.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Nói với Doanh Nhân Việt Nam

 

  • Tháng III 2007 - Chân An Tịnh và Chân Giác Lưu biên tập
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 15 - III - 2007 tại khu du lịch Văn Thánh, TPHCM
    Â
    m thanh MP3 : Phần 1 (10MB)   Phần 2 (8MB)
     

1. Phần thực tập

Tôi thở vào và tôi ý thức tôi đang còn sống.
Tôi thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.

Thở vào tôi thấy cha và mẹ tôi có mặt trong từng tế bào cơ thể tôi.
Thở ra tôi mỉm cười với cha và mẹ trong từng tế bào của cơ thể.

Thở vào tôi ý thức được hình hài của tôi.
Thở ra tôi buông thư tất cả những căng thẳng ở trong cơ thể.

Thở vào tôi thấy khỏe quá.
Thở ra tôi thấy nhẹ quá.

Thở vào tôi mời ba tôi cùng thở vào với tôi, tại vì ba tôi đang có mặt trong tôi.
Thở ra tôi mời ba tôi cùng thở ra với tôi và mỉm cười với tôi.

Thở vào con thấy khỏe quá, ba có thấy khỏe như con không ?
Thở ra con thấy nhẹ quá, ba có thấy nhẹ như con không? 

Thở vào tôi mời mẹ tôi trong tôi cùng thở vào với tôi.
Thở ra tôi mỉm cười và mời mẹ tôi mỉm cười với tôi trong khi thở ra.

Thở vào con thấy khỏe quá, mẹ có thấy khỏe như con không ?
Thở ra con thấy nhẹ nhàng trong thân quá, mẹ có thấy nhẹ nhàng trong thân như con không ?

 

2. Phần Pháp Thoại của Sư Ông

Doanh nghiệp đã trở thành ra một nhà độc tài

            Kính thưa quý vị, Frederic là một nhà doanh thương người Đức rất  tài ba. Ông ta cũng rất có tinh thần trách nhiệm. Ông thành công trong doanh nghiệp của ông và ông rất hài lòng về sự thành công đó. Ông tìm niềm vui trong sự thành công của doanh nghiệp. Claudia cũng rất là hạnh phúc được làm vợ của ông chủ . Claudia chia sẻ với Frederic tất cả những khó khăn, những lo lắng. Mỗi khi tổ chức một buổi tiếp tân thì Claudia rất là hãnh diện vì mình là vợ của ông chủ. Claudia đã thức nhiều đêm với chồng để nghe chồng than thở và kể những khó khăn, những ước vọng. Cố nhiên hai vợ chồng đều mong muốn doanh nghiệp của họ thành công. Cả hai đều nghĩ rằng nếu doanh nghiệp thành công thì hạnh phúc của mình sẽ tăng lên gấp mười lần hoặc là hai mươi lần. Claudia rất yểm trợ cho chồng. Ban đầu họ rất có hạnh phúc. Nhưng mà từ từ doanh nghiệp đã trở thành ra một nhà độc tài, một cô vợ bé muốn lấy hết tất cả thì giờ và năng lượng của Frederic. Thì giờ của Frederic là để nghĩ tới doanh nghiệp và để tìm ra trăm phương ngàn kế làm sao cho doanh nghiệp thành công. Frederic bắt đầu không có thì giờ cho chính bản thân mình và không có thì giờ cho vợ cùng cho hai đứa con.  Claudia bắt đầu thấy lẻ loi vì bị bỏ rơi. Cladia thường than thở với Frederic : “ Anh phải có thì giờ cho anh chứ !. Anh phải có thì giờ cho gia đình chứ !. Nếu mà anh bị cuốn hút hoàn toàn vào trong doanh nghiệp như vậy thì anh không có thì giờ cho anh. Em thấy anh không sống được cho anh, anh chỉ sống cho cái doanh nghiệp mà thôi. Em thấy anh không có thì giờ cho em và cho hai đứa con của chúng ta. Cuộc sống như vậy không thật sự có hạnh phúc”. Frederic thì nói rằng: “ Tình trạng bây giờ đây nếu không có anh trong doanh nghiệp thì không ai có thể đóng được vai trò của anh hiện bây giờ. Em kiên nhẫn đi, nội trong ba bốn năm nữa anh sẽ thoát ra khỏi. Lúc đó có người thay thế anh, anh sẽ có nhiều thì giờ cho em và cho các con”. Claudia thường hay tâm sự với chồng trong đêm và Frederic luôn luôn trả lời như vậy: “ Em hãy ráng chờ thế nào mình cũng có thì giờ cho nhau”. Khi Philip, đứa con trai của hai người, vào nhà thương để mổ tim thì Frederic cũng không về nhà được, không vào nhà thương để thăm con trai được. Một mình Claudia phải ở thức luôn với đứa con trai bảy giờ đồng hồ liên tiếp. Đến khi chính Claudia vào nhà thương mổ cái bướu thì Frederic cũng không về được và không có mặt cho vợ mình. Mình có thể nói cái doanh nghiệp đó nó trở thành ra một nhà độc tài, nó muốn chiếm hết tất cả thì giờ và năng lượng của nhà doanh thương. Và Frederic ý thức được rằng là mình không có thì giờ cho mình và cũng không có thì giờ cho vợ con. Nhưng ông hy vọng rằng mai mốt có thể tháo gỡ tình trạng này được và mình sẽ có thì giờ cho mình và cho vợ con. Nhưng mà cái ngày mai đó không bao giờ tới hết. Sau đó chỉ có sáu tháng thì Frederic bị tai nạn xe hơi và chết lúc năm mươi mốt tuổi. Ông chưa bao giờ có thì giờ để về hưu sống với vợ con. Cái doanh nghiệp đó chỉ cần ba ngày thôi là tìm được một giám đốc mới thay thế cho Frederic. Thế mà trong hồi còn sinh tiền Frederic cứ nói rằng: “ Không có ai thay thế được tôi. Tôi rất là quan trọng thành ra tôi phải bám lấy doanh nghiệp, tôi phải có tinh thần trách nhiệm”. Nhưng ba ngày sau khi Frederic chết thì người ta tìm ra được một giám đốc mới liền lập tức. Claudia tới tham dự một khóa tu tại Pháp và bà đã kể câu chuyện này với tất cả các thiền sinh. Cố nhiên chúng ta thường nghĩ rằng nếu mà mình thành công trong doanh nghiệp thì sẽ dư dả tiền bạc, chúng ta sẽ có đủ cái quyền hành. Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng nếu mình có quyền hành, tiền bạc thì người khác phải nghe theo mình và mình có thể tự do làm theo những điều mình muốn. Nhưng mà sự thật thì khi nhìn cho kỹ ta thấy rằng nhà doanh thương này không có tự do, không có khả năng sống cho mình, không có thì giờ để sống cho những người thương. Mình bị cái doanh nghiệp kia nó cuốn hút cho nên mình không có thì giờ để thở, để mỉm cười, để thấy trời xanh mây trắng, để tiếp xúc với những cái mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại.

 

Thương yêu và chăm sóc cho những người thương

Nói như vậy không có nghĩa là mình không có nên làm doanh nghiệp, doanh thương. Trong thời của đức Phật có một nhà doanh thương rất là nổi tiếng tên là Cấp Cô Độc, ông ta rất giàu. Nhưng ông ta đồng thời cũng là một người thực tập theo giáo lý của đức Thế Tôn. Ông có một cái chiều hướng tâm linh ( spiritual dimension) trong đời sống doanh thương của ông. Ông đã tìm cách để cho vợ và các đứa con cũng tham dự vào đời sống tâm linh đó. Bà vợ của ông Cấp Cô Độc cũng đi nghe đức Thế Tôn thuyết giảng mỗi nửa tháng và cũng tham dự vào những ngày Quán niệm. Họ cũng thực tập thở, cũng thực tập đi. Ba đứa con cũng cùng tham dự, hai đứa con gái và một đứa con trai.

