.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

  VẤN ĐỀ GIÁO HỘI THỐNG NHỨT 10/2007

Chúc thư, Giáo chỉ,
và những vấn đề

  • PSN - 20.08.2008 | Thích Tâm Không

medium_ct.jpgSau một vài bài viết trên mạng vạch rõ âm mưu và những sai lầm của VPII đối với việc tổ chức Lễ Tưởng Nguyện, Thọ Tang và Lễ Chung Thất do nhóm người thiểu số mang danh VPII tổ chức, đã có những cố gắng từ phát ngôn nhân VHĐ ngoài nước để thay đổi, giải thích cho phù hợp, chính danh. Nhưng càng thay đổi và giải thích, lại càng ló ra sự vụng về man trá. Thế nên, cứ theo dõi những “phối hợp” của VPII để có được một “Đại lễ” và để có được hậu thuẫn quần chúng, ai cũng thấy rằng dần dần sự thật đã ló dạng. Một ĐẠI LỄ phối hợp nhiều lễ và mục như sau: 1) Đại lễ Vu Lan, 2) Lễ Chung Thất, 3) Giới Thiệu Triển Lãm Cuộc Đời Đức Tăng Thống, 4) Đàn Tràng Báo Ân cầu nguyện cho người chết và người sống, 5) Khóa Tu Học Mùa Hè của VPII VHĐ (với lực lượng giáo thọ hùng hậu 15 vị theo quảng cáo), 6) Ra Mắt cuốn Kỷ Yếu Về Cuộc Đời và Hành Trạng Đức Tăng Thống, 7) Tuyên đọc Chúc Thư, Giáo Chỉ và 8) Lễ Suy Tôn.

Phổ biến, ra Thông Tư kêu gọi, lên các Đài phát thanh địa phương quảng cáo, giới thiệu trên các trang lưới và báo chí, hội luận để nhắc nhở và giải thích… v.v… bao nhiêu là nỗ lực để lôi kéo Tăng Ni và quần chúng, nhưng cuối cùng, khi “buổi lễ trọng đại” này diễn ra, các nguồn tin từ Phật tử địa phương và ngay cả từ chùa Pháp Luân cho biết: vào ngày 15/8 có 14 người tham dự khai giảng Khóa Tu Học Mùa Hè 2008, học viên ít hơn giáo thọ; ngày 16 và 17/8 số học viên tăng thêm nhờ vào cuối tuần, khoảng 70 người, trong số 70 người này, có một số không ghi danh, mà chỉ vào lớp để dự thính. Đó là chuyện khóa tu học. Còn về Đại lễ quan trọng mà Hội đồng Lưỡng viện “ủy nhiệm” (theo Thông báo của Tỳ kheo Giác Đẳng) thì tập trung khoảng trên dưới 20 Tăng Ni Việt Nam cùng một số Tăng sĩ nước ngoài thuộc hệ phái Nam tông. Trong TCBC thuật lại Đại lễ này, PTTPGQT không dám công bố nhân số Tăng Ni tham dự. Về quan khách và quần chúng tham dự thì nếu không kể đại diện các hội đoàn chính trị, tôn giáo vì lịch sự xã giao mà đến, thì số Phật tử thực sự chỉ là Phật tử Chùa Pháp Luân cùng với các học viên Khóa Tu Học Mùa Hè 2008, có thể đếm được theo các hàng ghế trong chánh điện (cho lễ Chung Thất và Suy Tôn) cũng như nơi số ghế sắp trong hội trường (cho Khóa Tu Học Mùa Hè). Số người tham dự cũng được nhìn thấy rõ qua “Tin ảnh” được đăng trên các trang lưới chính thức của thành viên VPII và giáo hội như Voices of Áo Lam và Chùa Diệu Pháp: cao lắm là 400 cho đến 500 người (trong khi PTTPGQT thì thổi phồng thành 2000 người, phải che thêm rạp ngoài trời! – Kéo hết vào chánh điện cũng còn rộng chỗ thì ai lại đứng ngoài rạp làm gì?).

Số người tham dự thực ra không phải là điểm chính yếu của một Đại lễ. Nội dung buổi lễ và tấm lòng của người tham dự mới là quan trọng. Tuy vậy, khi lấy danh nghĩa của giáo hội, rồi đem cả cuộc đời và uy danh của Đức Tăng Thống ra để mời gọi Tăng Ni và quần chúng nhưng Tăng Ni và quần chúng lại không ủng hộ, không đến tham dự, thì điều này chứng tỏ cái gì? - Chứng tỏ VPII VHĐ chỉ còn có cái tên rỗng mà thôi.

Cũng xét về mặt hình thức, đại lễ gồm nhiều tiết mục “trọng đại” khiến cho toàn thể thành viên VPII phải ra sức cung thỉnh, kêu gọi suốt một tháng bằng nhiều phương tiện mà vẫn không vận động được sự tham dự của số đông chính là bất kính đối với Đức Tăng Thống nói riêng, và đối với GHPGVNTN nói chung. Thể diện của giáo hội được giao cho VPII mà VPII tổ chức như thế đó!

Nay hãy đi vào một số vấn đề liên quan Lễ Chung Thất Đức Tăng Thống tại Chùa Pháp Luân ngày 17/8/2008. Nhìn kỹ các vấn đề này, sẽ hiểu phần nào lý do VPII càng lúc càng bị cô lập, càng bị Tăng Ni và quần chúng bất tín nhiệm, bỏ rơi.

