THEO DẤU THIỀN SƯ
IV từ tháng 6/2007 đến tháng 5/2008 |
Thiền sư
Thích Nhất Hạnh đề nghị:
Đổi
tên Đảng, và tên Nước,
Giải thể Ban Tôn Giáo Chính Phủ,
trước hết là ngành Công An Tôn Giáo,
Tách rời Tôn giáo khỏi Chính trị và Chính trị khỏi Tôn giáo...
LGT: Ban
biên tập (BBT) Phù Sa đã theo dõi chuyến Hoằng Pháp ngay từ những ngày
đầu, có thể nói nhứt cử nhứt động của Tăng Đoàn đều được phổ biến trong
mục Theo Dấu Thiền Sư IV. Thế nhưng bài Xã luận, và nội dung của Lá Thơ
Làng Mai năm nay đã làm cho BBT chúng tôi nhiều bất ngờ đầy lý thú. Sau
4 tiểu tựa (5 trang) đầu, bài Xã thuyết bắt đầu đưa người đọc từng bước
khám phá những sự kiện vô cùng tế nhị đã xảy ra trong chuyến Hoằng Pháp
đã qua mà rất ít người biết đến, ngay cả thiền sinh tham dự trọn chương
trình hơn 2 tháng cũng khó có thể biết hết được.
-
Đề nghị đổi tên Đảng, cũng như tên Nước.
- Ý
nghĩa của cuộc viếng thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
-
Giải thể Ban Tôn Giáo Chính Phủ, trước hết là ngành Công An Tôn Giáo.
- Con
gái Đại tướng Westmoreland quy y Tam Bảo, với pháp danh Tâm Đức Hướng.
- Thẳng
thắng chỉ rõ những sai lầm do độc tôn chủ nghĩa gây nhiều đau thương, và
đổ vỡ ,…
- Nhiều thông tin về cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước với Thiền sư và
Tăng đoàn.
-
Đề nghị
con đường phát triển văn hóa, xây dựng tình huynh đệ, ….
- Và
nhiều, rất nhiều thông tin, ý tưởng mới, đẹp, và lành, …. khác.
Cũng
trong Lá thư kỳ này, ở trang 31, dưới tựa đề « Nồi Da Xáo Thịt » là thư của Giáo sư Bác sĩ Y khoa
Viện Quân Y 108, Nguyễn Xuân Hiển gửi Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nói Ngài
đã làm sáng tỏ chân lý mà trước đây nhiều người chưa thấy, hoặc chưa dám
nói, đó là : Cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua thực chất là một
cuộc huynh đệ tương tàn, đối đầu giữa hai « tiền đồn » dùng vũ khí và
học thuyết của hai khối nước ngoài để chọi nhau. Mà bạn đọc Phù
Sa đã xem hôm trước tết Mậu Tý (6.02.2008).
Để tiện
việc tập trung theo dõi những nội dung chưa từng được phổ biến trong
chuyến Hoằng pháp lịch sử này, chúng tôi xin trích ra đây từ chương năm
trở đi, cũng là trọng tâm của bài Xã thuyết, và 10 Điểm Thỉnh Cầu và Đề
Nghị của phái đoàn Đạo Tràng Mai Thôn đến Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam như dưới đây.
Đa phần
còn lại, với nhiều bài viết, bài pháp thoại, bài chia xẻ kinh nghiệm tu
tập rất hay,… các bạn có thể xem trực trực tiếp ở
Lá Thơ Làng Mai 31.
Bình đẳng và giải oan
Chuyến đi của Sư ông và phái đoàn Làng Mai năm 2007 quả là một chuyến đi
lịch sử. Trọng tâm của chuyến đi là ba Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng
Giải oan tổ chức ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam để cầu siêu độ cho hàng
sáu, bảy triệu đồng bào đã tử nạn trong cuộc chiến. Cố nhiên trong
chuyến đi cũng có những sinh hoạt khác như diễn thuyết, pháp thoại, các
ngày quán niệm, các khóa tu cho giới xuất gia hoặc tại gia, các buổi
thiền hành, các buổi khất thực, một buổi lễ xuất gia cho gia đình Cây
Trầm Hương và một đại giới đàn, nhưng trọng tâm vẫn là các trai đàn chẩn
tế. Một số các vị tôn túc ở Việt Nam trước đó đã lấy làm ngạc nhiên,
không biết tại sao Sư ông Làng Mai vốn chuyên hành thiền và hướng dẫn
thiền tập mà lại đi sang lĩnh vực chẩn tế mang đậm màu sắc Mật tông như
thế. Sự thực là trong Thiền cũng có yếu tố Mật mà trong Mật cũng có yếu
tố Thiền.
Các trai đàn chẩn tế được Thầy Làng Mai xem như những cơ hội thực tập
tâm lý trị liệu tập thể cho cả một đất nước và cả hai giáo Thiền -
Mật có thể đóng góp được rất nhiều cho sự thực tập này. Vì vậy
cho nên trong suốt thời gian các trai đàn chẩn tế, Thầy và
tăng đoàn Làng Mai đã hết lòng thiền tọa và thiền hành để gia trì
năng lượng và yểm trợ cho các vị trong ban kinh sư để giúp các
ngài thành tựu được mỹ mãn các pháp môn cứu khổ độ u.
Cố nhiên, để tổ chức được những đại trai đàn có tầm vóc như thế phải có
sự đồng ý cho phép của nhà nước. Trước khi về nước, Thầy Làng Mai đã có
viết thư trân trọng thỉnh cầu ngài Chủ tịch nước, ngài Thủ tướng chính
phủ và ngài Chủ tịch quốc hội tới dự lễ dâng hương bạch Phật khai mạc
các đại trai đàn, và tăng thân Làng Mai nghĩ rằng nếu các vị ấy thấy
được tầm quan trọng của Phật sự này và ý thức được đây là nhu yếu tâm
linh của cả một dân tộc thì thế nào các vị ấy cũng đến tham dự.
Nếu quý ngài đến tham dự lễ dâng hương bạch Phật thì các ngài sẽ rất
được lòng dân, và nếu vì một lý do nào mà các ngài không đến được thì đó
sẽ là một thiếu sót.
Nhưng cho đến khi phái đoàn về tới TP. Hồ Chí Minh rồi mà vẫn chưa có
thư phúc đáp của các ngài qua Đại sứ quán tại Paris. Vài viên chức cao
cấp trong chính quyền có giải thích sở dĩ các ngài không đến được, không
phải là tại các ngài không muốn đến mà tại vì có những lý do không nói
ra được; lý do duy nhất có thể nói ra được là tại vì trong quá khứ chưa
từng xảy ra một tiền lệ như thế -chính quyền đến tham dự một lễ lược do
nhân dân tổ chức-.
Lý do này thực sự không phải là một lý do, bởi vì trong lễ Phật Đản do
hội An Nam Phật Học tổ chức tại Huế năm 1935, vua Bảo Đại cũng đã đến
tham dự và hơn nữa cũng đã nhận làm Hội trưởng danh dự của hội An Nam
Phật Học. Các vị tổng thống và thủ tướng các nước tại châu Âu và châu Mỹ
cũng thường đến tham dự những thánh lễ tại các nhà thờ vào các dịp như
đầu năm và các ngày quốc lễ khác.
Phân tích cho kỹ ta sẽ thấy có nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố nghi
ngại là quan trọng hơn cả. Dấu hiệu đầu tiên là nhà nước, trong đó hẳn
có Trung ương Đảng và ban Tư Tưởng đã không muốn Làng Mai sử dụng từ
giải oan. Đoàn tiền trạm của Làng Mai dù có
giải thích bao nhiêu đi nữa, nói rằng các trai đàn chẩn tế của truyền
thống Phật giáo, từ xưa đến nay đều có sử dụng từ giải oan,
nhưng rốt cuộc các thầy trong Giáo Hội cũng như trong Phái đoàn chỉ được
chính thức sử dụng từ bình đẳng mà thôi.
Theo tư tưởng lãnh đạo, đây là một cuộc chiến tranh giải phóng đất nước,
những người chiến sĩ hy sinh là tại họ muốn hy sinh, những người bên kia
chống lại tại vì họ muốn chống lại, hai bên đã chết vì muốn đi theo
đường lối và chí hướng của mình, như vậy không có oan ức gì cả.
Trong tư duy người ta có thể suy luận như thế nhưng trong thực tế, nỗi
oan ức mà dân ta đã phải chịu đựng trong suốt cuộc chiến tranh dai dẳng
có tầm vóc lớn lao tới mức không lời nói nào có thể diễn tả nổi. Nước
Đức cũng đã bị chia đôi, Tây Đức lại có căn cứ quân sự Hoa Kỳ, nhưng rốt
cuộc, hai nước Đức đã được thống nhất, các căn cứ hỏa tiễn liên lục địa
của Hoa Kỳ ở Tây Đức được giải tỏa mà dân Đức không phải đi ngang qua
một cuộc chiến với hàng sáu triệu người thiệt mạng với bao nhiêu đổ nát
và tang tóc như ở nước ta.
***
Lo ngại an ninh
Đại giới đàn Văn Lang khai mạc vào tháng chạp năm 2006 tại
Mai Thôn đã cung thỉnh được nhiều vị tôn đức bên Giáo Hội
qua. Đó là các Hòa thượng Trí Tâm, Gia Quang, Thanh Nhã,
Bảo Nghiêm và Huệ Phước. Các vị tôn đức ấy đã tỏ ra thương
mến đạo tràng và tứ chúng Mai Thôn và rất muốn yểm trợ hết
lòng cho các Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan được thành tựu
viên mãn. Thầy Làng Mai và các thầy ở Xóm Thượng đã thấy
được điều ấy và đã trình bày cho các ngài biết rõ là những
lo ngại của Ban tôn giáo chính phủ và của các giới công an
là không có căn cứ: Làng Mai hứa là sẽ không nói gì và
không làm gì có tác dụng gây niềm phẫn uất và tạo ra
tình trạng mất an ninh trong thời gian các đại trai đàn.
Để an lòng bên nhà, Thầy đã đưa ra luôn đề tài của các
buổi pháp thoại được nói trong suốt thời gian đại trai
đàn chẩn tế, những đề tài như: Người thương tôi chết, tôi
biết tìm người thương ở đâu? Tôi có thể làm gì để người thương
của tôi được dễ dàng siêu thoát? v.v...
Các vị tôn túc ai cũng thấy rất rõ là từ giải oan là một từ phổ
thông trong truyền thống nghi lễ Phật giáo: thật ra thì không một vị
xuất gia nào lại không thấy được điều này. Các vị tôn đức rất được an
tâm khi nghe Thầy Làng Mai bảo đảm là các đại trai đàn chẩn tế sẽ được
cử hành trong tinh thần thuần túy tâm linh và truyền thống, không có gì
đáng lo ngại về mặt an ninh cả. Chắc chắn là các vị sau Đại giới đàn Văn
Lang, khi trở về nước đã hết lòng trấn an những vị có trách vụ trong
chính quyền.
Tuy vậy những nghi ngại lâu đời lâu kiếp vẫn không thể giải tỏa được.
