.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

ĐẠO PHẬT ỨNG DỤNG | Pháp đàm | Chia sẻ...

Đức Phật và nền hòa bình nhân loại

  • 13.01.2009 | Minh Mẫn

2637 năm về trước, Lumbini đã xuất hiện một nhân vật lạ thường, con của một nhà vua, nhưng từ lúc sanh cho đến tịch đều gắn liền với thiên nhiên cây cỏ.

Theo huyền sử, bà Maya phu nhân trên đường về quê sanh nở, ghé nghỉ chân tại hoa viên Lâm Tỳ Ni, lúc đó Thái tử Sĩ Đạt Đa được hạ sanh dưới cây Vô Ưu. Lúc xuất gia tầm đạo, suốt hơn 6 năm Ngài sống trong rừng; lúc nhập định đến khi thành chánh giác, ngài ngồi dưới cội Bồ Đề; khi hành đạo hoằng pháp, ngài cũng ngự nơi rừng trúc hoặc rừng cây của ông Kỳ Đà. Tuổi về già, chọn nơi tịch diệt, ngài nằm dưới bóng Sa la. Cả một giáo đoàn trên ngàn người, ngài luôn khuyến cáo tránh làm tổn hại sinh vật cây cỏ. Không thải chất bẩn xuống giòng nước. Rác sinh hoạt hàng ngày không vứt bừa bãi. Đã bao lần ngài ngắm bình minh sông Hằng và hoàng hôn Hy mã. Với niên đại nhân loại còn bán khai, ngài đã biết bảo vệ môi sinh và gắn liền cuộc sống với thiên nhiên.

Ngài cũng từng hoà giải những cuộc xung đột giữa các quốc gia lân bang, từng dùng tâm lý vấn đáp giữa ngài và Anan để cảnh giác vị vua có âm mưu thôn tính nước khác.

Trong giáo đoàn, ngài đưa ra tinh thần Lục hoà, làm cơ sở cho sự hoà hợp trong một tập thể.

Trong giao tiếp, ngài dạy Tứ nhiếp pháp.

Trong tương quan xã hội, gia tộc, nghiệp vụ, ngài dạy kinh Thiện sanh.

Với tự thân, ngài dạy quán chiếu và luật giới.

5 giới cơ bản của cư sĩ tại gia đã hàm tàng tính hoà bình. Cổ đức nói Tâm bình thế giới bình. Giới luật và giáo học đã giúp cho hành giả một trạng thái tâm bình lặng. Tự thân an bình, năng lượng từ hoà thì môi trường chung quanh sẽ được tác hưởng.

Ngay khi Phật còn tại thế, cõi sống của ngài vẫn là cõi tịnh. Suốt hơn 25 thế kỷ, cộng đồng tu sĩ vẫn là cộng đồng an lành hòa bình nhất trong đạo tràng tu tập của hàng Bạch y cư sĩ vẫn toát hiện tính tương trợ thân ái.

Trong công cuộc hoằng hoá, giáo đoàn Phật giáo vẫn là giáo đoàn mang tính hoà bình thân thiện nhất; chính vì thế, Liên Hiệp Quốc đã chọn Phật giáo làm tôn giáo biểu tượng hoà bình của nhân loại.

Trong tính chất hoà bình tiềm ẩn lòng từ ái, chính vì thế Phật giáo Bắc truyền đã tôn trọng sự sống mọi loài, nên lấy chay ( trai ) tịnh làm một trong những yếu tố tối cần cho đường tu. Mình không thể sống bằng mạng sống của kẻ khác. Không an hưởng trên sự khổ đau của sinh vật khác (Cơm ăn chan với máu đào). Phật giáo Tibet ngày nay, cũng kêu gọi ăn chay; một số quốc gia Nam truyền, Phật giáo cũng bắt đầu kiên Tam Tịnh nhục. Ngài Narada Tích Lan vào thập niên 1950 cũng kêu gọi tu sĩ tránh ăn thịt động vật.

