.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


ĐẠO BỤT TRONG DÒNG VĂN HÓA VIỆT

Chuyện Làng Mai :
 

Có một Đạo Phật như thế !
 

  • Bùi Tín - 19.10.2006
    Phần 1

BBT : Bùi Tín, cựu Đại tá quân đội Nhân Dân Việt Nam, cựu đảng viên, cán bộ cao cấp của đảng CSVN, nguyên là Phó Tổng Biên Tập nhựt báo Nhân Dân, kiêm Tổng biên tập tuần báo Nhân Dân Chủ Nhựt.

Sau chuyến công vụ tại Pháp vào tháng 9 năm 1990. Chứng kiến các phong trào dân chủ tại các nước cộng sản Đông Âu ngày càng thắng thế, và Việt Nam cũng bị buộc phải mở cửa giao thương kinh tế với thế giới tự do, đồng thời vẫn xiết chặt các lĩnh vực chính trị và văn hóa.

Tháng 11 cùng năm, ông phổ biến bản Kiến Nghị Của Một Công Dân, kêu gọi Hànội tiến hành đổi mới triệt để, xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, thực sự tự do, đưa cả nước tiến theo kịp thế giới. Cũng bắt đầu từ đó ông bị khai trừ khỏi Đảng.

Mùa hè năm nay, ông có dịp hành hương thăm viếng, tu tập tại Làng Mai. Chuyến đi đã để lại cho ông nhiều ấn tượng đẹp, ông nói : "Cuộc đời còn lại của tôi mang dấu ấn cuộc hành hương ngắn ngủi này". Đó cũng là lý do để chúng ta có dịp chia sẻ với ông qua bài này. Cố nhiên đây là cái nhìn rất riêng tư của ông, không nhất thiết phải phản ánh đúng về hình ảnh và nội dung rất đa dạng của Làng Mai.

Tác giả bên hồ sen xóm Thương, xa xa là tháp chuông
Làng Mai - mùa hè 2006

Duyên hạnh ngộ với làng Mai : Tôi nghe nói về làng Mai từ lâu. Trước đó là làng Hồng. Không phải là làng trồng hoa hồng, mà là cây hồng ăn quả, như hồng Lạng sơn ở bên nhà. Trồng hồng không được tốt, quả không sai, không ngọt, nên chuyển sang trồng mai. Mai cũng không phải mai hoa vàng, như ở miền Nam nước ta, màu vàng rực vào dịp Tết. Mai đây thật ra là mận, là prunier, là thổ sản danh tiếng miền Dordogne, Tây nam nước Pháp. Cả miền rộng này bạt ngàn là mận, nổi tiếng nhất là Agen. Quả mận Agen, màu tím đậm, thơm ngọt sấy thành mứt, tiêu thụ khắp nước Pháp, xuất khẩu đi toàn thế giới cùng với rượu đỏ Bordeaux.

Từ bé tôi đã có duyên với đạo Phật. Gia đình tôi có 10 anh chị em, tôi là thứ 8. Trước tôi là 7 người chị. Mẹ tôi sinh tôi trong một thai đôi, có bọc, một gái ra trước bị ngạt, và tôi ra sau, thoi thóp. Từ mấy năm trước, mẹ tôi kiên trì cầu tự, khấn xin, qua các ngôi chùa nổi tiếng vùng Nam Định, Ninh Bình và Hà Đông, mới sanh được mụn con trai. Ngôi nhà nhỏ ở quê lại gần chùa làng. Không nhà nào gần chùa đến thế. Chỉ cách nhau con đường hẻm của xóm gọi là xóm Chùa. Cổng nhà và cổng Chùa hơi chếch nhau, cách nhau chỉ 5 mét. Hồi bé, các chị em tôi hay rủ nhau lẻn sang chùa hái đầy túi quả nhót từ vàng đến đỏ chót, tay áo luôn lấm chấm những hạt trắng li ti do vỏ quả nhót chà vào để lại. Sư bà và sư cô không đuổi còn vẫy vào xoa đầu rồi hái cho những quả táo con con.

Chuông chùa ngân vang dài… và tiếng mõ đều đều, đều đều… là những âm thanh quen thuộc nhất đưa tôi vào giấc ngủ, với những chuyện mẹ tôi kể về thái tử Ấn Độ đi ra 4 hướng cửa thành gặp 4 nỗi khổ đau sinh, lão, bệnh, tử rồi ra đi tìm đường cứu nhân độ thế.

