.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


TRANG NHÀ LÀNG MAI

THEO DẤU THIỀN SƯ III

CẬP NHẬT TRUYỀN THÔNG CHUYẾN HÀNH HÓA CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN TẠI VIỆT NAM - HONG KONG & THÁI LAN TỪ 20 THÁNG 2 ĐẾN 1 THÁNG 6 NĂM 2007
 

TIME MAGAZINE NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the VieThống Nhấtam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 

 THỪA THIÊN - HUẾ  |  ĐÀ NẲNG |  CAM RANH - NHA TRANG


Tám ngày ở Đà Nẵng

  • 13.04.2007 - Minh Mẫn - Phù Sa (PSN)

7/4 Thứ Bảy (20/2 âl) - 8/4 Chủ Nhật (21/2 âl)
Khóa tu cho Tăng Ni & Phật Tử tại Chùa Hương Sơn

Thiền sinh

Quán niệm

150.000 người tham gia lễ hội Quan Thế Âm,
5.000 người dự khóa tu 2 ngày tại chùa Hương Sơn

Sau ba ngày rộn rịp trên 150 ngàn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm vào hôm chính thức tại Ngũ Hành Sơn, và trên 20 ngàn lượt người tới lui mỗi ngày, cảnh vật đã trở lại yên tĩnh. Riêng  năm ngàn người đăng ký khoá tu, vẫn có mặt đông đủ tại Hương Sơn, một ngôi chùa cách Quan Thế Âm độ 400m.

Khi có chương trình tu học do làng Mai hướng dẫn, các chùa như Hương Sơn, Quan Âm, Long Hoa… đều xây cất phòng ốc, tiện nghi tối thiểu để tăng đoàn có điều kiện tạm trú. Những khâu khác như phòng vi tính, bồn nước, phòng ốc đủ cho hàng trăm vị đều được chuẩn bị chu đáo, mặc dù không ít tốn kém. Riêng khóa tu, lúc đầu dự tính phân bố cho hai điểm – chùa Quan Âm và chùa Hương Sơn, có lẽ sau lễ hội, mọi sự còn bề bộn, nên Ban Tổ Chức tập trung toàn bộ qua chùa Hương Sơn. Tuy nhiên tăng thân làng Mai vẫn có một số vị trú tại Quan Âm, nhưng sinh hoạt thì qua Hương Sơn. Đây là khoá tu đầu tiên tại Đà Nẵng nên mọi người phấn khởi. Có em học sinh lớp bảy, xin nghỉ học 2 hôm để được tham dự. Các quận thành phố Đà Nẵng và Hội An, Quảng Nam, Huế đều có người ghi danh.

Đoàn thiền hành buổi sáng kéo dài hàng cây số vòng qua lộ nhựa, vào đường đất, giữa núi và ruộng. Lần đầu tiên Phật tử Quảng Nam Đà Nẵng tham dự pháp môn tu thở vào thở ra, sinh hoạt nhóm, ngồi ăn bất cứ nơi nào cảm thấy thích hợp, tự rửa chén, hát hò và chia xẻ… trên vùng đất giữa núi và nước, không khí trong lành, với những tăng thân nhiều quốc tịch; nhưng hai ngày chỉ đủ làm quen chứ chưa thâm nhập được Hiện pháp lạc trú.

Lúc đầu lượng số đăng ký là ba ngàn rưởi người, nhưng khầu phần nhà bếp phục vụ đã lên năm ngàn mỗi bữa ăn.

Sau khi khóa tu hoàn mãn, những người dân quê chất phác ra về mang theo tấm thẻ tòn teng trên cổ một cách hãnh diện, để lối xóm thấy đó như lá bùa hộ mệnh hay một chứng thư để vào cỏi Tịnh độ! Dẫu sao, hai ngày lăn lóc nơi đạo tràng, ăn chay nằm đất cũng đã xác định ước vọng tâm linh của họ, và làng Mai không những đã đáp ứng nhu cầu đó mà còn thoả mãn tính hiếu kỳ những điều xa lạ đối với họ! Họ chăm chú nhìn các thầy, các sư cô và những Phật tử ngoại quốc đi đứng, sinh hoạt ngỡ chừng lạc vào cảnh giới xa lạ.

