.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


TRANG NHÀ LÀNG MAI

THEO DẤU THIỀN SƯ III

CẬP NHẬT TRUYỀN THÔNG CHUYẾN HÀNH HÓA CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN TẠI VIỆT NAM - HONG KONG & THÁI LAN TỪ 20 THÁNG 2 ĐẾN 1 THÁNG 6 NĂM 2007
 

TIME MAGAZINE NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 

 

 ĐẾN SÀI GÒN

16/3 – 18/3 (Thứ Sáu 28/1 đến Chủ nhật 30/1 âl)
                 Đại Trai Đàn Chẩn Tế tại Chùa Vĩnh Nghiêm
                 Từ thứ Sáu 16-03-2007 đến Chủ Nhật 18-03-2007
                
Pháp thoại thứ Sáu vào lúc 8:00, thứ Bảy và Chủ nhật lúc 9:00
             
    Phát quà và học bổng ngày cuối trai đàn 18/3/07


Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt Trai Đàn

水 陸 解 冤 平 等 救 拔 齋 壇

-oOo-

Khai mạc Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế thứ nhất
 tại chùa Vĩnh Nghiêm theo nghi thức miền Nam

từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3 dương lịch năm 2007
(nhằm vào ngày 27 đến ngày 29 tháng giêng âm lịch năm Đinh Hợi).

 

Thỉnh Sư

Nội đàn

Ngoại đàn

Nại Hà

Phan

Phướng

Một buổi sáng như bao buổi sáng của Sai Gòn, giòng người lũ lượt tất bật nối đuôi nhau ngược xuôi khắp nẽo phố, riêng đường Nguyễn văn Trổi, tức Công Lý cũ, chiếc cầu bị cô lập để chỉnh tu, chia hai ngả rẽ nhỏ hẹp, vì thế lưu lượng  giao thông trở nên  chậm chạp.. Từ ngày chùa Vĩnh Nghiêm chọn làm cơ sở tổ chức lẽ lộc cho GH TP HCM như Lễ Phật Đản, cũng gây ách tắc không ít .Hôm nay, GH hợp tác với Làng Mai thiết lập Đại Trai Đàn Bình Đảng Chẩn Tế, lượng người gia tăng, vì người dân ai cũng có con em mình, nguời thân mình bỏ mạng trong cuộc chiến, hoặc nhiều lý do khác, vì thế, muốn con em, thân nhân mình được chư tôn đức cầu siêu bạt độ miễn phí .Và hiếm khi được một lực lượng đại tăng trong và ngoài nước như thế cộng lực hộ niệm. Tuy ngày thường bận làm việc, không đến chùa, số người tham dự đã gia tăng khác thường, cảnh sát giao thông vất vả không ít để giữ trật tự cho người đến với Đại giới Đàn..

Từ sớm, các xe Bus chở tăng thân làng Mai đã chiếm một góc đường, các xe du lịch viên chức nhà nước, các thành phần thượng lưu cũng nối đuôi đậu dọc một đoạn dài từ Vĩnh Nghiêm về đến ngã ba Lý Chính Thắng ( Yên Đỗ cũ ). Xe hai bánh thì hang cùng ngõ hẽm, nơi nào để được thì nơi đó biến thành bãi giữ xe.

Chính giữa sân Vĩnh Nghiêm, cách cổng vào 20m, một  hồ nổi bắt chân cho chiếc cầu Nại Hà bằng vải trắng, uốn cong  thẳng  lên Chánh Điện, nhưng  đầu tầng sân thượng, đã án ngay một khám thờ của Tiêu Diện Đại Sĩ và một đại tăng chuyên tiếp dẫn vong linh đứng tại đầu cầu Nại Hà. Bộ y giáp sặc sỡ của Tiêu diện và đại tăng tiếp dẫn nổi bậc hẳn trên suối cầu giả màu trắng toát, hai bên cầu, cờ và đèn lồng chạy vòng quanh lang can, lơ lửng trên không gian những chiếc bong bóng thật to, in màu cờ ngũ sác của PG và câu Khải Kiến Nhơn Vương Hộ Quốc Thủy Lục Bình Đẳng Cứu Bạt Đại Trai Đàn, ngoài cổng chùa, dọc hai bên cũng treo các tấm  như thế trên các thân cây, trụ cột nền đỏ chữ vàng  dể bắt mắt.

Bên dưới, kẻ tới người lui tạo thêm sự nhộn nhịp mà trên cao các hàng cờ cứ phần phật theo chiều gió làm cho cảnh quan thêm rộn rã. Hai dãy mái che dọc  sân chùa cũng không còn ghế trống. Trên các tầng lầu, tháp chuông, chen chúc người nhìn xuống. Bên trong chánh điện mọi người tự động chọn cho mìinh chỗ ngồi ổn định mà chốc nữa đây, họ biết rằng, sẽ khó tìm được chỗ  như thế.