Nhờ những yếu tố tình thương đó mà tinh thần Phật giáo tránh được bạo động. Phần lớn các tôn giáo đều nói đến bác ái, nhưng cuộc sống tự thân không nuôi dưỡng lòng nhân nên đưa đến bạo lực suốt nhiều thậrp kỷ. Qua lịch sử tôn giáo, vùng Trung Đông khai sinh ra tam giáo Độc thần: Do Thái giáo - Kitô giáo - Hồi giáo, cùng tin vào Thượng Đế, đấng hằng sinh sáng tạo, tuy danh xưng gán cho Thượng đế khác nhau, nhưng  cùng một ý tưởng chung, thế mà nhiều thế kỷ đổ máu với nhau để vinh danh Thượng đế. Giữa Vatican và Hồi giáo đã có trên 10 cuộc thánh chiến. Gần đây, các Giáo hoàng muốn hoà giải đôi bên, nhưng trong thâm tâm vẫn xem nhau là ngoại đạo, chính vì thế mà có những lời lẽ thường xúc phạm nhau. Benedict XVI cũng như vị Giáo hoàng tiền nhiệm, J.P II, đến đền thờ ở thủ đô Damascus, Syria lễ bái, thì Benedict XVI cũng đến đền thờ Hồi giáo Blue Mosque ở Istambul, Thổ Nhỉ Kỳ để chiêm bái giao tế, thế nhưng hai bên vẫn có một khoản cách ngờ vực. Gần đây, do sáng kiến của Vatican, mời Hồi giáo ký thư chung kêu gọi Tôn trọng tự do tôn giáo, nghĩa là Vatican muốn kết hợp với Hồi giao để làm áp lực những quốc gia cản trở đức tin tôn giáo. Mỹ muốn bắt tay với thế giới Hồi giáo, Nga cũng muốn hoà hoãn với đạo Hồi, Trung quốc cũng e ngại nhóm tín đồ Hồi giáo trong nước, và Việt nam đã xem Hồi giáo là một trong những tôn giáo được phép sinh hoạt trên lãnh thổ mình, thế nhưng không ai an lòng khi kết giao miễn cưỡng như vậy. Đối với Phật Giáo, không xem ai là kẻ thù thì không nhất thiết chọn riêng ai làm bạn, ngay cả muôn thú đều có quyền cộng sinh. Trên xứ sở Ấn Độ và Nepal, là thiên đàn cho mọi sinh thú, bò dê, cừu, chó  nằm ngủ giữa lộ mà xe và khách bộ hành có bổn phận phải tránh, không quấy nhiễu, xua đuổi hay đánh đập chúng; bầy chim đủ loại hoà lẫn trong đám người hành hương hay đậu bên bác nông phu để tìm cái ăn; do tinh thần tôn trọng mạng sống sinh loại của các tôn giáo Ấn mới có sự hài hoà như thế. So với Trung Đông chỉ có ba tôn giáo thì Ấn Độ sản sinh ra hàng ngàn tôn giáo tín ngưỡng lớn nhỏ khác nhau, nhưng không bao giờ xung đột, tranh chấp nhau. Hồi giáo triệt hạ Phật giáo vì Hồi giáo không khai sinh tại Ấn độ. Ngay trên đất Việt và Trung quốc, hàng ngàn năm qua, ba tôn giáo: Phật-Lão-Khổng, vẫn sinh tồn trong tư tưởng Tam giáo đồng nguyên để cùng nhau đồng lưu đến ngày nay.

Dù là tôn giáo hay học thuyết, thiếu lòng nhân đối với mọi loài, không xây dựng trên Từ bi và bình đẳng, thường đưa đến độc thần, độc tài, độc tôn, độc đoán và sẽ là đến độc ác và độc hại, vì sự bảo thủ đưa chúng  đến bế tắt.

Với tinh thần Vô ngã, vị tha của Đức Phật, người con Phật không xem cái gì là của riêng mình khôing có gì vĩnh cửu, vì thế thoát khỏi tính chấp thủ làm khổ nhau. Ngược lại, cũng không vì tính vô thường giả tạm của vạn vật mà người Phật tử thụ động, ngoảnh mặt làm ngơ trước khổ đau của đồng loại. Với lòng từ vô điều kiện và tinh thần trách nhiệm của kinh Thiện sanh mà hành giả đã nổ lực góp phần cải thiện xã hội, hỗ tương cuộc sống quanh mình; chính tinh thần đó mà các triều đại lấy Đạo Phật làm quốc giáo, đã oai hùng chiến thắng ngoại xâm.

Ngày nay, Phật giáo đã nổi trội tính hoà bình giữa những cực đoan bề bộn trên thế giới, đó là lý do Liên Hợp quốc chọn Phật giáo làm biểu tượng tôn giáo hoà bình. Đạo Phật cũng nhanh chóng hoà nhập và phát triển trên các nước một thời Thần học chủ đạo, đã giúp cho người dân Tây âu tìm được điểm tựa tâm linh, giải quyết những bất an trong cuộc sống mà họ từng nghĩ khoa học thực dụng có thể đem lại hạnh phúc. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, quần chúng Âu Mỹ bị hụt hẩng, một số đến với  Đạo Phật đã giữ được tâm an lạc. Một nhà sư Tây Tạng cũng đang rao giảng pháp an tâm để giúp cho cơn khủng hoảng thế kỷ đó.  

Tinh thần của Đức Phật gần ba ngàn năm vẫn còn lưu truyền, hy vọng khi năm châu đều thắm đượm Phật giáo thì Hoà bình không còn ngoài tầm tay của nhân loại. Đó là ý nghĩa và giá trị về sự hiện diện của Đức bổn sư nơi cỏi ngũ trược ác thế nầy. Mùa Đản sinh là mùa tôn vinh Đức Phật ra đời cũng có nghĩa mùa tôn vinh tinh thần hoà bình cho nhân loại.

 

MINH MẪN
09/01/09

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm tu tập - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.