.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


TRANG NHÀ LÀNG MAI

THEO DẤU THIỀN SƯ III

CẬP NHẬT TRUYỀN THÔNG CHUYẾN HÀNH HÓA CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN TẠI VIỆT NAM - HONG KONG & THÁI LAN TỪ 20 THÁNG 2 ĐẾN 1 THÁNG 6 NĂM 2007
 

TIME MAGAZINE NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 

 

 ĐẾN SÀI GÒN

20/3 Thứ Ba (2/2 âl) 
8:00  Chia sẻ với Tăng ni & Phật tử tại Đại Tùng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu.
15:00 Lễ cầu siêu tại Đại Tùng Lâm

 

Lễ cầu siêu tại Đại Tùng Lâm

 

  • 21.03.2007 | Minh Mẫn - PSN

Vùng đất cát Long Thành, Bà Rịa làm ruộng cũng như vườn không đạt kết quả, vì thế bỏ trống.  Hòa Thượng Thích Thiện Hoà đã đứng ra mua 200 mẫu để lập Tòng lâm tu viện theo dự hoạch, tên đầu tiên gọi là Đại Tòng Lâm.

Đất chạy dài vào chân núi Thị Vãi, cây sao cây dầu to hơn vòng ôm, bụi rậm che khuất tầm nhìn. Trong thời chiến, về đêm, đạn bom bắn nhau vô tội vạ, ngôi chánh điện vách dựng bằng tole lổ chổ dấu đạn, các bà cụ nhà trù và một hai vị thầy trẻ vẫn cố bám trụ. Hòa Thượng Thiện Hoà dựng bức tượng Quan Âm đứng trên đầu rồng nằm giữa vùng đất trống không xa lộ chính, mặt xây về hướng Đông. Đại Tòng Lâm thầm lặng trải qua trên 50 năm thử thách. Sau 1966 có vài vị về thiết lập am cốc, năm 1968 dân tị nạn chiến tranh tứ xứ về đây lập nghiệp, đất chùa bị mất một số, nhất là mặt tiền đường. Sau 1975, một số cơ sở lớn như tu viện Thiện Hoà do ni sư Như Như xây dựng; chuà cũng nhiều hơn. Khi HT Thiện Hòa viên tịch, thầy Huệ Thới kế thừa, tiếp đến là thầy Minh Thành, thầy Minh Phát, qua các đời, Đại Tòng Lâm cũng không thay đổi, ngoại trừ hình thành trường Phật học. Khi thầy Quảng Hiển tiếp quyền, đã xây ngôi chùa đồ sộ nằm ngay đồi cao nhìn thẳng từ cổng chính vào, cách đường nhựa gần một km, tên mới là Vạn Phật Đại Tòng Lâm. Sở dĩ có tên vạn Phật, thầy Quảng Hiển đã đúc đúng một vạn vị Phật gắn trên vách cao bao quanh chánh điện. Ngôi chùa trông bề thế giữa đất trời bao la!

 

Sáng 19/3/07, Sư Ông họp báo tại tòa soạn báo Giác Ngộ, trình bày về cuốn phim Đường Xưa Mây Trắng của Ngài do  nhà Tỷ Phú Ấn Độ, B. Modi phát tâm thực hiện. Ông B.Modi là tiến sĩ, một trong ba nhà tỷ phú giàu nhất Ấn Độ, chủ tịch Maha Bodhi Society. Đây là ước vọng làm bộ phim cuộc đời đức Phật  mà 18 năm qua không thể thực hiện đến khi ông đọc cuốn Đường Xưa Mây Trắng cuả Sư Ông, đặc biệt tiến sĩ tỷ phú Modi là người Bà La Môn giáo nhưng hâm mộ đức Phật. Ông qua VN và đã có mặt đúng lúc tại TP HCM trước khi Sư Ông tiếp tục du hoá theo chương trình hoạch định. Sau giờ ngọ thực, nghĩ ngơi giây lác, Sư Ông và thầy Pháp Ấn thẳng tiến về Bà Rịa.

