.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


ĐẠO BỤT TRONG DÒNG VĂN HÓA VIỆT

Chuyện Làng Mai :
 

Có một Đạo Phật như thế !
 

  • Bùi Tín - 19.10.2006
    Phần 3
    (tiếp theo và hết)

Đại biểu Phái đoàn Phật Giáo Quốc Tế Làng Mai (4/40 quốc tịch khác nhau) tại Đại Hội Phật Giáo Thế Giới

 

Có một đạo Phật có sức lan tỏa : Tôi gặp một số cán bộ, đảng viên cộng sản từ trong nước về đây tu tập, tìm hiểu. Có người là giáo sư đại học, là cán bộ từng làm việc trong ủy ban kế hoạch nhà nước, là sinh viên đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản. Có chị là đảng viên, chồng là trung tướng quân đội nhân dân về hưu, vốn là cấp dưới tướng Trần Độ. Duyên hạnh ngộ bắt nguồn từ chuyến về thăm quê hương của tăng thân làng Mai đầu năm 2005. Có ni sư đến từ Huế và Bảo lộc (Lâm đồng) về đây học, tự coi là về nguồn để tu tập.

Quả vậy, hạt giống tự làng Mai đã gieo và mọc ở vùng cố đô Huế, vùng Bảo lộc với các chùa Từ Hiếu và tu viện  Bát Nhã, cả trên đất Hoa kỳ, nơi có chùa Lộc Uyển (ở Nam Cali), Đạo tràng Thanh Sơn và Tu viện Rừng Phong (ở bang Vermont).  Lại còn nhiều tập thể, nhóm cư sĩ làng Mai, rải rác trên đất Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Canada, Nhật, Nga, Thái lan, Hàn quốc, Do thái, Palestine, Hongkong, Brésil, Argentine, ... và cả ở trong nước.

Riêng số xuất gia nhập tăng thân làng Mai nay đã lên hơn 300. Số đang xin nhập còn nhiều. Số cư sĩ, dự tu tập hàng năm, theo từng mùa từng khóa không kể hết.

Các thày làng Mai đã tổ chức những cuộc Pháp thoại và Thiền hành ở Roma, Florence ở Ý Đại Lợi và Londres, ở Edingburg Tô Cách Lan, Marseille và New York, ở Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung quốc)….  nữa, và tháng 10 này ở giữa Paris.

Bí quyết của sự lan tỏa từ làng Mai là những nét đặc sắc của một đạo Phật trở về với chính gốc gác của mình, cởi bỏ những thần bí quá siêu nhân để về với nhân thế trần gian, với mỗi bước chân thảnh thơi, nụ cười hé nở trên đôi môi, búp sen tinh khiết bên trái tim, bữa ăn luôn ngon lành, giấc ngủ luôn an bình, thế ngồi luôn vững chãi trên niềm tin.

Bí quyết của làng Mai còn là sự hòa hợp giữa các tôn giáo, coi các tôn giáo đều là anh em, không tranh dành, đố kỵ, đối lập nhau. Bouddha, Jésus, Mahomet đều là anh em. Ở làng Mai có linh mục Công giáo, có mục sư Tin lành, có người theo đạo Do thái, Ấn độ giáo, Anh giáo, không nhất thiết từ bỏ hẳn tôn giáo của mình, vẫn có thể tu tập Phật giáo. Từ làng Mai đã có sáng kiến một cuộc gặp các nhà lãnh đạo cao nhất các tôn giáo để cùng cất lên nguyện vọng hòa bình của thập đại chúng sinh, góp phần dập tắt ngay các lò lửa chiến tranh - những địa ngục phi lý trên trần gian tuyệt đẹp này.

 

"Tất cả đều là anh em" Tăng thân Làng Mai với 44 quốc tịch tính đến mùa hè 2006. (Bấm vào hình để mở lớn).

 

Một đạo Phật không làm chính trị ? Về làng Mai, các thày và cô thường nói ‘’chúng tôi không làm chính trị’’. Có lúc các thày nói : ’’làm chính trị, xin để dành cho các nhà chính trị ở ngoài đời, chúng tôi chỉ chuyên lo về chuyển hóa con người‘’.