Gia đình Cấp Cô Độc (Anathapindika) là một gia đình có hạnh phúc. Anathapindika, tức Cấp Cô Độc, biết rằng hạnh phúc không phải là chỉ do tiền bạc mà còn do có tình thương. Vì vậy Anathapindika đã để cho cái tình thương làm động lực đưa mình tới sự thành công. Anathapindika có thì giờ cho vợ con, có thì giờ cho tăng đoàn, có thì giờ cho lý tưởng của mình. Anathapindika là tên do dân trong thành phố đặt cho ông. Tên của ông ta là Sudatta, nhưng mà dân rất là thương nên mới đặt tên cho ông là Anathapindika, có nghĩa là người có khả năng cấp dưỡng cho những người nghèo khổ và cô độc trong thành phố, trong vương quốc. Cấp tức là cấp dưỡng, cô độc tức là những người neo đơn, những người không có ai để nương tựa. Cuộc đời của Anathapindika, nhà doanh thương đó là cuộc đời đầy lòng từ bi, đầy sự thương yêu, biết thương yêu chăm sóc cho bản thân mình, biết thương yêu, chăm sóc cho những người thương trong gia đình và biết thương yêu chăm sóc cho những người dân trong nước. Vì vậy Anathapindika có rất nhiều người bạn tốt . Dân ở trong thành phố rất thương ông và đã đặt cho ông ta cái mỹ hiệu là Cấp Cô Độc có  nghĩa là người biết thương và biết cấp dưỡng cho những người neo đơn, những người không nơi nương tựa.

Có một lần Anathapindika bị phá sản, tức là làm ăn thất bại hoàn toàn. Nhưng ông ta không có buồn gì hết, không có đau khổ gì hết. Ông ta là một người có hạnh phúc. Ông ta có nhiều bạn bè rất thương ông, rất cảm ơn ông đã nâng đỡ và cứu giúp họ trong những lúc họ gặp khó khăn. Cho nên khi Anathapindika bị phá sản thì các bạn tới giúp Anathapindika dựng lại cái doanh nghiệp của ông một cách rất là mau chóng. Như vậy ông đầu tư vào tình bạn, ông đầu tư vào gia đình, ông đầu tư vào trong  tăng đoàn của đức Thế Tôn. Ông là người rất có nhiều hạnh phúc khi phục vụ cho đức Thế Tôn, cho tăng đoàn và cho giáo pháp. Hể nói tới đức Thế Tôn, nói tới giáo pháp, nói tới tăng đoàn thì ông ta sáng mắt ra. Mà nói tới sự giúp đỡ những người nghèo khổ đói khát và cô đơn trong nước thì ông ta cũng sáng mắt ra. Nói tới những đứa con thì ông ta cũng sáng mắt ra, tại vì ông ta có thì giờ để thương và chăm sóc những người mình thương. Cho nên cái mà Tây Phương gọi là bottom line , cái nó nằm ở dưới hết, chính là tình thương chứ không phải là sự đam mê tiền tài và danh vọng. Nếu mình chỉ có sự thèm khát quyền uy và danh vọng thôi thì mình không có thể nào có hạnh phúc được như Anathapindika. Anathapindika là một nhà doanh thương trên cơ bản của tình thương. Vì vậy Anathapindika rất có nhiều hạnh phúc.

Ở trong đạo Phật cũng có nói đến uy quyền. Uy quyền trong đạo Phật rất là khác với uy quyền của người có nhiều tiền bạc, danh vọng và quyền thế. Chúng tôi đã gặp những người rất giàu như là ông Rockefeller, ông Ford là những người rất có quyền thế và danh vọng. Nhưng mà những người đó họ không có hạnh phúc và có người đã phải tự tử. Thành ra tiền tài, danh vọng, quyền thế có thể đóng góp một phần nào đó cho hạnh phúc của mình. Nhưng mà nếu thiếu một cái gì  nữa, dầu có ba cái đó cũng không có hạnh phúc. Cái đó là tình thương.

Cố nhiên khi bắt đầu một doanh nghiệp chúng ta bắt đầu bằng tình thương. Chúng ta bắt đầu doanh nghiệp đó là tại vì thương gia đình, thương dòng họ, thương con, thương mẹ mà làm. Lúc bắt đầu rất là tốt, nhưng mà từ từ chúng ta say cái mùi thành công. Chúng ta tìm hạnh phúc trong sự thành công và sự vẻ vang Sự thèm khát thành công, quyền lực và vẻ vang đã thay thế cho tình thương. Và ta bắt đầu mất hạnh phúc.

Bí quyết để nhà doanh thương có thể giữ lại hạnh phúc là nuôi dưỡng tình thương mỗi ngày, đừng để cho sự thèm khát, thành công, tiền bạc và quyền thế thay thế cái tình thương của mình. Ban đầu Frederic cũng như vậy, Frederic là một người có trách nhiệm, rất thương vợ, rất thương con và ông bắt đầu cái doanh nghiệp mình bằng tình thương đó. Nhưng mà chính Frederic đã phản bội lại cái đó vì Frederic đã để cho cái ước mong thành công thay thế cái nhu yếu thương yêu. Nếu quý vị nhìn lại mà thấy rõ ràng rằng cái sự ước ao, cái sự mong mỏi thành công nó lớn hơn cái mong mỏi muốn thương yêu, muốn chăm sóc cho người mình thương thì quý vị biết rằng quý vị đã bắt đầu đi theo Frederic.

Mình có hạnh phúc, khi mình có thì giờ cho mình, khi mình biết cách làm lắng dịu những căng thẳng và những cái đau nhức ở trong thân của mình. Khi mà mình biết nhận diện và ôm ấp những cái nỗi khổ niềm đau làm cho nó lắng dịu lại thì mình không gây những khó khăn, những khổ đau cho người xung quanh mình. Nếu mình ở trong trạng thái căng thẳng, bức xúc thì mình có thể nghĩ, có thể nói và có thể làm những cái gây đổ vỡ trong phạm vi gia đình mình và trong doanh nghiệp của mình. Và như vậy nó có hại tới cái sự thành công của doanh nghiệp. Cho nên tu thân là trở về chăm sóc cái thân thể của mình, biết tránh đi sự dồn nén những căng thẳng, những đau nhức trong cơ thể, biết làm lắng dịu những cái buồn, khổ, những cái sợ hãi, giận hờn, biết mỉm cười và nhìn bằng con mắt thương yêu. Cái đó rất là quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp. Khi mình có sự tươi mát, sự thương yêu, sự nhẹ nhàng, khi mình không có sự căng thẳng trong thân và trong tâm thì mình không gây những đổ vỡ trong phạm vi gia đình của mình. Mình làm cho gia đình mình thành ra liên minh với mình trong cái doanh nghiệp. Vì mình để ý tới họ, tới vợ, con và chồng mình, thành ra vợ, con hay chồng mình cũng để ý tới mình. Và khi gia đình của mình có hạnh phúc và mình có hạnh phúc thì mình cũng sẽ đối xử với những nhân viên ở trong doanh nghiệp của mình với cái tình thương đó. Mình để ý tới sự yên vui của họ. Mình biết được những cái đau khổ nó xẩy ra trong cái đời sống cá nhân của họ và gia đình họ và mình ân cần thăm hỏi. Mình biến cái doanh nghiệp thành một gia đình và những người trong cái doanh nghiệp của mình sẽ rất trung thành với mình.

 

Biến doanh nghiệp thành  gia đình

Tờ báo Fortune bên Mỹ mỗi năm nêu ra một trăm doanh nghiệp đứng hàng đầu trên thế giới để người ta có thể đầu tư vào. Khi mà nghiên cứu về bản chất cùng nội dung của một trăm cái doanh nghiệp đứng hàng đầu trên thế giới này mình thấy có một điểm chung là tất cả các doanh nghiệp này, cái nào cũng nghĩ đến cái sự an vui, sự cứu hộ của tất cả các vị giám đốc, các nhân viên và nhân công ở trong doanh nghiệp. Tức là mình phải chăm sóc cho nhau, phải để ý tới những khó khăn, bức xúc của nhau và tìm đủ cách để đem lại sự lắng dịu, niềm vui và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Nếu làm chủ một cái doanh nghiệp mà mình không làm được điều đó cho mình và cho gia đình mình thì mình không thể nào làm được điều đó cho những nhân viên trong doanh nghiệp của mình. Với tình thương, với sự tu tập, với một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày của một nhà doanh thương thì mình có thể thành công nhiều hơn. Mình có cơ hội thành công nhiều hơn là nếu mình không có cái chiều hướng tâm linh đó.

