.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :



 Người thương của tôi mất rồi,

tôi phải đi tìm ở đâu ?

(Phần I)

 

  • Tháng III 2007 - Chân An Tịnh và Chân Giác Lưu phiên tả và biên tập
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 16 - III - 2007
    tại
    chùa Vĩnh Nghiêm - Sài Gòn trong Đại lễ
    Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt Trai Đàn
    Â
    m thanh MP3 : Phần 1 (11MB)    Phần 2 (6MB)

 

Kính thưa Đại chúng,

Hôm nay là ngày 16 tháng 3 năm 2007, chúng ta đang ở tại chùa Vĩnh Nghiêm trong Đại Trai Đàn Giải Oan Chẩn Tế Bình Đẳng. Hôm nay là ngày đầu của Đại Trai Đàn. Đề tài của buổi  thuyết giảng của hôm nay là:

” Người thương của tôi mất rồi, tôi phải đi tìm ở đâu ?”

Người thương tôi chết tôi phải đi tìm người đó ở đâu? Chúng phải lắng lòng và cùng quán chiếu để có thể thấy được.

Ví dụ như khi chúng ta gieo một hạt bắp xuống đất và nếu có trận mưa thì trong năm ngày hay bảy ngày, hạt bắp sẽ nẩy mầm và sẽ lên một cây bắp. Mười ngày sau đó, chúng ta thấy được một cây bắp non, hai lá hay là ba lá và nhìn kỹ thì không có thấy hạt bắp nữa. Bây giờ đây thay vì thấy hạt bắp thì mình thấy một cây bắp con và mình nói hạt bắp đã chết rồi.

Kỳ thật hạt bắp không có chết! Hạt bắp đã trở thành cây bắp con. Nó thay hình đổi dạng.

Nếu mà nhìn cho kỹ, nhìn bằng con mắt của người Phật tử, nhìn bằng con mắt của người biết tu, biết quán chiếu, thì khi mình thấy cây bắp non, mình cũng có thể thấy được hạt bắp ngày xưa đang có mặt trong cây bắp non đấy.

Nó chưa chết! Nó vẫn còn tiếp tục ở trong cây bắp non và nó thay hình đổi dạng.

Chúng ta cũng vậy. Khi chúng ta nhìn vào trong thân thể chúng ta, mà nhìn cho thiệt kỹ, thì chúng ta thấy cha ở trong ta, mẹ ở trong ta. Có thể cha ở ngoài mất rồi, mẹ ở ngoài mất rồi. Nhưng cha trong ta và mẹ trong ta vẫn còn sống, vẫn còn tiếp tục, tại vì mình là sự tiếp nối của cha, mình là sự tiếp nối của mẹ. Mình đang mang cha và mẹ đi vào trong tương lai.

Khoa học cũng nói như vậy. Tất cả những cái „gen“ của cha và  mẹ đang có ở trong từng tế bào cơ thể của mình và vì vậy cho nên khi mình thở vào thì cha cũng thở vào với mình. Khi mình thở ra thì mẹ cũng thở ra với mình. Đây là một chuyện hết sức khoa học.

Nếu mình buồn khổ thì cha mẹ trong mình cũng buồn khổ, nếu mình nhẹ nhàng khỏe khoắn thì cha mẹ ở trong mình cũng nhẹ nhàng khỏe khoắn. Cho nên mình sống như thế nào, mình phải tu tập như  thế nào để mình có sự nhẹ nhàng khỏe khoắn và cha mẹ trong ta cũng được nhẹ nhàng, khỏe khoắn. Mình là một đứa con có hiếu. Nếu mình giận dữ, mình buồn tủi, mình khổ đau thì là cha trong mình cũng giận dữ, buồn tủi, khổ đau, mẹ trong mình cũng giận dữ buồn tủi, khổ đau.