Hỏi chuyện các thày cô, trao đổi tâm tình với thày Nhất Hạnh, thỉnh thoảng tôi lại cười thầm một mình khi nhớ lại câu ‘’chúng tôi không làm chính trị ‘’. Đây chỉ là một cách nói, có lẽ chỉ đúng trên một ý nghĩa nào đó. Thật ra người Làng Mai được khuyên không làm loại chính trị tranh giành quyền bính, không theo phe phái nhưng mọi người đều tu tập chuyển hóa tự thân và chuyển đổi mọi người chung quanh cũng là một cách làm chính trị.

Nhớ lại hồi chiến tranh, nhóm Phật giáo phản chiến, chống huynh đệ tương tàn, bị 2 bên lên án, bên quốc gia coi là đâm sau lưng chiến sỹ, bên kia coi chống chiến tranh cách mạng là tay sai đế quốc. Kẹt cứng giữa 2 làn đạn. Nhưng không thể nào khác. Chiến tranh là sát sinh mà người tu thì luôn luôn tôn trọng sự sống của từng con vật, huống chi là sự sống của con người và những con người đó lại là đồng bào anh em cùng giống Lạc Hng; mà người Việt mình giết nhau nhiều nhất, lâu nhất, hăng say nhất. Hơn 1 triệu người Việt giết chết nhau suốt 30 năm, còn chưa đủ ? Từ đâu ‘’vô minh‘’,‘’tà kiến’,’’cuồng sát nhau ‘’,’’kéo nhau vào hỏa ngục’’ lâu và sâu đến thế ? Thế hệ trẻ vẫn còn chất vấn cha ông mình.

Với tò mò của nhà báo, tôi hỏi chuyện các thày cô về chuyến hồi hương đầu năm 2005. Các vị chức sắc của làng có vẻ thận trọng, vì đang còn tính đến chuyến đi thứ 2 dự định trong 77 ngày (11 tuần lễ) đầu năm Đinh Hợi (2007) đang được chuẩn bị; tôi hỏi quý thầy cô có ý kiến cho rằng đoàn đã bị chính quyền trong nước lợi dụng trong chuyến đi? Trả lời : ’’Chúng tôi biết chuyện đó. Nhưng chúng tôi nghĩ khác. Chẳng lẽ dư luận quốc tế ngày nay lại nhẹ dạ, đơn giản đến vậy sao. Có ai chỉ lấy một chuyến đi để đánh giá về tự do tôn giáo của một chính quyền trong cả một năm; nghĩ thế là lầm to‘’. Vậy làng Mai có coi đó là một chuyến hành hương thắng lợi ? Trả lời : ‘’Có chứ. Chúng tôi không dám chủ quan, nhưng thật ra vượt quá hy vọng ban đầu. Các buổi pháp thoại càng về sau càng đông. Chúng tôi in ra đĩa, năm mươi ngàn đĩa -những bài đã giảng trong chuyến đi- nay còn đưa về trong nước mấy bài mới để in thêm’’. Mấy thày làm báo thư làng Mai nói thêm :’’Vui là nhiều quan chức cộng sản cấp cao ở các bộ, các viện, giáo sư đại học, sinh viên khá là đông chăm chú nghe, có vẻ mở lòng tiếp nhận, còn tỏ ra còn khát …’’.  Xưa nay họ có cái tưởng quá sai lầm về Phật giáo. Đây là lần đầu tiên tiếp xúc được với loại đạo Phật khác với đạo Phật của Giáo Hội Nhà Nước.

Một cư sỹ trí thức làm việc ở Lyon (Pháp) từng tham gia tăng đoàn làng Mai về quê cho tôi rõ thêm : ‘’Các buổi pháp thoại cuối ở Hànội đông ngẹt. Sự đồng cảm tăng lên. Sư Ông  cao hứng nói vui : tăng thân làng Mai chúng tôi không ai có xe riêng, có tiền riêng, điện thoại riêng, nhà riêng mà sống yên vui, yêu thương nhau, có hạnh phúc, chúng tôi mới thiệt là cọng sản !…   Cả hội trường vỗ tay rất lâu khi thày nói rằng người cộng sản, người làm chính trị khi cầm quyền rất cần có đạo đức và cũng rất cần có cuộc sống tâm linh‘’.

