.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

  VẤN ĐỀ GIÁO HỘI THỐNG NHỨT 10/2007


Tâm thư

Htr. Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN tại Hoa Kỳ

  • PSN - 1.05.2008

Kính gởi: Anh Chị Em Ban Ðiều Hành Trại và Anh Chị Em Huynh Trưởng Trại sinh

Anh Chị Em thân thương,
Không biết Anh Chị em có cảm nghĩ như thế nào về những ngày Tết cổ truyền của năm Mậu Tý vừa qua ? Riêng chúng tôi được may mắn hiện diện trên mảnh đất quê hương Việt Nam yêu dấu trong những ngày Tết…Thật vô cùng sung sướng, thật vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy thân phụ của chúng tôi hình hài gầy mòn, ốm yếu nằm dính chặt trên tâm vải trải giường màu rượu vang đỏ với hững chữ thọ màu đen chen lẫn với những cụm mây trắng rải rác… 

Tiếng chuông trống Bát nhã của chùa làng đổ hồi đón giao thừa. - “ Mai ơi! Chùa cúng giao thừa rồi đó, nhớ đốt nhiều trầm để cúng Phật và đón Ông Bà nghe con” Ôi! Nghe sao ấm cúng quá, nghe sao hạnh phúc quá! Bảy mươi tuổi tròn để còn được nghe cha già 105 tuổi nhắc nhở đốt trầm cúng Phật trong ngày đầu năm, một nghi lễ không bao giờ thiếu của đêm trừ tịch khi cha con chúng tôi còn quấn quýt bên nhau của những ngày tháng dĩ vãng.

Gần suốt cả cuộc đời gắn bó với Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Tổ chức Gia đình Phật Tử Việt Nam, đây là những ngày đầu tiên của một năm mới đã cho chúng tôi cảm nhận được cái hạnh phúc đơn sơ, nhỏ bé nhưng tràn đầy tình phụ tử thâm sâu. Thế mà khi diện kiến Ðức Ðệ tứ Tăng Thống, phủ phục bên chân Ngài lòng chúng tôi đã rúng động bộc bạch: "Ông già của con năm nay đã 105 tuổi, ông đi lúc nào con cũng an nhiên… Nhưng nhìn sức khoẻ của Ôn, của Hòa Thượng Viện Trưởng, của Hòa Thượng Hộ Giác con không làm sao cầm được nước mắt bởi tình hình Giáo Hội thì đang nghiêng ngã, Tổ chức Gia Ðình Phật Tử của chúng con thì đang điêu đứng mà sức khoẻ của Quý Ngài càng ngày càng suy giảm… Lấy ai để gánh vác giang sơn Ðạo Pháp, lấy ai lèo lái con thuyền của Giáo Hội và dẫn dắt chúng con…” Ôn chỉ nở nụ cười từ ái, trìu mến, an ủi, vổ về… Hạnh phúc nào hơn khi có được những phút giây kề cận tâm tình, gởi gấm như thế này. Tình Thầy trò, nghĩa cha con trong đạo còn thắm thiết đượm tình hơn cả tình thâm máu mủ… Và, niềm vui chưa trọn khi hay tin Quyết định giải nhiệm Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ đã được ký bởi chính Hòa Thượng Thích Hộ Giác. Chuyện gì phải đến đã đến, chúng ta đã hình dung và biết được cỗ xe của Giáo Hội đã bị tham vọng cá nhân, chính trị, bè phái tháo mất cái thắng và đang lao với tộc độ khốc liệt về phía trước, những nổ lực ngăn chận đều bị nghiền nát.