Một số tu sĩ các tỉnh thành khác, đã trở về trú quán, còn lại tăng thân làng Mai, Bát Nhã, Từ Hiếu và Pháp Vân tiếp tục cho những ngày còn lại. Một vài anh chị Tiếp hiện Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội, Đà Nẵng còn lưu trú.

 

9/4  Thứ Hai  (22/2 âl)
Sáng: Tham quan Chùa Linh Ứng, Bãi Bụt
Chiều: Tham quan Tổ Đình Tam Thai, Tổ Đình Linh Ứng, Động Âm Phủ
18:00 - 21:30 Chia sẻ với Tăng ni & Phật tử tại Chùa Pháp Lâm.

Chùa Linh Ứng trong khói sương giữa biển và núi

Ngôi tháp cao 50m thi công dang dở

Thăm chùa Linh Ứng, thuyết giảng chùa Tỉnh hội, với hơn 6.000 người tham dự

Sáng ngày 09/4/07, đoàn thăm viếng chùa Linh Ứng 3 tại Bãi Bụt. Đoàn xe bảy chiếc Bus và mấy chiếc xe con chạy dọc bờ biển, lên một đoạn dốc cao. Nơi đây cách Đà Nẵng 6km, cách Ngủ Hành Sơn 12km, chùa nằm trên độ cao 100m cách mặt biển. Đúng 8 giờ 30 đoàn đến. Gia Đình Phật Tử, nam nữ Phật tử đứng sẳn dọc hai hàng theo các bậc thang cấp lên đến chùa, hai tay chắp trước ngực với lá cờ giấy kẹp trong tay. Lọng và hoa, đèn và trầm dẫn Sư ông và đoàn tăng thân vào chùa, leo lên hàng trăm bậc cấp. Ngôi tháp cao 50m thi công dang dở nhìn xuống thảm biển mênh mông xanh thẳm. Chùa còn mang lớp áo mới toanh, rộng thoáng cho gió biển thỏa sức tung hoành. Trên chánh điện, ông bí thư Thành ủy Đà Nẵng với chiếc áo trắng tinh, tóc tai mượt mà, khuôn mặt dễ nhìn, nói năng lịch sự, đã ân cần đón tiếp Thiền sư. Bên trong giảng đường và nhà khách, hàng trăm ghế, nước đóng chai và bánh kẹo dọn sẳn. Đoàn lễ Phật giữa rừng người vây kín bên ngoài.

Bãi Bụt là một tên mang đậm ý nghĩa huyền nhiệm trước khi chùa xây dựng quy mô. Theo lời kể của Thượng tọa trụ trì,Thích Thiện Nguyện kể rằng : Một hôm độ 60 Phật tử tham quan bãi Rạng, cách bãi Bụt một cây số, đi bộ để chờ xe, vào giờ chiều, một người sắc tộc đi sau nhìn thấy đức Quán Thế Âm tay bồng hài nhi từ biển đi vào, số người còn lại không ai thấy. Thỉnh thoảng vẫn có người được chứng kiến đức Bồ Tát Quán Thế Âm như thế. Và lần khác, một người phát tâm mua trầm đến cúng chùa, nhưng thời gian quên bẳng, liền được chư thần nhắc mộng nhiều đêm cả hai vợ chồng. Chẳng những thế, nhiều doanh nghiệp đã thất bại, nhưng một công ty vừa đến Đà Nẵng, nghe tin sự thiêng liêng của bãi Bụt, ông ta đến dâng lễ khấn nguyện,  một trùng hợp với sự thành tâm, mỗi ngày doanh nghiệp ông mỗi phát đạt…

Chùa khởi công xây dựng vào năm 2004, Thành phố đã cấp cho chùa một số đất diện tích 10 hecta, theo thời giá của khu du lịch bãi Bụt hiện nay là 15 tỷ đồng Việt Nam, sau đó một số viên chức Thành phố, cùng gia đình đã quy y với thầy Thiện Nguyện.

Qua việc giới thiệu nguồn gốc, sự hiển linh đúng với cái tên Linh Ứng tự, tán thán công đức của chính quyền, Thượng tọa trú trì dâng hoa cúng dường, làng Mai cũng trao lại tấm thư pháp với những lời ân nghĩa với tiền hiền liệt tổ.

Chùa Linh Ứng 3, công trình chưa hoàn tất, nhưng tổng thể cũng chưa toát hiện được nét văn hoá đặc thù. Hầu hết các chùa đều xử dụng đá granite lót sân hoặc dùng làm các khí cụ và bàn ghế thật phí phạm, nhưng không quá đáng, vì Ngũ Hành Sơn là nơi cung cấp các loại đá. Giá rẽ và thông dụng hơn bất cứ nơi đâu.