Giờ phút phái đoàn Làng Mai về tới Sài Gòn, tình trạng vẫn chưa thấy
sáng sủa hơn. Vẫn chưa nhận được thư phúc đáp của các nhà lãnh đạo về
việc tham dự lễ dâng hương bạch Phật, vẫn chưa cho phép sử dụng hai chữ
giải oan. Ở thành phố Hồ Chí Minh, các vị tôn túc đã sẵn sàng yểm
trợ cho đại trai đàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng ở Huế, và nhất là ở Hà
Nội, không khí e ngại, sợ hãi vẫn còn nguyên vẹn. Không có một dấu hiệu
nào chứng tỏ là các vị tôn túc ở Huế và nhất là ở Hà Nội đang sốt sắng
yểm trợ việc thiết lập các đại trai đàn.
Tuy chính quyền đã cho phép tổ chức đại trai đàn chẩn tế, nhưng trong
nước đồng bào không ai biết là sẽ có những trai đàn chẩn tế như thế, bởi
vì báo chí, các đài truyền hình và các đài phát thanh chưa bao giờ đề
cập tới. Chỉ có các Phật tử nào trong nước biết lên mạng Làng Mai mới có
được những thông tin này. Bản Phổ Cáo Quốc Dân đăng trên
lá thư Làng Mai số 30 ngày 24.01.2007 đã được đưa lên trang nhà Làng Mai
từ lâu, nhưng không có cách gì được phổ biến trên báo chí tại quê nhà.
May mắn thay, đoàn tiền trạm với sự yểm trợ hết lòng của các vị tôn đức
trong báo Giác Ngộ, đã đưa được một ít tin tức về Đại Trai Đàn Chẩn Tế
lên tờ báo này. Nhưng đồng bào trong nước mấy người được đọc báo Giác
Ngộ?
Tạo ra được ý thức cộng đồng để quy hướng về sự thực tập trị liệu và
chuyển hóa thật ra là một công việc rất khó khăn, hầu như không thể vượt
qua được. Trong chuyến Thầy Làng Mai về thăm quê hương năm 2005, báo chí
chỉ được phép đưa tin ngày đến và ngày đi của phái đoàn Làng Mai. Chương
trình sinh hoạt của đoàn trong suốt hai tháng rưỡi trời, không có báo
chí nào dám đăng, dù những tài liệu này được thuê in vào phần quảng cáo,
báo cũng không được in.
***
Hoành tráng
Kỳ này không biết vì một lý do nào đó, có thể là do sức thiêng của chư
vị tổ sư độ trì, mà mây mù bắt đầu được vén lên, khi các nhật báo Tuổi
Trẻ và Thanh Niên tìm tới tiếp xúc với Thầy Làng Mai. Trong nhiều ngày
liên tiếp, tin tức về các đại trai đàn chẩn tế được loan báo và đồng bào
trong nước lần đầu tiên biết rằng một phái đoàn Mai Thôn đang có mặt tại
quê nhà và những đại trai đàn chẩn tế sẽ được tổ chức. Trong thời gian
phái đoàn tổ chức Đại giới đàn Phương Bối và hướng dẫn các khóa tu cho
hai giới tại gia và xuất gia tại tu viện Bát Nhã, đã có phóng viên các
nhật báo và các thông tấn xã tới để thăm viếng và phỏng vấn. Tin tức về
các đại trai đàn được phổ biến, chắc chắn là nhờ có sự yểm trợ của chư
vị tổ sư.
Nhưng có thể có những yếu tố mới: các phóng viên trẻ rất có lòng với đại
trai đàn, rất muốn loan tin này, hoặc giả báo chí Việt Nam bây giờ tương
đối có tự do hơn hai năm về trước; hoặc nhà nước đã thấy rõ là không thể
không cho đưa tin này trong khi các hãng thông tấn quốc tế đều đã đưa
tin? Nhờ đó, đến ngày 16.03.2007 khi Đại trai đàn chẩn tế tại chùa Vĩnh
Nghiêm được khai mạc thì đồng bào trong nước đã được thông tin đầy đủ về
sự có mặt của Phật sự này. Đồng bào đã quy tụ về rất đông đảo, trong đó
có rất nhiều người không phải là Phật tử. Nhu yếu thực tập cầu nguyện
rất lớn. Đồng bào Công giáo và giới Cán bộ (đảng Cộng sản) cũng tới rất
đông. Các vị tôn đức cho biết là từ ba mươi năm nay chưa có một trai đàn
chẩn tế nào hoành tráng như thế xảy ra. Các vị có trách vụ lớn trong
chính quyền tuy không chính thức tới được, nhưng phu nhân và gia đình
các vị phần lớn đều đã có mặt tại các đại trai đàn chẩn tế. Văn chương
ngôn ngữ không thể nào diễn tả được năng lượng của các đại trai đàn. Tuy
ban kiến đàn đã nhờ những nhà chuyên môn tới thu hình Đại Trai Đàn Chẩn
Tế Giải Oan tại chùa Vĩnh Nghiêm từ đầu cho đến cuối, nhưng những đĩa
thu thanh thu hình ấy chỉ nói lên được một phần rất bé nhỏ của năng
lượng lớn lao kia.
***
Mỗi bước chân, một lời cầu
nguyện
Thầy Làng Mai cùng đạo tràng Mai Thôn thành kính tri ân chư vị tôn túc
và các đạo hữu gần xa đã hết lòng giúp đỡ và yểm trợ, một cách trực tiếp
hay gián tiếp, trong việc tổ chức, thực hiện và hoàn tất ba Đại Trai đàn
Chẩn tế ở ba miền. Quý danh của một số các vị tôn đức đã được nêu ra
trong khi tường thuật; tuy nhiên, trước hết chúng tôi xin thành kính ghi
nhận và tri ân quý Thượng tọa Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, TP
HCM, Hòa thượng Đức Phương và Đại đức Hải Đức, trụ trì và tri sự Diệu Đế
quốc tự, Huế, Thượng tọa Thanh Quyết, trụ trì chùa Non, Sóc Sơn, Hà Nội,
cùng chư tôn đức trong ban quản trị và các đạo hữu thuộc các chùa kể
trên. Các vị đã làm hết những gì có thể làm được để cho ba Đại Trai đàn
Chẩn tế Giải oan được thành tựu viên mãn.
Ban kiến đàn và ban kinh sư của Đại Trai đàn Chẩn tế Giải oan tại chùa
Vĩnh Nghiêm dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Sám chủ Thích Lệ Trang đã làm
việc âm thầm suốt ngày đêm trong nhiều tháng trời. Vào ngày dựng phướn,
tuy tấm banderole có chữ giải oan treo trước cổng chùa
được lệnh tháo xuống để giăng tấm khác không có chữ giải oan lên, tấm
phướn vĩ đại một bên mang dòng chữ Hán, một bên mang dòng chữ Việt có
mang đầy đủ danh hiệu của đại trai đàn may mắn thay đã không bị lệnh
tháo xuống. Dòng chữ Hán rất trang nghiêm: Khải Kiến Hộ Quốc Thủy
Lục Bình Đẳng Giải Oan Cứu Bạt Đại Trai Đàn.
Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc đã gửi xuống một trăm vị xuất gia trẻ để yểm
trợ cho ban kinh sư và ban kiến đàn; các vị này đã học hỏi và thực tập
rất hết lòng về cách thức hộ đàn và cách thức chấp trì nghi trượng và đã
được cả hai ban kiến đàn và kinh sư thương mến và tin cậy.
Phái đoàn Làng Mai gồm có trên bốn trăm người vừa xuất gia vừa tại gia,
đại diện cho cả trên ba mươi quốc gia, trong thời gian đại trai đàn đã
được Thầy hướng dẫn thiền tọa và thiền hành rất nghiêm mật để chế tác
năng lượng chánh niệm và chánh định và hộ niệm cho đại trai đàn được
thành công. Trong một buổi chỉ dẫn thiền tập, Thầy Làng mai đã nói:
“Mỗi bước chân, ta đi cho sáu triệu đồng bào đã thiệt mạng trong
cuộc chiến. Ta mời các vị đi với chân của chúng ta để quý
vị cùng được tiếp xúc với đất nước, quê hương và bao nhiệm mầu
của sự sống đang có mặt. Mỗi hơi thở, ta có thể thở cho 82 triệu
đồng bào còn sống để hộ niệm cho sự nhận diện, ôm ấp và chuyển
hóa những thương tích mà cuộc chiến còn để lại, hoặc trong tâm ý
hoặc ở hình hài. Ta phải đi, phải thở, phải cầu nguyện trong
từng giây phút. Mỗi bước chân và mỗi hơi thở phải là một lời cầu
nguyện”.
Các đồng bào và Phật tử tới với đại trai đàn để công tác và để cầu
nguyện đều đã đem theo một tâm niệm thuần khiết. Ai cũng thao thức thực
tập và cầu nguyện cho sự siêu độ của người thương và của đồng bào; không
ai tới với tâm trạng nghi ngại, sợ hãi, ganh đua, hoặc với một chủ đích
nào khác ngoài tình thương. Tuy Ngài Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
không đến dâng hương bạch Phật theo lời mời của Thầy Làng Mai nhưng phu
nhân của ngài đã có mặt tại Đại trai đàn chùa Vĩnh Nghiêm.
***
Bền vững tình huynh đệ
Từ cuộc tranh đấu chống bạo quyền năm 1963 đến nay mới thấy lại được
trái tim thuần khiết và thánh thiện ấy của tứ chúng Phật tử. Đó là trái
tim của sự đoàn kết, thương yêu và tha thứ. Các vị tôn túc, các vị trong
các ban chứng minh, ban kinh sư, ban kiến đàn, ban hộ đàn... cho đến
những Phật tử tới làm công quả, cúng dường và cầu nguyện, ai cũng mang
theo trái tim ấy. Năng lượng thánh thiện này cho thấy được tình huynh đệ
quý báu mà Vũ Hoàng Chương đã từng nói đến trong bài Lửa Từ Bi:
“Thơ cháy lên theo với lời kinh
Tụng cho đất nước thanh bình
Trước sau bền vững tình huynh đệ này”
Vào khoảng nửa đêm ngày 16.03.2007, giữa thời kinh siêu độ, Thượng tọa
sám chủ bắt đầu tuyên đọc Lời Khấn Nguyện. Đây là văn bản nòng cốt của
đại trai đàn, thay thế cho bài Văn Tế trong các đại trai đàn truyền
thống: “Các vị là cha chúng tôi, là anh chúng tôi, là chồng
chúng tôi, là con trai chúng tôi... trong cơn binh lửa, trong
cảnh tao loạn, các vị đã bỏ hình hài của các vị mà đi. Chúng tôi
đã đánh mất quý vị...” Đồng bào nghe Lời Khấn Nguyện chợt thấy trái
tim mở rộng: ai cũng xúc động đến chảy nước mắt. Lời khấn nguyện đi vào
gan ruột của từng người, người chết cũng như người còn sống. Xin các vị
thân hữu đọc lại toàn văn của Lời Khấn Nguyện in trong Lá Thư Làng Mai
số 31 kỳ này (trang 25).
