.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


ĐẠO BỤT TRONG DÒNG VĂN HÓA VIỆT

Tin vui : 

Lên đường ! bộ phim

Đường Xưa Mây Trắng

 

  • Thiện Tín - 20.09.2006
     

Tác giả Đường Xưa Mây Trắng và MBF cùng gia đình Modi (10.09.2006) tại biệt thự trên đồi Beverly Hills, Nam California.

Thế là việc làm bộ phim ‘’Đường Xưa Mây Trắng’’ được khởi động đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm cuộc khủng bố 11 tháng 9 năm 2001.

Ngày 10 tháng 9 - 2006, nhà tỷ phú Ấn độ tiến sỹ Bhupandra Kumar Modi, người nguyện bỏ ra 120 triệu đôla đầu tư cho bộ phim, mời Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng Thiền sư Nhất Hạnh đến ngôi biệt thự trên đồi Beverly Hills, Nam California để bàn việc xúc tiến bộ phim lịch sử thuật lại cuộc đời thâm thúy của Đức Bụt gần 2.600 năm trước.

Tiến sỹ Modi giới thiệu nhà chuyên viết kịch bản phim David Ward, vừa đảm nhận việc chuyển nội dung cuốn sách ‘’ Đường Xưa Mây Trắng ‘’ sang kịch bản phim ngay trong năm nay, dựa theo bản dịch tiếng Anh (Old Path White Clouds) do cô dịch giả Mobi Ho chuyển sang từ bản tiếng Việt .

Trước giới truyền thông, báo chí, các nhà sản xuất và phát hành phim quốc tế, trước các tài tử nổi tiếng Hollywood như Sharon Stone, Lawrence Fisburn, Goddie Hawn, Robert Dawny, Victoria Principle… tiến sỹ Modi, nhân danh Chủ tịch hãng Modi Corporation Global Empire (MCGE) chuyên kinh doanh về máy vi tính, máy in và điện thọai cầm tay, đồng thời là Tổng giám đốc hãng Modi Buddha Film (MBF), thông báo về nội dung hợp đồng giữa tác giả và hãng phim. Đó là tăng thân làng Mai và Thày Nhất Hạnh góp sức về mọi mặt nhằm làm cho bộ phim đạt kết quả

Với chương trình Hiểu Thương, Làng Mai cưu mang 1078 lớp học Tình Thương và rất nhiều công trình xã hội tại VN.

cao nhất, phản ánh được tinh túy của Đạo Phật và không nhận trở lại một khoản tiền nào, kể cả tác quyền của tác phẩm gốc; yêu cầu duy nhất là hãng phim trích ra 1% tiền lãi để giúp cho trẻ em nghèo của Ấn độ (như chú bé Svasti là chú bé chăn trâu thuộc lớp  paria - tiện dân – trong truyện). Tiếp ý ấy, ông Modi tuyên bố: hãng MBF của ông cũng sẽ trích 1% tiền lãi giúp cho trẻ em nghèo ở Việt nam. [ Hãng MCGE của ông Modi đã và đang tài trợ cho 10 ngàn trường học ở Ấn độ về học văn hóa cũng như về vi tính; hãng cũng từng giúp hơn 70 ngàn chân tay giả cho người tàn tật và nạn nhân bom mìn trên thế giới ].

Hai bên thỏa thuận rằng những người tham gia làm phim từ người viết kịch bản, đạo dĩễn, diễn viên chính và phụ, trợ lý, dựng cảnh, trang trí … sẽ về thăm làng Mai (vùng Dordogne, Tây Nam nước Pháp, gần thành phố Bordeaux), sống 2 đến 3 tuần lễ tại đó để tìm hiểu, hòa nhập với cuộc sống mọi mặt của làng, trên tinh thần hợp tác: ‘’ chúng ta là anh (chị) em ‘’. Điều này làm cho bộ phim được thực hiện sát với thực tế đạo Phật.

