.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây !
 

 

  • Tháng III 2007 - Chân An Tịnh & Chân Giác Lưu phiên tả và biên tập
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 20 - III - 2007 tại Đại Tùng Lâm Bà Rịa-Vũng Tàu.
    Â
    m thanh MP3 : Phần 1 (10MB)  Phần 2 (9.18MB)
     

Sư Ông hướng dẫn thực tập theo dõi hơi thở

Tôi đang thở vào và biết rằng tôi đang thở vào
Tôi đang thở ra  và biết rằng tôi đang thở ra.

Tôi đang thở vào
Tôi đang thở ra

Tôi đang thở vào và theo dõi hơi thở vào từ đầu tới cuối.
Tôi đang thở ra và theo dõi hơi thở ra từ đầu tới cuối.

Theo dõi hơi thở vào
Theo dõi hơi thở ra

Tôi đang thở vào và ý thức tiếng chim hót trên tầng chánh điện
Tôi đang thở ra và mỉm cười với tiếng chim hót trên tầng chánh điện

Ý thức về tiếng chim
Mỉm cười với tiếng chim

Tôi đang thở vào và thấy rằng hơi thở vào của tôi đã sâu hơn
Tôi đang thở ra và thấy rằng hơi thở ra của tôi đã chậm hơn

Hơi thở vào sâu hơn
Hơi thở ra chậm hơn

Thở vào tôi cản thấy khỏe trong thân tâm của tôi.
Thở  ra tôi cảm thấy nhẹ trong thân tâm của tôi

Thở vào thấy khỏe
Thở ra thấy nhẹ.

Thở vào tôi cảm thấy pháp lạc khi thở vào
Thở ra tôi cảm thấy được pháp lạc khi thở ra.

Pháp lạc khi thở vào
Pháp lạc khi thở ra.

Thở vào tôi ý thức toàn thân tôi
Thở ra tôi làm lắng dịu toàn thân tôi

Thở vào ý thức toàn thân
Thở ra làm lắng dịu toàn thân.

Thở vào tôi ý thức rằng tôi đang được ngồi với gia đinh tâm linh tôi gồm các thầy, các sư cô, các đạo hữu
      Thở ra tôi mỉm cười sung sướng được ngồi với gia đình tâm linh của tôi trong giây phút hiện tại.

Thở vào ý thức được ngồi với tăng thân
Thở ra cảm thấy hạnh phúc được ngồi với tăng thân

Thở vào tôi cảm thấy thích thú khi thở vào
Thở ra tôi cảm thấy thích thú khi thở ra
 

 Pháp Thoại của Sư Ông

Kính thưa chư vị Tôn đức, quý thầy, quý sư cô, quý Phật tử.

Chúng ta vừa thực tập 8 phút theo Kinh An Ban Thủ Ý. Khi rời bỏ quê hương ngày 11.05.1966 và không về lại bãi Vũng tàu trong gần 50 năm, hôm qua trở về đây tôi có cảm giác rất rõ ràng là được trở về quê hương. Hòa thương Minh Thành đã viết thư mời, về chùa Ấn Quang, về Đại Tùng Lâm. Họ thường sang tận bên Pháp để thăm chúng tôi.

 

Tọa xuân phong

Tôi nhớ hồi còn ở Phật học đường Nam Việt, Chùa Ấn Quang, hòa thương Minh Thành còn là một vị sa di rất trẻ, rất dễ thương. Khi tôi trở về tôi thấy rằng trong lứa đó phần lớn đều không còn nữa. Trong thời gian khoảng  40 năm tôi vắng mặt có vào khoảng 40 triệu người trẻ đã được sinh ra. Khi tôi trở về để chia sẻ kinh nghiệm tu tập, nhìn những người trẻ đó tôi thấy được phụ huynh của họ. Tôi thấy được rõ là các thầy, các sư cô trẻ là sự nối tiếp của các thương tọa, hòa thương ngày xưa mà bây giờ không thấy được nữa. Tôi thấy các thanh niên thiếu nữ, các Phật tử cư sĩ tới. Tôi nhìn và thấy họ là con cháu của những đạo hữu mà ngày xưa tôi đã gặp nên tôi không có cảm giác lạc lõng xa lạ. Tôi có cảm tưởng rất rõ là mình vẫn còn ngồi với các vị hòa thượng, thương tọa và các vị đạo hữu ngày xưa.

Hôm qua bước vào Đại Tùng Lâm tôi nghĩ nghĩ ngay đến hòa thượng  Minh Thành. Tôi cảm tưởng rất rõ là hòa thuợng đang còn ở đây, đang tiếp đón tôi đi vào cùng với các vị hòa thuợng khác. Được ngồi với nhau sau bao nhiêu năm xa cách là một hạnh phúc rất lớn. Huynh đệ được ngồi với nhau. Thầy trò được ngồi với nhau. Đó là một hạnh phúc rất lớn. Trong kho tàng văn học Phật giáo ngày xưa có câu “tọa xuân phong”. Tọa là ngồi, Xuân là mùa Xuân, Phong là gió. Gió mùa Xuân. Khi huynh đệ ngồi với nhau trong tình đạo lữ, trong tinh thần chánh pháp, thầy trò được ngồi với nhau trong chánh pháp, thì chúng ta có rất nhiều hạnh phúc giống như ta đang ngồi trong gió mùa xuân. Tôi đã dịch 3 chữ tọa xuân phong là ngồi giữa gió xuân. Chúng ta đang ngồi đây là chúng ta đang thực sự ngồi giữa gió xuân. Chúng ta tiếp nhận được sự ngọt ngào của tình huynh đệ, tình thầy trò. Chúng ta không cần nói gì nhiều, chúng ta chỉ cấn ngồi và cảm nhận được sự có mặt của nhau. Mình hiến tặng sự có mặt tươi mát của mình cho huynh đệ. Đó là hạnh phúc khi ta được ngồi với nhau. Trong bài hát “ Kính mến thầy” của gia đình Phật tử có một câu rất tức cười:

Nam Mô A Di Đà Phật
Hôm nay thầy về đây
Chúng con xin kính chào thầy
Trong giờ phút vui này
Chúng con không biết làm gì đây

Câu đó rất buồn cười. Mình gặp thầy mình hạnh phúc quá, minh cuống lên không biết phải làm gì. Câu trở lời là “Đâu cần phải làm gì đâu !", chỉ cần ngồi xuống với thầy là một hạnh phúc rất lớn, ngồi giữa gió xuân với thầy. Hai thầy trò, ba thầy trò, hàng trăm thầy trò ngồi với nhau trong tình thầy trò, tình huynh đệ, tình đạo pháp, đó là chuyện mình cần phải làm. Mình đâu cần phải lăng xăng nhiều. Mình không cần phải quay một vòng, hát và chờ, nên tôi đề nghị gia đình Phật tử sửa lại câu này:

Trong giờ phút vui này
Chúng con quyết lòng ngồi đây,
ngồi giữa gió xuân !.