  

ĐẶT CÁI CÀY TRƯỚC CON TRÂU

Chiếu Thông Tư số 200815/VPIIVHĐ/VPTT/HĐĐH/TT/CT và Thư Mời số 200816/VPIIVHD/VPTT/HĐĐH/TM/CT do HT. Thích Hộ Giác ký cùng một ngày 23/7/2008, Chùa Pháp Luân, Houston, Texas tại Hoa Kỳ đã tổ chức tuyên đọc “Di chúc, Giáo chỉ, Suy tôn nhân Lễ Chung Thất Đức Tăng Thống GHPGVNTN” đúng vào ngày 17/8/2008. Thông Tư và Thư Mời được ký ngày 23/7/2008 có nghĩa rằng ít nhất vài ngày trước đó (thuận lợi nhất là 10 ngày, nhân Lễ Tưởng Nguyện và Thọ Tang Đức Tăng Thống tổ chức tại Chùa Diệu Pháp ngày 13/7/2008 có đông đủ thành viên VPII VHĐ), đã có quyết định việc tổ chức Lễ Chung Thất tại Chùa Pháp Luân. Cả hai văn kiện nói trên đều ghi rằng “Trong buổi Lễ này, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo sẽ công bố Di Chúc và Giáo Chỉ của đức cố Đệ Tứ Tăng Thống” (Thông Tư), và  “Tại buổi lễ trọng đại nầy, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo sẽ công bố Di chúc và Giáo chỉ của đức cố Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN” (Thư Mời). Ngoài ra, trong Thông Báo Lễ Chung Thất do TT. Thích Giác Đẳng, trưởng ban tổ chức, không đề ngày tháng (nhưng được đăng trên trang lưới Pháp Luân và Voices of Áo Lam vào ngày 04/8/2008) cũng cho biết rằng vào ngày 17/8/2008, sau khi cử hành nghi thức Lễ Chung Thất theo hai truyền thống Bắc và Nam tông, “tiếp theo là tuyên đọc Di chúc và Giáo chỉ, Đạo từ của Hội Đồng Lưỡng Viện, Lễ Suy Tôn.” Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế (PTTPGQT) cũng phổ biến tin này trong Thông cáo Báo chí ngày 13/8/2008, rồi TT. Thích Giác Đẳng cũng đã nhắc lại trong buổi Phỏng vấn, hội luận về Lễ Chung Thất, Chúc thư, Giáo chỉ và Lễ Suy tôn, nhân dịp Vu Lan tại Chùa Pháp Luân, Houston Texas Hoa Kỳ” do Hoàng Bách, Đài Tiếng Nước Tôi, thực hiện ngày 14/8/2008.

Như vậy, có nghĩa rằng, VPII rầm rộ tuyên bố về việc  tuyên đọc Chúc Thư, Giáo Chỉ trước Lễ Chung Thất chính thức và trước Hội đồng Lưỡng viện trong nước để VHĐ buộc lòng phải thuận theo. Từ điểm này có thể suy ra, một khi VPII đã đọc Chúc Thư và Giáo Chỉ có sửa chữa, có thêm điều mục hoặc chi tiết có lợi cho các thành viên VPII thì VHĐ trong nước, vì tổ chức Lễ Chung Thất sau 5 ngày, cũng sẽ vì thanh danh của Giáo hội mà chấp nhận văn bản đã phổ biến ngoài nước. Đây gọi là “đặt cái cày trước con trâu”.

Để cho “cái cày” này bảo đảm được chấp nhận bởi Giáo hội Mẹ trong nước, VPII cũng chuẩn bị tin tức tung ra nhanh chóng trên báo chí phổ thông bên ngoài. Điển hình là cùng ngày 17/8/2008 nhật báo Người Việt cũng đã cho đăng bản tin về Lễ Chung Thất tại Chùa Pháp Luân, đính kèm Chúc Thư, Giáo Chỉ, với hình chụp lại hai văn kiện nói trên và còn đăng luôn cả nội dung của hai văn kiện này.

 

CHÚC THƯ THẬT VÀ GIẢ, KHÁC NHAU CHỖ NÀO?

Tin nhận được về Lễ Chung Thất tại Chùa Pháp Luân được đăng tải sớm nhất từ nhật báo Người Việt. Trên phương diện báo chí, thời sự, đây là ưu điểm lấy tin và kỹ thuật trình bày, in ấn nhanh chóng của nhật báo, của các phóng viên, rất đáng khen ngợi. Nhưng có điều khó hiểu là vì sao cho đến ngày hôm sau, 18.8.2008, Thông Cáo Báo Chí (đề ngày 17.8) xuất hiện trên trang lưới Quê Mẹ (Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế), mới công bố Chúc Thư (mà không có Giáo Chỉ) bằng bản đánh máy vi tính, vẫn không có văn bản chính. Cơ quan phát ngôn của giáo hội không đăng hình ảnh hay phóng bản của Chúc Thư và Giáo Chỉ nên phải dựa vào phóng bản trong hình của báo Người Việt mà xét. Điều này khá miễn cưỡng, nhưng PTTPGQT không dám đưa ra văn bản chính thì đành vậy thôi.

medium_ct.jpg

Chúc thư và giáo chỉ của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang.
(Hình: Trung Đỗ/Người Việt)

Xét về hình thức, Chúc Thư và Giáo Chỉ trong hình (của báo Người Việt) cho thấy chỉ là một bản phụ (photocopy) vì thủ bút, con dấu và chữ ký đều một màu đen đậm (nếu bản chính thì con dấu phải màu đỏ). Phần chừa lề (margins) của trang 1 rộng hơn trang 2, cho thấy 2 trang này không được chụp lại cùng một lúc, hoặc cùng một máy; chứng tỏ sự ráp nối hơi vụng. Một Chúc Thư sử dụng máy vi tính từ đầu đến cuối trang mới có thủ bút và ấn ký của Đức Tăng Thống: đây là điều mà người nào sử dụng máy vi tính và biết kỹ thuật trình bày đều có thể làm được. Nhưng hãy bỏ qua chi tiết này, vì Đức Tăng Thống già yếu không thể ngồi viết một mạch hai trang dài như vậy cho nên Ngài chỉ ghi ngày tháng và ấn ký không thôi. Điều muốn ghi nhận ở đây là: về mặt hình thức, Chúc Thư thật và giả đều có giá trị ngang nhau (thực ra thì Chúc Thư bị coi là giả - theo PTTPGQT - thì kỹ thuật tinh xảo hơn).

