.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

 TRanG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 


Trò chuyện về sự kiện Bát Nhã

  • PSN - 20.09.2009 | Phương Thảo

Bài “phỏng vấn ngắn” dưới đây bắt nguồn từ mong muốn tìm hiểu rõ hơn sự kiện Bát Nhã. Bên cạnh những thông tin đọc được từ internet, tôi may mắn có một người cô ở Sài Gòn từng đến Bát Nhã tu học, và vẫn đang theo dõi sát sao những biến động ở đó. Xin được ghi lại cuộc hỏi đáp này để gửi đến bạn đọc trên tinh thần chia sẻ và xây dựng. 

*** 

Thưa cô, gần đây con có thăm dò suy nghĩ của một số người quen về vấn đề Bát Nhã. Trong những người con đặt câu hỏi có một vị thầy trẻ ở Việt Nam. Theo quan điểm của thầy, Bát Nhã là một vấn đề chính trị, là chuyện giữa nhà nước và thầy Nhất Hạnh, mà những vấn đề chính trị thì luôn có những khúc mắc bên trong, do đó chỉ cần hai bên tìm cách giải quyết cho êm đẹp là được. Cô nhận định như thế nào về ý kiến này?

Chào con, cô hiểu vì sao vị thầy con quen nói như vậy. Theo cô biết, một trong những vấn đề cơ bản là nhà nước muốn Làng Mai phải xin gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên dàn xếp êm đẹp có thể hiểu là phía Làng Mai đồng ý với đề nghị đó. Nhưng như ai cũng thấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chịu sự quản lý từ nhà nước nhiều quá. Và nhà nước lại có khuynh hướng biến Phật giáo thành một tôn giáo chỉ biết phụng thờ. Làm như vậy thì thật phí phạm tinh hoa của Phật giáo, nên thầy Nhất Hạnh không chịu, và thầy đã chọn con đường trở về Việt Nam theo cách riêng. Không ngờ người ta lại đối xử với thầy như vậy.

Vấn đề thứ hai là khi thầy Nhất Hạnh trở về Việt Nam năm 2007, thầy có nói rằng trong Giáo hội cũng xảy ra tham nhũng và tham quyền như trong chính quyền, khiến hai đối tượng này tự ái. Và khi thầy đưa đề nghị mười điểm cho chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong đó yêu cầu giải thể Ban tôn giáo chính phủ, tách tôn giáo ra khỏi chính trị, thì ông thứ ba này cũng tự ái nốt. Sự kiện Bát Nhã là kết quả của ba cái tự ái đó, cộng thêm những cố vấn từ ông hàng xóm “Ba Tàu” “tốt bụng” nữa.

Có người nghĩ rằng việc thầy Nhất Hạnh đưa ra những kiến nghị làm phật lòng nhà nước là chưa hợp thời cơ, chưa chín muồi, đã góp phần khiến sự kiện Bát Nhã xảy ra ngày hôm nay. Cô nghĩ sao?

Cô cho rằng mọi việc là do nhân duyên, nên nó đã thế nào thì tức là nó phải như thế. Mọi điều kiện để cấu thành nó đã hội đủ thì nó sẽ xuất hiện.

Vừa rồi có một vài cuộc tranh luận về việc những trí thức có tên tuổi nên lên tiếng hay nên im lặng trước những vấn đề thời sự của đất nước. Nói hay im lặng là một sự chọn lựa, mà cô tin rằng với một người có tâm thì hai lựa chọn này đều khó khăn như nhau. Nhưng chung qui lại, điều quan trọng nhất là thấy được sự tương trợ và bổ túc lẫn nhau của hai chọn lựa có vẻ như đối nghịch trên.

Nhân cô đề cập, con muốn biết suy nghĩ của cô về việc phần lớn những trí thức Phật giáo nổi tiếng như Cao Huy Thuần, Thái Kim Lan, Nguyễn Tường Bách, Trịnh Xuân Thuận... hình như vẫn đang im lặng trước sự kiện Bát Nhã.

Việc lên tiếng của các trí thức, đặc biệt là trí thức Phật giáo vì họ gần gũi hơn trong ngữ cảnh văn hóa, theo cô là nên. Tuy nhiên trí thức, nếu chọn lên tiếng, thường chỉ nói về cái gì mà mình biết chắc thôi, và phải nói làm sao cho thấu tình đạt lý. Nguồn gốc sự kiện Bát Nhã đối với người ở trong hay ngoài nước vẫn mang nhiều phỏng đoán hơn là sự thật. Có thể đó là lý do khiến họ vẫn chưa lên tiếng chăng?

Có chi tiết nào chắc chắn trong câu chuyện Bát Nhã không cô?