Có một lần sau mùa an cư kiết hạ có khoảng 500 thầy về thăm Đức Thế Tôn  tại  tu viện Kỳ viên tại thành Xá vệ. Đức Thế Tôn tiếp các thầy trong một giảng đường rất lớn. Thầy trò ngồi với nhau từ 7 giờ chiều đến 11 giờ tối. Thầy không nói một câu mà trò cũng không nói một câu gì hết.  Thầy A Nan tới gần và nói nhỏ vào tai Đức Thế Tôn : “ Bạch Đức Thế Tôn chư huynh đệ đã ngồi với Ngài từ 7 giờ tới 11 giờ cũng khá lâu. Đức Thế Tôn có gì dạy bảo thì Đức Thế Tôn nói đi.” Đức Thế Tôn ngồi yên không trả lời. Ngài tiếp tục ngồi yên với chư tăng tới 1 giờ rưỡi khuya. Thầy A Nan nóng ruột, tới quỳ bên cạnh Đức Thế Tôn và nói nhỏ vào tai Ngài : “ Bây giờ quá khuya rồi. Ngày có dạy  gì thì Ngài dạy đi.” Đức Thế Tôn ngồi yên, thầy trò ngồi tới 5 giờ sáng. Lúc đó thầy A Nan mới tới một lần nữa, quỳ bên cạnh Đức Thế Tôn mà nói : “Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ là 5 giờ sang rồi !, Ngài muốn nói gì với chư huynh đệ thì Ngài nói đi.” Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn mới quay lại nhìn thầy An Nan mà nói : ”Thầy A Nan !, thầy muốn tôi nói cái gì nữa?. Thầy trò được ngồi chung với nhau là một hạnh phúc rất lớn rồi.Thầy muốn tôi nói gì nữa?”

Câu chuyện này được ghi vào trong Kinh. Khi tôi đọc trong Kinh tôi rất là tâm đắc. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta  thật có tình huynh đệ, tình thây trò thì khi gặp nhau ngồi yên với nhau cũng đã có hạnh phúc lắm rồi, không cần lăng xăng, không cần nói những câu xã giao. Trong những ngày vừa qua tôi hay ngồi viết thư pháp để tặng bạn bè. Tôi viết 4 chữ “ ngồi gìữ gió xuân “. Tôi đã tặng cho nhiều thầy, nhiều sư cô, nhiều đệ tử 4 chữ “ ngồi giữa gió xuân ( tọa xuân phong) “

 

Người đâu hiếu nghĩa đủ đường

Năm nay vì có chuyến đi về Việt Nam của tăng đoàn Làng Mai nên tại Làng Mai chúng tôi tổ chức ăn tết một tuần trước ngày mồng một tết. Cũng như ngày xưa trước khi đi đánh quân Thanh vua Quang Trung đã cho quân sĩ ăn tết trước một tuần rồi mới đi đánh giặc. Chúng tôi không đi đánh giặc nhưng chúng tôi cũng ăn tết trước một tuần, làm bánh chưng trước đó 7 ngày, cúng bánh chưng trên bàn thờ 7 ngày. Ngày mồng một có vị bói một quẻ Kiều để coi chuyến đi này của Thầy và của Làng Mai sẽ ra sao. Cụ Nguyễn Du cho hai câu như vầy:

Người thôi hiếu nghĩa đủ đường
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây.

Chúng tôi đã suy nghĩ, đã quán chiếu rất nhiều về 2 câu thơ của thi hào Nguyễn Du. Ngài muốn dạy gì trong đó ? Sau vài ngày chiêm nghiệm thì tôi thấy như thế này : Chữ người không phải chỉ riêng cho một mình tôi hay các thầy các sư cô Làng Mai mà chỉ cho tất cả người Việt Nam, tại vì người Việt Nam có tinh thần hiếu nghĩa. Mình có ngũ hiếu và ngũ nghĩa.  Chính cái hiếu và cái nghĩa đó đã cứu được mình qua những cơn khó khăn.

Người đâu hiếu nghĩa đủ đường

Người đây tức là người Việt. Chúng ta có  hạt giống của hiếu để, của tình nghĩa. Nếu chúng ta nuôi dưỡng những hạt giống đó trong lòng chúng ta  thì chính những hạt giống đó sẽ sinh hoa kết trái và nó sẽ cứu chúng ta ra khỏi những hoàn cảnh khó khăn bi đát.

Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây

kiếp đoạn trường là kiếp đứt ruột. Dân tộc chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh rất dai dẳng. Trên sáu triệu đồng bào  đã chết trong cuộc chiến tranh này. Có những chiến sĩ đã chiến đấu rất anh dũng và đã chết rất oai hùng, tranh đấu cho tự do, cho độc lập. Nhưng cũng có biết bao đồng bào chết trong tăm tối, trong tuyệt vọng oan ức. Có hàng trăm ngàn người đã chết như vậy mà hài cốt vẫn chưa tìm ra được. Chúng ta ai mà không đã gánh chịu một phần những khổ đau, những oan ức của cuộc chiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Chúng ta chưa cứ cơ hội nói lên những oan khổ, uất ức, tuyệt vọng của ta, của người thương chúng ta và của đồng bào. Kỳ này về chúng tôi được thủ tướng chính phủ cho phép tổ chức 3 Trai Đàn Chẩn tế  để chính thức cầu nguyện cho  tất cả đồng bào đã chết trong cuộc chiến. Trong Trai đàn Chẩn tế ở chùa Vĩnh Nghiêm chúng tôi đã làm lễ chiêu u thỉnh linh ở cầu Rạch Chiếc. Ở đó có một cuộc chiến rất là khốc liệt. Chúng ta đã làm lễ chiêu linh, thỉnh cầu hương linh của  tất cả đồng bào đã qua đời trong cuộc chiến trong đó có cả  những người đã  chết trong tù ngục, trong rừng sâu, ngoài biển cả. Những thuyền nhân bất hạnh đã chết ngoài biển cả làm mồi cho cá, rồng và cho hải tặc

Hôm nay một đoàn đại biểu của ban tổ chức đã ra bãi biển Vũng Tàu để làm lễ chiêu u thí thực để rước các huơng linh về Đại Tùng lâm. Trong những ngày Đại trai Đàn tại chùa Vĩnh Nghiêm chúng tôi đã ngồi thiền đi thiền đã thở, đã thưc tập chánh niệm cho tất cả hương linh. Khi đi thiền hành tôi đã quán chiếu là mỗi bước chân đưa tôi trở về, đã về, đã tới, thoát ra khỏi khổ đau, buồn tủi của quá khứ, đưa tôi trở về trong hiện tại. Một bước chân đi theo một hơi thở. Bước một bước tôi cảm thấy mình đã về, bước một nữa tôi cảm thấy mình đã tới. Đã về đã tới với chùa, với đồng bào, đã về đã tới với hiện tại nhiệm mầu. Một bước tôi giúp trở về cũng giúp cho 6 triệu hương linh đồng bào chết trong chiến tranh được trở về chùa.. Một  bước chân đi cẩn trọng như vậy, mỗi hơi thở thở cẩn trọng như vậy để hồi hướng giúp cho hằng triệu đồng bào được chuyển hóa.

