.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                   TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 


Song Chi: Chúng ta thấy gì
qua sự kiện pháp nạn Bát Nhã?

  • PSN - 6.10.2009 | Song Chi

Sự kiện 400 tăng ni tu sĩ trẻ tuổi Làng Mai tại Tu Viện Bát Nhã, Lâm Đồng bị đàn áp, khủng bố nặng nề vào những ngày cuối tháng 9.2009 vừa qua và hiện vẫn đang bị xách nhiễu, đe doạ cưỡng bức trục xuất tại chùa Phước Huệ, Bảo Lộc đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Chúng ta có thể thấy gì qua sự kiện “chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam” này?

1. So sánh sự việc xảy ra với các môn đồ của thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày hôm nay và thái độ tiếp đón vị thiền sư này của Nhà nước trong những chuyến trở về Việt Nam trước đây không xa, người ta có thể thấy sự bất nhất trong đường lối chủ trương chính sách đối với cá nhân thiền sư Thích Nhất Hạnh nói riêng và tôn giáo nói chung của Đảng và Nhà nước CSVN. Sự bất nhất này cũng như hầu hết những sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của Đảng và Nhà nước CSVN trong đối nội cũng như đối ngoại từ xưa đến nay vốn dĩ là chuyện không có gì mới.  Người dân Việt Nam chẳng còn ngạc nhiên gì nữa, có chăng trong sự việc Làng Mai – Bát Nhã này nếu bản thân thiền sư Thích Nhất Hạnh hay bất cứ ai khác còn có chút hy vọng rằng ở Việt Nam vẫn có tự do tôn giáo hay vẫn có thể đối thoại, đóng góp ý kiến chân tình thậm chí hợp tác với nhà cầm quyền Việt Nam thì chắc rằng họ đã nhận ra được vấn đề.

2. Trước sự việc xảy ra, nhiều nhà trí thức, giới tu sĩ Việt Nam trong và ngoài nước đã lập tức gửi thư thỉnh nguyện đến những người có trách nhiệm cao nhất trong Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong lúc một số nhân vật trong chính giới của các nước cũng như một số tổ chức vể tự do tôn giáo, nhân quyền… cũng đã lên tiếng với chính quyền Việt Nam. Kịch bản xảy ra sẽ là: nhà cầm quyền Việt Nam, trước dư luận trong và ngoài nước sẽ có một vài hành động xoa dịu nào đó cho sự việc tạm êm đi nhưng sau đó họ vẫn tìm cách đạt được điều họ muốn, đó là các tu sĩ theo pháp môn Làng Mai phải giải tán và giáo hội Làng Mai không thể có ảnh hưởng tại Việt Nam. Nghĩa là ở Việt Nam không được phép tồn tại bất cứ hội đoàn nào trong bất cứ lĩnh vực gì, từ tổ chức phản biện khoa học cho đến tôn giáo nếu như hội đoàn hay tổ chức đó không nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Những sự lên tiếng của những người dân có lòng với tình trạng chính trị xã hội và vận mệnh của đất nước, của dân tộc, chỉ giúp cho chính quyền khéo léo điểu chỉnh một vài “tiểu tiết” trong cách hành xử với người dân, để càng lại tinh vi hơn, mưu mô hơn trong khi đối phó với chính nhân dân  của họ và với dư luận thế giới. Còn thực tế thì Đảng và Nhà nước CSVN từ trước đến nay vẫn thế, chỉ thay đổi biện pháp hành xử tạm thời chứ không bao giờ thay đổi về bản chất.

3. Tiếp theo hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do dân chủ, nhân quyền như bắt bớ các nhà báo, blogger yêu nước, các nhà hoạt động dân chủ theo đường lối ôn hoà, bất bạo động,  và sự vi phạm thô bạo quyền tự do tín ngưỡng con người sau những cuộc đụng độ liên tiếp với giáo dân mà điển hình là vụ Tam Toà mới đây, bậy giờ là vụ Bát Nhã, nhiều người không khỏi tự hỏi thật ra đằng sau tất cả những chuyện này là gì. Bởi vì trong cách hành xử có thể nói là thiếu tỉnh táo, thiếu khôn ngoan của chính quyền giữa lúc lẽ ra cần phải tranh thủ lòng dân, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới trong tình hình căng thẳng xung quanh những vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Phải chăng cũng giống như những vụ bắt bớ các nhà báo và blogger, vụ Bát Nhã cũng có những lý do “nhạy cảm” phía sau và phải chăng có một thế lực ngoại bang đang điều khiển từ xa Đảng và Nhà nước CSVN khiến cho họ trở nên mù quáng và đối xử với nhân dân mình như vậy? Đi theo sự điều khiển này cộng với nỗi sợ hãi lớn nhất là phải bảo vệ chế độ, bảo vệ vị trí độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản bằng mọi giá, những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước  Việt Nam đang tự cô lập chính quyền của họ với nhân dân và với cả nhân loại tiến bộ, yêu chuộng tự do dân chủ trên thế giới để càng ngày càng phải lệ thuộc vào thế lực ngoại bang này. Có nghĩa là đang càng ngày càng tự đẩy mình vào thế kẹt, thế bí, và cứ loay hoay tìm cách đối phó, chống đỡ, việc làm trước mâu thuẫn với việc sau, trong khi số phận đất nước ngày càng bi kịch và trên thế giới thì nhân loại tiếp tục bỏ xa chúng ta về phía trước!

4.10.2009


Phản hồi

13 phản hồi (bài “Song Chi – Chúng ta thấy gì qua sự kiện pháp nạn Bát Nhã?”)

  1. Lê Quốc Trinh nói:
    06/10/2009 lúc 7:48 chiều

Thân mến chào các bạn,

Tôi chân thành cám ơn những hồi âm của các bạn giải thích thêm sự việc TS Nhất Hạnh dùng bút danh Nguyễn Lang để nói chuyện với ông Nguyễn Minh Triết về v/d Bát Nhã (Bảo Lộc).

