.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


ĐẠO BỤT TRONG DÒNG VĂN HÓA VIỆT

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA



Từ ngoại cảm tới trai đàn giải oan


 

  • Cam Vũ - Thế Kỷ 21 số tháng 6.2007

Nhu cầu tâm linh của dân tộc Việt Nam

Nhiều nghệ sĩ lớn của Việt Nam từ xưa đến nay khi cảm nhận về lịch sử thường không quên “cõi bên kia” như đó là phần không thể thiếu được để làm nên lịch sử. Lịch sử, nhất là lịch sử Việt nam, là một chuỗi đấu tranh, trong đó chiến tranh đóng một vai trò lớn, và phần quan trọng để làm nên các trang lịch sử đó là những người đã ngã xuống trên trận mạc và các biến động tranh chấp. Người nghệ sĩ thay mặt cho tâm thức của cộng đồng mình nhắc nhở về những người đã chết, tâm hồn mẫn cảm của họ thao thức nhiều với những người đã đem mạng sống của mình để tạo thành một bức tranh mới cho lịch sử.

Sự cảm thông ấy từ lâu đã thành truyền thống trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, có khi thô thiển trong đại đa số dân giã để sau này bị xem là mê tín dị đoan, hoặc có thể kết tinh thành những áng văn thơ bất hủ của các bậc nghệ sĩ trí thức, trải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặng Trần Côn trong bản chữ Hán, rồi Đoàn Thị Điểm trong bản dịch Chinh Phụ Ngâm, khi viết về chiến trận, bên cạnh khí thế oai hùng của “chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,” vẫn không quên hình ảnh:

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn...

Một cảnh buồn thảm thiết. Người nghệ sĩ lớn của dân tộc, khi mở lòng nhìn vào mặt trái của lịch sử, thì bỗng bỏ hết chính kiến, bỏ hết phe phái, để chỉ nhìn thấy sự mất mát đau thương dằng dặc của chính đồng bào, đồng loại mình.

Nguyễn Du, với bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh nổi tiếng, bày tỏ tấm lòng bi mẫn của mình đối với hàng loạt cái chết thảm thương khiến hồn người chết sau đó không siêu thoát được. Tác giả tuồng như đã “thấy” được nỗi bơ vơ, lạc lõng, lang thang tội nghiệp của hàng đàn hàng lũ oan hồn, và đặt lương tâm người sống một trách nhiệm làm sao giải thoát cho họ. Một vài hình ảnh oan hồn liên quan đến chiến tranh trong Văn Tế Thập Loại chúng sinh:

Nào những kẻ bài binh bố trận
Vâng mệnh sai lĩnh ấn nguyên nhung
Gió mưa thét rống đùng đùng
Phơi thây trăm họ làm công một người

Khi thất thế cung rơi tên lạc
Bãi sa trường thịt nát máu trôi
Bơ vơ góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết vùi vào đâu

Trời xâm xẩm mưa gào gió thét
Khí âm ngưng mù mịt trước sau
Năm năm sương nắng dãi dầu
Còn đâu tế tự, còn đâu chưng thường.

 

Trong thế kỷ 20, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khi viết những bản nhạc lịch sử thời gian trước 1945 cũng trải qua nhiều giây phút sống với các oan hồn tử sĩ của những trang sử mà mình đang hồi nhớ. Với Hát Giang Trường Hận thì:

Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió ngàn
Xác quân Trưng Nữ Vương rơi ngổn ngang bên nước tràn
Hồn ai đang thổn thức trên sông
Hồn quân Nam đang khóc trên sông...

Sát khí ngất đất bao lớp thây vương bóng huyền
Không gian như lắng nghe bao oan hồn đang xao xuyến
Xót thương ôi Nữ Hoàng trẫm thân
Dù mạng vong lửa hờn chưa tan...


Với Ải Chi Lăng thì:

Hồi nhớ tới vó câu tập tễnh lướt qua làn khói – Giáp chiến!
Hồi nhớ tới bóng muôn cờ xí phất qua hùng vĩ – Cố tiến!
...
Lời ai nỉ non trong mây
Hồn ai thở than nơi này?
Lời gió hay lời muôn ngàn quân sĩ đã chết
Hồn gió hay hồn ai còn thương tiếc?...