Thực tế đã chứng minh hùng hồn điều này. Bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu thao thức, bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu hy hiến, bao nhiêu giải trình, bao nhiêu thỉnh nguyện cũng trở thành nghịch lý… Vì trung kiên, vì hiếu thảo, vì nghĩa tình sâu đậm, vì gắn bó cộng sinh với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và cũng không muốn rưới dầu trong lúc lửa cháy, cũng không muốn vạch áo cho người xem lưng, cũng không muốn tạo thêm kẽ hở để cho những thế lực vô minh chen vào làm cho tình trạng càng thêm phân hóa, tình nghĩa cha con, thầy trò càng thêm mất mát, chia lìa… Chúng ta đành gạt nước mắt im lặng, có miệng mà không thể nói nên lời… Trong nước, Anh Chị em của chúng ta phải im lặng để cho Tổ chức được sống còn, im lặng để cho các em Oanh vũ được đến chùa lạy Phật. Im lặng để con em của Huynh Trưởng được cắp sách đến trường. Im lặng để cho Anh Chị em Huynh Trưởng có công ăn việc làm hầu nuôi dưỡng cha mẹ bệnh hoạn, già nua, vợ con cơ cực lầm than… Chúng ta còn chịu nhiều đau khổ, còn chịu nhiều cay đắng nhọc nhằn, còn chịu nhiều hàm oan tức tửi. Càng biết nhiều, nỗi đau càng chồng chất, ngút ngàn…

Anh Chị Em thân thương,

Những điều chúng tôi sắp chia xẻ với Anh Chị Em hôm nay chỉ mong cầu Anh Chị Em hiểu rõ để giữ vững niềm tin đối với con đường mà Anh Chị Em đã ít nhất một lần quỳ trước ngôi Tam Bảo thành tâm phát nguyện. Chớ đừng vì hiểu biết để sanh tâm ngã mạn, bất kính, xa rời... Chúng ta phải xả thân, nằm xuống để ngăn cản một tai nạn khốc liệt sắp xảy ra cho cha mẹ, bà con chú bác, anh chị em ruột thịt và họ hàng gia tộc của chúng ta. Hình ảnh của con chim Oanh vũ với đôi cánh nhỏ bay xuống dòng sông, nhúng đôi cánh ướt để rảy nước xuống khu rừng cháy rực vì lòng sân hận của ông vua đam mê săn bắn, ra lệnh đốt cháy khu rừng đã gây nên thảm hại cho muôn loài cầm thú. Con chim nhỏ với hành động vô vọng đã làm cho tâm can của nhà vua rung động, ra lệnh cho quan quân dập tắt đám cháy. Chúng ta phải quyết tâm học theo hạnh của con chim nhỏ là quyết tâm dập tắt đám cháy của ngôi nhà Giáo Hội và căn lều của Tổ chức và nguyện cầu cho những người đã gây ra đám cháy hồi tâm để xây dựng lại ngôi nhà khang trang cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam. Chúng ta hãy thành tâm cầu nguyện cho những thế lực vô minh, cho những tham vọng vị kỷ cá nhân, bè phái hãy vì cơ đồ của Phật Giáo Việt Nam, hãy vì hạnh phúc của 84 triệu đồng bào ruột thịt mà vận dụng trí tuệ bát nhã, mở rộng đại từ bi tâm, dõng mãnh nhìn lại chặng đường đổ vỡ vừa qua để rùng mình run sợ mà dừng lại trước khi quá muộn… Hãy để cho Ðức Ðệ Tứ Tăng Thống, Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang được tịnh dưỡng tuổi hạc và thực hiện được ước muốn nhỏ bé của Ngài… Chúng ta phải triệt để thể hiện tinh thần trọng pháp mà ngay như loài cầm thú cũng đã thể hiện. Xin thành tâm sám hối trước Tam Bảo để xin được chia xẻ với Anh Chị em trong ý thức minh mẫn, trong tinh thần trách nhiệm xây dựng, trong ý niệm giữ đúng Châm ngôn và 5 Ðiều Luật của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam trong đó có điều luật thứ 3 – “Phật Tử trao giồi trí tuệ, tôn trọng sự thật”:

1. Tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thành lập là MỘT TỔ CHỨC GIÁO DỤC, lấy giáo lý Phật Ðà làm nền tảng, lấy Thanh, Thiếu, Ðồng niên làm đối tượng cải tạo, lấy tình thương làm phương tiện hướng dẫn, lấy trí tuệ làm sự nghiệp tu tập và lấy dõng mảnh, tinh tấn làm thước đo đà thăng tiến, hướng thượng.