Đạo Phật có nói tới quyền uy nhưng  cái thứ quyền uy này nó hơi khác với thứ quyền uy của những nhà chính trị hay những nhà doanh thương. Chữ Hán là Đức ( la vertu ). Cái đức thứ nhất là đoạn đức. Đoạn là khả năng chặt đứt, khả năng chặt đứt những hận thù, những đam mê, những nghi ngờ. Khi mà trong lòng mình có quá nhiều hận thù, quá nhiều đam mê, nghi ngờ thì mình không có hạnh phúc. Nếu không có hạnh phúc thì mình không thể ban phát hạnh phúc cho những người khác, kể cả những người trong gia đình của mình, đừng nói là những người trong doanh nghiệp. Cho nên tu tập trước hết là để có khả năng cắt đứt những hận thù, lo lắng những sợ hãi, giận hờn. Sự thực tập đó đem lại sự nhẹ nhàng, thanh thoát trong cơ thể và trong tâm hồn của mình. Cái đó không thể nào mua được ở ngoài siêu thị. Mình phải đạt tới nó, do sự tu tập. Cái đức thứ hai là trí đức, trí đức tức là cái tuệ giác. Tuệ giác là mục đích đầu của người tu: đạt tới trí tụê. Tuệ giác khác với kiến thức của mình, cái mà mình chất chứa trong khi học ở nhà trường. Những cái do mình đọc sách hay là đi học mà có được gọi là kiến thức. Còn tuệ giác là cái thấy, tiếng Anh gọi là inside. Mình nhìn, mình quan sát cho thật kỹ thì tự nhiên mình có cái tuệ giác. Đạo Phật gọi Tuệ giác là Bát Nhã ( prajnã ). Sự nghiệp của người tu là đạt tới tuệ giác. Khi có tuệ giác rồi thì mình giải quyết các vấn đề bức xúc, mâu thuẫn rất là dễ dàng. Có cái tuệ giác đó mình tháo gỡ vấn đề ra lập tức. Nếu không có cái tuệ giác đó thì cứ quanh quẩn trong vòng lo lắng buồn giận, sầu khổ, sợ hãi.

Theo nguyên tắc, những nhà tâm lý trị liệu phải có tuệ giác để giúp cho những người bị bệnh tâm thần tháo gỡ được những lo lắng, sầu khổ và sợ hãi. Không có cái tuệ giác đó, các nhà tâm lý trị liệu không giải tỏa được những khó khăn của chính mình thì làm sao họ có thể giúp những người khác giải tỏa được những khó khăn ?. Cho nên cái đức thứ hai là phải có cái nhìn cho sâu, phải có tuệ giác. Với cái tuệ giác đó mình tháo gỡ được cho mình và cho những người khác. Mình không còn là nạn nhân của sự lo lắng, sợ hãi, sầu khổ nữa.

Đó là cái đức thứ hai, một cái uy quyền thứ hai. Uy quyền thứ nhất là đoạn đức, khả năng cắt đứt những sầu khổ, những đam mê, lo lắng và sợ hãi. Thứ hai là  trí đức tức cái trí tuệ có khả năng tháo gỡ được những cái trạng thái tâm lý bức xúc, khó khăn.

Thứ ba là ân đức tức khả năng tha thứ và thương yêu. Và khi một người có ba cái dức đó thì người đó có hạnh phúc và người đó có thể ban phát hạnh phúc cho rất nhiều người xung quanh, dầu người đó không có nhiều tiền. Nhưng mà nếu người đó có được cái quyền lực của một nhà chính trị, có được cái tài sản của một vị doanh thương thì người đó có thể ban phát hạnh phúc nhiều hơn. Cho nên chúng ta không lên án, không nói xấu quyền lực và sự giàu sang. Nếu không có ba cái đức của đời sống tâm linh thì cái quyền lực đó, cái sự giàu sang đó có thể trở thành một yếu tố phá hoại, phá hoại hạnh phúc của chính mình và của những người khác.

Nói tới quyền lực thì ai có quyền lực bằng tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Làm tổng thống Mỹ có biết bao nhiêu là quyền lực : mình là chỉ huy trưởng một quân đội lớn nhất trên thế giới, mình là cường quốc đệ nhất trên thế giới. Nhưng nếu nhìn kỹ tổng thống Bush thì mình sẽ thấy rằng có nhiều lúc ông cảm thấy rất là bất lực. Ví dụ như mình nghĩ tới cái chuyện chiến tranh Iraq của ông. Bây giờ tiếp tục chiến tranh Iraq cũng không được mà muốn chấm dứt nó cũng không có được, khạc không ra mà nuốt cũng không vào. Cảm tưởng của tổng thống Bush đối với vấn đề Iraq là cảm tưởng bất lực. Trong khi đó ai cũng nghĩ rằng tổng thống Hoa Kỳ là người có nhiều quyền lực nhất trên thế giới. Rất là may mắn cho quý vị, quý vị khỏi phải làm tổng thống Hoa Kỳ. Nếu quý vị làm tổng thống Hoa Kỳ thì chắc quý vị bây giờ đang khổ lắm. Có một nền kinh tế lớn nhất thế giới, một quân đội hùng mạnh nhất thế giới (cái quyền lực đó ai có thể phủ nhận được? ) nhưng mà thiếu tình thương, không thấy được nỗi khổ niềm đau của những người đang chịu đựng chiến tranh, đang chịu đựng chia cắt, đang chịu đựng bom đạn.

Có quyền lực cách mấy, giàu sang cách mấy mà không có tình thương, không có từ bi thì cũng không có hạnh phúc. Tình thương mà không có thì dầu có giàu sang cách mấy, dầu có quyền năng cách mấy cũng không có hạnh phúc và mình rất là cô đơn. Ông Ford giám đốc thế hệ thứ tư của hãng xe hơi có tới và tu tập với chúng ta bốn mươi tám giờ đồng hồ. Ông đã nói chuyện với chúng tôi về đời sống của những nhà tỷ phú. Họ rất là cô đơn. Họ có nhiều lo lắng, sầu khổ,  nhiều nghi ngờ. Họ nghĩ rằng người nào tới với họ cũng là để lợi dụng. Vì thế họ không có bạn. Mình phải nhận diện một sự thật là nếu mình không có tình thương, không có lý tưởng để phục vụ tình thương đó thì dầu mình có giàu sang cách mấy, mình có quyền lực lớn cách mấy thì mình cũng không có hạnh phúc được. Tình thương, lòng từ bi giúp cho mình có thể liên hệ được với người khác và những sinh vật khác. Liên hệ được với những người khác thì mình mới không cô đơn. Còn nếu không có tình thương thì mình một mình vò vỏ, một mình một cỏi, không ai hiểu mình, mình không hiểu được ai. Và vì vậy cho nên tình thương rất là quan trọng cho hạnh phúc. Khi mình thành đạt với tư cách một nhà doanh thương, khi cái doanh nghiệp mình thành công, mà nếu mình còn có thêm ba cái đức là đoạn đức, trí đức và ân đức thì hạnh phúc của mình rất lớn. Hạnh phúc của mình ban phát ra chung quanh rất  lớn. Mình trở thành một vị Bồ Tát tại vì mình đem đến cơ hội sinh sống cho không biết bao nhiêu là người. Mình đem công ăn việc làm tới cho không biết bao nhiêu là người và mình có cơ hội chăm sóc những người làm việc với mình. Mình có thì giờ để hỏi han về đời sống cá nhân của họ, đời sống gia đình của họ, những khó khăn, những bức xúc của họ. Trong khi mình hỏi như vậy thì tình thương của mình được biểu lộ ra. Mình bàn với những người có trách nhiệm khác ở trong doanh nghiệp làm thế nào để giúp cho nhân viên đối phó được với những khó khăn của họ, thì đó là sự thực tập tình thương. Và không bao lâu doanh nghiệp của mình nó trở thành ra một đại gia đình. Đại gia đình đó cấu kết với nhau, thương nhau và yểm trợ cho nhau. Chắc chắn là lợi tức sẽ tăng lên chứ không phải bớt đi. Không phải do mình tu mà mình làm ít lợi tức hơn. Không ! , do mình tu mà lợi tức càng ngày càng tăng và hạnh phúc càng ngày càng tăng. Nếu quý vị nghiên cứu về cuộc đời của ông Cấp Cô Độc trong thời của Bụt thì quý vị biết rất rõ điều đó.

