.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

  VẤN ĐỀ GIÁO HỘI THỐNG NHỨT 10/2007

Câu Chuyện Đầu Tuần :

Ngã nguyện vô cùng

  • PSN - 1.05.2008

Kính thưa quí ACE Áo Lam, 28/04/2008
Chỉ trong khoảng một thời gian ngắn mà nội tình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị rạn nứt thành trăm, nghìn mảnh từ trong nước ra đến Hải Ngoại. Tờ giáo chỉ số 9 do Viện Tăng Thống ban hành và thông bạch của Viện Hoá Đạo hướng dẫn thực thi kể từ giờ phút đó đã đi vào lịch sử Phật Giáo Việt Nam.

Công trình của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ trong 4 năm qua tưởng chừng như đã về lại dưới mái nhà xưa, với thầy cũ trong toà nhà của Giáo hội Phật Giáo Thống nhất khi còn tại quê hương. Nhưng không, chỉ bốn năm thôi mà thế sự vô thường xảy ra quá chóng, trong cơn mơ hay vô thức chính các vị thầy khả kính ấy lại tự tay viết giấy bãi nhiệm đàn con, tức là đóng kín, khoá chặt cửa từ bi, đuổi GĐPTVN/Hoa Kỳ ra khỏi chùa Phật Giáo Thống Nhất.

Nhớ những ngày tha phương luân lạc, Gia Đình Phật tử theo tiếng gọi đàn đã nhiều phen quần tụ với nhau viết nên những trang Lam sử - Lịch sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại – Hoa Kỳ - Úc Đại Lợi – Âu Châu - Bắc Mỹ… mới đó mà đã trên 30 năm. 30 năm qua ân hưởng Pháp nhũ từ quí thầy Cố vấn giáo hạnh để huân tập và làm tăng trưởng những hạt giống lành. Dù trong cảnh nước mất, nhà tan; cơ đồ Giáo Hội Thống nhất nghiêng ngã; và Gia đình Phật tử đã bao phen đứng lên từ đống tro tàn!

Như cây cỏ len theo ngóc ngách của tảng đá mà vươn mình ra ánh sáng; những đám mạ non xé toang vỏ bọc hạt giống để lên mầm. Những người áo Lam có thể chịu đựng sự khốn khó bần cùng cả đời để giữ Đạo – và Đạo của người áo Lam lấy GĐPT làm phương tiện vào đời. Trước sự nhẫn tâm trừ diệt của những kẻ vô thần, người áo Lam giả ngây, giả dại; tuồng như không thấy, không nghe những điều cấm đoán, đe doạ và chịu đựng bao cơn thử thách trong đời sống để tổ chức GĐPT lại phục hồi tươi tốt như hôm nay.

Nói Gia Đình Phật Tử đứng lên từ đống tro tàn là vì CS đã thẳng tay đốt phá tan hoang toà nhà Giáo Hội, họ bắt quí thầy cầm tù, xử án, lưu đày… để dễ bề thực hiện mưu đồ dựng lập lên một Giáo hội mới. Gia Đình Phật Tử vốn lưu cư từ các nơi tự viện, thiền đường, niệm Phật đường nên nơi nào quí thầy che chở, dung chứa thì nơi đó GĐPT vẫn tồn tại. Từ đây, tuy đa số chư Tăng Ni theo về nhà mới ( quốc doanh ) nhưng Gia Đình Phật Tử Việt Nam chưa có lúc nào vào ngồi trong ngôi nhà này, huống gì là theo chủ nhân ông của nó là Cộng Sản Việt Nam! Tuy nhiên, từ trong mâu thuẫn, bất hoà nội bộ mà một số ít huynh trưởng thấp cơ đã tự tách ra và quy thuận Giáo hội Phật Giáo Quốc doanh trong tư thế Phân ban GĐPT. Phân ban GĐPT do Giáo hội Phật Giáo quốc doanh lãnh đạo, quản lý, điều động và chi phối hầu như tất cả mọi hoạt động của GĐPT cũng chỉ vì trách nhiệm chính trị mà CS giao cho các thầy quốc doanh quá nặng nề.