Gần 8 giờ, người dẫn chương trình thông báo buổi lễ bắt đầu, vài phút sau đó, tiếng phèn la, chập chả, tiếng còi Ốc, Bát âm vang dội; dẫn đầu là hai hàng cầm bê, lọng, tiếp theo chư tăng cầm pháp khí, cờ phướng, đèn lồng, nhạc cụ đi hàng hai, ban cổ âm mặc áo dài bông Vạn Thọ màu xanh của các cụ nhạc lễ cổ truyền, Sư ông đi dưới chiếc lộng vuông kết bằng những miếng kim loại vàng nhạc mà phía trước đã là cặp lọng vải tua vàng. Tiếp theo là chư tôn đức tháp tùng từ văn phòng Vĩnh  Nghiêm đi vòng ra trước hồ nổi để lên tầng lầu phía tay mặt từ ngoài cổng nhìn vào; Mọi người nghiêm trang đứng chấp tay một cách thành kính. Sư ông mở đầu buổi pháp thoại bằng chủ đề: Người Thương Tôi Đã Mất, Biết Tìm Người Thương Của Tôi Ở Đâu… Nội dung Sư ông nói lên tính Tương Tức tương nhập, một trong tất cả, tất cả có trong một, triết lý nhà Phật được Sư ông diễn đạt bằng ngôn ngữ và hình ảnh cụ thể, giản dị, ai cũng có thể chấp nhận dễ dàng.

Mọi người lắng nghe một cách thành kính, vài người đến bên bờ hồ nổi, bẻ cong các cánh của sen búp nhại dáng đang nở, thả xuống hồ, ai đó bắt đầu bằng động tác chân thành, để trên cánh sen trôi trên mặt nước một tờ giấy bạc mười ngàn đồng, thế là những người khác bắt chước làm theo, nhiều tờ giấy bạc với mệnh giá khác nhau tương ứng với khả năng kinh tế của họ, kể cả những người đàn ông biểu hiện nét nho nhã trí thức với cặp kính cận mỏng màu trắng... Rồi những tờ giấy bạc đó bập bềnh theo gió và chìm xuống đáy hồ, nhiều cặp mắt của trẻ con nhìn một cách thèm khát, vì những tờ giấy bạc đó sẽ là những cây cà rem, những gói bánh hay là gạo cơm cho gia đình các em nghèo đói.

Có những buổi lễ như thế nầy mới thấy đức tin của người dân  trong mọi tầng lớp là một cái gì cao quý đáng trân trọng. Buổi pháp thoại dành cho doanh nhân trí thức hôm qua, buổi pháp thoại cho quần chúng hôm nay, dù giai cấp nào, dù hình thái và tuổi tác nào, họ đều biểu lộ sự thành kính một cách kín đáo. Một anh chạy xe ôm đứng bên kia đường đón chờ khách, khi nghe tiếng chuông của sư ông ngân lên, qua máy khuyếch âm, anh ta khẽ cuối đầu để mọi người chung quanh không ai nhìn thấy. Họ không chỉ tò mò đối với một danh tăng quốc tế như Sư ông, họ không chỉ thích thú nhìn các tăng thân đủ mọi quốc tịch với gương mặt trong sáng, ánh mắt từ hoà, mà họ còn biểu lộ sự tôn kính một bậc chân tu mà chính mắt họ nhìn thấy nét chân thật bằng cảm tính chứ không bị lệch lạc định kiến bởi những xuyên tạc vu vơ cho dù người đó có học.

Sau thời pháp thoại là nghi lễ khai đàn; cũng vẫn nghi lễ nghinh đón như lúc nảy, lần nầy Sư ông đắp Tử Y gấm màu vàng chanh, các hoa văn ẩn mờ dưới thớ vải, đầu đội mão Quan Âm cùng màu, do TT Lệ Trang cúng dường, trông Sư ông thật trang trọng nghiêm nghị, thấp thoáng nét uy lực của một vị tổ, tiếp là HT Trí Quảng, TT Giác Toàn, Pháp sư Giác Nhiên, HT Đức Nghiệp, các chức sắc GH nội ngoại thành, đại diện tôn giáo bạn, tiếp sau là tăng thân làng Mai, tu sĩ các nơi có đến hàng trăm vị.

