.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

BBC NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa con số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có con đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là Con đường".

thichnhathanh.shtml

 

 THEO DẤU THIỀN SƯ V (22.04 đến 21.06.2008) : Hoằng pháp Việt Nam lần thứ ba nhân Đại lễ VESAK 2552

Khóa tu tại khách sạn Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội từ: 5.05 - 11.05.2008

 Engaged Buddhism for 21th Century
Phật giáo dấn thân cho thế kỷ 21”
 

  • 11.05.2008 | Làng Mai

 Khách sạn Kim Liên, Hà Nội ngày 08.05.2008

 

Từ ngày 05.05.2008 cho đến ngày 11.05.2008, từ khắp năm châu, 380 thiền sinh và 70 vị xuất gia thuộc tăng thân Làng Mai đã đến Việt Nam tu tập chánh niệm 7 ngày tại Khách sạn Kim Liên, Hà Nội trước khi chính thức tham dự Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế 2008. Khách sạn Kim Liên là một trong những khách sạn có mặt bằng rộng rãi nhất ở Hà Nội, rất tiện cho những sinh hoạt ngoài trời như đi thiền hành, tập khí công và thái cực quyền cho 450 người. Ban ghi danh liệt kê được 40 quốc gia trong số 380 thiền sinh, chưa tính Việt Nam vì ban tổ chức đã cố gắng tạo điều kiện để một số nhỏ Phật tử cư sĩ Hà Nội cũng được tham dự vào khoá tu mang nhiều tính cách lịch sử tại Hà Thành. Dưới đây là danh sách các quốc gia và số lượng thiền sinh đại diện:

Australia (Úc): 35 thiền sinh; Austria (Áo): 1; Bangladesh:1; Belgium (Bỉ): 4; Brazil (Ba Tây): 2; Bulgaria (Bun-ga-ri):1; Canada: 24; Chile (Chi-Lê): 1; China (Trung Quốc): 1 Danmark (Đan Mạch): 1; France (Pháp): 23; Germany (Đức): 25; Greece (Hy Lạp): 1; Hong Kong: 14; Iceland: 1; India (Ấn Độ): 1; Indonesia: 7; Ireland (Ái Nhĩ Lan): 3; Israel (Do Thái): 3; Italy (Ý): 2; Japan (Nhật): 1; South Korea (Nam Hàn): 1; Malaysia: 5; Mexico (Mễ Tây Cơ): 1; Nederlands (Hà Lan): 7; New Zealand (Tân Tây Lan): 1; Norway: 3; Peru: 1; Qatar:1; Russia (Nga): 3; Singapour: 6; South Africa (Nam Phi):1; Spain (Tây Ban Nha):3; Sweden (Thuỵ Điển): 4; Switzerland (Thuỵ Sĩ): 8; Taiwan (Đaì Loan):3; Thailand (Thái Lan): 17; Tonga: 1; United Kingdom (Anh): 24; USA (Mỹ): 136; Venezuela: 1; Vietnam: 8.

Vừa ghi danh xong thì các vị thiền sinh Tây phương được mặc chiếc áo tràng màu lam của người Phật tử cư sĩ Việt Nam nên khi di chuyển, dáng đi của họ thật khoan thai và từ tốn. Trong số 380 vị thiền sinh Tây phương, gần phân nửa đã từng tiếp xúc và thực tập với những pháp môn Làng Mai nên ngay trong những ngày đầu của khoá tu, năng lượng tu tập thật tinh chuyên và hùng hậu. Nhân viên của khách sạn Kim Liên rất ngạc nhiên khi thấy một số đông khách Tây phương như thế nhưng không khí thật yên tĩnh và trang nghiêm, nhất là trong các bửa cơm im lặng hoặc khi tăng thân đi thiền hành trên các lối đi của khách sạn. Và chỉ vài ngày sau thì các anh chị nhân viên khách sạn từ đội phục vụ nhà hàng đến các đội làm vệ sinh phòng ốc cũng tò mò học thực tập thiền đi, thiền ngồi, tập ăn nói nhỏ nhẹ hầu giúp duy trì bầu không khí trang nghiêm nhưng thân mật của các buổi sinh hoạt trong khoá tu.