Cho nên mùa thu 2006 này, tôi về làng Mai, trước tượng Phật, nghe tiếng chuông chùa âm vang, tiếng mõ đều đều, ăn chay liền mười ngày, ngắm mái chùa cong cong bên hàng cây mận trĩu quả … cảm giác đầu tiên của tôi, cảm giác kéo dài cho đến khi rời làng luôn là trở về quê mình, làng mình, nhà mình, chùa làng mình.

 

Hoạt cảnh Mừng trăng lên
Làng Mai - hè 2006

Có một đạo Phật nhập thế : Làng Mai luôn mở rộng. Từ xóm Thượng xuống xóm Trung là 2 kilômét, xuôi 3 kilômét nữa là xóm Hạ, vòng sang phía Tây 2 kilômét là xóm Sơn hạ. Mấy năm nay, làng phát triển hẳn sang phía Đông gần 40 kilômét, lập nên xóm Mới, rộng hơn, khang trang hơn. Nằm giữa tam giác 3 tỉnh : Dordogne - Lot et Garonne - Gironde miền Tây Nam nước Pháp là một vùng hữu tình, giàu có, nhiều đồi thoai thoải phơi nắng, lại không xa Đại Tây Dương. Vườn nho nối tiếp xen với vườn mận, vườn hướng dương điểm xuyết những vạt rừng thông nhân tạo. Những ngôi Chùa, lầu chuông, thiền đường, cư xá, nhà ăn, nhà khách, khóm trúc, hồ sen… của làng Mai, xen với nhà một số cư dân Pháp bản địa lâu đời, với chuồng trại nuôi bò, lò gạch ngói, nhà thờ Thiên Chúa của làng xưa làm cho phong cảnh của toàn vùng thêm sinh động.

Người gốc Việt tùy lúc chiếm hơn hay kém một nửa dân số làng Mai. Một nửa là người phương Tây về đây tu lâu dài hay tu tập ngắn hạn, 1 hay 2 tuần lễ, từ các tỉnh nước Pháp, từ Ý, Đức, Anh, Bỉ, Hà lan, từ Tây ban nha, Bồ đào nha, từ Mỹ, Canada, Úc, Tân tây lan; ngoài ra có cả người Nhật, Ấn độ, Thái lan, Đại hàn, Philippin, lại có cả người Balan, Nga, Do thái, Palestin… Họ ở phần lớn xóm Thượng. Giữa mùa hè, nhiều gia đình mang theo con lớn nhỏ, nên có cả một xã hội thiếu niên quốc tế ở đây. Rước đèn trung thu, đèn đủ kiểu do các em tự làm lấy, hướng dẫn bởi các ni sư ni cô khéo tay yêu trẻ, kéo dài hàng cây số dưới ánh trăng thu, các em bé tý mới 3 - 4 tuổi dẫn đầu, cuối là các anh chị 16, 18 tuổi, thật hồn nhiên trong tiếng trống và tiếng hát.

trong nước tôi cứ nghĩ người đi tu phần lớn là người yếm thế, chán cuộc đời trần thế, gặp những nghịch cảnh gia đình hay xã hội. Đây cũng có những trường hợp như thế, nhưng có vẻ không nhiều. Khá nhiều người có kiến thức khá cao, thành đạt trong cuộc sống, những bác sỹ, luật sư nhà cao cửa rộng, lương bổng cao, những nhà vật lý, toán học, triết học, giáo sư … muốn đi tìm ý nghĩa từ cuộc sống, của cuộc sống và cho cuộc sống trên đời này. Họ đến đây để nghiên cứu, nghiền ngẫm và thực hành luôn, thực nghiệm luôn, hành đạo luôn đạo Phật, một đạo Phật vừa cao siêu, vừa gần gũi, vứa như khó hiểu vừa dễ cảm thụ bằng cả lý trí, linh tính và trái tim.

