.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)
  Tin tức Phật giáo khắp nơi

Thân hữu Già Lam hội ngộ cùng hai
thượng tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu (Lê Mạnh Thát)

khơi dòng cho công trình đại học Khuông Việt

  • Tâm Huy - 2.09.2007

TT Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) tại đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tại Thái Lan - 28/5/2007

Hai mươi hai năm, kể từ khi Ôn Già Lam viên tịch, hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) bị bắt vào tù, anh em học Tăng của Quảng Hương Già Lam không có đất trú thân trên quê hương nên phải tìm đường ra đi. Hôm nay, quý Thầy và anh em THGL mới có cơ hội để gặp lại hai Thầy trong khung cảnh tập thể dù là trên hệ thống Paltalk chỉ nghe mà không thấy.

Sáu giờ chiều California, room mở cửa, quý Thầy và anh em bắt đầu lai rai vào room, thử MIC, chờ đợi..!

Sáu giờ rưỡi chiều California, hai Thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát vào room, không khí tưng bừng hoan hỷ. Thầy Lê Mạnh Thát cầm MIC nói như đang trình bày thật sự công trình xây dựng một Đại học Phật Giáo... Thầy Tuệ Sỹ nói với Thầy Thát, “khoan đã, chờ quý Thầy vào đông đủ rồi hãy nói.” Lại chờ... "Ba mươi phút thì hơi lâu đó nghe!" Thầy Tuệ Sỹ nói.

Máy móc của một số Thầy bị trục trặc, thử MIC không được, vào room cũng không được luôn vì room bị giới hạn số người vào chỉ được mười nicknames thôi...! Một số quý Thầy phải đợi ở ngoài. Sốt ruột quá! Điện thoại Tu Viện Pháp Vương và cellular reo liên tục...

Đúng bảy giờ tối California, trong room hiện diện khoảng 15 vị kể cả hai Thầy, bên ngoài vẫn còn quý Thầy đang chờ đợi vào. Trễ giờ rồi, phải bắt đầu chương trình ngay.

Thầy Nhật Trí bắt đầu Chương trình. Cung thỉnh quý Thầy và quý anh em niệm hồng danh đức Bổn Sư để cầu chứng minh và gia bị. Thầy Nhật Trí đã giới thiệu luợc qua quý Thầy và anh em hiện diện trong room để cho hai Thầy biết, vì có vị lấy nickname không phải là Pháp hiệu quen thuộc.

Thầy Nguyên Siêu thay mặt THGL đọc Cẩn bạch cung nghinh hai Thầy. Thầy đã khơi lại bối cảnh năm xưa của tình Thầy trò dưới mái các học đường Hải Đức và Quảng Hương Già Lam. Có lúc giọng Thầy trầm xuống, đứt quãng..., cả room im lặng sâu lắng, hầu như mọi con tim đều se thắt lại trong cảm thức của hoài niệm xa xưa! Lịch sử của dân tộc và đạo Pháp sao có khi lại nghiệt ngã đến thế!

Thầy Lê Mạnh Thát tiếp lời bằng sự tâm tình chân thật như thầy trò trong nhà. Thầy tâm sự: "Tôi năm nay đã 65 tuổi, già rồi chứ đâu còn trẻ trung gì, sức lực đã yếu." Đúng vậy, nghe quý Thầy nói Thầy Lê Mạnh Thát gần đây sức khoẻ không mấy khả quan, vì lo lắng nhiều việc, rồi phải đi đây đi đó từ trong nước đến ngoài nước, ăn uống ngủ nghỉ cũng không được điều độ, đôi mắt của Thầy cứ đỏ ngầu lên, thân thể vốn đã ốm lại càng ốm hơn. Thật tội nghiệp quá! Nhưng có lẽ vì gặp được quý Thầy và anh em vui quá nên Thầy nói cười rất sảng khoái.

Thầy tiếp tục trình bày về hiện tình sinh hoạt của Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam và Học Viện Phật Giáo Việt Nam trong đó có đề cập đến mấy chuyến Phật sự nước ngoài ở Thái Lan, Tích Lan gần đây.

Sau đó Thầy bước sang trình bày về công trình xây dựng Đại Học Phật Giáo lấy tên là Đại Học Khuông Việt.

Tổng kinh phí của toàn bộ dự án xây cất Đại Học Khuông Việt là khoảng $40,000,000.00 (bốn chục triệu US dollars). Giấy tờ pháp lý chứng nhận chủ quyền của khu đất mới đã có. Hiện nay Thầy đang tiến hành việc nhờ kiến trúc sư vẽ sơ đồ kiến trúc. Khi nào xong Thầy sẽ gửi sang cho THGL tất cả những giấy tờ này để thuận tiện cho việc vận động. Công trình xây dựng sẽ chia ra nhiều giai đoạn và nhiều khu trong đó có khu Thư viện là một tòa nhà cao mười tầng với sức chứa được một triệu cuốn sách, khu giảng đường, khu Tăng xá, ký túc xá, khu y khoa và bệnh viện, khu hành chánh quản trị đại học, công viên, v.v...

Trước mắt là sẽ khởi sự xây dựng một giảng đường rộng chứa được khoảng hai đến hai ngàn rưỡi người, khu Tăng xá, ký túc xá. Kinh phí cho giai đoạn này là khoảng 3 đến 4 triệu Mỹ kim. Công trình này dự trù sẽ hoàn thành vào trước Phật Đản năm 2008, vì đấy là thời điểm Phật Giáo Việt Nam xin đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản do Liên Hiệp Quốc chủ xướng.

Quý thầy Nguyên Siêu, thầy Quảng Ba, thầy Hạnh Tuấn, thầy Nhựt Huệ, thầy Nhật Trí, v.v... cũng đã trình bày sự ủng hộ và thỉnh thị một số việc liên quan đến công trình xây dựng Đại Học Khuông Việt, bao gồm việc gợi ý thành lập một Ban Vận Động của THGL để hỗ trợ cho công trình xây dựng Đại học Khuông Việt này.

Thời gian qua mau quá, cuộc chuyện trò còn đang thắm thiết mà đã hơn 9 giờ tối California, tức là hơn 11 giờ trưa ở Việt Nam, hai Thầy còn phải thọ trai và các công việc Phật sự khác, cho nên, tất cả đều đồng ý tạm ngưng cuộc tâm tình trao đổi ở đây. Thầy Nhật Trí thay mặt THGL thành kính đảnh lễ và tri ân hai Thầy đã hoan hỷ dành thì giờ quý báu cho THGL được cơ hội hầu chuyện, kính chúc hai Thầy phước trí viên mãn, Phật sự thành tựu.

Buổi hầu chuyện là cơ hội tốt để Thầy Trò cùng nhau đam đạo thăm hỏi lẫn nhau, để cho quý Thầy và anh em THGL bày tỏ sự hậu thuẫn đối với công tác văn hóa giáo dục mang lại lợi ích lâu dài cho đạo pháp và dân tộc, để hiểu rõ hơn về công trình xây dựng Đại Học Khuông Việt, và cũng để cho THGL nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ đối với công tác Phật sự này.

 

Tâm Huy kính ghi.

Nguồn: Thân Hữu Già Làm

 

BBC NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa con số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có con đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là Con đường".

thichnhathanh.shtml

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.