Nhưng nếu mình mỉm cười hoan hỷ được, thì cha ở trong mình cũng mỉm cười hoan hỷ, và mẹ ở trong mình cũng có thể mỉm cười hoan hỷ được. Mình như thế là một đứa con có hiếu. Cái sự thật là : chúng ta là sự tiếp nối của cha, của mẹ và của ông bà, tổ tiên. Mình tưởng rằng ông bà tổ tiên đã mất rồi, không còn nữa, nhưng kỳ thật ông bà tổ tiên vẫn đang còn ở trong ta, ở trong mình và mình mang tất cả ông bà tổ tiên dòng họ và cha mẹ mà đi vào trong tương lai. Mình cũng sẽ trao truyền tất cả tổ tiên ông bà cha mẹ cho con của mình và cho cháu của mình. Đó là con cháu huyết thống. Mình trao truyền tổ tiên, ông bà, cha mẹ cho con cháu huyết thống.

Khi đi xuất gia thì mình sẽ không có con cháu huyết thống nữa, nhưng mình có con cháu tinh thần. Và khi mình có đệ tử, và đệ tử của đệ tử thì đó cũng là một loại con cháu và con cháu này gọi là dòng họ tâm linh. Mình cũng trao truyền tất cả những sự tu học, thành đạt, an lạc, hạnh phúc, giải thoát của mình cho đệ tử và đệ tử của đệ tử.

Vì vậy cho nên trong người đệ tử có thầy và mỗi khi người đệ tử đó nói một câu dễ thương thì thầy trong người đệ tử cũng đang nói một câu dễ thương. Nếu người đệ tử nói một câu khó thương thì thầy trong người đệ tử cũng nói một câu khó thương. Người đệ tử đó là không có hiếu với thầy. Nếu người đệ tử có tu học, biết thở vào cảm thấy khỏe, thở ra cảm thấy nhẹ thì đó là người đệ tử đang  làm cho thầy mình hạnh phúc. Nếu mình tu học thành công, mình có sự thảnh thơi, giải thoát, lòng từ bi nhiều thì mình sẽ trao truyền được những cái đó cho các đệ tử và đệ tử của đệ tử mình.

Vì vậy cho nên chúng ta có hai gia đình. Một là gia đình huyết thống và một cái là gia đình tâm linh. Nếu thiếu một gia đình thì nó còn thiếu nhiều. Trên hai vai chúng ta mang hai gia đình. Một vai mang gia đình huyết thống gồm có tổ tiên ông bà cha mẹ và một vai thì mang  gia đình tâm linh : có thầy, có tổ, có Bụt và chư vị Bồ Tát.

Trong con người của mình có sự tiếp tục của ông bà tổ tiên trong huyết thống và có sự tiếp tục của ông bà tổ tiên tâm linh. Vì vậy mình phải là những người con có hiếu. Mình phải làm thế nào để đừng đánh mất cái giá trị của tổ tiên ông bà đã trao truyền cho mình.

 

Không sinh không diệt.

Bây giờ mình hãy quán chiếu về một đám mây ở trên trời. Khi  đám mây ở trên trời  biến thành mưa thì mình có thể gọi đám mây đó đã chết, tại vì nhìn lên không thấy đám mây nữa. Nhưng điều đó  không có nghĩa là đám mây không còn. Nó còn nhưng mà nó đã thay hình đổi dạng. Nó đã biến thành mưa. Trong kiếp trước nó là đám mây, nhưng mà trong kiếp hiện tại nó là mưa, và ngày mai nó có thể biến thành dòng suối. Và vì vậy cho nên đám mây  cũng thay hình đổi dạng.

Ông bà của mình cũng vậy, tổ tiên của mình cũng vậy và cha mẹ của mình cũng vậy. Có thể là họ không còn với hình thức cũ nhưng mà họ không phải là đã mất. Mình nói “Ba tôi mất rồi!” không có đúng. Nói ba tôi thay hình đổi dạng rồi thì đúng hơn. Cũng như khi mình nói là  cái hạt bắp đã chết  thì nó không đúng. Nói: “Cái hạt bắp nó đã thay hình đổi dạng để trở thành cây bắp non “ thì nó đúng hơn. Cho nên ba mình, ông nội mình, ông ngoại mình đang còn đâu đó. Đừng có nói rằng những người đó đã mất rồi. Không ! Họ không có mất.

