.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                   TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 


Đau thương Bát Nhã

  • PSN - 29.9.2010 | Thích Chân Pháp Sĩ

BTV: Hồi ức của thầy Pháp Sĩ, nhân tròn một năm ngày Tăng thân Bát Nhã bị bạo lực Chính quyền đánh bật khỏi tu viện của Thầy. Thầy là một trong ba Sư anh đã bị công an Chính quyền Bảo Lộc áp tải bằng taxi đưa về cô lập nơi nguyên quán ngay trong đêm kinh hoàng 27 tháng 9 năm 2009.

 

7.

Trời đã dần chiều, mưa trút xuống dữ dội. Tất cả anh em tôi đều dầm mưa, đứng đợi hai bên đường. Số còn lại trú mưa trong quán sửa xe đã đóng cửa. Biết bao nhiêu lần chúng tôi có cảm giác đói và lạnh. Trên đường, các anh công an viên xuất hiện trong quân phục xanh, đầu đội mũ cối có chữ viết tắt (C.A.X). Các anh chạy xe thật nhanh, tay cầm roi điện đi về hướng tu viện. Trong cư xá Mây Đầu Núi nhiều tiếng la hét, tiếng kính vỡ,…Tôi biết trong đó các sư cô cũng đang cụm vào nhau để chịu đựng những cơn bạo tàn tiếp diễn. Trong quán trú mưa, thân thể tôi rã rời, đứng không nổi nữa. Tôi dự định đi vào cư xá Mây Đầu Núi để xem các sư cô ra sao, có cần giúp đỡ gì không? Cô Mai (mẹ thầy Pháp Cầu) đã ngăn tôi lại vì sợ công an sẽ tìm bắt vì họ cho tôi là một trong những thầy cầm đầu.

 

Làm sao mình có thể đứng yên mà trú mưa khi các sư chị, sư em gái của mình bị hành hung trong đó. Tôi nói với các sư chú hãy tiếp tục ở lại đây, đợi xe taxi chạy qua thì đi ra phụ thầy Pháp Lâm cứu anh em. Còn tôi sẽ vào ni xá Mây Đầu Núi để xem thử. Tôi định bước đi thì chiếc Toyota màu trắng, biển số xanh, dừng lại trước quán. Một vị cán bộ (trạc tuổi cha của tôi) từ trên xe bước vào bên trong quán, ông đến gần và hỏi: “Tôi là Chủ tịch Mặt trận thị xã Bảo Lộc. Tôi nghe bà con báo là trong này có chuyện gì xảy ra nên vào xem. Ai trong số các thầy là người đại diện thì lên xe cùng với chúng tôi để nói chuyện!”. Tôi hỏi vị cán bộ : “Chú muốn chúng tôi nói chuyện gì đây?”. Vị cán bộ Mặt trận nói là muốn lắng nghe sự việc đôi bên, muốn tìm hiểu sự việc rõ ràng. Còn gì mà chưa rõ ràng? Mọi việc đã diễn bày ra trước mắt, ai cũng biết, không lẽ ông Chủ tịch Mặt trận thị xã ngây thơ đến độ không hay biết gì hết?

 

Tôi nói với vị cán bộ : “Bây giờ chúng tôi không còn gì để trao đổi với ông. Nếu muốn biết thì ông cứ vào thẳng tu viện mà tìm hiểu. Và ông hãy hỏi các đồng chí của mình đã làm gì, đã đối xử với chúng tôi như thế nào trong ngày hôm nay. Còn ở đây, chúng tôi không có ai là người đại diện. Sự quan tâm của cá nhân ông, chúng tôi rất biết ơn. Còn sự quan tâm của chính quyền Bảo Lộc – nói cho ông rõ – bây giờ chúng tôi không còn chút niềm tin nào với chính quyền Bảo Lộc!”.

 

Cô Mai nghe tôi nói lớn với vị cán bộ, cô rất lo. Cô sợ tôi sẽ bị công an bắt, nên kéo tôi vào bên trong, bảo tôi ngồi xuống nghỉ ngơi, đừng nói gì nữa hết, chuyện bên ngoài để các sư chú lo. Ông cán bộ im lặng đứng nhìn chúng tôi trú mưa. Tôi không biết ông đang nghĩ gì, có thể ông xót xa, hay ông cảm giác về điều gì thì chỉ mình ông hiểu. Vài phút sau ông hỏi tên của tôi nhưng không có ai trả lời. Sau đó ông lên xe chạy thẳng vào tu viện.