Ngày cuối  đi thiền hành tại chùa Vĩnh Nghiêm, tôi nhớ tôi đã đi như thế này:  Đã về cho 6 triệu người, đã tới cho 6 triệu người nạn nhân chiến cuộc. Sau đó một vài phút tôi nói : Đã về cho 80 triêu người, đã tới cho 80 triệu người tại vì những người còn sống cũng còn những nỗi khổ niềm đau trong lòng. Khi nỗi khổ niềm đau đó bị dồn nén xuống thì nó không thể nào mất mất đi được. Cúng ta không thể nào quên được. Nếu chúng ta la mắng con cái, đối xử nặng nề bạo động với người thương là tại vì trong đáy lòng ta có những nỗi khổ niềm đau chưa chuyển hóa được. Chúng ta chỉ đè nén nó xuống chiều sâu của tâm thức mà thôi. Trai Đàn Chẩn tế là một phương pháp thực tập tâm lý trị liệu rất quan trọng. Nó cho phép chúng ta đưa những mổi khổ niềm đau lên trên mặt phẳng của ý thức.  Nó giúo ta có cơ hội công nhận đã có những niềm đau, những nỗi oan như vậy. Khi điều đó được công nhận rồi thì nó mới cơ hội để chuyển hóa. Nếu mình từ chối không công nhận nó thì nó sẽ còn hoài, và mình sẽ trao truyền nó lại cho con cháu. Con cháu chúng ta sau này sẽ đau khổ mà không hiểu tại sao mình phải như vậy ? Tại sao mình đối xử với con cháu với người thương bạo động như vậy ? Tại vì trong lòng mình có những nỗi khổ niềm đau chưa hóa giải được.

Trai đàn Chẩn tế không phải chỉ để cầu nguyện cho những người đã qua đời giúp cho họ được chuyển nghiệp siêu thăng về Tịnh độ mà còn giúp cho những người còn sống chuyển hóa được nổi khổ niềm đau ấy, lâu đè nén che dấu trong tâm hồn. Đây là phương pháp trị liệu rất khoa học: Tâm lý trị liệu.

Trong Đại Trai đàn Chẩn tế chúng ta tới với nhau như những người ruột thịt, không phân biệt người Nam người Bắc. Người Bắc cũng từng đau khổ như người Nam, cũng có những người chết oan ức, tối tăm như người Nam. Chúng ta không phân biệt già trẻ, trai gái hay chủng tộc. Chúng ta không phân biệt đảng phái chính trị. Khi cầu nguyện cho những đồng bào được siêu thoát chúng ta không phân biệt nguời đó là cộng sản hay chống cộng sản. Chúng ta mở hết tấm lòng và cầu nguyện cho tất cả dồng bào của chúng ta dù người đó thuộc đảng phái chính trị này hay đảng phái chính trị khác, thuộc về chế độ này này chế độ khác. Chúng ta cầu cho tất cả với tình huynh đệ, tình đồng bào ruột thịt. Trai đàn có tên là Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt. Bình đẳng là không kỳ thị phân biệt. Chúng ta đều đối với nhau như những người đồng bào, chúng ta không kỳ thị nhau. Chúng ta chắp tay lại cầu nguyện cho tất cả đồng bào bị tử nạn trong chiến tranh không kỳ thị Bắc Nam, chủng tộc, tôn giáo và chánh kiến.

Trai đàn Chẩn tế Giải Oan Bình Đẳng đã được đồng bào tham dự rất đông đảo. Có lúc chùcVĩnh Nghiêm đầy đặc người trên 10.000 người đã tới. Tất cả đều tham gia vào sự thực tập rất thành khẩn. Ngưòi ta không đến để tham quan. Tất cả đến để cúng dường, cầu nguyện, và tham gia vào những buổi thiền tọa, thiền hành, những buổi ăn cơm im lặng, nhnữg buổi pháp thoại và những buổi sám hối.

Tôi rất cảm động thấy đồng bào hết tâm cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc chiến. Có những vị hòa thương ni trưởng nói với tôi là trong suốt đời quý vị ấy chưa một Trai đàn nào qui mô như vậy, có tinh thần rất sâu sắc, rộng mở tuyệt vời như vậy. Trước đó 2 tháng tôi có viết thư mời ngài chủ tịch nuớc Nguyễn Minh Triết, ngài thủ tướng cũng như chủ tịch quốc hội đến tham dự Trai đàn Chẩn tế. Trai đàn Chẩn tế là một ước mong của người dân, chính do dân sắp đặt và tổ chức.  Sự có mặt của các nhà lãnh đạo quốc gia trong các ngày này chứng tỏ là các nhà lãnh đạo luôn luôn có mặt với dân. Tôi thấy rõ là các vua đời Lý  Trần luôn luôn có mặt trong những sinh hoạt quan trọng nhất của dân. Tôi tin rằng các vị lãnh đạo nhà nước thấy được tầm quan trọng của Trai đàn Chẩn tế Giải Oan, có mục đích chữa lành những thương tích trong lòng ngưòi, người chết cũng như người sống. Nếu chúng ta thật sự muốn có đoàn kết dân tộc, nếu muốn xóa bỏ những hiềm hận ngày xưa thì chúng ta phải thực tập hết lòng.

Tôi có cảm tưởng rõ ràng rằng sau mỗi ngày của Trai đàn thì trong lòng mọi người nhẹ đi nhiều.. Chúng ta xích lại gần nhau nhiều hơn, hiểu nhau và chấp nhận nhau nhiều hơn. Chúng ta đem người Nam tới gần người Bắc, đem người Bắc tới gần ngưòi Nam. Chúng ta đem người nước ngoài trở về gần hơn với người trong nước. Chúng ta đem người trong nước đến gần hơn với người sống ở hải ngoại. Nhũng người đã chết trong cuộc chiến, họ là ai ? Họ là ông nội của mình, là cha, là chồng, là anh, là con trai, là em trai, là cháu của mình. Họ là bà nội bà ngoại, là mẹ là vợ là con con gái của mình. Tất cả đều là đồng bào của chúng ta. Trong Đại Trai đàn Chẩn tế chúng tôi đã đọc lên một lời khấn nguyện. Lời khấn nguyện này đã được thượng tọa sám chủ của Trai đàn là thượng tọa Lệ Trang đọc. Bây giờ tôi xin đọc để quý vị thấy được tinh thần của Trai đàn. Vì tại Đại Tùng Lâm tự chúng ta cũng sẽ thực tập như vậy. Đây là lời của  những người đang còn sống nói với người đã chết.

Kính thưa liệt vị hương linh

Quý vị là cha chúng tôi, là chồng chúng tôi, là anh trai chúng tôi, là em trai chúng tôi, là con trai chúng tôi. Quý vị cũng là mẹ chúng tôi, là vợ chúng tôi, là chị gái chúng tôi, là em gái chúng tôi, là con gái chúng tôi.

Trong cơn binh lửa, trong cảnh tao loạn, quý vị đã bỏ lại hình hài quý giá của quý vị mà đi. Chúng tôi đã đánh mất quý vị. Quý vị hoặc đã chiến đấu một cách dũng cảm cho đất nước và đã chết hào hùng không hề thương tiếc thân mạng. Chúng tôi rất hãnh diện về quý vị. Nhưng quý vị cũng có thể đã bỏ mình trong những hoàn cảnh cực kỳ bi thương. Nỗi oan khổ không thể nào nói lên được. Trong rừng sâu, trên biển cả, nơi chốn tù đày, chết vì bom đạn hoặc vì bị kiệt sức, hoặc vì bị bức bách, hãm hiếp rồi bị sát hại mà không có phương tiện chống cự lại.