2. Gia Ðình Phật Tử Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập luôn gắn bó CỌNG SINH với Giáo Hội, lấy pháp lý của Giáo Hội làm pháp lý của Tổ chức nhưng có một hệ thống hoạt động riêng biệt được quy định bởi Bản Nội Quy Trình từ Hội để trở thành Bản Nội Quy khi Giáo Hội được thành lập. Xin đừng nhẫn tâm gán ghép Gia Ðình Phật Tử là một Tổ chức trong một Tổ chức. Nói như thế là chưa hiểu gì về tình tự và nề nếp sinh hoạt của Gia Ðình Phật Tử và Giáo Hội. Gần 70 năm gắn bó trong tình nghĩa Thầy trò, Cha con, đây là lần đầu tiên vì tham vọng cá nhân, vì bè phái, vì vô minh nên Gia Ðình Phật Tử đã phải gánh chịu thêm khổ đau trong lúc bản thân của Gia Ðình Phật Tử đã phải gánh chịu không biết bao nhiêu khổ đau, cay đắng của hơn 30 năm qua. Ðừng nhìn sự việc qua lăng kính thế tục mà quên đi sứ mệnh cao quý của Tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, Sứ mệnh được Giáo Hội tín nhiệm giao phó, ủy thác: GIÁO DỤC VÀ GÌN GIỮ TUỔI TRẺ PHẬT GIÁO VIỆT NAM. Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đã lớn mạnh, đã trưởng thành, đã ý thức được trách nhiệm thiêng liêng cao cả của mình để bảo vệ con thuyền đang đưa mình qua sông. Chính vì vậy Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đã xả thân trong những mùa Pháp nạn của những năm 1963, 1966, 1972, sau năm 1975 cho đến bây giờ và mãi mãi về sau khi Giáo Hội đang còn lâm nguy do những thế lực vô minh bên ngoài thì ít mà do ngay những con sư tử trùng thì nhiều.

3. Gia Ðình Phật Tử Việt Nam ngay từ ngày thành lập luôn là tiền đề cho việc thống nhất Phật Giáo Việt nam. Năm 1961, Ðại Hội Thống Nhất Gia Ðình Phật Tử toàn quốc được tổ chức tại chùa Xá Lợi. Vị Trưởng Ban đầu tiên là Thượng Tọa Thích Thiện Hoa thời bấy giờ và trực thuộc, gắn bó với Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Sau cuộc vận động bình đẳng tôn giáo cam go năm 1963, Ðại Hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lẽ ra Gia Ðình Phật Tử là tập đoàn thứ 12 nhưng Gia Ðình Phật Tử chỉ nhận mình là con cái của Giáo Hội, sung sướng được trở thành một Vụ trong Tổng Vụ Thanh niên và Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương đương nhiên là Vụ Trưởng Gia Ðình Phật Tử Vụ. Trong tất cả các Vụ thuộc các Tổng Vụ của Viện Hóa Ðạo chỉ có Gia Ðình Phật Tử Vụ là có Nội Quy sinh hoạt và có hệ thống điều hành từ Trung Ương đến địa phương, và luôn song hành với Giáo Hội vì vậy khi Giáo Hội lâm nguy, hoạt động của Giáo Hội bị tê liệt Gia Ðình Phật Tử Việt Nam chịu chung hệ luỵ nhưng vẫn tồn tại. Và Bản Nội Quy được giới chức đủ thẩm quyền Ðại Diện Viện Hóa Ðạo ký chấp nhận ban hành. Có nghĩa là Giáo Hội tôn trọng những điều khoản được quy định trong Bản Nội Quy. Một trong những điều đó là TRƯỞNG BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG ÐƯƠNG NHIÊN LÀ VỤ TRƯỞNG GIA ÐÌNH PHẬT TỬ VỤ. Như thế, Giáo Hội đã ủy nhiệm cho Ðại Hội Huynh Trưởng toàn quốc chọn lựa công cử Trưởng Ban tức là công cử Vụ Trưởng thay Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên. Vừa sít sao, vừa thực tế, vừa đầm ấm, vừa khế lý, khế cơ… Giả dụ Ðại Hội công cử một Trưởng Ban chưa đáp ứng được yêu cầu của Giáo Hội. Giáo Hội có đủ thẩm quyền không duyệt y thành phần nhân sự đã được Ðại Hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử toàn quốc công cử. Cứ 4 năm Giáo Hội lại duyệt y thành phần nhân sự của Ban Hướng Dẫn Trung Ương một lần. Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đã thể hiện được tinh thần dân chủ, tập thể (Ðại Hội) lãnh đạo cá nhân phụ trách. Cá nhân có những ý đồ bất chính, riêng tư cũng không thực hiện được bởi sự sáng suốt của Ðại Hội. Quá khứ 70 năm qua đã chứng minh hùng hồn điều này.

