.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                   TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 

 
Một buổi sáng tại tu viện Lộc Uyển
 

  • PSN - 5.12.09 | Chánh Minh

Mỗi lần Thầy Nhất Hạnh sang hoằng Pháp tại California, tôi luôn luôn dành một ngày cuối tuần xuống tu viện Lộc Uyển để chỉ cần nhìn thấy Thầy còn khỏe mạnh và nghe tiếng Thầy nói là tôi thấy hạnh phúc. Có hôm tôi ngồi gần cuối thiền đường Thái Bình Dương, chỉ nghe âm thanh Thầy phát ra, nhưng không nghe rõ nội dung Thầy nói gì, thế mà tôi cảm đầy đủ lắm rồi!

Ba Thầy mà tôi được biết hầu như cùng tuổi 84 đó là các Thầy: Nhất Hạnh, Thanh Từ và Mãn Giác. Ba Thầy rất thân nhau và tương kính. Thầy Mãn Giác ở Mỹ thì đã ra đi chuyển nghiệp mấy năm trước, còn lại Thầy Nhất Hạnh ở Pháp và Thầy Thanh Từ ở Việt Nam. Thầy Thanh Từ, người đã xiểng dương Pháp môn thiền của phái Trúc Lâm Yên Tử do Vua Trần Nhân Tông khai sáng, suốt mấy chục năm đi hoằng pháp ở trong nước cũng như nước ngoài, nay cũng đã yếu hơn Thầy Nhất Hạnh và đã nhập thất tu tại Trúc Lâm Đà Lạt kể từ năm 2002. Thầy Nhất Hạnh hầu như mỗi hai năm đều sang Hoa Kỳ hướng dẫn các khóa tu cho người Mỹ lẫn Việt. Thông  thường mỗi lần đến Lộc Uyển, tôi chọn ghế ngồi phía sau như người đến trể, chứ không dám bén mảng đến các hàng đầu vì tôi nghĩ những chỗ đó để dành cho những người đến tu học hoặc các đệ tử của Thầy. Nhưng lần này tôi nói với nhà tôi, tôi muốn ngồi phía trước để nhìn được Thầy rõ hơn và chụp một hình thật rõ vì biết đâu sau này sẽ không còn dịp. Nhà tôi hoàn toàn đồng ý vì muồn nghe Thầy giảng rõ ràng, vả lại ngồi sau thỉnh thoảng có người vào ra gây tiếng động nên dễ phân tâm. Trong cuộc đời tôi có 2 lần duyên may được nhìn gần Thầy. Lần thứ nhất cách đây khoảng gần 30 năm khi tôi tham dự một lớp tu học với Thầy do các văn nghệ sĩ miền Nam Cali tổ chức ở trong vùng núi San Diego. Có lẽ đây là lớp học đầu tiên ở Cali do anh nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, một đệ tử của Thầy tổ chức. Lớp học 5 ngày nhưng tôi chỉ tham dự 3 ngày cuối tuần. Hôm đó tôi đến với một người bạn trẻ Công Giáo làm cùng sở vào chiều thứ Sáu. Lúc đến nơi, người đầu tiên chúng tôi gặp là Thầy Nhất Hạnh và nữ ca sĩ Hà Thanh, vì là giờ nghỉ nên chúng tôi có cơ hội ngồi nói chuyện với Thầy độ 15 phút trước khi bắt đầu lại giờ thiền buổi chiều. Tôi đã đọc sách Thầy từ Việt Nam trước năm 1975, nhưng đây là lần đầu tôi nhìn thấy và nói chuyện với Thầy. Tôi còn nhớ tôi đã nói với Thầy: "Tôi đã đọc hai tác phẩm của Thầy mà tôi thích nhất, đó là Văn Lang Dị Sử và Việt Nam Phật Giáo Sử Luận đều ký tên Nguyễn Lang thay vì  Nhất Hạnh". Thầy chỉ mỉm cười thật hiền từ. Mới đây Thầy gửi hai bức thư ngỏ, một cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và một cho các vị trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước, ký tên Nguyễn Lang. Một số quý vị có lẽ chưa từng đọc hai tác phẩm trên, nên không biết Nguyễn Lang là ai, nhưng khi biết được tác giả hai bức thư trên là Thầy Nhất Hạnh qua báo chí lại tỏ ý trách Thầy sao không dùng tên Thích Nhất Hạnh, cái tên mà cả thế giới đều biết. Thật ra họ không hiểu dụng ý của Thầy khi dùng bút hiệu Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận mà nhiều học giả ở Việt Nam cũng như nước ngoài đều biết. Theo Sư cô Chân Không trả lời phỏng vấn của đài VOA: “Việc ký tên với tư cách sử gia, và học giả để muốn nhắc Chủ tịch nước nhớ rằng Việt Nam ở giai đoạn này đang nằm trên mốc của lịch sử. Mình có hai nghìn năm trước rất rõ chi tiết. Và thế hệ về sau sẽ noi gương và ghi dấu chính phủ ông Nguyễn Minh Triết đã đối xử với nhà chùa như thế nào”.  Ngoài ra Thầy dùng bút hiệu Nguyễn Lang là có ý nói với ông Nguyễn Minh Triết, vấn đề Bát Nhã là của chính quyền Việt Nam, do đó Thầy muốn giải quyết ở trong nước trước. Nếu chính quyền không giải quyết được, lúc đó Thầy mới nhờ nước ngoài, lẽ dĩ nhiên Thầy sẽ dùng tên chính thức Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Sáng Chủ nhật vừa rồi (27-09-2009) tại Lộc Uyển là lần thứ hai tôi ngồi đối diện với Thầy và có dịp quan sát gương mặt Thầy. Tôi thấy Thầy gầy và xanh hơn có lẽ bệnh nhiễm trùng phổi của Thầy cách đây gần 2 tháng trong chuyến hoằng pháp ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ vẫn chưa lành hẳn, tuy đôi mắt Thầy vẫn sáng quắt như thu hút người đối diện.  Tiếng nói Thầy cũng yếu hơn, có lúc tôi cố gắng nghe nhưng không rõ lắm. Cũng may Thầy đã dùng bút marker để viết lên bảng nên thính chúng ở xa có thể theo dõi.