Ngay từ tháng 3 tháng 2006, ông Modi đã cùng ông Michel Shane giám đốc điều hành làm phim, cô Nipa Thakkhar giám đốc quản trị, tiến sỹ Dhar chuyên viên nghiên cứu lịch sử và một bà dân biểu Ấn độ quan tâm đến việc xúc tiến làm bộ phim này đến thăm làng Mai, trao đổi ý kiến sơ bộ về các thủ tục và tiến trình làm phim.

Tiến sỹ Phạm Thu từng tốt nghiệp ngành vật lý chất lỏng ở Đại học California Institute of Technology, xuất gia từ 15 năm trước, nay là thày Thích Chân Pháp Ấn, kể về những cơ duyên và triển vọng của bộ phim, với những chi tiết lý thú.

Thày cho biết ông Modi là người theo Ấn độ giáo thuần thành, nhưng có quan niệm chan hòa với các tôn giáo khác, là bạn thân lâu năm của Đức Đạt Lai Lạt Ma; ông là nhà tỷ phú giàu thứ 3 của Ấn độ, rất giỏi kinh doanh, am hiểu sâu kỹ thuật vi tính, lại nổi tiếng là nhà từ thiện có lòng đối với người nghèo khổ, tàn tật khắp nơi. Vợ ông -  bà Veena Modi và cô con gái Dieva đều coi việc làm phim này là việc làm từ thiện tâm, có ý nghĩa tâm linh, không phải là kinh doanh kiếm lợi.

Tại cuộc gặp, Đức Đạt Lai Lạt Ma hoan hỉ ủng hộ việc lớn này và nhấn mạnh quan niệm của Ngài : ‘’Hòa bình thế giới qua phim ảnh‘’, do lợi thế của nền nghệ thuật mới mẻ này trong việc phổ cập tư tưởng hòa bình, nuôi dưỡng tình yêu thương trong mỗi dân tộc, trong cộng đồng nhân lọai.

Thầy Pháp Ấn kể rằng mọi sự chỉ mới phát sinh từ đầu tháng 3 năm nay khi nhà xuất bản Parallax ở Hoa kỳ báo tin đến làng Mai rằng có một nhân vật người Ấn độ có ý định làm phim dựa theo cuốn sách ‘’ Đường xưa mây trắng ‘’ muốn liên lạc với tác giả và mong được gặp nhau ngay trong tháng 3 ; cuộc gặp vui vẻ, trở nên thân mật, rồi đến mức tri kỷ sau đó.

Một mốc đẹp tiếp sau là vào tháng 5-2006, tại cuộc liên hoan Phim quốc tế ở Cannes bên bờ Địa Trung Hải, ban tổ chức mời hãng làm phim và tác giả cùng với 30 sư thầy và sư cô của làng Mai xuống dự, nhằm làm quen với giới nghệ thuật, kỹ thuật và kinh doanh phim quốc tế, đánh động dư luận, cũng là cùng nhau tỏ ý định từng bước khẩn trương bắt tay vào công việc. Những người làm phim đều nhất trí là làm đến đâu nói đến đấy, cố gắng cao nhất, nhằm đạt đến một bộ phim hoành tráng, sử thi, kịch bản có tính văn học cao, dàn diễn viên giỏi, đẹp, có tài, lại có sức truyền cảm đạo lý sâu rộng lay động lòng người thuộc mọi lứa tuổi, nhất là tuổi trẻ; cuốn phim sẽ tránh những chuyện thần bí quá cao siêu.

Chỉ mới ướm thử các hãng kinh doanh phim đã muốn đặt hàng với số lượng cao, dịch ra nhiều thứ tiếng; có người dự kiến cuốn phim sẽ trình chiếu để khai mạc liên hoan phim Cannes năm 2008.

Làng Mai VN :
Sư chị, sư em xóm Bếp Lửa Hồng
Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc).

