.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (... ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (... )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Thiền trong Văn học - Nghệ thuật :

TMới ngày xưa,
giờ đây Đường Xưa Mây Trắng lên phim.

 

  • Tháng III 2007 - Chân Giác Quang & Chân Tịnh Minh phiên tả và biên tập :
    Chia sẻ của Sư ông Làng Mai và Tiến sĩ Bhupendra Kuman Modi ngày 19 - III - 2007 tại Tòa soạn báo Giác Ngộ - Sài Gòn.
    Âm thanh MP3 : 
    Phần 1 (11.9MB)  Phần 2 (16.7MB)

 

Thơ Mới ngày xưa

Xin đọc bài thơ kính tặng các vị Tôn Túc, quí vị quan khách và các bạn bài Bưóm Bay Vườn Cải Hoa Vàng:

Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về
Bên bến nước rửa chân
Hơ tay trên ánh lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống
Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm
Mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã
Trong khu vườn cải hoa vàng
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi ?

Gió mang tiếng ca; ngày ra đi em dặn:
"nếu ngày về thấy khung trời đổ nát, thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh".
Tôi đã về, (có tiếng hát ca) bàn tay trên liếp cửa,
Hỏi rằng: "có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì ?"
Gió thì thầm: em nên hát ca
Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười,
Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch ?
Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau
Tôi tìm em (như đêm giông tố loạn cuồng 
rừng sâu đen tối 
những cành cây sờ soạng
đợi ánh chớp lòe ngắn ngủi
thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)
Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu,
Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.
Tôi đứng đây, chúng ta không cần khởi hành
Quê hương chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ,
Xin đừng ai xâm phạm - Tôi vẫn còn hát ca.
Đầu còn gối trên thánh kinh, 
sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng công trình xây dựng ngàn đời
Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất
Bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài đưa chúng ta đi tới
Nắm lấy tay tôi, em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt tự ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu.
Tóc mẹ tôi còn xanh, và dài chấm gót
Áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu
Nắng sớm mùa thu
Tôi ở đây, chính thực vườn xưa
Những cây ổi trái chín thơm
Những lá bàng khô thắm
Đẹp
Rụng
Còn chạy chơi la cà trên sân gạch
Tiếng hát vẳng bên sông
Những gánh rơm thơm vàng óng ả
Trăng lên, quây quần trước ngõ
Vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua.

Tôi không ngủ mơ đâu,
Ngày hôm nay đẹp lắm, thực mà
Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ
Chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa,
Đến đây,
Khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm, 
Trong ai nói cho em nghe rằng Thượng Đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng Người ?
Chúng ta đã từng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp, khổ đau vì không tự biết là lá là hoa.
Em hát ca đi, bông cúc cười theo em bên hàng dậu,
Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát
Những ngôi sao trới không bao giờ xây ngục thất cho chính mình.
Để cho chúng tôi hát ca, để cho chúng tôi là những đóa hoa.
Chúng tôi đang ở trong cuộc đời
Mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy
Bàn tay cũng là hoa, đừng biến bàn tay em tôi thành giây chằng.
Thanh khớp răng cua
Thành móc sắt
Hiện hữu không kêu gọi tình thương
Hiện hữu không cần ai phải thương ai
Nhưng em phải là em, là đóa hoa, là bình minh hát ca, không đắn đo suy tính
Xin ghi vào đây một tân ước nữa của tất cả chúng ta 
Và xin vẫn nghe lời tôi như nghe suối reo, như nhìn trăng sáng
Em về, đưa Mẹ về cho tôi thăm
Cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài xanh như tóc Mẹ

Tôi làm bài thơ  “Bướm bay vườn cải hoa vàng” năm 1964 (sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, thầy Trí Quang viết thơ đề nghị tôi về giúp một tay), đó là bài thơ thuộc thể thơ mới, thơ tự do, thơ vui, không mang tính sầu đau. Hồi đó nhóm văn nghệ sĩ như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp đưa ra thể thơ mới gọi là thơ tự do, không cần vần điệu. Trước khi họ đưa ra lý thuyết và một số bài thơ theo thể thơ mới thì tôi đã bắt đầu làm loại thơ này rồi, đó là bài  “Bướm bay vườn cải hoa vàng”  tôi vừa đọc.