 

3. Phần vấn đáp

Tôi xin để thì giờ quý vị đặt câu hỏi.

Kính thưa Thầy, thưa các quý thầy, quý sư cô !. Rất là may mắn cho tất cả những anh chị em có mặt trong chương trình Thở và Cười này. Chúng ta được trực tiếp nghe những lời giảng của Thầy và bây giờ còn may mắn hơn nữa là chúng ta được quyền đặt câu hỏi. Thầy sẽ chia sẻ với chúng ta. Trong thời gian vừa qua ban tổ chức Thở và Cười cũng đã có thực hiện trên trang Web Thở và Cười cái chuyên mục là đặt câu hỏi với Thầy. Và cho đến giờ này đã có trên hai mươi câu hỏi được đặt ra. Con xin trích đọc một số câu hỏi đã được ban tổ chức cũng như các thầy bên làng Mai đã chọn trước để Thầy bắt đầu cuộc thảo luận của chúng ta. Thầy cho phép chúng ta ba mươi phút để hỏi và trả lời. Có các anh chị, địa chỉ email hơi tối nên em nhìn không rõ và bốn anh chị có địa chỉ hotmail, yahoo mail và gmail đều hỏi cũng một cái nội dung như vầy:

Thưa thầy sự cạnh tranh gay gắt trong giới kinh doanh khiến người ta ví thương trường như chiến trường, vậy phải như làm thế nào để thể hiện lòng từ bi của đạo Bụt ?. Và doanh nhân phải làm gì để bảo đảm được đạo lý này mà không phải mạo hiểm ?. Và làm sao để có thể giữ được tính thiện trong một môi trường kinh doanh khốc liệt, không thiện ?. Người Phật tử phải làm gì để giữ được năm giới trong môi trường kinh doanh đầy khắc nghiệt này?.

Hồi nãy tôi có nhắc tới cái tờ báo Fortune bên Mỹ. Tờ báo đó mỗi năm nêu ra danh sách của một trăm doanh nghiệp đứng hàng đầu mà mình có thể đầu tư vào. Khi nghiên cứu thì người ta thấy rõ ràng rằng cái điểm chung của tất cả một trăm doanh nghiệp đó là biết lo lắng, biết chăm sóc cho những người trong doanh nghiệp như là trong một gia đình. Như vậy thì yếu tố tình thương nó có mặt, yếu tố trách nhiệm có mặt, yếu tố tình huynh đệ có mặt ở trong đó. Niềm hạnh phúc được đem lại cho doanh nghiệp không phải chỉ là lợi tức mà là sự an vui của tình thương. Không phải là tại vì có tình thương mà doanh nghiệp của mình sụt xuống hàng thứ ba, thứ tư, hay thứ năm. Chính vì có tình thương mà doanh nghiệp mình lên hàng đầu trong số một trăm doanh nghiệp được chọn lựa, phải nhớ như vậy. Và khi mà mình có tình thương rồi thì mình có khả năng sống đúng theo năm giới của đạo Bụt, trong đó có giới bảo vệ sự sống. Nếu mình chỉ nghĩ đến lợi tức mà khai thác thiên nhiên đến mức làm cho hư hoại cái môi trường sinh sống của mọi loài thì tức là mình không có tình thương. Mình ý thức được là mình gây ra sự giết chóc, hủy hoại môi trường. Cái đó trở thành ra một cái nút thắt nằm trong cái đáy lòng của mình. Mình không an tâm. Tuy có thêm lợi tức nhưng mình biết một cách rất âm thầm rằng mình đang phá hoại môi trường, phá hoại sinh mạng của những người khác. Vì vậy trong những giấc mơ và khi mình già lớn tuổi thì mình sẽ ăn năn, sẽ hối hận và không có hạnh phúc. Và vì vậy cho nên có tình thương trong doanh nghiệp thì mình thế nào cũng tránh được hành động hủy hoại môi trường và hủy hoại sinh mạng của những loài khác. Khi mình nhận thức rằng tuy đang có lợi tức nhưng mình đang sát sanh quá nhiều, thì tâm mình không an. Nếu tiếp tục như vậy thì cái không an tâm của mình càng ngày càng lớn lên và mình sẽ đánh mất hạnh phúc một cách hoàn toàn một ngày nào đó. Vậy mình nên có cái can đảm đổi doanh nghiệp. Thay vì phải sát sanh nhiều thì mình đi tìm một loại doanh nghiệp nào có thể bảo hộ được sanh mạng, bảo hộ được môi trường của sự sống. Sự thực tập đó trong đạo Phật gọi là chánh mạng. Chánh mạng ( right livelihood ) tức là một nghề nghiệp sanh sống chân chánh, không tàn hại môi trường, không tàn hại sanh mạng của những loài khác. Sanh sống một cách chân chính là một trong tám con đường của Bát Chánh Đạo. Thế nên khi mình nhận thức được doanh nghiệp của mình tuy đang làm ra tiền nhưng nó đang hủy hoại cái môi sinh, làm hao tổn sinh mạng của những loài khác thì mình hãy lập tức nói với mình rằng: “ Cái doanh nghiệp này không có đủ tình thương trong đó!. Mình không muốn tiếp tục như vậy. Mình sẽ tìm cách thay đổi doanh nghiệp đó trở thành cái doanh nghiệp trong đó mình có cơ hội bảo hộ được môi trường và bảo hộ được sanh mạng”.

Có những doanh nghiệp như vậy. Trong một trăm doanh nghiệp được báo Fortune nêu danh mỗi năm thì tất cả đều có cái xu hướng bảo vệ môi trường, bảo hộ sự sống, giúp đỡ cho những người hiểu biết và giúp đỡ những người trong doanh nghiệp. Làm doanh nghiệp đúng theo tinh thần của tình thương thì mình thành công nhiều hơn. Không những thế mình còn không có cái mặc cảm tội lỗi và sau này mình sẽ không trả một giá rất đắt cho nó. Trong thương trường có sự tranh đấu hình như là không nương tay, không có tình thương. Nhưng mục đích của mình là gì?. Mục đích của mình là hạnh phúc chứ không phải chỉ thành công về hình thức. Mình có thể có rất nhiều tiền, có rất nhiều quyền hành, nhưng mà mình có thể đau khổ cực kỳ. Cho nên mình phải xét lại điều này. Rất là quan trọng !. Mục đích của mình là có hạnh phúc, hạnh phúc cho bản thân, hạnh phúc cho những người thương và mình biết rằng tình thương nó là yếu tố căn bản của hạnh phúc đó. Và khi mình có hạnh phúc và tình thương rồi thì mình không nở nào làm tàn hoại và hủy hoại môi trường sinh sống của các loài khác.

