.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

BBC NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thích Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Thích Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa con số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Thích Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có con đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là Con đường".

thichnhathanh.shtml

 

 Theo dấu thiền sư 7

Giáo chức đại học Brock - Toronto học thiền

  • PSN 8.9.2013 | Thị giả

 

Trường đại học Brock thành lập năm 1964, nơi diễn ra khóa tu dành cho giáo chức. Sinh viên của trường đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới. Brock là một trong những trường dẫn đầu về chất lượng đào tạo các chương trình đại học và các chương trình học thuật ở Canada. Ban tổ chức của khóa tu cho biết, chương trình ghi danh cho khóa tu vừa để lên mạng trong vòng 1 giờ đồng hồ đầu là đã có hơn 400 người ghi danh. Trong vòng 4 tuần đầu số người ghi danh đã lên đến 800 người. Tổng cộng tính luôn chúng xuất sĩ số người tham dự khóa tu là 1425 người, trong đó có 100 tình nguyện viên (volunteers), 780 giáo chức, còn lại là những người làm việc trong trường như nhân viên xã hội (social workers), tư vấn (consultants), quản trị (administrators)... Có hơn 800 người trên danh sách chờ đợi để ghi danh nếu còn cơ hội.

 


 

1425 người là con số tối đa mà Đại Học Brock có thể chấp thuận vì sức chứa của cả phòng ngủ và phòng ăn đều có hạn. Đại học Brock có hai nhà ăn: Decew và Lowenberger, mỗi nhà ăn chỉ chứa được 360 người. Mỗi nhà ăn nhận phục vụ phân nửa thiền sinh là 720 người nên phải chia ra thành hai đợt, mỗi đợt 360 người. Trong khi nhóm A gồm 360 người ăn trước thì nhóm B 360 người còn lại tập thể dục, tập khí công, yoga hay về nhà nghỉ. Các bạn tình nguyện viên đã làm việc từ sớm để biến nhà tập thể dục (Gymnasium) thành một giảng đường trang nghiêm vì giảng đường chính thức quá nhỏ không đủ chỗ cho tất cả mọi người.



Có trà trong thư pháp của Thầy


Trong khóa tu này, Sư Ông giảng ba bài pháp thoại và ngày thứ tư thiền sinh được đặt câu hỏi trực tiếp với Sư Ông. Vì có 900 thiền sinh là người mới nên ngày đầu tiên Sư Ông dạy những pháp môn căn bản như: nghe chuông trong chánh niệm, đi thiền hành, ăn trong chánh niệm... truớc khi vào đề tài chính: "Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới". Nghe chuông như thế nào mà tất cả các tế bào trong cơ thể mình cùng nghe. Mình có thể mời ông bà, tổ tiên mình cùng nghe chuông với mình. Khi nghe chuông mình dừng tất cả các hành động, suy nghĩ và nói năng và đặt sự chú tâm vào hơi thở. Thở vào: Con đang lắng nghe bằng tất cả các tế bào trong cơ thể của con và để cho năng lượng bình an thấm vào từng tế bào của cơ thể... Thở ra: Tiếng chuông đưa con trở về ngôi nhà đích thực bây giờ và ở đây. Khi cả ngàn người cùng thở như vậy thì năng lượng chánh niệm và bình an sẽ rất hùng hậu... Điều tuyệt vời nhất mà khóa tu có thể đem lại đó là năng lượng chánh niệm tập thể, năng lượng này có khả năng trị liệu rất lớn. Sư Ông nâng ly trà lên và bắt đầu giảng về tương tức, về không sinh không diệt và có trà trong thư pháp mà thầy viết. Sư Ông giảng về Bát Chánh Đạo và Bốn loại thực phẩm. Không có cái gì tồn tại nếu không có thức ăn. Tình thương, hạnh phúc và bình an cũng vậy.