Đám mây không thể nào chết được. Đám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành nước đá, mưa đá, trở thành tuyết, trở thành… nước trà. Khi tôi nâng một ly trà lên tôi uống, mà uống trong chánh niệm, nhìn cho sâu, cho kỹ thì tôi thấy rõ ràng đám mây đang ở trong ly trà của tôi. Và  thay vì uống trà thì tôi đang uống mây. Mỗi ngày quý vị uống mây rất nhiều nhưng mà quý vị không biết là mình đang uống mây. Mây nó chưa bao giờ chết. Mây nó đã trở thành nước mưa. Nó trở thành canh. Trở thành nước trà. Nó trở thành nước dừa. Nó trở thành nước mía. Và  vì vậy cho nên bản chất của đám mây là không sinh không diệt.

Ban đầu mình nhìn khơi khơi trên bề mặt thì mình thấy như đám mây có sanh có diệt. Nhưng mà khi mình nhìn cho kỹ -gọi là thiền quán- thì mình khám phá ra rằng đám mây nó không sinh không diệt. Trước khi đám mây là đám mây thì nó đã là sông, đã là hồ, đã là biển cả. Rồi nhờ sức nóng, nhờ ánh sáng chiếu xuống nước bốc hơi thành đám mây. Đám mây đó không phải từ không mà trở thành có. Đám mây đã tới từ ao hồ, sông ngòi, rạch và biển cả. Và đám mây có một kiếp trước của nó. Trước khi đám mây biểu hiện thành đám mây thì nó đã là những cái gì khác rồi. Thì mình cũng vậy. Trước khi mình sanh ra thì mình đã là cái gì đó trước rồi. Chứ không phải sau khi mình sanh ra mới bắt đầu có.

Tờ giấy này, trước khi nó sanh ra ở trong nhà máy giấy thì nó có là con số không đâu ? Từ con số không làm sao mà trở thành tờ giấy được. Mình nhìn kỹ vào trong tờ giấy mình thấy rằng ở trong đó có rừng cây. Nếu không có rừng cây thì làm sao có bột giấy được. Người thông minh nhìn vào tờ giấy họ thấy rừng cây, họ thấy mưa ! Nếu không có mưa thì làm sao cây mọc được. Cho nên trong tờ giấy có rừng cây, có mưa. Trong nó có mặt trời. Nếu không có mặt trời chiếu xuống thì làm sao cây cối mọc? Trong này có đất. Nếu không có đất thì làm sao cây mọc? Vì vậy cho nên nhìn vào tờ giấy mà nhìn cho thật lâu thật kỹ, sẽ thấy rất nhiều các yếu tố kiếp trước của nó. Những yếu tố kiếp trước của nó là đất, là đám mây, là mặt trời, là rừng cây.

 

Là những biểu hiện

Người tu thiền nhìn rất là sâu. Nhìn vào một cái thì thấy được rất nhiều cái. Cũng như khi mình nhìn vào cây bắp thì mình thấy được ht bắp. Tuy là cái tướng của hột bắp nó không còn nữa, nhưng kỳ thực hột bắp nó đang còn ở trong cây bắp. Nó thay hình đổi dạng. Vì vậy cho nên người thương của mình không thật sự mất. Người thương của mình thay hình đổi dạng. Và nếu như mình có khả năng nhìn cho kỹ, nhìn cho sâu, thì mình vẫn thấy được sự có mặt của người mình thương đâu đó, nhất là ở trong tự thân của mình và xung quanh mình. Rất gần. mà mình tưởng là xa. Cũng như là khi mình nâng ly trà lên uống, ở trong ly trà đá mình uống đâu có thấy đám mây. Nhưng kỳ thực đám mây nó rất gần. Trong khi mình đang uống ly trà đá thì mình đang uống mây. Và mây ở đâu ? Mây ở trong mạch máu của mình. Mình có tới mấy chục lít mây ở trong con người. Nếu không có mây ở trong con người của mình thì mình khô héo. Cho nên mây không phải chỉ ở trên trời mà thôi, mây còn ở trong bình trà của mình. Mây ở trong cây mía, ở trong trái dừa, ở trong máu của mình. Như vậy thì mây rất gần mà mình tưởng là mây xa.