Từ biến cố 1975 đến nay, Giáo Hội lâm nguy, có những lúc sinh hoạt của Giáo Hội hoàn toàn tê liệt. Gia Ðình Phật Tử trong nước cũng như ngoài nước, được hướng dẫn bởi hàng Huynh Trưởng trung kiên, đã từng sống chết với Giáo Hội trong những mùa Pháp nạn 1963, 1964, 1966, 1972 và cho đến bây giờ đã vận dụng tâm trí lực, chịu thương, chịu khó từng bước để gìn giữ tổ chức và tích cực bảo vệ Giáo Hội… Một Gia Trưởng, Bồ Tát tại gia Viên Lạc Phạm Gia Bình đã hãnh diện mình là một thành viên của Tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, đem thân mạng của mình thắp sáng lương tri của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Một Huynh Trưởng Hạnh Minh Hồ Tấn Anh cũng đã đem thân mạng của mình đốt lên để hỗ trợ cho sự phục hoạt của Giáo Hội, đòi lại pháp lý cho Giáo Hội mà pháp lý của Giáo Hội là Bản Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được Ðức Ðệ Nhất Tăng Thống Ðại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết ban hành và bảo vệ Bản Nội Quy của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam mà những Huynh Trưởng biến chất, thời cơ đã tiếm dụng. Và, từ năm 1975 đến nay Giáo Hội cũng như Gia Ðình Phật Tử chưa có được cơ duyên tổ chức Ðại Hội để tu chính Hiến Chương cũng như Nội Quy. Vả lại, việc tu chính Hiến Chương cũng như Nội Quy trong hoàn cảnh nghiệt ngã của Giáo Hội cũng như trong hoàn cảnh nhiễu nhương của Tổ chức là điều không thuận lợi vì vậy Hiến Chương của Giáo Hội cũng như Nội Quy của Gia Ðình Phật Tử vẫn giữ nguyên trạng như lúc ban hành. Như vậy, việc Giáo Hội tự động công cử Vụ Trưởng có phù hợp với Hiến Chương của Giáo Hội và có phù hợp Bản Nội Quy của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đã dược Giáo Hội chấp nhận ban hành không? - Bản Nội Quy đã được viết lên bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương của hàng hàng lớp lớp Chư Tôn túc Cố Vấn Giáo Hạnh, Chư Huynh Trưởng và Ðoàn sinh quá cố. Bảo vệ Hiến Chương là bảo vệ Giáo Hội; bảo vệ Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng là bảo vệ Tổ chức.