Phạm Duy thì ngay khi cuộc chiến tranh sắp bắt đầu, đã nhìn thấy cái kết quả không tránh được của can qua. Ngay từ năm 1945 ông đã viết:

Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng

Quân này là quân ma, họ đã ra đi chiến đấu và đã ra người thiên cổ, ông dùng ngay hình ảnh ấy để lay động lòng người đang đứng trước cuộc chiến giữ nước:

Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù.

Một thanh niên đang ở độ tuổi ngoài hai mươi, mang bầu máu nóng phụng sự cho đất nước mà đã sớm nhìn ra những hình ảnh của “cõi bên kia” như thế thì cũng là chuyện lạ. Bài Nợ Máu Xương lại càng lạ hơn nữa, vừa hiện thực vừa siêu thực, tả toàn cảnh chết chóc vì chém giết:

Ai nghe không sa trường lên tiếng hú?
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên.
Đi lang thang tiếng cười vang tiếng hú
Xác không đầu nào kia?

Ông đã dùng những hình ảnh cổ điển của thi ca để vẽ nên sự chết chóc, sau đây vẫn là một đoàn quân ma đang tiến... về trời:

Lá rụng tơi bời
Đoàn quân tiến qua làng.
Từng thanh kiếm đứt ngang,
Từng lớp áo rách mướp,
Từng cánh tay rụng rời!
Qua làn mây trắng
Đoàn quân tiến về trời
Ầm rung tiếng sa trường...


Đến trận chiến tranh Nam Bắc 1954 – 1975 thì sự tàn phá và chết chóc đã vượt tất cả các trận chiến khác trong lịch sử Việt Nam trước đây, nhưng có cái lạ là ngay trong thời gian đánh nhau trong Nam cũng như ngoài Bắc không có tác phẩm văn nghệ nào đề cập đến “cõi bên kia” như ta đã thấy trong các thời kỳ trước qua các ví dụ trên đây. Có thể giải thích: phía miền Nam vẫn duy trì đời sống tâm linh nên cả thể xác lẫn linh hồn người chết trong cuộc chiến đã được kính cẩn đón nhận bởi gia đình, bởi tôn giáo và tín ngưỡng nên coi như phần lớn đã được an ủi, siêu thoát, “không có vấn đề” một cách trầm trọng; phía miền Bắc bị áp đặt chủ thuyết duy vật và vô thần, coi con người chết là hết nên trong cuộc chiến dù chết chóc đau thương đến mấy người ta vẫn lờ đi, xác chết thì gặp đâu vùi đấy, và vấn đề tâm linh thì chẳng bao giờ được nói tới. Kết quả là gì? Sau khi cuộc chiến chấm dứt, trên đất Bắc bắt đầu rộ lên phong trào đi tìm mồ mả của những kẻ chết trong chiến tranh – đặc biệt những người “sinh Bắc tử Nam” – và như một hệ quả tất nhiên, một số tác phẩm văn chương, dù là ít oi, đã bắt đầu nói đến các hiện tượng ma quái của các nơi chiến trường xưa (Bảo Ninh – Nỗi Buồn Chiến Tranh, Dương Thu Hương...) và đặc biệt nhất là sự xuất hiện các nhà ngoại cảm để giúp đỡ, hướng dẫn công việc đi tìm mồ mả.