Thầy giảng "Chánh niệm" với ví dụ về hai vợ chồng mất hạnh phúc đã lâu nhưng nhân khi chồng đi công tác xa tận New York, người vợ ở nhà tình cờ tìm thấy những lá thư mà ông chồng đã viết cho bà từ mấy chục năm trước đuợc cất dấu trong hộp bánh LU và bà đã mở ra đọc từ từ nhưng thật say sưa. Mỗi lần đọc xong một bức thư bà cảm thấy như có một năng lượng hối thúc bà phải đọc lá thư tiếp và cứ như thế bà đã đọc hết 40 lá thư. Bà tự nhiên thấy mình thoải mái hơn trước, như được giải thoát ra khỏi những nội kết uẩn ức trong lòng từ bấy lâu nay và bà quyết định ngồi xuống viết cho ông chồng một bức thư dài với lời lẽ đầy thương yêu ấm áp. Sau đó bà để lá thư trên bàn trong phòng làm việc của chồng trên lầu và xem như chẳng có gì xảy ra. Hôm sau bà được người chồng điện thoại cho biết phải ở lại New York thêm vài ngày nữa vì công việc chưa xong. Bà trả lời nhỏ nhẹ: "Anh cứ ở lại chừng nào xong công tác rồi về", thay vì hỏi vặn ông đủ thứ như mọi lần. Ông chồng  nghe tiếng vợ trả lời lần này sao khác lạ, êm ái, dễ thương hơn những lần trước rất nhiều. Thế là ông cố gắng thu xếp công việc để về sớm. Về đến nhà, như thường lệ ông lên lầu, vào phòng làm việc của mình và đóng cửa lại. Hình ảnh đầu tiên mà ông thấy là lá thư người vợ viết cho ông đặt ngay ngắn trên bàn và ông ngồi xuống từ từ đọc hết lá thư. Bà vợ đang ở dưới lầu lặng lẽ nhưng biết chắc chắn người chồng đang ngồi đọc bức thư của mình. Mấy phút trôi qua sao thật dài, bỗng bà nghe tiếng ông mở cửa và chạy nhanh xuống lầu, rồi đến ôm bà trong vòng tay thân ái... Câu chuyện chỉ có thế, nhưng khi nghe Thầy kể thì hấp dẫn hơn nhiều. Tuy Thầy không nói nội dung những lá thư tình mà ông đã viết cho bà mấy chục năm về trước như thế nào, nhưng chúng ta có thể đoán được lời lẽ trong đó chắc chắn phải dễ thương lắm nên bà mới chịu khó ngồi đọc hết tất cả các bức thư. Theo tôi hiểu, Thầy muốn nói rằng các chủng tử tình yêu của bà đối với ông trong A Lại Da hay Tàng thức, vì đã lâu không được nuôi dưỡng, tưới tẩm nên chỉ  nằm yên một xó, nhờ bà đọc lại những lá thư xanh ngày xưa, các chủng tử tình yêu mới hiện hành lên mặt ý thức. Từ đó bà có được những ý nghĩ  đúng đắn (như lý tác ý) về ngườì chồng mình, hay nói một cách khác bà có chánh niệm. Cho nên cuối cùng bà đã ngồi xuống viết một lá thư với lời lẽ đầy ái ngữ (chánh ngữ), cũng như khi bà trả lời ông qua điện thoại đã làm ông hết sức cảm động.  Chánh niệm là sự tĩnh thức hiểu biết rõ ràng những cảm xúc, tình cảm, các hiện tượng tâm lý hay những suy nghĩ là thiện hay bất thiện để giúp ta chuyển hóa ngay trong giờ phút hiện tại. Tại Làng Mai, mọi người đều thực tập chánh niệm. Chánh niệm là cốt tủy của sự tu tập trong đạo Bụt, và tông phái nào cũng lấy phép thực tập chánh niệm làm căn bản. Chánh niệm là năng lượng nhận diện được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Khi năng lượng ấy có mặt thì thân và tâm ta hợp nhất và ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại để sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Cuối cùng, Thầy giảng Bát Chánh Đạo để kết thúc thời Pháp: "Chánh Niệm, Suối Nguồn Hạnh Phúc".