Người thương của mình cũng vậy, rất gần mình mà mình cứ tưởng ở đâu rất là xa. Nhờ quán chiếu mà mình thấy được người thuơng của mình rất gần gũi với mình và mình có thể xúc chạm, có thể nói chuyện với người đó được. Nếu mình biết người thương của mình đã thay hình đổi dạng thì mình biết rằng người đó vẫn còn, vẫn còn đó. Mình có thể tiếp xúc với người đó bằng nhiều cách. Mình có thể nói chuyện với người đó.

Ba tôi mất đã từ lâu rồi nhưng mà mỗi ngày tôi có thể nói chuyện được với người. Tại vì tôi biết rằng ba tôi đang có mặt trong từng tế bào của cơ thể. Có một bữa ngồi thiền tôi thấy khỏe quá, tôi thấy nhẹ nhàng quá, thấy trong lòng rất là bình an, không có ước mơ cái gì hết, không có chạy theo cái gì hết. Tôi có hạnh phúc rất lớn. Tôi nói cha con mình thành công rồi. Mình giải thoát rồi. Mình nhẹ nhàng rồi. Thật đúng  như vậy. Tu là mình tu cho cha, mình tu cho mẹ, cho ông bà tổ tiên. Nếu mà mình có an lạc có giải thoát, có lòng từ bi thì tổ tiên của mình, ông bà của mình, cha mẹ mình cũng có an lạc, giải thoát và từ bi. Mình là đứa con rất là có hiếu. Ai bảo đi tu là không có hiếu. Đi tu là một  phương pháp báo hiếu rất là sâu sắc.

Mỗi khi tôi đi thì tôi đi những bước chân rất là nhẹ nhàng thanh thản, bước nào cũng vững chãi, bước nào cũng thảnh thơi. Bước chân nào cũng nuôi dưỡng tôi và bước chân nào cũng đem lại hạnh phúc. Trong khi tôi đi như vậy tôi tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở. Những cái đó nuôi dưỡng tôi, trị liệu cho tôi. Đi như vậy tôi đi như là con người tự do. Tôi đi như đức Thế Tôn đã từng đi ngày xưa. Từng bước chân thảnh thơi. Từng bước nở hoa sen. Mình đi như vậy thì cha mẹ ông bà và tổ tiên ở trong người mình cũng đi được như vậy. Mình là một đứa con có hiếu. Mình là một đứa đệ tử có hiếu. Tôi cảm thấy tôi là một đứa con có hiếu là một đứa đệ tử có hiếu tại vì tôi thở cho thầy, tôi thở cho Phật, tôi thở cho ông bà tổ tiên. Tôi mỉm cười cho thầy, tôi mỉm cười cho Phật, tôi mỉm cười cho tổ tiên. Tôi không có những phiền não. Tôi có nhiều lòng từ bi. Tôi biết là Phật, thầy tổ, ông bà tổ tiên ở trong tôi đang hạnh phúc. Tôi biết rằng tôi là một đứa con có hiếu nhờ tôi có tu.

Trước hết mình phải từ bỏ quan niệm là người thương của mình bây giờ không còn nữa, người thương mình mất rồi, từ có mà trở thành không. Đó là một cái tà kiến, tức là một cái thấy sai lầm (tiếng Anh gọi là wrong perception, wrong view). Trước khi tờ giấy là tờ giấy thì nó không phải là con số không. Quí vị có đồng ý với tôi như vậy chăng? Trước đó nó đã là cái gì rồi. Nó không phải từ không mà trở thành có. Nó là sự tiếp nối. Ngày mình ra đời là ngày tiếp nối, chứ không phải là ngày từ không mình trở thành có. Danh từ ngày sinh cũng không có đúng lắm vì sinh có nghĩa là từ không mà trở thành có. Danh từ ngày tiếp nối hay hơn nhiều. Trước đó mình đã có rồi dưới một hình dạng khác, bây giờ mình tiếp nối dưới một hình dạng khác. Thật sự ra ngày sinh không phải là ngày sinh mà là ngày thay hình đổi dạng, ngày tiếp nối.

