.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


TRANG NHÀ LÀNG MAI

THEO DẤU THIỀN SƯ III

CẬP NHẬT TRUYỀN THÔNG CHUYẾN HÀNH HÓA CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN TẠI VIỆT NAM - HONG KONG & THÁI LAN TỪ 20 THÁNG 2 ĐẾN 1 THÁNG 6 NĂM 2007
 

TIME MAGAZINE NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 

 

 TRƯỚC PHÚT LÊN ĐƯỜNG 

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh :
" Hiện đại hóa được đạo Phật Việt Nam, không những phụng sự cho dân tộc và đất nước mà còn phụng sự cho cả thế giới. "
 

  • Giác Ngộ số 366 | Chúc Phú - Quảng Kiến phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh
    PSN phổ biến ngày 22.02.2007

LGT của Tuần báo Giác Ngộ : Nhân dịp Hòa thượng Thích Nhất Hạnh chuẩn bị có chuyến đi hoằng hóa tại quê nhà lần thứ hai, Báo Giác Ngộ số tết Đinh Hợi đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng.

Phóng viên: Được biết theo lịch trình chuyến về Việt nam của Thiền sư và Tăng thân Làng Mai năm 2007, đoàn sẽ ghé nhiều nơi và tổ chức nhiều khóa tu cho Tăng Ni, Phật tử cũng như nhiều thành phần trí thức khác của xã hội. Trong số những hoạt động đó, thưa Thiền sư, điều nào khiến ngài quan tâm nhất? 

Chư Tôn Đức đón chào Thiền sư Nhất Hạnh
tại phi trường Tân Sơn Nhất ngày 20.02.2007

Thiền sư Nhất Hạnh: Tất cả mọi sinh hoạt đều quan trọng như nhau. Qua những sinh hoạt như ngồi thiền, đi thiền hành, tham dự pháp đàm, ngồi thiền trà, nghe pháp thoại, học làm mới, ăn cơm im lặng, bái sám, tụng kinh, chúng ta sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa thân tâm do sự thực tập đem lại, nhất là khi ta thực tập cùng với Tăng thân. Ta sẽ cảm thấy đạo Bụt không chỉ là một tôn giáo tín ngưỡng có công năng xoa dịu những thương tích khổ đau, mà còn là một kho tuệ giác có công năng trị liệu, nuôi dưỡng và chuyển hóa thân tâm. Tôn giáo tín ngưỡng chỉ là lớp vỏ ngoài của đạo Bụt. Nguồn tuệ giác do sự thực tập niệm định tuệ khơi mở mới là tinh hoa của đạo Bụt, có công năng chữa trị tận gốc khổ đau và làm thỏa mãn những nhu yếu tâm linh sâu sắc nhất của con người. Người xuất gia cũng như người tại gia trong khi thực tập những pháp môn ấy với nhau, thấy được rằng chạy theo những đối tượng ham muốn như giàu sang, quyền lực, danh vọng và sắc dục không những không đem lại hạnh phúc chân thực mà lại còn tàn phá thân tâm và đem lại khổ đau cho ta và cho người. Hạnh phúc chân thực chỉ có thể có được nếu trái tim ta có được hiểu biết và thương yêu. Có hiểu và thương thì liên hệ giữa ta với người sẽ tốt đẹp, và dù nếp sống ta có đơn giản không cần tiêu thụ nhiều ta vẫn có rất nhiều hạnh phúc.

Phóng viên:Thiền sư được biết đến như là người chủ trương pháp môn tu thiền. Thế nhưng trong chuyến về Việt Nam lần này, Thiền sư lại tổ chức nhiều Đại trai đàn chẩn tế - một lễ mang nhiều yếu tố Mật giáo và dân gian. Phải chăng đã có một sự đổi mới trong nhận thức cũng như phương pháp của Thiền sư? 