Cái sai lầm bắt nguồn từ việc làm thiếu điều nghiên và tác động bởi những nhân vật thế gian chủ quan, đầy tham vọng quyền lực, cọng với cái gọi là “Huynh Trưởng” biến chất, thời cuộc đã mở màn cho những thảm trạng hoang mang, nghi ngờ, phân hóa cả một Tổ chức có chiều dài lịch sử gần 70 năm với hàng trăm ngàn Huynh Trưởng và Ðoàn sinh từ trong nước ra đến hải ngoại, đã gắn bó với Giáo Hội, sống chết với Giáo Hội trở thành tội đồ của Ðạo Pháp và Dân tộc bởi cái miệng độc hại của thế gian và cái tâm bất chánh đầy tham vọng chính trị của cá nhân bè phái. Biến Giáo Hội từ vị trí thiêng liêng, cao cả vời vợi: Truyền thừa lịch Ðại Tổ sư, lãnh đạo Tăng Tín Ðồ Phật Giáo Việt Nam, công bố lý tưởng Hòa Bình của Ðạo Từ Bi trở thành một đoàn thể đấu tranh chính trị khủng bố tinh thần, thanh trừng nội bộ một cách khốc liệt để bảo vệ đường lối đấu tranh cực đoan, cục bộ, lãnh tụ với giấc mơ hão huyền lãnh đạo quốc gia là việc làm của Lý Công Uẩn chứ không phải là của Thiền sư VẠN HẠNH. Trực diện với bạo lực, thế quyền chúng ta cần học tập tinh thần từ bi, vô úy bất bạo động của Ðức Đạt Lai Lạt Ma hay ít nhất cũng tuyên dương được trí tuệ sáng ngời của người lãnh đạo: "Chúng ta chết như cái chết của chân lý trước bạo lực, chứ không phải bạo lực này chết vì kém bạo lực khác…” (Lời của Thượng Tọa Thích Trí Quang lãnh đạo cuộc vận động bình đăng tôn giáo năm 1963) hay: “Chúng tôi có chết hãy cầu nguyện cho người đã giết chúng tôi…” (Lời kêu gọi của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam – năm 1963).

Anh Chị Em đã hiểu rõ như vậy thì chúng ta phải kham nhẫn để bảo vệ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Bảo vệ Hiến Chương mà Chương mở đầu đã ghi rõ, mục đích, tôn chỉ, lý tưởng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Bảo vệ Nội Quy của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam. Không một ai dù ở vị trí cao cả như thế nào cũng không có thể diễn giải và áp dụng Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Nội Quy của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam một cách tuỳ tiện, khinh xuất. Kinh nghiệm hành hoạt của 70 năm qua đã cho chúng ta một nhận định hết sức chuẩn xác: GIA ÐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM ÐƯỢC TỒN TẠI BỞI GIÁO LÝ CỦA ÐỨC THẾ TÔN CHỨ KHÔNG PHẢI BỞI PHÁP LÝ CỦA THẾ QUYỀN. Một lần nữa chúng ta phải vận dụng và khâm tuân Tâm Thư của Ðức  Ðệ Tam Tăng Thống Ðại lão Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu kêu gọi Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại để vững tin tiền đồ sáng lạng của nền Phật Giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước.

4. Tại Hoa Kỳ, đáp lời hiệu triệu của Hòa Thượng Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Hộ Giác, Ðại Hội hợp nhất Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2004 tại Chùa Diệu Pháp. Bản Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng đã được Giáo Hội phê chuẩn, chấp nhận ban hành, thành phân nhân sự đã được Giáo Hội duyệt y thừa nhận. Ðây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm kể từ Ðại Hội Huynh Trưởng toàn quốc năm 1972 tại Ðà Nẵng Việt Nam. Bản Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng được Hòa Thượng Phó Viện Trưởng kiêm Chủ Tịch Hội Ðồng Ðiều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ - Văn phòng II Viện Hóa Ðạo chấp nhận ban hành đã đặt Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ vào nề nếp, khuôn khổ, kỷ cương, mẫu mực, gắn bó, tình nghĩa… là tiền đề cho Gia Ðình Phật Tử khắp nơi vọng hướng, quy ngưỡng…

