.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)


TRANG NHÀ LÀNG MAI

THEO DẤU THIỀN SƯ IV

CẬP NHẬT TRUYỀN THÔNG TỪNG BƯỚC CHÂN HOẰNG PHÁP  CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN TRÊN THẾ GIỚI TỪ THÁNG 6/2007 ĐẾN  THÁNG 5/2008
 

THEO DẤU THIỀN SƯ III

CẬP NHẬT TRUYỀN THÔNG CHUYẾN HÀNH HÓA CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN ĐẠO TRÀNG MAI THÔN TẠI VIỆT NAM - HONG KONG & THÁI LAN TỪ 20 THÁNG 2 ĐẾN 1 THÁNG 6 NĂM 2007

BBC NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa em số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có em đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là em đường".

thichnhathanh.shtml

 

 THEO DẤU THIỀN SƯ IV từ tháng 6/2007 đến tháng 5/2008

 

Con đã về và con đã tới
Chia sẻ của một sinh viên du học trong khóa tu mùa hè năm 2007 tại làng Mai

  • Lê Nguyên - Đức Huy - Hồng Phượng
    cùng thực hiện tại xóm Trung - làng Mai - Pháp quốc - 2.08.2007

Phóng viên (PV): Thân chào Anh Tú, Anh Tú có thể cho bạn đọc của Phù Sa biết vài nét về mình?

Anh Tú (AT): Dạ! em tên là Anh Tú, năm nay 24 tuổi, em qua Pháp du học năm 2003, và theo học ngành sinh-hóa. Ba năm đầu em học ở Marseille, năm nay em học ở Strasbourg.


PV: Anh Tú đi du học theo dạng nào, tự túc hay là học bổng quốc gia?

AT: Em du học theo dạng tự túc, do gia đình tài trợ 100%.
 

PV: Như thế, Anh Tú đã có được 4 năm sống trên đất Pháp, vậy thì điều gì của nước Pháp có thể làm Anh Tú chú ý, hoặc thích thú nhiều nhất?

AT: Dĩ nhiên với một đất nước tự do, văn minh, tiền tiến như Pháp thì có rất nhiều điều tốt đẹp để nói, nhưng lại không có đủ thì giờ, vậy em chỉ xin nêu vài điều làm cho em chú ý nhiều nhất mà thôi.

Trước hết là hệ thống bảo hiểm y tế của Pháp rất là tốt, bất kỳ ai ở tuổi trưởng thành đều có thẻ bảo hiểm y tế, trong gia đình dù có bao nhiêu đi nữa, thì chỉ cần 1 người đi làm có đóng bảo hiểm là cả nhà được nhờ. Mỗi khi khám bác sĩ, mua thuốc, v.v... cho dù phí tổn có cao bao nhiêu cũng được bồi hoàn một cách nhanh chóng, thường thì người ta chỉ trả một phần khi mua thuốc ở tiệm, hoặc không trả đồng nào nếu người đó có thêm bảo hiểm bổ sung (complémentaire), tất cả đều được trừ trực tiếp từ các quỹ bảo hiểm của tư nhân hay của nhà nước. Nếu như bệnh nặng phải nằm bệnh viện dù ngắn hay dài hạn, người ta không cần trả tiền chi cả, mà chỉ xuất trình thẻ bảo hiểm ra là xong. Ở Việt Nam cũng có bảo hiểm sức khỏe cho công nhân viên nhà nước, nhưng khi bị bệnh thông thường hay nằm bệnh viện -rất đắt-  là phải trả tiền trước, sau đó phải đợi một thời gian rất lâu mới nhận được tiền bồi hoàn, đã vậy còn phải trải qua nhiều thủ tục hành chánh thật là nhiêu khê. Do đó, nếu ai không có tiền túi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc trị liệu, đó là trường hợp của những người có đóng tiền bảo hiểm, còn những người không đủ điều kiện tiền bạc để có bảo hiểm thì... em không biết nói sao nữa, thiệt là khổ cho họ!.