Có biết bao nhiêu quý vị đã ngã quỵ mà nắm xương tàn không biết đã được chôn vùi ở đâu. Nhnữg tai ương mà đất nước và dân tộc của chúng ta đã phải gánh chịu trong bao nhiêu năm tranh đấu cho độc lập, cho tự do thì chính quý vị là người đã phải gánh chịu nhiều nhất.

Chúng tôi, những người thân thuộc và đồng bào của quý vị, hôm nay tới đây thắp hương tưởng niệm quý vị hoặc thiết lập bàn thờ cho quý vị trước hiên nhà. Trong chúng tôi cũng có những người cũng còn tiếp tục gánh chịu oan khổ. Nhưng may thay cơn ác mộng đã qua rồi, đất nước đã được hòa bình. Dân tộc đang có cơ hội kiến thiết trở lại. Nhờ phúc đức tổ tiên chúng tôi hôm nay mới có cơ hội đến với nhau chính thức. Chắp tay nguyện cầu Tam Bảo nhờ pháp lực gia trì thỉnh cầu tất cả liệt vị trở về đoàn tụ cùng nhau, cầu nguyện để giải trừ nghiệp cũ, mở ra một hội mới, nhìn nhận nhau, ôm lấy nhau, thương lấy nhau như đồng bào ruột thịt, không còn phân biệt Bắc Nam, trai gái, già trẻ, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái chính trị và  ý thức hệ.

Tất cả chúng ta đều là đồng bào của nhau, gặp vận nước rủi ro trên đường tranh đấu cho độc lập tự do, bị dồn vào thế phải đối lập nhau. Vì tự vệ mà phải chống đối nhau. Nhưng phúc đức tổ tiên để lại vẫn còn cho nên hôm nay chúng ta mới được trở về lại với nhau, nhìn nhận nhau như đứa con một nhà. Mình hứa với nhau là phải học cho thuộc cái bài học đau thương trong quá khứ. Nguyện từ nay về sau không để cho đất nước bị chia cắt một lần nào nữa. Nguyện từ nay về sau khi có khó khăn về nội bộ sẽ không nhờ một thứ thế lực ngoại bang nào can thiệp. Nguyện từ nay về sau sẽ không khởi sự một cuộc chiến tranh ý thức hệ nào nữa. Từ nay về sau sẽ không sử dụng vũ khí bên ngoài để tranh đấu với nhau nữa. Nguyện từ nay về sau sẽ nổ lực xây dựng một xã hội thực sự dân chủ để có thể giải quyết mọi bất đồng bằng những phương thức hòa bình dân chủ mà không phải xử dụng đến những phương tiện bạo động đến đồng bào.

Lạy chư vị tổ tiên huyết thống và chư vị tổ tiên tâm linh chứng minh. Trước mặt quý ngài chúng con xin kính cẩn phát nguyện như thế và chúng con biết rằng một  phen đã phát nguyện như thế thì mọi oan ức, mọi khổ đau sẽ được hoàn toàn giải tỏa và những vết thương đã hằn sâu trong lòng chúng con sẽ được bắt đầu chữa lành.

Hôm nay Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan được thành lập. Mọi nhà đều có thiết lạp bàn thờ cầu nguyện. Chúng con ngưỡng nguyện ơn trên Tam Bảo độ thoát cho tất cả mọi hương linh để tất cả được nương vào pháp lực vô song mà chuyển hóa siêu thăng. Chúng tôi và các con cháu nguyện sẽ lên đường để tiếp tục chí hướng của liệt vị hương linh. Chúng tôi nguyện mang quý vị trong trái tim để đi về hướng tình huynh đệ và nghĩa đồng bào và luôn luôn nhớ rằng bầu và bí đều có thể leo chung một giàn, gà một mẹ đừng bôi mặt đá nhau, và tuệ giác ấy của tổ tiên sẽ soi đường chỉ lối cho chúng ta bây giờ và mãi mãi.

Trong Đại trai Đàn Chẩn tế vừa qua ở chùa Vĩnh Nghiêm lời khấn nguyện này đã được đọc  3 lần cho tất cả những người chết nghe và những người sống cũng được nghe. Đó là lời phát nguyện lớn vá  nếu chúng ta làm được chuyện đó thì chúng ta sẽ có một tương lai rất đẹp, rất lớn cho đất nước, cho dân tộc.

 

Gieo trồng những hạt giống hiểu biết và thương yêu

Trong 40 năm ở hải ngoại chúng tôi không bao giờ ngưng thực tập và cống hiến kết quả sự thực tập của chúng tôi cho quê hương, cho đất nước. Cứ mỗi một hay hai năm tôi gửi về một bản thảo của một cuốn sách. Hồi đó còn chế độ cũ và sách của tôi không được chính thức xuất bản. Thế nên những sách tôi gửi từ pháp về đã được in „ chui „. Những cuốn sách như là Văn Lang Dị Sử như là Đạo Phật Ngày Mai đều có tên một tác gìả  khác và không có được dùng chữ Nhất Hạnh .

Trong thời gian 40 năm chúng tôi dã tổ chức cho người Tây phương tu học. Trong quá trình vận động cho hòa bình ở Việt Nam chúng tôi đã làm quen với biết bao nhìêu nhà lãnh đạo nhân bản, trí thức, tôn giáo và tuổi trẻ. Trong khi làm việc chung với họ để chấm dứt chiến tranh ở Việt  Nam chúng tôi có cơ hội chia sẻ với họ giáo lý của đạo Phật và sự thực tập Phật pháp của người Việt. Chúng tôi đã học hỏi, đã tinh luyện ra một thứ ngôn ngữ có thể giảng giải được Phật pháp cho những người Tây phương. Một thứ ngôn ngữ họ có thể hiểu và  chấp nhận được. Một thứ giáo pháp mà họ có thể đem áp dụng trong đời sống hằng  ngày để tháo gỡ những khó khăn trong đời sống cá nhân, trong đời sống gia đình và trong đời sống cộng đồng của họ.Chúng tôi đã xuất bản gần cả trăm cuốn sách bằng nhiều thứ tiếng ở Tây phương.

Có nhiều cuốn sách tôi đã viết trực tiếp bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, cũng còn một số trong đó chưa được dịch lại bẳng tiếng Việt. Có một cuốn sách tên là „ Giận“ về phương pháp điều phục cơn giận. Cuốn sách đó viết bằng tiếng Anh. Khi được dịch ra tiếng Đại hàn trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Đại hàn, trong vòng một năm đã được phát hành trên một triệu cuốn. Các đài truyền hình, các đài phát thanh nói tới cuốn sách đó rất nhiều. Có những cuốn sách chúng tôi viết về sự đối thoại giữa đạo Phật và đạo Cơ đốc. Có những cuốn sách chúng tôi viết để giúp cho những nhà tâm lý trị liệu Tây phương có được kiến thức về tâm lý học Phật giáo. Những cuốn sách đó giảng giải về Duy Thức học ( Duy Biểu học) . Tôi đã tổ chức những khóa tu, những khóa thực tập cho các nhà tâm lý trị liệu Tây phương, dạy cho họ biết cách thở, cách đi thiền hành, biết cách nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của họ để họ có thể giúp được những người bệnh tâm thần dễ dàng hơn.

