.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Ullambanaa báo hiếu

Quà tặng mẹ

  • Mùa Vu lan

Mẹ tôi cũng như những bà mẹ Việt Nam ở miền quê. Đời sống của mẹ rất bình dị, tóc mẹ dài và bới lại thành một cái búi nhỏ thật dễ thương. Những khi mẹ gọi đầu bằng nước bồ kết, tôi cứ tìm cách đến gần bên để ngửi lấy hương thơm bồ kết bay ra từ tóc mẹ. Hồi còn nhỏ tôi là một đứa nhỏ ham chơi. Suốt ngày cứ la cà ngoài đường phố với những đứa con nít hàng xóm và chơi những trò chơi con nít; đánh đủa, chơi u, nhảy dây, giật cờ v.v..chúng tôi có hàng chục loại trò chơi con nít. Tôi mê chơi quên cả về nhà. Mẹ tôi giận lắm, có một lần bà lấy roi đánh, đau quá tôi nằm khóc cho đến khi đi vào giấc ngủ. Mơ màng tôi cảm thấy có bàn tay mềm mại đang xoa vào vết đau nơi bị đánh và mùi dầu cù là bay vào mũi. Mở mắt ra tôi thấy mẹ đang xít xoa: “Mai mốt con đừng có hư như vậy nữa!” nước mắt tôi lăn dài trên má, mẹ vội ôm tôi vào lòng.

Người ta nói mẹ tôi rất có tay buôn bán. Đến khi theo ba về thì mẹ cũng tiếp tục nghề buôn bán của mình, do vậy mà nhà tôi càng ngày làm ăn càng phát đạt. Mẹ nói, buôn bán mà ăn gian thì giàu mau hơn nữa. Nhưng mẹ nói: “Buôn bán như vậy đủ ăn rồi, má không muốn ăn ở thất đức”. Lúc ấy tôi không biết thế nào là “ăn ở thất đức”. Khi lớn lên, mẹ giải thích cho tôi “ăn ở thất đức” là buôn gian bán lận (cân hàng thiếu) hoặc cho vay lấy lời, v.v.. Tôi nhớ có một lần mẹ cho không một gia đình nghèo vì họ mua gạo mà không có tiền trả. Mẹ nói: “Nhiều người nghèo lắm con, nhà mình khá giả thì nên giúp họ”.

Sau khi ba mất, mẹ tôi thường đi chùa. mẹ có rất nhiều bạn. Một ngày tết, tôi theo mẹ và các bạn của mẹ đi lễ chùa. Tất cả đều đi bộ, từ chùa này qua chùa kia ở đường Hậu Giang, quận 6. Trên đường đi, mỗi khi gặp một miểng chai, mẹ và các bạn đều dừng lại để lượm miểng chai ấy bỏ vào trong một cái bao nylon, vì sợ có ai đạp nhằm thì bị đứt chân. Một hành động rất nhỏ nhưng thể hiện đầy lòng từ bi. Hình ảnh đẹp của mẹ đã đi sâu vào lòng tôi cho đến khi tôi khôn lớn. Sau năm 1975 với sự đổi thay của đất nước, mẹ tôi như vừa tỉnh dậy từ một cơn mê. Mẹ thấy cuộc đời vô thường, khổ nhiều hơn vui, mẹ muốn tất cả chị em chúng tôi đều đi xuất gia để thoát khỏi cuộc đời ô trược này. Ước mơ của mẹ đã thành sự thật. Bây giờ tôi hiểu rõ hơn tại sao chị em chúng tôi đều đi tu, vì chúng tôi đã được mẹ gieo hạt giống xuất gia vào tâm thức từ khi còn ấu thơ.