 


Có trà trong thư pháp của Thầy
 

Khóa tu có 60 em thiếu nhi nên Sư Ông luôn dành 15-20 phút đầu của buổi giảng để chia sẻ thực tập cho các em. Ngày thứ ba (13/08), Sư Ông kể cho các em thiếu nhi về một giấc mơ mà trong đó Sư Ông thấy mình được tuyển đi một cuộc thi đặc biệt. Khi lọt vào bên kia cách cửa tuyển chọn, Sư Ông nhìn lui thấy có anh chàng mặt y chang như Sư Ông mà Sư Ông mời vào thì ban giám khảo lắc đầu: “Thầy thì được, nhưng ông kia thì rất tiếc, không được!". Sư Ông thấy mình đi dọc theo những hành lang được trình bày rất nghệ thuật, rất khác thường và có cảm tưởng cuộc thi này đặc biệt lắm. Khi lên tới chỗ thi thì nguy nhất là họ cho biết cuộc thi này là thi âm nhạc! Mà Sư Ông có phải là nhạc sĩ đâu? Sư Ông sờ trong túi trên áo choàng ngoài, bỗng Sư Ông mừng quá vì sờ đúng một quả chuông con! Sử dụng chuông thì Sư Ông rất rành từ hồi 16 tuổi kia. Nhìn quanh, Sư Ông thấy thiền sinh rất đông đảo mà ngút ngàn như trong một đấu trường (arèna), bao quanh là một khung trời lồng lộng. Tên Sư Ông được kêu lên đầu tiên. Sư Ông rất tự tại, đi từng bước nhẹ nhàng ra trình diễn trước thính chúng... Giám khảo hình như là đức Bụt Như Lai... Sư Ông sắp trình bày chi đó thì giật mình tỉnh dậy. Hồi đó thì Sư Ông chưa hiểu. Nhưng bây giờ thì Sư Ông hiểu rồi. Cái người giống hệt Sư Ông mà không được vào phòng cũng chính là Sư Ông nhưng hồi đó chưa được chuyển hóa. Sư Ông nói: "Các con cũng thế, mình khi chưa tu học cũng là người đó. Nhưng khi đã chuyển hóa rồi thì cũng là người đó nhưng nhẹ nhàng hơn, bình an hơn, sâu sắc hơn. Các con ráng thực tập dừng lại, trở về hơi thở, không nghĩ suy lung tung, sống cho sâu sắc từng phút giây hiện tại. Có định tâm từng phút giây hiện tại thì cái thấy nào cũng có định và khi có định tâm thì cái thấy sâu sắc hơn, nhiều tuệ giác hơn."

 


Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương

 

Sau đó, Sư Ông dạy các em thỉnh chuông. Trước khi thỉnh chuông, mình sẽ thức chuông để báo cho mọi người biết là sắp có một tiếng chuông vang lên. Như vậy người nghe có đủ thời gian để trở về với hơi thở, dừng lại mọi suy nghĩ và hành động để nghe chuông. Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt, có khả năng đánh thức mọi người và mọi loài. Trước khi thỉnh chuông, mình đọc bài thi kệ Thỉnh chuông:

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Xa xôi tăm tối mọi loài nghe
Những ai lạc bước mau dừng lại
Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.
 

Sư Ông dạy các em mỗi khi thỉnh một tiếng chuông thì thở vào thở ra ba hơi thở, nhưng vì các em nhỏ nên hơi thở sẽ ngắn hơn người lớn. Sau khi thở xong ba hơi, các em có thể thêm 10 giây nữa cho người lớn có đủ thời gian thở ba hơi thật sâu và đầy đủ. Thỉnh chuông và nghe chuông trong chánh niệm có thể đem tới rất nhiều niềm vui, bình an và thư giãn.