Chính vì có giá trị ngang nhau, không thể kết luận rằng bản Chúc Thư do PTTPGQT phổ biến là thật, cũng không thể nói bản Chúc Thư không do PTTPGQT phổ biến là giả. Theo lẽ thường thì mọi người sẽ tin văn bản từ giáo hội đưa ra hơn là từ những nguồn khác, nhưng PTTPGQT không đại diện được giáo hội, dù mang danh nghĩa cơ quan thông tin hay phát ngôn nhân của VHĐ. Đối với cái nhìn của Tăng Ni và quần chúng Phật tử lâu nay (xin nhấn mạnh: lâu nay, chứ không phải mới đây), PTTPGQT là một cơ quan thông tin láo khoét, bịa đặt, lạm dụng niềm tin của HT. Viện trưởng mà hỗn xược, vô lễ với cá nhân Tăng Ni và các hệ phái khác không trực thuộc giáo hội; một cơ quan gọi là “phát ngôn nhân VHĐ” nhưng lời lẽ thông tin và luận tin rất thấp kém và tiểu nhân, nhỏ mọn, không có được từ tâm, trí tuệ, sự phóng khoáng và ái ngữ của người Phật tử. Thế cho nên, nhìn trên hình thức văn bản, thực và giả, từ PTTPGQT hay từ nơi nào có khác gì nhau đâu! Cũng là một bản đánh máy vi tính rồi ghép thủ bút của Đức Tăng Thống vào bên dưới mà thôi. Nhưng cung cách phổ biến của người gian dối thì sẽ biểu lộ sự gian dối trong nhiều mặt, giấu đầu này lòi đầu kia. Hãy tìm hiểu cung cách của VPII VHĐ trong việc phổ biến Chúc Thư và Giáo Chỉ.

 

DỐI TRÁ VỀ SỰ ỦY NHIỆM

Không những đưa ra chương trình chi tiết cho Lễ Chung Thất, các thông tin của VPII VHĐ cũng nói rằng TT. Thích Giác Đẳng “thừa ủy nhiệm của GHPGVNTN” mà đứng ra tổ chức tại Chùa Pháp Luân. Ở đây không cần phải bàn rộng về sự sai nguyên tắc hành chánh trong việc “ủy nhiệm” này - bởi vì nếu ủy nhiệm thì Hội đồng Lưỡng viện GHPGVNTN trong nước phải ủy nhiệm VPII Viện Hóa Đạo chứ sao lại ủy nhiệm “Tỳ kheo Giác Đẳng” (tên ký dưới Thông Báo) mà Thông Báo này lại được gửi đi trên danh nghĩa “Chùa Pháp Luân”, không có “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ” cũng không có “Văn Phòng II VHĐ”, cũng không nhân danh Tổng vụ trưởng hay Ủy viên, hay Chánh Đại Diện Miền, và gửi đi bằng bưu điện trong bao thư của Chùa Bửu Môn của TT. Thích Huyền Việt! Đúng là bao nhiêu chất xám cô đọng của 10 thành viên VPII VHĐ cũng chỉ được biểu hiện trong hành chánh như thế là cùng!

Điều đáng nói ở đây là sau khi Lễ Chung Thất hoàn mãn, Thông cáo Báo chí từ PTTPGQT lại đăng tin rằng Thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ ký Quyết định số 31 ngày 16.8. uỷ quyền cho Văn phòng II Viện Hoá Đạo tuyên đọc, phổ biến Chúc Thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang tại Lễ Chung Thất.” Như vậy có nghĩa rằng sự ủy nhiệm mà TT. Thích Giác Đẳng cũng như VPII thông báo ròng rã và rất nỗ lực hơn một tháng trước đây chỉ là “ủy nhiệm” dối trá, bịa đặt, không có thực.

Hãy đọc thêm một đoạn từ TCBC lên mạng ngày 18/8/2008, trích đoạn từ Quyết Định số 31 của Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ thay mặt Hội đồng Lưỡng viện (xin viết liền hàng, không xuống giòng): “Thế nhưng mấy ngày qua, nhà cầm quyền địa phương đã đến hạch hỏi về việc tổ chức Lễ Chung Thất này. Đồng thời công an tăng cường và phong toả các ngôi chùa của Giáo hội. Trong hoàn cảnh như thế Hội đồng Lưỡng viện khó bề thực hiện lễ Chung Thất như dự kiến. Do vậy Hội đồng Lưỡng Viện quyết định trong cuộc hop lúc 16 giờ ngày 16.8.2008: 1. Chính thức công bố 2 văn bản: Chúc thư của Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Giáo Chỉ suy cử Đức Phó Tăng Thống. 2. Uỷ quyền Hoà thượng Thích Hộ Giác Phó Viện trưởng VHD kiêm Chủ tịch Văn Phòng II VHD, thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện cho tuyên đọc hai văn bản nêu trên tại cuộc lễ Chung Thất Đức Đệ Tứ Tăng Thống ở chùa Pháp Luân ngày 17.8.2008. 3.Tại chùa Giác Hoa sẽ tổ chức đơn giản Lễ Chung Thất Đức Đệ Tứ Tăng Thống vào ngày 17.8.2008».