 

Chỉ có sự tiếp nối thôi

Tôi có nói trước tiên mình phải bỏ đi ý tưởng từ không đến có và từ có trở thành không. Cái đó gọi là tà kiến (wrong view). Nhìn vào đám mây mình biết rằng trưóc khi là đám mây, nó đã là cái gì khác. Nhìn vào tờ giấy, mình biết rằng trước khi là tờ giấy nó đã là cái gì khác rồi, như rừng cây chẳng hạn. Nhìn vào cây bắp mình biết rằng cây bắp nó không phải sinh ra mà là sự tiếp nối của hạt bắp và hạt bắp cũng là sự tiếp nối của cây bắp. Chỉ có sự tiếp nối thôi. Cho nên thay vì chúc mừng ngày sinh mình nên chúc mừng ngày tiếp nối. Thay vì chúc happy birthday thì mình chúc happy continuation day.  Ngày mình chết cũng thật chưa phải là ngày chết, là ngày tiếp nối, tiếp nối với một cái dạng khác, thay hình đổi dạng mà thôi! Cũng vậy, đám mây đâu có chết! Đám mây không còn trong hình thái của đám mây nữa. Đám mây đã trở thành mưa. Nếu nhìn cho kỹ thì thấy trong mưa có đám mây, trong trà có đám mây.

Tu thiền giúp cho mình thấy những cái mà người không tu không thấy được. Đám mây không chết! Đám mây chỉ thay hình đổi dạng. Người thương của mình cũng vậy. Người thương của mình không chết. Người thương của  mình chỉ thay đổi dạng mà thôi. Cái ý tưởng từ không trở thành có, từ có trở thành không : trước khi sinh mình không là cái gì hết, sau khi sinh mình mới là một cái gì, rồi sau một trăm năm hay ít hơn mình chết, mình từ có trở thành không, ý tưởng đó là một tà kiến. Cái thấy đó rất sai lầm. Mình phải  lấy cái thấy đó ra khỏi đầu của mình. Mình gần với Phật nhiều hơn.

Bản chất của đám mây là không sinh không diệt. Bản chất của tờ giấy là không sinh không diệt. Bản chất của người thương của mình cũng vậy : không sinh không diệt. Người thương của mình vẫn có đó, vẫn đang có mặt rất gần mà mình không thấy được. Mình tưởng đây chỉ là nước mà không phải là mây. Nhưng kỳ thật đây cũng là mây.

Sai lầm đầu tiên mình phải lấy ra khỏi đầu mình là tà kiến : từ không trở thành có và từ có trở thành không. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có một câu thơ : ”Đâu có lẽ có chiều qua mà không sáng nay”.

 

Thay đổi trong từng phút từng giây

Ý tưởng thứ hai, cũng là một tà kiến: người thương của mình bây giờ cũng y hệt như người thương của mình mười năm, hai mươi năm trước. Người thương của mình đã thay hình đổi dạng. Nếu mình tìm người thương của mình dưới cái dạng ngày xưa thì mình sẽ không tìm thấy được. Nếu mình tìm đám mây trong dạng hiện tại thì mình sẽ thấy đám mây. Nhưng nếu trong đầu mình chỉ nghĩ đến cái dạng nổi trên trời thì mình sẽ không tiếp xúc được với đám mây. Mình phải thấy rằng sự vật thay đổi hình dạng. Nếu mình muốn tìm người thương của mình thì mình đừng bị kẹt vào hình tướng cũ của người thương.

Giáo lý của đạo Phật nói về vô thường, có nghĩa là thay đổi, thay đổi trong từng phát từng giây. Chính chúng ta cũng thay hình đổi dạng trong từng phút từng giây. Mình lật cuốn album của mình hồi còn nhỏ. Mình thấy cái hình của mình lúc năm tuổi. Bây giờ mình rất khác với em bé năm tuổi đó. Mình đã thay hình đổi dạng. Tuy rằng mình vẫn còn tên là Nguyễn Thi Thu Nguyệt, nhưng em bé tên Nguyễn Thị Thu Nguyệt và thiếu phụ bốn mươi, năm mươi tuổi Nguyễn Thi Thu Nguyệt rất là khác nhau. Nếu tìm em bé đó thì bây giờ sẽ không tìm thấy được vì em đã thay hình đổi dạng. Nguyễn Thị Thu Nguyệt của năm tuổi đã trở thành Nguyễn Thị Thu Nguyệt của bốn mươi, năm mươi tuổi. Vì vậy phải nhìn vào Nguyễn Thi Thu Nguyệt của năm mươi tuổi tìm gặp Nguyễn Thị Thu Nguyệt của năm tuổi. Mình còn thay hình đổi dạng huống hồ là người thuơng của mình. Mình đừng đi tìm người thương của mình dưới hình thức quen thuộc mà mình có trong đầu.

