.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


TRANG NHÀ LÀNG MAI

THEO DẤU THIỀN SƯ III

CẬP NHẬT TRUYỀN THÔNG CHUYẾN HÀNH HÓA CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN TẠI VIỆT NAM - HONG KONG & THÁI LAN TỪ 20 THÁNG 2 ĐẾN 1 THÁNG 6 NĂM 2007
 

TIME MAGAZINE NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 

 

 TRƯỚC PHÚT LÊN ĐƯỜNG 


Một cách nhìn khác
về chuyến đi Việt Nam của Thiền Sư Nhất Hạnh

Cách đây cũng khá lâu rồi, chuyến đi của Thiền Sư Thích Thanh Từ từ Việt Nam qua Hoa Kỳ giảng đạo cũng đã gặp sóng gió bởi các lời chỉ trích từ một số tổ chức và cá nhân. Những người chống đối đưa ra lập luận: trong lúc các nhà sư và một số những nhà đối lập bị nhà cầm quyền Cộng Sản giam lỏng hay quản thúc tại gia thì Thiền Sư Thích Thanh Từ lại được cấp chiếu khán xuất cảnh sang Hoa Kỳ. Giữa lúc thanh thế của những phán đoán bất công đang lên cao, tôi nhớ không lầm thì trong mục Sổ Tay của nhật báo Viễn Ðông trước đây (thời điểm chưa chuyển nhượng cho chủ nhân mới), nhà báo Vũ Ánh đã có một bài báo tấn công thẳng vào sự phán đoán bất công này. Bài báo khá dài, nhưng tôi chỉ nhớ hai lập luận chính trong bài báo: nếu bảo Thiền Sư Thích Thanh Từ phải thỏa hiệp với nhà cầm quyền mới được đi Mỹ, vậy thì Giám Mục Phạm Minh Mẫn sang thăm Hoa Kỳ lần đầu trước cả Thiền Sư Thích Thanh Từ tất cũng phải thỏa hiệp mới được cấp chiếu khán xuất cảnh chứ. Ấy vậy mà Giám Mục Phạm Minh Mẫn không bị chỉ trích?

Tôi nhớ lại điều này không phải để phân bì mà chỉ để nhắc đến một sự thật là khi phán đoán, cần sự công bằng tối thiểu. Ai cũng biết các tu sĩ ở Việt Nam, dù là Công Giáo, Phật Giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo hay bất cứ tôn giáo nào khác, muốn xuất cảnh cũng cần được chấp thuận của chính quyền đương thời. Ngược lại các vị này muốn từ ngoài nhập cảnh Việt Nam cũng phải được các sự quán Việt Nam cấp chiếu khán mới nhập cảnh được.

Trong chuyến về Việt Nam lần thứ hai này, theo như thông báo, Thiền Sư Nhất Hạnh chú tâm vào việc thiết lập Ðại Trai Ðàn Giải Oan Và Vớt Vong. Theo thiển ý, chuyện lập trai đàn cầu siêu và vớt vong cũng chỉ là hình thức hành đạo của nhà Phật để cho những linh hồn oan khuất được tiêu diêu miền Cực Lạc. Ðó là nói theo đức tin tôn giáo. Trong cuộc chiến Việt Nam, số người thương vong gồm quân đội của hai miền Nam-Bắc, những thường dân, những người khác chính kiến chết trong tù ở cả hai miền Nam-Bắc, kể cả những người chết trong các trại cải tạo tại Việt Nam sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, những người vượt biển trốn chạy chính quyền khắc nghiệt ở Việt Nam. Nếu có gọi tất cả những cái chết này là những cái chết oan khuất, tôi nghĩ cũng không có gì quá đáng. Họ chết vì một cuộc chiến tranh do khác chủ nghĩa, mà chủ nghĩa lại tới từ một nơi ngoài Việt Nam chứ không phải chủ nghĩa phát sinh từ lòng mong muốn của người Việt Nam. Cuối cùng, đất nước Việt Nam ngày nay phải sống trong một tình thế ra sao thì không cần nói thêm ai cũng biết là nó tệ mạt đến mức nào.