Đồng bào đã tới tưởng niệm, đốt hương, cúng dường, cầu nguyện, ôm lấy
nhau mà khóc trong tình huynh đệ, trong tình đồng bào ruột thịt. Những
giọt nước mắt, những lời kinh siêu độ khởi sự chữa lành được thương tích
nặng nề mang nặng bấy lâu nay trong đáy lòng. Chuyện Âm siêu Dương thái
là chuyện có thật, có thể cảm thấy được một cách cụ thể trong quá trình
thực tập tổ chức, thông tin, trang trí, điều hành, phối trí, cúng dường,
sám hối, ngồi thiền, tụng kinh, và cầu nguyện. Tài chính và nhân sự
không còn là một vấn đề nữa khi đã có tình huynh đệ. Ai cũng muốn được
đóng góp vào cho đại trai đàn, không ai kể công, không ai cần sự đền
đáp. Tất cả đều cho, từ tài năng, công sức cho đến vật chất. Không còn
sợ hãi, không còn do dự, không còn nghi ngại.
Thật là rất khác với thời gian mấy tháng trước đó, khi đoàn tiền trạm
của Làng Mai mới về. Văn kiện của Làng Mai nói đến những người chết
trong tăm tối và tủi nhục. Văn kiện Làng Mai nói tới những cuộc tàn sát,
những hố chôn tập thể. Ai chôn? Và chôn ai?
Ý muốn ám chỉ ai? Tất cả những e ngại và những nghi ngờ như thế, bây giờ
đã được hoàn toàn tan biến, như mây mù tan biến khi mặt trời lên cao.
Mặt trời của tình huynh đệ...
Tại trai đàn ở Huế, cuối ngày 03.04.2007, trong bài pháp thoại, Thầy
Làng Mai đọc lá thư thầy viết hôm trước cho ngài Thủ tướng chính phủ
đề nghị nhà nước dựng Tượng Đài Thuyền Nhân tại bờ biển
Vũng Tàu để tưởng niệm đồng bào đã chết trong lúc vượt biển. Lá
thư như một bát nước cam lộ rót vào trái tim con người. Ngày 4.04.2007
trong lễ hoàn mãn đại trai đàn, Thầy Làng Mai đã nói tới một bảo tháp
của tình huynh đệ đã được xây lên trong quá trình thực tập chung của tứ
chúng Phật tử ở Thừa Thiên Huế. Một bảo tháp vô hình, nhưng có thật, và
không ai có thể phá hoại, bằng bất cứ cách nào.
***
Tiềm lực của nền đạo đức dân
tộc
Phái đoàn Làng Mai đã ngỡ rằng Đại Trai đàn Chẩn tế ở Sóc Sơn khó mà
thực hiện được, trong khi ấy chỉ còn khoảng hai tuần lễ nữa là đã tới
lúc khai đàn. Sau mười ngày hoằng pháp tại Đà Nẵng, Cam Ranh và Nha
Trang, phái đoàn ra tới Hà Nội ngày 16.04.2007. Khi phái đoàn về tới Sóc
Sơn để thăm viếng và chia sẻ với các học tăng của Học Viện Phật Giáo
Việt Nam, thì chưa có dấu hiệu gì cho biết sẽ có đại trai đàn chẩn tế
tại đây trong bốn ngày sắp tới. Nhưng buổi pháp thoại của Thầy nói cho
sinh viên tăng ni của Học Viện và cho một số Phật tử cư sĩ hiện có mặt
tại chùa Non đã bắt đầu tạo được chất men của niềm tin và của tình huynh
đệ.
Nhờ sự khuyến khích của Thượng tọa Bảo Nghiêm, Phó viện trưởng học viện
hiện đang phụ trách giảng dạy tại chỗ, các vị học tăng của Viện đã có cơ
hội thực tập ngồi thiền, đi thiền hành, nghe pháp thoại với tăng thân
Làng Mai và Bát Nhã, do đó niềm tin và tình huynh đệ đã có dịp phát khởi
nhanh chóng. Thân cận với các vị trong tăng thân Bát Nhã và Làng Mai
trong khi sinh hoạt, tu tập, nấu nướng, dọn dẹp, kiến thiết trai đàn,
ban kiến đàn, ban kinh sư, các giới Phật tử từ Hà Nội về cũng như toàn
thể học tăng và học ni của Học Viện đều lây được niềm vui của sự thực
tập và của tình huynh đệ... và tất cả mọi người đã đóng góp cho công
trình kiến đàn với tất cả tài năng và tâm huyết của mình.
Không còn e ngại, không còn phân biệt... Các buổi tọa thiền, pháp thoại
và thiền hành sáng ngày 19.04.2007 đã bắt đầu có nét hoành tráng của các
đại trai đàn miền Nam và miền Trung. Trong tứ chúng, ai cũng thấy được
năng lượng mầu nhiệm của tăng thân và của sự tu tập. Có gần cả ngàn
người trong buổi đi thiền hành sáng hôm ấy mà nét mặt người nào cũng
rạng rỡ và hạnh phúc.
Sáng ngày 20.04.07, quần chúng đổ về Sóc Sơn đông đến nỗi không ai có
thể ngờ được: tin tức về đại trai đàn trước đó đã được thông báo trên
đài truyền hình, Phật tử từ Hà Nội và các tỉnh rủ nhau về phó hội rất
đông đảo, chen chân không lọt. Trải dài từ khoảng đất trống thật rộng
dưới chân Học Viện, lên đến Học Viện và tận chùa Non, đâu đâu cũng tràn
ngập những người là người, có khi cả tám hoặc chín ngàn người. Rất đông
các vị phu nhân của các vị lớn trong chính quyền và trong quốc hội đã về
dự trai đàn cầu nguyện.
Ngày 21.04.07, Thầy Làng Mai đã hướng dẫn cho chư vị hương linh quy y
Tam Bảo và thọ trì năm giới. Thầy bảo: “Xin chư vị hương linh có
mặt tại đại trai đàn đọc theo tôi. Xin đồng bào hộ niệm cho
tất cả các hương linh và cùng đọc theo tôi. Con về nương tựa Bụt,
người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời…”. Tất cả đều
đọc theo, người nào cũng cảm động đến rưng rưng nước mắt. Ai cũng thấy
được là có sự truyền thông rõ rệt giữa người còn sống và người đã mất.
Có người hỏi: “Các vong linh về dự trai đàn có đông không?”
Có người đáp:“Không dưới mười triệu. Vách núi đã chẳng sập
xuống ngay bên hiên chùa mấy giờ đồng hồ trước khi khai đàn hay
sao?”
Có những đồng bào từ rất xa về, đem theo vừa đủ 30.000 đồng, trị giá
chưa tới 2 Euros. Mười ngàn đồng để cúng đại trai đàn, mười ngàn để thuê
phòng ngủ và mười ngàn để mua cơm hay khoai ăn.
Vì tình thương mà mọi người đã tìm tới: “Tôi được ông nhà tôi báo
mộng là có trai đàn chẩn tế ở Sóc Sơn; nhà tôi bảo tôi phải về
Sóc Sơn để cầu nguyện. Nào tôi có biết Sóc Sơn ở đâu? Thế mà
cuối cùng tôi cũng về được tới đây”.
Đại trai đàn có tới hai dàn nhạc, một cổ điển, một Tây phương. Hai thứ
âm nhạc có khi không đi đôi với nhau. Nhưng cốt yếu là tình thương. Có
tình thương và có tình huynh đệ thì ta còn ngại ngần gì? Trong thời gian
thực tập và làm việc chung, mối giao tình của các vị tôn túc trong ban
kinh sư và tăng đoàn Làng Mai càng lúc càng trở nên khắng khít. Các vị
trong ban kinh sư, kể cả Thượng tọa sám chủ Thích Quảng Hà từ Nam Định
đến, sau lễ hoàn mãn, đã ân cần hợp ca một bài để tặng tăng thân Làng
Mai và hứa mai mốt sẽ kiến lập một đại trai đàn chẩn tế vĩ đại hơn để
cầu nguyện cho đồng bào.
Thì ra cũng như ở Sài Gòn và ở Huế, chư vị tôn đức ở đây cũng đã nói là
từ mấy chục năm nay, chưa có đàn chay nào hoành tráng như thế. Không có
những trái tim như trái tim của Hòa thượng Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thanh
Nhã, Thượng tọa Gia Quang, Ni sư Đàm Nguyện, Ni sư Đàm Lan, Sư thầy Hạnh
Châu, Sư thầy Tịnh Quán… thì làm sao một Phật sự khó khăn và to tát như
Đại Trai đàn Chẩn tế Giải oan ở Sóc Sơn có thể thành tựu được?
Nhờ chư Hộ Pháp và Long Thiên, Đại Trai đàn Chẩn tế ở Quốc Tự Diệu Đế,
Huế đã từng được quý Hòa thượng Khả Tấn, Đức Phương, Giác Quang, Hòa
thượng sám chủ Huệ Ấn, Thượng tọa Sám chủ Thanh Liên cùng chư vị thượng
tọa và đại đức trong và ngoài ban kinh sư hết lòng yểm trợ. Nếu các vị
tôn đức ở Huế đã nói là xưa nay chưa có một đại trai đàn lớn lao như thế
(không tiền khoáng hậu!) thì các vị tôn đức ở Hà Nội cũng đã nói như thế
đối với đại trai đàn ở Sóc Sơn!
Qua các đại trai đàn chẩn tế ba miền này, ta thấy được tiềm lực lớn lao
của nền đạo lý dân tộc, tiềm lực có khả năng chế tác niềm tin và tình
huynh đệ, có khả năng khai phá một con đường tâm linh cho đất nước, ngăn
chặn những tệ nạn xã hội, làm vững mạnh lại cơ cấu gia đình và cộng
đồng, gây cảm hứng cho một niềm tin vào tương lai đất nước và dân tộc.
***
Bình đẳng trước đau thương
Ngài Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp phái đoàn Làng Mai ngày
5.05.2007 sau khi ba đại trai đàn đã được thành tựu viên mãn. Ngài nói:
“Xin chúc mừng liệt vị đã thành tựu được viên mãn các đại trai
đàn. Quý vị có biết là sở dĩ quý vị làm được như thế cũng là nhờ
chúng tôi đã cho phép hay không? Nếu chúng tôi không cho phép
thì không có cách gì các vị có thể làm được”.
Ngài Chủ Tịch nói rất đúng và chúng tôi cũng đã biết trước như thế. Cái
hay nhất là ở chỗ nhà nước đã cho phép lập trai đàn cầu nguyện
cho tất cả mọi người, nghĩa là không những cho phía Cộng sản mà cho
cả phía Quốc gia nữa. Đây là điểm son, đây là sự cởi mở, đây là sự tiến
bộ mà chúng ta phải ghi nhận về phía nhà nước.
Những người của miền Nam, dù họ không phải là Cộng sản, dù họ không
chống Mỹ, dù họ đi theo một chiều hướng ý thức hệ khác, dù họ không giữ
được miền Nam của họ, giữ được chính quyền của họ, họ vẫn là người Việt;
họ cũng đã tranh đấu cho đất nước và dân tộc theo cách thức và nhận thức
của họ.
Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan được cho phép tổ chức, đó là sự
kiện đáng kể nhất, dù từ giải oan không được chính thức cho phép
sử dụng nhưng từ bình đẳng đã được cho phép. Bình đẳng ở đây có
nghĩa là người Nam cũng là người Việt như người Bắc, người Công giáo
cũng là người Việt như người Phật giáo, người không Cộng sản cũng là
người Việt như người Cộng sản, và những thương đau oan ức của người Nam
cũng lớn lao như những thương đau oan ức của người Bắc.
Có điều là tuy nhà nước đã cho phép, nhưng sự nghi ngờ và sợ hãi vẫn
còn, đó là một trong những lý do khiến các vị lãnh đạo không tới dự lễ
dâng hương bạch Phật. Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành Công an Tôn giáo
đã “bảo hộ” phái đoàn trong tinh thần ấy, vì vậy cho nên trước ngày khai
mạc Đại Trai đàn Chẩn tế ở chùa Vĩnh Nghiêm, ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng
vụ Phật giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ đã nói với thầy Pháp Ấn là trong
trai đàn, các thầy không được nhắc tới người Thuyền nhân bị thiệt mạng
trên biển cả, các nạn nhân chiến tranh của miền Nam, trong đó có các
binh sĩ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, không được nói tới các hố chôn tập
thể, không được nói tới tù đày, học tập cải tạo, v.v... Lý do ông nêu ra
là để ổn định an ninh vùng. Sau hơn hai tiếng thuyết phục,
ông Vụ trưởng không giữ được sự bình tĩnh và đã sử dụng những ngôn từ
gay gắt. Ông nói rằng ông đại diện cho nhà nước Việt Nam, và ra lệnh cho
thầy Pháp Ấn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các văn bản và nội dung
của đại trai đàn. Nếu làm sai với các điều đã được yêu cầu như trên thì
sẽ bị trục xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Trong khi ấy, thầy Pháp Ấn đã giữ vững sự thực tập của mình, yên lặng
theo dõi hơi thở và bình tâm lắng nghe để có thể thấu hiểu được chiều
sâu của sự việc. Với tất cả tình thương cho ông Vụ trưởng, cho đất nước
và cho các nạn nhân chiến tranh, thầy Pháp Ấn đã trả lời rằng dù có bị
trục xuất đi nữa, thầy cũng không thể làm chuyện đó được vì đã gần một
năm nay các hương linh của các chiến sĩ, nạn nhân chiến cuộc thuộc hai
miền Nam Bắc và của tất cả các thuyền nhân thiệt mạng trên biển cả, v.v…
đều đã được mời đến tham dự đại trai đàn chẩn tế.
Thầy không thể hủy bỏ thư mời hai ngày trước khi trai đàn được khai mạc.
Thầy Pháp Ấn đã trấn an ông Vụ trưởng: “Pháp Ấn xin bảo đảm
với bác Dược là không có chuyện gì xảy ra hết. Bác tin tôi đi,
nếu có chuyện gì xảy ra, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước
pháp luật Việt Nam, bác không phải chịu trách nhiệm về chuyện
này. Bác Dược đã làm xong trách vụ của bác rồi, bác đã nói hết
những gì mà đã có thể nói được rồi, tôi sẽ chịu trách nhiệm
tất cả”.
Rất đáng khen ngợi, tối hôm ấy, ông Vụ trưởng đã gọi điện thoại để xin
lỗi thầy Pháp Ấn về thái độ nóng nảy của mình đối với một bậc tu hành.
Thầy Pháp Ấn đã rất thông cảm và thưa rằng thầy hiểu rõ vị trí, vai trò
và trách nhiệm của ông. Ông chỉ làm đúng những gì ông đã được yêu cầu.
Thầy Pháp Ấn chỉ cảm thấy rất thương cho hoàn cảnh khó xử của ông mà
thôi, chứ thầy không có một ý nào hờn giận ông cả.
***
Mở rộng
Phải công nhận là giới công an và Ban tôn giáo chính phủ đã để ra rất
nhiều thì giờ và công sức để bảo đảm an ninh cho phái đoàn, tốn kém
không biết bao nhiêu mà kể. Đi đâu, làm gì, phái đoàn cũng phải cho công
an biết trước; nếu công an xét không có an ninh thì không
được đi, không được làm. Cũng vì vậy cho nên trong
suốt thời gian thăm viếng, phái đoàn có cảm giác không
được thoải mái lắm.
Ở các nước châu Âu, châu Mỹ, và ở tại các nước châu Á như
Nhật bản, Thái Lan, Đại Hàn, Hồng Kông, v.v... khi tới
hoằng pháp, phái đoàn Làng Mai không cần ai bảo hộ, không
cần giấy mời hoặc sự bảo hộ của bất cứ một giáo hội nào
hay của một ban tôn giáo nào. Tới đâu cũng có cảm giác tự do, an ninh và
thoải mái.
Những vị giáo thọ xuất gia có quốc tịch châu Âu thì khỏi cần xin thị
thực khi đi các nước, kể cả khi đi Hoa Kỳ. Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp
thường cấp phát cho các vị xuất gia Làng Mai loại thị thực R1 có giá trị
5 năm, có thể ở lại Hoa Kỳ để hành đạo trong thời gian ấy. Nếu không có
thị thực, thì cũng đi hành đạo được như thường, tuy thời gian cư trú có
thể ít hơn, thế thôi.
Thiết nghĩ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế cần thay đổi chính
sách tôn giáo, cần phải mềm dẻo và thông minh hơn, để ít nhất trong lĩnh
vực tôn giáo người ta cũng cảm thấy được thoải mái như trong lĩnh vực
thương mại.
Ngày xưa các vị xuất gia về thăm Việt Nam phải ở khách sạn, bây giờ họ
được ở chùa; điều này là một tiến bộ, mà có gây ra thiệt
hại gì cho an ninh quốc gia đâu? Lá cờ năm sắc của Phật giáo tượng trưng
cho sự thực tập ngũ lực là tín, tấn, niệm, định và tuệ sau mấy mươi năm
không được phép sử dụng đã được đồng bào tự động sử dụng hàng chục ngàn
lá trong những cuộc đón tiếp Thầy Làng Mai trong chuyến về 2005, và cuối
cùng đã tung bay phất phới một cách chánh thức trong Đại
hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VI vừa rồi.
Sử dụng lá cờ ấy cũng như bài đạo ca “Phật Giáo Việt Nam” của Lê Cao
Phan tại đại hội thì có hại gì đâu, mà phải đợi tới 30 năm mới cho phép?
Vì vậy cho nên, trong dịp thăm viếng phủ Chủ tịch, Thầy Làng Mai
đã ân cần đệ trình lên ngài Chủ tịch một bản đề nghị mười điểm để mở
rộng chính sách tôn giáo, trong đó có điểm để cho Phật tử có tự do thành
lập nhiều đoàn thể Phật giáo khác nhau.
Thầy Làng Mai cũng đề nghị nên giải thể Ban tôn giáo chính phủ và ngành
Công an tôn giáo. Ngài Chủ tịch nước nói với Thầy: “Làm gì có
Công an tôn giáo”. Thầy nói: “Chúng tôi vừa mới đi thực tế
về”. Thầy nói tiếp: “Những điều chúng tôi nêu lên trong
bản đề nghị này không có mục đích chỉ trích, phê phán mà chỉ có
mục đích xây dựng. Đất nước chúng ta chắc chắn là sẽ đi về hướng
này, không thể nào khác hơn được, nhưng với ý thức của ngài Chủ tịch
nước thì những điểm đề nghị trong đây sẽ được nhanh chóng thực hiện hơn,
thế thôi. Điểm nào thực hiện được ngay thì xin nhà nước làm ngay; điểm
nào cần nhiều thời gian hơn thì có thể làm chậm hơn chút ít. Các vị lãnh
đạo làm được sớm hơn chừng nào thì đất nước và dân tộc được nhờ sớm hơn
chừng đó”.
Có những điểm trong bản đề nghị đã gây “sốc”, làm cho ngài Chủ
tịch nước có lúc đã phản ứng, nhưng đại diện Bộ ngoại giao
và các viên chức khác của nhà nước có mặt cũng đã có cơ hội thấy được
phong thái tươi cười và khiêm cung của phái đoàn Làng Mai khi ngồi yên
thực tập lắng nghe ngài Chủ tịch nước. Làng Mai đã không công bố bản đề
nghị này trên báo chí, sợ làm như thế thì mất đi hiệu quả của thiện chí
xây dựng. Chắc chắn là các vị lãnh đạo trong Trung ương Đảng, Ban tư
tưởng và các ban ngành đã nghiên cứu và thẩm xét những đề nghị ấy, và có
thể với thời gian những điều này sẽ thấm dần vào nhận thức của các vị.
Vào lúc bản đề nghị được đệ trình thì Ban tôn giáo chính
phủ đang chuẩn bị dự trù được nâng lên cấp bộ, thành Bộ tôn giáo, ngang
với các bộ khác. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hôm 8.08.2007, đã
ra nghị định 08/NĐ–CP đưa Ban tôn giáo chính phủ vào thành một bộ phận
của bộ nội vụ.
Nói tóm lại, tuy Ban tôn giáo chính phủ không được giải thể, nhưng ban
sẽ không bao giờ trở thành được một bộ. Điều này chắc đã làm cho các vị
trong Ban tôn giáo không được hoan hỷ đối với Làng Mai và
cả các vị trong ngành Công an tôn giáo có thể cũng đã cảm
thấy bị tổn thương.
Nhưng mục đích của bản đề nghị không phải nhắm vào cá nhân
một nhân vật nào, một vị lãnh đạo nào, mà chỉ là để
xây dựng cho đất nước. Nếu quý vị không phụng sự đất
nước trong khuôn khổ Ban tôn giáo hay trong ngành Công an
tôn giáo thì quý vị vẫn có thể phụng sự được đất nước
trong các ban ngành khác, và công đức của quý vị vẫn được
đất nước và đồng bào ghi nhận. Ai cũng biết là cách thức
tổ chức các giáo hội và Ban tôn giáo chính phủ ở nước ta
là bản sao của cách tổ chức bên Trung Quốc.
Trung Quốc có những sai lầm của họ và cách thức làm việc
của họ đã tạo ra những phản ứng bất lợi cho họ đứng về
phương diện nhân quyền. Vụ Pháp Luân Công và vụ Thiên An
Môn xảy ra chỉ đem lại những tiêu cực và những khó khăn
cho chính quyền, mà sự kiểm soát gắt gao kia chẳng đem lại
lợi ích gì cho nhà nước và cho đất nước Trung Quốc. Tại
sao ta phải bắt chước Trung Quốc về mặt này?
Ta có thể làm khác hơn và hay hơn Trung Quốc về chính sách
tôn giáo. Nếu đạo Phật Việt Nam có được cơ hội thì sẽ đổi
mới mau chóng và có thể đi trước Phật giáo Trung Quốc trên
đường hiện đại hóa ít nhất là ba mươi năm.
Trung Quốc đã giác ngộ rằng, Phật giáo là gia sản tinh
thần của đất nước và chỉ có nền đạo đức dân tộc mới ngăn
chặn được những tệ nạn xã hội đã hoành hành trong bao
nhiêu năm dưới cái nhìn Mác Xít duy vật, thì tại sao ta
không làm được như thế và hơn thế?