Mới đây tôi lại vừa đọc thêm một bài phỏng vấn của đài VOA (giới thiệu trên Talawas), ni cô Chân Không tuyên bố rằng Thầy Nhất Hạnh sẽ có một bước đi kế tiếp nếu sự vụ không được giải quyết một cách ôn hoà thoả đáng: có thể là một “vụ tự thiêu tập thể ngay trong chùa Phước Huệ” để phản đối thái độ hung tàn của nhà cầm quyền VN”? Căng lắm đây!

Những ai quan tâm theo dõi sát sự kiện từ sáu tháng qua kể từ khi Bauxite Tây Nguyên bùng nổ, chắc không bao giờ quên rằng dư luận toàn dân từ trong và ngoàì nước luôn luôn bức xúc về sự hiện diện của hơn 600 người Hoa thuộc diện lao động phổ thông, nhập cư trái phép, ăn dầm ở dề, xây nhà lầu chung cư, có kế hoạch lâu dài ở trên vùng Tây Nguyên. Quốc Hội VN đã từng bàn xãi căng thẳng và bà bộ trướng Bộ Lao Động Kim Ngân cứ tìm cách thoái thác không dứt khoát.

Nay trở về vấn đề Bát Nhã, chúng ta đặt vấn đề lên bàn cân, quan sát nhà cầm quyền VN với những hành động rất ư lúng túng và cư xử như một tập thể bát nháo vô tổ chức cho tôi cảm tưởng rằng vùng đất cao nguyên Trung phần đó có lẽ đã bị chính quyền VN bán hay cho người TQ thuê lại làm tô giới lâu dài. Có thể rất nhiều văn bản đã được ký kết giữa hai chính quyền (VN và TQ) một cách âm thầm lén lút từ lâu, và chỉ có một số ít bị đem ra bàn thảo công khai trong công luận (vào xem BauxiteVietNam.info). Nay chính quyền đương thời VN càng lúc càng bị sức ép chính trị mãnh liệt của TQ mà phải đi đến hình thức đối kháng trong dân chúng không có lợi gì cho thể diện VN.

TS Nhất Hạnh đã cảnh cáo trước với chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rằng vụ việc nên giải quyết êm thấm trong nội bộ người VN với nhau, chớ nên để người ngoài can thiệp, nên hiểu người ngoài đây ám chỉ thế lực ngoại bang. Trong khi hình ảnh thể diện quốc gia ngày càng bị tập đoàn lãnh đạo VN làm lu mờ, uy tín của họ bị mất dần trên chính trường quốc tế, thì lá thư ngỏ của TS Nhất Hạnh được xem như là một cái phao để cứu gỡ cho chính quyền. Đương nhiên đệ tử tín đồ theo tu tập môn phái Thiền Làng Mai ở Pháp và khắp nơi trên thế giới rất đông đảo, tập họp đủ mọi sắc dân, thế lực quốc tế của TS Nhất Hạnh không nhỏ đâu, chớ nên coi thường. Hiện giờ thì TQ cũng đang cố sức dùng sức mạnh đồng tiền và uy lực quân sự để cưỡng ép nhiều quốc gia trên thế giới tẩy chay hình thức đấu tranh bất bạo động của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, thì hình ảnh VN về v/d Bát Nhã cho thấy chính quyền VN đang lần đi theo vết xe TQ.

Rút tỉa bài học muôn thuở thời kỳ Pháp Nạn 1963 (CP VNCH Ngô Đình Diệm), tôi nghiệm thấy rằng TS Nhất Hạnh và tăng chúng Làng Mai đang cố gắng tự kiềm hãm, nhẫn nhục chịu đựng nhằm mục đích kêu gọi nhà cầm quyền VN nên đối thoại ôn hoà và giải quyết có tình có lý. Để cho vụ việc nổ bùng gay gắt lan rộng ra chính trường quốc tế là chuyện không hay tý nào, nên tránh tối đa.

Coi chừng thế cờ 1963 lại tái diễn và bị lật ngược đấy, Hoa Kỳ hết còn ảnh hưởng gì với VN, chỉ còn lại TQ mà thôi. Và chúng ta đừng nên quên những hình ảnh tàn bạo của một triệu người dân Cam Bốt bị thủ tiêu tàn sát dã man dưới thời Cộng Sản Nguyên Thuỷ Pol Pot. Nói thế để nhắc nhở chúng ta cũng nên dè chừng, mọi hành động phải luôn cân nhắc và kiềm chế. Chỉ có người dân một nước, một dân tộc, cùng một văn hoá, một ngôn ngữ mới yêu thương nhau mà thôi.

Mến chào,

Lê Quốc Trinh

  1. Lê Anh Dũng nói:
    06/10/2009 lúc 3:31 chiều

Mẫu số chung.

Có những thắc mắc về lý do tại sao thầy Nhất Hạnh lại lấy tên Nguyễn Lang trong 2 bức thư ngỏ gần đây, cùng một số bàn luận khác về 2 bức thư này. Tôi xin đóng góp một số suy nghĩ và lý giải.

Đức Giáo Hoàng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, thầy Nhất Hạnh cũng như nhiều tu sĩ khác có cách nhìn khác chúng ta, cư xử cũng khác, nhiều lúc rất khác.

Ông Obama không trình diện như một ứng viên da màu trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua. Trong cuộc tranh cãi về ngân sách và trước lời lên tiếng bất nhã của một dân biểu Cộng Hòa khiến cựu tổng thống Carter than phiền là do màu da, ông Obama cũng bác bỏ yếu tố màu da. Với vị trí “phi mầu da” này, ông Obama ở một vị trí tốt hơn, chung nhiều hơn riêng, kết hợp được nhiều hơn.

Một số nhận xét:
- Cả 2 lời kêu gọi của thầy Nhất Hạnh với tên Nguyễn Lang đều nhấn mạnh tới những giá trị phổ quát, không những của dân tộc mà của nhân loại “luân thường đạo lý”, “lý tưởng phụng sự, độ đời và giúp người”, “chuyển hóa khổ đau, nuôi dưỡng lý tưởng giúp người, đã tiếp nhận và thừa kế được tinh thần vị tha, bao dung, vô úy, không hận thù, không kỳ thị của nền văn minh tinh thần dân tộc”.