Điều thứ hai là ngành giáo dục của Pháp rất là hay, đất nước có nhiều chương trình tài trợ cho việc đào tạo tuổi trẻ. Cụ thể trong trường hợp của em chẳng hạn, em qua đây du học, em chỉ đóng 10 % học phí, 90% còn lại do chính phủ tài trợ, kinh phí mà em bỏ ra chủ yếu là tiền ăn và ở, còn tiền học phí xem như không đáng kể. Đó là trường hợp của một sinh viên ngoại quốc du học ở Pháp dưới dạng tự túc hoàn toàn, còn các bạn là người Pháp, hay các bạn được tiêu chuẩn học bổng 1 phần hay toàn phần thì có thể xem như được miễn phí hoàn toàn. Trong khi đó ở Việt Nam thì từ tiểu học lên đến đại học, tất cả mọi học sinh, sinh viên đều phải đóng tiền học phí rất là cao, cho dù đó là trường của nhà nước.


PV: Bằng cách nào Anh Tú biết được Làng Mai, và đây là lần thứ mấy Anh Tú về Làng?

AT: Đây là lần thứ nhứt em về Làng Mai. Em có một người cô -em ruột của ba- tu ở Marseille, cô giới thiệu với em về Làng Mai, vì trước đây mỗi năm cô của em đều về Làng dự khóa tu An cư Kiết đông. Ý của sư cô là muốn hướng em đi về con đường đạo, nên trước đây em cũng đã có dịp tham dự nhiều khóa tu, như theo An cư ở các chùa  bên Đức, hoặc tham dự các khóa học Phật pháp Âu châu do Giáo hội Phật giáo Thống nhứt tổ chức. Ngoài ra em cũng được dịp đọc sách của Sư ông Làng Mai, và em rất là thích, cộng với sự khuyến khích của Sư cô nên em đang có mặt tại đây và trong giờ phút này (cười).


PV: Anh Tú có thể chia sẻ những cảm nhận của mình trong thời gian sống ở Làng với những bạn chưa có dịp về Làng?

AT: Dạ !... ngày đầu tiên đến Làng ai mà không bở ngỡ, nhưng mà vừa đến là em đã thấy thích rồi! các thầy cô ở đây rất là dễ thương, rất là nhiệt tình, rất là gần gũi và thân thiện với mình, làm em cảm thấy như là anh chị hay cô chú ở trong gia đình vậy đó. Các thầy chăm sóc hỏi han như : - Đi đường có mệt không ? vào đây nghỉ đi, em có đói bụng không ? v.v... rồi các thầy lấy bánh cho ăn, lấy nước cho uống... còn các sư cô thì lo cho chỗ ngủ. Vì biết trước là sẽ ở lều nên em đã mang theo rất nhiều đồ nào túi ngủ, tấm trải, v.v... (cười) nhưng khi tới Làng thì các sư cô đã chuẩn bị nào drap, nệm, mền, v.v... rất là chu đáo. Ngoài các thầy, các sư cô ra, ở đây còn có các cô, các bác, các chú, các anh, các chi, và các em,  -họ đều là thiền sinh giống như em- nhưng mối quan hệ rất là tốt, đối xử với nhau như trong gia đình, người lớn thì ân cần thăm hỏi, chăm sóc, ... họ xem chúng em như là em, là cháu trong nhà. Với các anh, các chị lớn, và các em nhỏ cũng vậy, tất cả đều toát ra một tình thương chân thật mà mình có thể cảm nhận được một cách rất dễ dàng qua từng cử chỉ cũng như từng giọng nói, nụ cười, v.v... Trong khi đó ở ngoài xã hội -nhất là ở Việt Nam- con người ta có rất nhiều mặt, ở trong môi trường đó nó bắt buộc mình phải luôn luôn đề phòng, do đó rất khó có được hạnh phúc như ở đây.

Sau mấy ngày thực tập thiền hành, thiền tọa, thiền làm việc, thiền ăn cơm, v.v... mỗi sáng được nghe pháp thoại của Sư Ông, chiều được dự pháp đàm với các thầy, các sư cô và các cô, các chú, được chơi với các bạn cùng lứa, với các em nhỏ hơn, v.v... em thấy rất là hạnh phúc. Em cảm thấy rất là gần gũi, giống như là trở lại nơi mà mình đã từng được ở nó rất là quen thuộc ..umm..umm.. rất là khó nói, dường như ở trong mơ, hay trong tiềm thức vậy đó, em không biết diễn tả sao nữa, (cười).


PV: Anh Tú vừa nói đến thiền hành, thiền tọa, thiền ăn cơm,... Sao mà có nhiều loại thiền đến như thế, một cách tổng quát, thiền giúp ích được gì trong đời sống, trong khi vận tốc sinh hoạt ngoài đời càng ngày càng nhanh đến mức có thể nói là sống với tốc độ của ánh sáng?