Chỗ này có điều thắc mắc: Hội đồng Lưỡng viện trong “hoàn cảnh như thế” nào mà “nhà cầm quyền địa phương” chỉ mới hạch hỏi về việc tổ chức Lễ Chung Thất là đã nao núng, thay đổi hết chương trình dự kiến! Không lẽ Hội đồng Lưỡng viện này khác với Hội đồng Lưỡng viện cang cường bất khuất như trước kia? Hơn nữa, nếu “công an tăng cường phong tỏa các chùa của Giáo Hội” thì dù có tổ chức ở Chùa Giác Hoa hay tổ chức ở Tu viện Nguyên Thiều vẫn cứ bị phong tỏa, thành viên Giáo Hội đâu có ra ngoài tư do đi lại được! Không lẽ nghe nói tổ chức tại Chùa Giác Hoa thì công an sẽ mở vòng vây các Chùa để các thành viên Giáo Hội thư thả lên đường họp mặt và tổ chức lễ Chung Thất? Vậy thì Chùa Giác Hoa do Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký VHĐ không bị phong tỏa hay sao?

Trở lại về sự ủy nhiệm: cho đến 16 giờ chiều ngày 16/8, khi thấy các ngôi chùa của Giáo hội bị “phong tỏa”, Hội đồng Lưỡng viện mới ra Quyết Định số 31 để “ủy quyền” VPII tuyên đọc Chúc Thư và Giáo Chỉ. Thế mà VPII đã thông báo hơn một tháng trước về sự ủy nhiệm này. Vậy thì, một là VPII có thần thông biết trước được chắc chắn đến ngày 16/8 Giáo hội Mẹ sẽ có quyết định ủy nhiệm; hai là VPII móc nối với chính quyền CSVN cố tạo ra hoàn cảnh khó khăn ngăn trở Hội đồng Lưỡng viện “thực hiện lễ Chung Thất như dự kiến” để dẫn đến sự ủy nhiệm; ba là, VPII dối trá, vô phép, qua mặt Giáo hội Mẹ.

Lại thêm một điểm khá “kỳ diệu” trong sự việc “ủy nhiệm” này: Chính quyền địa phương thật khéo sắp xếp! Có vẻ như họ làm việc ăn khớp với VPII nên đã “hạch sách” và “phong tỏa” các chùa của Giáo hội sớm hơn thời gian cần thiết để tạo sự thuận lợi cho VPII giải thích với quần chúng vì sao lại tổ chức Lễ Chung Thất và tuyên đọc Chúc Thư, Giáo Chỉ trước VHĐ trong nước. Chỉ cần chính quyền địa phương phong tỏa trễ hơn một ngày thôi là Hội đồng Lưỡng viện đã không có sự ủy nhiệm kịp thời cho ngày 17/8/2008 – ngày tổ chức Lễ Chung Thất, tuyên đọc Chúc Thư và Giáo Chỉ tại Chùa Pháp Luân, và VPII sẽ mang tiếng là vô phép, qua mặt Giáo hội Mẹ, và cũng mang tiếng là tuyên đọc Chúc Thư và Giáo Chỉ giả (vì PTTPGQT đã từng tuyên bố chắc nịch “Từ đây đến đó (Lễ Chung Thất – chú của người viết), mọi văn kiện tiếm danh Đức cố Tăng Thống đều là tài liệu giả” (trích TCBC ngày 22/7/2008 của PTTPGQT). Hội đồng Lưỡng viện trong nước cũng rất bén nhạy trong việc cấp thời ra quyết định ủy nhiệm này. Nếu chần chừ thêm vài giờ đồng hồ, e là VPII khó mà ăn nói với quần chúng!

 

NHẬN XÉT VỀ HAI VĂN KIỆN DO VPII TUYÊN ĐỌC

Ai là người quan tâm đến Chúc Thư của Đức Tăng Thống và tại sao phải quan tâm?