Sự giáo dục của chúng tôi tuôn luôn đi theo với sự thực tập chứ không phải chỉ lý thuyết suông mà thôi. Tôi nhận thấy cách thức học Phật ở trong nước vẫn còn có tính cách lý thuyết nhiều quá.Chúng ta đào tạo những lý thuyết gia Phật giáo nhiều hơn là chúng ta đào tạo những hành giả. Chú ng ta có thể học DuyThức rất giỏi nhưng chúng ta không biết áp dụng Duy Thức vào đời sống hằng ngày để tháo gỡ những khó khăn, những mâu thuẩn, những khổ đau, những hận thù của chúng ta. Chúng ta học kinh Hoa Nghiêm, Luận Khởi Tín, chúng ta học Kinh Kim Cương và thuyết giảng rất giỏi nhưng chúng ta ít áp dụng được vào trong đời sống hằng ngày. Trái lại, ở Tây phương trong 40 năm chúng tôi tìm cách áp dụng tất cả những giáo lý đó vào trong đời sống hằng ngày và giúp được cho nguời thiền sinh tới với chúng tôi tháo gỡ được những khó khăn trong đời sống của họ.

Chúng tôi đã mang đạo Phật Việt Nam đi vào Tây phương không phải qua cánh cửa của tín ngưỡng mà qua cánh cửa Tâm lý học và Xã hội học.

Người Tây phương đã có tôn giáo của họ rồi. Cái họ thiếu là một phương pháp thực tập. Đạo Phật, như tất cả chư tôn đức thấy, không phải chỉ là một tôn giáo tín ngưỡng. Phần bái sám, cúng dường, tín ngưỡng chỉ là một phần nhỏ của đạo Phật thôi. Cố nhiên khi chúng ta thực tập bái sám, cúng dường thì chúng ta có thể làm vơi bớt một ít những niềm đau nỗi khổ. Nhưng nếu muốn đi tới sự tháo gỡ được những lo lắng, những sợ hãi, những hận thù thì chúng ta phải tiếp xúc được được với kho tàng Tuệ giác ở trong đạo Phật. Nếu chúng ta chọc thủng được cái vỏ tôn giáo tín ngưỡng thì chúng ta có thể đi vào cái kho tàng Tuệ giác của đạo Phật. Rất là vĩ đại!. Tiếp xúc được với kho tàng Tuệ giác đó rồi chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề tâm lý của chúng ta rất là sâu sắc, và chúng ta có thể giúp được người đời giải quyết được những khó khăn, những khổ đau và  những bế tắc của họ.

Chúng tôi đã trình bày Tâm lý học Phật giáo và sự thực tập Thiền cho người Tây phương. Càng ngày số người thực tập càng đông. Hiện bây giờ có cả ngàn cộng đồng người Tây phương được dựng ra để thực tập theo pháp môn chúng tôi chia sẻ, giới thiệu và hướng dẫn. Những cộng đồng đó gọi là những Tăng thân. Nó giống như những khuôn hội hay là những cái quận, quận hội. Như thành phố Luân đôn của Anh quốc có tới 10 hay 11 tăng thân như vậy. Thành phố lớn quá thành thử một chổ không đủ và mỗi tuần mọi người tới một lần để cùng nhau ngồi thiền, đi thiền hành, tập thở, tập buông thư, nghe pháp thoại, dự pháp đàm, ăn cơm trong chánh niệm. Số người dự các khóa tu ngày  càng đông.

Mỗi mùa hè tại Mai Thôn Đạo Tràng bên Pháp chúng tôi đếm có từ 45 đến 50 quốc tịch tham dự, và người trẻ rất đông, người trí thức rất là đông. Họ tới không mang theo nhang đèn cùng phẩm vật cúng dường. Họ tới không phải với mục đích đi tìm một nền tín ngưỡng. Họ tới với mục đích đi tìm cái Tuệ giác của đạo Phật để mà tháo gỡ được những khó khăn trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng của họ. Với sự thực tập chúng tôi đã được cống hiến họ, hàng ngàn người, hàng trăm ngàn người những cặp vợ chồng, cha con, mẹ con đã tháo gỡ được những khó khăn, đã thiết lập lại được sự truyền thông, đã đem lại tình thương và hạnh phúc cho gia đình.

Chúng tôi cũng đã đi các thành phố lớn ở Âu châu và Mỹ châu để tổ chức những khóa tu như vậy. Mỗi khi tổ chức những khóa tu như vậy thì chúng tôi đi thành Tăng đoàn., tại vì khóa tu có thể có tới cả ngàn thiền sinh thành thử một người Giáo thọ một mình không thể nào làm được công việc đó. Khi mình tổ chức một khóa tu đi với một tăng đoàn hùng hậu bốn chục, năm chục các thầy, các sư cô thì cái năng lượng chánh niệm, năng lượng Niệm, Định, Tuệ sẽ rất lớn và nó đủ sức chuyển hóa được số đông kia.. Nhìn phía trước cũng có một thầy hay một sư cô. Nhìn phía bên trái cũng thấy một thầy hay một sư cô đi đứng rất là vững chãi, rất là chánh niệm, nụ cười rất là tươi, hai con mắt rất sáng, và sự thong dong, thảnh thơi của các vị xuất gia. Nước nào ở Âu châu, nước nào ở Mỹ châu, ở Úc châu cũng muốn chúng tôi tới tổ chức những khóa tu mỗi năm ít nhất một lần và nhu cầu đòi hỏi rất là lớn. Trong 40 năm chúng tôi đã đào tạo được mấy trăm vị giáo thọ xuất gia có khả năng tổ chức những khóa tu như vậy cho người Tây phương, giảng giải và hướng dẫn bằng tiếng Tây phương. Chúng tôi cũng đào tạo được hằng trăm vị giáo thọ tại gia.  Giáo thọ xuất gia không đủ, phải phương tiện đào tạo các vị giáo thọ tại gia. Nhưng cái số năm trăm, sáu trăm vị giáo thọ chúng tôi đã đào tạo đó không có thấm tháp gì hết đối với nhu cầu tu học của Âu châu, Mỹ châu và Úc châu. Chúng tôi còn được các nước ở Phi châu mời tới nữa. Có những khóa tu mà chồng tới với vợ, cha tới với con và sau năm hoặc sáu ngày thực tập họ tái lập được truyền thông giữa chồng với vợ, giữa cha với con. Họ đem lại hòa khí, tìm lại được hạnh phúc ngày xưa. Mình không cần phải đăng báo, không cần phải quảng cáo, họ truyền tai nhau và số thiền sinh tới Mai Thôn Đạo Tràng và các khóa tu càng ngày càng đông. Họ đến đông quá nhưng mà mình không thể nào từ chối họ. Họ tới với niềm đau nỗi khổ mà bổn phận mình phải mở cửa để cho họ tu tập. Cho dẫu điều kiện ăn ở rất khiêm nhường các thiền sinh vẫn tới rất đông.Chúng tôi mong mõi chư vị tôn đức ở đây cũng như các thầy, các sư cô, các Phật tử cư sĩ giúp chúng tôi một tay. Chúng tôi đang rất thiếu các giáo thọ giảng dạy và truyền bá Phật pháp ở Tây phương. Chúng tôi cần cả hàng ngàn người giáo thọ mới. Vì vậy vị nào phát nguyện trở thành những vị giáo thọ để hoằng pháp ở Tây phương thì xin liên lạc với chúng tôi.