 

Trời vẫn đang mưa, cơn lạnh thấm dần vào nội tạng. Tôi ngồi sau lưng các sư em để ấm lại phần nào. Đôi bàn tay và hai bàn chân của tôi rung lập cập, ngồi mà cơn lạnh cứ thắt vào trong ruột. Một vài người dân trong làng tìm tới quán hỏi thăm tin tức, nhưng tôi không đủ sức để nói chuyện với họ nhiều. Dù vậy, họ vẫn biết chuyện, nên có người hỏi: “Chiều nay các thầy đi đâu, ngủ ở đâu?”. Một sư chú trả lời: “Các thầy phải ngủ dọc đường thôi. Mình đi tu thì không có gì phải lo!”. Trong túi áo tràng của tôi còn lại ít tiền, nhưng quán xá tìm đâu ra để mua bánh. Có em tập sự đưa cho tôi một hộp sữa chua, tôi cố ăn mà ăn không nổi. Mệt đến độ không ăn được nữa.

 

Từ xa, cô gái lúc trưa, (chắc bạn còn nhớ cô ấy chứ? Cô ấy chính là cô gái mà tôi đã kể trong phần đầu. Cô là người hăng hái nhất trong việc mắng chửi chúng tôi. Và là người đầu tiên xông lên tầng bốn của tăng xá trong ngày 29.6 để chửi mắng chúng tôi. Nhưng khi lên tới nơi, thấy các thầy ngồi thiền rất trang nghiêm thì cô bị chấn động và đã dang tay ra ngăn cản những người hành hung chúng tôi) cô cùng với người bạn trai đi xe gắn máy chạy tới. Lần này cô hiền lắm, trên tay cô mang một bịch bánh phong lan lớn. Có lẽ cô cũng bị ướt mưa suốt cả ngày và chứng kiến nhiều chuyện. Cô đến gần đưa bánh cho chúng tôi, cô nói: “Các thầy đói lắm rồi, con mời các thầy ăn bánh cho đỡ đói!”. Ban đầu có sư chú vì ngại nên không chịu nhận bánh của cô cho. Có sư chú nói nhỏ: “Cô này từng tham gia đánh mình. Bây giờ mình ăn bánh của cô sợ bị trúng độc!”. Cái từ “trúng độc” làm tôi muốn cười, nghe cũng vui vui.

 

Tôi nói với các sư em là mình nên nhận. Người ta cúng dường bánh cho mình ngay trong lúc này là chuyện hiếm có, mình nhận để không phụ tấm lòng của người ta. Chúng tôi cảm ơn cô và nhận bánh. Trao bánh cho chúng tôi xong, cô gái nhờ anh bạn trai cho xe chạy liền vì không dám ở lâu. Nhờ cô nên anh em tôi có vài phong bánh chia nhau ăn, đỡ đói. Tôi nói đùa với các sư em: “Em nào sợ trúng độc thì để một mình sư anh ăn hết. Có gì sư anh chết trước!”. Cả nhóm chúng tôi cùng cười vui.

 

Từ chỗ đứng trú mưa cách cổng ni xá Mây Đầu Núi gần một trăm mét, tôi nhìn thấy một vài anh công an mặc thường phục đi ra, đi vào cổng. Có người dừng lại trước cổng nhìn về phía chúng tôi. Tự nhiên tôi hiểu ra một điều, thật sự các anh công an không phải người nào cũng muốn hại mình. Mình bị dầm mưa suốt cả ngày không có hạt cơm nào trong bụng thì các anh cũng vậy thôi. Trong các anh cũng có người khổ sở suốt một ngày, cũng bị ướt mưa và đói bụng. Nếu bây giờ tôi mà còn bánh, tôi sẽ mời các anh cùng ăn, ăn xong việc của ai nấy làm. Việc các anh các anh làm, việc của tôi thì tôi làm. Vậy cũng vui!

 

Tôi bước chân đi nhanh về phía cổng ni xá Mây Đầu Núi với dự định sẽ vào bên trong xem các sư cô ra sao. Từ sáng đến giờ nghe tin các sư cô bị người ta đập phá nhưng tôi chưa thấy một sư cô nào ra khỏi cổng. Trên đường đi, tôi chợt gặp anh Văn (công an) từ cổng đi ra trong bộ áo quần bị ướt dầm dề. Nhìn thấy anh, tôi cười. Anh hỏi tôi: “Thầy đi đâu vào trong này?”. Tôi trả lời: “Đi vào thăm các sư cô, xem thử có bị gì không?”. Anh Văn không cho tôi vào và bảo tôi phải quay trở ra bên ngoài. Nghe lời anh tôi quay ra nhưng sau đó tôi tìm đường vào đến sân Mây Đầu Núi.

 

Nhìn anh Văn, tôi nhớ lại lời anh nói với tôi trước đây tại cổng Cánh Đại Bàng. Anh nói: “Các thầy đừng coi chúng tôi là kẻ thù. Các thầy là những người có tu, có học thức thì các thầy hãy tiếp xử với chúng tôi như những người có học thức”. Câu nói của anh làm tôi phải suy nghĩ.