Chủ thuyết Mác-xít đã đơn giản hóa thế giới một cách cùng cực khi quy tất cả cuộc sống của con người vào duy nhất có một thứ là vật chất, và vội vã phủ nhận tất cả thành tựu hàng ngàn năm của loài người về nhiều khía cạnh khác của con người, trong đó có sự chiêm nghiệm về tâm linh. Với một nền khoa học thực nghiệm vừa mới bước được vài bước tương đối vững chắc lúc ban đầu, họ tưởng đã nắm được cả xâu chìa khóa để mở tất cả những vấn đề của nhân loại: một sự ngây thơ cực kỳ lớn lao. Họ mới sờ vào được cái đuôi con voi mà đã lớn tiếng nói rằng con voi có hình thù như cái chỗi. Ông Hồ Chí Minh và đồng đảng của ông đã đem “cái chỗi” ấy của lý thuyết mác-xít bắt dân chúng Việt Nam phải tin theo, và đập phá tan hoang nền tâm linh của dân tộc trên nửa nước phía Bắc, vốn đã tồn tại mấy ngàn năm. Thế nhưng đời sống thật có những quy luật riêng của nó: với ngần ấy người chết chóc bị bỏ bê không ngó ngàng tới, bỗng nhiên cả xã hội miền Bắc phải tự tìm lấy một cách giải quyết, bất chấp những chưởi bới sỗ sàng lúc ban đầu của đảng Cộng sản: hủ lậu, mê tín dị đoan! Người ta cúng bái, người ta tìm thầy bói toán, người ta bỏ công bỏ của đi vào núi thẳm rừng sâu tìm hài cốt thân nhân... Hình như từ nhu cầu bức thiết ấy của cả một xã hội, những nhà ngoại cảm chân chính bắt đầu xuất hiện, và đã giúp cho không biết bao nhiêu gia đình tìm được hài cốt của thân nhân mình, đem lại sự an ổn cho hồn người đã chết cũng như sự bình yên trong cuộc đời người đang sống. Cuộc sống được cân bằng dần dần, sau khi thuyết duy vật đã làm đảo lộn một cách thê thảm gốc rễ của Việt Nam trong mấy mươi năm.
 


Phong trào tìm mộ nhờ ngoại cảm

Trong nước Việt, từ đầu thập niên 1990, hiện tượng Ngoại Cảm nổi bật lên từ Bắc vô Nam, vì nhờ các nhà ngoại cảm mà rất nhiều người tìm ra mộ phần của thân nhân đã chết, mất xác trong chiến tranh. Có hàng trăm nhà ngoại cảm khắp ba miền đất nước, trong đó nổi tiếng nhất là cô Phan Thị Bích Hằng, các ông Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Liên, Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Khắc Bảy v.v… Sau ba Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan tại Sài Gòn, Huế và Sóc Sơn (Hà Nội), do tăng đoàn Làng Mai chủ xướng, phong trào ngoại cảm lại được dân chúng bàn tới nhiều hơn.

Theo báo chí Hà Nội, hàng chục ngàn ngôi mộ các quân nhân chết trong chiến tranh được các nhà ngoại cảm tìm ra, do thân nhân họ yêu cầu, hoặc do những lời nhắn gửi của người từ cõi âm. Người Cộng Sản duy vật vốn tin rằng Chết là Hết; nhưng trước phong trào đi tìm mộ tử sĩ của dân chúng, nay họ đã lập ra bộ môn Cận Tâm Lý (do tướng Chu Phát trách nhiệm), chuyên khảo sát về hiện tượng Ngoại Cảm. Bộ phận này thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người, do tổ chức các hội khoa học tại Hà Nội thành lập.

Theo ông Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc một công ty tin học ứng dụng, ở Việt Nam có gần 100 nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt, trong đó chỉ chừng mươi người có thể tìm mộ một cách xuất sắc. Còn số người lừa bịp, tự phong cho mình khả năng ngoại cảm, thì phải hàng ngàn. Theo các nghiên cứu sơ khởi, các nhà khoa học VN nhận biết có bốn con đường dẫn tới khả năng ngoại cảm: do bẩm sinh, sau các trận ốm hoặc bị chấn thương nặng (điện giật, chó dại cắn…); do thiền định hoặc do huấn luyện (?).

Theo ông Khanh, các thiền sư đắc đạo có khả năng ngoại cảm nhưng các vị không màng tới chuyện thi triển các thần thông như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông v.v… nên chúng ta không được biết họ. Ngoài đời, cũng theo ông Khanh, nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã hiện đang sống tại Sài Gòn, là người nhờ thiền định mà có được tầm nhìn rất xa, giúp được nhiều người tìm ra mộ thân nhân – ở mãi các vùng quê xa xôi Bắc Việt. Ông thường giúp người, không nhận thù lao, và nhiều khi không cho các thân chủ gặp mặt… Ngày nay, ông Nhã đã bỏ nghề ngoại cảm, chuyên lo tu tập và ấn hành kinh sách của hòa thượng Thanh Từ.