Đến đây, ai cũng hiểu sâu 3 viên ngọc quý đầu tiên - ‘’Tam Bảo’’, là Phật, Pháp và Tăng.  Phật là một vị tiêu biểu, là Thày dạy, là Ngôi sao chỉ đường, là Lãnh tụ tinh thần, là Nguồn Sáng, thông thường cũng là Bụt, là con người thật do dày công tu luyện được soi sáng thành Phật. Pháp là hệ thống lý luận, chân lý, giải thích cuộc đời và muôn vật, hướng dẫn việc tu luyện, cách sống để con người và loài người có được niềm hạnh phúc, an lạc ngay trong cuộc đời này. Pháp vừa mênh mông vô tận, thiên kinh vạn quyển, lại có thể thu gọn trong 260 từ trong Kinh Bát Nhã, lại cô đọng chỉ trong vài câu, vài từ; ở đây chú trọng việc thực hành, đặc biệt là thực tập theo 5 giới, tức là 5 phép tu tập chánh niệm. Tăng là tăng thân, là tập thể anh chị em gần xa cùng thoát giới đi tu theo chân Phật, ở khắp mọi nơi trên thế giới, cùng chung một bậc Thày, cùng chung một Đạo pháp.  

Tôi dự khá nhiều cuộc pháp thoại, thuyết trình về ‘’pháp‘’, nhiều cuộc trao đổi, hỏi đáp ngay ở hội trường - Thiền đường, nhiều buổi thảo luận, tu tập trong các nhóm nhỏ, đều nói về cuộc sống trong đời thường, của cá nhân, gia đình và xã hội. Giống như ở đời thường, không khí sinh hoạt khi thì nghiêm trang đôi lúc căng thẳng, xúc động, có nước mắt, có nụ cười, nhưng nét riêng ở đây là luôn thân ái, chăm chú, thông cảm với nhau, giúp nhau hiểu rõ sự đời trong tình thương. Ngay ở hội trường lớn, mỗi khi tiếng chuông vang, ai nấy đều yên lặng, nghiêm trang, lắng sâu trong suy nghĩ, để rồi sau đó rộ lên tiếng cười vang động, vui nhộn và sảng khoái, thoải mái không cần kiềm chế.

Đạo Phật ở làng Mai là đạo Phật nhập thế, nhập cuộc đời, nên dễ hiểu, dễ gần, dễ tiếp thu. Bài giảng tiếng Việt, dịch tức thời ra các tiếng Anh, Pháp, Đức, cũng như các khẩu hiệu tiếng Việt, châm ngôn tiếng Việt, sách báo, băng đĩa tiếng Việt được dịch và in ngay tại chỗ. Khẩu hiệu đây đó : ’’ Từng bước chân thảnh thơi ‘’, ‘’ An lạc ngay lúc này ‘’, ‘’ Vui với từng hơi thở ‘’, ‘’ Bụt ở ngay trong ta ‘’…

Sáng nghe tiếng chuông vang khi trời đang rạng, hãy ‘’thiền’’ vài phút với lời tự hẹn : Đón chào 24 giờ tinh khôi của ngày mới; tự hẹn sống an vui, có ích cho mình và xung quanh, tránh mọi cám dỗ có hại.

Khi ngồi vào bữa ăn, nghe chuông ngân, hãy ‘’thiền’’ vài phút nữa: ta biết ơn những ai làm nên bữa ăn này, trồng lúa, rau, vận chuyển, chế biến; ta nhớ đến bao người thiếu ăn trên thế gian này; hãy ăn ngon lành, nhai kỹ cho cơ thể ta khỏe khoắn. Trước đó, hãy tự lấy thức ăn vừa đủ cho mình, không thiếu không thừa, lấy bao nhiêu ăn cho hết, không lãng phí, quý trọng mỗi sản phẩm xã hội.  

 

Cùng nhau hái mai (mận)

Một đạo Phật cao siêu mà hồn nhiên : Ở làng Mai, tôi gặp mấy chục sinh viên nam nữ Việt từ Sàigòn, Huế, Cần thơ, Luân đôn (Anh), Boston (Mỹ), Sydney (Úc) … đến dự lớp học 1 hay 2 tuần lễ, vào dịp nghỉ hè. Các bạn trẻ  làm quen nhau rất nhanh, để lưu luyến vô cùng khi tạm biệt. Họ đều là du sinh, học khoa lịch sử, văn học, thông tin, báo chí. Họ cũng kết bạn nhanh với các sinh viên gốc Mỹ, Anh, Pháp, Canada. Họ cùng nhau tập những bài hát tiếng Việt và tiếng Pháp do các thày cô ở làng Mai sáng tác. Các em mang theo đàn ghi-ta, sáo để chơi nhạc, ca hát với nhau.

