.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


TRANG NHÀ LÀNG MAI

THEO DẤU THIỀN SƯ III

CẬP NHẬT TRUYỀN THÔNG CHUYẾN HÀNH HÓA CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN TẠI VIỆT NAM - HONG KONG & THÁI LAN TỪ 20 THÁNG 2 ĐẾN 1 THÁNG 6 NĂM 2007
 

TIME MAGAZINE NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 

 

 ĐẾN SÀI GÒN

 

Thiền sư Nhất Hạnh,
làn gió tươi mát của niềm vui và tình yêu…

  • Hà Thư Sinh - Talawas - 13.01.2005

Tôi bước vào Thiền qua cánh cửa thơ tình. Thật là một mối duyên kỳ ngộ.

Thời đi học mười tám hai mươi yêu đương mơ mộng, tình cờ đọc được những bài thơ của thiền sư Huyền Quang và rất thích, đặc biệt là bài
Tức sự ngày xuân [1] nói đến một người con gái ngồi thêu bên cửa trong một ngày xuân có oanh hót và hoa tươi thắm. Trong các bản dịch thời ấy tôi thích nhất những bản dịch thật là tài hoa của Nguyễn Lang và không hề biết rằng ông là một nhà sư. Sau này tôi mới biết Nguyễn Lang cũng chính là Thiền sư Nhất Hạnh. Đó là những bài như: Cúc hoa 4, Cúc Hoa 5 [2] ... Từ thơ của thiền sư Huyền Quang, bước sang thơ của vua Trần Nhân Tông, rồi thơ của Mãn Giác thiền sư với 2 câu bất hủ: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai”… Một người trẻ tuổi chẳng biết gì về Thiền, nghe người khác bảo những câu thơ đó đầy chất thiền vị thì chỉ biết thế thôi. Thời ấy tôi chỉ thấy những câu thơ đó tràn đầy tình yêu đối với thiên nhiên và con người. Rất hợp với tâm trạng của một người đang yêu.

Triết học với khía cạnh là cách nhìn và lối hành xử trong đời sống thì chủ nghĩa Marx-Lenin được dạy ở trường không đủ làm tôi thỏa mãn
[3] và tôi đi tìm hiểu đằng sau những vần thơ kia: Thiền là gì?

Tìm đọc những sách về Thiền học tại Việt Nam thì thật là bối rối. Có những cuốn ngôn ngữ cổ lỗ khó hiểu, còn lời bình thi kệ thì lẩm cẩm và cả những cuốn mang tính thần bí có phép thần thông nữa. Nếu may mắn bạn đọc được sách của phái Tào Động (Soto) thì còn hiền hòa. Bạn mà gặp phải sách viết về phái Lâm Tế (Rinzai) với những chuyện thiền sinh bị ăn gậy, ăn đạp và thiền sư giết mèo nhanh như chớp thì thật đúng là rối trí. Nếu Thiền mà chỉ như Lâm Tế thôi thì tôi xin kính nhi viễn chi, ở xa xa mà nhìn thôi. Những công án thường dẫn tâm trí bạn vào các mê lộ của hoang mang, bí hiểm… Nếu không có người hướng dẫn và chỉ mới chập chững những bước đầu tiên mà bạn vẫn quyết tâm theo đuổi một công án đến cùng, rất có thể một ngày kia cô bạn gái xinh xắn của bạn sẽ nhẹ nhàng dẫn bạn đến gặp một bác sĩ thần kinh… Người phương Tây viết sách và được dịch ở Việt Nam hồi ấy thì dùng ngôn ngữ hiện đại nhưng mang phong cách của nhà khoa học. Đọc rất chán, như đọc sách giáo khoa ở trường. Giống như khi bạn đọc một tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận, quyển Giai điệu bí ẩn chẳng hạn, và đọc một cuốn sách giáo khoa về vật lý thiên văn vậy. Một bên đầy chất thơ, rất nhiều cảm hứng và đầy cá tính, còn một bên thì khô khan…