Sau khi các em nhỏ ra ngoài chơi, Sư Ông dạy cho thiền sinh làm sao thực tập chánh niệm trong các buổi họp, thiết lập không gian thực tập tại nhà, cách tưới tẫm hạt giống tốt và ăn trong chánh niệm. Người cũng dạy về Tứ Niệm Xứ (Thân, Thọ, Tâm, Pháp). Ngày thứ hai sư ông nói về Henri Kỷ Cương, giáo sư của trường French School ở Toronto, tu tập chánh niệm rất hay và dạy học sinh nghe chuông rất hay. Giáo Sư Nguyễn Văn Kỷ Cương có pháp danh Tâm Thành, thọ 14 giới Tiếp Hiện với Sư Ông Làng Mai năm 1991 với pháp hiệu Chân Tịnh Nhãn. Ông trở thành Giáo Thọ của Làng Mai từ năm 1994. Ông đã viết cuốn sách mỏng, được nhiều người tìm đọc, là cuốn “Thiền trong lớp học,” nói về kinh nghiệm mang Thiền vào trường học, dạy cho các học sinh thực tập ngay trong lớp học.

Trong buổi Vấn Đáp ngày thứ tư, điều làm đại chúng bất ngờ và vô cùng xúc động là có một em trai khoảng 5-6 tuổi lên hỏi Sư Ông bằng tiếng Pháp: "Sư Ông có thể hát một bài không?" Chúng xuất sĩ ai cũng hồi hộp không biết Sư Ông sẽ trả lời em thế nào. Lúc đó sư cô Định Nghiêm lên để thông dịch cho Sư Ông nên mọi người nghĩ là Sư Ông sẽ trả lời: "Có Sư Ông trong sư cô Định Nghiêm nên sư cô Định Nghiêm sẽ hát cho con nghe." Nhưng thật bất ngờ, Sư Ông đã hát một bài hát con nít bằng tiếng Pháp mà Sư Ông học từ ngày xưa. Sư Ông vừa hát vừa nhịp tay và nhịp chân rất tự nhiên. Hình ảnh đó dễ thương quá nên Sư Ông hát xong cả thiền đường nở đầy hoa.

Có những câu hỏi về vấn đề tự tử. Sư Ông đề nghị mình nên có tăng thân để cùng tu học nâng đỡ nhau. Trong tăng thân có chừng vài ba người mà mình tin tưởng được thì những lúc lâm nguy phải cầu cứu họ. Những phút giây bực tức rất vô thường, nó sẽ chuyển hóa sau vài chục phút nói chuyện với bạn bè mình tin cậy. Trong buổi vấn đáp có hai câu hỏi liên quan tới các vấn đề biến đổi về khí hậu.



Áp dụng Chánh niệm như thế nào trong đời sống, công việc và nghề nghiệp?


Khóa tu có đến 55 nhóm pháp đàm, mỗi nhóm từ 25 đến 30 người, trong đó có những nhóm dành riêng cho giáo sư đại học, giáo sư trung học... Nhóm nào cũng chia sẻ là họ rất hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ vì những lời dạy của Sư Ông mà còn vì những gì quý thầy, quý sư cô chia sẻ và dạy dỗ. Mỗi khi nhìn quý thầy, quý sư cô chia sẻ, chơi với nhau, chia nhau một chút thức ăn… họ thấy có một thứ tình cảm rất dễ thương, không giống ở ngoài. Có một em trai người Hoa Kỳ bị bệnh trầm cảm đến không muốn sống, em không thấy ý nghĩa của sự sống. Em đã thử hút xì ke nhưng chỉ lâng lâng được vài phút. Ba mẹ em quá chừng lo lắng nhưng cũng chẳng giúp gì được cho em. Tới khi em gặp được tăng thân ở Bích Nham, có cái gì khó diễn tả thâm trầm mà sâu sắc đã giữ được nụ cười và niềm tin nơi em. Và em nhất định đi theo tăng thân suốt đời. Có rất nhiều người trẻ, xinh đẹp cũng học giỏi, ba mẹ là người thành công nơi đất mới, là người rất tử tế trong cộng đồng người Việt nhưng không hiểu sao cháu nào cũng bị bệnh trầm cảm...