***
Sự cố chưa từng xảy ra
Các thế hệ lãnh đạo trước kia của đất nước ở miền Bắc đã có những lỗi
lầm nghiêm trọng như cho phép tổ chức những buổi đấu tố trong phong trào
Cải cách Ruộng đất, đàn áp nhóm Nhân văn Giai phẩm, chủ trương lãnh đạo
tư duy một chiều, không cho phép người trẻ xuất gia, lấy chùa chiền đình
miếu làm nơi phơi lúa, nuôi heo, cho tôn giáo là thuốc phiện của dân
tộc, hễ cán bộ hay viên chức đi chùa hay cầu nguyện thì cho là “duy
tâm”, không được Đảng và Nhà nước tin tưởng, phải mất chức, ép buộc phải
giải thể Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bức tử Hòa thượng Thích
Thiện Minh, đưa đến cái chết của Hòa thượng Thích Trí Thủ, sử dụng cán
bộ tôn giáo và đoàn thể tôn giáo để kiểm soát và hạn chế sự quảng bá tư
tưởng Phật giáo trong giới trẻ và trí thức, v.v...
Chúng ta phải học được từ những bài học đau thương của quá khứ. Ý thức
hệ Mác Xít duy vật như một cơn sốt đã xâm nhập vào cơ thể dân tộc ta
trong nhiều thập niên, và trong thời gian đó đã có biết bao tư duy và
hành động tạo nên khổ đau, cũng vì thái độ cố chấp và cuồng tín vào một
chủ thuyết được mệnh danh là khoa học. Nhưng cơn sốt hiện giờ đã thực sự
dịu xuống, nhiệt lượng không còn, và ta thấy các cán bộ, đảng viên, viên
chức trong Đảng và trong chính quyền đã có cái nhìn thông thoáng hơn:
một số không ít đã tin vào các nhà ngoại cảm, đa số đều thờ cúng tổ
tiên, đa số đã thờ Phật Bà Quan Âm, và bây giờ đây việc đi chùa lạy Phật
và thắp hương tưởng niệm không còn bị xem là một cái gì mê tín và hủ hóa
nữa.
Được biết ngài Chủ tịch nước cũng đã từng được quy y Tam Bảo, đại tướng
Võ Nguyên Giáp thì ngồi thiền mỗi ngày và ngài Thủ tướng chính phủ đã
đăng ký cho Việt Nam được tổ chức Lễ Phật Đản Quốc Tế và đã chính thức
viết thư cho chính quyền Trung Quốc xin thỉnh xá lợi Bụt về an trí tại
hội trường nơi Lễ Phật Đản Quốc Tế sẽ được cử hành trong suốt ba ngày ba
đêm của đại hội.
Đây là những dấu hiệu rất tích cực. Sự kiện ngài Thủ tướng chính phủ gần
đây đã viết thư thỉnh xá lợi của đức Thế Tôn về an trí trong suốt Lễ
Phật Đản để mọi người trong nước và ngoài nước có cơ hội chiêm bái là
một sự cố chưa từng xảy ra ở một nước Cộng sản.
Chúng ta không nên để cho nghi ngờ và sợ hãi chận lại bước tiến của
chúng ta. Cần để cho các giáo hội thật sự có tự do. Cần cộng tác thật sự
với các giáo hội để bồi đắp lại nền tảng đạo đức tâm linh của đất nước
mà giải trừ những tệ nạn xã hội đang càng lúc càng tăng trưởng do nếp
sống văn minh vật chất và tiêu thụ gây ra.
Giới học giả và cán bộ đang có nhu yếu tâm linh để có đủ khả năng đối
phó với những bất an và khổ đau trong nội tâm và trong hoàn cảnh gia
đình cũng như xã hội. Những buổi thuyết trình của Sư ông Làng Mai tại
Học Viện Chính Trị Hồ Chí Minh đã cho thấy mức khát khao tâm linh ấy lớn
như thế nào. Các bậc học giả, các nhà khoa học và ngay cả các lý thuyết
gia Mác xít, ai cũng tỏ vẻ thích thú, hứng khởi và có niềm tin nơi nền
đạo đức tâm linh cổ truyền của dân tộc, ai cũng thấy đạo Phật không phải
chỉ là một tôn giáo thực tập tín mộ mà còn là một nguồn tuệ giác vô tận
có thể xây đắp và mở lối tương lai cho đất nước. Sau ba ngày “làm việc”
với phái đoàn Làng Mai, các vị ấy đã nói là ít quá, và mong muốn có cơ
hội tiếp tục những sinh hoạt giao lưu và học hỏi thích thú này. Xin các
vị thân hữu đọc cuốn Cho đất nước đi lên do nhà Lá Bối
xuất bản để biết qua nội dung các bài thuyết trình của Thầy Làng Mai tại
Học Viện Chính Trị Hồ Chí Minh vào mùa xuân năm 2005.
Thầy Làng Mai không bao giờ lên án, công kích, buộc tội, mà chỉ thực tập
các phép lắng nghe và ái ngữ để giúp người khác có cơ hội thay đổi nhận
thức của họ, và những thành tựu ấy có thể được ghi nhận một cách dễ dàng
trong nhiều năm qua. Điều này phản ảnh nhận thức và sự tu học của Làng
Mai: thấy ai cũng là con người, không thấy ai là kẻ thù. Khi kẻ đó là
một con người, nếu họ chưa là bạn của mình thì tìm cách làm cho họ trở
nên một người bạn trong tương lai, làm như thế mà không đánh mất giá trị
đạo đức và tâm linh của mình. Không thấy ai là kẻ thù, sự thực
tập này đem lại rất nhiều tình thương và bình an, không để cho ta bị
ngọn lửa của hận thù và tuyệt vọng đốt cháy.
***
Con đường dân tộc
Ban Tôn giáo Chính phủ thật ra có thể trở thành một yếu tố xây dựng tích
cực cho đất nước nếu ban này nằm trong khuôn khổ của Bộ Văn hóa hay Bộ
Giáo dục với trách nhiệm là hỗ trợ mọi cách cho các giáo hội trong việc
học hỏi và thực tập để ngăn ngừa và đối phó với các tệ nạn xã hội như
tham nhũng, mại dâm, tội ác, bạo động, băng đảng, ma túy và tự tử.
Trong trường hợp Phật giáo, ai cũng mong ước rằng mọi gia đình tin Phật
đều thực tập nghiêm chỉnh năm giới và nếu năm giới được trình bày và đem
ra thực tập một cách khoa học và cụ thể nơi khuôn khổ gia đình, cộng
đồng và học đường thì chắc chắn sẽ ngăn chặn và đối phó được với những
tệ nạn xã hội càng ngày càng lớn mạnh kia. Những tệ nạn này không thể
chỉ được đối phó bằng pháp luật và sự trừng phạt. Phải có niềm tin nơi
một nếp sống tâm linh, đạo đức, phải có lý tưởng và phải được hỗ trợ bởi
một đoàn thể như gia đình, học đường, khuôn hội, thành hội, giáo hội,
v.v... thì sự thực tập mới mang lại kết quả, và chính sách những “thôn
văn hóa”, hay “ấp văn hóa” hay “khu phố văn hóa” mới có cơ hội thành
công.
Con người và đất nước phải có một niềm tin. Các triều đại Lý Trần sở dĩ
hùng mạnh và an ổn lâu dài cũng là nhờ có niềm tin. Niềm tin này không
hẳn phải là một niềm tin tôn giáo. Đức tin tôn giáo có thể đưa lại một
sức mạnh thật đó, nhưng sự cuồng tín thường đem lại bạo động, kỳ thị và
chia rẽ.
Đạo Phật không bao giờ chủ trương cuồng tín và cố chấp. Đạo Phật chủ
trương cởi mở và bao dung. Đạo Phật không bao giờ có ý muốn loại trừ
những tôn giáo hay những ý thức hệ khác mà luôn luôn chỉ muốn cộng tác
với tất cả trong tinh thần bao dung và huynh đệ, lấy nền văn hóa cổ
truyền của dân tộc làm mẫu số chung.
Chúng ta biết cơn sốt Mác Xít đã qua và hiện giờ không còn ai cuồng tín
nơi chủ thuyết Mác-Lê Nin mà đã có một thời được gọi là chủ nghĩa xã hội
khoa học. Khoa học ngày xưa nhìn cái gì cũng chỉ thấy vật chất. Thiên
nhiên là vật chất. Khoa học lượng tử bây giờ nhìn cái gì cũng thấy tâm,
và ranh giới phân biệt giữa tâm và vật đã được khoa học hiện đại phá bỏ.
Ranh giới ấy trước sau cũng chỉ là vọng tưởng, không có thật.
Đạo Phật trong quá khứ đã tạo được niềm tin cho quốc dân, cho đất nước.
Một nền đạo lý, một nếp sống văn hóa, một tiềm lực đang có sẵn, chúng ta
chỉ cần khai phá và ứng dụng. Đảng Cộng Sản Ý (Partito Communista
Italiana, viết tắt là PCI) bây giờ đã có tên mới là Đảng Dân Chủ
(Partito Democratito). Tại đất nước ta, cách tư duy trong đảng và trong
chánh quyền, đường lối kinh tế của đất nước bây giờ đây đâu còn lấy chủ
nghĩa Mác Xít làm khuôn vàng thước ngọc nữa.
Đảng Cộng Sản Việt Nam, có người đã nói, cũng nên đổi tên đi thôi, một
cái tên mới như Đảng Xã Hội, Đảng Đổi Mới, Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hòa,
Đảng Tự Do, Đảng Dân Tộc... tên gì cũng được miễn không phải là cái tên
cũ. Cái tên Đảng hiện giờ đang là một chướng ngại, gây hiểu lầm và tiếp
tục nuôi dưỡng oán hận.
Trong Đảng và trong guồng máy chính quyền chắc chắn đã có những vị suy
nghĩ như thế mà chưa nói ra được. Có những vị trong Đảng cũng đã nghĩ
tới việc thay quốc hiệu. Thay vì sử dụng quốc hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam, một cái tên quá dài, ta có thể đổi lại là Cộng Hòa Việt
Nam hay tốt nhất là Việt Nam. Hai tiếng Việt Nam là đẹp lắm rồi, đẹp
nhất rồi, không cần thêm vào chữ nào nữa cả.
Đây chỉ là vấn đề danh chánh ngôn thuận. Danh không chánh thì
ngôn sẽ không thuận. Công việc của chúng tôi, của ông thầy tu, là tu
tập và giáo hóa, không xen vào chính trị. Ở đây chúng tôi thật sự không
muốn xen vào chính trị, chúng tôi chỉ muốn nói ra một vài cảm tưởng của
chúng tôi thôi. Có thể nói ra được như thế chúng tôi yểm trợ được một
phần nào cho quý vị đã từng có ý ấy, giúp quý vị có thêm niềm tin trong
sự đi tới.
Nhìn cho thấu đáo thì các vị trong Trung Ương Đảng, có mấy ai còn tin
tưởng ở chủ thuyết Mác-Lê Nin? Chúng tôi nghĩ Ban Tư tưởng cần đi với
những bước chân và với đôi hài bảy dặm mới đưa đất nước đi lên kịp người
hoặc hơn người.