Vào ngày 06/05/2008, Thầy giảng bằng tiếng Anh về tương quan giữa 51 tâm hành trong Duy Biểu Học và Đạo Phật Dấn Thân (DPDT). Các pháp bao gồm ba lãnh vực: vật lý, sinh lý và tâm lý. Về tâm lý, các tâm hành được chia ra làm ba loại: các tâm hành tích cực (niềm vui, lòng từ bi, tình yêu, hạnh phúc,…), các tâm hành tiêu cực ( buồn, giận, ghét, khổ, u mê, đam mê, ganh tỵ,…) và các tâm hành trung hòa (đứng giữa, có thể trở thành tích cực hoặc tiêu cực như ý tưởng phát khởi). Các tâm hành hay các pháp đều là vô thường, có biểu hiện hoặc thôi biểu hiện, tùy theo điều kiện cho phép. Các hạt giống hay chủng tử được ta tưới tẩm từ trước, sẽ có cơ hội đi từ tàng thức trồi lên ý thức. Nếu ta thực tập chánh niệm hàng ngày và thực tập tinh chuyên thì chánh niệm sẽ phát sinh năng lượng đủ để ôm ấp những tâm hành tiêu cực như cơn giận hoặc lòng ganh tỵ. Ôm ấp như người mẹ ôm ấp con thơ. Không có kẻ thù phải tiêu diệt. Không cần phải chiến đấu để loại bỏ. Phiền não tức Bồ đề. Đạo Phật chủ trương bất nhị, không có hai. Mình không kỳ thị cái xấu ác vì tốt hay xấu cũng là mình. Chỉ cần nhận diện, cần nhìn sâu, tìm hiểu cội nguồn rồi ôm ấp và chuyển hóa. Với chánh niệm, mình có thể thực tập bất cứ ở đâu, vào mỗi giây phút trong cuộc sống của mình chứ không đợi vào thiền đường mới thưc tập.

Cũng tương tự như thế, Đạo Phật Dấn Thân không có nghĩa đối đầu với bất công xã hội, mà là đáp ứng những đòi hỏi của thân, tâm và môi trường sống. Thầy có kể lại vào năm 1949, lúc Thầy mới được truyền đăng giáo thọ, Thầy đã giúp xây dựng chùa Ấn Quang cùng với Thầy Thích Trí Hữu. Lúc đó tên chùa còn là chùa Ứng Quang. Đất nước chia đôi vào năm 1954, một triệu người di cư vào Nam tìm tự do. Được sự hỗ trợ của người Mỹ, Ông Ngô Đình Diệm, người theo đạo Công giáo trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam Cọng Hòa. Ông đã từng lập ra thuyết Nhân-vị. Ông Vũ ngọc Các, chủ nhiệm của tờ báo Dân Chủ, có yêu cầu Thầy viết về phương hướng cần có cho một đất nước đang rối bời, Thầy có viết 10 bài dưới cái tựa Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới. Quần chúng Việt Nam thời bấy giờ đang khao khát, chờ đợi tiếng nói chính thức cùng là sự đóng góp của khối Phật giáo, chiếm đại đa số trong cộng đồng dân tộc. Thầy Trí Quang đi mua báo mỗi ngày để đọc loạt bài đó.

Tại Huế, Thầy Thích Đức Tâm, chủ bút của tạp chí Hoa Sen, chùa Cồn Hến, yêu cầu Thầy viết 10 bài về Đạo Phật Ngày Nay (Buddhism of Today). Ông Lê văn Hảo ở Paris có dịch sang tiếng Pháp và in thành sách dưới tựa đề “Aujourd’hui le Buddhism”. Qua năm 1963, một năm nhiều biến cố phức tạp, Thầy cho ra đời cuốn sách Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời (Engaged Buddhism) hay nói theo Trung Hoa là Nhân Gian Phật Giáo. Sau đó, Thầy viết cuốn Đạo Phật Hiện Đại Hóa, rồi Đạo Phật Ngày Mai (Buddhism of Tomorrow).