- Cuộc “Cách mạng chống Pháp” được nhắc tới vì 2 lý do: Là một mẫu số chung, dễ có đồng thuận hơn là nhắc tới cuộc chiến chống Mỹ vừa qua trong một thế giới lưỡng cực. Và cũng nhằm nhắc nhở chính quyền VN rằng nhận được ân thì phải báo ân, theo một logic bình thường, phổ quát.

- Nguyễn Lang (tức thầy Nhất Hạnh) nhắc tới Phật Giáo không phải như nhắc tới một yếu tố kết hợp, trái lại: “Lên tiếng bảo vệ cho họ không phải là quý liệt vị yểm trợ cho một tôn giáo là Phật giáo mà quý vị che chở cho những mầm non xanh tốt của tương lai không để bị dẫm nát bởi bạo hành” .

Những mẫu số chung này dễ gây đồng thuận từ người có tôn giáo cũng như vô thần, không gây phản cảm của “kẻ bên này”, “người bên kia”, người Việt Nam nào nghe cũng được. Một lời kêu gọi với nhiều mẫu số chung ắt hẳn phải nhạt và “tầm thường” hơn là một diễn văn hướng tới sự hùng biện, khích động, nảy lửa; nhưng có lẽ sẽ có âm hưởng lâu dài, thấm thiá và nhất là không xúc phạm, tổn thương, làm kẹt lối về của bất cứ ai.

Từ 1945 tới nay, người Cộng Sản Việt Nam tựa lưng vào 2 đầu tàu Trung Quốc, Liên Sô sẵn sàng xé tan những giềng mối cơ bản của người Việt như gia đình (con tố cha, mẹ, thoát ly gia đình…), tổ quốc; tận dụng nam, phụ, lão, ấu và sẵn sàng đốt cháy cả dãy Trường Sơn trong cuộc tương tàn với người anh em phiá Nam, đối đầu với bộ máy sắt thép của Mỹ. Tất cả những biện pháp quân sự, chiến tranh tâm lý có thể dùng, đều đã được dùng để đối phó với Bắc Việt Nam và đã thất bại.

Nhất Hạnh là người đầu tiên đã đi được thật xa, trên con đường tới với người Cộng sản Việt Nam, được tiếp kiến trân trọng, được cho phép để băng bó lại những vết thương và xây dựng con người. Điều mà trước ông, chưa có một đoàn thể, tôn giáo, cá nhân nào làm được với chính quyền VN. Ông làm được những điều lớn lao này với một tâm thức từ bi, “kẻ thù ta đầu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai” (thơ Nhất Hạnh, Phạm Duy phổ nhạc trong Tâm ca), bằng những cử chỉ và hành động trầm tĩnh, tránh những xao động của thời sự; đây là phong thái nhất quán của ông từ 30 năm nay. Đối với bộ máy cầm quyền tại Việt Nam và 3.1 triệu đảng viên, không ai minh danh chịu trách nhiệm về những sai trái, và cũng bất cần tới thể diện, đúng sai, hậu qủa, Nhất Hạnh chỉ có một tăng đoàn nhỏ và một cái tên, cùng trí tuệ và lòng từ. Việc Nhất Hạnh thật dè dặt, thận trọng ngay cả trong chuyện dùng tên gì, là chuyện hợp lý, khôn ngoan. Nếu ông hành xử như chúng ta hành xử thì ông không là Nhất Hạnh, và không bao giờ tăng đoàn Làng Mai có mặt tại Việt Nam như hôm nay.

Phá huỷ công trình của Nhất Hạnh, của tăng đoàn Làng Mai thì không biết bao giờ mới có lại ở Việt Nam một cá nhân và một tập thể với tôn chỉ “hiểu và thương” bất hại có thể làm việc tương tự. Xây dựng sự hiểu biết, từ bi là việc vô cùng cần thiết, vô cùng cấp bách trong một xã hội Việt Nam tích lũy đầy dẫy những bất công, bạo ngược, mâu thuẫn và tức giận chỉ chực bùng nổ. Tương lai sẽ rất nguy khốn cho kẻ cầm quyền cỡi trên những ngọn sóng giận dữ của cả dân tộc.

Cũng cần ghi nhận, tri ân sự ý thức, đóng góp của những người Việt Nam yêu nước, và cũng là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam đã giúp đỡ thầy Nhất Hạnh trong công việc chuyển hóa khổ đau, nuôi dưỡng lý tưởng giúp người, tiếp nhận và thừa kế tinh thần vị tha, bao dung, vô úy, không hận thù, không kỳ thị của nền văn minh tinh thần dân tộc.

Cầu xin tổ tiên phù hộ cho qúi liệt vị tìm được giải pháp tốt đẹp, khôn khéo.

  1. Hoàng Trường Sai:
    06/10/2009 lúc 2:39 chiều

Theo tác giả John Ruwitch trên Reuters Blogs, viết trong bài Đuổi tăng ni Bát Nhã, chuyện vậy mà không phải vậy , thì lý do việc ĐCSVN “trừng phạt” các tăng ni tu sĩ thuộc nhóm Làng Mai – Bát Nhã là như sau :

“Luận cứ chính thức của nhà nước đã cho rằng nhóm Phật tử địa phương muốn đệ tử của (thiền sư) Thích Nhất Hạnh ra khỏi thiền viện và nhà nước hoàn toàn vô can. Được hỏi về sự việc, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao, Nguyễn Phương Nga nói trong một bản tuyên bố đó là “vấn đề nội bộ giữa hai nhóm Phật tử tại Bát Nhã thiền viện. Sự tranh chấp không có bạo động, không có ai bị thương tích hay bị bắt giữ cả.”