 

Tôi biết anh em tôi đã làm một việc mà anh Văn cảm thấy khó chịu, vì chúng tôi quay phim, chụp hình khi các anh vào trong tu viện. Nhưng không còn cách nào hay hơn. Chúng tôi là người gặp nạn nhưng không được chính quyền bảo vệ nên cần phải ghi lại tất cả những sự kiện để làm bằng chứng. Nếu các anh biết bảo vệ chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ không làm như vậy. Có những nỗi khó khăn riêng, trong lòng mỗi người, giữa tôi và anh, mà có lúc trong hoàn cảnh chúng ta không có quyền chọn lựa.

 

Chỉ trong nửa ngày, Mây Đầu Núi không còn như hôm qua nữa! Người ta đã đập phá tan tành hết, không thể diễn tả cảm giác của tôi trong giây phút này. Thật buồn quá đi!

 

Một tu viện xinh đẹp như vậy, tại sao người ta nỡ nhẫn tâm đập phá hết mọi thứ? Chỉ cần đợi chúng tôi đi hết, tu viện vẫn còn nguyên, các vị có thể vào đó mà thăm, mà chơi hay đi dạo cảnh thì cũng ích lợi biết bao nhiêu. Chỉ vì muốn chúng tôi ra đi nên các vị đã đập phá dữ dội mọi thứ, đổ nát, điêu tàn. Hành lý của các sư cô đã quăng hết ra ngoài hiên. Tôi bước vào bên trong, đi đến từng phòng, nhìn tận mắt những gì mà người ta đã đập phá. Tôi thấy thương xót cho những tâm hồn lạnh lẽo như bắc cực, nóng bức như sa mạc này. Sao người ta có thể làm như vậy được?

 

Ni xá Mây Đầu Núi tan hoang không khác gì tăng xá Rừng Phương Bối. Nhiều căn phòng của các sư cô bị đập phá tan tành. Nhiều chiếc máy vi tính trong văn phòng nằm lăn lóc dưới đất. Mưa tạt ướt hết các phòng. Trời lạnh, nhưng các sư em nữ ngồi hết ra ngoài hiên, có nhiều sư em nữ bị đói vì suốt cả ngày chưa ăn được chút gì. Tôi nghe một sư em nữ kể lại: “Chị em con đang chuẩn bị nấu cơm trưa thì nghe tin xóm các thầy bị tấn công. Các sư cô lớn gọi tất cả chị em vào trong phòng, đóng cửa, niệm Bụt. Bao nhiêu thức ăn mình chuẩn bị đều để lại dưới bếp. Khi họ tấn công xong xóm các thầy thì họ chạy lên tấn công xóm của con”. Còn không Mây Đầu Núi? Còn nhiều lắm chứ! Còn nhiều tâm hồn thơ ngây, trong sáng đang chịu đựng đói rét trong mưa bão.

 

Đi khắp các phòng nên mệt quá! Tôi tìm một căn phòng trống, nằm xuống nền buông thư, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Ở bên ngoài các sư chú đã ngăn được nhiều xe taxi, giải vây cho nhiều anh em bị bắt trên xe. Chính quyền Bảo Lộc không thành công khi sử dụng taxi để chở anh em chúng tôi ra ngoài. Điều này đã làm cho một số người có dã tâm tức giận. Họ cho nhiều thanh niên ra ngoài đường tiếp tục đánh đập, dùng chân đạp các thầy xuống dưới mương hai bên đường.

 

Được một ít thời gian yên lặng, tôi lại nghe tiếng la hét từ xa vọng vào qua cửa sổ. Không cần nhìn ra, tôi vẫn biết chuyện gì sẽ ập tới. Thầy Pháp Hội dẫn theo một số sư chú đi lên Mây Đầu Núi, phía sau lưng thầy có nhiều phụ nữ đi theo chửi mắng cuồng nhiệt. Kể từ thời điểm này, anh chị em chúng tôi tiếp tục chịu đựng sự đánh đập tàn nhẫn. Người ta đã tập trung lực lượng đông nhất, quyết tâm đánh bật lần cuối cùng, và anh chị em của tôi phải rời Bát Nhã vào đêm 27.09.2009.

 

Còn tiếp

 

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ăng s
 

PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ

PHÁP NẠN BÁT NHÃ
HỒI TRỐNG BÁT NHÃ
Các sự kiện tại Bát Nhã
Help Bat Nha Monastery

Ký thỉnh nguyện thư giúp tu sinh Bát Nhã:
 Religious Freedom in Viet Nam
Liberté Religieuse au Vietnam

Xem phần tiếng Việt

Vidéos: Sự kiện Phước Huệ

  Lửa thiêng nung nóng trời Đông
(Để tri ân Ôn Phước Huệ) nhạc và lời Pháp Cẩn - Ngọc Mai trình bày.

Pháp Cẩn
Gửi anh | Tình yêu | Tuyên ngôn

Tiếng nói của TT Đức Nghi:
"Tướng CA Trần Tư đuổi LM ra khỏi VN

LÊN TRÊN= | GỬI BÀI | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.