AT: Đúng vậy, ở đây có rất nhiều phép thiền, ngoài những phép mà anh vừa nêu còn có thiền buông thư, thiền ôm, thiền trà, thiền nghe chuông, thiền làm việc, thiền sỏi, v.v... Umm...! nhưng rất là khó nói, vì em chỉ mới thực tập được hơn một tuần thôi. Ví dụ như thiền đi, hay thiền ăn cơm chẳng hạn.

Khi được các thầy, các sư cô ở đây chỉ cho mình cách đi trong tỉnh thức thì gọi là thiền hành -cố nhiên, em không thể hướng dẫn thay các thầy và các sư cô được, em chỉ có thể nói lên cảm nhận mà em đã đạt được trong lúc thực tập mà thôi- ...umm...umm... đi trong chánh niệm tức là mình để tâm ý của mình tới từng bước chân dở lên, bước tới,... kết hợp với hơi thở vào, và hơi thở ra theo từng bước ngắn và nhẹ như thế mình sẽ đem được cái tâm của mình về với cái thân của mình, cho nên Sư Ông mới cho mình bài kệ là "đã về, đã tới / bây giờ, ở đây". Khi đi như vậy mình sẽ có cơ hội thấy được, hưởng được kho báu vô tận của đất trời mà hai mươi mấy năm qua em đã bỏ phí. Mình sẽ thấy được trời xanh, mây trắng, thấy được những đóa hoa, cành lá, nghe được tiếng chim kêu, tiếng xào xạc của lá, tiếng cười của bé thơ, v.v... lúc đó em thấy mình rất là thích, buồng phổi và trái tim em được mở rộng, thân em nhẹ nhàng và tươi mát, em thấy mình rất là hạnh phúc mà không tốn tiền mua (cười).

Về thiền ăn cơm thì, trước đây em ăn cơm rất là vội vàng, một đỉa cơm em chỉ ăn từ 5 đến 10 phút là xong, hồi đó em nghĩ rằng tại sao phải bỏ phí nhiều thời giờ cho bửa ăn, trong khi đó mình có thể tranh thủ thời giờ đó để đọc sách, xem phim hay làm những việc khác, cho nên em hay bị đau bao tử. Nhứt là vào buổi ăn tối, nếu mà mình ăn nhanh như vậy, xong rồi vô ngồi học, thiếu vận động cho nên rất là khó tiêu, vì thế em đã từng bị ợ chua, gây khó ngủ, v.v... Nhưng từ khi biết cách ăn cơm có chánh niệm -tức là thiền ăn cơm- thì việc tiêu hóa dễ dàng hơn, ăn ngon hơn. Vì trước khi ăn mình đã có cơ hội im lặng theo dõi từng hơi thở trong khi xếp hàng lấy thức ăn, trước khi ăn Sư Ông dạy mình quán niệm 5 lãnh vực. Nhờ vậy em có cơ hội nhìn sâu vào từng hạt cơm thơm, từng quả đậu, từng miếng rau, miếng cà ngon ngọt, v.v... em ý thức được công lao khó nhọc về chân tay lẫn trí tuệ của biết bao nhiêu người, cũng như của đất trời để có được những thức ăn đang có trước mắt em, em cũng cảm nhận được rất nhiều tình thương của các thầy, các sư cô, các bác, các cô, các chú, các anh, các chị đã bỏ vào đó trong khi họ nấu các thức ăn này. Em cũng cảm thấy là mình rất là may mắn hơn nhiều người dù họ rất là giàu, họ có rất là nhiều tiền nhưng không ăn được bửa ăn như mình vì bệnh tật, hay họ phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh chẳng hạn, hoặc các em bé ở các xứ nghèo không có được thức ăn, v.v... Tự nhiên em rất là quý trọng đỉa cơm của mình, mà trước đây em không nghĩ tới, hoặc cho đó là điều đương nhiên phải có. Sau khi nhìn sâu như thế, đến khi ăn thì em được dạy là nên ý thức từng miếng ăn trong khi nhay, và nhay cho thật kỷ, ... nhờ thế chất bổ của thức ăn được gia tăng vì các dịch vị trong miệng mình có thời gian ngấm vào thức ăn, và nhờ đó bao tử của mình sẽ làm việc ít hơn so với trước đây.