Nhưng môn đồ Làng Mai của (sư ông) Thích Nhất Hạnh cho rằng công an đã tham dự vào việc trục xuất tăng ni. Nhóm đệ tử của (thiền sư) Thích Nhất Hạnh đã lấy được một tài liệu, của chính phủ từ tháng trước và cho Reuteurs xem, cho thấy nhóm tăng thân Làng Mai (ở Bát Nhã) đã không được nhà nước (CHXHCNVN) hay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam công nhận và đã tu học tại viện Bát Nhã bất hợp pháp. Nguyên nhân của vấn đề có thể ít nhất liên quan tới chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2007 của (thiền sư) Thích Nhất Hạnh. Trong chuyến đi Việt Nam lần đó, sư ông đã nói với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rằng nhà nước nên giải tán Ban Tôn giáo chính phủ, cơ quan quy định những sinh hoạt tôn giáo.

Và đến 2008, niên giám của Làng Mai đề xuất với nhà nước (Hà Nội) nên lấy chữ “Cộng sản” ra khỏi tên của chính đảng đương cầm quyền và lấy chữ “Xã hội Chủ nghĩa” ra khỏi tên chính thức của nước, “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (thành Republic of Vietnam, hay Việt Nam Cộng hoà – DCVOnline).

Theo như một văn bản của Làng Mai thuật lại, những đề nghị, nhận định đó dù được đề xuất với ước muốn có lợi cho đất nước nhưng không được nhóm công an tôn giáo chấp nhận và từ đó trở đi (thiền sư) Thích Nhất Hạnh và môn sinh đã bị “cắt đứt giây chuông”.”

  1. Tôn Văn nói:
    06/10/2009 lúc 8:54 sáng

Thưa anh Lê Quốc Trinh,

tôi đã đắn đo rất nhiều khi viết những dòng sau đây để trao đổi cùng anh trong tinh thần một Phật tử. Do hiện tại không có đủ những tài liệu tra cứu cấn thiết, xin được trình bày một cách đại lược.

- Pháp nạn Bát Nhã đặt ra những điều suy nghĩ không chỉ cho mỗi Phật tử mà còn cho mọi người Việt Nam trước cách hành xử hung bạo vô văn hóa của các thế lực đang lộng hành ở Việt Nam đối với những người đồng bào và tín giáo. Những thắc mắc đầy bức xúc của anh là logic và chính đáng; nhưng nếu bình tĩnh chúng ta có thể tự lý giải.

- Về việc đánh giá Làng Mai là „một tổ chức tôn giáo có quy củ, quy luật nghiêm nhặt“ rồi nêu câu hỏi „Thiền viện Bát Nhã có người đại diện chính thức không?…“ – Có lẽ cũng không thực sự nghiêm trọng. Trong ba tạng kinh nhà Phật thì „luật“ có từ thời Đức Phật và được các đại sư đời sau diễn giải cụ thể thành „giới“; tùy thuộc mức tu hành. Có 5 giới cho phật tử, 250 giới (13 giới trọng) cho Tỳ-kheo nam, 348 giới (17 giới trọng) cho Tỳ-kheo nữ. Nền tảng „quy củ“ là từ đó mà ra, còn có „nghiêm nhặt“ hay không là do thày chủ của từng môn phái. Thời gian tu hành của các hành giả được tính bằng „tuổi hạ“ tức là sau mỗi kỳ tu tập trong một mùa hạ của một năm thì hành giả được tính thêm 1 tuổi. Tuổi hạ quyết định vai trò và tiếng nói của nguời tu trong chúng tăng. Vậy chữ „người đại diện chính thức“ chỉ thích hợp cho các tổ chức xã hội đời thường.

- Tôi đã đọc thư của Giáo sư Nguyễn Lang và cũng rất vui khi biết (qua thông tin rất nhanh) đó là Thày Thích Nhất Hạnh. Dù cũng có chút thắc mắc, nhưng nghĩ rằng nhà Phật lấy „vô ngã“ làm hướng tu thì đây có lẽ cũng là tuyên ngôn hay phương tiện (và tôi cho cách giải thích là hợp lý). Tôi tin đây là ý, và cũng là điều đại giác, của Thày: Hãy giải quyết mọi vấn đề, trên hêt và sau chót, trong phạm vi người Việt với nhau. Đức Phật cũng dạy: Chiến thắng lớn nhất là chiến thắng bản thân. Mọi diễu võ dương oai trên thế gian đều không đáng sợ bằng sự chia rẽ và phân hóa của đại khối Dân Tộc.

- Một điểm khác: Nhà Phật coi mọi chúng sinh đều có „tính Phật – khả năng giác ngộ“, chỉ do ba độc „tham-sân-si“ mà phải trầm luân. Chính quyền cộng-sản sinh ra từ „sân hận“ (đấu tranh giai cấp), đang „tham“ nên tiếp tục „si“. Con đường giác ngộ của nó gian nan, nhưng chắc các bậc đại Từ-Trí-Dũng không cho là vô vọng…
Thưa anh, thật không muốn trình bày nhiều; nếu có gì không phải xin anh bỏ qua hoặc chỉnh sửa lại.

Trân trọng.

PS: Trước khi post, tôi đọc Spectrum mới về Bát Nhã và thấy suy nghĩ của mình không mấy sai lạc; xin ghi lại làm kỷ niệm.

  1. Vũ Quang Khải nói:
    06/10/2009 lúc 8:04 sáng

Sư cô Chân Không trả lời VOA về việc Thiền Sư Nhất Hạnh ký tên Nguyễn Lang trên các thư ngỏ:

“Không phải thầy muốn giấu tên. Sở dĩ Thầy ký tên là Nguyễn Lang chứ không phải Thích Nhất Hạnh là vì tên Nguyễn Lang đã được các học giả trong nước từ thời chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho tới chính phủ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều rất quý vì cuốn ‘Việt Nam phật giáo sử luận’ (do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh biên soạn) đã giải thích rất thâm sâu những bài dạy của các thiền sư trong 20 thế kỷ qua.