Đoàn xuống  gần 10 giờ sáng, các chiếc Bus và xe bốn chỗ đậu dọc sườn núi, đặc biệt một chiếc xe màu trắng dài gấp đôi xe du lịch thường, ngày xưa các lãnh tụ nước ngoài hay xử dụng, cũng đậu bên bãi đất trống phía biển, có lẽ của một đại gia hay nhân viên ngoại giao nào đó. Nhân viên công lực và bảo vệ địa phương chận xe hai đầu dốc núi cho Sư ông và đoàn lên xe.

Chiều còn lại, đoàn về Ngũ Hành Sơn viếng động Âm Phủ, tổ đình Linh Ứng , Tổ đình Tam Thai và các hang động, chùa Pháp Vân của Hòa thượng Chí Mãn để sau đó Sư ông pháp thoại tại chùa Tỉnh hội. Đêm nay, người tham dự buổi nói chuyện đông hơn cả ngày tiếp đón; trên lầu, dưới giảng đường, ngoài sân gần 6 ngàn người, màn ảnh rộng từ ngoài đường vẫn thấy được, nhưng âm thanh không đủ xa cho những người gần cổng, vì thế kẻ lại người qua huyên náo. Đà Nẵng lâu lắm mới có một không khí của ngày hội.

 

10/4  Thứ Ba (23/2 âl)
Sáng: Thăm viếng chùa Phổ Đà.
Tham quan An Long Cổ Tự và Cổ Viện Chàm.
Chiều: Tham quan bãi biển Mỹ Khê, Non Nuớc
Chia sẻ với nhân sĩ trí thức TP Đà Nẵng và vùng phụ cận.

Chùa Pháp Lâm

Đến chùa Phổ Đà thăm trung cấp Phật học Đà Nẵng, chiều thuyết giảng cho Nhân sĩ, Trí thức tại Non Nước, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ngỏ ý thỉnh Sư ông mở làng tu tại đây

Sáng ngày 10/4/07, Sư ông và đoàn qua thăm chùa Phổ Đà do Hòa thượng Từ Mãn trụ trì kiêm hiệu trưởng trung cấp Phật học Đà Nẵng, Thượng tọa Thiên Toàn làm phó hiệu trưởng. Hòa thượng Như Minh, phó Ban Trị Sư Phật Giáo Đà Nẵng thay mặt đón tiếp, Thầy Thiện Toàn đại diện trường Phật Học, trình bày quá trình sinh hoạt của trường, thầy ngỏ ý mong làng Mai cử giáo thọ về giúp trường hoặc trường cử người qua làng Mai tu học để về áp dụng cho tăng ni sinh song hành cả học lẫn tu hầu chấn chỉnh tăng phong tu sĩ. Hòa thượng hiệu trưởng dâng quà tặng Sư ông, tăng ni sinh đãnh lễ Sư ông và tăng thân làng Mai. Hai bên trao quà cho nhau và cuối cùng là lời cảm tạ của Ban Tổ Chức.

Cổ viện Chàm trưng bày nhiều di tích văn hoá của một dân tộc đã đi vào dĩ vãng. Viện bảo tàng sưu tập cổ vật khắp các tỉnh thành phía Bắc vào đến Bình Định Phan Rang. Tượng Thủy quái Makara vào kế kỷ XIII, thần Siva thế kỷ XVI, thần Indra thế kỷ X, thần Visnu thế kỷ XI-XII. Các mẫu hình phần nhiều không còn nguyên vẹn. Các cổ vật nói lên mức độ văn minh một thời của sắc tộc Chàm nhưng không còn đủ sinh lực chuyển tải linh hồn của một dân tộc.