Giữa tăng thân làng Mai và chính quyền cộng sản có điều gì căng thẳng không. Tôi được biết những cuộc thương lượng về chuyến trở về kéo dài từ năm 1997 với nhiều nhân sĩ các nước như Pháp, Hòa Lan, Hoa Kỳ rồi mới trở lại từ đầu năm 2004, không ít lúc căng, có lúc tưởng như không thành. Nhờ cái duyên - Bụt cho chăng, hay là nhờ tổ tiên Việt Nam thấy không thể bỏ rơi 80 triệu con cháu Việt chỉ nằm trong tay tập đoàn thiếu đạo đức nên đã thành. Đó là khi họ gặp khó trong quan hệ với các nước và công luận quốc tế cũng như với dư luận trong nước, về vấn đề tôn giáo, họ phải điều chỉnh chính sách. Nói thẳng ra là họ không thể cứng mãi, họ buộc phải tính đến chuyện để một đoàn lớn tăng thân áo nâu về thuyết pháp từ Bắc vào Nam; để đoàn đem sách về đạo Phật về cũng như không kiểm duyệt trước nội dung các buổi pháp thoại. 

Theo tin tôi nhận từ 62 đường Boileau – Paris (sứ quán Việt nam), ‘’sứ thần’’ làng Mai đến đây thương lượng về chuyến đi là ‘’nhà ngoại giao đáng nể’’. Mềm mỏng trong đối xử, khá cứng cỏi trong nội dung. Việc tăng đoàn ‘’đến viếng lăng’’ một vấn đề khá nhạy cảm cuối cùng họ chịu để buông lửng, không ghi vào chương trình. Cho đến khi những ngày cuối ở Hànội, đoàn ghé thăm Chùa Một cột xong, người hướng dẫn ‘’lơ đãng‘’ dẫn sang phía lăng ngay sát đó, đoàn vẫn lặng lẽ đi ra nơi đậu xe. Coi như xong, không căng thẳng, rồi không bên nào nhắc đến nữa...

Khéo thật, tôi nghĩ, thế là không làm chính trị chăng. Một loại chính trị vừa mạnh mà đủ khéo, đủ từ bi để cho chính quyền đủ bực nhưng không mất mặt lắm ?!

 

Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp thiền sư Nhất Hạnh, đề nghị :
   -
6 điểm Về sự cởi mở của đảng CSVN
   -
7 điểm Về chính sách của nhà nước VN đối với Phật giáo?

(Bấm vào những dòng chữ có gạch dưới để xem bài liên hệ)

 

Đề nghị 7 điểm với cái nhíu mày tạm biệt : Anh bạn nhà báo từ Hànội sang Paris kể cho tôi ngày cuối đoàn làng Mai ở Hànội, Thiền sư Nhất Hạnh gặp từ biệt Thủ tướng Phan Văn Khải, không khí hòa dịu nhẹ nhàng, nhưng ít ai biết có mấy phút khá căng, khi Thày đưa bản đề nghị 7 điểm về ‘’Chính sách của nhà nước Việt nam đối với Phật giáo ‘’.

Nội dung trước hết là: tách rời tôn giáo với chính quyền, không có quyền can thiệp vào nhau. Các vị xuất gia sẽ không là dân biểu quốc hội, thành viên của hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc hay của một đảng phái nào, cũng không nhận huân chương của chính quyền; làm như thế là phạm giới.

Hai là nhà nước mời những vị tôn túc trưởng lão Phật giáo làm cố vấn cho ngành lập pháp và hành pháp để tháo gỡ những khó khăn, hàn gắn những đổ nát, xây dựng tình huynh đệ trong cộng đồng Phật giáo, thiết lập truyền thông với nhà nước. Danh sách các vị được mời : Hòa thượng Trí Quang, Trí Tịnh, Nhật Liên, Huyền Quang, Quảng Độ, Phổ Tuệ…

Các điểm tiếp theo là : nhà nước và tôn giáo chung sức xây dựng đạo đức văn hóa, chống tham nhũng và tệ nạn xã hội, cấp hộ khẩu cho giới tu hành, phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất cùng hoạt động của các tôn giáo khác tự do như ở các nước tự do, nước nào cũng có nhiều Giáo Hội Tôn Giáo hoạt động thoải mái tự do.

Yên lặng và buổi tiếp kết thúc trong xã giao. Thông tấn xã nhà nước và báo chí trong nước nhận nghiêm lệnh không được công bố 7 điểm.