Cũng trong buổi sáng đó, tôi gặp lại Sư cô Chân Không, tuy tuổi khá cao nhưng giọng hát vẫn trong và ấm như ngày nào. Cô tập chúng tôi hát những bài thiền ca ngắn, tươi vui  nhưng có năng lượng  giúp giảm bớt sân hận, nếu chúng ta học thuộc và biết áp dụng sẽ giúp chúng ta trở về Chánh Niệm, hay có Hạnh Phúc trong phút giây hiện tại:

Lời qua (mà) tiếng lại,

Giải quyết chi đâu,

Sao không dừng lại,

Kẻo hố thêm sâu.

 

Lời qua (mà) tiếng lại,

Đưa ta đến đâu,

Sao không dừng lại,

Thở nhẹ và sâu.

 

Lời qua (mà) tiếng lại,

Đưa ta đến đâu,

Sao không thở nhẹ,

Mỉm cười nhìn nhau…

Ngoài ra Sư cô cho chúng tôi biết những tin tức cập nhật từ Bảo Lộc, Lâm Đồng,  những gì đã xảy đến cho tăng thân Bát Nhã trong ngày 27-9 vừa qua, như sự việc các công an dẫn bọn côn đồ hành hung một cách tàn bạo, vô luân và đuổi các tăng ni ra khỏi tu viện Bát Nhã dưới trời mưa lạnh tầm tã. Một số bị bắt cóc đưa lên xe taxi, một số lớn chạy được về chùa Phước Huệ của Thượng tọa Thái Thuận cách đó hơn 15 cây số.  Tất cả thính chúng nghe tin mà cứ tưởng mình đang trong cơn ác mộng, không ngờ một tập đoàn chính quyền, Ủy ban tôn giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam chẳng còn nhất điểm lương tâm và công lý nào nữa. Sư cô khuyên chúng tôi hãy về cầu nguyện cho tăng thân Bát Nhã.