Thiền sư Nhất Hạnh: Thiền có khả năng chuyển hóa và trị liệu. Đất nước và dân tộc ta qua một cuộc chiến tranh kéo dài đã phải gánh chịu nhiều khổ đau. Hàng triệu người đã chết vì bom đạn, hàng trăm ngàn chiến sĩ đã bỏ mình trên mọi nẻo đường của đất nước và hài cốt chôn vùi ở đâu vẫn còn chưa tìm ra hết được. Bao nhiêu người đã chết trong lao tù, bao nhiêu người đã chết ngoài biển cả. Bao nhiêu người tuy còn sống nhưng vấn tiếp tục gánh chịu oan khổ. Những oan khổ ấy nếu chưa được công nhận, chưa được đưa lên vùng ánh sáng của ý thức, thì vẫn còn âm thầm nuôi dưỡng khổ đau, và truyền về cho những đời sau, oán oán chập chùng. Vì vậy, các Trai đàn Chần tế bình đẳng cầu siêu độ được tổ chức mùa Xuân năm nay là những thực tập chuyển hóa, trị liệu rất cần thiết; nhìn bằng con mắt thiền học thì ta thấy được như thế, mà nhìn bằng con mắt sử học và tâm lý học ta cũng thấy được như thế. Thiền, trước hết là chính niệm: thấy được những gì đang xảy ta trong tâm ta và nơi hoàn cảnh ta. Thấy được rồi mới biết phải làm gì để chuyển hóa, trị liệu và nuôi dưỡng. Chân ngôn là lời nói phát sinh từ định: ba nghiệp thân, miệng và ý một khi được thống nhất trọng định thì lời nói sẽ là chân ngôn và sẽ có khả năng chuyển hóa và trị liệu. Trai đàn chẩn tế bình đẳng cầu siêu độ được tổ chức trong tinh thần ấy, đem ý thức sáng tỏ chiếu vào những niềm đau khổ của người đã khuất và người còn sống, nói lên lời thương xót và cầu nguyện; đó là chân ngôn của cả một dân tộc để tự trị liệu cho mình. Ai trong chúng ta mà đã không gánh chịu oan khổ của cuộc chiến? Tới với nhau để cùng cầu nguyện cho tất cả những người đã xấu số, không phân biệt già trẻ, gái trai, Bắc Nam, chủng tộc, tôn giáo và đảng phái chính trị, đó là một sự thực tập trị liệu rất Thiền, và rất cần thiết. Đất nước đang đứng trước một vận hội mới, nếu thống nhất được lòng dân thì ta sẽ không bỏ mất cơ hội này. 

Phóng viên: Sau hơn 40 năm rời xa quê hương, Thiền sư đã có một chuyến trở về đầy ý nghĩa cách đây hai năm. Những cảm xúc, ấn tượng và kỷ niệm nào còn đọng lại trong lòng Thiền sư sau chuyến trở về ấy? 

Thiền sư Nhất Hạnh: Về nước sau 40 năm xa cách, tôi rất xúc động khi thấy lại chùa Tổ. Trong khóa tu cho 900 người xuất gia tổ chức tại chùa Từ Hiếu, được ngồi thiền và đi thiền hành trên đồi Dương Xuân, tôi có hạnh phúc rất lớn. Tại Sài Gòn, được ngồi lại trong giảng đường năm xưa với bốn chúng Phật tử, tôi cũng đã sống những giờ phút rất xúc động. Cùng đại chúng đi thiền hành bên Hồ Gươm cũng thế. Trong thời gian vắng mặt tại quê hương, 40 triệu người trẻ đã được sinh ra. Những sinh hoạt tu học đã được tổ chức phần lớn cho lớp người trẻ đó. Nhìn họ, tôi có cảm tưởng gặp lại thế hệ phụ huynh của họ, thành ra không hề có cảm giác xa cách. Dù là đi thiền hành, thiền tọa, pháp thoại, pháp đàm, tụng giới hay ăn cơm chính niệm, sinh hoạt nào cũng đem lại nhiều năng lượng hạnh phúc. Sinh hoạt nào cũng giống như một lễ hội, ăn mừng sự sống, ăn mừng sự đoàn tụ. Điều mầu nhiệm nhất là thấy được mức độ nghi ngờ, hiểu lầm, sợ hãi mỗi ngày mỗi thấp xuống, và tình huynh đệ mỗi ngày mỗi lớn rộng thêm ra. Tuy còn có những hạn chế, e ngại, nhưng vẫn có được rất nhiều cảm thông. Nếu chúng ta có niềm tin nơi pháp môn thực tập và vào tình huynh đệ thì những tiêu cực ấy thế nào cũng được vượt thắng trong tương lai: đó là một cảm tưởng rất rõ rệt. Các thầy ở Thừa Thiên Huế có cơ hội trở về tụng giới với nhau sau 12 năm tách biệt, đó là một thắng lợi của tình huynh đệ mà không phải của bất cứ cá nhân nào. Tôi nghĩ đây là phước đức của chư Tổ để lại. Tôi có cái phước là chưa bao giờ cảm thấy xa cách tuổi trẻ, về nước cảm giác ấy vẫn còn nguyên vẹn. Tôi nghĩ, được tuổi trẻ tin cậy đó là một hạnh phúc rất lớn. 