Tôi đồng ý với Thầy Siêu Phương bên Canada trong bài “Chung quanh Lễ Tang Ôn Tăng Thống, phần II” khi cho rằng có hai nhóm người chính yếu quan tâm đến Chúc Thư của Đức Tăng Thống: một là những người nghĩ đến hiện tình và tiền đồ Phật giáo, hai là những người nghĩ đến địa vị của họ trong giáo hội. Nhưng đối với thành phần thứ nhất, tôi muốn góp ý thêm với Thầy Siêu Phương: thực ra họ cũng không mong đợi là một Chúc Thư có thể xoay chuyển được hiện tình của giáo hội, vì giáo hội này đã hư nát rồi, không thể hồi phục lại như trước được nữa, ngoại trừ từ trên thượng tầng lãnh đạo xuống đến hạ tầng cơ sở đều phải dập đầu vạn lạy sám hối chư lịch đại tổ sư, sám hối với 4 vị Tăng Thống tiền nhiệm và chư liệt vị thánh tử đạo, rồi cùng ngồi lại với nhau trong tinh thần tương kính, tương thuận. Có thể suy nghĩ của tôi có hơi bi quan, xét theo cái nhìn của một người sinh hoạt ở Úc, khác với ở Canada chăng? Nhưng quả thật là tôi không có chút hy vọng gì đối với Chúc Thư, dù là Chúc Thư thật. Tự xét cảm giác của mình như vậy, tôi nghĩ là đa số Tăng Ni và cư sĩ thuộc GHPGVNTN Hải ngoại cũng chỉ mong đợi là Chúc Thư của đức Tăng Thống nếu có, sẽ mang tinh thần của Ngài: khuyến tấn những người ở lại nỗ lực tu tập, hành đạo và phục vụ giáo hội đúng theo Hiến chương, giữ được đường hướng thuần nhất là phụng sự nhân loại và dân tộc. Chỉ cần như vậy là đủ chứ Ngài không cần sắp xếp, ủy nhiệm, ủy thác, đề cử, suy cử, khen ngợi bất cứ cá nhân nào cả. Bởi vì mọi sắp xếp về nhân sự trong các văn kiện của Ngài lúc còn sinh tiền hay sau khi về với Phật, cũng chỉ là gán ghép của một thiểu số trong giáo hội từng mượn danh Ngài. Mà sự sắp xếp này, không làm trang nghiêm thêm cho giáo hội, không khiến cho Phật sự của giáo hội thông suốt hơn. Chỉ có điểm đó là Tăng Ni quan ngại. Họ thà rằng Đức Tăng Thống không để lại Chúc Thư, vì có văn kiện, có tài liệu, thì nhóm người thiểu số còn có cơ hội mượn danh Ngài để thực hiện những mưu đồ thấp kém, nhưng lại làm ô danh chính Ngài, một bậc hiền giả cao quý của Phật giáo Việt Nam đương đại.

Bây giờ hãy thử nhận định về hai văn kiện được cho là của Đức Tăng Thống để lại.

* Trước hết là Chúc Thư, trên nguyên tắc, áp dụng chung cho mọi người, chỉ có thể mở ra và tuyên đọc sau khi người viết chúc thư qua đời. Điểm này Hội đồng Lưỡng viện tôn trọng, cho nên đã giữ Chúc Thư của Đức Tăng Thống từ tháng 01/2005 đến nay mới chính thức công bố. Nhưng hình thức và thời điểm công bố thì có cái gì không được bình thường. Đúng ra không cần phải chờ đến lễ Chung Thất. Lý do gì phải chờ đến lễ Chung Thất? Di chúc của Đức Đệ Tam Tăng Thống do môn đồ pháp quyến dâng HT. Thích Huyền Quang năm 1992 có cần phải chờ 49 ngày không? Trong hoàn cảnh mà giáo hội ta nói là bị bức bách, khủng hoảng, bị chính quyền cộng sản “quyết tâm triệt tiêu”, bị “chiến dịch nước lũ” chực chờ quét sạch… thì phải khẩn cấp mà mở Chúc Thư may ra có thể có đôi điều cố vấn của bậc lãnh đạo tối cao mà giải quyết việc lớn trong thời chiến chứ sao lại chờ 49 ngày giống như thời bình? Có phải là chờ đợi sự xuất hiện của một Chúc Thư viết sau Chúc Thư 17/01/2005 có thể xảy ra hay không? Hay là chờ đợi điều chỉnh Chúc Thư 17/01/2005 sao cho trong ngoài hợp ý?

Và trong sự lo âu phấp phỏng không biết có Chúc Thư nào ngoài Chúc Thư 17/01/2005 hay không, nhóm người thiểu số đã giả vờ tung ra những Chúc Thư giả để vừa thăm dò, vừa gán ghép vấy tội cho người mình không thích, vừa chận đứng Chúc Thư thật. Đây là điểm mà Thầy Siêu Phương có nói trước, tôi cũng nghĩ vậy. Đúng là thời đại pháp nhược ma cường! Ban đầu họ giả vờ tung ra một chúc thư giả cố ý vụng về, khó tin, để thăm dò xem có Chúc Thư thật nào xuất hiện không. Sau nhiều ngày không thấy động tĩnh, họ mới tung ra Chúc Thư (tạm gọi là Chúc Thư 1) giống như Chúc Thư mà họ có trong tay (tạm gọi là Chúc Thư 2), nhưng có sửa đổi 2 điểm (không thể xác định là Chúc Thư 1 đưa thêm vào 2 điểm này hay là Chúc Thư 2 bỏ bớt đi).

Hãy đọc TCBC của PTTPGQT để thấy những xảo mưu của kẻ tiểu nhân, của kẻ chuyên môn vừa ăn cướp vừa la làng qua sự việc Chúc Thư (thật và giả) này: “Ba ngày vừa qua, một văn bản Chúc Thư giả thứ hai lại tung ra trên mạng Internet. Lần này, bọn người làm giả như có trong tay văn bản chính, nhưng cố ý viết thêm thành 6 điều thay vì chỉ có 4 điều trong Chúc Thư thật. Sự thống nhất trong hai văn bản Chúc Thư giả tung ra là công cử «Thượng toạ Thích Tuệ Sỹ làm Viện trưởng Viện Hoá Đạo». Ông Ái kêu gọi đồng bào Phật tử, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí có mặt đông đảo tại chánh điện chùa Pháp Luân hãy cảnh giác âm mưu ly gián và gieo rắc hoang mang qua những Chúc Thư giả và những bài viết nặc danh tung lên mạng Internet thời gian qua” (trích TCBC của PTTPGQT ngày 18.8.2008).