Nhà ngoại cảm nổi tiếng nhất trong nước hiện nay là cô Phan Thị Bích Hằng, sanh năm 1973 tại một làng quê nghèo tỉnh Ninh Bình. Năm 1990 cô và một người bạn gái cùng bị chó dại cắn, cô bạn chết nhưng cô thoát hiểm nhờ gia đình hết lòng cứu chữa. Sau đó, cô bắt đầu nhìn thấy những người đã chết từ lâu (như bà nội, bà ngoại của cô v.v…); rồi cô có khả năng nhìn thấy cái chết gần kề của người sống trong làng… Bị gia đình và dân làng coi như người điên, cô đã chứng tỏ được sự lành mạnh tinh thần của mình bằng cách thi được vào đại học Kinh Tế. Càng ngày cô càng có nhiều khả năng ngoại cảm nhiều hơn: cô nhìn thấy người chôn trong mộ dưới lòng đất sâu, nhận biết hình dáng và nghe được tiếng nói của các nhân vật quá cố. Cô tiếp xúc được với “linh hồn” còn ở trong các ngôi mộ đó, dù thân xác đã rữa nát hết… Trong ngày giỗ tổ, cô Bích Hằng tìm ra được mộ ông tổ bốn đời mà gia đình thất lạc từ lâu.

Từ đó, cô đi sâu vào việc đi tìm mộ giúp những gia đình có con chết trận, mất xác. Trong hàng ngàn câu chuyện đi tìm mộ, ly kỳ và khó tin như truyện Phong Thần đời xưa; chuyện mà nhiều người biết nhất, là trường hợp Giáo sư, cựu phó thủ tướng Trần Phương tìm ra mộ cô em gái: Cô Khang bị Tây giết rồi quăng xác xuống sông Luộc từ đầu thập niên 1950. Sau đó là chuyện ông Toàn Thắng, (con trai tướng Trần Độ, tức Tạ Ngọc Pháp), đã tìm được mộ bà cô ruột là Tạ Thị Câu (chị gái của ông tướng, hoạt động cho Việt Minh trước ông em, từ năm 1939). Bà bị Tây bắt năm 1941, và gia đình chỉ được tin là bà đã chết ngày 29/9/1944, mà không biết xác bà ở đâu.

Cựu phó thủ tướng Trần Phương là một người Mác–xít, chỉ tin ở khoa học, không bao giờ cúng lễ trong gia đình. Nhưng sau khi nhờ ông Nguyễn Văn Nhã và cô Bích Hằng tìm được mộ em (cách năm bà từ trần cả nửa thế kỷ), với nhiều chứng cớ kỳ lạ, ông đã phát biểu: “Hài cốt em tôi thì tôi đã tìm thấy, nhưng những con đường bí ẩn dẫn đến kết quả ấy thì vẫn là bí ẩn. Khám phá ra những bí ẩn ấy không phải là điều dễ dàng. Tôi chỉ từ kinh nghiệm mình mà nêu lên vài vấn đề để các chuyên gia về lĩnh vực này xem xét…

Ông Trần Phương cho rằng ông có căn cứ để tin là mình “đã gặp linh hồn của em tôi, anh tôi và chị tôi, cả linh hồn cụ Giám là người chôn cất em tôi, cụ An là người chứng kiến… Cháu Bích Hằng đã nhận diện được linh hồn, thậm chí nhận diện được linh hồn qua tấm ảnh; đã nghe được tiếng nói của linh hồn. Như vậy linh hồn phải tồn tại dưới một dạng vật chất nào đó, có hình thù, có tiếng nói. Đã là một dạng vật chất thì vật lý học, hóa học, y học, sinh học, với những phương tiện quang học và điện tử tinh vi, hẳn sẽ có ngày tìm ra.

Ông Trần Phương rất thắc mắc về thế giới của những linh hồn người chết, không biết họ ảnh huởng thế nào tới thế giới người sống và họ tồn tại như thế vĩnh viễn hay chỉ một thời gian? Khả năng ngoại cảm là do đâu mà có?...

Cô Phan Thị Bích Hằng đã tự thuật ngày 25 tháng 3, 2007, trước hàng ngàn người tại chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn), về công việc tìm mộ mà cô làm từ khi có khả năng ngoại cảm, trước mặt quý sư Giác Ngộ trụ trì chùa Hoằng Pháp, và thượng tọa Nhật Từ.

Cô cho biết từ năm 1996 tới nay, cô đã giúp thân nhân người chết tìm được 2,567 ngôi mộ, trong số đó chỉ có 17 trường hợp không thành công. Các ngôi mộ này ở nhiều vị trí rất phức tạp: trên núi cao, trong rừng sâu, dưới lòng sông rạch… Cô cho biết, người tìm mộ thân nhân phải có lòng thành, tha thiết tới việc này, thì cô sẽ thành công nhanh.