Việc ký tên với tư cách sử gia, và học giả để muốn nhắc Chủ tịch nước nhớ rằng nước Việt Nam ở giai đoạn này đang nằm trên mốc của lịch sử. Mình có hai nghìn năm trước rất rõ chi tiết. Và thế hệ về sau sẽ noi gương và ghi dấu chính phủ ông Nguyễn Minh Triết đã đối xử với nhà chùa như thế nào.”

  1. Phạm Quang Tuấn nói:
    06/10/2009 lúc 6:46 sáng

Có thể hiểu việc TS Nhất Hạnh dùng bút hiệu Nhất Lang theo nhiều cách khác nhau. Sư cô Chân Không đã đưa ra một cách giải thích (http://www.talawas.org/?p=11200). Tôi cũng xin mạn phép đưa ra một cách khác. Lá thư của Nguyễn Lang không đứng trên quan điểm Phật giáo hay tôn giáo – chính ông cũng nhấn mạnh như vậy (“Lên tiếng bảo vệ cho họ không phải là quý liệt vị yểm trợ cho một tôn giáo là Phật giáo mà quý vị che chở cho những mầm non xanh tốt của tương lai không để bị dẫm nát bởi bạo hành”). Lá thư đó đứng trên một quan điểm rộng hơn là phải nuôi dưỡng tinh thần của giới trẻ nói chung vì đó là tương lai của đất nước (“Nhìn vào những người như họ, chúng ta thấy vững lên niềm tin của chúng ta nơi các thế hệ tương lai của đất nước”). Do đó TS Nhất Hạnh không muốn nói với tư cách một lãnh đạo tôn giáo mà muốn dùng tư cách một nhà viết sử.

Dù sao, việc đó cũng không quan hệ, quan trọng là việc chính quyền của cả một nước đã dung túng hay đứng sau những hành động bạo hành, côn đồ, điều này không ai có thể chấp nhận được.

  1. Lê Quốc Trinh nói:
    06/10/2009 lúc 12:59 sáng

Chào ông Khải,

Chẳng có gì là mâu thuẫn hết. Tôi đã từng tham dự một buổi thuyết pháp của TS Thích Nhất Hạnh ở làng Cây Phong (Canada), từng có đọc qua điều lệ gia nhập tổ chức tôn giáo này để thấy tính quy củ kỷ cương như thế nào.

Nhưng qua sự việc Làng Mai (Bát Nhã) ở VN thì tôi thấy nhiều điểm khó hiếu đưa tôi đến nghi ngờ đặt câu hỏi là chuyện đương nhiên:

- Khi TS Nhất Hạnh dẫn đầu hàng trăm tăng sinh về VN hai lần rầm rộ, hình ảnh TS biểu hiện qua phong cách một nhà tu mang pháp danh Nhất Hạnh hay mang tên bút danh Nguyễn Lang ? Các bạn trả lời tôi câu hỏi này đi.

- Lá thư viết cho chủ tịch Nguyễn Minh Triết ký tên Nguyễn Lang, có người giải thích rằng đó là bút hiệu của TS Nhất Hạnh ngày xưa (trên những tác phẩm lịch sử PG). Sự kiện này mang tính chất tôn giáo rõ rệt, vì lý do gì TS không dùng pháp danh Nhất Hạnh danh chính ngôn thuận mà phải dùng bút danh Nguyễn Lang ít người biết đến ?

- Nếu lấy lý do rằng bút danh Nguyễn Lang sẽ giới hạn sự kiện xung quanh vấn đề nội bộ người VN thì tôi và các bạn VK hải ngoại nên lui ra để cho Phật Giáo VN giải quyết chuyện nội bộ với chính quyền VN. Đúng hay sai ?

Từ tin tưởng ban đầu tôi đi đến nghi vấn là lẽ đương nhiên, từ trạng thái này đổi sang trạng thái khác là vì có nguyên nhân ngoại cảnh tác động, tôi đã nêu rồi, có lẽ ông Khải chưa đọc kỹ.

Mến chào ông,

Lê Quốc Trinh

  1. Hoà Nguyễn nói:
    06/10/2009 lúc 12:45 sáng

Một bài viết súc tích, và chính xác khi quan sát sự biến Bát Nhã từ góc nhìn chính trị.

Dùng bạo lực của bộ máy công an để xua đuổi tăng ni sinh Bát Nhã ra khỏi chùa trong đêm tối, buộc họ phải đi bộ trên đoạn đường dài dưới cơn mưa lớn, bị ướt sũng, lạnh lẽo, vào lúc cơn bão số 9 (đã gây trên 160 người chết) sắp ập vào miền Trung, là hành động bất nhân của một chế độ sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để đạt được mục đích riêng, bất chấp dư luận của người dân trong nước và của quốc tế. Nhưng, theo cô/bà Song Chi, nếu nhìn trong toàn cảnh rộng hơn thì đây chỉ là tiếp nối những đàn áp, bóp nghẹt, uy hiếp khác đã xảy ra trong nước từ trước, như bắt giữ những nhà hoạt động dân chủ, ký giả, bloggers, giáo dân ở Hà Nội, Quảng Bình, kể cả dùng biện pháp hạn chế, dồn ép để buộc một tổ chức nghiên cứu khoa học của nhiều trí thức tên tuổi phải tự giải tán. Nhìn chung, chinh sách nhà nước hiện trở nên khắc nghiệt hơn, với hành động trắng trọn, tàn bạo hơn, dù cũng tinh vi hơn, vài năm trước đây, lấy mốc từ năm 2005, lúc Thiền sư Nhất Hạnh về nước, thuyết giảng trưóc đông đảo cán bộ nhà nước tại trường quốc gia hành chính ờ Sài Gòn. Hình ảnh tăng đoàn Làng Mai từ nước ngoài về được cho phép tổ chức diễn hành trên quãng đường dài từ chùa Hoằng Pháp ra tới thị trấn Hóc Môn, một huyện cùa TP/HCM, vẫn chưa phai mờ trong trí nhớ nhiều người. Nay thì 400 tăng ni sinh chùa Bát Nhã bị trục xuất chỉ vì họ là đệ tử của Làng Mai, và ngay TT Thái Thuận trụ trì chùa Phước Huệ vì cho họ tạm trú cũng bị vu không là đi theo Làng Mai. Ở VN rồi đây Làng Mai sẽ trở thành đồng nghĩa với nhóm tôn giáo phản động, chống lại nhà nước, chứ không phải chuyện nhà nước cướp đoạt cơ sở tôn giáo, hủy diệt tăng đoàn Làng Mai, chỉ vì “ở Việt Nam không được phép tồn tại bất cứ hội đoàn nào trong bất cứ lĩnh vực gì, từ tổ chức phản biện khoa học cho đến tôn giáo nếu như hội đoàn hay tổ chức đó không nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước ” (Trích từ bài của cô/bà Song Chi). Môt chính sách rất phản dân chủ đã đành, mà còn là hiện tượng thụt lùi, thoái hoá so với chủ trương “mở cửa” hai mươi năm trước đây từng được hoan nghênh và đã gặt hái được ít nhiều thành quả.

