BỒNG SÚNG” của tác giả Đoàn Nguyễn tường thuật tại xã Đại Cường-Đại Lộc-Quảng Nam:

Tác giả chứng kiến cảnh tượng và phỏng vấn trực tiếp nông dân :

“… Bác nông dân này nói: “Hồi trước, bà con chúng tôi quyên góp tiền và xây ở đây một tượng Phật bà. Được sáu tháng thì chính quyền không cho để tượng nữa, đòi đập. Ông M., người phát động xây tượng, sợ đập thì uổng phí mới kêu thợ sửa tượng lại thành cô du kích”. Theo bác nông dân này, trước kia, đây là bức tượng Phật Quan Âm trắng tinh, ngự trên toà sen, với tà áo choàng trắng bay phất phơ, một tay cầm bình cam lồ, một tay cầm nhành dương. Thế nhưng, sau đó, người ta đã phải cắt áo choàng đi, đội lên đầu tượng một mũ tai bèo rộng sụp xuống tận trán, bẻ tay cầm hồ lô và tay cầm nhành dương rồi đặt vào đó một cây súng trường.”

Rồi gặp trực tiếp bác M. để nắm rõ sự tình:

Tôi đến nhà ông M., chỉ cách bức tượng vài trăm mét. Ông M. nói: “Hồ nước trước kia là đám ruộng. Tôi đề xuất ý tưởng và được huyện hưởng ứng thành lập dự án đào đám ruộng thành hồ nước để lấy nước tưới cho mấy chục hecta đất màu của thôn. Hồ nước ra đời, vì nó nằm ở đầu cái làng này, nên để cho hồ nước sạch sẽ, tôi đã vận động bà con quyên góp xây bức tượng Quan Âm ở giữa hồ. Tôi nghĩ xây bức tượng Phật lên thì cái hồ nước đó mới sạch vì sẽ không ai dám vứt rác, nuôi cá, thả vịt, cho trâu dầm dưới đó. Và đúng như vậy, suốt sáu tháng sau, hồ nước vẫn sạch tinh tươm. Tuy nhiên, đùng một cái, mấy “ổng” không cho đặt tượng nữa”.

Tác giả phỏng vấn và được ông M. tâm sự tiếp:

“Trước khi xây, anh có xin ý kiến chính quyền không?”, tôi hỏi. “Có chớ, huyện, xã gì tôi cũng nói. Lúc đó ai cũng vui vẻ, bởi vì có chi trầm trọng. Thành phố Đà Nẵng, cách đây 20km, người ta xây tượng Phật bà to gấp mấy lần, xây tượng Phật Như Lai cũng to gấp mấy chục lần, trung ương, địa phương về, trong nước, ngoài nước đến, mà có ai nói chi đâu. Còn của tôi, chỉ là tượng Phật ở làng, tôi là cán bộ (ông M., là cán bộ trung ương vừa nghỉ hưu – NV) chứ có phải ở chùa nào đến, tôn giáo nào tới đâu”.

Thì ra, bác M. từng là cán bộ, bác M. từng chứng kiến những tượng Phật khổng lồ ở Bãi Bụt và Bà Nà tại Đà Nẵng, bác muốn giữ vệ sinh môi trường khi lòng dân biết tôn kính Thánh tượng. Bác M. cũng trực tiếp trao đổi với cán bộ xã trước khi họ đồng ý cho dựng tượng Phật Quán Âm. Nhưng cán bộ xã không giải thích lý do đập tượng để thế vào cô du kích! Bác M. từng là cán bộ mà bác M. không đo lường được hành động bất nhất của cán bộ địa phương.

Cũng may là thế vào cô du kích cho hợp với giống cái, nếu đưa anh Bộ đội cụ Hồ thế chỗ, thiên hạ sẽ nghĩ…

Cái sáng kiến độc đáo mà ngay cả Trung Cộng, Liên xô trước kia, Bắc triều Tiên hay Cu Ba chưa hề biến đức mẹ Maria thành cô Du kích chống Mỹ như cán bộ xã Đại Cường, tỉnh Quảng Nam như thế. Có lẽ đám cán bộ xã còn thấm nhuần chính sách: “Trí Phú Địa Hào Tôn bứng tận gốc-trốc tận rễ” khi vừa du nhập học thuyết Marx-Lê vào miền Bắc, thi đua lập công với đảng; Đó là thời kỳ chiến tranh lạnh, phân liệt tranh hùng về học thuyết.

Thế kỷ XXI là thế kỷ giao hòa để nhân loại tiến vào trật tự toàn cầu về văn hóa-kinh tế-kỷ thuật khoa học-y học…Chủ trương của nhà nước hiện nay tôn trọng tự do tín ngưỡng để cân bằng cuộc sống tâm linh và vật chất mà một thời sai lầm về quan điểm vật chất quyết định tất cả, tôn giáo là thuốc phiện cản trở sự tiến hóa của xã hội, hậu quả tệ nạn vô đạo đức tràn ngập đất nước.