Bên Trung Quốc, cuộc cách mệnh văn hóa do cơn sốt chủ nghĩa thúc đẩy đã
tạo ra biết bao nhiêu khổ đau, gây ra bao nhiêu thảm cảnh. Say mê một
chủ thuyết, một đức tin, người ta có thể trở thành cuồng tín, cố chấp và
độc ác.
Hòa thượng Diệu Trạm, Viện Trưởng Viện Phật Học Mân Nam ở chùa Nam Phổ
Đà, Hạ Môn, hồi ấy đã phải đứng chận trước cửa chánh điện của chùa,
không để cho bọn thanh niên cuồng tín hung hăng (Hồng Vệ Binh của Mao)
vào chùa để đập phá các tượng Phật và tượng La Hán rất quý giá trong ấy.
Ngài nói: “Quý vị phải giết tôi trước khi đi vào được chánh
điện để đập phá”. Khi bị họ ép buộc Ngài phải đuổi đồ chúng ra khỏi
chùa, Ngài đã nói: “Nếu tôi đuổi những người trẻ này ra đời,
họ có thể không có nơi nương tựa và học hỏi, họ có thể trở thành
du đãng trộm cướp; nếu các ông bảo đảm là các ông sẽ chịu trách
nhiệm thì tôi sẵn sàng giao họ cho các ông”.
Trong suốt bao nhiêu thập niên, người thanh niên lớn lên được hấp thụ
chủ nghĩa duy vật, đả phá niềm tin nơi các truyền thống Khổng giáo, Lão
giáo và Phật giáo, đánh mất những giá trị đạo đức của tổ tiên mình.
Trong những thập niên gần đây, tệ nạn xã hội lan tràn nhiều quá; có
những thanh niên đã giết người chỉ vì vài ngàn đồng “nhân dân tệ”.
Nhà nước Trung Quốc đã giác ngộ và đã có chủ ý muốn xây dựng lại Phật
giáo, do đó đã cho phép các tổ chức Phật giáo ở Hồng Kông, Đài Loan, Ma
Cao, Hoa Kỳ... vào lục địa “hà hơi” yểm trợ cho đạo Phật được phục sinh.
Thầy Làng Mai trong những năm chín mươi, cũng đã được Hiệp Hội Phật Giáo
Trung Quốc mời sang giảng dạy nhiều lần, và sách của Thầy đã được liên
tiếp xuất bản ở Lục Địa, thổi được một làn gió mới vào nền Phật giáo
Trung Quốc. Trên 40 viện Phật Học đã được tái lập hoặc thành lập, chỉ
trong vòng mười mấy năm, và người trẻ được xuất gia rất đông đảo.
Nhà nước Trung Quốc đã thấy rõ ràng là đạo Phật dù sao cũng là nền tảng
của văn hóa Trung Quốc, có rất nhiều dân tộc tính Trung Quốc, nếu không
có một chính sách đặc biệt ưu đãi Phật giáo Trung Quốc thì đạo Bụt Trung
Quốc không bao giờ có thể bắt kịp những luồng tư trào tôn giáo và tư
tưởng ngoại lai.
Nhà nước Việt Nam thế nào cũng đã thấy được điểm này, tại sao các vị
trong giới lãnh đạo chưa có can đảm đi tới? Một vị trong giới lãnh đạo
cấp cao ở Trung Quốc đã tâm sự: “Khi một người Trung Quốc bỏ
đạo Phật là chúng tôi có cảm tưởng Trung Quốc mất đi một người
công dân”. Câu nói này chỉ chứa đựng một ý nghĩa: “Đạo Phật đã trở
thành văn hóa dân tộc”.
Suốt trong mấy thập niên đất nước bị chia cắt, tại miền Bắc hầu như đã
không có người trẻ xuất gia, không có ấn hành kinh sách, không có Phật
học viện, các thế hệ trẻ lớn lên được dạy rằng đi chùa lạy Phật là duy
tâm, là mê tín. Do đó đạo Phật đã không có cơ hội như ở miền Nam. Cho
đến bây giờ sau hơn ba mươi năm thống nhất đất nước mà ở miền Bắc vẫn có
nhiều chùa không có thầy, và có rất nhiều chùa còn ăn thịt cá, uống
rượu, kể cả những ngôi chùa khá nổi tiếng. Cho đến bây giờ mà ở miền Bắc
hễ có một người trẻ đi xuất gia thì phần đông vẫn nghĩ rằng người ấy đã
hoàn toàn thất bại trong cuộc đời mới muốn đi tu, và điều này làm mất
danh dự của cả gia đình. Ý thức ấy đã được gieo vào đầu óc người dân từ
hồi nào?
Tại sao ta không nhớ ngày xưa ta đã từng có một ông vua xuất gia tên
Trần Nhân Tông, và xuất gia rồi vẫn tiếp tục giúp dân giúp nước? Chúng
tôi nghĩ đã đến lúc các Phật tử ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cần góp
sức xây dựng lại ngôi nhà Phật giáo lâu nay bỏ phế, đưa Phật giáo miền
Bắc trở lại thời kỳ huy hoàng như thời Lý Trần.
***
Ái ngữ, lắng nghe
Trong thời gian đại trai đàn xảy ra tại chùa Vĩnh Nghiêm, có một ai đó
đã cho in lại Lá Thư Làng Mai số 30 ra ngày 24.01.2007, để phát hành mà
không có sự đồng ý của tăng thân Làng Mai. Một buổi sáng có một viên
chức chánh quyền cho biết là Làng Mai không được phép phổ biến Lá Thư ấy
nữa, bởi vì Phòng Thông tin Văn hóa không cho phép. Các thầy các sư cô
Làng Mai rất ngạc nhiên không biết vì sao có lệnh không được phép phổ
biến Lá Thư Làng Mai số 30. Lá Thư Làng Mai hiền khô, có gì đâu mà bị
kiểm duyệt? Hay tại vì trong ấy có in bài Phổ Cáo Quốc Dân về đại trai
đàn? Có vị nói: “Mình là ai mà mình có quyền “phổ cáo quốc
dân?” Phải là chính quyền mới có quyền ấy chứ?” Nhưng nghĩ lại ngày
xưa có những nhà thuốc như Nhị Thiên Đường, khi cho ra đời một thứ thuốc
mới, cũng có quyền cho ra một “phổ cáo quốc dân” chứ? Sau đó có một vị
Thượng tọa trong Giáo Hội cho biết: “Không phải bài “Phổ Cáo Quốc
Dân” đâu, đó là bài “Đọc Thơ Đêm Giao Thừa” đấy”. Đọc
lại, thì quả thật bài này có nói một vài câu nói động tới thời cuộc. Bài
này mang tựa đề là: “Đêm cuối năm, ngồi yên, nhìn rõ” đăng trong
Lá Thư Làng Mai số 30. Trang 9, cột trái có câu: “Điều thứ hai
mà tôi nhận thấy trong chuyến về là những người làm việc trong
chính quyền và cả những người làm việc trong Giáo Hội, người nào
hình như cũng có hai khuôn mặt. Đi với Bụt thì mặc áo ca sa, đi
với Ma thì mặc áo giấy”. Trang 9, cột bên phải có câu:
“Ngày xưa khoảng những năm 30-40, có nhiều thanh niên bỏ gia đình
để đi làm cách mạng. Trái tim của những người thanh niên
ấy rất trong sáng. Bỏ cha mẹ, bỏ người yêu, lên đường cứu
nước. Có biết bao nhiêu người trẻ đã ngã quỵ trên chiến trường,
nhưng tinh thần đó, trái tim đó, năm ngoái về, tôi không
còn thấy nữa, tôi không còn thấy trái tim thơm ngát và trong sáng
đó trong Đảng và trong chính quyền nữa...” Xã hội dẫy đầy
tham nhũng, hư hỏng, tuyệt vọng là tại vì không còn trái tim đó. Vì vậy
làm sao cho trái tim đó sống dậy là việc làm quan trọng nhất. Tạo một
niềm tin.
Thầy Làng Mai đã được về thăm quê hương hai lần. Lần nào cũng có ba bốn
trăm vị trong tăng thân quốc tế Làng Mai đi theo để yểm trợ. Nhờ năng
lượng tu tập của các vị xuất gia và tại gia trong phái đoàn mà các vị
giới chức trong chính quyền thấy được Làng Mai rõ hơn phần nào. Họ ăn
chay, họ giữ giới, họ thực tập miên mật; họ chứng tỏ đây là một tăng
thân có tu tập thực sự chứ không phải là những người có ý đồ chính trị.
Cách thức các vị ấy đi, đứng, nằm, ngồi, giữ giới, không hút thuốc,
không uống bia, buổi sáng thức dậy ngồi thiền với nhau tại khách sạn,
biến khách sạn thành đạo tràng tu tập, những cái ấy thế nào giới công an
cũng trông thấy và cũng đã báo cáo. Và vì vậy những tri giác sai lầm mỗi
ngày một ít đi.
Tuy nhận thức và lập trường của Làng Mai về tự do tôn giáo và về nhân
quyền có những điểm khác biệt với nhà nước, có khi đối kháng lại, nhưng
bên phía nhà nước cũng đã biết rằng ý nguyện của Làng Mai là xây dựng
chứ không phải đả kích, dù trong thời gian viếng thăm và hành đạo tại
quê hương đã có nhiều giới hạn, đã có nhiều rào cản, khiến cho công
trình hoằng pháp không được thoải mái như ở các nước khác. Ngài Chủ tịch
nước đã nói một câu rất chí lý trong khi tiếp phái đoàn Làng Mai: “Cái
thấy của quý vị và cái thấy của chúng tôi khác nhau, đó là chuyện
dĩ nhiên, không có gì là bất bình thường. Nếu hai cái thấy giống
nhau như hệt, thì đó mới là chuyện bất bình thường chứ!” Cái
quan trọng là hai bên biết lắng nghe nhau. Lắng nghe nhau thì có thể
giúp nhau thay đổi nhận thức! Mà bên phía Làng Mai thì luôn luôn trung
thực với pháp môn ái ngữ và lắng nghe để sẵn sàng học hỏi và thay đổi
nhận thức của mình!
***
Nói ra cho lòng được nhẹ
Ông Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Pháp đã từng viếng thăm
Làng Mai, đã thấy được Làng Mai là một trung tâm sinh hoạt thuần túy văn
hóa, có công năng phổ cập văn hóa Việt Nam trên thế giới, và các vị giáo
thọ Làng Mai dù mang những quốc tịch khác nhau, đều là những người có
chí nguyện xây dựng, chấn chỉnh nền đạo lý cổ truyền của đất nước và đại
đa số lại là những người có nguồn gốc Việt. Ông Đại sứ đã đề nghị với
bên nhà cho phép Đại sứ quán Việt Nam có đủ quyền cấp phát thị thực cho
các vị giáo thọ này, mà khỏi phải gửi hồ sơ về Việt Nam, cũng giống như
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Pháp có thể cấp phát thị thực có giá trị 5 năm
cho các vị trong tăng thân Làng Mai mà khỏi phải gửi hồ sơ về Hoa Kỳ.