Trong khi đó với ấn tượng ban đầu của tôi, Thiền phải là một cái gì đấy phóng khoáng, tự do, tươi tắn và đầy hứng thú vì tôi vốn làm quen với Thiền thoạt tiên qua thơ của thiền sư Huyền Quang và những giai thoại chẳng hạn như: Một thiền sư nọ nhìn hoa đào nở chợt bừng ngộ… Một thiền sư khác thấy người ta thắp nhang khấn vái một tượng Phật bằng gỗ, ông liền đem tượng Phật chẻ nhỏ ra để xem rằng Phật ở đâu? Rồi chuyện: Hai nhà sư đi ngang vũng nước sâu, một trong hai người bế một cô gái trẻ đẹp qua vũng nước để giúp cho cô không bị vấy bẩn. Họ đi tiếp và một lúc lâu sau, một người bảo: giới luật của chúng ta là không được tiếp xúc với phụ nữ, sao anh lại bế cô gái qua đường? Nhà sư kia trả lời: Tôi đã bỏ cô gái lại ở bên đường rồi, anh vẫn còn mang cô ấy theo bên mình sao? (Quả là chấn động đối với một người trẻ tuổi, vốn chỉ hiểu về Phật giáo chút ít qua phong tục dân gian thờ cúng và hình ảnh các nhà sư ăn chay giữ giới.)

Như vậy những quyển sách kể trên đã không gây đủ cảm hứng cho tôi và tôi tự nhủ lòng: Thôi nhé. Chào mi, Thiền ơi…

Cho đến một ngày kia tôi được đọc sách
[4] của ông. Quả là một niềm vui thú khi đọc và thực hành Thiền theo cách mà ông hướng dẫn. Những tình cảm thuở ban đầu của tôi đối với Thiền được khôi phục.

Những bài học vỡ lòng của ông đầy chất thơ và niềm vui. “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, an trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời”. Rồi: Thở vào bạn thấy bạn là bông hoa, thở ra bạn cảm thấy tươi mát. Bạn thấy mình là trái núi, vững vàng. Thấy mình là mặt nước tĩnh, phản chiếu mây trời. Thấy mình là không gian mênh mông, tự do thênh thang…

Còn những thi kệ là các bài thơ ngắn để thực tập chánh niệm (nhận biết hiện tại 1 cách tươi mới, sâu sắc) và những lối hành thiền trong sinh hoạt hàng ngày nữa. Bạn đã bao giờ nghe nói đến Thiền rửa bát, Thiền đánh răng, Thiền ăn quít, Thiền ôm, Thiền điện thoại, Thiền máy vi tính chưa? Bạn có thể sáng tác những thi kệ và tạo ra những hoàn cảnh Thiền mới cho riêng mình. Nếu như bạn đang sống ở Sài Gòn như tôi bạn có thể sẽ tạo ra Thiền kẹt xe, Thiền ngập nước, Thiền cúp nước, Thiền đào đường, Thiền cúp điện… Còn nếu bạn đang ở trên Đà Lạt, bạn sẽ nghĩ ra Thiền ngắm hoa, Thiền ngắm núi, Thiền ngắm thác, Thiền ngắm mây, Thiền ngắm má hồng người yêu… chăng? Quả là vui thú. Cuộc đời quả là một ngày hội, phải không?

Thiền học Việt Nam trước ông là một cây cổ thụ đã khô và cằn cỗi sau bao nhiêu năm không chịu chuyển mình theo thời đại. Ông đến, đập bỏ những khúc cây khô gãy, tưới những dòng nước tươi mát và chăm bón cho nó đâm chồi nảy lộc.

Nếu Thiền là một em bé thì em bé ấy do đi đường xa đã nhuốm đầy bụi bặm của Mật và Tịnh Độ tông. Ông đã mang em đi tắm mát ở suối nguồn Nguyên Thủy, khiến em trở nên tươi tắn tinh khôi và trông rất dễ thương.