- Thay vì triển khai thành quả của tiến trình Hợp nhất Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ và Thống nhất Gia Ðình Phật Tử Việt Nam trên Thế giới để phân định chính danh, chính thống, chính truyền của Tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam: Luôn luôn ở trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cọng sinh với Giáo Hội và là của Giáo Hội - Ðể cùng thực hiện lý tưởng Hòa bình của Ðạo Từ Bi của Ðức Thế Tôn là con đường thênh thang, thánh thiện; lại cho rằng Gia Ðình Phật Tử là sở hữu riêng tư hay ít nhất cũng bị ảnh hưởng riêng tư, có ý đồ riêng tư đen tối phục vụ cho thế quyền là ngõ cụt của trần gian.

- Thay vì hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam vận dụng nhuần nhuyễn tinh thần: Tùy duyên bất biến - Bất biến tùy duyên để cùng Giáo Hội đẩy mạnh công cuộc phục hoạt Giáo Hội là bước đầu trong tiến trình đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam cũng là phần hai của Mục đích của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam: “… Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”.

- Thay vì thừa nhận sự trưởng thành, lớn mạnh vững vàng, nề nếp kỷ cương của Tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam để củng cố, xây dựng đội ngũ tiền phong, xung kích trong công cuộc vận động phục hoạt Giáo Hội mà sự phục hoạt đầu tiên là lấy lại niềm tin của Tăng Tín Ðồ Phật Giáo - Không phải ở Giáo Lý của Ðức Phật mà là sự Thanh tịnh Tăng của hàng Trưởng Tử của Như Lai, của Chư Tôn Ðức thuộc hàng Giáo Phẩm của Giáo Hội… lại đố kỵ, nghi ngờ, hẹp hòi, nhỏ nhen vội vàng ngụy tạo hoàn cảnh, ngụy tạo bằng chứng, ngụy tạo ngôn từ để loại bỏ những thành phần tiến bộ một lòng trung kiên với Giáo Hội.

5. gần 4 năm qua, kiểm điểm lại, đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ - Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo chúng ta đã làm gì để hôm nay Giáo Hội phải đoạn tình, đoạn lý…?! Bao nhiêu cuộc cầu nguyện từ thủ đô Washington DC đến thủ phủ Sacramento California, từ các thành phố Dallas, Houston tiểu bang Texas qua tận Los Angeles của Miền Tây Nam hoa Kỳ, từ thành phố lớn San Francisco, San Jose miền Bắc Cali xuống tận Miền Nam thủ đô người Việt phố Bolsa; từ hàng trăm ngàn chử ký để hậu thuẩn cho lời kêu gọi dân chủ của Hòa Thượng Viện Trưởng đến hàng chục ngàn tấm postcards gởi về toà Đại sứ Việt cọng tại Washington DC để phản đối nhà cầm quyền Hà nội mở chiến dịch bôi nhọ đến Hòa Thượng Viện trưởng. Những hình ảnh đó đã in đậm trong tâm trong trí của những đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, những hình ảnh đó đang xếp lại gọn gàng trong những tập album để chờ ngày đưa vào Lam sử. Xin Anh chị em hãy xem Gia Ðình Phật Tử của chúng ta như là một bình sữa ngọt, các Thầy vì nhu cầu nào đó có đem bình sữa rót ra nhiều ly, thì sữa của ly nào cũng là sữa, cũng sẽ mát lòng cho người uống và có đem đổ sữa lại trong bình, thì sữa vẫn là sữa . . . Hãy thương Anh Chị Em của chúng ta, vì khâm tuân theo quyết định của Giáo Hội phải xa rời Tổ chức, xa lìa anh chị em chúng ta.