Biết bao nhiều lần Thiền Sư Nhất Hạnh thường bị gán cho là chống chiến tranh Việt Nam. Việc gán ghép chỉ là phương thức để giải thích cho những lời cáo buộc ngài muốn hòa giải với Cộng Sản. Ðộng từ hòa giải từ bao lâu nay đã từng bị những phe nhóm kình chống nhau dùng làm con ngáo ộp để dọa nạt nhau, để chứng tỏ mình còn giữ quan điểm. Ai cũng hiểu rằng, cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới đều là nạn nhân của Cộng Sản, đều vẫn chưa quên được vết thương của ngày 30 Tháng Tư, 1975. Tôi nghĩ là ai cũng có thể thông cảm được niềm cay đắng của người Việt tị nạn. Nhưng cách đây chỉ 15 năm thôi, khi nhà cầm quyền Cộng Sản vẫn còn siết chặt vòng vây chung quanh các nhà thờ, chùa, thánh thất... không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng một nhà sư từ nước ngoài có thể trở lại Việt Nam hành đạo với tăng đoàn đông tới cả trăm người vào lúc ấy. Nhưng nay tình hình đã có một chút đổi thay. Sự đổi thay đó không phải tự nhiên mà đến. Nó là kết quả của những nỗ lực tranh đấu được hỗ trợ bởi các cuộc vận động của những lực lượng tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền hải ngoại. Lần trước, cách đây 2 năm, Thiền Sư Nhất Hạnh dẫn một đoàn tăng ni thiền hành ngay tại Hà Nội và hơn một năm sau đó, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam tấn phong cho 57 linh mục với sự hiện diện của gần 10,000 giáo dân cũng tại một thánh đường ở Hà Nội. Buổi lễ đã diễn ra ở ngoài trời. Chưa biết các nhà phân tích giải thích thế nào về sự kiện này. Nhưng chắc chắn cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn sau buổi lễ.

Vậy thì tranh đấu thì vẫn cứ tranh đấu, nhưng việc hành đạo vẫn tiếp tục, dù chỉ tiếp tục trong một giới hạn nào đó. Mặt khác, nỗ lực hòa giải sau một cuộc chiến tranh không phải là một điều gì lạ lùng hay cấm kỵ. Những nỗ lực hòa giải có thể đến từ nhiều cuộc vận động khác nhau. Riêng Việt Nam, hòa giải vẫn là những ý tưởng, còn việc thực hiện nó như thế nào thì chưa thấy một dấu hiệu gì rõ rệt. Cho nên hòa giải là một tiến trình tự nhiên, nó đến từ nhu cầu sống hòa bình, san bằng những chia cách nảy sinh từ cuộc chiến tranh của một dân tộc. Làm sao có thể kết tội những người chủ trương hòa giải, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc từ 32 năm trước. Ðiều quan trọng là hòa giải như thế nào.

Trong 32 năm qua, tại cộng đồng Việt Nam ở Mỹ chưa thấy ai đưa ra được một công thức hòa giải rõ rệt nào trong cộng đồng chỉ vì những ai chủ trương hòa giải sẽ lập tức lãnh ngay búa rìu dư luận. Tại sao? Người ta chưa bao giờ đặt ra một giả thuyết: trong trường hợp nhà cầm quyền Hà Nội bày tỏ ý muốn ngồi lại với cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ để nói chuyện hòa giải thì họ sẽ phải liên lạc với ai, với tổ chức, đoàn thể nào, với ban đại diện nào?

Nói tóm lại, hòa giải sau cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn là những ý tưởng trừu tượng, nhưng ý tưởng trừu tượng đó lại là những ước mơ của những người Việt Nam sau chiến tranh. Nó có thể khởi đi từ bất cứ người Việt Nam nào ở trong nước cũng như đang tha hương.

Cho nên, theo tôi, nếu coi Ðại Trai Ðàn Giải Oan do Thiền Sư Nhất Hạnh chủ trương tại Việt Nam sắp tới đây là những bước đi trải những hạt nhân của hòa bình, hòa giải thì cũng đâu có gì là quá đáng. Bất quá Thiền Sư Nhất Hạnh cũng chỉ là một trong những người góp tay rải những hạt nhân cần thiết cho dân tộc mà thôi.

Mới đây, qua việc Thủ Tướng Việt Nam Cộng Sản Nguyễn Tấn Dũng được Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI tiếp kiến, và sau đó tòa thánh (Vatican) đã bày tỏ mối lạc quan về việc bình thường hóa mối liên lạc giữa Vatican và Hà Nội. Việc đó, nếu xảy ra như niềm hy vọng, sao lại không thể coi như việc góp sức của tòa thánh thể hiện những bước dò dẫm đầu tiên vào tiến trình hòa giải?

Vậy thì hòa giải không có gì là cấm kỵ dù cách nhìn vấn đề này còn rất dị biệt trong tập thể cộng đồng Việt Nam không những ở hải ngoại mà còn ơ trong nước. Bao giờ những ý tưởng ấy trở thành thành hiện thực chắc cũng còn lâu, nhưng nếu không có khởi đầu thì làm sao có kết thúc?

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.