Mẹ tôi cũng đi tu. Mỗi lần mẹ tôi đi về Làng, người đầu tiên mà mẹ muốn đến chào là sư ông Làng Mai. Bất cứ gặp sư ông ở đâu, bất kể là chỗ dơ hay sạch, mẹ tôi đều năm vóc sát đất lạy sư ông, biểu lộ lòng tôn kính đối với bậc trưởng thượng. Rồi không nói gì hết, mẹ thò tay vào túi rút ra phong bì dâng lên sư ông bằng hai tay một cách thật cung kính. Mẹ tôi rất kính trọng những bậc trưởng thượng, bà rất thương những người xuất gia, nhất là những thầy cô trẻ. Có một lần khi về Xóm Mới (chùa Từ Nghiêm) tu học. Thấy có quá nhiều sư cô trẻ, mẹ thương lắm, gặp các sư cô trẻ là mẹ thường ôm và hôn lên má như hôn các em bé thơ. Mẹ nói: “Thấy các sư cô còn trẻ mà biết tu, Trí Quả quý lắm.” Gặp các thầy cô trẻ là mẹ cứ dúi tiền cho để mua quà. Ngày nào mẹ cũng đều có mặt trong bếp để phụ xắt gọt. Đến giờ mẹ công phu, mẹ nói: “Tới giờ công phu rồi, Trí Quả xin phép đi nghen.” Mẹ không hề bỏ một buổi công phu nào cả. Những vị thiền sinh Tây phương thấy mẹ, họ rất thương, họ nói: “She is so cute.” Mẹ luôn mỉm cười thật hiền khi nhìn họ, dù mẹ không hiểu họ nói gì cả. Mẹ nói: “Người Tây mà cũng tu đàng hoàng quá, thật đáng quý.” Thấy những vị thiền sinh ăn không hết cơm, mẹ nhắc họ gắng ăn cho hết, đừng bỏ tội. Tôi hiểu tại sao mẹ tôi làm như vậy. Vì người đã từng chứng kiến những cảnh đói của thập niên bốn mươi. Người đã biết công phu lao tác như thế nào từ hạt lúa thành ra hạt gạo, cho nên mẹ tôi trân quý từng hạt gạo. Mẹ là người rất bảo vệ môi sinh. Mẹ tiết kiệm từng tờ giấy trắng, từng giọt nước trong. Mỗi khi tôi sài phung phí nước, hay lấy giấy lau miệng, là tôi nhớ đến mẹ tôi, và tôi dừng lại sự phung phí của mình. Mẹ có một cái áo nhật bình, đi đâu mẹ cũng mặc. Có lần chị em tôi muốn sắm cho mẹ một cái áo mới, mẹ không chịu, bảo rằng: “Cái áo này đâu có rách gì, má mặc cho đến chết.” Chúng tôi lén sắm cho mẹ cái áo khác, nhưng người vẫn thích mặc cái áo cũ. Với ai mẹ cũng thương, với ai mẹ cũng nhắc nhỡ thật tình. Ngày mẹ đi về nhà, các sư cô đứng xếp hàng thật dài để được thiền ôm với mẹ. Mọi người ai cũng thương và quý trọng mẹ.

Một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi. Năm 1996, tôi xin phép Thầy đưa mẹ về thăm quê hương. Quê mẹ tôi nằm tận cùng đất nước, miền Cà Mau. Ngồi trên thuyền đi từ chợ vào tới quê, gặp ai mẹ cũng khuyên người ta ăn chay, niệm Phật, bất kể quen hay lạ. Tôi ngồi bên mẹ mà sượng sùng, vì những người mẹ khuyên, trên tay họ đầy cả giỏ cua hoặc cá, hoặc gà, họ nhìn mẹ với đôi mắt chế giễu. Tôi cứ khều tay mẹ ra dấu đừng nói nữa. Nhưng mẹ tôi thật là vô ngại, vẫn tiếp tục không ngừng, lúc ấy tôi liền lớn tiếng ngăn không cho mẹ nói nữa. Mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy hối hận trong lòng, cảm thấy mình thật có lỗi với mẹ. Tôi không hiểu mẹ đang học hạnh của đức bồ tát Thường Bất Khinh. Đó là câu chuyện trong kinh Pháp Hoa, phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh. Có một vị bồ tát gặp bất cứ ai, ngài cũng lạy xuống và nói: “Tôi chẳng dám khinh rẽ quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Bụt.” Đi tới đâu ngài cũng đều nói như thế cả, mặc dù có nhiều người mắng nhiếc cho là ngài điên khùng, liệng đá, hoặc cười chế giễu, nhưng ngài vẫn tiếp tục không ngừng. Không ai ngờ ngài chính là một vị Bồ Tát đang thực tập hạnh 'Bất Khinh', đi gieo rắc Phật tính trong tất cả mọi người không phân biệt. 