Để trọn tình vẹn nghĩa của người dân thành phố Đà Nẵng đối với đoàn, trưa hôm đó, Thượng tọa Huệ Vinh tổ chức cúng dường bữa cơm tại nhà hàng Phì Lũ 3 do sự tài trợ của  anh Nam, Cty Chiến Thắng và gia đình Nam Việt Á của chị Đặng Thị Thu Thủy, đồng tài trợ của chị Đỗ Thị Ngọc chủ nhà hàng. 45 bàn vừa đủ cho đoàn, chính quyền Thành phố, anh em Gia Đình Phật Tử giữ trật tự, tài xế các xe của đoàn và anh em cảnh sát giao thông tháp tùng. Những công ty và các nhà doanh nghiệp trên đã đóng công góp của cho lễ hội Quán Âm tại Ngũ Hành Sơn thành công với tầm vóc quốc gia, nhiều bộ môn nghệ thuật cũng đạt  kỷ lục quốc gia. Trong bửa cơm nầy, Thượng tọa Huệ Vinh đã tán thán ghi nhận công đức của các nhà hảo tâm, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã dành tất cả cho lễ hội và đoàn tăng thân quốc tế làng Mai đồng thời Thượng tọa tặng quà lưu niệm cho làng Mai và Sư ông, các nhà tài trợ cũng dâng lên Sư ông những phần quà lưu niệm, sau đó, xin Sư ông phóng bút thư pháp trên tấm giấy khổ lớn và tấm vải trắng mà anh Nam, Cty Chiến Thắng sẽ làm quà lưu niệm cho những lễ hội sắp tới. Tăng thân làng Mai cũng trao quà cho các nhà tài trợ và Thượng tọa Huệ Vinh.

Chiều đến tăng đoàn đi biển Non Nước, bãi biển sạch, nước trong, có chỗ sâu. Mặt nước mênh mông vô tận, trời trong xanh như hoà cùng biển, không có bóng dáng tàu thuyền hay ngư phủ. Trời về chiều, ánh nắng mất hút để lại gió lạnh từng cơn. Có người ở lại đợi buổi pháp thoại của Sư ông tại resort gần đó, vì họ sợ chỉ có 200 vé mời cho nhân sĩ trí thức Đà Nẵng, họ sẽ không được phần tham dự.

Tuy buổi pháp thoại do Sư ông đảm trách, nhưng địa điểm và khách mời do Mặt trận thực hiện. Nội dung cũng chỉ xoay quanh vấn đề Thở để giải quyết mọi vấn đề, kẻ có quyền lực sẽ là nạn nhân chính mình nếu không biết chế tác năng lượng tình thương với mọi người chung quanh, từ gia đình đến xã hội. Thính giả cảm nhận được thanh thản qua việc quán niệm hơi thở. Ông Nguyễn Bá Thanh, chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ngỏ ý thỉnh Sư ông mở làng tu tại đây. Trong và ngoài hội trường lên 400 vị, giấy mời cũng khó hạn chế người muốn tham gia.

 

11/4  Thứ Tư (24/2 âl)
Thăm viếng tổ đình Chúc Thánh, Vạn Đức, Pháp Lâm.
Tham  quan phố cổ Hội An. Tịnh Xá Ngọc Cẩm, Chùa Bảo Thắng
Thăm viếng Chùa Pháp Bảo. Ban Đại diện PG thị xã  Hội An
Chia sẻ với Tăng ni Phật tử tại Chùa Pháp Bảo.

12/4  Thứ Năm (25/2 âl)
Tham quan di tích Mỹ Sơn
 

Thăm Hội An, Mỹ Sơn, ...
chia sẻ với Tăng - Ni chùa Pháp Bảo

Sáng 11/4, Ban Tôn Giáo thành phố Đà Nẵng đã tiển đoàn về đến Hội An, rồi quay trở ra. Cảnh sát giao thông đưa đoàn đến giáp ranh tỉnh. Gia Đình Phật Tử cũng nhiệt tình đưa đón suốt thời gian đoàn lưu ngụ. Các em Gia Đình Phật Tử luân phiên theo đoàn, bỏ cả việc làm, việc học.

Đến tịnh xá Ngọc Cẩm, tôi không thể đi các điểm khác theo chương trình vì không có phương tiện. Chờ đoàn đến ăn trưa, thấy được tinh thần đạo tâm của hơn 100 Phật tử tại Ngọc Cẩm chào đón, tôi nhờ một người bạn vô từ Đà Nẵng đưa về lại Ngũ Hành Sơn, không chứng kiến buổi pháp thoại đêm đó tại chùa Pháp Bảo, Hội An, nhưng nghe quý thầy có mặt cho biết Phật tử Tam Kỳ ra tham dự rất đông, số người có đến bốn ngàn, nhưng không có Ban Trị Sự tiếp, không cờ xí như Đà Nẵng, ngay cả Tịnh Xá Ngọc Cẩm là điểm chính cho buổi ăn trưa, đường vào chùa cũng không có tấm biểu ngữ hay lá cờ đầu ngõ, nghênh tếp, chúng tôi vòng tới vòng lui mới tìm ra đường vào chùa, băng qua sân của bến xe khách; tuy cơ ngơi xây dựng 6 tỷ 6 mà đường vào không có lấy tấm biển nhỏ cho khách hành hương biết sự có mặt của mình trên phố cổ. Chả lẽ Phật Giáo Quảng Nam cũng bị lãnh cảm ?