Nhưng bên nhà đã không đồng ý để cho Đại sứ quán Việt Nam có quyền ấy.
Các vị giáo thọ Làng Mai lâu nay mỗi khi xin thị thực để về giảng dạy
tại Việt Nam hoặc gia hạn thị thực ấy ở Việt Nam rất khó, có khi phải
chờ đợi cả trên sáu tháng trời cũng chưa được. Những rào cản này gây khó
khăn cho bên Phật giáo rất nhiều, trong nước cũng như ngoài nước, trong
khi bên phía các tôn giáo khác vì có điều kiện tài chính, nhân lực và
nhiều điều kiện khác nữa, các vị đã vượt qua các rào cản này rất dễ
dàng. Đạo Bụt vốn là một viên đá nền tảng cho nền văn hóa Việt Nam;
chính sách hiện thời với những rào cản kia quả thực là một sự bất công
đối với Phật giáo, dù trong nước hay ngoài nước.
Xem các thầy và các sư cô Làng Mai như những nhà truyền giáo ngoại quốc,
đó là chuyện mà không ai có thể hiểu nổi. Họ chỉ là những đứa con của
đất nước luôn luôn mang trong lòng niềm thao thức về đóng góp cho đất
nước mà thôi. Những gì họ muốn đóng góp không phải là văn hóa và kỹ
thuật đem từ bên ngoài vào, trái lại chỉ là những gì rất thuần túy văn
hóa dân tộc. Tại sao những chia sẻ về việc tu tập mang đầy dân tộc tính
đẹp đẽ ấy lại không được tiếp nhận dễ dàng bằng những cuốn phim ảnh và
những nhạc khúc đầy tính bạo động và thèm khát nhập cảng từ nước ngoài?
***
Một Ban Tôn giáo có ích lợi
Thế hệ lãnh đạo trước đã lập ra Ban Tôn giáo và ngành Công an Tôn giáo
với mục đích kiểm soát hoạt động tôn giáo, trên căn bản nhận thức tôn
giáo là duy tâm, là thuốc phiện của dân, cần phải được nhiếp phục, cần
phải được hạn chế, và vì đạo Phật đã được coi là một tôn giáo thì đạo
Phật cũng là duy tâm, là thuốc phiện của dân.
Nhưng thế hệ lãnh đạo bây giờ đã hé thấy được sự thiết yếu của đạo đức,
thấy rằng đạo Phật có thể đóng góp thật đáng kể cho công trình bảo tồn
phong hóa và đạo đức, thì đáng lẽ ra ít nhất nhà nước cũng phải thay đổi
vai trò của Ban Tôn giáo.
Hệ thống Ban Tôn giáo từ Trung ương đến các cấp tỉnh, huyện, quận, cần
đến không biết bao nhiêu cán bộ và nhân viên, tốn kém công quỹ rất
nhiều. Trong số các nhân viên của Ban Tôn giáo các cấp, có khá nhiều cán
bộ trước đã bị kỷ luật nhẹ, sau đó mới đưa vào ngành tôn giáo. Ông Vụ
trưởng Vụ Phật giáo mà không hiểu được ý nghĩa truyền thống của hai chữ
giải oan và biện hộ giúp cho danh từ này thì làm sao giúp
cho Phật giáo đi lên kịp thời theo xu thế thời đại?
Cư sĩ Minh Mẫn trong nước đã viết: “Đa số các vị trong Ban Tôn
giáo các cấp liên kết với các thành phần dễ bảo và tha hóa trong
Giáo Hội. Những thành phần đó lại dựa vào Ban Tôn giáo để lũng
đoạn Ban Tri sự Giáo Hội, mưu lợi dưới mọi hình thức để bảo vệ vị
thế nên họ lót tay cho các quan chức và các cơ quan liên hệ
trực tiếp với Ban Tôn giáo, trở thành một gắn bó nguy hại cho
chính sách của nhà nước, làm suy giảm tiềm lực của Phật giáo và
tạo ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ ngay trong Ban Tôn giáo.
Qua hai mươi lăm năm, nhà nước đã thấy được cái bất lợi nhiều hơn
cái lợi của Ban Tôn giáo”. Cư sĩ Minh Mẫn không có chức vụ gì
trong Giáo Hội, cũng không có chức vị gì trong Ban Tôn giáo mới nói được
thẳng thắn như vậy.
Một Ban Tôn giáo có thể rất lợi ích nếu chỉ làm được các việc sau đây:
yểm trợ cho các tôn giáo trong việc tu tập, phòng ngừa và bài trừ các tệ
nạn xã hội, tạo điều kiện pháp lý dễ dàng cho các tôn giáo làm việc cứu
tế xã hội, giúp các tôn giáo có nhiều cơ hội ngồi lại với nhau để chia
sẻ kinh nghiệm tu tập và vượt thắng thái độ giáo điều, có khuynh hướng
cho tôn giáo mình là độc tôn, yểm trợ các tôn giáo trong việc dân tộc
tính hóa những giáo lý và hành trì của mình, để tất cả các tôn giáo đều
trở thành những thành phần đích thực của nền văn hóa dân tộc. Làm được
những điều này mà không cần sử dụng tiền bạc và sự trừng phạt.
***
Những giọt nước đi sau
Nhiều vị tôn túc trong Giáo Hội đã không được hồ hởi lắm về Đại Hội Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam lần thứ 6, cho rằng: “Đại hội đã không thể
hiện được vai trò đoàn kết của toàn bộ Phật Giáo Việt
Nam ngày nay”
(Cư sĩ Minh Mẫn). Việc phân bố nhân sự không đồng đều cho mỗi miền, và
nhiều trung tâm Phật giáo lớn trong nước như Huế, Đà Nẵng, Bình Định và
Đồng Tháp không có chân trong Ban Hội đồng Trị sự Trung ương. Nhiều tăng
tài trẻ, có tâm huyết, có đạo đức không được thu dụng. Các vị có chức vụ
lâu nay tới 25 năm vẫn còn ở lại và kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ khác.
Cơ hội bị đánh mất, nhưng ta không nên ngồi đó để hy vọng rằng Đại hội
kỳ 7 sẽ làm khá hơn. Đại Hội kỳ 7 có thể cũng sẽ như vậy.
Sự thật là không có chức vụ, ta cũng có thể sử dụng tài năng của ta và
của các bạn đồng liêu để đưa đạo Phật đi tới. Ngày xưa, Sư ông Làng Mai
đâu có chức vụ gì trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thế mà
cũng đã làm được bao nhiêu việc: thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học Sài
Gòn (tiền thân của Viện Đại Học Vạn Hạnh), nhà xuất bản Lá Bối, trường
Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, xuất bản các tuần san Hải Triều Âm, Thiện Mỹ
và nguyệt san Giữ Thơm Quê Mẹ... Ngày nay các vị như Hòa thượng Thanh
Từ, Hòa thượng Minh Tánh, Hòa thượng Từ Thông, Hòa thượng Giác Quang và
Thượng tọa Hải Ấn ở Huế, Thượng tọa Nguyên Chơn ở Bình Định, Thượng tọa
Nhật Từ, Thượng tọa Tuệ Sĩ, Thượng tọa Chơn Tính, Thượng tọa Chơn Quang,
Giáo sư Lê Mạnh Thát, các đạo hữu Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Minh Mẫn,
v.v... cũng đã và đang làm được bao nhiêu việc một cách vô tướng, tất cả
đều hồi hướng cho nền Phật giáo dân tộc.
Chúng tôi nghĩ một đạo Bụt hiện đại có thể đáp ứng với nhu yếu của một
xã hội mới cần được trông cậy vào những vị xuất gia và cư sĩ như thế và
chúng ta thay vì chờ đợi, nên hết lòng yểm trợ cho các vị ấy. Trong một
dòng sông, không phải những giọt nước đi đầu kéo những giọt nước khác đi
theo mà chính những giọt nước đi sau đẩy những giọt nước phía trước đi
tới.
***
Lá rụng về cội
Cơn sốt ý thức hệ đã hạ xuống, đó là một may mắn cho đất nước. Hiện giờ
chúng ta không còn khe khắt với nhau một cách quá đáng như ngày xưa.
Ngày xưa, một viên chức chính quyền phải đợi cho tới khi về hưu trí mới
dám đi chùa! Ngày nay, như ngài Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói với Thầy
Làng Mai trong buổi gặp mặt năm 2005, có nhiều viên chức trong Đảng và
trong guồng máy nhà nước đang thờ Phật trên gác và đi chùa một cách
thoải mái. Thượng tọa trú trì chùa Non cũng có cho thầy Pháp Ấn biết là
các vị lớn trong chính quyền rất thường đến chùa Non. Khi sự say mê sùng
bái và thái độ giáo điều không còn, thì ta trở nên dễ chịu hơn với người
khác và với chính ta. Nhu yếu tâm linh và đạo đức ngày xưa được sống dậy
và ta có ước mong tìm về cội nguồn. Cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng cuối
cùng rồi cũng đã xin quy y tại chùa Đậu. Tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu đã
thực tập thiền tọa mỗi ngày. Đây là hiện tượng Lá Rụng Về Cội rất đáng
mừng.
Năm ngoái hồi phái đoàn Làng Mai mới về tới Sài Gòn, được tin tướng Võ
Nguyên Giáp bị bệnh khá nặng, thầy Làng Mai đã tìm cách gửi ra tận Hà
Nội một cuốn băng cassette Niệm Bụt và Bồ tát Quan Thế Âm, và sau đó,
gần ba tháng sau, đã có cơ hội tới thăm đại tướng tại tư gia ở Hà Nội.
Không phải vì đại tướng nổi danh mà thầy Làng Mai đã đến thăm, mà vì lý
do Thầy rất muốn yểm trợ cho tư trào Lá Rụng Về Cội. Gặp Đại tướng, thầy
tặng cho Ngài một nhánh hoa cau, và câu đầu tiên mà thầy nói với đại
tướng là: “Tôi xin báo tin để Đại tướng biết là chúng tôi đã
hoàn mãn ba Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan tại ba miền,
cầu cho tất cả các sinh linh đều được siêu độ. Xin Đại tướng an
tâm tu tập”. Thầy thế nào cũng ý thức được rằng một người như tướng
Giáp thế nào cũng có những đêm không ngủ khi nghĩ đến vấn đề tội phước,
khi nghĩ tới bao nhiêu sinh linh đã thiệt mạng trên các chiến trường (nhất
tướng công thành vạn cốt khô), và câu nói đó của Thầy là để
cho vị đại tướng an tâm tu học. Thầy đã trao cho đại tướng văn bản “Lời
Khấn Nguyện” tại các trai đàn chẩn tế giải oan. Và Thầy đã cùng các
thầy, các sư cô và các cư sĩ tháp tùng trong phái đoàn niệm đức Bồ tát
Quan Thế Âm cho đại tướng. Âm đã siêu thì thế nào dương cũng sẽ thái.