Thục Nghiêm đảm nhận việc kế toán của làng Mai rất vui cho biết khi được tin có nhà tỷ phú Ấn độ hứa bỏ ra 120 triệu đôla để làm phim, viên luật sư Mỹ chuyên lo bảo vệ quyền lợi của làng Mai liền nhanh nhẩu góp ý rằng khi thương lượng với ‘’họ’’ để đi đến ký kết hợp đồng thì phải đòi ngay tác quyền cơ bản của cuốn sách thật cao, vì đó là yếu tố quyết định nhất của bộ phim, chừng 50 triệu đôla, để sau đó hạ xuống khoảng 10 triệu là vừa. Quả thật tài chính của làng Mai còn eo hẹp, phải lo đủ chuyện cho làng Mai gồm nhiều xóm, xóm Thượng, Xóm Sơn Hạ, Xóm Đoài, xóm Trung, Xóm Tây Hồ, Xóm Hạ và Xóm Mới, nào thiền đường, nhà ở, nhà ăn, thư viện, nhà tắm… với tiêu chuẩn hiện đại, vì thường hơn một nửa bà con đến tu tập là người nước ngoài. Có được 1 hay 2 triệu đôla đã là rất quý. Lại còn các Tu Viện Lộc Uyển,Thanh Sơn ở Hoa Kỳ, vài nơi trong nước nữa.

Nhà tu hành lo việc thu nhập tài chính cho làng Mai làm việc cần mẫn, tỷ mỷ, có tầm suy nghĩ vượt trên đô-la và ơ-rô : ‘’ Cả làng này, tăng thân cả các xóm đều nhất trí ngay với Thầy là không tính chuyện tiền bạc, không mặc cả tiền nong, không nhận một xu tiền lãi, không tính một đô-la tác quyền. Đây là cơ duyên mầu nhiệm, là phước lành cho chúng sinh được ban phát rộng khắp, giá trị tâm linh là vô giá.’’

Thầy Pháp Ấn cho biết khi thông báo về nội dung thỏa thuận ở bên Cali, giới báo chí và kinh doanh đều ngạc nhiên, có người sững sờ tỏ ý tiếc thay cho làng Mai. Với họ, ‘’đầu tiên’’ là tiền đâu, là sẽ được bao nhiêu tiền. 120 triệu là rất lớn, dành cho những phim dài, nhiều tài tử, lắm đại cảnh, đông quần chúng, huy động vô vàn công cụ, lãi cực lớn. Trước đó một số người có dụng ý xấu tung tin:’’các thày làng Mai sẽ hốt bạc, giàu sụ’’ ; Thày Nhất Hạnh chuyển sang đóng phim’’(!) , ‘các ni cô làng Mai sắp thành tài tử Hollywood ‘’(!). Với tò mò của nhà báo tôi hỏi thầy : làng Mai có cải chính hay bác bỏ tin đồn như thế ?. Thầy cười : Thưa không, làng Mai không bao giờ cải chính hay tranh luận, thanh minh; đã có nhiều chuyện đồn thổi, bịa đặt, dựng chuyện không hề có thật, chúng tôi bỏ qua, bận tâm làm gì. Với thời gian sự thật luôn sáng tỏ.

Sen ở Làng Mai

Vẫn do thói -  hay là nết ? -  tò mò của nhà báo, tôi cùng anh bạn nhà báo cuả mạng lưới điện tử Phù Sa sống ở Versailles gần Paris rủ nhau xuống làng Mai hơn một tuần lễ để tìm hiểu một cái làng Việt nam đặc sắc ngay giữa lòng nước Pháp. Tôi mang về những tiếng chuông chùa ngân dài, cảnh hồ sen, bụi trúc, rừng thông, lửa trại, bài hát thiền, tiếng mõ đêm khuya, những sư  thầy,  sư  chú và sư cô áo nâu sồng khoác nón lá, những bữa cơm chay ngon lạ, và biết bao khám phá dồn dập, thú vị, bổ ích cho cuộc đời.

Cuộc đi thăm cho tôi thêm niềm tin là cuốn phim Đường Xưa Mây Trắng sẽ sớm thành hiện thực và là một đóng góp có ý nghĩa cho việc phục hưng Việt nam về văn hóa và nếp sống tâm linh, sau bao năm trầm luân trong chiến tranh và hận thù, cũng như sau một thời đổi mới ‘’ nửa chừng xuân ‘’, cả một thế hệ lao theo những giá trị ảo của vật chất và hưởng thụ, của danh lợi và tham nhũng, xã hội xuống cấp tệ hại về nhân cách, đạo lý.