Năm 1964, thi sĩ Vũ Hoàng Chương được thầy Châu Toàn mời về làm trong toà soạn tuần san Hải Triều Âm. Vũ Hoàng Chương không những cộng tác bằng những bài thơ mà còn đóng góp rất nhiều ý kiến. Hải Triều Âm được xuất bản mỗi tuần, có lúc chúng tôi cho in đến 50 ngàn số và được chở bằng máy bay ra Huế  để bán. Có một lần, với tư cách chủ bút, tôi viết bài “Lời khấn nguyện đau thương của dân tộc” đăng trên Hải Triều Âm, kêu gọi hai miền Nam Bắc ngồi lại với nhau để đi tới một giải pháp hòa bình, thống nhất mà khỏi cần đánh nhau. Lúc đó trên Hải Triều Âm có đăng rất nhiều bài thơ kêu gọi anh em ngồi lại với nhau để chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu. Sau này nhiều người gọi những bài thơ của chúng tôi là những bài thơ phản chiến, thật ra nó không phải là thơ phản chiến mà là những bài thơ kêu gọi tình thương, hòa giải mà thôi. Nhưng có một điều đặc biệt là những bài thơ đó làm rất là tự do, nó đích thực là thơ tự do.

Tôi còn nhớ, Vũ Hoàng Chương có lần trong toà soạn Hải Triều Âm đã nói: “Những nhà chủ trương thơ tự do, họ đã trình bày ra nhiều bài tiêu biểu cho thơ tự do, thầy Nhất Hạnh thì không chủ trương lý thuyết gì về thơ hết nhưng những bài thơ của Thầy có vẻ là thơ tự do thiệt và chính thầy là người thành công nhất trong những nguời làm thơ tự do”.

Hồi đó hòa bìnhhòa giải là những chữ quốc cấm! Kêu gọi hai bên ngưng chiến, ngồi lại với nhau thương thuyết để có thống nhất, có hòa bình thì không được chấp nhận. Vì vậy cho nên chúng tôi bị áp lực để “không được đăng tải những bài thơ như vậy nữa”. Nhưng con đường của chúng tôi, của Phật tử là con đường của bất bạo động, của hòa bình, của tình huynh đệ. Nếu bịt miệng mình, không cho mình nói những điều vốn là cốt tủy của đạo Phật, không cho mình viết được những bài từ trái tim của mình thì làm báo để làm gì? Rốt cuộc chúng tôi đóng cửa tờ báo đó.

Cùng với nhà văn Võ Đình Cường, chúng tôi ra một tờ báo khác, đó là tờ Thiện Mỹ, đứng ngoài giáo hội để có thể tiếp tục được tiếng nói từ trái tim. Thầy Trí Quảng cũng đã có mặt trong thời gian đó, ngày hôm nay thầy làm báo Giác Ngộ thì cũng là tiếp tục công việc của chúng tôi ngày xưa.

 

Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm…

Sau 40 năm ở Hải ngoại, tôi nhận thấy rằng trong thời gian chúng tôi vắng mặt, có trên 40 triệu người đã sinh ra trên đất nước Việt Nam. Khi tôi về, tôi chỉ gặp thế hệ hệ trẻ đó thôi, còn những vị đã quen biết ngày xưa còn rất hiếm, đếm lại chỉ trên lòng bàn tay, như bác Tống Hồ Cầm, anh Võ Đình Cường, thầy Trí Quang, thầy Trí Tịnh... thầy Thiện Siêu thì đã đi rồi. Nhưng khi nhìn xuống thế hệ trẻ đã sinh ra trong thời chúng tôi vắng mặt, tôi nhận ra được họ là con cháu của thế hệ chúng tôi ngày xưa nên tôi không có cảm giác bị lạc lõng, bơ vơ và tôi thấy rất rõ, “họ là sự tiếp nối của đàn anh đi trước”.