Trong phần hai của bài pháp thoại, Thầy giảng về Tứ Diệu Đế dưới cái nhìn mới cho phù hợp với thế kỷ 21, và Thầy giảng về Năm Giới, chìa khóa của cuộc sống có hạnh phúc. Thầy nhấn mạnh Đạo Phật Dấn Thân cần phải đáp ứng được luôn luôn với mọi thống khổ và mọi phiền não của mọi loài chúng sinh.

Trong bài pháp thoại của ngày 07/05/2008 Thầy tiếp tục giảng về lịch sử và sự liên hệ của Đạo Phật Dấn Thân và Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm. Đạo Phật, không phải là một tôn giáo yếm thế như phần đông ngộ nhận, mà trái lại, là một đạo của lạc quan yêu đời, đạo của tình thương, của hạnh phúc và giác ngộ. Khi nói tới giác ngộ, người ta phải nói giác ngộ về cái gì đó. Biết mình đang sống là giác ngộ. Biết mình đang có hạnh phúc là giác ngộ. Biết mình đang vui là giác ngộ. Tỉnh thức là giác ngộ. Khinh an là giác ngộ. Nhà văn Pháp André Gide đã từng phát biểu: Dieu est bonheur, God is happiness. Chánh niệm là một trong tám yếu tố của Bát Chánh Đạo. Có chánh niệm là có giác ngộ. Thầy cho đại chúng thực tập hơi thở như sau:

mỗi bước chân là sự sống
mỗi bước chân là phép lạ
mỗi bước chân là trị liệu
mỗi bước chân là thảnh thơi

Qua Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm, chúng ta thấy rõ đạo Phật là đạo lạc quan, đạo của hạnh phúc. Sự thật thứ nhất: ill-being. Đời là bể khổ. Nào là căng thẳng tinh thần, xung khắc, căm thù, giận ghét, bạo động, chiến tranh, bế tắc truyền thông, hiểu lầm, vọng tưởng,…

Sự thật thứ hai: the path leading to ill-being. Nguyên nhân của khổ đau chính là tham lam, ham muốn tiền tài, danh vọng, xì ke, ma tuý, đọc sách hay xem phim bạo động, tưới tẩm hạt giống xấu,…

Sự thật thứ ba: well-being. Chấm dứt khổ đau, thay thế bằng thư giản, lòng từ bi, hòa giải, tuệ giác, nhìn sâu hiểu thấu,... Sự thật thứ tư: the path of well-being. Chấm dứt lòng tham lam, đọc sách, xem phim lành mạnh, tưới tẩm lòng từ bi, tưói hạt giống tốt, thực tập chánh niệm, thực tập hiểu và thương,…

Chấm dứt cái ác thì cái thiện hiển lộ. Chấm dứt bạo động, căm thù, thì tình thương hiện diện. Chấm dứt bóng tối thì ánh sáng tràn lan. Chấm dứt vọng tưởng thì tuệ giác hiện về. Chấm dứt lăng xăng thì có chánh niệm. Tóm lại, chấm dứt khổ đau thì hạnh phúc có mặt. Cho nên mình có thể nói không ngần ngại: đạo Phật là đạo của tình thương, của lạc quan.

Đạo Phật Dấn Thân có sứ mạng đem an lạc lại bằng cách tháo gở những căng thẳng, những u mê, những vọng tưởng của chính ta và của mọi người. Xã hội loài người trải qua 3 giai đoạn: bộ lạc (tribes, đa thần quyền, polytheism), quân chủ (kingdom, monotheism) và dân chủ (interbeing, tương quan trách nhiệm: tiếp hiện).