PV: Anh Tú trình bày rất là hay, đó là so sánh kinh nghiệm của Anh Tú về hai bửa ăn trước và sau khi thực tập theo pháp môn của Làng Mai. Vậy có khi nào Anh Tú có dịp ăn bửa ăn không có chánh niệm sau khi đã thực tập qua bửa ăn có chánh niệm chưa, nếu có thì kinh nghiệm đó như thế nào ?

AT: Dạ có ! Như anh thấy đó, cơ sở hạ tầng của Làng Mai rất là đơn sơ, nó trái ngược với sự giàu có của Làng về thiên nhiên, về tình thương và sự hiểu biết. Thêm nữa thiền sinh về Làng tu rất là đông, do đó các phòng vệ sinh không cung ứng đủ cho nhu cầu đòi hỏi, nếu phải đợi đến giờ thường lệ trong việc vệ sinh thì phải đợi thật là lâu. Do đó, một hôm em em tranh thủ đi tắm trước giờ ăn cơm trưa, thành thử khi tắm ra thì trễ giờ ăn cơm. Cho nên khi đó em ăn rất là vội vã. Thiệt tình, khi ăn như vậy em không thấy gì là ngon hết, cứ ăn và ăn, ăn để cho xong nên em cảm thấy rất là mệt, rồi nhay trúng lưỡi nữa chứ (cười). Khi cắn lưỡi và bị đau như thế em mới sực tỉnh ra, ồ!... nảy giờ mình ăn cơm không có chánh niệm, thôi kệ bỏ qua hết, có gì phải gấp, ăn chậm một chút cũng không có sao, rồi em ăn từ từ, ăn chậm trở lại, rồi em bắt đầu quán chiếu thức ăn ... và em cảm thấy mình ăn ngon trở lại, hồi nảy tới giờ mình ăn sao cảm thấy nó lạc lẻo làm sao đâu ấy. Cũng nhờ kinh nghiệm này mà em đã tự hứa với em rằng em sẽ tiếp tục ăn cơm có chánh niệm khi trở về với đời sống bình thường của xã hội.


PV: Liệu có dễ áp dụng không, khi mà thời giờ không đủ, khung cảnh ồn ào náo nhiệt như ở các cantin của trường đại học, hay là công sở vào buổi ăn trưa ?

AT: Về thời giờ thì em nghĩ là đủ vì ở đại học mình được nghỉ từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều, trong khi đó chỉ cần 1 giờ là đủ cho mình rồi. Còn về môi trường chung quanh thì dù có nhiều tiếng ồn hỗn tạp đi nữa nhưng một khi mình tập trung quán chiếu thức ăn, và những người làm ra nó thì ngoại cảnh đó khó mà tác động tới tâm thức của mình. Em tin là em sẽ làm được, hơn nữa em thấy người Pháp ít nói chuyện trong bửa ăn hơn người Việt của mình, thường thì họ im lặng trong khi ăn, có thể họ họ không biết cách quán niệm như mình, không để ý vào thức ăn, họ im lặng vì vừa ăn vừa suy nghĩ đến một dự án nào đó,... (cười). Còn nếu như mình đang ăn mà có bạn nào nói chuyện trước mặt mình, thì em nghĩ em sẽ không trả lời, mà chỉ cười cho đến khi nào ăn tráng miệng em sẽ tiếp chuyện với họ, và dần dần các bạn sẽ hiểu mình... Em sẽ làm được! (cười).


PV: Thời khóa ở đây rất là nghiêm ngặt, chẳng hạn như phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng để đi ngồi thiền, phải giữ im lặng từ 10 giờ rưởi tối cho đến 11 giờ trưa ngày hôm sau, v.v... những điều đó có gây khó khăn cho những người mới tới lần đầu, nhất là những người trẻ như Anh Tú, hay như các em nhỏ hơn Anh Tú khi mà họ đang ở lứa tuổi cần ngủ, nghỉ nhiều hơn, hay là ngủ bù trong thời gian nghỉ hè sau một năm dài học tập ở trường học?