Phóng viên: Thưa Thiền sư, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đang trên hành trình “đi ra biển lớn”, theo quan điểm của Thiền sư, Phật giáo Việt Nam cần có những động thái nào cho sự hội nhập ấy cùng với nhịp sống của dân tộc, xã hội? 

Thiền sư Nhất Hạnh: Đất nước đang đi vào giai đoạn phát triển công nghiệp, toàn cầu hóa; thiếu đi một nếp sống tâm linh, chúng ta sẽ bị kéo theo đà phát triển ấy và không có khả năng ngăn chặn được những tệ nạn xã hội luôn luôn phát triển và lớn mạnh trong đà phát triển ấy. Vì vậy, giới xuất gia cũng như người tại gia cần tự đào luyện cho mình khả năng tu tập vững mạnh, thiết thực, có khả năng đối phó với những hối hả, bức xúc, bận rộn dồn dập đua tranh đang mỗi ngày mỗi lớn và mở ra cho quốc dân thấy một con đường tâm linh, một nếp sống trong đó con người có thì giờ để chăm sóc, bảo hộ và thương yêu người khác. Làm sao cho các giới thương gia, chính trị gia, nhà giáo, nhà văn, nhà nghệ sĩ, người công nhân, người nông dân, người y sĩ, người sinh viên, v.v... đều có được một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày để họ không tự đánh mất mình trong sự bận rộn mà trái lại có thể sống và làm việc một cách thành thơi và hạnh phúc? Đó là sứ mạng của đạo Bụt trong thời đại toàn cầu hóa. Chúng ta đến với nhau trong các khóa tu và các sinh hoạt khác là để học hỏi và chứng nghiệm được nhu yếu và khả năng ấy nơi chính mỗi chúng ta.Ý niệm chung của nhiều người là tiền bạc và chức vị đem lại uy quyền: đó là hạnh phúc. Trong tuệ giác Phật giáo, thứ uy quyền ấy đưa lại thèm muốn, ganh tị, chống đối và tranh chấp. Thứ uy quyền mà đạo Phật cho là căn bản của hạnh phúc là uy quyền tâm linh: đó gọi là Đức. Có ba thứ Đức: đoạn đức, trí đức và ân đức. Đoạn đức là khả năng cắt đứt mọi thèm khát, hận thù và si mê; Trí đức là khả năng giúp giải quyết những khủng hoảng tâm linh và hoàn cảnh bằng trí tuệ, và Ân đức là khả năng tha thứ, thương yêu và đùm bọc. Có ba thứ đức ấy thì chính mình có hạnh phúc và mình có thể tạo hạnh phúc được cho rất nhiều người. Ba đức ấy chính là cái mà con người và xã hội ta cần có, nếu chế tác được bằng sự tu tập thì ta mới có khả năng bảo vệ ta và xã hội ta không để đất nước trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội do đà phát triển, kinh tế, xã hội tiêu thụ và toàn cầu hóa gây ra. 