Sáng 12/4 đoàn chuẩn bị di tham quan di tích Mỹ Sơn. Thầy Phước Trí đi xe con, mời tôi tháp tùng. Mỹ Sơn là khu di tích cổ của Chàm cách Đà Nẵng 60km. Chúng tôi không theo đoàn nên vé vào cổng mỗi người 30 ngàn. Từ bãi đậu xe, đi bộ vào trong độ 1km, đường lát đá xanh giữa hai hàng cây dầu phủ bóng. Rừng bao la. diện tích thung lũng 250 hecta, chung quanh núi bao bọc. Các dấu bom thời chiến còn lưu lại những hố rộng và sâu. Các tháp cổ không nguyên vẹn, rãi rác trên 40 hecta chia làm 12 nhóm. Có chứng kiến  Mỹ Sơn mới thấy tầm vóc văn hoá cổ của Chăm. Nét chạm trổ, điêu khắc trên văn bia sắc sảo đến lạ. Những viên đá gắn chặt vào nhau không có cement. Các Linga và Yoni còn vững chắc với thời gian. Du khách khó tưởng tượng được một bộ tộc băng rừng vượt núi bằng lối mòn, chọn  nơi đây xây dựng những đền tháp hàng ngàn năm vẫn còn giữ được nét cổ kính, một sắc tộc có thể định hướng Phú Xuân, Thăng Long của Việt Nam để khởi quân quấy rối mà không cần la bàn hay những phương tiện hiện đại; Và ngắm nhìn đền tháp hiu quạnh mới cảm nhận nổi xót xa của kẻ mất nước (hận Đồ Bàng) Tôi, thầy Phước Trí, thầy Chí Mậu đứng bên đền tháp đổ nát chụp chung tấm hình mà tiền nhân ngàn năm trước đã nhiều người đã chung sống nơi đây.

 

8 ngày ở Đà Nẵng

8 ngày ở Đà Nẵng mà ngỡ như lâu lắm, vì quá nhiều ấn tượng về Đà Nẵng.

- Phật Giáo thành phố Đà Nẵng năng động, nhiệt tình, có tầm vóc

- Lễ hội Quán Âm do Thượng tọa Huệ Vinh tổ chức mà linh hồn sáng tạo năng động vẫn là Thượng tọa Huệ Hưng. Một bộ tứ trước đây, chỉ còn bộ ba, Huệ Hưng, Huệ Tánh, Huệ Vinh đã làm nên nhiều kỳ tích có tầm vóc, Huệ Tâm đã xuất dương. Ít có những huynh đệ đoàn kết làm phật sự như thế. Thầy Huệ Vinh có năng khiếu giao tế, làm kinh tế thì thầy Huệ Hưng có óc tổ chức có nhiều sáng tạo, vốn là linh hồn cho Ngũ hành Sơn  trongmọi sinh họat văn hóa Phật Giáo. Thầy Huệ Tánh điều hành ban từ thiện Quan Âm trên ngàn thành viên..

- Phật Giáo Đà Nẵng đã tranh thủ được sự đồng tình từ chính quyền sở tại, và sự hổ trợ từ các doanh nghiệp.

- Thượng tọa Huệ Vinh đã tiên phong việc tiếp đãi tăng đoàn làng Mai và chu tất suốt thời gian đoàn lưu trú.

- Quần chúng có tinh thần đoàn kết và tín ngưỡng sâu sắc. Có máu văn nghệ, xuất khẩu thành thơ nhưng bản chất dũng khí.