Trường Đại học Cornell mời tôi qua để thuyết giảng về tình hình Đông Nam Á và tôi đã nhận lời. Trong bụng nghĩ rằng, qua đó mình có cơ hội nói lên tiếng nói của dân Việt Nam, muốn có hòa bình, muốn chấm dứt cuộc chiến tranh này. Khi lên xin hộ chiếu, ông giám đốc công an nói: “Thầy qua bên đó làm gì cũng được, miễn là đừng kêu gọi hòa bình thì thôi! ” Mục đích của mình đi qua để làm chuyện đó, thành ra tôi nín khe, không nói gì hết.

Sau khi diễn thuyết xong ở trường đại học Cornell, tôi được tổ chức thân hữu gọi là thân hữu hòa giải (Fellowship of conciliation), một tổ chức cho hòa bình bảo trợ để tôi có thể đi một vòng Hoa Kỳ và Âu châu kêu gọi những nỗ lực chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Trong thời gian đó, tôi gặp những người như Mục sư Martin Luther King, tôi đã thuyết phục Mục sư đứng ra hô hào chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Sau  ba tháng hoạt động, chánh quyền miền Nam cấm không cho tôi về nước nữa, vì vậy cho nên tôi phải lưu trú ở tây phương. Ở lại bên Mỹ thì không được, vì Mỹ và Việt Nam đang bị vướng mắc vào trong cuộc chiến với nhau. Tôi xin ở lại bên Pháp và lập ra một tổ chức gọi là phái đoàn Hòa Bình của Phật Giáo Việt Nam để cung cấp những tài liệu về thực chất của cuộc chiến ở Việt Nam. Chúng tôi đã tiếp xúc các giới trí thức, sinh viên, nhân bản, tôn giáo ở tây phương đã dựng thành mạng lưới thân hữu để làm việc cho hòa bình Việt Nam. Chúng tôi làm việc như một tòa đại sứ Việt Nam (mà không có lương), truyền bá văn hóa Việt Nam, cung cấp những tin tức về Việt Nam nhưng đứng về phía người dân chớ không phải đứng về phía đảng phái hay chánh quyền nào cả.

Cố nhiên trong thời gian làm việc, chúng tôi có cơ hội chia sẻ với giới trẻ, giới trí thức, giới tôn giáo ở bên đó về đạo Phật và cách hành trì đạo Phật Việt Nam. Chúng tôi tổ chức những buổi thuyết trình, những buổi ngồi thiền, những buổi đi thiền hành cho các bạn, nhất là các bạn hoạt động (activist) có cơ hội thực tập làm lắng dịu thân tâm để có thể hoạt động được lâu dài. Nếu mình không giữ được sự lắng dịu, an bình trong thân và trong tâm thì khi mình làm việc một hồi, mình đánh mất sự an bình trong con người của mình và mình không thể tiếp tục được. Hiện tượng đó, tây phương gọi là burn out (hết xí quách), không thể đi tới nữa được.

Chúng tôi tổ chức những buổi ngồi thiền tại Paris, New York, Frankfurt, Bonn, Thụy sĩ, do đó giăng mắc được một mạng lưới cho các thân hữu, chúng tôi bắt đầu truyền bá tư tưởng gọi là “Đạo Phật nhập thế” (tiếng Anh gọi là Engaged Buddhism, tiếng Pháp là Bouddhisme engagé), là thứ Đạo Phật không phải chỉ là thực tập trong tu viện, trong chùa mà là thứ đạo Phật được thực tập ngay trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình, trong cộng đồng, nơi sở làm, trong Quốc hội… và từ đó về sau tư trào gọi là Engaged Buddhism Đạo Phật Nhập Thế được lan truyền ra khắp Âu châu và nước Mỹ. Ai cũng biết rằng nó có cội nguồn từ Việt Nam.

Cuốn sách đầu tiên tôi hiến tặng cho tây phương là cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa (Lotus in the Sea of Fire), nói về Phật giáo Việt Nam, tình thế Việt Nam. Cho mọi người biết rằng: “Đạo Phật Việt Nam đang tranh đấu bất bạo động cho hòa bình như là một đóa sen nở trong biển lửa mà không bị cháy”.

 

Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi ?