Kinh Kim Cương có nói phải xét lại ý niệm của mình về người. Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, là bốn cái ý niệm: ý niệm về ngã, ý niệm về nhân, ý niệm về chúng sanh, ý niệm về thọ giả. Nhân ở đây có nghĩa là con người. Theo đạo Phật con người được làm bằng những yếu tố không phải người. Con người xuất hiện trên trái đất này rất trể so với các loài sinh vật khác. Nếu không có các loài khoáng vật, thực vật và động vật thì con người không thể nào sống được. Bảo hộ cho các loài khoáng vật, bảo hộ cho các loài thực vật và động vật tức là bảo vệ con người. Bảo vệ những yếu tố không phải người tức là bảo vệ yếu tố người. Đó là cái văn kiện về bảo hộ sinh môi sớm nhất trong lịch sử văn học của nhân loại. Theo Kinh Kim Cương muốn bảo hộ con người phải bảo hộ những yếu tố làm ra con người:  đó là đất đá, đó là thực vật, đó là các loài sinh vật khác.

Cho nên tình thương có thể đi đôi một cách toàn hảo với sự thành công của một nhà doanh nghiệp. Nó có thể làm cho nhà doanh thương thành công hơn những nhà doanh thương không có tình thương ở trong doanh nghiệp của mình. Và vì vậy cho nên thực tập tình thương thì mình thực tập được sự bảo hộ sinh mạng, bảo hộ môi trường. Khi mình thấy những nhà doanh thương khác không để ý đến điều đó mình cũng có lòng thương đối với họ. Mình tội nghiệp họ chỉ biết chạy theo tiền tài và uy quyền. Họ là những người không có hạnh phúc. Mình sẽ tìm mọi cách để có thể giúp được những người đó. Cách hay nhất là cho họ thấy cái gương của mình. Họ thấy mình thương người như vậy mà mình vẫn thành công, mình thành công nhiều hơn họ nữa, thì họ sẽ thay đổi. Đừng thấy họ tranh đua một cách không có nể nang và không tôn trọng một cái gì hết mà mình cũng phải đi theo cách đó. Mình đi theo cách khác, cách của tình thương. Tại vì mình đã được học bài học rồi.  Chỉ có tình thương mới tạo nên sự liên hệ tốt giữa người và người, giữa người với những chủng loại khác trong đó có các loài thảo mộc, các loài cầm thú và các loài khoáng vật.

 

Dạ bạch thầy, cũng có câu hỏi của các anh chị tập hợp về cùng chung một cái nội dung như vầy: thưa thầy khi quản lý một doanh nghiệp con luôn phải vươn tới, phải tham vọng. Tất cả các đối thủ đều như vậy, nếu con không như vậy sẽ tụt hậu. Như vậy làm sao con có thể đi, ăn mà chỉ nghĩ về hiện tại cho được. Như thế đối với doanh nghiệp như thế nào là đủ ?.Thầy có khuyên con là phải làm thật giàu không?.

            Làm giàu không phải là chuyện xấu. Nhưng mình nên biết rằng mình muốn giàu là tại mình muốn hạnh phúc. Mà nếu giàu mà không có hạnh phúc thì giàu để làm gì ?. Khi mình hạnh phúc rồi thì tiền bạc đó sẽ tạo thêm hạnh phúc chung quanh mình. Khi chung quanh mình người ta hạnh phúc thì hạnh phúc của mình cũng tăng lên.

Chúng ta hay lo lắng cho tương lai, lo lắng cho sự thành công của tương lai, chúng ta lại hay sợ hãi về tương lai. Nhưng mà trong tuệ giác của đạo Bụt thì tương lai là cái được làm bằng cái hiện tại cũng như cái hiện tại nó được làm bằng cái quá khứ. Nếu mà mình biết quản lý cái hiện tại với tất cả khả năng của mình tức là mình đã làm tất cả mọi cái cho tương lai rồi đó. Còn ngồi đó mà tiêu phí năng lượng trong sự lo lắng sợ hãi thì làm hư tương lai thêm. Mình có quyền thiết kế tương lai nhưng mà mình phải thả neo trong giây phút hiện tại. Mình vẫn an trú trên mảnh đất của thực tại để thiết kế tương lai, có nghĩa là mình đừng có đánh mất mình trong sự lo lắng, sợ hãi về tương lai. Lo lắng và sợ hãi không có ích lợi gì cho tương lai hết mà còn làm hại cho tương lai nữa. Vấn đề không phải là lo lắng, sợ hãi cho tương lai mà là ngồi cho thật vững trong hiện tại để nếu cần thì thiết kế cho tương lai. Trở về với giây phút hiện tại, mình chăm sóc được cho cái thân và cái tâm của mình. Có những cái căng thẳng những cái đau nhức trong thân. Nếu mình cứ tiếp tục sống như lâu nay thì những căng thẳng,những đau nhức đó càng ngày càng bị dồn nén và nó sẽ sinh ra đủ thứ bệnh.

 Stress nữa, cũng sinh ra đủ thứ bệnh rồi nó ảnh hưởng tới tâm. Trong tâm sẽ có những buồn khổ, những lo lắng, những bực dọc và những căng thẳng. Có những căng thẳng trong tâm rồi thì những tư tưởng, những lời nói, những cử chỉ của mình nó sẽ bạo động, tại vì nó bị thúc đẩy bởi những khổ đau, những lo lắng và những cái sợ hãi kia. Những cái này nó tạo ra sự đổ vỡ trong bản thân mình, trong gia đình mình và trong doanh nghiệp của mình.

 

Trở về với giây phút hiện tại là để có sức mạnh để đi về tương lai

Vì vậy cho nên trở về với giây phút hiện tại để chăm sóc cho bản thân, lấy đi sự căng thẳng, đau nhức, sự dồn nén trong thân và trong tâm tức là mình ít khổ hơn, mình bắt đầu có hạnh phúc. Mình tiếp xúc được với những cái gì tươi mát, mầu nhiệm, có khả năng trị liệu và nuôi dưỡng của mình. Trở về với giây phút hiện tại là để có sức mạnh để đi về tương lai. Trở về giây phút hiện tại để quản lý những cái gì đang xảy ra trong hiện tại. Mình phải có mặt cho mình và cho những người thương của mình. Khi mình và những người thương của mình có hạnh phúc rồi thì lúc đó thiết kế cho tương lai rất dể dàng. Không có biết trở về với giây phút hiện tại để chăm sóc cho bản thân của mình và cho gia đình mà cứ để đầu óc mình nghĩ tới tương lai thì cái suy tư đó nó không đem tới nhiều lợi lạc. Mình không cần phải suy nghĩ nhiều. Nhưng nếu mình khỏe mạnh, thanh thản, mình nhẹ nhàng, mình tươi vui và mình hạnh phúc thì những tư tưởng có tính cách sáng tạo, những cái ý kiến mới tới rất là dể dàng. Còn nếu trong tâm mình nhiều buồn khổ, nhiều lo lắng, sợ hãi thì sẽ có những tư tưởng hắc ám sợ hãi tới và mình không sáng suốt trong công việc thiết kế cho tương lai.

Cho nên trở về với giây phút hiện tại nó không có nghĩa là mình không có quyền thiết kế tương lai. Trở về giây phút hiện tại tức là để chăm sóc cho cái giây phút hiện tại, cho sự an vui của chính mình, của những người thương và của những người trong doanh nghiệp của mình. Đó là cái nền tảng trên đó mình có thể bước những bước đi khác vào trong tương lai.

Thành ra thở một hơi vào và ý thức được thân thể của mình, thở một hơi ra và buông thư tất cả những căng thẳng trong mình, cái đó có lợi cho cái doanh nghiệp của mình lắm. Khi lái xe tới chỗ đèn đỏ mà mình biết mỉm cười với đèn đỏ, ngả người ra,  thở vào tâm tỉnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, an trú trong giây phút hiện tại, thì cái đó nó lợi cho doanh nghiệp lắm. Chính nhờ những cái đó mình có căn bản để đi tới, để thành công. Cho nên phải trở về với giây phút hiện tại, phải sống giây phút hiện tại cho sâu sắc, phải chăm sóc thân và tâm mình và thân và tâm của những người thương thì mình có một căn bản để thành công trong tương lai. Xin nhắc lại một lần nữa:  khi mình chăm sóc cho hiện tại với tất cả khả năng, tài năng của mình tức là mình đã làm rất nhiều cho tương lai đó. Trên căn bản đó những tư tưởng sáng tạo, những cái ý kiến hay nó xuất hiện rất thường. Và mình chỉ cần một hoặc là hai ý kiến hay là đã có thể vượt thắng được những người khác. Những người khác họ quá nhiều tham vọng, lo lắng, họ có quá nhiều sợ hãi cho nên họ thiếu cái chất liệu gọi là sáng suôt, họ không có cái gọi là trí đức.