Năm nay cũng như mọi năm, số người tham dự khóa tu tiếng Việt 5 ngày “Chánh Niệm Là Suối Nguồn Của Hạnh Phúc” do Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai hướng dẫn tại Tu viện Lộc Uyển rất đông. Thiền đường Thái Bình Dương với sức chứa 800 người đều không còn chỗ trống. Các em trẻ tuổi (teenagers) cũng tham dự, có gia đình đem đầy đủ con cái và dâu rể, tất cả đều tu tập trong chánh niệm từ 5:30 sáng đến 9:30 tối.

Khoảng một giờ chiều khi mọi người bắt đầu thọ trai, vợ chồng chúng tôi từ giả Lộc Uyển. Lái xe trên đoạn đường dài trên 120 cây số về nhà, lòng tôi vẫn miên mang nghĩ đến số phận gần 400 tăng ni Bát Nhã sẽ ra sao, có bao nhiêu tăng ni chạy được về Phước Huệ? Dầu TT Thái Thuận hết lòng che chở cho số tăng ni còn lại, nhưng sẽ được bao lâu khi mà Chính quyền và Ủy ban Tôn giáo quyết tâm giải tán Tăng thân Bát Nhã? Số phận những vị tăng bị bắt cóc sẽ như thế nào? Nhìn thấy đồng bào Phật tử đến Lộc Uyển tu tập trong mấy ngày qua thật may mắn, hạnh phúc vì được Thầy Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai hướng dẫn trong một đất nước văn minh, dân chủ và tự do như Hoa Kỳ, lại càng thấy thương các tăng ni Bát Nhã. Họ luôn luôn hãnh diện là công dân Việt Nam và chỉ mong được cùng nhau tu theo pháp môn của Phật mà Thầy Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai đã hướng dẫn cho các Phật tử khắp thế giới từ mấy chục năm nay, thế nhưng bất hạnh thay, Chính quyền và Ủy ban Tôn giáo lại tìm cách giải tán Tăng thân Bát Nhã. Đa số các nước trên thế giới xem trọng vấn đề tâm linh con người và xem đó là bổn phận của các vị lãnh đạo các Tôn giáo, chính quyền không bao giờ xen vào. Trái lại chính quyền cộng sản Việt Nam luôn luôn xem Tôn giáo nguy hiểm như thuốc phiện, do đó họ muốn kiểm soát luôn vấn đề tâm linh của người dân nên mới đặt bày ra cái gọi là Ủy ban Tôn giáo. Họ chỉ muốn người dân từ trẻ đến già đều phải tin vào một tôn giáo độc nhất, đó là chủ nghĩa cộng sản hay đảng cộng sản. Trong khi các tăng ni trẻ tuổi Bát Nhã muốn tu theo pháp môn mà Thầy Nhất Hạnh đã trao truyền, thì chính quyền cộng sản không chấp nhận vì sợ đến một ngày nào đó tuổi trẻ Việt Nam sẽ không còn tin tưởng họ nữa. Ngày trước họ dùng chính sách tuyên truyền, bưng bít các thông tin và nhồi sọ hay tẩy não người dân xem ra có hiệu quả. Ngày nay thời đại tin học, tin tức truyền đi với tốc độ ánh sáng trên mạng lưới toàn cầu, đa số người dân thành thị đều biết xử dụng máy vi tính và internet, do đó chính quyền cộng sản khó thể dấu được sự thật. Lại thêm các du học sinh hay khách du lịch ra nước ngoài mắt thấy, tai nghe hoặc đọc được các tin tức mà từ trước ở trong nước họ không được phép biết hoặc không được phép đọc đã giúp họ mở rộng tầm mắt, họ đã gửi  các tin tức đó về cho bà con bên nhà đọc. Thầy Nhất Hạnh mới về Việt Nam ba lần kể từ năm 2005 mà đã như thanh nam châm thu hút rất nhiều giới trẻ. Tăng thân Bát Nhã tuy ra đời được bốn năm nhưng chứng tỏ là một khối kim cương cứng khó thể chặt đứt được và trong tương lai có thể còn nhiều Tăng thân Bát Nhã ra đời. Ngoài ra năm 2007, Thầy Nhất Hạnh lại trao cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết một bản đề nghị 10 điểm trong đó