Sống cuộc đời bình thường của một phụ nữ có gia đình, cô Bích Hằng có khả năng nhìn được người nằm trong mộ, và nghe được họ nói chuyện. Lần đầu tiên nghe được tiếng người cõi âm, là khi cô nghe thấy tiếng nói của bà cụ mẹ Giáo sư Mai Hữu Khuê. Do đó, cô là nhà ngoại cảm tìm được nhiều mộ nhất, vì ngoài yêu cầu của người sống, cô còn đưa tin tức dùm một số các người cõi âm tới cho gia đình họ. Các âm hồn, qua cô, còn mách bảo cho biết vị trí một số mộ của những người lân bang với họ; như trường hợp mộ của nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến (khởi nghĩa tại Thái Nguyên 1917).

Chính vì có các khả năng này mà cô đã chứng minh được để mọi người tin rằng thế giới cõi âm là một hiện thực, tồn tại dưới các tần số sóng âm, từ trường khác với chúng ta (cõi dương).
 


Ngoại cảm trong ánh sáng của đạo Phật

Theo thượng tọa Nhật Từ, khả năng ngoại cảm tương đương với các thần thông như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông của chư Phật, của chư Bồ tát và các thiền sư chứng đạo. Quý ngài có thể nhìn và nghe rất xa, xuyên thấu mọi vật chất như đất, đá, núi sông v.v… Thời gian và không gian không còn giới hạn được quý ngài. Hơn nữa, quý ngài còn hiểu được tâm ý đối tượng (tha tâm thông). Chúng ta ai cũng có những khả năng tâm linh này nhưng chưa khai mở được ra đó thôi. Con người bình thường, khi có một tai nạn lớn, thì tâm thức họ có thể bật ra được các khả năng kỳ diệu – như cô Bích Hằng do vết thương chó cắn, ông Nguyễn Văn Chiếu, do bị điện cao thế giật suýt chết.

Các nhà ngoại cảm khi mô tả sắc tướng và phiên dịch các lời nói của người âm, họ đều ở trong tình trạng tỉnh táo: tiếng nói không thay đổi, khuôn mặt và hình sắc không khác. Họ hoàn tòan không giống các đồng cô bóng cậu… họ chỉ có khả năng nhìn và nghe hơn người thường mà thôi.

Thượng tọa Nhật Từ cho rằng vấn đề thông tin được với cõi âm qua các nhà ngoại cảm, là một tiếng chuông cảnh tỉnh rất lớn, khiến cho những người hoàn toàn theo duy vật chủ nghĩa phải giật mình: sau khi chết, không phải là hết chuyện! Thân thể con người sau khi chết sẽ biến đổi, tan rã và trở về với tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Tâm thức chúng ta cũng sẽ tan biến vào giòng sống của vũ trụ, để rồi khi hợp đủ duyên, sẽ biểu hiện ra một thân mạng mới – hay dở tùy theo nghiệp lực mình đã tạo ra trong suốt cuộc đời mình. Nhưng khi bị gục ngã bất ngờ trong chiến trừơng, chết vì bom đạn trong chiến tranh, đa số người ta không được siêu thoát – và với ảo tưởng sâu dày về cái Ngã trường tồn, những người đó bám víu vào hình tướng cũ của mình; đau khổ triền miên vì có nhiều ray rứt, nhiều chuyện dở dang, chưa giải quyết. Cảm giác mất mát, tiếc nuối hay ân hận của người chết khiến cho tâm thức họ không bước được vào cảnh giới tốt đẹp hơn. Chết rồi mà không siêu thoát, không được đầu thai vào kiếp khác, các người âm đó vẫn tưởng như mình còn sống, tiếp tục tham/sân/si và bị vướng mắc, đau khổ, y như khi còn sống vậy.