VN có thể đang cố theo chân Trung Quốc trong mọi phương diện, trong cách hành động, kể cả chuyện có thể chấp nhận quy phục một TQ nay trở nên giàu mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử của họ, và cho đó là điều tốt lành cho nước VN, hoặc cho không thể cưỡng lại được. Vì vậy, khi Trung Quốc chống lại ngài Dalai Lama, thì VN cũng noi theo chống lại Thiền sư Nhất Hạnh, là hai nhân vật Phật giào có uy tín nhất trước thế giới. Nhưng cũng cần thấy nhiều sự khác biệt giữa TQ và VN, giữa Dalai lama và Nhất Hạnh. Ngài Dalai Lama là đại biểu cho nước Tây Tạng đã bị TQ cưỡng chiếm, và Trung Quốc nay muốn giữ chặt, không một nhượng bộ nhỏ, nên dùng đủ phương tiện, khả năng, và uy thế để làm suy yếu hình ảnh, tiếng nói của Dalai Lama trước công luận quốc tế, nhưng rõ là TQ chưa thành công trong ý đồ này. Thiền sư Nhất Hạnh lại chỉ muốn đưa pháp môn riêng đến cho những ai muốn tiếp nhận, dù là người VN hay ngoại quốc, ở trong nước hay hải ngoại. Làng Mai không là một tổ chức chính trị, và không uy hiếp điều gì cho ai hay chế độ nào. Thật ra, người của Làng Mai đã được mời đến Trung Quốc nhiều năm trước khi họ được về VN. Tuy vẫn có người Việt ngoài này lo ngại chuyện bắt tay giữa Làng Mai và Hà Nội có thể làm cô lập các giáo phài Phật giáo VN khác đang bị nhà nước hạn chế hoạt động, nhưng chuyện đó chưa xảy ra, và rất khó xảy ra. Trái lại, hiển nhiên bằng hành động quyết liệt, nhà nưóc VN cho thấy đang lo sợ đoàn thể tăng nhân Làng Mai sẽ soi mòn, làm suy yếu các tổ chức được kiểm soát chặt chẽ của nhà nuớc chuyên chế, nên ra tay huỷ diệt từ trứng nước sư hiện diện của Làng Mai, ngay tại một chùa trên cao nguyên hoang vắng. Sau cùng, chống lại Dalai Lama và vài triệu người Tây Tạng, Bắc kinh có thề yên ổn lương tâm khi cho làm thế nhân danh quyền lợi của hơn 1 tỷ người Hán, nhưng khi chống lại Làng Mai ở VN, thì vì quyền lợi của những ai, có bao nhiêu người?

Mặt khác, hoàn cảnh lịch sử và phát triển của TQ với VN không giống nhau, nên chính sách chạy theo chân TQ không phải là chính sách khôn ngoan cho VN. Trung quốc không chỉ là đối tác như hiện thấy về kinh tế, thương mại, hoặc cả văn hoá, mà luôn từ ngàn xưa TQ vẫn là đối thủ của VN trong các vấn đề an ninh quốc gia, là đe doạ lớn cho sự tồn vong của dân tộc. VN phải đủ trí tuệ dể chọn con đường riêng, tự lập hơn, tránh không bị lệ thuộc về chính trị, kinh tế, để trở thành chư hầu của TQ trong một hình thức mói mẻ , và dù là đàn em ngoan của TQ cũng là sỉ nhục lớn đối với dân tộc có tới 80 triệu người. Riêng về vấn đề tôn giáo nói chung, VN cũng có hoàn cảnh khác TQ, và cần nghiên cứu sâu rộng hơn để có hành động riêng, lợi ích hơn, nhưng dù sao không thể giải quyết bằng bạo lực đối với môn đệ Làng Mai ở VN theo kiểu TQ đã làm trước đây vói Pháp Luân công (không bàn sự khác nhau giữa LM và PLC ở đây).

  1. Vũ Quang Khải nói:
    05/10/2009 lúc 11:30 chiều

Chỉ trong một ý kiến ngắn, ông Lê Quốc Trinh đã đưa ra những suy nghĩ tự mâu thuẫn rất rõ rệt. Ví dụ:

Ở đoạn đầu, ông Lê Quốc Trinh viết:
“1/ Theo chỗ tôi hiểu, đây là một tổ chức tôn giáo có quy củ, quy luật nghiêm nhặt, có tổ chức chặt chẽ lớp lang từ trên xuống dưới và rất ư kỷ luật. Thiền sư Nhất Hạnh là người có uy tín sâu rộng trên thế giới, một điều hiển nhiên ai cũng biết, qua những tác phẩm văn chương mang mầu sắc triết lý.”

Ở đoạn cuối, ông Lê Quốc Trinh viết:
“6/ … Nhưng tổ chức Làng Mai do thiền sư Nhất Hạnh sáng lập có thật sự kỷ luật nghiêm minh, có chặt chẽ rõ ràng hay không, đây là lúc tôi rất muốn biết. Thiền viện Bát Nhã có người đại diện chính thức không, ít nhất từ trong nội bộ?”