Có một điều kỳ diệu đã xảy ra là trong khóa tu sáu ngày
(11.08-17.08.2007) tổ chức tại trường Đại học StoneHill ở tiểu bang
Massachusetts Hoa Kỳ, bà Stevie Westmoreland là con gái của đại tướng
William C. Westmoreland, Tổng tư lệnh chỉ huy quân lực Hoa Kỳ tại Việt
Nam trong những năm 1963 đến 1968, đã tới dự trọn khóa tu. Ngày cuối
cùng bà đã xin quy y và thọ trì năm giới. Trong một lá thư gửi cho sư cô
Chân Không để cảm ơn sư cô đã hướng dẫn thiền lạy, bà đã kể chuyện như
sau: Hồi còn mười bốn tuổi, bà đã được đi theo ba và mẹ về sống ở Sài
Gòn, đi học trường Trung học quốc tế ở đó. Cô thiếu nữ này đã từng được
đi thăm các cô nhi viện và các bệnh viện tại Sài Gòn, đã tiếp xúc được
với một phần nào những khổ đau tang tóc do chiến tranh gây ra, đã thấy
ba mình tới gắn huy chương vào ngực những binh sĩ Hoa Kỳ bị thương...
Đến khi chiến tranh trở nên khốc liệt, tình trạng không còn an ninh nữa,
cô thiếu nữ đã cùng với mẹ sang cư trú ở Manila, Phi Luật Tân, để vẫn
còn được gần gũi ba trong khi ông đang còn chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại
Việt Nam. Mỗi tuần, tướng Westmoreland được có cơ hội đi thăm gia đình ở
Manila một lần. Sau đó trở về Hoa Kỳ đi học đại học, cô thiếu nữ đã
chứng kiến cảnh sinh viên các trường đại học tổ chức bãi khóa, biểu tình
chống chiến tranh Việt Nam. Vào năm 17 tuổi, cô đã thấy người ta đốt
hình nộm ba mình trong các cuộc biểu tình. Bức xúc quá, cô viết thư cho
ba mẹ để hỏi những câu hỏi về thực chất của cuộc chiến. Mẹ cô viết thư
cho cô rằng đừng bao giờ đặt câu hỏi nghi ngờ về chính sách của đất nước
Hoa Kỳ và sự liêm khiết của ba mình. Tướng W.C. Wesmoreland cũng đã trả
lời cho cô tương tự như thế, thơ do Văn phòng Tổng tư lệnh đánh máy trên
giấy có tiêu đề đại tướng năm sao.
Nhưng cô vẫn tiếp tục cảm thấy bất an, phải đi tìm chữa trị với các nhà
tâm lý trị liệu. Những khổ đau và bất an ấy kéo dài cho đến khi lấy
chồng, có con, mà không thật sự giải quyết được. Mãi khi được tham dự
khóa tu, cô mới cảm thấy được trị liệu và tìm lại bình an. Cô ôm lấy ba
cô trong tự thân để ba của cô cùng được lạy với cô, và cùng với cô tiếp
nhận Ba quy và Năm giới. Cô đã được quy y và thọ năm giới một lần với
khoảng trên năm trăm thiền sinh Hoa Kỳ tại khóa tu vào ngày 17.08.2007
với pháp danh Tâm Đức Hướng (Virtuous Direction of the Heart).
Như vậy là cô đã trở nên con cháu của thiền tổ Liễu Quán. Tướng
Westmoreland sau khi trở lại Hoa Kỳ đã được giao phó trách nhiệm Tổng tư
lệnh quân đội Hoa Kỳ từ cuối năm 1968 cho đến năm 1970. Sau đó ông vận
động làm Thống đốc tiểu bang South Carolina, nhưng không thành công. Ba
cô đã mất ngày 18.07.2005 tại tư gia lúc 91 tuổi.
Mầu nhiệm thay, một bên là tướng Võ Nguyên Giáp, một bên là tướng
Westmoreland, cả hai, cuối cùng đều được thấm nhuần những giọt nước từ
bi thanh lương của Đức Thế Tôn và của Quan Âm Đại Sĩ. Đây cũng là một
khía cạnh khác của hiện tượng Lá rụng về cội.
***
Cơ Duyên
Trong các Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan, ban tổ chức cũng có
nhận được tên tuổi của những binh sĩ Hoa Kỳ thiệt mạng tại Việt Nam, và
theo tinh thần bình đẳng của đạo Bụt, cũng đã đưa những tên tuổi này vào
danh sách để được cầu siêu độ. Chiến tranh cũng đã gây tàn hại cho biết
bao nhiêu gia đình Hoa Kỳ, hàng trăm ngàn binh sĩ bị thương, hàng chục
ngàn binh sĩ bị bệnh tâm thần cho đến ngày nay vẫn chưa chữa trị được
hết. Nếu Sư ông Làng Mai không bị lưu đày gần bốn mươi năm tại hải ngoại
thì đã không có hàng triệu người tại Âu Mỹ được thấm nhuần công đức giáo
hóa của Sư ông.
Sách của Thầy Làng Mai được lưu hành rộng rãi trên năm mươi quốc gia,
tăng thân được thành lập trên thế giới đã có trên một ngàn đoàn thể và
hàng trăm ngàn người đã được trực tiếp quy y và thọ năm giới. Đây cũng
là cơ duyên hóa độ, trong cái rủi lại có cái may. Tăng
thân Làng Mai đã có cơ hội tổ chức những khóa tu trị liệu cho các cựu
chiến binh Hoa Kỳ. Những người ấy đã qua tham dự cuộc chiến ở Việt Nam.
Tăng thân Làng Mai đã có cơ duyên thành lập các Đại Trai đàn Chẩn tế
Bình đẳng Giải oan cầu cho âm siêu dương thái.
Trong chuyến đi hành hóa tại nước Đức, ngay sau chuyến về Việt Nam, các
thiền sinh Đức đã nói với Thầy: “Tại nước Đức, dân chúng cũng
đã từng trải qua nhiều oan khổ trong những thập niên vừa qua,
nhất là trong thế chiến thứ hai. Tại sao Thầy không qua Đức để tổ
chức những trai đàn chẩn tế giải oan như thế cho chúng con?”
Chánh pháp quả thật là cao siêu mầu nhiệm, đã ôm được phương Đông, nay
còn ôm được cả phương Tây. Đây không phải là một cơ duyên to lớn
hay sao? Tại sao ta không lo chấn chỉnh được Phật giáo nước nhà, hiện
đại hóa Phật giáo, để phụng sự đất nước và thế giới?
Chúng ta có đủ châu báu để chia sẻ cho mọi người...
Những điểm Thỉnh cầu và Đề nghị của phái đoàn Đạo Tràng Mai Thôn đến
Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
(Bản thỉnh cầu đã được Thầy Làng Mai đích thân trao cho ngài Chủ
Tịch nước Nguyễn Minh Triết
trong dịp phái đoàn Làng Mai được thừa tiếp tại Phủ Chủ Tịch ngày
05.05.2007)
1. Xin chính phủ ra lệnh lập một đài tưởng niệm Thuyền nhân
thiệt mạng trên biển cả tại Vũng Tàu.
2. Xin cho các thân nhân của những người được chôn trong các
nghĩa trang quân đội VNCH cũ được dễ dàng viếng thăm, cúng lễ và bốc mộ.
3. Xin chính phủ yểm trợ việc xây dựng tháp kỷ niệm Bồ tát
Thích Quảng Đức tại TP HCM.
4. Xin cho những người gốc Việt cư trú ở nước ngoài được về
nước thăm viếng, làm việc, đầu tư, giảng dạy, hoằng pháp mà không cần
Visa.
5. Xin bắt đầu cho phép một số những người gốc Việt cư trú ở
nước ngoài được có song tịch (quốc tịch đôi) để họ có dịp bày tỏ niềm
trung hành của họ với tổ quốc và quê hương.
6. Xin đừng xem các thầy và các sư cô gốc Việt về nước để yểm
trợ Phật giáo là những giáo sĩ ngoại quốc và xin cấp phát dễ dàng cho
các vị ấy loại Visa làm việc tôn giáo nhiều lần trong 5 năm một cách dễ
dàng mau chóng. Xin chính phủ cho phép các vị ấy chia sẻ sự tu học của
mình đến mọi tầng lớp nhân dân trong cũng như ngoài các cơ sở của giáo
hội cũng như tại các cơ sở công cộng khác của đất nước mà không có sự
phân biệt kỳ thị.
7. Xin có một chính sách đặc biệt đối với Phật giáo, bởi vì
đạo Phật đã là nền móng dựng nước và giữ nước trong gần hai ngàn năm, và
là yếu tố chính của nền văn hóa Việt Nam.
8. Để Phật giáo theo kịp đà hội nhập vào đời sống mới, chấm
dứt tình trạng ủng trệ hiện nay và đóng góp tích cực phần mình vào công
trình văn minh hóa nếp sống gia đình, cộng đồng và xã hội, xin cho phép
Phật tử Việt Nam tự do thành lập nhiều hội đoàn Phật giáo với những nét
đặc thù của mình. Những hội đoàn này chỉ cần đăng ký hợp pháp là có thể
hoạt động được ngay như ở bất cứ một nước văn minh nào trên thế giới.
Phật tử Việt Nam có quyền chọn lựa một hoặc nhiều hội đoàn thích hợp để
có cơ hội đóng góp công phu và tài năng của mình. Những hội đoàn này có
quyền truyền bá tư tưởng và pháp tu tập của mình ra các nước ngoài
(tương tự như phương thức W.T.O trong lãnh vực kinh tế). Các hội đoàn đó
có thể bao gồm:
Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thỉ,
Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tông,
Giáo Hội Phật Giáo Tịnh độ Tông,
Giáo Hội Phật Giáo Khất Sĩ,
Giáo Hội Phật Giáo Thiên Thai Giáo Quán Tông,
Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tịnh Đạo Tràng,
Giáo Hội Phật Giáo Sư Sãi Tây Nam Bộ,
Giáo Hội Phật Giáo Nam Tông K’mer,
Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất,
Giáo Hội Đạo Bụt Nhất Quán,
Giáo Hội Phật Giáo Hiện Đại Hóa,
Gia Đình Phật Tử,
Hội Sinh Viên Phật Tử,
Hội Học Sinh Phật Tử,
Hội các nhà Khoa Học Phật Tử,
Hội các nhà Giáo Phật Tử,
Hội Y Sĩ Phật Tử,
Hội các nhà Văn Phật Tử,
Hội Phật Học Nam Việt,
Giáo Hội Tăng Già Chỉnh Lý, v.v...
9. Xin cho Tăng Ni được phép hành đạo khắp nơi trên lãnh thổ
quê hương (như Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận tuyên bố)
không bị hạn chế bởi vấn đề hộ khẩu, có quyền dựng chùa viện bất cứ ở
đâu không kể nơi đó có nền chùa cũ hay không – các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ
An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, v.v…
10. Xin chính phủ thực hiện việc tách rời tôn giáo khỏi chính
trị và chính trị khỏi tôn giáo… ngưng lại mọi quản chế của chính quyền
trên giáo quyền, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và trước hết là ngành
Công an Tôn giáo. Tất cả các đoàn thể tôn giáo đều được sinh hoạt tự do
trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, như bất cứ một hội đoàn văn hóa,
thương mại, công
nghiệp và xã hội nào.
|