Xin được thông tin cho các bạn dân chủ ở bên nhà rằng ở tại làng Mai, giữa một  khoảnh trời Tây, có một xã hội Việt nam nhỏ nhỏ rất thương yêu nhau - mọi người đến đây là coi nhau như anh chị em thân thiết - gọi nhau bằng anh, chị, em, hay cô, chú, bác…, sư anh, sư chị, sư em…, gặp nhau là nhìn nhau mỉm cười, hay chắp tay hình búp sen trước ngực. Tăng thân  gốc Việt (người tới Làng tu học) và bà con đến dự thiền luôn hướng về quê nhà ; tin anh Phạm Hồng Sơn được tự do sau hơn 4 năm bị giam cầm được truyền đi hoan hỉ và nhiều người lập tức tụng niệm nguyện cầu tự do cho các anh chị em  khác.

Bảng tên Làng "Village des Pruners" ở Xóm Hạ

Trên đường trở lại Paris, có lúc tôi tưởng tượng như được xem trước những cảnh thâm thúy và thú vị của cuốn phim đang được thai nghén. Cảnh vị hoàng tử Siddharta đi tìm chân lý xoa đầu nắm tay chú bé chăn trâu Svasti nghèo hèn, cử chỉ này làm chú bé ngỡ nhàng vì chưa từng được hưởng từ người lạ nào kể từ khi chú chào đời; rồi cảnh vị vốn là con vua này và cô bé Sujata con viên Xã trưởng góp 2 phần cơm sang trọng của mình với phần cơm khô xạm nhạt muối của chú paria rồi trộn lẫn chia ba, cùng nhau ăn ngon lành; sau đó là lời giải thích của hoàng tử đang tu luyện cho chú bé đinh ninh về thân phận paria truyền kiếp của mình,- tự coi là kẻ dơ bẩn, không được đụng vào ai, không ai đụng đến mình (les intouchables): ‘’Con thương yêu ơi, có nhiều quan niệm, định kiến được số rất đông chấp nhận, coi là chân lý từ lâu đời vẫn chỉ là tà thuyết, là lầm lỡ và lầm lẫn của con người, ta không theo ‘’.

Bộ phim sẽ làm nổi lên hình ảnh vị hoàng tử từ biệt cung điện xa hoa sống đời đạo sỹ trong rừng, ngủ dưới tán bồ đề, đầu đặt trên chiếc gối nhồi bằng cỏ non do chú bé paria cắt; suy nghĩ của ngài không hề bị lây bẩn, ngược lại suy tưởng của ngài còn được tẩy rửa khỏi những ham muốn thấp hèn của giới quyền quý và thương gia, xa rời những tham sân si, ái ố hỷ nộ của con người thường, để ngộ ra đạo sống cao đẹp cho loài người.

Có gì đẹp hơn khi bộ phim gửi một thông điệp hiểu biết và từ bi cho đồng bào Việt nam và cộng đồng thế giới: hãy tự tìm cho mình lối sống đẹp ngay trên thế gian này, ung dung bình dị, không ham hố, đua chen, luôn chia sẻ yêu thương. Ông cha ta ngày xưa thời Lý Trần từng noi gương đường xưa của hoàng tử Siddharta, từ bỏ gian tham, dối trá, sống an lạc, nhẹ nhàng như mây trắng

Bụt từng nói : ta đã đi, ta đã đến.

Bộ phim lớn ‘’ Đường Xưa Mây Trắng ‘’ đã khởi động, đã lên đường, và sẽ đến trong năm 2008.

Sẽ có dịp kể tiếp với các bạn câu chuyện về làng Mai, về những bước đi thiền hành tiếp của bộ phim, cho đến khi tác phẩm đặc sắc này đến được với các bạn, về được với quê hương ta như một nhân duyên huyền diệu.

Thiện Tín. 
20/09/2006.

 

TIN SINH HOẠT PHẬT SỰ

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.