Có hai điều cô thấy chắc chắn. Một là sự can thiệp của chính quyền. Và can thiệp bằng cách cản trở việc tu tập của các tăng ni sinh cũng như không cho những người muốn tu học theo pháp môn Làng Mai đến Bát Nhã tu tập nhưng lại dung túng để những chuyện bạo động xảy ra như vậy theo cô thấy là không xứng đáng và rõ ràng không đem lại lợi ích cho đất nước.

Hai là cách ứng xử “ngồi yên như núi” của các sư cô sư chú. Nếu con có mặt ở Bát Nhã để chứng kiến không khí biểu tình ở đó thì con sẽ hiểu để làm được như vậy không đơn giản. Cô có hỏi một sư cô trên Bát Nhã rằng nếu các phần tử bị kích động gây nguy hiểm đến tính mạng thì sư cô tính sao. Sư cô đáp: “Nếu vậy thì mình phải trả nghiệp, chỉ thương cho người kia tạo nghiệp. Con nghĩ cái chết đó sẽ thức tỉnh xã hội”.

Có thể nói thái độ hòa ái, bình thản từ đầu đến cuối của tăng thân, không một chút sân hận ngay đối với những người trực tiếp gây khó khăn cho họ, là sự tiếp nối rõ rệt nhất tinh thần hộ pháp của bồ tát Thích Quảng Đức.

Có nhiều thông tin khác nhau về những người đến khủng bố tu viện, cô có biết họ được thuê mướn hay vì nghe lời người khác mà làm như vậy?

Theo cô thì cả hai cách hiểu đều đúng. Họ là những người đã được thầy Đức Nghi giúp đỡ, coi thầy như ân nhân, nên đây là một dịp để trả ơn. Họ đã hành động như trong dân gian vẫn thường gọi là “theo đạo có gạo mà ăn”. Như thế mới thấy “cho gạo” còn phải cho kèm sự sáng suốt.

Bên cạnh hành vi trả ơn, họ bị kích động dẫn đến bạo động. Hôm chứng kiến họ biểu tình ở Bát Nhã cô đã thấy một cuộc Xô Viết Nghệ Tĩnh thu nhỏ.

Phần lớn họ là những người Phật tử, mà truyền thống Phật giáo luôn luôn đề cao tinh thần bất bạo động, sao họ lại…

Họ là Phật tử, và họ hiểu đạo Phật như thế đấy. Qua đây cũng thấy phần nào vai trò của Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua. Theo cô Phật giáo Việt Nam mới thể hiện được phần nào tính tín ngưỡng, còn chưa thể hiện được bao nhiêu tính khoa học của Phật pháp. Mà tín ngưỡng trong đạo Phật phải là sự kết hợp của cả hai đặc tính trên thì mới là tín ngưỡng thực sự. Vì vậy theo cô Phật giáo Việt Nam chưa đem đến cho Phật tử niềm tin thực sự vào Phật pháp. Con đọc bài viết “Lá thư sám hối” của một người ở Bảo Lộc gửi lên mạng sẽ thấy.

“Lá thư sám hối” con có đọc rồi. Nhưng về sự xác tín của lá thư đó thì con hơi nghi vấn. Người viết bảo rằng không biết gì về internet nhưng lại biết nhờ người khác gửi cho đúng trang Phù Sa. Liệu có thể có sự ngụy tạo gì ở đây không?

Về các sự kiện “quả báo” mới xảy ra ở Bảo Lộc thì cô không ngạc nhiên. Điều này không có gì bí hiểm cả. Đây cũng là tính khoa học của đạo Phật. Tất cả những người sống trong bạo động, kể cả bạo động vì mục đích mà họ cho là cao cả (như các cuộc cách mạng to nhỏ trên thế giới từ trước đến nay) đều mang trong tâm trí họ các nhân tố (hay chủng tử - theo cách nói của nhà Phật) hủy diệt. Khi tham gia bạo động thì nhân tố này bị kích hoạt và nó tác động ra mọi khuynh hướng trong cuộc sống của người đó.

Việc một người dân nghèo trước nay chưa biết đến mạng mà có thể gửi email cho trang Phù Sa cũng không có gì lạ. Ở Việt Nam hiện nay, một bà già 90 tuổi nếu cần liên hệ với người ở nước ngoài chỉ cần ra tiệm internet nhờ, người coi tiệm sẽ chỉ vẽ rất tận tình. Ở Bảo Lộc việc sử dụng internet là rất bình thường, mặc dù cách đó 20km thì vẫn còn lạc hậu lắm. Khi người ta quá lo sợ vì quả báo thì người ta sẽ có động lực tìm mọi cách để giảm nhẹ.