Trí đức là cái inside, là cái tuệ giác chỉ hướng cho mình đi. Mình đánh một cú mà trúng thì nó lợi hơn đánh một trăm cú mà trật, mà đánh trúng được là tại vì mình có tuệ giác. Tuệ giác chỉ có được khi mình sáng suốt, khi mình có cái tâm định tỉnh ( concentration ) . Khi mình sống trong giây phút hiện tại, mình đi, mình thở, mình chăm sóc cho bản thân và cho những người thương của mình thì cái niệm và cái định của mình nó càng ngày càng lớn.

Niệm (mindfulness ) là khả năng biết được những cái gì đang xảy ra. Trong tâm có lo lắng giận hờn thì mình biết rằng trong tâm tôi đang có sự lo lắng giận hờn. Mình nhận diện sự lo lắng giận hờn đó rồi mình thở, mình đi thiền hành để cho nó lắng dịu xuống. Mình nhìn sâu vào coi thử gốc rễ của những lo lắng, giận hờn này là ở đâu để mình có cái trí đức. Khi có cái trí đức rồi thì mình tháo gỡ được những cái lo lắng, giận hờn đó một cách rất là dể dàng. Còn nếu mình đau đáu, ngày đêm chỉ suy nghĩ tới tương lai và tranh đấu thôi thì mình không có được sự thư thái đó, cái định đó, cái tuệ đó. Vì thế mình không có được những tuệ giác có thể giúp mở ra cho mình một con đường tương lai của sự thành công. Mình có thể thành công nhưng mà mình có thể trở thành nạn nhân của sự thành công đó. Biết bao nhiêu người đã trở thành nạn nhân của sự thành công của mình, đã chết trên cái đống tiền mình làm ra.

Mình phải nên nhớ rằng có một sự thành công không bao giờ làm hại mình cả, đó là nuôi dưỡng cái đoạn đức, cái trí đức và cái ân đức.

Thành công trong lĩnh vực đó mình không bao giờ trở thành nạn nhân của sự thành công hết. Còn bất cứ một sự thành công nào khác mình cũng có thể trở thành nạn nhân của nó. Do đó cho nên làm giàu là chuyện mình có thể làm được chứ không phải không. Nhưng mình nên nhớ giàu sang và quyền lực không thì không đủ để làm cho mình hạnh phúc mà mình phải có tình thương. Trước hết mình phải thương mình. Mình đày đọa tấm thân mình, đày đọa tâm hồn mình. Thân cũng bệnh mà tâm cũng bệnh thì có tiền nhiều để làm gì ?, Mình đã khổ mà gia đình mình cũng khổ nữa. Cho nên trở về chăm sóc bản thân để có khả năng chăm sóc lấy những người thương, chuyện đó không có gì chống đối với sự thành công của doanh nghiệp mình cả. Trái lại nó là một yếu tố rất là quan trọng để mình thành công trong doanh nghiệp của mình. Còn nếu mà mình để hết thì giờ để suy nghĩ về tương lai, lo lắng, sầu khổ thì mình đánh mất sự sống của chính mình và của những người thương và mình sẽ thất bại trong doanh nghiệp của mình.

 

Thưa Thầy cho con xin đặt một câu hỏi nữa. Kính thưa Thầy ngày nay các doanh nghiệp thường nói đến việc xây dựng văn hóa công ty với những giá trị nhân bản và đặc trưng để doanh nghiệp được phát triển bền vững. Như vậy xin thầy cho con biết văn hóa Phật giáo sẽ giúp đỡ và soi sáng cho văn hóa công ty như thế nào trong định hướng về tương lai. Ngày nay các doanh nghiệp thường hay nói đến xây dựng một cái văn hóa cho công ty. Văn hóa đó nó thể hiện bản chất của công ty, nó thể hiện cái hướng phát triển của công ty, đó là sự kết nối của các anh chị em trong công ty. Như vậy cái văn hóa Phật giáo của mình sẽ ảnh hưởng và giúp cho các chủ doanh nghiệp xây dựng văn hóa công ty như thế nào ?.

Trong đạo Phật có sự thực tập lắng nghe và ái ngữ. Lắng nghe tức là mình cho người kia một cơ hội nói ra được nỗi khổ niềm đau lâu nay chất chứa trong lòng mà chưa bao giờ nói ra được. Đó là hạnh lắng nghe của đức Bồ tát Quan Thế Âm.” Này anh, em biết là trong những năm vừa qua anh có rất nhiều bức xúc, anh có rất nhiều khổ đau, khó khăn. Em biết là anh khổ lắm nhưng em đã không giúp anh được mà em lại còn làm cho tình trạng nó trầm trọng hơn. Em đã phản ứng lại một cách bạo động, chua chát, lên án. Em rất hối hận. Bây giờ em thấy rằng em có lỗi, em muốn hiểu được tất cả những khó khăn, bức xúc, những ước vọng sâu xa, những khổ đau của anh để em đừng có dại dột nói và làm những điều cho anh khổ thêm. Anh nói đi !” . Lúc đó mình làm đức Quan Thế Âm và mình lắng nghe người chồng của mình. Có thể là trong ba bốn năm vừa rồi mình không có bao giờ nói được một câu ngọt như vậy, mình không có bao giờ lắng nghe được ông. Bây giờ mình tập thở, tập đi, tập cười, tập thư giản để thấy rằng mình có thể đem lại hạnh phúc cho người đó, người mà ngày xưa mình đã nguyện đem hết lòng thương yêu. Lắng nghe là một thực tập rất là sâu sắc. Một giờ đồng hồ lắng nghe như vậy có thể làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của người kia. Ái ngữ tức là nói cho người kia biết sự thật nhưng dùng thứ ngôn từ mà người kia có thể chấp nhận được. Ngôn từ mà có quá nhiều sự lên án, trách móc, chua chát thì người kia nghe độ chừng hai ba phút là dội rồi. Muốn giúp người kia hiểu được những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc của mình thì mình phải dùng một ngôn từ gọi là ái ngữ ( loving speech ). Cái đó phải tập mới được. Khi sử dụng được hai cái phép đó thì mình khám phá ra rằng mình có những cái tri giác sai lầm về người kia và người kia cũng có những tri giác sai lầm về mình. Do đó cho nên mình giúp nhau lấy đi những tri giác sai lầm của nhau và thiết lập lại được sự truyền thông và hòa giải. Nếu mà cha và mẹ làm được như vậy thì các con đỡ khổ lắm. Nếu cha mẹ cứ tiếp tục làm khổ nhau như vậy thì các con sẽ không tin vào hạnh phúc của gia đình. Các con sẽ đi ra ngoài tìm sự khuây khỏa và rơi vào cạm bẩy của ma túy, băng đảng và đĩ điếm.