Vì không về nước đuợc nên tôi mới lập các đạo tràng ở bên đó để tu tập và qui tụ được những người trẻ, những người trí thức đến tu tập. Từ từ chúng tôi quảng bá pháp môn tu tập của Việt Nam. Trong thời gian ở tại Tây phương, chúng tôi tiếp xúc được rất nhiều với văn hóa của Tây phương, các nền tư tưởng thần học, triết học . Chúng tôi đã chế luyện ra thứ ngôn ngữ để giúp cho tuổi trẻ và người Tây phương hiểu được đạo Phật và họ có thể áp dụng đạo Phật được trong đời sống hàng ngày của họ.

Đạo Phật mà chúng tôi giới thiệu cho họ không phải là nền tôn giáo, vì chúng tôi biết rằng Tây phương họ đã có tôn giáo của họ. Phật giáo không chỉ là một tôn giáo, phần tín ngưỡng, tín mộ, cúng dường, bái sám, lễ nghi chỉ là vỏ ngoài của đạo Phật. Nếu chọc thủng được cái vỏ tôn giáo, tín ngưỡng là đi vào kho tàng tuệ giác của đạo Phật (tiếng Anh dịch là Insight, tiếng Pháp dịch là Vision profonde hay sagesse). Tuệ gíác là cả một kho tàng vĩ đại của Phật giáo, nếu biết quán chiếu, học hỏi được theo tinh thần đó, mình có khả năng tháo gỡ được tất cả những sợ hãi, bức xúc, căm thù, tuyệt vọng trong tâm của mình …

Ở trong đạo Phật có một nền tâm lý học rất là thâm sâu, thuộc về pháp tướng tông của duy thức học Visvanavada, so với tâm lý học Tây phương thì nền tâm lý học đạo Phật thâm sâu hơn nhiều. Chúng tôi đã khai thác, áp dụng và mở những khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu Tây phương, mỗi khóa có hàng ngàn người tới học. Họ học hỏi được rất nhiều từ tâm lý học Phật giáo. Chúng tôi đi vào Tây phương không phải bằng cửa ngõ của tín ngưỡng mà qua cánh cửa của tâm lý học, xã hội học và triết học.

Trong đạo Phật, phần tâm lý học đi đôi, không thể tách rời khỏi phần siêu hình học. Từ cửa ngõ tâm lý học đi vào, thế nào cũng chạm tới bản thể học ở trong Phật giáo. Hiện bây giờ khoa học Tây phương, nhất là khoa cơ giới lượng tử Quantum mechanic lấy cảm hứng từ trong bản thể học của Phật giáo rất là nhiều. Những giáo lý, những tuệ giác như là không, duy thức, vô tướng, vô tác trở thành các nguồn cảm hứng lớn cho các nhà khoa học, họ có hướng để đi tới sự tìm tòi! Tôi tin chắc rằng: “thế kỷ thứ 21, trong đó là đạo Phật với khoa học, tay nắm tay cùng đi với nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Nhà Bác học Einstein có nói là: “Nếu có một tôn giáo đi đôi được với khoa học thì tôn giáo đó chính là Phật giáo”.

 

Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười…

Trong những năm ở quê người, chúng tôi cũng tiếp tục viết sách, chúng tôi gởi về nhà những bản thảo đó và có những cuốn sách chỉ được in chui vì tác giả là Thích Nhất Hạnh không được chấp nhận. Nhưng ở ngoại quốc, sách của tôi được phổ biến rất là rộng, có những cuốn nhắm vào hướng đối thoại giữa Cơ Đốc giáo và Phật giáo như là cuốn, “Living Buddha-Living Christ - Phật ngàn đời, Chúa ngàn đời”  bán rất chạy (best seller). Cuốn sách đó đi vào trong các tu viện kín, nó mở ra cuộc đối thoại. Có nhiều nhà tu trong tu viện kín viết thư nói rằng: “Cuốn sách đó tháo gỡ cho họ rất nhiều các điều nghi của Cơ Đốc giáo, khiến cho họ hiểu Cơ Đốc giáo một cách sâu sắc hơn”. Cuốn thứ hai là "Going Home, Buddha and Jesus are Brothers - Chúng ta hãy về nhà đi thôi, Bụt và Chúa là hai anh em” chớ không phải là hai kẻ thù đâu! Cuốn sách đó cũng bán rất là chạy.

