.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày


 

 

Đạo Phật ứng dụng

 

Thai nhi trong bụng mẹ

Khóa tu mùa hè năm nay có gần một trăm thiền sinh tới tu tập với các thầy và các sư cô tại tu viện Rừng Phong, và chỉ còn hơn ba ngày nữa là mãn khóa.  Sư chú Thạch Lang sẽ giảng vào ngày Chủ Nhật tức là ngày cuối của khóa tu.  Tuần vừa rồi, sư chú đã giảng về phép thiền quán bằng hình ảnh thai nhi vừa thực tế vừa gần gũi mà ai cũng có thể hiểu một cách dễ dàng.  Đa số thiền sinh trong khóa tu này là người Mỹ nên sư chú giảng bằng tiếng Anh.  Họ thích bài giảng ấy lắm, và họ biểu lộ niềm sung sướng và biết ơn một cách thoải mái và tự nhiên. Trong lúc giảng, anh thiền sinh cao lớn ngồi trước mặt sư chú cứ khóc ròng rã, có lẽ anh thấm thía đề tài này hoặc giả anh đang đau khổ da diết, mong rằng bài giảng ấy có thể giúp cho anh vơi đi một phần nào nỗi khổ niềm đau trong lòng.  Sư chú thường dùng hình ảnh này để quán chiếu về bản thân mà sư chú đã học được từ bổn sư.  Do đó sư chú Thạch Lang đâu có giảng mà chính bổn sư đang giảng về thiền quán. 

Phép quán này gọi là phép quán tưởng (visualization), phép hình dung (picturization). Ta thử hình dung ta là một thai nhi đang nằm trong bụng mẹ. Mẹ đang ôm ấp, che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng cho ta. Mẹ nuôi ta bằng cuống nhau nối liền thai nhi với ‘tử cung’. Tử cung là cung điện của đứa con. Ta cảm thấy hết sức an ổn ở trong tử cung ấy; ta không sợ lạnh, không sợ nắng, không sợ gió, không sợ đói, không sợ bất cứ chuyện gì cả. Ta nằm thoải mái trong ‘tử cung’ để cảm nhận sự nuôi dưỡng và yêu thương của mẹ. Mẹ ăn cho ta, thở cho ta, uống cho ta, ngủ cho ta.., bao nhiêu dinh dưỡng của mẹ đều đi vào thai nhi làm cho ta càng ngày càng tượng hình mà lớn lên thành một em bé. Không những chỉ có thức ăn, dinh dưỡng và không khí nơi mẹ đi vào ta mà còn tình cảm, suy tư, lo âu, vui buồn, thương yêu của mẹ cũng đi vào ta hết. 

Bây giờ, tuy đã được sinh ra khỏi bụng mẹ, cuống nhau đã bị cắt lìa nhưng nhìn cho thật kỹ ta vẫn là một thai nhi như thường. Ta nối liền với những bà mẹ trong sự sống bằng những cuống nhau vô hình. Không khí là mẹ của ta, chính không khí duy trì mạng sống của ta do đó không có không khí để thở thì ta sẽ chết ngạt. Tất cả sự sống trong cơ thể đều hoạt động bằng dưỡng khí mà ta hấp thụ được từ không khí. Mặt trời là mẹ của ta. Mặt trời làm ra mùa màng, đồng ruộng, nương dâu cung cấp rau cải, hoa trái và ngũ cốc biến thành thức ăn và thức uống nuôi ta. Mặt trời còn sưởi ấm da thịt và tâm hồn của ta, không có mặt trời ta sẽ chết cóng và không có thực phẩm để ăn. Sông hồ, đất nước, núi non, cỏ cây và muôn loài đều là cha mẹ của ta. Dòng sông cung cấp nước cho ta uống. Nước làm cho đồng ruộng xanh tốt để đơm hoa kết trái cho ta. Mỗi ngày ta uống rất nhiều nước để cho hình hài tươi đẹp, không có nước ta sẽ chết khát. Trái đất là mẹ khác của ta nên ta thường gọi đất bằng cái tên hết sức thân thiết ‘đất mẹ’ (mother earth). Đất ôm ấp, thương yêu và làm ra sự sống của muôn loài, cỏ cây và đất đá. Không có trái đất, ta không biết phải nương tựa vào đâu để sống sót và tồn tại. Không có đất, ta sẽ không có rau cải, hoa trái, lúa gạo để nấu thành thức ăn nuôi thân thể. Con giun cũng đóng góp vào việc vun xới mảnh vườn làm ra rau cải cho ta dùng, như thế con giun cũng là mẹ của ta. Ta uống sữa mỗi ngày mà ta vẫn hay quên rằng con bò đang ăn cỏ ở ngoài đồng cũng là một bà mẹ khác của ta. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ta bởi vì nhìn vào bàn tay, ta thấy được hình bóng thân yêu của mẹ cha, ông bà và tổ tiên. Thế là, ta vẫn là một đứa bé được nuôi dưỡng bởi nhiều bà mẹ thân yêu. Sự sống của muôn loài rất là mầu nhiệm. Nó liên hệ mật thiết với nhau một cách linh động từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, đang dang tay để nuôi dưỡng và thương yêu ta nhưng sự sống ấy không thuộc về ai cả. Không ai làm chủ cái gì cả trong sự sống. Năm uẩn của ta không phải là một thực thể tách rời, độc lập đối với sự sống bởi vì tất cả những yếu tố về vật chất, tâm linh, hóa học, năng lượng trong sự sống đang đi vào ta để duy trì, nuôi dưỡng và làm cho năm uẩn hiện hữu. Cho nên hình ảnh thai nhi nối liền với mẹ bằng cuống nhau trong tử cung là để ta nhớ lại nguồn gốc và sự liên hệ mật thiết với những bà mẹ thương yêu, cũng là bản thể uyên nguyên của ta. Nhờ thế ta sẽ không còn âm thầm chấp vào bản ngã riêng biệt nữa. Sư chú Thạch Lang chỉ là một cái tên mà không phải là một thực tại. Sau khi xuất gia, ta được bổn sư đặt cho một pháp danh, và ta rất yêu quí, tự hào và hãnh diện với cái tên ấy. Nếu ai nói xúc chạm tới tên ấy thì ta buồn giận, tự ái và tranh chấp trở lại. Nhìn cho sâu sắc, sự sống của ta không thể tồn tại riêng biệt, tách ra ngoài đại thể. Đất, nước, gió, lửa trong thân thể cũng là đất, nước, gió, lửa của muôn loài; tâm thức, tình cảm, tư duy, tài năng… của ta cũng là gia sản của nhiều thế hệ tổ tiên, giống nòi và xã hội trao truyền lại. 