Khi mình sống với người thân thương, mình cứ tưởng rằng người đó sẽ có mặt đó cho mình hoài. Mình đâm ra coi thường sự hiện hữu của người kia. Có những lúc mình đã nói và làm những điều làm cho người kia đau buồn mà mình không biết. Mình sống rất hời hợt với những người mình thương. Đến khi một biến cố gì đó xảy ra thì mình hối tiếc. Bánh xe thời gian đã nghiền nát tất cả những gì nó đi qua, mình muốn quay trở lại cũng không kịp nữa rồi. Điều này đã đem rất nhiều khổ đau, tuyệt vọng cho nhiều người. Chánh niệm giúp cho tôi thấy rõ là mình làm khổ cha mẹ, hay cha mẹ làm khổ mình là do vô minh mà ra. Có rất nhiều người con oán hận cha mẹ đã làm khổ mình, lạm dụng mình hồi còn bé thơ. Khi nhìn sâu vào lòng thực tại, thì mình thấy không ai muốn làm cho người mình thương bị đau khổ. có cha mẹ nào mà lại không thương con.  Hôm kia, sư cô Hộ N. kể cho tôi nghe một con humming bird (một lại chim nhỏ chuyên hút nhụy hoa) bảo vệ con.  Khi thấy sư cô đi lại gần tổ của nó, nó vội bay ra chận đường sư cô lại.  Một con chim nhỏ như nó mà lại không sợ một người to lớn như sư cô.  Loài động vật thương con quên cả thân mạng mình, huốn hồ là loài người. Có cha mẹ nào mà lại không thương con! Nhưng vì hoàn cảnh, vì sự thiếu hiểu biết, hay vì tập khí chúng ta mới làm khổ nhau.  Khi hiểu như vậy, tôi thấy mình tự tha thứ những lỗi lầm do mình đã làm cho mẹ buồn.  Và ngược lại những gì mà cha mẹ đã làm mình tổn thương, mình cũng nên buông bỏ.

Đã bốn năm tôi vẫn chưa về thăm nhà. Tôi sợ về thăm nhà, vì đời sống ngoài xã hội rất dễ lôi kéo, tôi thấy sự thực tập của mình vẫn còn yếu kém, cần phải nương tựa Tăng thân. Tôi nhớ đến câu chuyện của Tổ Hoàng Bá. Từ khi Tổ đi xuất gia, ngài rất ít về thăm nhà. Mẹ của người đã già và bị mù mắt, vì nhớ thương con mà lập một cái quán ở ven sông. Mỗi khi có một vị xuất gia nào đi ngang, bà đều cúng dường thức ăn, chỗ ngủ, hy vọng rằng một ngày nào đó một trong những vị xuất gia khất thực là con của bà. Bà chờ hoài mà không bao giờ gặp. Nhưng một hôm ngài trở về thăm mẹ, và không cho mẹ biết là mình trở về, vì sợ sự lưu luyến làm khó lòng cho kẻ xuất gia thoát vòng tình cảm của thế tục. Sáng hôm sau, ngài đón chuyến đò sớm để ra đi, không biết ai đó đã cho bà biết là ngài trở về và đang đón đò để ra đi. Nghe tin ấy, bà lật đật chạy ra bến đò, thì đò đã rời bến một đoạn cũng khá xa. Bà quýnh quáng réo gọi tên ngài, mong ngài quay trở lại, trợt chân bà té xuông sông. Thuyền vẫn chưa xa lắm, tiếng la cầu cứu làm cho những người trên đò trông thấy, đò cập bến, nhưng không kịp nữa rồi, bây giờ mẹ ngài như một cái xác không hồn. Đứng bên xác mẹ, ngài nguyện rằng: “Trong gia đình mà có một người con tu giác ngộ, thì cha mẹ bảy đời của người ấy được sanh lên cõi thiên.” Đọc đến đây tôi cảm động rơi nước mắt. Tình thương của mẹ đối với con không bờ bến. Nhưng ý chí dõng mãnh xuất gia giải thoát của Tổ Hoàng Bá cũng vô lượng. Thương mẹ, nhưng không muốn vì tình cảm mà ràng buộc lý tưởng giải thoát của mình.

“Ngày của Mẹ” (mother's day) tôi gọi điện thoại về hỏi thăm mẹ. Tôi phải hét thật lớn thì người mới nghe tôi nói. Mẹ nói: “Lâu quá rồi, cô chưa về.” Tai của mẹ đã lãng đi rất nhiều, giọng của người khàn khàn. Tôi cảm thấy giọng nói của mẹ tha thiết muốn gặp lại tôi. Tôi phải về thăm mẹ thôi. Tôi thấy mình không thể so sánh như ngài Hoàng Bá. Vô thường nhắc tôi phải biết trân quý những gì đang có mặt trong giờ phút hiện tại. “Mẹ là dòng suối ngọt ngào...” Tôi phải về để bơi lội trong dòng suối mát, để thưởng thức hương vị ngọt ngào của chuối ba hương, của sôi nếp một, của đường mía lau. Tôi muốn giải thoát sự ràng buộc, nhưng tôi không muốn làm đau lòng mẹ. Trong lúc mẹ đang còn sống mà không ý thức được điều ấy, đến khi mẹ mất thì than khóc, kêu la, tiếc nuối nổi gì?

