.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


TRANG NHÀ LÀNG MAI

THEO DẤU THIỀN SƯ III

CẬP NHẬT TRUYỀN THÔNG CHUYẾN HÀNH HÓA CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN TẠI VIỆT NAM - HONG KONG & THÁI LAN TỪ 20 THÁNG 2 ĐẾN 1 THÁNG 6 NĂM 2007
 

TIME MAGAZINE NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 

 

 ĐẾN SÀI GÒN

  28/2 Thứ Tư (12/1 âl) đến 4/3 (16/1 âl)
         
Khóa tu Cư Sĩ tại Tu Viện Bát Nhã
         
Chiều ngày thứ Tư 28-2-2007 đến ngày Chủ nhật 4-3-2007

 

6000 người dự lễ Xuất Gia
của 77 giới tử tại tu viện Bát Nhã

  • 4.03.2007 - Minh Mẫn - PSN

Sáng ngày 4/3/07 tức ngày 15/01/ Đinh Hợi, nơi núi đồi, vạn vật còn co mình say ngủ trong sương đêm, tu viện Bát Nhã diễn ra một buổi lễ Xuất gia cho 77 em, trong đó có cả các em sắc tộc, từ nhiều nơi đến.

Khoá tu 5 ngày dành cho cư sĩ bắt đầu từ ngày 12  tháng giêng âm lịch, nhân chuyến hoằng pháp lần thứ hai của sư ông Nhất Hạnh về quê hương. Trên 6 ngàn người được ghi nhận vào ngày thứ ba của khóa tu, những ngày đầu  sư ông và tăng thân làng Mai hướng dẫn  thực tập chánh niệm, nếp sống tỉnh thức, các buổi pháp thoại, chia nhiều nhóm sinh hoạt mang tính cách Gia Đình trong những bữa ăn, dưới các táng tùng, thông, rãi rác trong một diện tích thông thoáng giữa gió nội chim rừng. Các thành viên chia xẻ nhau những tâm tư, tình cảm, những mắc mứu gia cảnh, để giải tỏa hầu thăng tiến trong sự tu tập.

Mới ba giờ sáng, mọi người thức giấc, tuy không có tiếng nói, nhưng âm thanh xào xạc của những bước đi trên sỏi cát, trên lá khô, đã báo hiệu dòng người đổ về thiền đường Bát Nhã. Bốn giờ hơn, trong thiền đường hầu như không còn chổ, người đến sau  ngồi, đứng chung quanh vỉa hè thiền đường, lan ra ngoài sân dưới cái lạnh và sương muối của vùng cao nguyên về khuya. Ban tổ chức phải thiết lập thêm màn ảnh rộng bên ngoài để trực tiếp truyền  tải buổi lễ. Hình như có dấu hiệu mưa nhẹ phía ngoài sân.

Đúng năm giờ, sư ông và chư Tôn Đức, thanh tịnh tăng Làng Mai đều có mặt đông đủ, trong bộ y vàng  trang nghiêm của bậc Ứng Cúng. Sư ông, mở đầu buổi lễ bằng sự thực tập quán sát hơi thở. Thiền đường lặng chìm trong tiếng chuông ngân, vài cơn ho khúc khắc của người bị nhiễm lạnh, không đủ xóa tan bầu không gian tĩnh lặng hùng tráng của Thiền đường. Hòa Thượng chủ lễ niêm hương xưng tán  và đảnh lễ Tam Bảo. Đặc biệt, đại chúng cũng đảnh lễ cả tổ Luật sư  Ưu Ba Li, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Ma Ha Mục Kiền Liên, Ananda, ni trưởng Kiều Đàm Di… và chư tổ từ Thiên Trúc đến VN…

Trưa hôm qua, trong ba cơm quả đường, lần đầu khóa tu, sư ông tham dự cùng đại chúng để chứng minh buổi lể cáo bạch Tam Bảo của những tín tâm xuất gia, 4 vị một cầm hoa hồng tiến lên cúng dường, cứ thế mà khi số lượng giới tử  hoàn tất, đã nhịp nhàng thanh thảng vòng ra, nhập hàng một cách trật tự, như đã được tập dợt k.

Toàn thể Thiền đường đồng xướng tụng Bát Nhã Tâm kinh  bằng âm Việt; Nghi thức truyền giới Sa Di, Sa Di Ni được khởi đầu bằng sự vấn đáp theo luật nghi Thiền Môn. Bầu không khí buổi lễ nâng tâm thức đại chúng lên tầng số thanh tịnh xuất trần khó diển đạt! Ánh sáng  từ những bóng đèn néon trên trần, tỏa xuống êm dịu, làm tăng vẻ đẹp của đức bổn sư màu gạch nung với vầng hào quang thạch cao trắng toát, hương trầm lan tỏa nhẹ, trang điểm vài chậu cây, chậu hoa trang nhã.