Ông đã hiện đại hóa Thiền tông theo cách như thế. Sách Thiền của ông với ngôn ngữ giản dị, hiện đại và đầy chất thơ rất dễ đi vào lòng công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Ông còn tổ chức những khóa thực hành Thiền tại Làng Mai, một nơi thơ mộng giữa lòng nước Pháp. Ở đấy bạn sẽ được hành Thiền giữa thiên nhiên, cỏ cây hoa lá xanh tươi, hồ suối và có cả Hội Thủy Tiên vào cuối tháng ba, Hội Hoa Mai vào giữa tháng tư nữa (xem trên

www.langmai.org
)…

Thật là một mất mát cho giới trẻ Việt Nam khi không được tham dự những khóa Thiền của ông, trong khi ở nước ngoài hàng triệu thanh niên phương Tây được học Thiền của ông trong suốt 30 năm qua. Không biết trong tương lai ông có được phép tổ chức những khóa thiền như vậy ở Việt Nam không? Nếu có dịp, thay vì làm một thân ngựa chạy cuồng trong một tua du lịch Châu Âu theo một lịch trình dày đặc để đến được nhiều thành phố, tôi sẽ đến thăm Làng Mai của ông, xin làm một thiền sinh tham dự một khóa tu ở đấy.

Nếu Thiền giúp bạn cảm thấy tươi mát, tràn đầy niềm vui và tình yêu đối với cuộc sống, ai cũng thích đến gần bạn thì tại sao bạn không thử ngay đi, ngay tại Việt Nam này trong cuộc sống hàng ngày của bạn?

Tôi chẳng bao giờ khuyên bạn buông bỏ tất cả để vào ở hẳn trong một Thiền viện hay một cái am nào đó nơi núi rừng yên tĩnh. Chắc ông lại càng phản đối. Chúng ta vẫn cứ đi học, đi làm kiếm tiền, cứ yêu, cứ tranh đấu cho một đất nuớc Việt Nam dân chủ đa nguyên pháp trị. Chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Bạn cứ tiếp tục công việc của bạn đi, và bạn chỉ cần để ra vài giờ trong tuần đọc sách của ông và thực hành Thiền theo cách thức mà ông hướng dẫn. Sẽ có rất nhiều niềm vui đang chờ bạn khám phá…

Các bạn trẻ nên hiểu rằng chúng ta thực hành Thiền không phải để cam chịu số phận, chấp nhận mọi chuyện như nó đang “là” như nhiều người vẫn nghĩ. Tất cả những cuốn sách nào khuyến khích bạn cam chịu số phận thì bạn nên đốt nó đi. Chúng ta thực hành Thiền và có thêm sức mạnh tâm linh để thay đổi số phận, biến đổi đời sống của chính ta và thế giới xung quanh ta. Niềm vui sống sẽ mỉm cười với những con người của hành động, chứ không phải những con người yếm thế, cam chịu.

Ông vốn là một thiền sư nhập thế, một thiền sư của hành động. Từ thập niên 60 ông đã sang Mỹ và châu Âu vận động hòa bình cho Việt Nam. Ngay từ thời ấy ông đã cho rằng: kẻ thù của ta không phải là người mà là cuồng tín ý thức hệ và tham vọng. Mọi người Việt đều là anh em một nhà. Vì thế chính quyền miền Bắc lẫn miền Nam đều không ưa ông, không cho ông về nước, buộc ông phải sống lưu vong ở nước ngoài. (Việc vì sao
ông được về nước đầu năm 2005 khi chính quyền Việt Nam đang bị thế giới lên án về vi phạm quyền tự do tôn giáo sau những cuộc đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên, người theo đạo Tin lành Mennonite ở Sài Gòn và các nhà lãnh đạo cao tuổi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất thì lại là một câu chuyện khác.) Khi làn sóng thuyền nhân lên cao, chính ông đã tổ chức những chiếc thuyền cứu trợ thuyền nhân Việt Nam trên vùng biển Đông Nam Á.