Trong bài giảng tại chùa Ấn Quang ngày 8 tháng 4, 2007, thượng tọa Nhật Từ đã phân tích các nguyên nhân đưa tới hiện tượng bùng phát của Ngoại cảm. Theo ông: các nhà ngoại cảm xuất hiện tại nước Việt nhiều nhất, so với các xứ khác trên thế giới, vì nhiều lý do, nhất là :

  • Chiến tranh quá lâu trên đất nước Việt Nam – với người Trung Hoa (một ngàn năm), người Pháp (100 năm); và cuộc nội chiến (21 năm) giữa hai miền Nam Bắc gây ra bao cảnh tương tàn, khổ hận. Các nhà ngoại cảm thông tin được dùm người cõi âm, để cảnh tỉnh người sống biết quay về con đường đạo đức, sống thiện lành hơn.
     

  • Tình trạng tiến bộ vật chất trong khung cảnh toàn cầu hóa khiến cho người dân Việt dễ bị tha hóa, cho việc mưu toan làm giàu là quan trọng nhất - thỏa mãn cuộc sống vật chất là mục tiêu của cuộc sống. Các nhà ngoại cảm nhắc nhở chúng ta về nghiệp dĩ, luân hồi, về tái sanh v.v… để biết đường mà sám hối, cảnh tỉnh.

Thượng tọa Nhật Từ cũng giải thích các hiện tượng Ngoại Cảm như sau:

  1. Cõi âm của các linh hồn chưa siêu thoát, chính là cảnh giới Ngã quỷ – một trong sáu cõi mà kinh Phật thường nói tới: Trời – Người – Atula- Ngã Quỉ – Súc sanh. Ngã quỷ là cõi của những người chết mà chưa thoát được cái Ngã chấp về mình. Thân chết nhưng tâm còn vướng mắc, còn chấp vào xác thân cũ, nên không siêu thoát sang các cảnh giới khác được.
     

  2. Đối với cái nhìn Phật giáo: “thân này không phải là tôi,” khi chết đi, xác thân mình sẽ bị hủy hoại, mục nát, biến đổi vì tứ đại tan rã… nhưng tâm thức chúng ta sẽ được chuyển đổi, biểu hiện ra trong những thân mạng mới , tức là đầu thai sang kiếp khác. Nếu nghiệp dĩ đã nhẹ nhàng, ta sẽ được siêu thoát, vượt qua được vòng sinh tử của cõi luân hồi, nhập vào cõi Phật.
     

  3. Phật giáo cũng nói tới các thần thông mà chư Phật cùng các Bồ Tát, các Thiền sư cao cấp đã chứng nghiệm được. Theo thượng tọa Nhật Từ, các nhà ngoại cảm là những con người bẩm sinh hay vì một tai nạn, một biến động đặc biệt, đã khai mở được vài ba loại thần thông đó. Họ có thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông và tha tâm thông: nhìn thấu qua đất đai, rừng núi, nhìn từ nơi rất xa, nghe được những âm thanh mà người thường không nghe nổi – và đọc được tâm tình của người khác, dù ngừơi đó sống hay đã chết.

Thượng tọa cũng cho rằng hiện tượng ngoại cảm không phải là chuyện mê tín dị đoan. Các nhà ngoại cảm thứ thiệt không như các cô đồng cậu bóng, khi tiếp xúc với người cõi âm, họ vẫn tỉnh táo và nói tiếng của họ không đổi giọng. Họ chỉ diễn tả những gì nhìn thấy và nhắc lại những gì người âm muốn thông tin qua họ mà thôi.

Oán cừu tồn tại dai dẳng giữa những người đang sống ở cõi dương cũng như các mối oan khiên của người cõi âm chưa giải được, sẽ gây ra thêm nhiều khổ não cho dân tộc. Trong văn hóa Phật giáo mọi người đều tin vào thuyết “âm siêu- dương thái”: người chết siêu thoát, thì người sống mới thái bình.

Thượng tọa Nhật Từ cũng cho rằng các nhà ngoại cảm đã vén lên bức màn của cõi âm mà Phật đã đề cập tới trong giáo lý luân hồi, tái sinh. Với những thông tin từ các nhà ngoại cảm, người ta hiểu được vì sao các chùa vẫn cúng tế cô hồn, hướng dẫn cho họ dễ siêu thoát. Các trai đàn giải oan là đàn tràng tập thể do nhiều tu sĩ đạo hạnh thực hiện, đem nghiệp lực thanh tịnh ra giúp cho các oan hồn được giải nghiệp, nhẹ nhàng.