Mùa giáng sinh nào thiền sinh Tây phương cũng kéo nhau về Làng Mai rất là đông như con cháu về nhà cha mẹ. Ở Làng Mai họ được tiếp xúc với giáo lý đạo Phật mà không phải từ khước gốc rễ Cơ Đốc giáo của họ. Trái lại, khi học hỏi, thực tập theo giáo lý đạo Phật, họ hiểu sâu sắc hơn trong truyền thống Cơ Đốc giáo của họ. Mỗi mùa Giáng Sinh, tôi đều nói một bài pháp thoại về đề tài Phật và Chúa, sau 10 năm, tôi cho ghép hết mười bài đó lại thành một cuốn sách, đó là cuốn “Bụt và Chúa là hai anh em”, cuốn sách đó đã giúp cho rất nhiều người tháo gỡ được những khó khăn đối với nền tín ngưỡng của họ và chấp nhận đạo Phật như một nền văn hóa, bỏ đi thái độ  kỳ thị, khinh miệt, coi thường mà họ đã có trong quá khứ.

Thiền sinh tới Làng Mai ở bên Pháp hay tới những khóa tu mà chúng tôi tổ chức ở các thành phố lớn ở Âu Châu và Mỹ châu. Họ không mang theo nhang đèn, hoa quả hay phẩm vật cúng dường như Phật tử Việt Nam, họ đi với hai tay không và họ tới với mục đích học hỏi, hành trì. Những bàì pháp thoại nói về đạo Phật, tuệ giác đạo Phật không phải để chất chứa kiến thức về Phật học mà là những pháp môn tu tập. Tại vì ở các trường đại học, kiến thức Phật học được cung cấp khá đầy đủ và rất khoa học.

Cái hay của mình mà các trường đại học không có là những pháp môn tu tập. Mình học được cái gì, mình đem áp dụng liền vào trong đời sống hàng ngày của mình để có thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau, những bức xúc, những xung đột nội tâm, làm lắng dịu thân tâm, thiết lập được sự truyền thông, đem lại hạnh phúc với những người trong gia đình.

Chúng tôi đã giúp cho hàng biết bao nhiêu cặp vợ chồng, cha con, mẹ con hòa giải được với nhau, thiết lập lại được hạnh phúc. Vì vậy họ đồn đãi với nhau cho nên các khóa tu tổ chức ở Làng Mai càng ngày càng đông.

 

Chúng mình còn đây, hôm nay và ngày mai nữa…

Trên thế giới, chúng tôi đã thiết lập ra hàng ngàn cộng đồng gọi là Community of mindfulness living, tức là cộng đồng sống theo nghệ thuật chánh niệm. Chánh niệm là một trong những yếu tố tu tập của đạo Phật: Niệm, Định, Tuệ. Có chánh niệm thì sẽ đưa tới định (Concentration), sự tập trung tâm ý. Hễ có niệm, có định, thế nào cũng có tuệ giác. Có tuệ giác thì tháo gỡ được những khó khăn, những bức xúc, những sợ hãi, những lo lắng của mình.

Những cộng đồng tu tập chánh niệm là do những thiền sinh đã tới tham dự những khóa tu, họ đã thấy những lợi lạc: “Có an lạc, có hòa bình, có hạnh phúc, có niềm tin ở sự sống”. Cho nên khi về tới địa phương, thành phố của họ, họ đi kiếm các bạn khác đã từng thực tập, thành lập ra một nhóm, một cộng đồng để mỗi tuần cùng tới với nhau tu tập, giống như họ đã được tu tập ở đạo tràng Mai Thôn hay ở tại các khóa tu mà chúng tôi tổ chức như ở New York, Paris hay Londre. Ở thành phố Luân Đôn, có trên mười cộng đồng như vậy, tại New York cũng có trên mười cộng đồng tu tập, họ toàn là thiền sinh cư sĩ.