Tôi và sư cô Huyền Nghiêm đã đến thăm một gia đình có một người mẹ bị ung thư. Bác sĩ đã bó tay, người mẹ đã đến giai đoạn chót, chỉ chờ chết. Chúng tôi ngồi ăn cơm với bà mẹ và những người con. Chúng tôi chia sẻ về vô thường; hãy trân quý sự sống của mẹ trong những tháng ngày còn lại. Chúng tôi chia sẻ pháp môn thiền ôm với gia đình, và mời những người con thực tập thiền ôm với mẹ. “Thở vào, tôi thấy mẹ đang còn sống. Thở ra, tôi trân quý sự có mặt của mẹ.” “Thở vào tôi thấy mẹ có mặt trong tôi. Thở ra tôi thấy mình là sự tiếp nối của mẹ.” Những giọt nước mắt rơi xuống trên mặt của những người con trong khi ôm mẹ. Có thể trước đây các anh chưa từng thực sự ôm mẹ của mình. Các anh đã ôm mẹ một cách vội vã, hay ôm mẹ với những dự án, những lo âu toan tính trong đời sống, các anh đã không ý thức sự có mặt của mẹ trong giờ phút hiện tại, bây giờ thấy mẹ không còn bao lâu ở trên đời này nữa, nên các anh đã khóc. Khóc vì hối tiếc, vì sợ hãi mất mẹ, hay khóc vì hối hận?

Nhiều người trong chúng ta đã từng như vậy. Có khi chúng ta thương tiền bạc, danh vọng, hơn là những người ta thương, trong đó có mẹ của ta. Khi vô thường đến, chúng ta khóc than, chúng ta làm đám ma cho lớn, xây mã cho đẹp, gọi là báo hiếu. Khi mẹ còn sống, chúng ta không chăm sóc mẹ đàng hoàng, đến khi mẹ mất chúng ta làm thức ăn cho ngon để cúng. Bao nhiêu người trong chúng ta đã từng lầm lỗi như vậy? Tôi nhớ đến một câu chuyện của một người Mỹ: “Hôm đó là ngày Mother's day. Ông có dự định đến tiệm bán hoa, và đặt mua một bó hoa hồng và nhờ tiệm bán hoa đem đến cho mẹ của mình, vì ông quá bận rộn. Trước ông là một thằng bé trong thất thểu, nó muốn mua một cây hoa hồng tặng mẹ mà không có tiền, động lòng ông liền trả tiền cây hoa hồng cho đứa bé, còn tình nguyện chở nó đến gặp mẹ của nó. Ông hỏi địa chỉ, và thằng bé chỉ đường cho ông đến, khi đến nơi, ông xúc động mạnh vì đó là một nghĩa trang. Thấy thằng bé đặt cây hoa hồng trước bia mộ của mẹ với tất cả sự thương yêu, làm cho ông thay đổi ý định. Sau đó ông chạy thẳng đến tiệm hoa và xin lại bó hoa hồng. Hôm đó ông đã chạy suốt đêm về nhà mẹ, tự tay mình dâng lên bó hoa hồng cho mẹ, và ôm mẹ trong đôi bàn tay để thấy rằng mẹ mình đang còn sống.” Tôi nghĩ chúng ta không cần phải đợi đến ngày Mother's day hay Father's day, hay ngày lễ Vu Lan, chúng ta mới mua bông hồng hay quà tặng cho cha mẹ. Bất cứ giây phút nào trong hiện tại, sự có mặt của chúng ta, tình thương của chúng ta là món quà quý nhất đối với cha mẹ rồi. Mỗi mùa Vu Lan, là tôi có dịp được nghe bản văn của Bông Hồng Cài Áo. Lần nào nghe tôi thấy mình cũng cảm động. Tôi thích nhất đoạn văn : Chiều nay khi đi học về, hay đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng thật bền...rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ, để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên anh...Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Chúng ta, những người vẫn còn cha còn mẹ, chúng ta phải làm liền đi, kẻo không kịp. Tôi sẽ về thăm mẹ, và sống thật trọn vẹn những ngày ở bên mẹ, để sau này mình không có gì phải tiếc nuối.