Hơn 10 năm nay chương trình “Hiểu và Thương” của Làng Mai đã tạo được tình cảm của dân Bảo Lộc. Cô cũng đã tham dự cùng các anh chị Tiếp Hiện nên cô biết. Sắp tới đây những Phật tử bị kích động bởi phía thầy Đức Nghi sẽ giảm hẳn, và chỉ còn những người được thuê làm bậy thôi. Nhưng thói đời kẻ được thuê thường tàn bạo, nên các sư cô sư chú ở Bát Nhã sẽ còn phải chịu đựng một thời gian nữa. Bao lâu thì còn phụ thuộc vào các sự kiện của đất nước.

Vì lý do gì tăng thân ở Bát Nhã không đồng ý giải tán và mỗi người trở về địa phương của mình tu học, mà lại yêu cầu Giáo hội xem xét tìm một chỗ mới, để họ được ở cùng và tu học với nhau?

Vì đặc điểm của pháp môn này là “Đi như một dòng sông”. Họ quan niệm rằng đi riêng rẽ thì sẽ “bốc hơi”. Khái niệm tăng thân hay tăng đoàn có từ thời Đức Phật, và đã được Làng Mai rất chú trọng. Cô tán thành đặc điểm này. Nếu con để ý thì dù đi hoằng pháp ở đâu họ cũng đi với nhau như một phái đoàn. Cả thế giới Phật giáo biết đặc điểm này của họ. Cô cũng chỉ mới biết điều này gần đây.

Có một câu trong lá thư “Ngồi Yên Như Núi” của thầy Nhất Hạnh mà con rất tâm đắc: “Pháp môn căn bản của mình là đừng để tan vỡ tình huynh đệ và phải chuẩn bị để một ngày mai có thể có sự hàn gắn dễ dàng.” Con xin cô chia sẻ suy nghĩ về tương lai của Bát Nhã nói riêng và của Phật giáo Việt Nam nói chung, liệu những người anh em trong gia đình Phật giáo Việt Nam có thể tự hàn gắn với nhau, hay điều đó vẫn còn “phụ thuộc vào các sự kiện của đất nước”?

Cô cũng tâm đắc câu này nhất trong thư của thầy Nhất Hạnh gửi học trò. Cô vẫn nhớ rõ cảm giác lúc đọc câu đó và nó lập tức thấm vào người như thế nào. Có cái gì đó lóe lên. Cô hiểu vì sao nó tác động đến mình như vậy. Vì câu nói tràn đầy Từ bi và Trí tuệ. Lại thêm một sự kiện nữa trên con đường tìm hiểu khiến cô khâm phục thầy.

Tương lai của Bát Nhã và Phật giáo Việt Nam tất nhiên có phụ thuộc vào các sự kiện của đất nước do tính tương tức của các pháp. Nhưng trong suy nghĩ của cô nó phụ thuộc nhất vào cách mà Phật giáo Việt Nam ứng dụng tính khoa học của Phật pháp vào xã hội. Theo quan sát của cô thì hiện nay pháp môn Làng Mai đang đi theo hướng này và đấy cũng là nguyên nhân thu hút được giới trẻ. Cô nghĩ trước sau gì Phật giáo Việt Nam cũng phải đi theo hướng này, chỉ có lâu hay mau thôi. Lâu thì có thể vài trăm năm, mau thì vài ba chục năm. Các vị đứng đầu chính quyền và Giáo hội nhìn nhận được sớm (tính khoa học của Phật giáo) thì có thể chỉ cần 5 hay 10 năm.

Cô nói “Phật giáo Việt Nam” là có ý bao hàm tất cả các giáo phái Phật giáo trong cũng như ngoài nước, tất cả những người Việt Nam muốn cho tinh hoa của Đức Phật thực sự giúp ích cho đời. Theo cô, “những người anh em trong gia đình Phật giáo Việt Nam có thể tự hàn gắn với nhau” sẽ là hiện thực vì tình huynh đệ chính là phép thử của việc tu hành. Quan sát cách một vị tu hành cư xử với người đồng tu (và với con người nói chung) có thể biết mức độ tu tập của người đó. Tương lai của Phật giáo cũng phụ thuộc vào “sự hàn gắn” này và ngược lại nên cũng cần phải có thời gian như đã nói.

Con xin cám ơn cô đã trả lời những câu hỏi của con.


Phương Thảo thực hiện


PHÁP NẠN CHÙA Bát Nhã II rất mong đón nhận ở các bạn những: thư từ, ý kiến, nhận định, tường thuật, hình ảnh, âm thanh... Mỗi tiếng nói là một viên gạch xây nền công lý nước nhà, và nhất là góp phần quyết định cho sự sinh tồn của Tu viện Bát Nhã. Hãy gửi thư về chúng tôi qua địa chỉ: phusaonline@gmail.com Trân trọng cám ơn các bạn!


Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC

PHẬT SỰ

PHÁP ĐÀM

VU Lan 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN= | GỬI BÀI | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.