“Bọn người làm giả như có trong tay văn bản chính”. Chữ “bọn” này là ngôn ngữ của phát ngôn nhân VHĐ đã từng dùng trước đây qua nhiều văn bản và hội luận để gọi Hội Thân Hữu Già Lam, Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại và chư tôn đức Tăng Ni tham dự Ngày Về Nguồn, cũng như chư tôn đức trong Cộng Đồng PGVN tại Hoa Kỳ. Ở đây, có thể tạm chấp nhận cách gọi của ông đối với những người “làm giả” vì có thể là người thế tục, nên ông phát ngôn nhân muốn gọi sao cũng được, chỉ là thiếu lịch sự và nhã nhặn thôi, chứ không đến nỗi là hỗn láo vô lễ như đối với Tăng Ni.

Lý do gì phát ngôn nhân VHĐ lại nói là “bọn người làm giả như có trong tay văn bản chính”? Văn bản chính của Chúc Thư Đức Tăng Thống không lẽ Hội đồng Lưỡng viện không có mà lại lọt vào tay người vô danh nào đó? Chuyện lạ! Vậy văn bản phụ từ đâu mà có? Khi nắm trong tay văn bản phụ (bản photocopy) thì phát ngôn nhân phải biết bản chính do ai giữ chứ sao lại phát ngôn vu vơ như thế, có phải là muốn kết tội người giữ bản chính hay không? Hiện nay mọi người đều nghĩ rằng HT. Viện trưởng giữ bản chính và VPII giữ bản phụ. Vậy phải chăng phát ngôn nhân VHĐ muốn ám chỉ HT. Viện trưởng đã tung ra Chúc Thư giả hay sao? Nếu “bọn người làm giả” không có trong tay Chúc Thư (bản chính hay bản phụ) thì làm sao họ có thể tung ra một chúc thư giả với hai điểm “thêm vào” như phát ngôn nhân VHĐ tố giác? Nếu họ thực sự có trong tay Chúc Thư (chính hay phụ) giống như PTTPGQT thử hỏi ai là người đã cung cấp, tiết lộ ra ngoài sớm cho họ? Về điểm này, có thể hỏi TT. Thích Viên Lý, Tổng thư ký VPII và là Phó tổng thư ký VHĐ quốc nội. Xin hỏi văn thư tài liệu từ VHĐ đưa ra hải ngoại sẽ đi thẳng đến phát ngôn nhân ở Paris hay là đi qua Văn phòng Tổng Thư ký trước? Nếu đi thẳng qua phát ngôn nhân VHĐ thì Tổng thư ký vô can trong việc tiết lộ văn kiện “mật” của giáo hội, và đồng thời có nghĩa là chức vụ Tổng Thư ký chỉ là bù nhìn (thế mà cứ cố thủ trong giáo hội bao nhiêu năm, ngậm miệng chịu nhục trước sự thao túng của “tục nam” phát ngôn nhân để giữ cái ghế bù nhìn ấy). Nếu qua Văn phòng Tổng thư ký trước rồi mới chuyển qua phát ngôn nhân VHĐ bên Paris sau, thì cả hai văn phòng này đều có giữ Chúc Thư trước khi công bố, và cả hai đều khả nghi là có nội gián của các thế lực chính trị, tình báo, ngoại đạo… cài vào. Không tin là có nội gián thì không lẽ chính hai đương sự, đặc trách hai văn phòng đón nhận tài liệu của giáo hội, là những người đã “làm giả” hoặc cung cấp cho kẻ khác “làm giả”. Đó là hai văn phòng ở hải ngoại, còn trong nước thì có TT. Thích Viên Định, Tổng Thư ký. Nếu HT. Viện trưởng giữ kín Chúc Thư không tiết lộ cho đến lễ Chung Thất mới mang ra thì ai là người đi photocopy và gửi qua cho phát ngôn nhân hoặc TT. Thích Viên Lý? Còn nếu HT. Viện trưởng trao Chúc Thư cho Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký VHĐ chuyển đạt cho VPII thì vị Tổng Thư ký này hoặc văn phòng của vị này cũng là chỗ khả nghi đã tiết lộ thông tin của giáo hội ra ngoài trước Lễ Chung Thất.

Nếu không ai tin chuyện “làm giả” hoặc cung cấp tài liệu cho kẻ khác “làm giả” là do chư tôn đức Tăng trong giáo hội thì người đưa ra Chúc Thư giả đích thị là phát ngôn nhân VHĐ rồi còn gì! Đây là vị tục nam duy nhất mà qua hành xử, ngôn ngữ của đương sự từ nhiều năm nay (với các “thành tích” không che giấu được: lộng giả thành chân, bóp méo sự thật, tự đại tự tôn, đố kỵ tài năng, xảo quyệt và ác tâm, giả trang quân tử…) thích hợp nhất với trò tiểu xảo “làm giả” và “vừa ăn cướp vừa la làng”. 