Từ micro khởi xướng : Giác Hoàng Thùy phạm lợi Nhơn Thiên, Kinh tuyên bí điển siêu độ thán, giáo điển chân thường cứu đảo huyền, Nan Đà nhơn giả nhân tập định, Cứu khổ Quan Âm thị hiện nhiên, Nan từ tế vật chơn Tam muội, phóng hỏa thâm ân vạn cổ truyền, khi chào đón sư ông và giáo đoàn từ từ tiến lên đại hùng bửu điện...

Sư ông niêm hương bái Phật một cách thành kính, tiếng vang xa và rõ; càng về trưa, càng nắng và nóng, cái nóng của thời tiết cùng với khí thải nhiệt của xe và ồn ào của động cơ, tiếng người gọi người, tiếng chào rao buôn bán, xe lúc nào cũng nối đuôi đến chóng mặt, làm cho bao người tham dự đã thấm mệt. Ban kinh sư khai Chung Bảng, bên trong đại điện vang rền kinh tụng, bên ngoài tháp cao, tấm Phang dài 20m được kéo lên với hàng chữ mà người thời nay ngỡ như thần chú thời cổ đại, chỉ để chiêm bái chứ không để hiểu. Ban hộ đàn tiến hành lễ Chiêu u. Khi Ban kinh sư tiến hành lễ khai kinh liên tục đến chiều thì Thiền sư và tăng đoàn trên những chiếc Bus dài và một chiếc Toyota mui trần trang trí hương án và cờ đuôi nheo hướng về ngoại ô, đến tiếp dẫn hương linh từ cầu Rạch Chiết quận 2 về Chẩn Đàn.

14  giờ chư tăng kinh sư Niêm Đàn sái tịnh, tấm giấy che mặt đức Tiêu Diện đại sĩ và  vị sư dẫn linh được gỡ xuống, nghi thức khai đàn vừa xong, khoa lễ tăng thân làng Mai được tiến hành.

Một số người trở về nhà, một số ở lại chùa để theo dõi những giọng ê a tán tụng u uẩn của nghi lễ miền Nam,  có cảm tưởng chư vong đã về lẩn khuất đâu đó với bộ dạng u sầu đợi chờ miếng ăn bố thí và lời khấn cầu vãng sanh của chư tôn đức. Người nhạy cảm có thể thấy được cái không khí cỏi âm như hiện diện trong lễ hội. Một người yếu vía, ngồi lắc lư khi nghe tán tụng cùng nhịp trống và nhạc cổ. Một hoạt cảnh của lễ hội giải oan hiện rõ giữa phố thị và thời đại thực dụng ngày nay.

Ánh nắng ngã dần màu nhạt, xe vẫn liên hồi rú còi, giờ chiều tan sở cũng khổ sở như buổi vào tầm khi ngang qua Vĩnh Nghiêm.

18 giờ, chư tăng Ban Kinh sư  nhập đàn Chiêu linh, một nghi lễ u trầm dễ gợi lòng người trong cỏi u linh huyền ảo, mộng và thực, âm và dương chỉ còn là lằn ranh tơ tóc. Giữa phố phường không có gió hú của rừng hoang, đầu mùa xuân không có phải tháng 7 mưa phùn như miền Bắc, thế mà cảnh trí như rợn gáy. Nếu cuộc lễ này diễn ra nơi cỏi thâm u hiu quạnh, có lẽ người âm về ngồi chung trên mâm cổ, hiện nguyên hình mong được chia sẻ nổi oan khiên.

Nhưng dẫu sao, một bộ phận người sống thỏa dạ vì thân nhân quá cố của họ được Phật Giáo chiếu cố; một số vong linh vất vưởng quạnh hiu cũng mừng rỡ vì được các sư quan tâm. Một số lớn người dân tôn quý cuộc sống hoà bình, họ trân trọng một hành xử của Sư ông đem lại hài hòa, đoàn kết cho đất nước, xoá tan mọi tội lỗi cho dân tộc mà có những người con vụng dại tạo vết thương trong lòng quê mẹ. Sự đúng sai, tốt xấu của Sư ông thế nào, người dân đã trả lời một cách trung thực qua sự ngưỡng mộ bằng niềm tin chất phát và sự xét suy trung thực. Trai Đàn, khoá tu và Doanh nghiệp là những tụ điểm làm rõ uy tín của một thiền sư. Trong 10 điều Tâm Niệm của nhà Phật, chỉ thiếu một câu :  Nghĩ đến con đường tu tập, đừng cầu sự hanh thông, nếu không có chống báng nguyền rủa thì không thấy được quả vị sâu cạn ( cây càng cao, gió càng lay, càng cao danh vọng càng dày gian nan )

 

MINH  MẪN
16/3/07

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.