Chúng ta có bị cha mẹ từ bỏ, chê bai hư hỏng thì chúng ta vẫn là con của cha mẹ. Cha mẹ có quyền từ bỏ chúng ta nhưng chúng ta tuyệt đối khẳng định: chúng ta vẫn là con của cha mẹ. Cha mẹ có la mắng hãy ngồi xuống để lắng nghe, cha mẹ có đánh đòn hãy nằm xuống để cho cha mẹ đánh đòn, cha mẹ đánh đòn không đau chúng ta phải lo lắng vì sức khoẻ của cha mẹ đã có phần sút giảm, cha mẹ có nặng tay đánh đuổi thì chúng ta phải chạy nhưng cũng chỉ chạy trong ngôi nhà của cha mẹ mà thôi. Chúng ta đừng để cho người đời chê cười cha mẹ chúng ta là người không biết phải trái và chúng ta là những đứa con ngổ nghịch. Cha mẹ có thương mới cho roi cho vọt ! . . . Chỉ có điều trên thực tế đối với Giáo Hội chúng ta là những hội viên tự nguyện, chúng ta là những Duy Ma Cật. Ðối với giáo pháp của Như Lai chúng ta là một Chúng trong bốn Chúng đồng tu. Ðối với Cơ cấu Hệ thống chúng ta hoa Phong Lan làm đẹp trên thân cây cổ thụ chớ không phải cây tầm gởi sống nhờ cây đa. Hoa Phong Lan có hương sắc và sức sống riêng của nó.

6. Giáo chỉ số 9 của Viện Tăng Thống ban hành ngày 08 tháng 9 năm 2008, Thông Bạch hướng dẫn thi hành giáo chỉ số 9 của Viện Hóa Ðạo (điều 3) cùng với lời mở đầu của bản Thông cáo Báo chí như một trận địa chấn số 9 làm sụp đổ và chấn động tận gốc rễ của các Giáo Hội và của Tổ chức Gia Ðình Phật Tử. Giải tán tất cả các Giáo Hội của các Quốc gia và các Châu. Hủy bỏ quyết định số 27 do Hoà Thượng Thích Huyền Quang ban hành ngày 10 tháng 12 năm 1992 về việc thừa nhận Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ: “. . . Hội Ðồng Lưỡng Viện quốc nội rất hoan hỷ sự hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ trong hoàn cảnh rất khó khăn cả trong lẫn ngoài nước. Mong rằng qúy liệt vị Giáo phẩm cao cấp, trung cấp, các vị Cư sĩ Thiện trí thức, Tăng, Ni và Phật Tử các giới Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là GIA ÐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TẠI HOA KỲ cố gắng gìn giữ sự thống nhất này được vững bền để cùng Giáo Hội quốc nội phục vụ nhân loại và chúng sanh sống an vui trong Chánh Pháp, nhất là cố gắng vượt qua pháp nạn thứ hai hiện nay…” là một biến cố tạo khủng hoảng cho Cộng Ðồng Phật Giáo Việt Nam tại Hải ngoại.

- Về mặt tình cảm: Ðã nhẫn tâm dẫm đạp lên lời kêu gọi thống thiết của Đức Đệ Tam Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu ngày nào; đã dẫm đạp lên bao nhiêu tấm lòng, bao nhiêu chí nguyện, bao nhiêu hy sinh, bao mhiêu đóng góp của Tăng tín đồ Phật Giáo hải ngoại, đặc biệt là của Tổ chức Gia Ðình Phật Tử.

- Về mặt pháp lý: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại các Châu lục ở Hải ngoại tương quan với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước trên phương diện tinh thần bởi các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại các Châu lục đều có đầy đủ pháp lý và pháp nhân tại các quốc gia sở tại. Giáo Chỉ chỉ định một Hội đồng mới với 14 chức vụ là những Tổng Ủy Viên. Hậu quả như thế nào anh chị em cũng đã nhìn thấy. Trong 3 tháng, một Giáo Hội bị khai tử một cách độc đoán, một Giáo Hội lại được thành lập một cách độc tôn, bất thường. Bản Quy Chế của Giáo Hội mới được gìn giữ một cách cẩn mật và chức vụ Vụ Trưởng của Gia Ðình Phật Tử Vụ được đề cập đến để chuẩn bị cho việc tự quyết của chúng tôi theo thư yêu của Hòa Thượng Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, và quyết định giải nhiệm của toàn Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ của Hòa Thượng Chủ Tịch. Như một bầy ong vở tổ, Phật sự hay ma sự ? !!!