Phóng viên: Mặc dù đã bước qua độ tuổi 80, lại phải hành đạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, thế nhưng trông Thiền sư vẫn luôn... “thường tại”. Thưa, yếu tố nào đã giúp cho Thiền sư luôn có được sắc diện và sức khỏe như thế? 

Thiền sư Nhất Hạnh: Hồi còn là một ông thầy tu trẻ, mộng ước của tôi là dựng lên được một chúng xuất gia “dễ thương” sống với nhau như một gia đình trong tình huynh đệ. Trong những năm 1954 -1960 tại Ấn Quang, tôi đã cố gắng thực hiện điều này và đã thành công với một mức độ nào đó. Tại Làng Mai, giấc mộng kia đã trở thành sự thật. Chúng xuất gia tại Làng Mai tuy gồm cả gần 30 quốc tịch, văn hóa khác nhau, nhưng là một chúng có hạnh phúc, điều này nuôi dưỡng tôi rất nhiều. Sức khỏe tôi nhờ đó mà được thăng tiến và bảo hộ. Tại Làng Mai, chúng tôi tổ chức các khóa tu và đi giảng dạy cũng nhiều, nhưng nhờ pháp môn “hiện pháp lạc trú” vừa làm vừa thư thả (như chơi), nên ai cũng không bỏ quên hơi thở và bước chân chánh niệm. Điều đó giúp cho chúng tôi không tự đánh mất mình trong công việc, và đây cũng là một yếu tố giúp cho sức khỏe. Với lại cách tôi làm việc là giao hết cho chư Tổ lo, mình chỉ làm công cụ của chư Tổ, mình không nghĩ rằng mình có tài năng gì cả, tất cả đều do chư Tổ sắp đặt, cho nên mình khỏe ru. Tại Làng Mai cũng như Lộc Uyển hay Rừng Phong, không có chùa to Phật lớn, nhưng có đủ tình huynh đệ, tại vì mình có thì giờ xây dựng chúng xuất gia chứ không phải suốt ngày lo cho chúng tại gia. Mỗi ngày được ngồi thiền, đi thiền hành, tập khí công và chấp tác với chúng xuất gia, mỗi ngày được trao truyền cho chúng những hạnh phúc của thực tập mình, thấy chúng lớn lên, tiếp nối được sự nghiệp của chư Tổ, điều này rất có khả năng nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe của mình cũng như của chúng. 

Phóng viên: Nhân chuyến về Việt Nam lần thứ hai và dịp xuân mới Đinh Hợi, Thiền sư có gửi gắm gì đến Tăng Ni, Phật tử cũng như đối với người dân Việt Nam nói chung? 

Thiền sư Nhất Hạnh: Đạo Phật Việt Nam là một di sản quý báu của đất nước Việt Nam. Nếu ta hiện đại hóa được đạo Phật Việt Nam, không những chúng ta có thể phụng sự cho dân tộc và đất nước mà còn phụng sự được cho thế giới. Ta hiện có đủ điều kiện để làm việc ấy; và đó là công trình tu tập của chúng ta trong những thập niên tới. Kỹ thuật, công nghệ và kinh tế đang đi tới bằng những đôi hài bảy dặm. Đạo Bụt không làm mới lại thì không thể nào theo nổi, và không làm thỏa mãn được những nhu yếu tinh thần cho thời đại mới. Trong chuyến về này, tôi mong sẽ có dịp đàm đạo với chư vị đạo bạn trong hai giới xuất gia và tại gia về viễn tượng này. Cúng ta có rất nhiều cơ hội để thành công. 

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Thiền sư và kính chúc đạo tràng Mai Thôn gặp nhiều thắng duyên trong chuyến hoằng hóa tại quê nhà.

 

Chúc Phú-Quảng Kiến (Theo Giác Ngộ 366)

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.