Gia Đình Phật Tử Việt Nam Quốc Nội và Hải Ngoại luôn tin tưởng nương cậy vào nhau trước tiên là vì nghĩa – tình, sau là vì sự xác tín lý tưởng qua sự hành hoạt, tuy linh động theo nơi dung cư nhưng vẫn cùng chung một Nội qui & Qui chế huynh trưởng GĐPT Việt Nam. Sự hội ngộ năm 2000 của GĐPT VN Quốc Nội và Hải Ngoại tại Hannover-Đức Quốc đã biểu thị sự thống hợp GĐPT là điều cần thiết để liên kết tình thân ái GĐPT Việt Nam khắp các Châu. Xác định công cuộc phát triển GĐPT Việt Nam trên Thế giới phát xuất từ tín đức-duyên lành cần phải gìn giữ và phát triển theo đường hướng chính thống, kế thừa mạng mạch giáo dục Phật giáo nên đã tiến thêm bước kế tiếp là mở Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới ngay tại Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật thành Đạo. Ngày đó tuy 15 huynh trưởng đại biểu từ Việt Nam đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản ngăn chận tại phi trường, nhưng đường điện thoại viễn liên đã giải quyết vấn đề để một Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới thành tựu nhiệm vụ lịch sử của nó. Còn các vấn đề thuộc về hệ thống hành chánh như: Trực thuộc GHPGVNTN qua sự điều động của Tổng Vụ Thanh Niên; Chứng minh, Chủ toạ Đại hội… Tất cả đều theo phép, đúng phép như xưa nay vẫn làm. Quyển Biên Bản Đại Hội dày hơn 200 trang giấy khổ A4 đã phát đi khắp các Quốc gia là một minh chứng, không thể chỉ nói vài lời mà phủ nhận hay công nhận là được.

Vấn đề, hoạt động GĐPT khắp nơi trên thế giới đã có điểm hội tụ để quy về một mối là một sự kiện rất thực để chúng ta cùng cảm thấy rằng GĐPTVN không chấp nhận an phận, chưa bao giờ bị ru ngủ, bị dao động bởi bất cứ một thế lực nào. Việc sẽ đến đã đến; việc khó làm đã làm. Nguy nan, cơ khổ nào mà những người áo Lam chưa từng chịu đựng!

Có điều, muốn tiếp nối, muốn giữ gìn hay muốn truyền trao cho thế hệ kế tiếp thì phải năng động lĩnh xướng, mạnh dạn đi đầu trong mọi phương diện: Cơ cấu tổ chức – Nghiên cứu Tu học – Nghiên cứu Huấn luyện – Nghiên cứu kế hoạch phát triển - Mở rộng phạm vi liên lạc, hoạt động, kết thân – Nghiên cứu đầu tư trong các công trình khảo cứu nâng cao các hình thức hoạt động GĐPT….theo lời bác Tâm Minh-Lê Đình Thám: “ Không có một công trình nào bền vững mà không có sự tham gia của sức trẻ…”

Và cuối cùng là mạnh dạn chuyển giao các công trình này cho các huynh trưởng trẻ để cho tuổi trẻ dứt mất mặc cảm của sự ỷ lại, thiếu trách nhiệm, đố kỵ nhau khi cùng tiến hành Phật sự hoặc cảm thấy những anh chị cao niên đi trước thiếu sự khách quan, công bình…

Dù ngoài kia trời nắng rát da, hay mưa to, gió lớn ta vẫn phải bước đi vì chí nguyện GĐPT không rời khỏi nhân sinh để kiến lập Tịnh độ. Dù Giáo hội thống nhất có chấp nhận hay không thì chúng ta cũng phải nuôi dưỡng đàn em trong tinh thần “thượng cầu hạ hoá” đến nơi đến chốn. Vì tất cả chúng ta, gặp nhau để chung sức xây đắp nên tâm nguyện “ góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo” làm trong sạch cho đời.

“Hư không hữu tận – Ngã nguyện vô cùng”

Trân trọng,
Nhóm áo Lam.

 

Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống (Đức Phật Thích Ca)

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHỨT

Ngày 31 tháng XII năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi.

Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964.

Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo.

Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định.

Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517. 

HIẾN CHƯƠNG 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT 

LỜI  MỞ  ĐẦU 
 
Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc. 

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam. 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.