* Nay hãy nói qua về Giáo Chỉ. Ban tổ chức “Chúc Thư, Giáo Chỉ, Suy Tôn” nhân Lễ Chung Thất Đức Tăng Thống đã rất là “khéo léo” khi ra Thông Báo lập lờ về Lễ Suy Tôn này. Đọc kỹ Thông Báo chỉ thấy 3 chữ vắn tắt “Lễ Suy Tôn”, không biết là suy tôn ai, suy tôn giáo phẩm nào (Tăng Thống, Phó Tăng thống, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung Ương, Hòa thượng, Thượng tọa… các giáo phẩm này trước năm 1975 đều phải qua lễ suy tôn của giáo hội). Ngoại nhân đọc tin tất sẽ đoán rằng suy tôn Tăng Thống, vì Tăng Thống mới viên tịch để lại Chúc Thư, hẳn là phải suy tôn tân Tăng Thống. Với lối “quảng cáo” lập lờ như vậy, Ban Tổ Chức đánh động hiếu kỳ của một số người đến tham dự, và có thể gạt được một số người chú mục dõng tai chờ đợi. Chính vì lối quảng cáo như trên, một trang lưới khá nổi tiếng ở Hoa Kỳ tên là Calitoday cũng nhầm lẫn và đã đăng tin vào ngày 17/8/2008 như sau (xin viết liền hàng, không xuống giòng): Trong một buổi lễ được tổ chức tại Houston tiểu bang Texas, nhân 49 ngày của đức đệ tứ Tăng Thống Đại Lão Hoà Thượng Huyền Quang, di chúc của vị Hoà Thượng từng lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được công bố, cho thấy Hoà thượng Huyền Quang chỉ định Hoà thượng Quảng Độ trong vai trò người kế vị mình. Trong một thông điệp được thâu âm sẵn, vị Tăng Thống mới của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phát biểu rằng ngài cam kết theo đuổi ước mơ của vị tiền nhiệm, là vinh danh nhân quyền cho con người cùng dân chủ cho xã hội. Đức Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ cũng cam kết theo đuổi cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo và tự do chính trị, trong tinh thần hoà bình.” (trích Calitoday, ngày 17/8/2008, bài “Hòa thượng Thích Quảng Độ trở thành người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất”). Nhưng họ đã lầm. Lễ Suy Tôn được quảng cáo mập mờ nói trên là Lễ Suy Tôn Phó Tăng Thống qua Giáo Chỉ số 001/VTT/GC/TT ký ngày 20/2/2008 với ấn ký của Đức Tăng Thống. Giáo Chỉ số 1 không thấy PTTPGQT hay bất cứ cơ quan truyền thông nào thuộc VPII đăng tải (chỉ có nhật báo Người Việt độc quyền đăng vào ngày 17/8/2008. Chuyện cũng lạ!).

Việc suy tôn HT. Thích Hộ Giác lên ngôi vị Phó Tăng Thống (Nam tông) đúng Hiến chương GHPGVNTN, không có gì phải thắc mắc. Ngay cả Ngài có lên ngôi vị Tăng Thống vẫn được, không quan hệ gì, vì sự kiện “lên ngôi” của Ngài không làm cho giáo hội hay Phật giáo được trang nghiêm sáng giá thêm chút nào. Điểm muốn nói ở đây là giá trị của Giáo Chỉ.

Về hình thức văn bản hiện nay, Giáo Chỉ số 001 chỉ có trên nhật báo Người Việt, mà không có trên bất cứ cơ quan ngôn luận của giáo hội. Vậy Giáo Chỉ này không giá trị.

Về thời gian, Giáo Chỉ số 001 này đã ký từ ngày 20/02/2008, nửa năm trước ngày công bố, qua đó, ở Điều 2, chỉ thị “Hội Đồng Điều Hành VPII VHĐ, GHPGVNTN và các Châu lục có nhiệm vụ tiến hành lễ suy tôn Hòa Thượng Phó Tăng Thống trong thời gian tuần lễ Phật Ðản.” Nhưng Lễ Suy Tôn do VPII tổ chức lại quá trễ, vào dịp Vu Lan thay vì Phật Đản. Như vậy, một là VPII “bất khâm tuân” Giáo Chỉ, không tiến hành đúng chỉ thị khi Đức Tăng Thống còn sinh tiền; hai là, Giáo Chỉ này không được Đức Tăng Thống chuẩn y nên VPII chờ đợi Ngài viên tịch mới mượn danh Ngài để đưa ra Giáo Chỉ với ấn ký của Ngài. Lý do nào mà nói vậy? - Trước hết, hãy đọc qua Giáo Chỉ, nguyên văn trích lại từ nhật báo Người Việt, ngày 17/8/2008 (xin in kiểu chữ khác để dễ phân biệt):

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG

Tu viện Nguyên Thiều - Tỉnh Bình Ðịnh
Phật lịch 2551 - Số 001/VTT/GV/TT
TĂNG THỐNG ÐỆ TỨ
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

- Chiếu chương IV các điều 8, 9, và 14 Hiến chương GHPGVNTN tu chính ngày 12.12.1973, bởi Ðại Hội GHPGVNTN khóa V.

- Chiếu văn thư của Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, đệ trình nguyện vọng của Chư tôn Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, thỉnh cầu tôn ý Ðức Tăng Thống suy cử Hòa Thượng Thích Hộ Giác lên ngôi vị Phó Tăng Thống, ngày 14.02.2008.

- Chiếu nhu cầu Phật Sự.

GIÁO CHỈ

Ðiều 1: Nay suy cử, Hòa Thượng Thích Hộ Giác (Nam Tông)
Hội đồng giáo phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống
Chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành VP II VHÐ GHPGVNTNHN
Chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ, lên ngôi vị Phó Tăng Thống GHPGVNTN.

Ðiều 2: Hội Ðồng Ðiều Hành Văn Phòng II VHÐ, GHPGVNTN tại Hoa Kỳ, và các Châu lục có nhiệm vụ tiến hành lễ suy tôn Hòa Thượng Phó Tăng Thống trong thời gian tuần lễ Phật Ðản.

Ðiều 3: Văn Phòng Viện Tăng Thống, Ban Chỉ Ðạo VHÐ, Hội Ðồng Ðiều Hành Văn Phòng II VHÐ GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ, Hòa Thượng Thích Hộ Giác, chiếu nhiệm vụ thi hành giáo chỉ này.