Anh Chị Em thân mến,

Tâm tình với Anh Chị em để chúng ta cùng san sẻ trách nhiệm lịch sử của chúng ta trong giai đoạn nhiểu nhương hiện tại của Giáo Hội và của Tổ chức. Lịch sử của Dân tộc Việt Nam hay bản thân của chúng ta cũng đã chứng minh hùng hồn: “ Hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai”. Nhân nhắc đến câu thơ của Truyện Kiều, chúng tôi xin kể cho Anh Chị Em nghe vui: Ngày mồng 4 Tết chúng tôi cùng với một số Anh Chị em thuộc Ban Hướng Dẫn Thùa Thiên đến lễ Phật và vấn an Hòa  Thượng Phương trượng chùa Phước Duyên nơi trú xứ của Ðại Ðức Thích Thanh Tuệ đã vị pháp thiêu thân năm 1963 và của Thượng Tọa Thích Thái Hòa hiện tại, sau khi lễ Phật. Anh chị em chúng tôi được Hòa Thượng Phương trượng cho phép mỗi chúng tôi bốc một phong bì đựng trong thùng đặt trước bàn Phật. Chúng tôi mở phong bì, anh chị em xúm lại coi ké, có người nói: “Quẻ này anh xin cho vận mệnh của Gia Ðình Phật Tử chứ không phải của riêng anh đâu nghe”. Chúng tôi vội trả lời: “Ðúng thế, trước khi bốc, tui đã khấn là xin một quẻ đầu năm cho Gia Ðình Phật Tử”. Mọi người nhao nhao, đọc lớn đi. Tôi cười lớn, chưa vội đọc, anh chị em lại nhao nhao hối thúc, đọc đi, đọc đi. Chúng tôi chắp tay, cúi đầu xá Hòa Thượng Phương trượng và đọc lớn:

“Tiếng kêu đã thấu đến Trời,
Bán mình là Hiếu, cứu người là Nhân…”

Xung quanh chúng tôi lại nhao nhao lên: “Ðúng quá, đúng quá…”. Nếu phải xả thân vì sự sống còn của Giáo Hội Phật Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chắc chắn một điều Anh Chị Em chúng ta nói riêng và Tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam nói chung chắc chắn là không từ nam, nhưng lòng “Trời” đã thấu chưa?. “Trời” có thấu là chuyện của “Trời”, chuyện của chúng ta là phải luôn luôn tâm nguyện dõng manh, tinh tấn tu học, kham nhẫn, chịu đựng để phụng sự lý tưởng xiển dương Chánh Pháp và hoàn thành sứ mệnh: GIÁO DỤC TUỔI TRẺ PHẬT GIÁO VIỆT NAM. Một trong những việc làm đó là: Hoàn thành viên mãn chương trình huấn luyện Trại Vạn Hạnh I Hoa Kỳ. Sau hết cái gọi là “Vụ tưởng” (tưởng không có r) của cái gọi là “Huynh Tưởng Cấp Dũng” chỉ là một đoạn phim hoạt họa ngắn của chiều dài lịch sử Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.

Thân ái,
TÂM KIỂM Bạch Hoa Mai

 

Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống (Đức Phật Thích Ca)

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHỨT

Ngày 31 tháng XII năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi.

Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964.

Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo.

Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định.

Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517. 

HIẾN CHƯƠNG 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT 

LỜI  MỞ  ĐẦU 
 
Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc. 

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam. 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.