Thày Pháp Ấn cho tôi biết một điểm son của cuộc hồi hương là những cuộc chan hòa anh em giữa các giáo đoàn khác nhau, trong và ngoài nước, Giáo hội Phật giáo Việt nam với Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, áo nâu xen với áo vàng, Bắc, Trung, Nam hòa hợp, cùng trò chuyện, cùng thiền hành, cùng tụng giới, tiêu biểu nhất là ở  Huế có hai nhóm tỳ kheo vốn giận nhau. Từ 13 năm nay, không tụng giới chung, một nhóm tụng giới ở chùa Từ Đàm và một nhóm tụng ở chùa Linh Quang, khi Sư Ông Làng Mai về thì hai nhóm lại đồng ý tụng giới chung mỗi tháng hai lần như truyền thống vẫn làm từ mấy trăm năm. Điều đó đã làm ấm lòng Phật tử Việt Nam trong toàn quốc và toàn thế giới.

 

Hàng chục Quốc tịch, hàng ngàn thiền sinh tĩnh lặng giữa rừng sồi trong nắng ban mai [ Hè 2006 - (bấm vào hình để phóng lớn) ]

 

Làng Mai yên tĩnh… Mùa thu 2006 này, làng Mai từ ngoài nhìn vào vẫn yên tĩnh như một làng quê Việt nam thời xa xưa. Hôm nay lại là ‘’ngày làm biếng‘’. Những ngày ở Làng Mai có vẻ như rất là bận rộn, khóa tu nầy tiếp nối khóa tu kia như các lớp học, hội thảo, tiếp khách thập phương, các ngày hội làng. Để giữ không khí không bao giờ căng thẳng dù bận rộn mấy thì mỗi tuần ở Làng Mai đều có một’ngày làm biếng ‘’, cho mọi người thức dậy muộn, nằm nghỉ ngơi, tắm, giặt, đọc sách, viết thư riêng, thăm nhau, đi dạo. Mỗi thành viên mỗi tháng có 40 Euro tiền bỏ túi, tiêu vặt; theo giá tiền ‘’đồng’’ trong nước bằng 800.000 đồng, là khá lớn, nhưng ở đây vừa đủ để mua tem, thẻ gọi điện thoại, thiếp chúc mừng, bưu ảnh, chiếc kem, gói kẹo chocolat, túi vải, cuốn sách, bút mực, bàn chài và kem đánh răng…

Thật ra ở Văn phòng làng Mai, các thày cô đang thức khuya dạy sớm, dồn dập công việc. Nhóm tu sĩ Làng Mai như được đào luyện trong trường bách khoa của cuộc đời. Dù anh hay chị có sức học thật cao hay thật thấp ở ngoài đời khi chưa tu, nhưng khi đi tu thì tất cà đều được luân phiên trong nhiều nhóm : nhóm nầy làm việc văn phòng, nhóm kia lái xe, nhóm nọ nấu cơm, làm tàu hủ, trồng rau sạch, làm vườn, lo dọn rừng, dọn cỏ, trồng sen... nhóm khác lo thiền đường, Việc chuẩn bị cuộc hành hương thứ hai vào đầu năm Đinh Hợi (2007) đang rất khẩn trương. Danh sách tăng đoàn, giấy tờ, hộ chiếu, visa. Làm việc với sứ quán Việt nam, với Sứ quán Pháp ở Hànội, đặt khách sạn cho thiền sinh cư sĩ, xin cho tăng thân tu sĩ  tá túc ở các chùa từng Miền... Kế hoạch cho từng ngày của 77 ngày hồi hương, theo chủ đề:’’Bồi đắp gốc rễ, khai thông suối nguồn‘’. Nội dung chính của cuộc trở về này vẫn là hoằng pháp, với một việc quan trọng là tổ chức Đại Trai Đàn, cầu siêu trong cả nước cho tất cả những người Việt anh chị em ta chết trong hơn nửa thế kỷ qua, không kể đứng bên chiến tuyến nào, dưới lá cờ nào, theo đảng phái hay tổ chức chính trị, tôn giáo, địa phương nào. Một cuộc cầu siêu chân thành, sâu sắc. Tôi mong dịp này ai có người thân chết trên biển cả, hay chết trong tù, ngoài Côn Đảo, dưới bom đạn... xin thông tin cho biết tên tuổi, ngày và nơi bị nạn trên biển để làng Mai có thể thống kê và lên danh sách cầu siêu, từ đó may ra biết rõ thêm về sự kiện bi thảm này, vì hiện ước lượng quá xa nhau, từ 20 ngàn đến 500 ngàn, con số nào gần sự thật.