Trong xí nghiệp, doanh nghiệp cũng vậy, nếu có sự truyền thông giữa những người giám đốc, người chủ hãng với các nhân viên thì nhân viên hiểu được những khó khăn, những lo lắng của chủ hãng và chủ hãng cũng hiểu được những khó khăn, bức xúc và lo lắng của nhân viên. Khi có sự truyền thông rồi thì không khí ở trong doanh nghiệp trở thành rất dể chịu. Cùng nhau mình có thể có những quyết định, những hành động để hàn gắn những gì đã hư nát, đã đổ vỡ. Mình làm tăng mức độ hạnh phúc trong doanh nghiệp của mình cũng giống như ở trong một gia đình. Trong gia đình mà nếu cha nói chuyện được với con, con lắng nghe được cha, vợ lắng nghe được chồng, chồng chia sẻ được với vợ thì tự nhiên có hạnh phúc. Những đứa con không đi tìm sự khuây khỏa bên ngoài. Ở đây cũng vậy, trong doanh nghiệp nếu mình thực tập được sự lắng nghe nhau, ông chủ lắng nghe được nhân viên, nhân viên lắng nghe được ông chủ, hai bên thấy được những khó khăn của nhau thành ra không có lên án nhau và không có làm khổ nhau nữa. Đó là sự thực tập có thể đem lại sự thành công và hạnh phúc trong doanh nghiệp của mình.

Tôi xin nhắc sự thực tập lắng nghe ( listening with compassion ) , nghe với tâm từ bi là hạnh của đức Quan Thế Âm. Ái ngữ là nói bằng cái ngôn từ dễ thương để người kia có thể hiểu được những khó khăn, những nỗi khổ niềm đau của mình và hiểu tại sao có khi mình đã hành động như vậy. Nhờ đó người kia có thể tha thứ được cho mình và mình có thể thay đổi được. Hai sự thực tập :  lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương, sử dụng ái ngữ để giúp người kia có thể hiểu được. Đó là thứ đạo đức  ( ethic ) mình có thể áp dụng được trong cái doanh nghiệp để thành công. Nếu ông bà thực tập được điều đó trong vòng vài tuần lễ thì các ông các bà sẽ thấy kết quả hết sức là mầu nhiệm.

 

Bạch Thầy,cho đến nay ban tổ chức nhận được rất nhiều câu hỏi của các anh chị . Đến phần này ban tổ chức đồng ý để các anh chị có thể đặt câu hỏi trực tiếp đến Thầy.

Các anh chị đưa tay lên tôi sẽ mời.

            Mời  anh Bảo ạ.

Dạ thưa thầy, thầy có thể chia sẻ thêm thông tin về bộ phim Đường Xưa Mây Trắng mà Thầy là tác giả. Bộ phim này  xuất phát như thế nào và khi nào có thể công chiếu?.

Theo nguyên tắc thì đến tháng tư 2008 cuốn phim sẽ ra mắt tại buổi liên hoan phim Cannes. Nhưng không biết làm có kịp hay không?. Theo nguyên tắc thì giám đốc, nhân viên, đạo diển và  tài tử phải qua đạo tràng Mai thôn để tu tập trong vài tuần để có thể đi, đứng, nằm, ngồi một cách thanh thản, thong dong để truyền đạt được tinh thần giải thoát từ bi của đạo Phật. Ngày chúng tôi được tin ông Modi, giám đốc hãng phim tới thăm để thương thuyết mua cái bản quyền cuốn Đường Xưa Mây Trắng ( sách viết về cuộc đời của Phật) để làm phim thì chúng tôi suy nghĩ không biết làm thế nào để cuốn phim này thành công.

Trong tâm, của chúng tôi cũng muốn từ lâu năm rồi làm thế nào để cho cuốn Đường Xưa Mây Trắng được quay thành phim. Ông Modi là một người Ấn Độ giáo, không phải là Phật tử, nhưng khi ông đọc cuốn sách đó ông chuyển hóa rất nhiều và có nhiều hạnh phúc. Ông phát nguyện làm thế nào để dựng cuốn sách đó thành phim cho những người khác được lợi lạc. Ông đi tìm bao nhiêu tháng thì mới biết tác giả đang ở làng Mai (Mai thôn đạo tràng). Thì cái hôm đó ông tới với một dân biểu quốc hội Ấn Độ, một học giả sử học với một số nhân viên tới để thương thuyết mua bản quyền sách Đường Xưa Mây Trắng.

Tôi suy nghĩ rằng bây giờ nếu mình lấy tiền của họ và mình ký hợp đồng rồi thì họ có thể tự do muốn làm gì thì làm và đôi khi họ làm hư cuốn phim. Họ đưa vào trong phim những cái mình không  muốn, mà mình không có quyền kiểm soát tại vì mình lấy tiền của họ rồi. Trong khi đó một người bạn Ấn Độ nói rằng “Ông này giàu lắm. Ông để ra 120 triệu để làm cuốn phim thì tác giả phải đòi vài chục triệu đô la. Mình cứ đòi 50  đi rồi cứ trả qua trả về mình có thể được 30 trieu đôla. Nếu có 30 triệu đôla có thể xây được một vài cái thiền đường, có thể làm được cái này cái kia, cũng đỡ lắm. Nhưng mà chúng tôi nghĩ tới chuyện có một cuốn phim cho đàng hoàng, đi đúng theo tinh thần của Đường Xưa Mây Trắng nên chúng tôi quyết định không có lấy đồng tiền đôla nào hết. Chúng tôi cho họ bản quyền với một cái điều kiện duy nhất là những người làm phim phải tới tu học ba tuần lể để thấm nhuần tinh thần từ bi, bất bạo động, thảnh thơi, nhẹ nhàng, sống trong giây phút hiện tại của đạo Phật. Hôm đó có thiền trà. Ngồi trong một cái vòng và khi  nghe chúng tôi nói câu đó  thì ông giám đốc hãng đó, ông Modi rất là ngạc nhiên. Ông không có tin rằng một chuyện như vậy có thể xảy ra được : có một người không  muốn tiền. Ông đã thương thuyết với rất nhiều nhà doanh thương và cố nhiên vấn đề tiền là vấn đề đầu tiên, trước hết. Nhưng gặp ông thầy tu này thì ông lại nói: “ Tôi không cần tiền. Tôi chỉ cần quý vị qua tu học cho đàng hoàng để quý vị làm phim cho đàng hoàng.”

 Ban đầu ông không tin được những điều ông nghe là thật, nhưng sau đó ông thấy được chiều hướng tâm linh của mình, ông mới thấy rằng ngoài cái quyền năng của tiền bạc nó có một thứ quyền năng khác, một thứ quyền uy khác. Đó là ân đức, tình thương, trí đức, đó là tuệ giác. Nếu mà mình không có tuệ giác, mình ham số tiền đó thì có thể họ làm một cuốn phim rất là dở mà mình không có thể nào làm gì được họ. Tại vì mình đã lấy tiền rồi, mình đã ký giấy rồi. Hiện bây giờ mình vẫn còn cái quyền là nếu họ làm dở thì mình tuyên bố rằng : “ chúng tôi không chịu trách nhiệm về cuốn phim này. Cái phim này không đi đúng theo tinh thần của tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng”. Đó là sự va chạm giữa hai thứ quyền lực, một là tiền bạc, hai là tuệ giác không cần đến tiền bạc.

           

Thưa thầy, cho con hỏi thầy một việc liên quan đến vấn đề cúng ở trong doanh nghiệp. Con có một công ty tuy nhỏ thôi nhưng hầu như chưa bao giờ con cúng cả. Đôi khi một vài cái công ty lớn hoặc là những công trình lớn thấy người ta cúng thì con cũng hơi băng khoăn. Vậy thì thầy khuyên con phải làm như thế nào?. Và nếu có cúng thì con nên cầu nguyện cái gì cho nó vô tư một chút?.

Truyền thống của mình là khi tới đâu thì mình phải cúng ông địa ở tại chỗ đó. Mình đừng  cười, tại vì cái đó chứa đựng cái văn hóa, cái tuệ giác của mình. Mình tới đâu thì mình phải làm quen với đất đai tại đó, mình phải tôn trọng đất đai tại đó. Mình đừng làm hư đất ở chỗ đó, đó là ý thức bảo vệ môi trường rất là rõ. Ông Địa tượng trưng cho tinh thần của đất. Mình phải sống hài hòa với đất tại chổ. Cúng ông Địa có nghĩa là cam kết sống hài hòa, sống tôn trọng và không làm hại nhau. Nếu mà doanh nghiệp mình tổ chức cúng thì mình phải tổ chức theo tinh thần đó. Tức là : “ chúng tôi cam kết rằng chúng tôi sẽ không làm hại tới môi trường sinh sống của các loài. Chúng tôi cam kết rằng chúng tôi trong khi muốn cho doanh nghiệp chúng tôi phát triển, chúng tôi không làm hại và tước đoạt cơ hội và môi trường sinh sống của những người khác và của những loài khác”.