Ngày xưa trong văn phòng của của chúng tôi bên Pháp có một bà người Anh. Bà đến làm việc tự nguyện giúp cho văn phòng. Là người Anh nên bà viết thư từ bằng thiếng Anh rất giỏi. Lúc đó bà đã bảy mươi tuổi nhưng còn mạnh lắm. Bà là người Anh giáo, không phải là Phật tử, nhưng bà rất thương mình nên tình nguyện làm thư ký không công cho phái đoàn Phật giáo hòa bình tại hội nghị Paris. Mỗi ngày bà chỉ ăn hai bửa cơm chay, không có lương tiền mà làm việc rất giỏi. Bà nói chồng bà ngày xưa rất đẹp trai nhưng ông chết lúc ba mươi tuổi. Hình ảnh của người con trai ba mươi tuổi đó còn ở mãi trong bà. Bà tin rằng khi chết bà lên thiên đường sẽ gặp ông trở lại.

Một hôm ăn sáng xong tôi hỏi bà : ”Này bà, bà nói rằng khi chết bà lên thiên đường sẽ gặp lại ông, nhưng bà gặp lại ông dưới hình thức nào? ba mươi tuổi hay bảy mươi tuổi. Bây giờ bà đã bảy mươi tuổi rồi, nếu gặp ông, ông sẽ không nhận ra bà đâu. Hồi đó bà là một thiếu phụ rất trẻ, rất đẹp. Bây giờ bà bảy mươi tuổi, lên trên đó làm sao ông nhận ra. - Ông sẽ nói “Bà không phải là người thương của tôi! Người thương của tôi trẻ lắm mà. Bà đâu phải là người thương của tôi. Bà đừng có nhận là người thương của tôi”. Tại vì bà đã thay hình đổi dạng, mà ông có lẽ cũng thay hình đổi dạng. Nếu bà tìm hình bóng của người con trai ba mưoi tuổi năm xưa thì có thể bà sẽ thất bại.

Đó là cách tôi chia xẻ giáo lý vô thường vô ngã của đạo Phật cho một người Anh giáo.  Bà có hơi lúng túng. Sự thật là như vậy, là vô thường. Ngay sự sống của mình cũng vô thường huống hồ là cuộc sống chung quanh mình.

Vậy thì hai tà kiến mình phải lấy ra khỏi đầu là : một là có sinh và có diệt , hai là sự vật vẫn y như vậy không thay đổi. Sự vật luôn luôn thay hình đổi dạng.  Nếu nắm được hai điều đó thì gần với tuệ giác của đức Thế tôn.

 

Người thương của mình ở khắp nơi

Trong cuộc chiến tranh dai dẳng trên đất nước chúng ta có gần năm sáu triệu đồng bào đã chết vì bom đạn hoặc vì những nguyên do khác. Chúng ta thiết lập Trai Đàn Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt để cầu nguyện cho tất cả đồng bào của chúng ta. Bình đẳng có nghĩa là cho tất cả các đồng bào không phân biệt tôn giáo, đảng phái chính trị. Chúng ta cầu nguyện cho người cộng sản và cho người chống cộng sản. Người miền Nam chúng ta cũng cầu nguyện cho, người miền bắc chúng ta cũng cầu nguyện cho. Không có sự phân chia, không có sự kỳ thị hận thù. Cái đó gọi là bình đẳng. Nước Đức cũng bị chia đôi như nước Việt nam, nhưng họ có phước hơn mình vì sau đó họ thống nhất được nước Đức mà không cần phải có chiến tranh đổ máu. Đông Đức và Tây Đức bây giờ là một nước và họ đang đóng vai trò lãnh đạo trong Liên minh Châu Âu.