có điểm Thầy đề nghị hủy bỏ Ủy ban Tôn giáo và công an Tôn giáo, cũng như tách Tôn giáo ra khỏi chính trị,  nên chính quyền cộng sản sợ Thầy Nhất Hạnh có tham vọng chính trị vì nếu dưới tay Thầy gồm những tăng thân như Tăng thân Bát Nhã thì tuổi trẻ sẽ nghe theo Thầy. Chính quyền sợ rằng đến một ngày nào đó tuổi trẻ không còn tin tưởng những lời dụ dỗ đường mật của họ nữa. Biến cố ngày 27/9 vừa qua tại tu viện Bát Nhã, chứng tỏ chính quyền Việt Nam thật sự sợ hãi vì có thiên kiến với Tôn giáo, nhất là với Phật giáo, nên đã ra tay một cách tàn nhẫn và vô nhân đạo đối với các tăng ni trẻ Bát Nhã. Đạo Phật là đạo Từ Bi, dùng năng lượng Từ Bi để chuyển hóa cái tâm con người. Tăng thân Bát Nhã đã thực hành nguyên lý đó trong mấy tháng qua với ước mong sẽ chuyển hóa các vị trong chính quyền để họ không còn sợ Thầy Nhất Hạnh hay Tăng thân Bát Nhã một cách không tưởng. Thế nhưng các vị đó đã được giáo dục từ nhỏ rằng Tôn giáo là thuốc phiện, chỉ có đảng là quyền năng trên cả Hiếp pháp và mọi người phải tin tưởng tuyệt đối. Vậy thì việc chuyển hóa không thể một sớm một chiều thực hiện được mà phải từ từ có thể năm đến mười năm. Thầy Nhất Hạnh đã để cho chính quyền thời gian suy nghĩ và giải quyết một cách hợp lý vì Thầy nghĩ “trong nhà phải đóng cửa dạy nhau truớc”, rồi sau đó mới nhờ hàng xóm láng giềng. Bây giờ chúng ta thấy rõ, chính quyền tìm mọi phương cách để giải tán Tăng thân Bát Nhã, vì thế trong tình thế cấp bách, tôi hy vọng Thầy Nhất Hạnh đang dùng đến phương tiện thiện xảo, đó là uy tín và ảnh hưởng của Thầy trên thế giới, kêu gọi cộng đồng Âu châu, Hoa Kỳ và Úc châu gây áp lực với chính quyền Việt Nam phải để Tăng thân Bát Nhã hành đạo đúng theo nguyện vọng của họ, bởi đó là quyền của người dân trong một nước có tự do, dân chủ và pháp trị. Theo Thầy, Từ Bi không có nghĩa là ngồi yên thụ động, nếu cần tranh đấu thì cũng phải tranh đấu, Thầy đã chứng tỏ điều này từ hơn 40 năm qua. Đó là niềm hy vọng của Tăng thân Bát Nhã và những người Việt trên khắp thế giới vẫn hằng ngày cầu nguyện cho Tăng thân  sớm được đoàn tụ và có nơi tu học như hạnh nguyện.

Tôi xin tri ân Thầy Nhất Hạnh, Tăng thân làng Mai và Tăng thân Lộc Uyển đã cho chúng tôi một buổi sáng được nhìn Thầy, nghe Thầy giảng “Chánh Niệm, Suối Nguồn Hạnh Phúc” và được Sư cô Chân Không tập hát rất vui vẻ, lợi lạc. Chúng tôi thật sự đã hưởng những giờ phút hiện tại đầy hạnh phúc, quả thật Bụt ở trong nhà tìm đâu xa cho phí sức!

 

Chánh Minh tạp ghi
Quận Cam CA, Thanksgiving 2009                     


PHÁP NẠN CHÙA Bát Nhã II rất mong đón nhận ở các bạn những: thư từ, ý kiến, nhận định, tường thuật, hình ảnh, âm thanh... Mỗi tiếng nói là một viên gạch xây nền công lý nước nhà, và nhất là góp phần quyết định cho sự sinh tồn của Tu viện Bát Nhã. Hãy gửi thư về chúng tôi qua địa chỉ: phusaonline@gmail.com Trân trọng cám ơn các bạn!


Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC

PHẬT SỰ

PHÁP ĐÀM

VU Lan 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6

PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ III | II

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN= | GỬI BÀI | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.