Ở bên Pháp tuy là không có người quá nghèo như ở Việt Nam nhưng mà thanh niên Pháp tự tử rất  nhiều. Họ tự tử không phải vì đói nghèo. Mỗi ngày có khoảng 35 thanh niên Pháp tự tử.

Mỗi ngày đấy ! Họ tự tử vì họ có những bức xúc ở trong lòng mà họ giải quyết không được. Họ có những cảm xúc như là tuyệt vọng, giận hờn, như là thù hận. Chúng tôi đã có mở những khóa tu cho người trẻ, giúp cho họ biết được con đường chuyển hóa những cảm xúc lớn, những cái bức xúc, những sự tuyệt vọng, bế tắc đó. Có rất nhiều người sau khi đọc sách của chúng tôi bằng tiếng Anh, tiếng Đức hoặc bằng tiếng Pháp, tiếng Ý  đã tìm tới các khóa tu, đã thực tập và, chuyển hóa được. Trong 40 năm hành đạo tại Tây phương chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều những kinh nghiệm. Chúng tôi đã mở những khóa tu cho các doanh nhân.

Hôm kia chúng tôi cũng có một ngày tu tập cho các nhà doanh thương tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận. Họ rất là hạnh phúc. Tại Tây phương chúng tôi đã tổ chức cho các bác sĩ tâm lý trị liệu, đã tổ chức những khóa tu cho các nhà hoạt động về môi trường, cho cựu chiến binh, cho cảnh sát và công an, cho các nhà dân biểu quốc hội.  Chúng tôi  đã đi vào trong tù ngục để mở những khóa tu. Đạo Phật chúng tôi giảng dạy ở Tây phương là đạo Phật nhập thế, ai cũng có thể tu được.

Khi về lại quê hương chúng tôi tin chắc rằng những kinh nghiệm mà chúng tôi đã học được tại Tây phương trong những năm hành đạo nếu đem áp dụng vào giới tuổi trẻ ở Việt Nam, người xuất gia cũng như người tại gia, cũng sẽ có  kết quả tương tợ.

 

Học cái gì thì phải áp dụng cho được cái đó

Trong một xã hội đang phát triển mau chóng về kinh tế, về kỷ thuật thì có những tệ nạn được phát sinh ra. Người ta quá bận rộn. Trong gia đình họ không có cơ hội, không có thì giờ để ngồi lại với nhau. Cha không có thì giờ để nhìn mặt con. Chồng không có thì giờ để nhìn mặt vợ. Có những gia đình một ngày không đuợc ăn cơm chung một lần nào hết, mỗi người ăn vào một giờ khác nhau. Rồi bị căng thẳng, bị sức ép, người nào cũng dồn chứa trong thân và trong tâm họ nhiều cái đau nhức, căng thẳng, dễ giận, dễ bực và nói với nhau những lời không dễ thương. Rồi vợ đay nghiến chồng, chồng làm khổ vợ. Hai vợ chồng không nói chuyện với nhau được. Hai cha con cũng nói chuyện với nhau được. Vì  vậy người trẻ không có tin được vào hạnh phúc gia đình. Người trẻ đau khổ, đi tìm những thú vui, những sự khuây khỏa bên ngoài và rơi vào cạm bẩy của những tệ nạn xã hội như là ma túy, băng đảng, như là đĩ điếm. Có lẽ quý vị tôn túc, cũng như các thầy các sư cô, các vị Phật tử cư sĩ biết rằng ở Việt Nam cũng bắt đầu có những người trẻ tự tử, càng ngày càng đông.

Nếu chúng ta học Phật cho đàng hoàng. Nếu chúng ta áp dụng được những gì học được vào tăng thân của mình, vào trong chúng của mình thì chúng ta sẽ có đủ kinh nghiệm để giúp đời, giúp cho những gia đình thiết lập lại được truyền thông, giúp cho cha có thể nói chuyện lại được với con, chồng nói chuyện lại được với vợ, đem hòa khí vào trong gia đình và xây dựng lại nền tảng gia đình cho vững chắc thì xã hội mới có thể có hạnh phúc và điều đó ở Tây phương chúng tôi giáo huấn các thầy, các sư cô, các vị giáo thọ cư sĩ  rất là kỹ. Mục đích chính của các khóa tu là giúp con người có khả năng thiết lập được truyền thông với những người khác trong gia đình, trong xã hội. Mục đích các khóa tu trước hết là để cho mình có khả năng trở về và chăm sóc cho bản thân mình, làm lắng dịu những khổ đau trong thân và trong tâm, chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau của mình. Lúc đó mình mới thiết lập được  truyền thông với cha, với mẹ, với con, với anh ,chị. Và khi thiết lập lại được truyền thông rồi, sử dụng phương pháp lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ thì tự nhiên những hiểu lầm sẽ được từ từ lấy đi và tình thương được phục hồi trở lại. Khi tình thương được phục hồi thì gia đình bắt đầu có hạnh phúc trở lại.

Tôi nghĩ rằng trong các trường Phật học của chúng ta, trường sơ cấp, trường trung đẳng hay học viện, chúng ta phải thay đổi cách giảng dạy. Chúng ta giảng dạy Kinh, Luận như thế nào mà có thể áp dụng ngay vào đời sống hằng ngày giữa huynh đệ, giữa thầy trò. Tại vì chúng ta có những vị đệ tử không nói chuyện được với thầy, có những vị thầy không nói chuyện được với dệ tử. Chúng ta có những huynh đệ không nói chuyện được với nhau. Những cái chúng ta học có áp dụng được để tháo gỡ những khó khăn đó hay không ? Tại lối học của chúng ta có khá nhiều tính cách lý thuyết. Ở Mai Thôn Đạo Tràng chúng tôi cũng học Kinh, học Luận, học Luật nhưng chúng tôi cương quyết: học cái gì thì phải áp dụng cho được cái đó. Những người thiền sinh cư sĩ tới với chúng tôi cũng được học như vậy và cũng áp dụng những cái gì mình học vào trong đời sống hằng ngày. Ví dụ như là Kinh An Ban Thủ Ý, tức là Kinh Quán Niệm Hơi Thở, khi học Kinh đó mình phải biết áp dụng vào đời sống liền lập tức. Nếu áp dụng được Kinh An Ban Thủ - Kinh Quán Niệm Hơi Thở- mình có thể nhận diện được những đau nhức, những căng thẳng trong thân và trong tâm. Mình có khả năng làm lắng dịu những thân hành và tâm hành đó. Mình bắt đầu trị liệu được cho thân và tâm của mình, tại vì Phật pháp có khả năng trị liệu, chuyển hóa và nuôi dưỡng. Mình nuôi dưỡng thân và tâm của mình bằng chánh pháp. Mình trị liệu thân và tâm của mình bằng chánh pháp. Mình chuyển hóa được thân và tâm của mình bằng chánh pháp. Mình phải có khả năng dạy có khả năng học những điều  đó để có thể áp dụng được vào đời sống của mình. Chúng ta cần có một cuộc cách mạng trong lối giảng dạy, học hỏi và thực tập hằng ngày của chúng ta. Nếu không chúng ta sẽ không đủ khả năng đối phó với những khó khăn của thời đại mới, thời đại toàn cầu hóa đang làm đổ nát, lung lay cấu trúc gia đình và xã hội của chúng ta.