Tu Viện Nguyên Thiều, ngày 20.02.2008.
(Chữ ký - Ðóng mộc trong bản chính)
Tỳ kheo Thích Huyền Quang

Nơi nhận:
- Văn phòng viện tăng thống
- Ban Chỉ Ðạo Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN
- VP2 VHÐ GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ
- Hòa Thượng Thích Hộ Giác.
“Ðể chiếu hành”
- Hồ sơ lưu.

Nếu Đức Tăng Thống đã chuẩn y việc suy cử HT. Thích Hộ Giác chiếu theo văn thư đệ trình của HT. Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, thì không có lý do nào Ngài không ban hành Giáo Chỉ ấy. Giáo chỉ này đâu phải niềm riêng của Ngài mà ôm theo cho đến khi viên tịch mới công bố như là Chúc Thư!

Cho nên, hãy đặt trường hợp thứ nhất là Đức Tăng Thống có chuẩn y và ban hành Giáo Chỉ từ ngày 20/2/2008, tại sao đến sau khi Ngài viên tịch mới công bố? Phải chăng có vấn đề tranh cãi, bất phục trong Hội đồng Lưỡng viện, hoặc từ thành viên VPII (như HT Thích Chánh Lạc – vì cái ghế Chủ tịch nhiều năm nay HT. Thích Hộ Giác không buông nay lại thêm ghế Phó Tăng Thống thì lòng sao yên được!). Ngôi vị Phó Tăng Thống và Tăng Thống là tối cao đức hạnh của giáo hội, được suy tôn từ hàng trưởng lão trong Hội đồng Giáo phẩm Trung ương theo Hiến chương, nếu có sự bất phục và bất tín nhiệm từ cá nhân hoặc một số thành viên nào trong Hội đồng, ngôi vị này không thành. Chắc hẳn là có sự tranh cãi gay gắt lắm về Giáo Chỉ này nên mới bị “ngâm” cho đến ngày 17/8/2008 mới công bố! Đây cũng là lý do Ban tổ chức không dám nói rõ ra là Lễ Suy Tôn ai, ngôi vị nào. Biết trước e có người chống. Điểm này cũng có thể được nhận ra qua Quyết Định số 31 do HT. Viện trưởng ký. Chính HT. Viện trưởng cũng có vẻ mơ hồ đối với Giáo Chỉ này. Ngài không biết đây là Giáo Chỉ số mấy, cũng không nắm vững được nội dung Giáo Chỉ này nhằm tấn phong hay suy tôn ai, ngôi vị nào, nên Ngài chỉ nói chung chung: Do những áp lực ngoại tại ngăn cấm không cho Phái đoàn Giáo hội về Tu viện Nguyên Thiều tổ chức lễ Chung Thất Đức cố Đệ tứ Tăng thống như đã dự trù. Nên Hội đồng Lưỡng Viện lấy quyết định sẽ tổ chức tại Saigon và cùng thời gian với Văn phòng II Viện Hoá Đạo tại Chùa Pháp Luân, thành phố Houston, bang Texas, ngày chủ nhật 17.8.2008, để công bố Chúc thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống về việc thỉnh cử nhân sự trọng yếu vào Hội đồng Lưỡng Viện” (trích từ TCBC ngày 17/8/2008, Quyết định số 31, ngày 16/8/2008). Tuy nhiên, có người cho rằng Quyết Định này cũng không có thật, vì không thấy PTTPGQT đăng tải nguyên văn và chụp lại như các Giáo chỉ và Quyết định trước đây. Quyết Định số 31 là ý tưởng cấp thời do VPII nghĩ ra chỉ nhằm giải thích và làm cho Lễ Chung Thất tại Chùa Pháp Luân được chính danh, hợp lý mà thôi. Mà nếu Quyết Định này chỉ là tiếm danh HT. Viện trưởng để ban hành thì cách phát biểu của người “làm giả” (Quyết Định) cũng rất ma mị, dối trá để qua mặt những người bất phục việc suy tôn Phó Tăng Thống. Sao không nói thẳng là “Giáo Chỉ số 001 suy tôn HT. Thích Hộ Giác lên ngôi vị Phó Tăng Thống” mà lại nói lập lờ cho HT. TCL nuôi thêm hy vọng! Tuy nhiên, cũng hy vọng rằng có thể xảy ra trường hợp là HT. Thích Hộ Giác, đã không dám nhận ngôi vị Phó Tăng Thống vì khiêm nhường tự xét không đủ đức hạnh, và việc từ chối đã khiến cho việc ban hành Giáo Chỉ đình hoãn đến nay. Nếu có trường hợp này thì quả là phước hạnh cho giáo hội.

Còn giả như ở trường hợp thứ hai, Đức Tăng Thống không chuẩn y mà bây giờ lợi dụng lúc Ngài nằm xuống để đưa ra với ấn ký của Ngài thì quả thật là điều vô phép, không thể tha thứ được. Với một trong hai lý do kể trên, Giáo Chỉ số 001 không giá trị.

Để kết thúc, xin mượn một câu trong kinh sách Phật mà ai cũng biết: Chánh Pháp nếu được tuyên xưng bởi những kẻ ngụy trá thì Chánh Pháp cũng trở thành tà pháp.

Chúc Thư và Giáo Chỉ do VPII tuyên đọc thật hay giả không quan trọng. Nếu phải bày ra bao nhiêu xảo mưu và gian dối để khiến kẻ khác tin thì nó không có giá trị.

 

Úc đại lợi ngày 19 tháng 8 năm 2008
Thích Tâm Không

 

Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống (Đức Phật Thích Ca)

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHỨT

Ngày 31 tháng XII năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi.

Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964.

Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo.

Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định.

Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517. 

HIẾN CHƯƠNG 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT 

LỜI  MỞ  ĐẦU 
 
Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc. 

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam. 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.