AT: Ôh !... em thấy không có khó khăn gì hết, có nhiều hôm vào thiền đường buổi sáng em thấy có các em nhỏ đã có mặt trước em nữa, em không cảm thấy đây là sự bắt buộc, vì khi ngồi thiền thì cái tâm của mình được lắng đọng, khi theo dõi hơi thở thì em cảm nhận được cái thân của mình nó khỏe và nhẹ hơn. Rồi khi bắt đầu quán chiếu về một vấn đề gì đó thì nó sẽ sáng suốt hơn và dễ thấy được giải pháp cho vấn đề đó. Ví dụ như chiều hôm qua mình có văn nghệ mừng lễ Bông Hồng Cài Áo nên tụi em ngủ rất là trể, cho nên sáng nay em thức dậy hơi muộn hơn bình thường, giờ đó mọi người đã ngồi thiền ở trong thiền đường rồi, em ở lại trong lều theo dõi hơi thở, đến hơn 7 giờ rưởi em mới ra khỏi lều, mặc dù vậy em vẫn cảm thấy uể oải và rất là mệt, nếu mà dậy sớm và đi ngồi thiền em nghĩ mình sẽ khỏe hơn là ngủ nướng ở trong lều như sáng nay (cười). Giống như kinh nghiệm bên trên, em nghĩ là em sẽ tiếp tục ngồi thiền vào ban sáng khi về lại đời sống bình thường ngoài xã hội. Trước đây, ba của em cũng đã từng khuyên em thức dậy sớm hơn chừng nửa giờ để ngồi thiền, tỉnh tâm như thế khi vào lớp học thì sự tập trung của mình sẽ cao hơn, tiếp thu bài giảng của thầy cô nhiều hơn. Còn buổi tối nếu mệt mỏi trong lúc học thi thì nên ngừng lại, ngồi, hoặc nằm xuống tỉnh tâm hít thở, giống như sư cô Chân Không dạy thiền buông thư vậy đó, khoảng chừng 5 đến 10 phút rồi ngồi dậy học trở lại, ba nói là nó sẽ có kết quả nhiều hơn. Nhưng mà hồi đó em không có nghe lời ba (cười).

Thời gian giữ im lặng như vậy nó giúp mình rất là nhiều trong việc thực tập chánh niệm, im lặng không có nghĩa là mình không được nói, mình có thể nói rất nhỏ khi cần thiết để khỏi làm phiền người khác, mình có thể nói bằng ánh mắt, hay nụ cười, và như thế mình sẽ thấy được chính mình một cách sâu sắc hơn mà hai mươi mấy năm qua em không có dịp tiếp xúc. Mình chánh niệm trong từng bước chân, không cần đợi đến giờ đi thiền hành mình mới tập trung. Mình chánh niệm trong lúc làm việc, ví dụ như cắm hoa, hay phụ quét dọn, làm bếp, làm vệ sinh, v.v... với quý thầy, quý sư cô và đại chúng. Ví dụ như sau khi hết thời gian giữ im lặng như giờ này chẳng hạn, chung quanh ta có rất nhiều tiếng động, nào tiếng nói cười của các em đang chơi đánh cầu ở đằng kia, hay các cô chú đang đàm đạo bên bàn trà, tiếng xắc gọt của các bác ở đằng kia, v.v... nó rất là ồn làm mình khó tập trung được hơi thở trong chánh niệm, nhưng khi có tiếng chuông thì mọi người sẽ im lặng, khi đó mình sẽ thấy rất là khác, tâm của mình trở về ngay với thân và mình thấy rất là an. (có tiếng chuông: Boong!... anh thở đi!...).


PV: Wauh!... dù còn rất là trẻ, lại sống ở một xã hội rất nhiều cám dỗ về tiêu thụ, nhất là mỹ phẩm thời trang v.v... mà lại là con gái nữa. Vậy mà Anh Tú chẳng những không bị lôi cuốn mà còn biết tìm học theo đường hiểu biết và yêu thương như thế này. Và chỉ mới hơn một tuần thực tập mà Anh Tú đã thu thập nhiều kết quả đến như vậy. Trong khi đó không ít bạn cùng lứa tuổi với Anh Tú ở Việt Nam lại đua đòi chạy theo thời trang du nhập từ nước ngoài không được lành mạnh cho lắm, như bắc chước nhuộm tóc đỏ, tóc xanh, tóc vàng, rồi sa ngả vào đường mãi dâm, nghiện ngập, băng đảng, xì ke, ma tuý, v.v... Nếu có một lời khuyên thì Anh Tú sẽ khuyên các bạn như thế nào ?

AT: Anh Tú rất muốn chia sẻ những kết quả học tập được ở đây với các bạn, nhưng cũng rất là khó, vì không ai có thể ăn dùm được cho ai. Do đó Anh Tú đề nghị các bạn nên thử một lần về Làng Mai. Nếu vì điều kiện kinh tế chẳng hạn, mà các bạn không đến Pháp được thì ở Việt Nam mình cũng có Làng Mai đó là tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng hay ở Huế thì có tu viện Từ Hiếu, nên một lần tới đó tu tập thử. Anh Tú nghĩ pháp môn của Làng sẽ giúp ích rất là nhiều trong cuộc sống, nó có thể sẽ làm thay đổi cả quan niệm sống của các bạn.