Ta đang đi thiền hành nhưng thật sự ai đang đi thiền hành? Có phải sư chú Thạch Lang đang đi thiền hành hay không? Ta hãy tập buông bỏ thói suy tư rằng ta đang đi thiền hành, ta đang tu tập tinh chuyên và giỏi dang, dáng đi của ta thanh lịch và vững vàng hơn người khác. Thiền hành mà không có người đi thiền hành thì ta đâu cần phải cố gắng trong lúc thiền hành. Cố gắng đi thiền chỉ đem lại mệt mỏi và nhọc nhằn mà thôi. Đi mà không đi, tu mà không tu, không có hình tướng tu; chỉ có sự sống đang xảy ra một cách thầm lặng mà sinh động trong mỗi bước chân bởi vì tâm ý bặt hết mọi ý niệm về người, về ngã. Đi như thế, ta sẽ không cảm thấy bơ vơ, lạc loài, mệt nhọc. 

Nuôi dưỡng cái thấy về hình ảnh một thai nhi nối liền với mẹ bằng những cuống nhau vô hình là phép quán vô ngã. Không có ngã nhưng vẫn có sự sống, vẫn có thiền hành. Ngay lúc ấy, ta đang đi thiền hành nhưng đồng thời Thầy ta cũng đang có mặt trong mỗi bước chân của ta. Các sư anh, sư chị, sư em và gia đình cũng đang đi thiền hành với ta. Cả dòng họ tổ tiên từ ngàn xưa cũng đang nắm tay ta để đi thiền hành. Những pháp môn khác cũng vậy, thở mà không có ý niệm rằng ta đang thở thì hơi thở mới tạo ra năng lượng an lạc, nhẹ nhàng và thanh thản. Thở mà không có người thở thì hơi thở mới thực sự là hơi thở tự nhiên, là hơi thở chánh niệm. Ta sẽ không cố gắng cực nhọc để thở nên cũng không tạo ra sự xáo trộn trong thân thể. Ta không cần so sánh sự thực tập của ta với những người chung quanh. Tu tập như thế, ta vượt thoát mọi hình thức, mọi chướng ngại, mọi sợ hãi và tâm ta mở ra một chân trời tự do. Tu tập như là một trò chơi vậy thôi. Bởi vì không có tác giả đang tu nên ai nói gì đi nữa thì ta sẽ không trở thành nạn nhân của buồn giận, hơn thua và tủi nhục.

Tóm lại, ta hãy thực tập quán chiếu rằng:  Ta là một thai nhi nối liền với những bà mẹ của sự sống bằng những cuống nhau vô hình, và hãy để cho những bà mẹ ấy dẫn dắt, thương yêu và trưởng dưỡng để ta bước vào con đường thênh thang của quê hương muôn thuở.

 
Thạch Lang
 

Không có con đường đưa tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường!


ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.