Sáng nay sau buổi ngồi thiền, tôi và sư cô Hộ Nghiêm thiền hành về lại xóm Trong Sáng.  Mây vẫn còn phủ đầy đỉnh núi, những bông hoa trắng nở khắp cả rừng núi ẩn hiện trong sương mù.  Chúng tôi đứng lặng nhìn cái đẹp của thiên nhiên, chim hót líu lo vang trời.  Tôi nói nhỏ: “Đúng là cõi Tịnh độ không khác.” Nghĩ đến mẹ, tôi tự hỏi “có bao giời mẹ thấy khung cảnh này chưa?”

“Má ơi! Bây giờ con và các sư em đang ngồi trên tảng đá cao để ngắm mặt trời lặn. Chúng con đang an trú trong hơi thở chánh niệm, không để tâm rong ruỗi về quá khứ, cũng không lo nghĩ về tương lai, chỉ để tâm vào hiện tại là ngắm mặt trời đang từ từ xuống sau dãy núi xa. Gọi là phương pháp ngồi yên!

Ngồi yên để nhìn rõ lại mình.  Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên... Mỗi buổi sáng con có 45 phút để ngồi yên.  Mỗi buổi chiều con có những giây phút ngồi yên.  Ngồi yên để nghe tiếng nói của con tim mình. Đã lâu mình không nghe tiếng nói của trái tim, những đau nhức, buồn vui của nó.  Mình quá bận rộn trong đời sống hàng ngày.  Cho nên có những người bị bệnh đau tim, vì đã bỏ quên nó.  Ngồi yên để soi chiếu lại những gì mình đã làm, đã nói với những người mình thương trong những tháng ngày qua, để có cơo hội làm, đã nói với những người mình thương trong những tháng ngày qua, đdể có cơ hội làm mới lại đời mình. Gần hết cuộc đời má lo cho chồng cho con, cho đến khi già, má vẫn chưa thật sự ngồi yên. Ngày xưa ba má lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Mặt trời đã lặn để lại màu ráng chiều làm hồng cả một chân trời ven triền núi, đẹp quá! Má có bao giờ thấy không? Bây giờ má đã già, má không thể nào leo lên non cao với con được nữa. Chiều nay, con ngắm mặt trời lặn bằng con mắt của má. Con đang thở bằng hơi thở của má. Trong quá khứ hầu như má chỉ chứng kiến những khổ đau: chiến tranh, nghèo đói, vật lộn với đời từng miếng cơm manh áo. Má không có nhiều cơ hội để chứng kiến những cái đẹp của Địa Cầu, cho nên má thích đi về cõi Tịnh độ. Má nói: “Ở cõi Ta Bà nhiều khổ đau quá, má chỉ muốn sanh về cõi cực lạc.” Nếu má tiếp xúc được những mầu nhiệm của cõi Ta Bà, thì chắc chắn rằng má sẽ thấy được cõi Tịnh độ ngay nơi này, lúc ấy má sẽ không cầu mong đi về đâu nữa cả. Huống chi ở cõi Tịnh độ này thì có bé Đức, thằng cháu nội út cưng của má. Má ơi! Con biết rằng má rất can đãm, sự tu tập sẽ giúp má không sợ chết. Má có những đứa cháu thật ngoan đang là sự tiếp nối của má đó. Má vui lắm phải không? Con thấy má đang mỉm cười thật hạnh phúc trong con.  Má thương! Mình ngồi cho thậy yên, an trú trong hơi thở ý thức, má cùng với con thưởng thức những nhiệm mầu của sự sống trong giây phút hiện tại, nhe má!”

Mùa Vu Lan 2006

 

Lòng Mẹ
Hoàng Oanh trình bày
 
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.

Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.

Thương con thao thức bao đêm trường,
Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.
Thương con khuya sớm bao tháng ngày.
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.

Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền.
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên.

II.
Lòng Mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa.
Tình Mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe,
Lời ru xao xuyến núi đồi suối rừng rặng tre.
Sóng ven Thái Bình im lìm khi tiếng Mẹ ru.

Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ.
Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca.
Mẹ hiền sớm tối khuyên nhủ bao lời mặn mà.
Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa.

Thương con Mẹ hát câu êm đềm,
Ru lòng thơ ấu quản gì khi thức trắng đêm.
Bao năm nước mắt như suối nguồn.
Chảy vào tim con mái tóc trót đành đẫm sương.

Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.

*Mời nghe cô Giao Linh
**Mời nghe cô Hoàng Oanh, hòa âm Trúc Hồ, DVD Asia - Ơn Nghĩa Sinh Thành, 2002.
 
 
Giao Linh trình bày

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.