Thế là thế nào?

  1. Lê Quốc Trinh nói:
    05/10/2009 lúc 9:55 chiều

Tôi xin lên tiếng về v/d thiền viện Bát Nhã (Lâm Đồng) với cương vị một Phật tử trong một gia đình thuần thành theo Đạo Phật, tôi cũng đã từng có thời kỳ xuống đường thời Pháp Nạn (1963, Ngô Đình Diệm). Quan điểm của tôi như sau:

1) Làng Mai (Pháp), thiền viện Bát Nhã (VN), hay Làng Cây Phong (Canada) là một tổ chức tu tập theo môn phái Thiền đặc biệt của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Theo chỗ tôi hiểu, đây là một tổ chức tôn giáo có quy củ, quy luật nghiêm nhặt, có tổ chức chặt chẽ lớp lang từ trên xuống dưới và rất ư kỷ luật. Thiền sư Nhất Hạnh là người có uy tín sâu rộng trên thế giới, một điều hiển nhiên ai cũng biết, qua những tác phẩm văn chương mang mầu sắc triết lý.

2) Thiền sư Nhất Hạnh đã từng ghé qua Việt Nam ít nhất hai lần, lần nào cũng rầm rộ dẫn theo một tăng đoàn đông đảo đủ mọi thành phần, và lần nào cũng có cán bộ VN cấp cao đưa đón long trọng. Thiền sư cũng đã thân hành tổ chức ba buổi lễ Cầu Siêu lớn cho tất cả mọi nạn nhân trong chiến cuộc VN, bất kể người miền Bắc, miền Nam, hay dân di tản.

3) Bao nhiêu dẫn chứng rõ ràng đó cho thấy mối quan hệ chặt chẽ của thiền sư ra sao với quan chức và cộng đồng Phật Giáo VN. Do đó tôi hiểu rất dễ dàng tại sao có sự hình thành của thiền viện Bát Nhã Làng Mai trên Lâm Đồng, với một ngân sách vĩ đại hơn một triệu đô la do công đức thiện nam tín nữ khắp nơi đổ về. Chắc chắn thiền sư nắm rõ vấn đề hơn ai hết.

4) Theo giáo lý Nhà Phật mọi quan hệ đều có nhân duyên tác thành, khi hai bên đồng thuận vì điều kiện nhân duyên cho phép, thì đến khi “cơm không lành, canh không ngọt” cũng vì điều kiện nhân duyên tan vỡ. Một chuyện đương nhiên trên thế gian này.

5) Tuy nhiên thế giới ngày nay, qua tác động của truyền thông đại chúng như Internet, thì những gì giấu kín bưng bít khó lòng thuyết phục được đại đa số. Tổ chức Làng Mai có người đứng đầu chịu trách nhiệm với 400 tăng sinh, với dư luận Phật tử, thì đến lúc cơ sự khẩn cấp chúng ta hãy lắng nghe người đại diện tối cao lên tiếng công khai trước, chứng tỏ họ có kỷ luật và có tổ chức hẳn hòi.

6) Chính quyền VN càng ngày càng lúng túng, tổ chức chính phủ rời rạc mâu thuẫn, gây nhiều căm phẫn trong dân tình qua rất nhiều sự kiện (Bauxite, Biển Đông) ai ai cũng biết. Nhưng tổ chức Làng Mai do thiền sư Nhất Hạnh sáng lập có thật sự kỷ luật nghiêm minh, có chặt chẽ rõ ràng hay không, đây là lúc tôi rất muốn biết. Thiền viện Bát Nhã có người đại diện chính thức không, ít nhất từ trong nội bộ? Ít ra thiền sư cũng nên bày tỏ chính thức và công khai lập trường của người đại diện trước công luận, chứ không thể nào dùng bút hiệu nào đó xuyên qua vài Trang Mạng. Nào ai biết được Nguyễn Lang là thiền sư Nhất Hạnh. Một khi xuống tóc đi tu, mang pháp danh thì mọi liên hệ trong phạm vi tôn giáo phải sử dụng pháp danh chính thức.

Kết luận: tôi chỉ đưa ý kiến như thế với những lập luận như thế, kinh nghiệm đắng cay thời Pháp Nạn 1963 đã cho tôi nhiều bài học rồi.

Mến chào,

  1. le tri nói:
    05/10/2009 lúc 8:30 chiều

Chào tác giả Song Chi,

Tôi đồng ý với nhận định của tác giả: ”Phải chăng cũng giống như những vụ bắt bớ các nhà báo và blogger, vụ Bát Nhã cũng có những lý do ‘nhạy cảm’ phía sau và phải chăng có một thế lực ngoại bang đang điều khiển từ xa Đảng và Nhà nước CSVN khiến cho họ trở nên mù quáng và đối xử với nhân dân mình như vậy?” (hết trích).

Trong sự kiện Bát Nhã, nhà cầm quyền VN thật sự lúng túng trong cách đối phó, đã mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, dẫn đển đỉnh điểm là Phật tử Lâm Đồng sẵn sàng đồng lòng “tử vì đạo” khiến họ phải chùn tay để tránh một cuộc tắm máu. Chính vì bị sai khiến, bị “chỉ đạo từ xa” nên cách xử lý của họ thật vụng về, bất chấp hậu quả: họ thừa biết rằng hơn 80 % dân số VN theo tín ngưỡng Phật giáo. Đàn áp Công giáo và Phật giáo, nhà cầm quyền sẽ không có chỗ nương thân trong lòng người Việt. Một sự nhẫn tâm, đàn áp tàn bạo đối với đồng loại, nhất là những bậc tu trì phải chăng họ đã mất hết tính người? Chỉ có thể giải thích cách hành xử vô tâm của nhà cầm quyền vì chính họ đang bị sai khiến, như những hình nhân đang bị giựt dây, điều khiển.