Từ năm 1960 đến 1964, Thầy đã bắt đầu thiết lập dòng tu tiếp hiện, để thích ứng với tình trạng xung khắc ý thức hệ giữa các phe lâm chiến: người ta nhân danh các chủ nghĩa ngoại lai từ Nga, Tàu và Mỹ để đánh chửi nhau và mang các vũ khí tối tân từ bên ngoài để chém giết nhau dã man nhân danh tổ quốc, nhân danh dân tộc. Giới thứ nhất trong 14 giới tiếp hiện là: Ý thức được khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo; những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.

Thầy nhấn mạnh chánh kiến là không bị kẹt vào bất kỳ một quan điểm nào (Right view is the absence of all views). Thầy kể câu chuyện của một người thương gia trong lúc vắng nhà thì nhà ông bị cháy ban đêm. Nghe tin dữ, ông vội vã về sáng hôm sau để tìm đứa con trai thân yêu của ông bị kẹt bên trong. Ông vô cùng thất vọng. Nhà của ông bấy giờ chỉ là một đống tro khổng lồ! Ông tìm hốt nắm tro xương cốt của con ông ngay chỗ giường nằm của nó và bỏ vào một cái hủ, đi đâu lúc nào cũng mang theo. Ông yên chí là con ông đã chết. Ba ngày sau, sau khi sửa lại nhà để ở tạm, vào nửa đêm, ông nghe tiếng gỏ cửa, giọng của một đứa bé: “Ba ơi! mở cửa cho con, Ba ơi!” Ông trả lời: “Con tao đã chết rồi! Mày đừng nhát ma tao! Đi đi!” Và ông ta không còn cơ hội để gặp lại đứa con thương yêu nữa. Năm 1964, Thầy thành lập Trường Thanh Niên Phụng sự Xã hội để giúp người dân nạn nhân của chiến tranh. Lúc đó, chiến tranh đang khốc liệt, không một tăng sĩ nào có thể ngồi yên để tu hành, để gỏ mõ tụng kinh, mặc cho thế sự đảo điên. Trường thu hút khoảng trên 10.000 người trẻ, giúp dân làng qua bốn lãnh vực: dạy học, chăm sóc sức khỏe, kinh tế và canh nông. Năm 1965, Thầy cho ra đời cuốn sách Hoa Sen Trong Biển Lửa để nói lên sự tàn khốc và phi lý của cuộc chiến được áp đặt lên dân tộc Việt Nam,

Bồ Tát Thích Quảng Đức và một số tăng ni đã tự thiêu đễ được nói những lời không ai cho phép nói! Chính vì sự vô lý và độc ác của chiến tranh mà dòng tu Tiếp Hiện với giới thứ nhất như trên được ra đời.

Để kết luận Thầy cho biết Đạo Phật Dấn Thân sẽ đi xa hơn nữa với sự thành lập của Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu tại Đức quốc (European Institute of Applied Budhism).

Dưới đây là một số hình ảnh của khóa tu.


Thiền hành trong khuôn viên khóa tu


Nhóm Pháp đàm (chia sẻ hoa trái, kinh nghiệm thực chứng) 1


5 Lời quán niệm trước khi ăn (bằng tiếng Anh) nhằm đánh thức chánh niệm cho từng thiền sinh


Nhóm Pháp đàm (chia sẻ hoa trái, kinh nghiệm thực chứng) 2


Nghe Pháp thoại 1


380 thiền sinh ngoại quốc hiện diện cho 40 quốc tịch khác nhau từ khắp 5 châu, cùng 70 vị thiền sinh xuất gia và tại gia của Làng Mai, tổng cộng là 450 vị cùng tu học miên mật trong 7 ngày đêm liên tục.

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

 THEO DẤU THIỀN SƯ IV từ tháng 6/2007 đến tháng 5/2008
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>> 3. Hà nội - Ninh Bình - Vĩnh Phúc - Hokong - Thái Lan
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  2. THỪA THIÊN - HUẾ,   ĐÀ NẴNG,  NHA TRANG
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  1. SÀI GÒN,   LÂM ĐỒNG,   BÀ RỊA - VŨNG TÀU

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHUYÊN MỤC :

PHẬT SỰ

VU LAN 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.