Lời nguyền của mình trước hết là được chính mình nghe, tại vì mình là nhân vật rất quan trọng. Mình nghe lời khấn của mình và tất cả những cây cỏ, những người còn sống hay những người đã chết họ cũng nghe. Đừng nói họ không nghe, những cây cỏ ngoài sân cũng nghe, không khí cũng nghe, nước cũng nghe, gió cũng nghe, các loài đang còn sống cũng nghe mà các loài đã chết cũng nghe. Cúng có nghĩa là thiết lập sự truyền thông giữa mình với hoàn cảnh xung quanh mình trong đó có đất, nước, lửa, gió, con người và những loài động vật khác. Nếu mình cam kết mình sống hài hòa, không làm hại tới sự an vui của các loài kia thì cái cúng đó là cái cúng rất nên. Nó không phải là sự mê tín. Còn nếu cúng mà phải sát sanh, đi theo con đường ích kỷ, chỉ biết làm lợi cho mình và làm hại tới môi trường xung quanh và những loài khác thì cúng không có ích lợi. Mình biết như vậy. Tôi thấy sự truyền thông rất là quan trọng.

Có một bà bị ung thư. Bà tới đạo tràng của chúng tôi thực tập. Một sư cô hỏi thăm thì biết rằng bà có ông nội rất là sống lâu, tới chín mươi lăm tuổi. Sư cô đó khuyên bà nên cầu nguyện ông nội đi. Ông nội chết rồi nhưng kỳ thực ông nội đang còn sống trong từng tế bào cơ thể. Thở vào đi, bà sẽ ý thức được sự có mặt của ông nội trong từng tế bào cơ thể. Bà thở ra và nói ông nội ơi giúp con đi. Tự nhiên những tế bào khá lực lưỡng của ông nội bắt đầu động đậy và có thể hoạt động như thế nào để cho sự lấn áp của tế bào ung thư không phát triển được nữa. Bà đã thực tập như vậy. Bà đã cầu nguyện ông nội, tuy bà  là một người Âu Châu. Ba tuần sau thì có một sự thuyên giảm rất rõ rệt trong bà. Cầu nguyện như vậy là cúng chứ gì nữa. Mình không cần phải thắp hương, nhưng phải có sự truyền thông thật là chân thành với những thực tại mà mình biết rằng đang có mặt ở trong mình và chung quanh mình. Cúng theo tinh thần đó thì rất có lợi và rất khoa học chứ không có gì gọi là mê tín cả. Anh nên cúng đi.

            

Dạ thưa thầy mỗi người sinh ra trong một cái hoàn cảnh khác nhau. Có người thì sinh ra trong nhung lụa nhưng có người thì sinh ra bị bỏ ở lề đường và bị chó cắn một tay một chân và nằm ở trại trẻ mồ côi. Người trẻ sinh ra và lớn lên, mỗi người cũng có một cơ may và duyên số khác nhau. Như bản thân con đây, con là một người theo đạo Thiên Chúa vì một điều rất đơn giản là ba mẹ con sinh ra là đã đạo Thiên Chúa rồi. Hôm nay con gặp thầy thì có lẽ cũng là cơ duyên. Con muốn hỏi thầy, thầy có tin vào số mệnh không và nếu tin thì thầy cho con biết cái số mệnh nó chiếm bao nhiêu phần trăm trong cái tỉ lệ của mỗi người. Bởi vì có người bảo là người đã có số giàu hoặc là có số tu rồi thì có cố gắng bao nhiêu thì cũng sẽ lần lần đi theo con đường như thế thôi. Xin cảm ơn thầy.

Những điều kiện trong quá khứ mà khi nó tới với nhau thì nó làm phát hiện ra một hiện tượng. Nếu mà những điều kiện đó nó vẫn tiếp tục như vậy thì hiện tượng đó sẽ kéo dài như vậy. Nhưng nếu có những điều kiện khác đi vào thì nó có thể thay đổi tình trạng. Có những nhập kiện và những xuất kiện. Chúng ta đang sống trong thời đại gọi là toàn cầu hóa đó. Cái này nó đang đi vào cái kia. Có những nhân duyên, những điều kiện lâu nay chưa có, bây giờ nó bắt đầu có. Trong quá khứ đã có những điều kiện đưa tới một cái tình trạng nào đó. Nếu mình cởi mở ra để cho những cái điều kiện mới khác nó đi vô thì sẽ có sự thay đổi. Vì vậy mình không nên tin vào cái thuyết định mệnh.

Trong đạo Phật có nói tới nhân duyên sinh. Những điều kiện nó tới và làm biểu hiện ra một cái hiện tượng thì gọi là nhân duyên sinh. Tùy theo điều kiện tức là tùy theo nhân duyên mà cái đó như thế này hay như thế khác. Nhung nếu mình biết cách, mình có thể đưa thêm vào những cái nhân mới, những cái duyên mới, những cái điều kiện mới thì mình thay đổi được tình trạng đó. Cái gọi là số mạng của những con người, của những dân tộc, của những cộng đồng lâu nay nó như vậy nhưng không có nghĩa là nó sẽ như vậy hoài. Nếu mình biết đem vào những dữ kiện mới, những điều kiện mới thì mình có thể thay đổ và mình thay đổi rất nhiều. Điều đó là chuyện mình có thể làm được. Đất nước Việt Nam ngày xưa đã tiếp thu nền văn hóa Ấn độ rồi tới nền văn hóa China. Nếu không có sự can thiệp của Tây phương thì mình chỉ có hai yếu tố văn hóa đó thôi Ấn độ-China.  Nhưng mà mình đã tiếp thu văn hóa Tây phương cho nên mình đã thay đổi. Nếu mình có khả năng làm mới cái gia sản Phật giáo vốn là nền tảng của văn hóa Việt Nam thì mình có thể dựng lại nền đạo đức, nghệ thuật và truyền thống của cha ông. Thu thập những tinh hoa của các nền văn hóa mới, làm sang lên và làm mới lại những yếu tố đã có trong nền văn hóa cơ bản của mình thì mình có thể đưa tới một đất nước Việt Nam rất là đẹp, rất là xinh, có thể làm mẫu mực cho những nền văn minh khác.

Trong 40 năm giảng dạy đạo thiền ở Tây phương đã có hằng triệu người người rất hâm mộ phương pháp thiền tập của Làng Mai. Phương pháp thiền tập của Làng Mai có gốc rễ ở Việt Nam. Sở dĩ người thanh niên và người trí thức Tây phương ưa đọc sách của tôi, ưu tới các trung tâm của tôi để thực tập, để tu học là tại vì chúng tôi đã thu nhập được những trào lư văn hóa trên thế giới. Chúng tôi đã biết làm mới lại, đổi mới lại những giá trị trong truyền thống ngàn đời của Việt Nam. Nên khi nói ra là người thanh niên, người trí thức họ hiểu liền và khi đưa ra thực tập thì họ chuyển hóa liền được những khó khăn, những khổ đau của họ. Mình có cái để cống hiến cho thế giới trong khi mình cũng thu nhậtp được những cái tinh hoa của thế giới. Vì vậy cho nên đạo Phật nói tới vô thường tức là nói tới sự chuyển biến liên tục. Mình nghỉ rằng nếu nó đã như vậy thì nó sẽ như vậy đời đời. Không có !. Nếu mà mình biết mở ra, mình biết đưa vào những dữ kiện mới thì mình sẽ thay đổi thực tại đó cho đẹp hơn, cho hay hơn, cho mầu nhiệm hơn.

Xin hẹn quý vị một dịp khác chúng ta sẽ đi lâu hơn nữa./.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.