Để bảo toàn chế độ độc tài toàn trị của mình, chính quyền Việt Nam hiện nay vẫn lừa bịp dân chúng rằng: dân chủ phải hy sinh để cho kinh tế phát triển trước rồi sẽ kéo theo dân chủ phát triển sau. Điều này đã được các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước khẳng định và nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là chân lý rồi, thế mà ông khi trả lời đài BBC vào năm 2001 lại bảo rằng đấy chỉ là mộng ước hão huyền. Kinh tế sẽ không phát triển được nếu không có dân chủ & nhân quyền. Chừng nào sự sợ hãi còn trấn ngự thì không thể phát triển đất nước được. Đã vậy ông lại còn thêm:
Nếu quí vị có trí tuệ, có can đảm, hãy mở cửa ra, để người dân có thêm dân chủ, nhân quyền để phát triển đất nước theo kịp các nước tiên tiến [5] . Một thiền sư mà lại phát biểu y như một nhà tranh đấu cho dân chủ như vậy, các quí vị cầm quyền làm sao ưa ông được. Lần này ông về Việt Nam, chắc vô số các vị công an chìm lẫn nổi phải bận rộn, căng thẳng dán mắt theo từng bước chân của ông…

Nếu ta nhìn Thiền qua sản phẩm cuối cùng của nó là các bậc giác ngộ với phong cách ung dung, thư thái, phơi phới yêu đời, ta sẽ thấy rằng Thiền phải là một tặng phẩm từ trời chung vui sẻ chia cho tất cả mọi người, kể cả các tôn giáo khác chứ không riêng gì Phật giáo. Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, đạo Cao Đài… và cả những người không theo một tôn giáo nào nữa đều trải nghiệm nó, nhưng họ sẽ gọi nó bằng một cái tên khác hoặc đơn giản là chẳng cần phải đặt cho nó một cái tên nào cả. Đó là lý do tại sao các sơ, các linh mục, mục sư nhà thờ ở phương Tây và cả những những người vô thần cũng thích thú đọc sách của ông.

Đọc sách của ông, cảm nhận được thông điệp ông muốn gửi đến chúng ta, tôi cảm thấy thật thú vị khi nó rất giống với ý tưởng trong Upanishad mà Tagore hay nhắc đến: Con người sinh ra từ niềm vui và tình yêu, vì niềm vui và tình yêu mà tồn tại, hướng đến niềm vui và tình yêu đi tới, và hòa nhập vào trong niềm vui và tình yêu. (Ý tưởng này đã chi phối toàn bộ triết lý và tác phẩm của Tagore.)

Xem hành trạng của các thiền sư cổ kim tôi vẫn nghĩ: các thiền sư là những nhà nghệ sĩ của đời sống. Với họ, cuộc đời là một ngày hội và họ biết hồn nhiên thưởng thức và tận hưởng nó hơn cái lũ phàm tục hay lo âu, sầu muộn là chúng ta. Họ rất gần gũi với các thi nhân, nhạc sĩ, họa sĩ… ở điểm nhìn thấy cái đẹp, cái đáng yêu ở những nơi mà người khác không nhìn thấy…

Ông cũng vậy, ông tiếp nối truyền thống của những Mãn Giác, Trần Nhân Tông, Huyền Quang… vốn là những thiền sư-thi nhân. Với họ Thiền và Tình yêu chỉ là một. Tình yêu thương con người, thiên nhiên và cuộc sống luôn nồng nàn trong những tâm hồn nhạy cảm, tài hoa của họ.

Đọc sách của ông chắc có người sẽ bâng khuâng tự hỏi: ông là nghệ sĩ hay thiền sư? Như một ngày kia khi bạn đang ngắm nhìn một ngọn núi, một cảm thức dâng lên trong bạn: bạn là núi hay núi là bạn? Rồi bạn thấy rằng chẳng cần phải trả lời cũng như chẳng cần phải quan tâm đến câu hỏi nữa. Một xúc cảm huyền diệu chợt xâm chiếm bạn. Một nụ cười chợt nở trên môi…

Lúc ấy bạn đã ngộ chăng?



13.01.2005
Hà Thư Sinh,
Cảm xúc khi nghe tin Thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam…
 

© 2005 talawas


 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.