Sau này tìm hiểu ra chúng tôi mới biết chìa khóa chỉ là “Ái ngữ và Lắng nghe”. Ba mẹ làm rất hay, thành công tốt trong xã hội nhưng có sai sót là mặc nhiên nghĩ con mình phải hiểu rằng ba mẹ đi vượt biên đã bị hải tặc cướp hết, giờ đây con không bị những thứ đó thì con chỉ lo học thôi. Nhưng các con lại nghĩ học có nhiều bằng cấp để làm gì? Sao mà “boring” ngán đến thế. Các cháu uống rượu nhiều cũng chưa hết ngán. Đi chơi chỗ này chỗ kia… cũng vậy thôi, ngán quá chừng và cứ thế mà bị trầm cảm, đưa đi bác sĩ tâm lý trị liệu cũng chẳng đi đến đâu. Có lẽ ba mẹ không đủ ái ngữ khi thuật cho các cháu nghe nổi cực khổ của ba mẹ. Nhưng khi gặp Sư Ông, các cháu thấy được một hướng đi mới, một niềm tin mới… Mà sao lạ quá, Sư Ông cũng nói như ba mẹ, mà lại… khác!

Gia đình pháp đàm do thầy Pháp Đăng làm chủ tọa dành cho các bác sĩ trị liệu tâm thần nhưng cũng có sự tham gia của các vị làm cai tù, làm xã hội, cố vấn cho người trẻ nghiện ngập. Thầy đưa ra câu hỏi: “Bạn áp dụng Chánh niệm như thế nào trong đời sống, công việc, nghề nghiệp của quí vị?”. Thiền sinh có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm việc và đời sống của họ. Đa số bác sĩ là những người giỏi, làm việc ở các bệnh viện, trường đại học lớn. Họ là những người có lòng muốn giúp đời nhưng họ đều công nhận chỉ nếp sống chánh niệm mới giúp họ có đủ sức tự chăm sóc mình và giúp cuộc đời. Họ nói công việc chăm sóc người bệnh tâm thần rất cần tâm bình an, tỉnh táo, cởi mở, yêu thương. Các tâm này chính là chánh niệm. Chánh niệm trước hết là sống tỉnh thức để tự chăm sóc chính mình bằng cách tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm, tươi mát, yêu thương.

Các bác sĩ rất muốn nghe thầy Pháp Đăng kể kinh nghiệm làm sao thầy vượt qua bệnh tật, sống vui và cười hoài. Nhưng thầy mời họ chia sẻ tiếp về đời sống của họ, bởi vì thầy thấy họ có nhu cầu cần được chia sẻ nhiều hơn. Sau đó thầy mới chia sẻ:"Chánh niệm là nguồn năng lượng trị liệu vô biên. Chánh niệm là có mặt thật sự, có nhiều trình độ chánh niệm, chánh niệm cao nhất là có mặt mạnh mẽ với sự sống, bạn không còn suy nghĩ gì nữa, bạn thâm nhập vào sự sống, bạn là nắng, là không khí, là trời xanh... Chánh niệm là tâm cởi mở nên bạn luôn tiếp xúc với sự sống vì thế bạn tiếp nhận nhiều nguồn năng trong lành để trị liệu. Cái trọng yếu là bạn trở thành một với nắng, bạn luôn an trú trong hiện tại. Sự thật là hiện tại chưa bao giờ rời xa bạn, chỉ có bạn bị kẹt vào gì đó trong tâm hay trong đời sống vì thế bạn không kết nối được với sự sống."



Chánh niệm cho trẻ em


Các em thiếu nhi được Sư cô Đàn Nghiêm, sư cô Phú Nghiêm, thầy Pháp Triển và sư chú Bồ Đề chăm sóc. Năng lượng của các em rất nhiều, các em vui chơi rất hết lòng. Nhìn các em chơi và thực tập luôn luôn tạo nhiều niềm vui và tiếng cười cho rất nhiều người. Các em được các thầy các sư cô dạy hát thiền ca, chơi trò chơi, thực tập ngồi thiền, thiền hành, thiền lạy, ăn trong chánh niệm... như người lớn nhưng được các thầy các sư cô hướng dẫn theo cách thức để các em dễ dàng tiếp nhận. Các em nhỏ thực tập rất dễ thương. Khi người lớn đi nghe chia sẻ về Năm phương pháp thực tập chánh niệm thì các em được nghe chia sẻ về sự thực tập Hai Lời Hứa.