- Chính quyền rất thoáng và năng động. Cuối năm chính quyền các cấp gặp gỡ mọi tôn giáo để trao đổi thẳng thắn, lắng nghe và giải tỏa mọi mắc mứu. Trong cuộc trao đổi với Ban Tôn Giáo tại chùa Quan Âm nhiều vấn đề liên quan đến Phật Giáo, tôi hỏi : Phật Giáo Thống Nhất thì sao? họ đáp, chúng tôi chả gây khó khăn nào nếu họ chỉ thuần túy tôn giáo. Tôi đã gặp thầy Thanh Quang và những nhân sự của Ban Đại Diện Phật Giáo Thống Nhất, họ xác nhận điều trên là đúng, nghĩa là họ vẫn sinh hoạt thường xuyên hằng tuần mà không hề gặp khó dễ, ngoại trừ ngôi chùa Giác Minh ở Hải Châu dang dở vì kinh phí. Hỏi đến chùa Kỳ Viên, chùa Vĩnh Ninh, chùa Minh Phước có nhiều mắc mứu, họ đáp : anh không ở lâu tại đây nên anh không rõ vấn đề nội bộ, qua lễ hội anh đủ thấy chúng tôi ủng hộ tôn giáo như thế nào. Một Bà Nà, một Bãi Bụt anh đã biết, chúng tôi yểm trợ tối đa, chỉ có một vài vị tăng lấn cấn, chỉ thấy quyền lợi riêng mình mà không thấy cái chung của Thành phố. Tôi gặp Hòa thượng Giác Viên, quyền trưởng Ban Trị Sự hỏi những việc trên; với tánh quan liêu phong kiến của một tu sĩ Huế cao niên lúc mở lời tôi xin gặp, nhưng sau đó lời lẽ lề mề lòng vòng không vào trọng tâm, tôi rút lui. Riêng ông Nguyễn Bá Thanh, tôi đã nghe  từ lâu tại Thành phố HCM, một người năng nổ, thoáng và làm đâu ra đó. Quả thật, khi vào đến thành phố Đà Nẵng, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là Thành phố sạch, rộng, ngăn nắp. không có bán báo dạo hay những nghề linh tinh, mà dồn vào một khu vực nhất định. Không có người ăn xin níu kéo du khách. Lễ hội Quan Âm trên một trăm năm chục ngàn người mà vẫn không có cảnh chướng mắt. Hầu hết những người bán nhang, đường vào lễ hội đều là người khiếm thị. Không cướp giựt trộm cắp xẩy ra giữa chốn đông người như thế. Người neo đơn nghèo khổ đều giải quyết vào một điểm nhất định. Phật Giáo Đà Nẵng cũng xác nhận phong cách làm việc đem lại hiệu quả của ông Nguyễn Bá Thanh.

Người dân từ xe thồ đến khách sạn luôn niềm nở nhiệt tình khi hỏi thăm đường. Người buôn bán không hằn hộc với khách hàng khi trả giá mà không mua… Các bãi biển rất sạch và đẹp. Chùa Quan Âm không bao giờ đóng cửa, xe để ngoài sân suốt đêm, thầy Huệ Hưng bảo rằng nơi nào tại Đà Nẵng cũng thế, không riêng chùa nầy.

Tại sao những địa phương khác không thể như vậy?

Hôm nay là ngày cuối tại Đà Nẵng để mai đây ra Hà Nội. Hơn 40 năm xa Đà Nẵng, trở lại bằng tâm trạng đứa con đi xa đã trở về, mọi ấn tượng một Đà Nẵng xa xưa không còn nữa khi mà Thành phố hoàn toàn khoác lên người lớp áo mới thật lịch sự. Nhưng ấn tượng mới về tình cảm của người dân Đà Nẵng đến với đoàn, với du khách, với riêng tôi có cái gì mát dịu như sự mát dịu của khí hậu trong những ngày qua, trong đó, Bác sĩ Diệu Ngọc, Bác sĩ Như Hoa và những người em tinh thần đã cùng tôi bên tách cà phê nhìn sông bình thản xuôi dòng về đêm.

Sáng nay, chuẩn bị tiển đoàn và chia tay chúng tôi, Thượng tọa Huệ Vinh mời tôi đi uống cà phê tại quán Vô Biên (Cội Nguồn), gặp nhà thơ Thư Cưu và những văn nghệ sĩ khác, để khi xa Đà Nẵng, vẫn còn đọng lại chút gì đó như thấm đượm hương vị của cà phê sáng nay.

 

MINH MẪN
13/4/07

 

 SÀI GÒN  |  LÂM ĐỒNG  |  BÀ RỊA - VŨNG TÀU

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.