Năm sáu triệu người mình chết cũng oan ức. Nếu mình khôn khéo hơn, nếu mình biết con đường bất bạo động thì mình không cần phải đi qua cuộc chiến tranh như vậy. Những người chết trong chiến tranh, những người đó là ai, họ là đồng bào của mình. Họ là cha, là anh, con trai, em trai của mình. Họ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ đất nước, để dành độc lập cho đất nước. Cái chết của họ rất oai hùng nhưng cũng có người chết không vẻ vang như vậy mà chết trong hoàn cảnh rất là tăm tối, rất oan ức và hài cốt của hằng trăm ngàn người vẫn chưa thể tìm ra được. Người thương của mình ở khắp nơi, có đến năm sáu triệu người chứ không phải chỉ có bốn năm người thân trong gia đình. Chúng ta quy tụ lại để cầu nguyện siêu độ cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ cho người thân trong gia đình mà thôi.

 

Thực tập buông bỏ, tha thứ

Kỳ này về thăm quê hương, tôi đã được thủ tướng chính phủ cho phép hợp tác với giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức ba trai đàn : một ở miền Nam theo nghi lễ cổ truyền miền Nam tại chùa Vĩnh Nghiêm. Một ở Quốc tự Diệu  Đế miền Trung theo nghi thức cổ truyền miền Trung, một ở chùa Non ( Sóc Sơn ) miền Bắc theo nghi thức cổ truyền miền Bắc.

Chúng ta có những khổ đau, oan ức trong lòng chưa có cơ hội nói ra được. Chúng ta nén những khổ đau đó xuống. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta bận rộn, có khi ta giận con cháu, ta la rầy đánh đập chúng. Có thể vì những khổ đau oan ức bị dồn nén xúi đẩy chúng ta có những lời nói, hành động không dễ thương. Chúng ta chưa có cơ hội nhận diện những khổ đau oan ức ở trong lòng. Trai Đàn Chẩn tế Giải oan là một trong những phương pháp thực tập trị liệu, cho phép những đau khổ oan ức trào lên ánh sáng của ý thức. Ta nhận diện những khổ đau oan ức đó là có thật để cầu nguyện chuyển hóa cho thân tâm được nhẹ nhàng. Khi thân tâm được nhe nhàng thì chúng ta không có những lời nói, hành động gây tổn thương cho người thương của chúng ta.

Nếu không thực tập chúng ta có thể sẽ trao truyền những oan khổ đó cho các thế hệ tương lai. Con cháu chúng ta có thể sẽ hành xử một cách bạo động, làm khổ những người thương của chúng nó mà không biết tại sao. Sự thật là vì những đau khổ uất ức đó chưa được chuyển hóa nên tiếp tục truyền về các thế hệ tương lai. Cho nên Đai Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan có mục đích là chuyển hóa những oan khổ của những người đã mất và cả những oan khổ của những người đang còn sống.

Khi còn sống, nếu chúng ta có nhiều hận thù buồn tủi, ta không được nhẹ nhàng thì ta sẽ làm khổ thân mình và làm khổ người thân của mình. Khi ta chết rồi mà vẫn còn những hận thù oan ức thì ta cũng không được nhẹ nhàng. Có những phương pháp giúp cho người sống được thảnh thơi nhẹ nhàng. Có những phương pháp giúp cho người đã chết - những người thay hình đổi dạng - chuyển hóa được những hận thù, những nổi khổ niềm đau. Trai Đàn Chẩn tế Giải Oan giúp người sống lẫn người chết chuyển hóa được cái nặng nề oán thù đã dồn chứa từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác.

Mỗi chúng ta được ban tổ chức đề nghị nên lập một bàn linh trước hiên nhà. Trên bàn linh có thể cúng cháo trắng, nước trong, cúng gạo, muối, bắp hay khoai luộc tùy ý. Mỗi ngày phải thay cháo, thay nước trong, phải tụng kinh, đọc tam quy năm giới. Trong suốt ba ngày liên tục thắp hương. Mình ráng ăn chay để giúp sự chuyển hóa của những người chết được dễ dàng hơn. Mình hồi hướng công đức cho những người đã chết. Trong ba ngày đó mình làm việc thiện. Mình  bố thí phóng sanh, thả chim, thả cá, cấp học bổng cho sinh viên nghèo, cho thuốc người bệnh, làm việc từ thiện xã hội. Đó là một sự thực tập để chuyển hóa những nghiệp cũ nặng nề, để cho người sống cũng như người chết có được nghiệp mới nhẹ nhàng.