Về nước kỳ này ngoài những Trai đàn Chẩn tế tổ chức ở Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Diệu Đế và Chùa Non ở miền Bắc chúng tôi còn tiếp tục hiến tặng những khóa tu cho người cư sĩ, người xuất gia, người trí thức, người văn nghệ sĩ và người thanh niên. Cách đây hai tuần chúng tôi có tổ chức một khóa tu cho những người xuất gia tại Bảo Lộc. Có khoảng 1100 vị xuất gia phần lớn là  trẻ tới tu tập trong 5 ngày. Chúng tôi đã học và thực tập những điều chúng tôi đã chia sẻ. Trước khóa tu của người xuất gia chúng tôi đã tổ chức khóa tu cho người cư sĩ.. Chúng tôi nghĩ rằng Chùa Bát Nhã có thể tiếp được 2000 người trong khóa tu. Nhưng người tham dự lên lên tới gần 7000 ngàn người và chúng tôi không thể nào từ chối được, phải để các vị vào khuôn viên chùa tham dự khóa tu trong 5 ngày. Tuy rằng có đến 7000 người nhưng rất thân tình, rất im lặng. Các vị công an cảnh sát rất lấy làm ngạc nhiên, tại sao với số người đông như vậy mà lại im lặng thanh tịnh như vậy. Tại vì mọi người đều được pháp lạc, được thực tập, được học cách làm lắng dịu thân và tâm, có cơ hội nhìn lại bản thân, nhìn lại người thương để hiểu người đó hơn, để thương và chấp nhận người đó một cách dễ dàng hơn.

Chúng ta có một sự khát khao. Chúng ta rất đói pháp môn tu tập Một khóa tu như thế chứng tỏ rằng  người Việt chúng ta rất đói pháp, nhất là thứ pháp  có khả năng làm lắng dịu thân tâm và chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau. Từ các tỉnh  miền Nam, miền Trung và miền Bắc, đồng bào đã trở về Bảo Lộc để tham dự khóa tu không quản ngại đường xa. Điều đó chứng tỏ rầng chúng ta đang đói pháp, đói Phật pháp, đói Pháp môn. Nếu chúng ta là người xuất gia, chúng ta có bổn phận phải cung cấp cho đồng bào thức ăn tình thần mà họ đang thiếu đang đói. Thức ăn tinh thần mà đồng bào ta cần không phải chỉ là tín ngưỡng, bái sám, cúng dường mà là những pháp môn rất cụ thể để giúp họ làm lắng dịu những căng thẳng trong tâm và trong thân., giúp họ ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, sử dụng được ái ngữ, lắng nghe để có thể tái lập truyền thông với những mà họ đang có  khó khăn. Những phương pháp này rất là căn bản. Chúng ta là những vị giáo thọ, những vị pháp sư, chúng ta phải thấy được những nhu yếu đó của quần chúng Phật tử, của đồng bào để chúng ta có thể cung cấp được những giáo lý và pháp môn thích hợp với thời đại.

Trong chuyến về nước kỳ này chúng tôi cũng mong ước có cơ hội ngồi lại với chư tôn đức, để bàn lại phương pháp giảng dạy, phương pháp trao truyền thực tập. Làm thế nào để chúng ta có thể làm mới được đạo Phật của chúng ta? Khi chúng ta có thể làm mới được đạo Phật thì chúng ta mới đối phó được với những khó khăn của đời sống hiện tại.

 

Quyền lực tâm linh

Hôm qua tại tòa soạn báo Giác Ngộ có ông tiến sĩ Modi từ Ấn độ bay qua. Chúng tôi đã họp báo tại tòa soạn để giải thích về bộ phim Đuờng Xưa Mây Trắng. Ông tỉ phú này có một mơ ước là thực hiện được đời sống của Đức Thế Tôn qua một bộ phim như một thiên anh hùng ca vì cuộc đời của Đức Thế Tôn là một cuộc đời rất đẹp. Thông điệp của Đức Thế Tôn là thông điệp của từ bi, của tình huynh đệ, rất cần cho thế giới của chúng ta hôm nay.

Tiến sĩ Modi là một tỉ phú Ấn độ. Ông ta bây giờ là chủ tịch của hội Mahabodhi tại New Delhi. Ông là người gốc Bà La môn giáo nhưng ông rất mến Đức Thế Tôn. Ông rất tự hào được làm công dân của nước Ấn độ, nơi mà Đức Thế Tôn đã ra đời. Ông thao thức dựng nên một bộ phim nói về cuộc đời của Đức Thế Tôn tại vì ông nghĩ rằng : „Thế giới ngày nay đầy bạo động, căm thù, thèm khát. Mình cần phải trao truyền cho thế giới thông điệp của Đức Thế Tôn, thông điệp của từ bi, của tình huynh đệ, của an lạc, của hạnh phúc.

Ông đã đi tìm những cuốn sách, những văn bản để có thể dựa lên mà làm cuốn phim đó trong gần 20 năm. Rốt cuộc ông đã tìm được cuốn Đường Xưa Mây Trắng. Cuốn Đường  Xưa Mây Trắng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Hoa, Đại hàn và tiếng Hindi       ( tiếng Ấn độ).Một người bạn của ông đã đến đưa cho ông một bản Đường Xưa Mây Trắng bằng tiếng Hindi. Ông đã đọc, đã say mê. Ông biết rằng đây là văn bản mà ông cần để dựng lên cuốn phim về cuộc đời của Đức Thế Tôn. Ông đã bỏ ra 120 triệu đô la để thực hiện cuốn phim này.