Giới tử đảnh lễ công ơn cha mẹ, công ơn Tam Bảo, công ơn quốc gia thủy thổ, thầy bạn  tri thức, kể cả vạn vật cỏ cây mười phương, một sự tri ân nhiều cảm xúc của bậc mang chí nguyện xuất trần đã làm rung động đại chúng, nâng tầm vóc cao thượng của bậc xuất gia, tăng thêm sự tôn kính của Phật tử tại gia có mặt  trong buổi lễ. Hình ảnh bậc xuất gia trở thành cái gì tôn quý mà thế nhân không thể có. Trong số giới tử phát tâm xuất gia, có những vị lâm vào hoàn cảnh đáng thương, cha mất, mẹ tái giá, ông bà nội nuôi dưỡng, tuy sung túc, nhưng vẫn hướng về Chánh Pháp. Cũng có vị bỏ gia đình đang hạnh phúc, chỉ vì quá sùng phụng lý tưởng của người  xuất gia.

Chư tăng ni tăng thân hộ đàn xướng tụng bài tán Dương Chi, Thanh Lương Địa Bồ Tát, Bồ Tát Quán Thế Âm thật du dương, trong lúc Thiền sư và chư Tôn Đức thân giới sư rãy nước nhành dương lên từng giới tử.

Cạo sạch mái tóc nguyện cho mọi người dứt hết phiền não, vượt thoát cho đời. Cứ thế, thầy xướng ba lần cho giới tử cùng nguyện theo. Tiếp đến sư ông đọc thập giới Sa Di một cách mạnh mẽ và trong sáng tác động vào từng tâm hồn mọi người. Cũng những giới luật đó, sao mà sáng tỏ, thâm thúy, xúc cảm và dể hiểu bằng ngôn ngữ bình dị của Thiền sư. Ôi, những giới luật thâm thúy có khả năng giúp cho người tu vượt thoát mọi đam mê cám dổ. Sau khi giới tử khấn nguyện thọ trì mười giới, 77 vị được hướng dẫn đảnh lễ tạ ơn Tam Bảo, vì biết rằng thân người rất quý, gặp được Tam Bảo là hy hữu, đời người như thoi đưa, mỏng manh, qua mau, không để uổng phí trôi qua một cách vô vị.  Đó là lời sách tấn khuyến tu của thầy Bổn sư truyền giới.

Đẹp thay áo giải thoát, áo ruộng phước nhiệm mầu, con cúi đầu  tiếp nhận, đời đời nguyện mang theo, sư ông xướng cho giới tử đọc, từng bộ y đặt trên tay các vị giới sư,  trao tặng cho từng vị tân Sa Di, Sa Di Ni, thật cảm động và thiêng liêng!

Sư ông đặt Pháp danh từng vị, sau đó đọc kệ truyền thừa tông môn, và các giới tử là đời thứ 43 thuộc Lâm Tế tông.

Buổi lể hoàn tất trong sự tôn kính và đầy xúc động. Tất cả  đồng tụng bài Hồi hướng lể Xuất gia.

Mọi người ra khỏi thiền đường, giới tử còn lại để đoạn lìa mái tóc phiền não, với sự gia trì của chư Tôn Đức, sự chứng kiến của cha mẹ, bà con.

Giờ đây, Xuất gia đã có ý nghĩa : Xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia.

Từng giọt nước mắt long lanh trên khóe mắt tân Sa Di, họ vì cảm động, vì tưởng nhớ bao công ơn to lớn của Tam Bảo, cắt đứt mọi liên hệ  tình cảm thế nhân hay khóc vì có người xuất gia trong sự đơn độc, không thân bằng quyến thuộc, giữa rừng người có mặt. Có lẽ đây là buổi lễ xuất gia đặc biệt  hiện dịện trên sáu ngàn người, có chứng minh của Thiền sư Nhất Hạnh va tăng đoàn Làng Mai, trong bầu trời thanh khiết tận chốn  núi đồi xa phố thị Bảo Lộc.

Một tia nắng sớm bắt đầu xoá tan sương lạnh, sáng nay không đi thiền hành mà đoàn người kéo dài hàng cây số như sáng hôm qua, quanh tu viện. Mọi người lặng lẽ tìm chổ ngồi điểm tâm để hồi tưởng lại buổi lể xuất gia trang nghiêm thanh tịnh đầy ấn tượng tại tu viện Bát Nhã.

Một tân Sa Di Ni hãnh diện một hình thái mới, đầu vừa sạch tóc, súng sính trong chiếc áo dài lam, mỉm cười đi ngang mọi người ngồi dưới đất, trong sân tu viện: Em kính chào mấy sư chị.  Có người trong nhóm đáp:  chào sư em, sư em tên gì? Dạ, em là Nguyệt Nghiêm, tiếng nói kéo dài như hảnh diện vì đã bắt đầu gia nhập vào đoàn thể người xuất gia kể từ hôm nay.

 

MINH  MẪN
4/
03/2007
 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.