Vì vậy Ba ngày của trai đàn Chẩn tế là ba ngày chúng ta phải thực tập nghiêm mật. Chúng ta thực tập để đừng có những tư tưởng đen tối hận thù, tư tưởng trách móc đối với bản thân, con cái, bạn bè. Hãy thương lấy những người thân của mình, Hãy thương lấy những bạn bè của mình dù trong quá khứ những người đó đã từng vụng dại lỗi lầm, đã nói và làm những điều khiến cho mình đau khổ. Trong ba ngày Trai đàn Chẩn tế chúng ta phải thực tập buông bỏ, tha thứ, thì chúng ta mới có thể giúp cho các vong linh được nhẹ nhàng.

Trong ba ngày đó chúng ta phải nói nhũng lời ái ngữ, không nói những lời buộc tội, oán hờn, lên án, trách móc. Ta phải tập nói nhũng câu nói dịu dàng đầy tình thương có khả năng hiểu biết, đùm bọc, đó gọi là khẩu nghiệp.

Về ý nghiệp ta có những tư tưởng đi đôi với từ bi tha thứ. Nó góp phần vào sự chuyển nghiệp của chúng ta và sự chuyển nghiệp của người thương đã chết.

Trong ba ngày trai đàn chẩn tế, chúng ta nên có những thân nghiệp có khả năng chuyển hóa : Chúng ta không sát sanh, đánh đập, không làm khổ người khác. Trái lại ta có những cử chỉ chăm sóc, thương yêu, lo lắng, bảo vệ như phóng sanh, bố thí. Ta có thể sử dụng ba nghiệp - thân khẩu, ý - để chuyển hóa bản thân và giúp chuyển hóa những người đã khuất.

Nếu trong nước tất cả đều thực tập ba ngày như vậy thì sau ba ngày đó niềm vui, hạnh phúc, tình huynh đệ, tình đồng bào sẽ lên rất cao. Cả nước phải cùng thực tập với nhau. Người Phật tử đã đành mà người Công giáo cũng nên thực tập như vậy. Ban tổ chức đề nghị bên Công giáo và Tin lành nên lập bàn thờ như vậy, thay vì đọc kinh Phật thì có thể đọc Thánh kinh. Người Marxist cũng có thể thiết lập một bàn linh trước hiên nhà và đọc những đoạn văn có tính cách tâm linh của Marx.

Tóm lại, Trai Đàn Chẩn tế mở rộng lòng để ôm lấy tất cả đồng bào không phân biệt Nam Bắc, không phân biệt tôn giáo, lập trường chính trị, hoàn toàn bình đẳng. Chúng ta chấp nhận nhau, chấp nhận đồng bào của chúng ta, người sống cũng như người chết. Trong tinh thần cởi mở đó, chúng ta tiếp xúc được với Tam Bảo, với Phật Pháp Tăng, và nhờ vào năng lượng vĩ đại của Tam bảo mà tất cả các vong linh đều được chuyển hóa siêu độ. Công đức của chúng ta sẽ vô lượng. Đó là cách chúng ta giúp nước giúp dân bằng sự tu tập chuyển hóa ba nghiệp của mình. Về ý nghiệp chỉ phát khởi ý tưởng thương yêu tha thứ. Về khẩu nghiệp chỉ nói những lời thương yêu, tha thứ, khuyến khích. Về thân nghiệp chỉ làm những việc có tính cách che chở, đùm bọc, bảo vệ, cứu độ, phóng sanh từ thiện.

Ban tổ chức rất trông cậy vào tất cả đồng bào - Phật tử hay không Phật tử - thực tập nghiêm chỉnh trong ba ngày Trai Đàn Chẩn tế. Chúng ta sẽ góp phần lớn lao vào sự chuyển hóa nghiệp của cộng đồng của đất nước, giúp cho những đồng bào nạn nhân của cuộc chiến tranh dai dẳng được nhẹ nhàng siêu thoát.

Niềm vui và và sự siêu thoát của họ cũng sẽ trở thành niềm vui và sự siêu thoát của chúng ta và của con cháu chúng ta.

(Còn tiếp)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.