Ngoài trời, khí hậu nóng bất thường, chiều đến, một cơn mưa khá lớn, cơn mưa sái mùa đầu xuân mà người ta bảo là mưa nhân tạo để giảm bớt oi bức; các giếng đóng, ao hồ đã cạn nước. Đêm hôm đó, Sư Ông và tăng chúng, Phật tử có mặt tại Đại Tòng Lâm rước vong từ hồ nhân tạo rộng gần một mẫu, tiếp nối phần đất phía ngoài gần đường và phần trong khu vực đại đường; lượng người tham dự trong đêm đã trên ngàn người. Sư Ông và HT chủ sám trai đàn chẩn tế niêm hương khấn nguyện. Cuộc tiếp linh lập lờ trong ánh sáng huyền ảo từ những ngọn đèn bạch lạp, đoàn người nối đuôi kéo dài từ chùa ra hồ và rồi từ hồ về  trai đàn, trật tự, đẹp và thơ mộng. Sáng 20, chư tăng thân làng Mai từ TP mới đáp những chuyến Bus ra chùa. Tăng ni và Phật tử các nơi đổ dồn về Đại tòng Lâm như ngày hội chưa từng có. Khuôn viên chùa đã sử dụng trên 50 mẫu, xây trường Phật học, thư xá, phòng tăng và đại điện, nơi đây thừa sức để xe đậu. Trên 300 trăm chiếc xe lớn, một trăm xe du lịch 4 chỗ, 7 chỗ đậu rãi rác dước các bóng râm, ngoài ra hàng ngàn chiếc xe hai bánh cũng được dồn vào một khu đất trống có rào dậu.

8 giờ 30 sáng 20/3/07, Sư Ông đăng lâm pháp tòa với một lượng tăng chúng và nghi thức đón rước không đồ sộ như Vĩnh Nghiêm, nhưng cũng biểu hiện sự trang trọng tôn kính. Trên chánh điện, dưới nhà khách, các gốc cây, nhà phát hành khinh sách pháp khí đều đông nghẹt người, số người tham dự không thua kém tại Vĩnh Nghiêm. Tuy liên tục làm việc một tháng qua, Sư Ông vẫn không tỏ vẻ mỏi mệt. Vẫn nội dung giúp cho người sống biết truyền thông với người thân và trách nhiệm với xã hội, biết hướng tâm đến người đã khuất có công lao với đất nước, và sám hối chung để đất nước có từ trường thanh lương hầu dân tộc đi lên.

15 giờ chiều, bên tầng dưới chánh điện, các bàn vong, đàn chẩn tế đã thiết lập sẳn khá trang nghiêm. Hòa Thượng Chánh Kế, toạ chủ chùa Kỳ Viên Dàlạt, là chủ sám cùng ban kinh sư đăng đàn  đồng tế. Sư Ông cũng quan lâm niêm hương chứng minh.

Nhờ không gian thoáng rộng, gió biển từng đợt lùa vào, không khí nơi đây thật dễ chịu so với TP. Các đơn vị Gia Đình Phật Tử có mặt trước một hôm để giữ trật tự. Các tín đồ sùng mộ cũng qua đêm nơi các chái, võng, chánh điện, nhà tổ và bất cứ nơi nào có thể, cảnh tượng la liệt đầy hoan hỷ thật thú vị. Mọi người hả hê chứng kiến một sinh hoạt tôn giáo rầm rộ thoải mái dương lợi âm siêu. Vẫn còn nhiều đợt người đến trong khi một số theo xe về lại TP HCM. Tất cả có chung một niềm vui sinh hoạt an lạc trong cảnh quê hương được thái bình. Biểu hiện cuộc hành trình tâm linh và hội ngộ, Bồi đắp gốc rễ, khai thông suối nguồn của Sư Ông thành công  đáng kể.

 
MINH  MẪN
20/3/07

 

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.