- Con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.
- Con xin mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.


Cuối khóa tu có 20 em đã nhận Hai lời hứa để tiếp tục nuôi lớn tình thương và hiểu biết.

 

 

Chương trình cho thanh thiếu niên (Teenage Program)

Vì thời khóa đi thiền hành khá sớm (6 giờ sáng) nên nhiều em nhỏ không thức dậy nổi. Các em được ngồi thiền riêng 30 phút trễ hơn đại chúng trong một căn phòng nhìn ra cả một khu vườn xanh. Mỗi sáng các em đều ngồi thiền 30 phút rồi được hướng dẫn đi thiền hành tự do vào nhà ăn và được ngồi ăn chung bàn với các bạn teen của mình trong im lặng. Sau khi thời khóa buổi sáng chấm dứt, các em cũng được đi thiền hành vào nhà ăn, cùng khất thực trong im lặng nhưng được ngồi ăn trưa ngoài trời để sau 15 phút im lặng các em có cơ hội trò chuyện với quý thầy, quý sư cô và các bạn của mình. Chương trình teens đáng lẽ chỉ dành cho các em từ 13 tới 17 tuổi nhưng lại có đến 5-6 em 11-12 tuổi xin gia nhập vì thích chương trình. Các em tham dự rất hăng hái, hết lòng và tích cực.

Đặc biệt, trong buổi chia sẻ về Năm phương pháp thực tập chánh niệm, thầy Pháp Uyển và sư chú Trời Hiện Tại đã chia sẻ về kinh nghiệm trước khi đi tu đã từng dùng thuốc phiện, uống rượu và có những liên hệ tình dục... và họ đã chuyển hóa được những tập khi đó nhờ thực tập chánh niệm nên các em rất rúng động. Các em đã mở lòng chia sẻ trong các buổi pháp đàm về những khó khăn mà mình đang đi qua và cuối cùng cả 20 em đều phát nguyện nhận Năm Giới (tuy trong thời khóa mới thuyết trình được ba giới thôi). Có lẽ vì các em thật sự thấy được sự tương tức và lợi ích của Năm giới. Trong lễ truyền giới có một em chưa viết đơn xin nhận giới nhưng rồi lại quyết định bước ra để nhận giới cùng các bạn. Trong thời gian của khóa tu các em cũng có cơ hội tham vấn với các thầy các sư cô. Các em tỏ ra rất quyến luyến và đến ngày đi vẫn chưa muốn rời. "Chị rất được nuôi dưỡng bởi khóa tu và chơi với các em Teens!" - Sư cô Bạch Nghiêm chia sẻ.

 

Thầy Pháp Uyển, sư cô Bạch Nghiêm, sư chú Trời Hiện Tại và Trời Giải Thoát cùng các em thanh thiếu niên
 

 

Một buổi làm mới bất ngờ

Trước khi thầy Pháp Đăng và sư cô Định Nghiêm hướng dẫn về pháp môn làm mới có một cô thiền sinh bị tàn tật la lớn tiếng là cô đang đau khổ vì không ai quan tâm đến người tàn tật. Cô giận nên cô nói rất nặng lời, cả đại chúng đều thở để lắng nghe. Không khí thật nặng nề, mọi người đều bị ảnh hưởng bởi năng lượng buồn đau của cô. Có lẽ cô mặc cảm là không ai quan tâm đến cô, cô đòi mọi người chú ý tới cô và phải công nhận sự có mặt của cô. Giọng nói của cô đầy trách móc và cả đại chúng đều thực tập để ôm ấp năng lượng giận hờn đó.