Em nghĩ sở dĩ các bạn ở trong nước mà nhuộm tóc nhiều màu là vì họ không thấy được cái đẹp của màu tóc đen của mình, nhất là con gái. Giống như em vậy đó, trong lớp học nhiều bạn người Pháp có mái tóc vàng óng ả rất là đẹp, nhưng họ vẫn thấy thích mái tóc đen của em, nếu mà em nhuộm tóc vàng như tóc của bạn ấy thì đâu còn gì là vẻ đẹp của người con gái Việt Nam, lúc đó mình sẽ không còn là người Việt Nam mà mình cũng không thể là người Pháp. Như vậy thử hỏi mình thuộc giống người nào trên quả địa cầu này!... (cười).

Từ lúc về đây tu tập, nghe được lời giảng của Sư Ông hoặc của quý thầy, quý sư cô em cảm thấy yêu quê hương nhiều hơn trước, niềm tự hào dân tộc được lớn hơn thêm, và em có nhiều tự tin hơn ở văn hóa của nước mình. Như năm nay chẳng hạn, có đến 52 quốc gia khác nhau cùng về đây tu tập dưới sự hường dẫn của Sư Ông, mà Sư Ông lại là người Việt Nam giảng dạy cho họ sống và tu tập theo truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Nếu văn hóa đó không hay, không đẹp thì họ đâu có chịu mất tiền, mất thì giờ để về đây thực tập, họ chấp nhận thiếu thốn đủ thứ tiện nghi từ phòng ngủ -phải ở lều-  đến nhà vệ sinh,... rồi phải ăn chay, nằm đất, thức khuya dậy sớm, v.v... mà họ vẫn vui, và càng ngày họ về càng đông, và mình thấy họ rất là hạnh phúc. Cho nên em rất là tin tưởng ở văn hóa của nước Việt Nam mình. Em cám ơn Sư Ông, cám ơn quý thầy, quý sư cô, và đại chúng của Làng đã cho em niềm tin và sự tự hào đó.

Văn hóa của mình nó đẹp như vậy đó, nếu bạn nào đang đua đòi chạy theo những thời trang không được đẹp cho lắm của nước ngoài thì chẳng qua là các bạn ấy chưa thấy được nét đẹp trong văn hóa của nước mình mà thôi. Em nghĩ các bạn nên đến Làng Mai một lần để được dịp tiếp xúc, thưởng thức cái ngon cái đẹp của ông bà mình một lần cho biết.
 

PV: Một câu hỏi chót, nếu còn ở lại nước Pháp, sang năm Anh Tú có về Làng như năm nay không ?

AT: Ôh!... tại sao không, chẳng những vậy mà em sẽ giới thiệu với các bạn cùng lớp, cùng trường, em sẽ đưa họ về đây cùng tu. Mục đích của cuộc đời là gì nếu không phải là mưu cầu hạnh phúc! nhờ tu tập theo pháp môn của Sư Ông ở Làng mà em có được hạnh phúc như thế này, em sẽ đem ra chia sẻ hạnh phúc với họ khi có dịp và em tin chắc các bạn của em sẽ cùng em tới Làng tu tập thật đông.


PV: Cám ơn Anh Tú đã dành cho Phù Sa cuộc phỏng vấn đầy ý nghĩa, chúc Anh Tú tiến bộ trên đường học vấn nhiều hơn những năm trước sau khi đã qua một khóa tu tuy ngắn ngày nhưng lại đạt được nhiều thành quả tích cực trong hai lãnh vực căn bản của đời sống là Hiểu biết và Thương yêu. Hẹn gặp lại vào năm tới với nhiều người bạn mới của Anh Tú.

AT: Em cám ơn các anh chị, và chúc mọi người tìm thấy được hạnh phúc trong đời sống.

 

 

 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>> 3. Hà nội - Ninh Bình - Vĩnh Phúc - Hokong - Thái Lan
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  2. THỪA THIÊN - HUẾ,   ĐÀ NẴNG,  NHA TRANG
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  1. SÀI GÒN,   LÂM ĐỒNG,   BÀ RỊA - VŨNG TÀU

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.