Đến đây, các em làm quen với những khái niệm triết học, tâm lý, tâm linh khá trừu tượng, nhiều khi cao siêu, ban đầu khó hiểu. Nhân quả, tương tác, Niết bàn, khoảng không, khoảng rỗng, vô thường, vô ngã, vô minh, không bắt đầu không kết thúc… Hơn nữa, lại còn: ‘’ngũ uẩn giai không’’ là gì; ‘’chư pháp không tướng’’ là gì; rồi những con số: Tam bảo, Tứ diệu đế, Ngũ lực, Lục căn, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên …

Các khái niệm cao siêu được giảng giải theo lối phổ cập dân gian, có ví dụ dễ hiểu, từ thấp lên cao, từ cụ thể đến trừu tượng. Tôi thử hỏi lại 2 em, các em đều hiểu khá rõ. Các bà các chị lớn tuổi cảm nhận được trên đại thể, khi trao đổi với nhau mới vỡ lẽ thêm …

Tôi hiểu dần vì sao làng Mai có thanh niên xuất gia để đi tu cũng như về tu học ngắn hạn nhiều đến vậy. Các em đều có chí, ham học, cảm thấy e ngại cái xã hội xô bồ sùng bái vật chất coi nhẹ tâm linh, nhất là cái xã hội trọc phú đầy cạm bẫy ở bên nhà, luôn đe dọa ‘’nuốt chửng’’ tuổi trẻ bất cứ lúc nào. Các em rất chăm chú nghe pháp thoại, còn ghi chép và thảo luận. Các em cũng thích ca hát, chơi nhạc, đánh bóng chuyền, tập võ thuật, tâp múa gậy trúc - một môn học đặc sắc cho mọi lứa tuổi ở làng Mai.

làng Mai, không khí yên tĩnh kéo dài thỉnh thỏang lại rộ lên những ngày hội tấp nập đông vui, có trống, có cờ phướn, múa rồng múa lân, mừng xuân, trồng cây nêu, giỗ Tổ, Phật đản, lễ Vu lan, những buổi ngâm thơ, ngày Hội hoa Thủy tiên, Hội hoa Mai, Hội hái mận, những ngày hội làng thắm tình quê hương… Tôi dự đám cưới rất vui ở xóm Mới, cô dâu là em một ni cô ở đây, ‘’chàng’’ là bác sỹ cùng ở San José (Bắc Cali) mới sang hôm trước.

Cuộc sống cao siêu khi nghe giảng, khi trầm tư, lúc ngồi thiền, hài hòa với những giờ phút sống hiếu động hồn hiên giữa thiên nhiên. Dự những cuộc múa tập thể và trò chơi tập thể, rồi đêm lửa trại ở xóm Trung và xóm Thượng, tôi thấy rõ thêm vì sao tuổi trẻ thích về đây sống. Có lúc như cuộc sống trong tổ chức Hướng đạo thời trẻ của tôi. Những trò chơi khỏe, hồn nhiên, em bé 8, 9 tuổi cùng cụ già 60, 62 tuổi chơi với nhau, theo vòng tròn lớn nhỏ, bỏ khăn; chim bay, cá lặn; bịt mắt bắt dê; chuyển bóng; kéo co; rồi tìm nhau trong rừng, tìm phương hướng, tìm các chòm sao trên trời, hái hoa hồng để trả lời câu đố và chọn bài hát… Tuổi già về đây như trẻ lại giữa trẻ nhỏ và thiên nhiên. Rồi những vở kịch nho nhỏ tự biên tự diễn. Cái thú vị là nội dung được hướng dẫn và khêu gợi để thực tập chánh niệm,  hiểu sâu thêm các buổi học, về cuộc đời của Bụt, về tình thương yêu con người, về cái Thiện và cái Ác, về Chính và Tà, về yêu quý thiên nhiên và gìn giữ môi trường…

 [ Xem tiếp phần 2 ]

 

TIN SINH HOẠT PHẬT SỰ

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.