Lại còn việc theo dõi bộ phim ‘’Đường xưa mây trắng‘’ sẽ tiến hành ra sao để lột tả đúng hoặc gần đúng cuộc đời của Bụt, tải được đạo pháp thâm thúy mà tự nhiên, tránh thần bí hóa và chạy theo thị hiếu, nhưng lại hấp dẫn người xem. Việc này không đơn giản, vì bộ phim lớn này sẽ có thể quay với ngoại cảnh ở Ấn độ, Thái lan, Việt nam và Mỹ… ??? Nhân vật đông, nhiều vẻ, cần khung diễn viên có tài nhập vai thật đạt, sống động, tả được cả tăng đoàn theo Bụt lên đến 1.250 đệ tử, với cuộc sống trong rừng rậm, cả một thế giới động vật : voi, hổ, hươu, nai, cừu, trâu, bò, rắn, trăn, cá sấu, thỏ, sóc, thiên nga, phượng hoàng, gà, vịt, chim sẻ, công, sáo… và thiên nhiên hùng vỹ : thác đổ, đồng cỏ, sông Hằng kỳ vỹ, núi tuyết Hymalaya, bầu trời sao và mây trắng …đều có ‘’vai diễn‘’ trong phim.

Ngay trước mắt đoàn tăng thân làng Mai sẽ thiền hành giữa thủ đô Paris ngày chủ nhật 22-10  sau cuộc nói chuyện ở Hội trường lớn Mutualité tối 21-10.

-oOo-

Thật là duyên hạnh ngộ đẹp cho tôi được trở về làng Mai mùa thu năm nay. Cuộc đời còn lại của tôi mang dấu ấn cuộc hành hương ngắn ngủi này. Tự tin hơn, yêu đời hơn. Ăn thức ăn đơn giản mà ngon lành hơn. Tim bị bệnh vì đập thất thường nay ổn định khác hẳn trước. Danh lợi hão huyền coi nhẹ từ 16 năm tan biến hẳn như sương khói. Tôi hết đỏ mặt cao giọng khi tranh luận. Tôi tin hơn ở con đường phi bạo lực, quý trọng gấp bội các chiến sỹ dân chủ trong nước gan góc kiên trì lẽ phải, sự thật và điều thiện, đang nêu gương cho các đảng viên cộng sản còn mê muội sớm từ bỏ tà đạo.

Tạm biệt làng Mai thân thiết, tôi nhớ đến lời Bụt nói với chú bé chăn trâu paria / tiện dân : ‘’con ạ, có những điều đông đảo người tin từ lâu là lẽ phải, vậy mà là tà kiến đấy ! ‘’.  Đó là tà kiến coi tầng lớp paria  nhơ nhớp hơn trâu chó, ai đụng vào họ là bị nhiễm bẩn không sao gột rửa. Như tà kiến gần đây coi đấu tranh giai cấp và bạo lực là thiêng liêng (!), là động lực thúc đẩy xã hội (!), như tà kiến hiện tại coi độc quyền một đảng là chân lý vĩnh cửu (!), bất chấp giá trị dân chủ hiển nhiên của thời đại, bất chấp những kêu gào bất công và oan ức ngút ngàn, ngày đêm vang lên từ ngàn vạn dân oan khắp nông thôn và thành thị quê ta.

Đạo Phật  phải canh tân, đạo Phật phải trẻ lại nhờ có tâm linh hùng mạnh sâu sắc, sẽ biết cách mở ra những cái thấy cạn cợt, cục bộ sai lầm và biết cách khéo léo chửa trị bằng cách thổi làn gió tâm linh vào tâm vô úy (không sợ hãi) mà từ bi của mọi người. Các lực lượng dân chủ và dân tộc nếu có được đời sống tâm linh sẽ kết hợp  được, sẽ đấu tranh chính trị với phục hưng văn hóa, bồi dưỡng tâm linh, đẩy lùi tà đạo và tà kiến, độc đảng và bạo quyền, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt nam luôn quý điều Thiện, chuộng tình huynh đệ, nghĩa đồng bào.

Bùi Tín
Paris. 18/10/2006.

 

TIN SINH HOẠT PHẬT SỰ

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.