Chỉ khi nào họ biết bừng tỉnh lại, biết đặt nặng tình yêu nước, nghĩa đồng bào làm quốc sách thì những cao trào “tử vì đạo” sẽ nguôi ngoai.

  1. Tôn Văn nói:
    05/10/2009 lúc 7:24 chiều

Kính chào chị Song Chi,

Rất vui khi đọc bài viết của chị. Tôi thực sự kính trọng chị cùng những nhà báo tự do đã dũng cảm khẳng định „Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam“. Tôi cũng kính trọng nhạc sỹ Tô Hải khi đọc tin biết rằng trong dịp đó ông đã tham gia ủng hộ thanh niên bày tỏ sự khẳng định chủ quyền biển đảo. Dù bất cứ sau này có gì khác, tôi cho những hành động như thế là tiêu chí xác định người Việt Nam yêu nước. Qua bài viết của chị, xin có một số ý nhỏ:

- Có thể „có một thế lực ngoại bang đang điều khiển từ xa Đảng và Nhà nước CSVN khiến cho họ trở nên mù quáng“; nhưng xét thêm thì thấy chống phá tôn giáo và các tổ chức khác là bản chất cuả những người cầm quyền. Marx nói rằng mọi nhà nước đều có tính bảo thủ, nghĩa là bảo vệ sự thống trị của nó. Từ kinh nghiệm của mình, những người cộng sản biết rằng chỉ có thể „làm cách mạng“ khi có một tổ chức tốt. (Lênin và đảng kiểu mới). Trong các vụ „Nhân văn – Giai phẩm“, „Xét lại chống Đảng“, … người ta đều cố tìm ra: Ai thủ lĩnh? Cương lĩnh, điều lệ là gì? Etc. Tư duy chiến tranh và „kiên trì cách mạng“ đó làm họ „mù quáng“; các tổ chức tôn giáo và các tổ chức sinh hoạt học thuật chỉ nhẳm mục đích giữ gìn và phát triển văn hóa cũng như tri thức để đóng góp cho xã hội. Chống phá họ rõ ràng là một chính sách „phản động“ (trong ý nghĩa lịch sử phát triển).

- Nhân dân Việt Nam với truyền thống yêu nước và văn hiến của mình chắc sẽ luôn luôn đi tới.

Trân trọng.

  1. Hoàng Trường Sa nói:
    05/10/2009 lúc 4:20 chiều

“Người dân Việt Nam chẳng còn ngạc nhiên gì nữa, có chăng trong sự việc Làng Mai – Bát Nhã này nếu bản thân thiền sư Thích Nhất Hạnh hay bất cứ ai khác còn có chút hy vọng rằng ở Việt Nam vẫn có tự do tôn giáo hay vẫn có thể đối thoại, đóng góp ý kiến chân tình thậm chí hợp tác với nhà cầm quyền Việt Nam thì chắc rằng họ đã nhận ra được vấn đề.” (trích lời tác giả Song Chi)

Cám ơn tác giả Song Chi về bài phân tích ngắn gọn nhưng chính xác này. Cái “tội” lớn nhất mà 400 vị tăng ni tu sĩ theo pháp môn Làng Mai ở tu viện Bát Nhã phạm phải, theo tôi, là họ đã tự động lập nhóm tu đạo nằm ngoài những gì ĐCSVN cho phép và không chịu nằm trong khuôn khổ mà “Đảng ta” mong muốn. Vụ nhóm tu Làng Mai – Bát Nhã bị ĐCSVN “trừng phạt”, qua cái nhìn chủ quan của tôi, có nguồn gốc sâu xa rất giống vụ Pháp Luân Công bên TQ bị ĐCSTQ trừng phạt. Lý do chính yếu là, giống như ĐCSTQ với Pháp Luân Công, ĐCSVN sợ sự hiện hữu của một nhóm dân sự mà khả năng phát triển lớn mạnh rất cao sẽ có ngày vượt ra ngoài sự kiểm soát của họ. Do đó, họ phải tìm đủ cách (dù ác độc, man rợ đến đâu cũng mặc) để diệt cho bằng được từ trong trứng nước.

Điều mà tôi đã giác ngộ từ lâu là: Bản chất của ĐCSVN vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Đảng này có thể tùy theo hoàn cảnh mà uốn éo, vặn vẹo đôi chút về mặt hình thức, nhưng về nội dung cơ bản là bám chặt vào nền chuyên chính vô sản thì họ không bao giờ từ bỏ hay ngay cả cải biến và tuyệt đối không bao giờ chia sẻ sự điều hành đất nước với bất cứ ai khác ngoài Đảng họ.

Theo ngu ý của tôi, thật là ngây thơ chính trị cho bất cứ ai có tham vọng “hợp tác làm việc chung với ĐCSVN để từ từ sửa đổi họ càng ngày càng tốt hơn”. Câu nói của cựu Tổng thống Nga Yeltsin (?) rằng “Cộng sản chỉ có thể THAY THẾ chứ không thể THAY ĐỔI” áp dụng cho ĐCSVN là vô cùng chính xác. Để cho đất nước ta chóng có tự do, dân chủ và thoát khỏi nguy cơ bị TQ đồng hóa tiệm tiến để trở thành quận huyện của Tàu, mỗi người VN nên cố gắng làm bất cứ những gì có thể làm được trong phạm vi cá nhân mình để thay thế càng nhanh càng tốt ĐCSVN bằng những người lãnh đạo MỚI thực sự yêu dân thương nước.

 

 


PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ II rất mong đón nhận ở các bạn những: thư từ, ý kiến, nhận định, tường thuật, hình ảnh, âm thanh... Mỗi tiếng nói là một viên gạch xây nền công lý nước nhà, và nhất là góp phần quyết định cho sự sinh tồn của Tu viện Bát Nhã. Hãy gửi thư về chúng tôi qua địa chỉ: phusaonline@gmail.com Trân trọng cám ơn các bạn!


Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC

PHẬT SỰ

PHÁP ĐÀM

VU Lan 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN= | GỬI BÀI | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.