Mọc lên một nhà tù liền phát sanh hàng ngàn tội phạm, một ngôi chùa dựng lên, quần chúng tín đồ biết sợ nhân quả hơn là sợ luật pháp, tù tội. Nếu không có Phật giáo thì làm gì có hàng ngàn xuất cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo trong một số thành phố phía Nam. Làm gì có quán cơm chay từ thiện miễn phí cho sinh viên, học sinh và lao động nghèo. Làm gì hàng năm có hàng trăm tỷ cho các chuyến cứu trợ lũ lụt thiên tai, ủy lạo đồng bào vùng sâu vùng xa mà nhà nước chưa kham nỗi?

Theo thống kê hiện nay, tất cả tội phạm xã hội đều là kẻ không biết đến tôn giáo. Đạo đức nhân quả của Phật giáo đã ngăn ngừa nhiều hành vi và ý nghĩ bất thiện trong tín đồ. Hình ảnh một Bồ Tát Quán Âm thể hiện lòng đại lượng trước sự đau khổ của quần sanh. Mỗi vị Bồ Tát là đại biểu cho một công hạnh hoán cải tiêu cực trong xã hội, như vậy Phật giáo không thể là tiêu cực nếu không là tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ nền luân lý đạo đức trong mọi xã hội.

Chính tinh thần trách nhiệm hộ quốc an dân mà nhiều trăm năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc chống ngoại xâm phương Bắc, đem lại hòa bình cho đất nước. Suốt hai ngàn năm đồng cam cộng khổ với dân tộc, nếu Phật giáo không có công thì cũng chẳng có tội, hà cớ biến Bồ Tát Quán Âm, một biểu tượng tôn kính của hàng triệu tín đồ Phật giáo trên thế giới thành một cô du kích? Trong khi đó, chưa đầy một tháng, Phật Giáo Việt Nam chấp nhận là thành viên của Liên Minh Phật giáo Thế giới tại Ấn Độ.

Trong thời chiến, Phật giáo cũng từng có những tu sĩ cởi Tăng y khoác chiến bào; Lý Trần cũng từng xuất hiện các danh Tăng cứu nguy đất nước. Ý thức trách nhiệm đó chỉ có trong thời chiến, nhưng khi quốc gia thái bình, sự đóng góp của Phật giáo trong lãnh vực từ thiện xã hội, đạo đức văn hóa.

Một bình Cam lồ và nhành dương liễu không đủ sức mạnh như khẩu súng, nên cán bộ xã Đại Cường đã bẻ tay ngài gắn vào đó khẩu AK, biến Thanh y thành áo bà ba, mão Quán Âm thành nón tai bèo che ám khuôn mặt. Có lẽ họ muốn Bồ Tát Quán Âm phải cầm súng để giữ biên cương và hải đảo như cô du kích vô danh kia? Hay họ muốn Thánh hóa cô du kích kia khi để cô ta đứng trên tòa sen. Thật khó hiểu cho những tâm hồn si muội giữa lúc đất nước đang cần tôn giáo; Đồng thời tôn giáo đang được mùa cũng nên cảnh giác trước những ý đồ u mê ám chướng như thế.

Khi Phật giáo đang được mùa mà không đủ năng lực để chuyển hóa những đâu óc đen tối, trái tim xơ cứng như thế thì chưa thể nói Phật giáo làm được gì cho xã hội. Nếu mai nầy những cán bộ có tâm hồn hẹp hòi và hiểu biết không cao hơn ngọn cỏ, lên lãnh đạo Tỉnh hoặc Trung ương, hà tất cần gì sự hiện diện của các sư khi Thánh tượng còn bị truất phế, và lẽ dĩ nhiên, xã hội, đất nước không còn gì để phải báo động.

Thiết nghĩ hãy đưa những cán bộ nhiệt thành nầy ra hải đảo xa xôi, triệt hết chùa miễu đang có ở đó, để dựng tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng và nữ du kích dũng cảm hầu cản bước tiến quân thù và cảnh cáo óc xâm lược của quốc gia LẠ.

Giáo Hội Phật Giáo Quảng Nam nghĩ gì về hiện tượng nầy? hay là GHPGVN TW xem đây chỉ là chuyện cỏn con xẩy ra thường ngày ở Huyện? Cho dù không là tín đồ Phật giáo, ai cũng ngạc nhiên trước hành động lệch lạc văn hóa như thế, chuyện không giống ai trong một xã hội không ai giống mình. Hãy chờ hạ hồi phân giải.

MINH MẪN
22/12/2011

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm sống - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.