Sau đó, sư cô Định Nghiêm chia sẻ phần đầu phương pháp làm mới. Thầy Pháp Đăng đã cám ơn những gì cô thiền sinh chia sẻ và bắt đầu nói về cách chăm sóc cho dòng sông cảm thọ, tâm tư, làm sao để giúp dòng sông trôi chảy... Thiền sinh mở lòng ra, không khí trở nên thông cảm, nhẹ nhàng hơn. Thầy tiếp tục chia sẻ và đại chúng mở lòng thêm. Thầy đã dùng ngôn ngữ hết sức thương yêu. Cô thiền sinh ban nãy giờ ngồi rất yên, không còn phản ứng nữa, mặt cô thư giãn ra.

Cuối cùng thầy mời thiền sinh lên thực tập làm mới. Có hai mẹ con nọ lên làm mới trước, sau đó thầy mời cô thiền sinh ấy lên thực tập. Lần này ngôn ngữ của cô nhẹ nhàng hơn. Cả hội chúng đều cảm thấy nhẹ lòng. Tuy là hiểu lầm nhưng cô đau khổ thì mình phải tìm cách giúp và lắng nghe cô. Thiền sinh rất hạnh phúc vì thấy thầy và sư cô đã thực tập những gì mà Sư Ông dạy. Thầy khích lệ thiền sinh tiếp tục thự tập làm mới với người thương bằng điện thoại. Sau buổi làm mới các thiền sinh đến cám ơn thầy và sư cô đã giải quyết khổ đau cho cô thiền sinh tàn tật thật tuyệt vời. Họ nói: "You are the role model for us." (Thầy và sư cô đã làm gương cho chúng con.)

Ngoài pháp đàm, trong khóa tu còn có các nhóm sinh hoạt về các chủ đề khác nhau: Đem chánh niệm vào các lĩnh vực giáo dục, Trị liệu và chuyển hoá căng thẳng (stress) trong công việc, Ái ngữ và Lắng nghe sâu do thầy Pháp Dung, Richard Brady, Jack Miller, Meena Srinivasan, Michele Chaban, Theo Koffler, Jon Kristian Salunga, Katherine Weare, and John Bell hướng dẫn - Họ là những thiền sinh đã có nhiều năm ứng dụng pháp môn Chánh niệm vào các lĩnh vực giảng dạy và thực tập. Các buổi thuyết trình đều rất hào hứng và sôi nổi, tạo cảm hứng thực tập cho rất nhiều người.

 

xxx

 

Đa số thiền sinh là giáo sư đại học. Nghe khóa tu cho giáo chức họ nghĩ là sẽ có những hội nghị bàn tròn, các giáo sư lão thành phát biểu ý kiến, v.v... Nhưng buổi đầu khóa tu lại nghe tụng kinh, mấy trăm thầy tu niệm Bồ tát Quan Thế Âm… Họ sốc lắm nhưng đến cuối khóa tu thì có khoảng 500 người thọ Năm Giới. Một cô thiền sinh tham dự khóa tu đã chia sẻ: "Rõ ràng là nếu bây giờ bạn muốn có một đời sống bình an và bảo vệ sự sống, bạn phải có một cái nhìn sáng tỏ về cách thức tiêu thụ. Năm giới là sự đóng góp cho nền đạo đức toàn cầu." Chia sẻ của cô liên quan đến kinh nghiệm thực tập về giới thứ 2: Hạnh phúc chân thật và giới thứ 5: Tiêu thụ có chánh niệm.

 

 

Khóa tu chấm dứt thật tuyệt vời, không ai muốn ra về. Ai cũng đòi chụp hình với quý thầy quý sư cô. Ba tăng thân ở Toronto đồng tổ chức khóa tu này, mỗi tăng thân được tặng một bức thư pháp của Sư Ông. Các bạn tình nguyện viên thì ra về hạnh phúc với tấm áo pull có dòng chữ: "Happy teacher will change the world". Sư cô Định Nghiêm chia sẻ: "Các thầy cô giáo tội lắm, họ khát khao tu tập, làm cho chị ước gì từ đây về sau cứ dành khóa tu cho họ, để sau đó họ lại đi dạy bao nhiêu là con nít và người trẻ."

 

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC :

PHẬT SỰ

VU LAN 2551

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ III - II

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6 | 7

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.