Ông đi qua Mỹ để tìm tác giả. Nhà xuất bản nói rằng ông tác giả đang ở bên Pháp. Vì vậy ông rủ một vài dân biểu quốc hội, vài nhà khảo cứu khảo cổ học đi theo ông về Làng Mai gặp tác giả Đường Xưa Mây Trắng. Có một vị thân hữu Ấn độ nói rằng: „Ông này giàu lắm. Khi thầy gặp ông thì phải đòi 50 triệu đô la tiền bản quyền sách. Nói qua nói lại thế nào mình cũng được 30 triệu tha hồ mà làm chùa, làm từ thiện.“

Sau đó tôi ngồi với chư vị xuất gia ở đây thì chư vị và chúng tôi đi đến kết luận là mình không nên lấy đồng nào hết. Mình chỉ nên hiến tặng tác quyền của Đường Xưa Mây Trắng mà không lấy đồng nào như là một phẩm vật để cúng dường Đức Thế Tôn. Mình chỉ đòi một điều kiện thôi: Ống có quyền sử dụng Đường Xưa Mây Trắng để dựng cuốn phim thiên anh hùng ca của đức Phật với một điều kiện duy nhất là giám đốc sản xuất, đạo diễn và các tài tử đóng phim phải đến Làng Mai để tu tập trong vòng ba tuần để học cách đi, đứng, nằm, ngồi trong thảnh thơi, trong chánh niệm. Các tài tử có thể giả bộ chánh niệm, giả bộ từ bi, giả bộ thảnh thơi. Nhưng giả bộ thì rất là khó. Mình phải tu tập ít nhất là 3 tuần để có thể đi được những bước chân thản thơi, ngồi được một cách thoải mái như Đức Thế Tôn. Như vậy mình mới có thể đóng phim lột trần được tinh thần của Phật giáo.

Ông Modi rất ngạc nhiên. Đi đâu người ta cũng nói tới chuyện tiền bạc. Nhưng tới Mai Thôn Đạo Tràng thì mấy ông thầy tu này nói: „Tôi không cần tiền! Tôi chỉ cần một cuốn phim thật hay, chuyển được thông điệp của Đức Thế Tôn. Chúng tôi tu thôi, chúng tôi không cần các ông phải trả tiền cho chúng tôi.“

Nói đến hạnh phúc thì ai cũng  nghĩ đến  tiền bạc và quyền lực. Người ta nghĩ rằng phải có tiền bạc và quyền lực mới có hạnh phúc. Đa số những người trong xã hội đều đi tìm về hướng tiền bạc và quyền lực. Trong đạo Phật chúng ta cũng nói đến uy quyền, nhưng uy quyền đây là uy quyền tâm linh gọi là Đức. Có 3 cái Đức (uy quyền ) mà người tu phải chế tác cho được.

Uy quyền đầu tiên là đoạn đức, tức là khả năng chặt đứt. Chúng ta phải có khả năng chặt đứt những thèm khát, hận thù, si mê. Người tu phải có khả năng cắt đứt thèm khát, hận thù và si mê. Khả năng đó là đoạn đức. Khi chúng ta có khả năng đó rồi thì chúng ta nhẹ nhàng giải thoát. Ông tỉ phú có thể có ngàn tỉ đô la nhưng ông có thể không có đoạn đức. Ông có thể không buông bỏ được những đam mê, thèm khát và si mê của ông. Nhưng người tu có thể buông bỏ được và đó là một uy quyền rất lớn. Nếu người ta cung kính một người tu là vì người tu có đoạn đức,có khả năng buông bỏ những thèm khát, hận thù.

Đức thứ hai là trí đức. Trí đức là tuệ giác mình có được nhờ thiền quán. Tuệ giác về vô thuờng, vô ngã, về duyên sinh, tương tức. Khi có tuệ giác đó mình có thể tháo gỡ những khúc mắc về tâm lý rất dễ dàng. Những tuyệt vọng, hận thù, những mâu thuẫn, khó khăn của cuộc sống nếu mình có tuệ giác thì mình tháo gỡ rất mau trong khi đương sự đi vòng quanh năm này qua năm khác mà không thể thoát ra được. Nếu tìm tới minh sư thì chỉ trong vài phút với tuệ giác minh sư có thể giúp mình tháo gỡ được liền. Đó gọi là trí đức.

Đức thứ ba là ân đức. Ân đức là khả năng tha thứ thương yêu. Các bậc thầy có khả năng tha thứ và thương yêu là các bậc ân sư. Có khả năng tha thứ và thươong yêu thì mình có hạnh phúc và tạo  ra cho những người chung quanh không biết bao nhiêu là hạnh phúc. Với tuệ giác mình tháo gỡ cho chính mình và mình tháo gỡ cho người khác.

Sự giàu sang của người tu là ba khả năng đó : khả năng cắt đứt thèm khát, hận thù, khả năng tháo gỡ bằng trí tuệ những dằn co của tâm lý, khả năng tha thứ và thương yêu được những ngưòi dầu họ có là khó thương. Khi mình có 3 đức đó thì mình hạnh phúc rất nhiều và mình ban phát hạnh phúc rất nhiều. Trong khi người doanh thương chạy theo quyền lực và tiền bạc thì người tu chúng ta phải hạ thủ công phu, chế tác cho được ba năng lượng đó là đoạn đức, trí đức và ân đức.

Buổi thiền trà tổ chức tại Mai Thôn Đạo Tràng để tiếp ông tỉ phú là sự đo gươm giữa hai quyền năng, quyền năng vật chất và quyền năng tâm linh. Có một sư cô người Mỹ là sư cô Tùng Nghiêm, sư cô đã tốt nghiệp về ngành luật, là tiến sĩ về luật. Sư cô Tùng Nghiêm có mặt trong buổi thiền trà, đã chứng kiến được cuộc đo gươm giữa hai quyền lực: quyền lực của tiền bạc và quyền lực của  ba cái đức. Cố nhiên họ tới với các luật sư, các nhà chuyên môn để điều đình về tác quyền của cuốn Đường Xưa Mây Trắng Khi uống hết một tuần trà tôi mở lời, nói : „ Chúng tôi không cần lấy của các ông một đồng nào hết. Chúng tôi chỉ yêu cầu từ giám đốc sản xuất đến đạo diễn, diễn viên phải đến tu học 3 tuần để cho có được thực chất của cuốn phim,vậy thôi!“

Sư cô Tùng Nghiêm nhìn ông Modi và thấy phản ứng của ông. Ban đầu ông không tin được. Làm sao có một người mà không cần tiền ? Từ trước đến nay khi nói tới đô la, nói tới từ triệu này sang triệu kia thì người ta cho đó rất là quan trọng, cần tranh đấu để có được càng nhiều càng tốt. Tới đây thấy mấy ông thầy tu rất đơn giản, không cần tiền. Bắt đầu ông chưa tin nhưng khi tôi lập lại lần thứ hai thì ông bắt đầu tin. Chuyện này có thật. Có một cuộc đấu gươm rất ngoạn mục giữa uy quyền của tiền bạc và uy quyền của tâm linh. Cuối cùng ông Modi nép phục. Ông thấy rằng rõ ràng có một cái rất cao, rất đẹp, rất thanh trong sự thực tập của Phật giáo.

Đây là điều tôi muốn chia sẻ với chư vị tôn đức, các thầy, các sư cô, các Phật tử cư sĩ. Ngày hôm qua tại tòa soạn báo Giác Ngộ, có rất nhiều nhà báo, nhà đạo diễn làm phim của thành phồ H C M  đã tới, chứng kiến và đặt câu hi cho nhà tĩ phú Modi .Chúng tôi đã chuyển hóa được con người đó. Người đó bây giờ để hết lòng lo cho cuốn phim này. Cuốn phim giống như một thông điệp về tinh thần từ bi bất bạo động của đạo Phật mà chúng ta gửi đến toàn thế giới..

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.