Cô Phan Thị Bích Hằng cùng nhiều đồng bạn đã tham dự một trai đàn bạt độ tại chùa Linh Thắng tỉnh Di Linh vào cuối tháng Ba 2007, sau đại trai đàn giải oan tại chùa Vĩnh Nghiêm do tăng đoàn Làng Mai tổ chức cùng chư tăng miền Nam. Cô Bích Hằng cho biết, cô đã nhìn thấy rất nhiều hương linh – trẻ có già có, lành có, khuyết tật cũng nhiều… Họ dắt díu nhau tìm vào cửa Phật để được nghe kinh, được siêu độ. Cô cảm nhận được năng lượng thanh tịnh và thánh thiện của quý vị tu sĩ khi họ tụng kinh, cầu nguyện, và cô rất xúc động. Cô Bích Hằng : “rất tin vào sự siêu độ của nhà Phật. Bằng sự thanh tịnh và cả tấm lòng từ bi của quý thầy qua lời kinh Phật dạy, các hương linh nghe hiểu và sẽ xả bỏ được oan nghiệt, từ đó họ mới mong được sám hối và siêu thoát. Đó cũng là điều mà các hương linh thường nhờ tôi nhắn với gia đình họ: nên cầu siêu cho họ. Tôi mong sao một số tỉnh thành trên cả nước, tại những nơi mà chiến tranh xảy ra ác liệt nhất như Quảng Trị, Quảng Nam, Điện Biên Phủ, và các tỉnh Tây Nguyên… những nơi chưa có chùa thì nên lập chùa và có nhiều trai đàn chẩn tế như thế này để mà cầu nguyện cho các oan hồn được mau siêu thoát. Thú thật, thầy cúng thì rất nhiều nhưng tôi vẫn cứ tin vào nhà chùa vì tôi tin vào đức độ, lòng từ bi và cái tâm trong sáng của qúy thầy…

 

Dương an, âm siêu?

Thế giới người âm có ảnh hửơng hay không trên dương thế là chuyện nhiều người thắc mắc. Nhưng, khi tâm an, người sống chắc cũng sẽ ảnh hưởng không ít trên người thân đã khuất bóng. Nếu có sự kiện “âm siêu dương thái” thì cũng có chuyện “dương bình an, âm siêu thóat”. Khoa học ngày nay cũng chia sẻ cái nhìn “tương tức” của đạo Phật.

Đạo Phật và cách thực hành, theo cách giảng dạy của các thiền sư hiện đại, là một lối sống tích cực, giúp cho mọi người chuyển đổi cái tâm để sống một cuộc đời bình an, hạnh phúc hơn rất nhiều. Người Âu Mỹ vốn tin vào khoa học thực nghiệm, hiện nay cũng đang đổ xô đi tìm thiền. Và giới khoa học gia về thần kinh não bộ đang làm nhiều cuộc thử nghiệm quan trọng về ảnh hưởng của thiền tập trên não bộ.

Đại sư trẻ tuổi Tây Tạng Yongey Mingyur (sinh 1975), trong cuốn sách mới (The Joy of Living), đã dùng các thông tin về khoa học thần kinh mới nhất để lý giải về những ích lợi thực tiễn của Thiền quán. Theo đại sư Yongey và theo những thử nghiệm mới đây trong khoa thần kinh não bộ, thì sự thực tập thiền định (tinh chuyên) có thể làm gia tăng hoạt động tại các trung khu não bộ liên quan tới hạnh phúc và lòng từ bi. Thiền không chỉ giúp cho con người có sự chú tâm, bình thản để vượt qua các khó khăn tâm lý, mà thiền còn là phương pháp giúp họ trở về với lòng Từ Bi, sự Hiểu Biết chân thật – những bản tánh vốn có sẵn trong tâm mỗi người…

Những con người có khả năng sống với sự bình an nội tại, họ có nhiều hấp lực và ảnh hưởng thiện lành trên người khác, trên môi trường. Người xưa có câu “Người quân tử ở đâu thì nước ở đó trong hơn, cỏ xanh hơn…”. Sự an bình của người sống có ảnh hưởng không ít trên người chết. Vì vậy mà đạo lực và tâm thanh tịnh của các vị tu sĩ có thể giúp cho người cõi âm được siêu thóat, khi họ lập ra các đàn tràng để cầu nguyện, siêu độ cho các oan hồn?

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.