Hiện giờ chúng tôi có khoảng một trăm giáo thọ xuất gia và vài ba trăm giáo thọ cư sĩ. Đối với nhu cầu của thế giới, số lượng đó rất là nhỏ, chúng tôi mong có thể đào tạo ra hàng ngàn vị giáo thọ như vậy để đi tổ chức những khóa tu, vì mỗi khóa tu như vậy, mình có thể chứng kiến được sự chuyển hóa của rất nhiều người.

Các bạn sẽ thấy rằng nếu hiện đại hóa được cách dạy và thực tập đạo Phật, mình sẽ giúp cho người thanh niên, người trí thức có được phương tiện tự bảo vệ khi đi trong cuộc đời và không  sa vào hầm hố của những tuyệt vọng, những bức xúc. Đất nước đang có một cơ hội mới, một vận hội mới, đạo Phật Việt Nam như là một di sản quí báu của nền văn hóa. Nếu chúng ta làm mới được, đổi mới được cách học hỏi, giảng dạy và thực tập sẽ là một đóng góp rất lớn lao cho quê hương đất nước. Đó là niềm tin của chúng tôi!

Trong chuyến về kỳ hai này, chúng tôi cũng chỉ tiếp tục làm công việc trong chuyến về đầu là chia sẻ kinh nghiệm mà chúng tôi đã thu thập được trong lúc thực tập. Những buổi họp mặt như họp mặt sáng nay cũng có mục đích như vậy, chúng ta có cơ hội ngồi với nhau, chia sẻ những kinh nghiệm, những khó khăn để chúng ta có thể làm mới được sự học hỏi, giảng dạy và áp dụng tuệ giác quí giá vô song của Phật giáo vào trong đời sống hàng ngày.

Xin cám ơn quí vị.

 

Tiến sĩ Bhupendra Kuman Modi
nói về phim Đường Xưa Mây Trắng

(thầy Pháp Ấn thoát dịch).

Trước tiên là tôi xin gởi lời chào nồng ấm đến tất cả các bạn Việt Nam! Ngày hôm nay, tôi được tiếp xúc với quí vị, thấy quí vị có khuôn mặt rất là trong sáng, tôi biết rằng đạo Phật đã cắm rễ rất sâu trong nền văn hóa Việt Nam. Tôi được may mắn sinh ra trên mảnh đất mà đức Bụt đã sinh ra, đã sống và lớn lên trên mảnh đất đó. Tôi rất hạnh phúc được tiếp nhận tuệ giác và đời sống của Bụt. Ngài không phải là một vị thần linh, Ngài là người sáng lập ra một truyền thống tâm linh đầy nhân bản mà trước đó ở Ấn Độ thì mang tính thần thánh nhiều hơn.

Đức Bụt Thích Ca với sự thực tập chánh niệm của mình, đã chuyển hóa được bản thân và có khả năng chuyển hóa được cả xã hội. Cuộc đời của Ngài không những tạo nên cho mọi người sự phấn khởi, mà nó cũng là một bản thiên hùng ca. Cái quan trọng là chúng ta phải kể lại cuộc đời của Ngài như thế nào đó với thế giới để thế giới thấy được điều này. Trong vòng hai mươi năm qua, bản thân tôi cũng cố gắng thực hiện cuốn phim về cuộc đời của Bụt theo chiều hướng đó. Cách đây hai năm rưỡi, tôi được bầu làm chủ tịch hội Maha Bodhi Society (Đại Bồ Đề). Trong hội Maha Bodhi Society, chúng tôi đã thảo luận, bàn cãi về cách thức để thực hiện cuốn phim này. Vị Tổng  Giám đốc hội Maha Bodhi Society đã đưa cho tôi quyển sách Đường Xưa Mây Trắng mà tác giả là thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lần đầu tiên tôi bị thuyết phục ngay khi đọc quyển sách này: “Đây là quyển sách mình có thể dùng làm nền tảng cho cuốn phim cuộc đời của Bụt”. Cái đặc biệt của Đường Xưa Mây Trắng là kể về cuộc đời Bụt như một con người, ngài cũng đi qua những lo sợ, hồi hộp, khổ đau giống như tất cả mọi người chúng ta.

Chúng tôi tìm cách liên lạc với tác giả quyển Đường Xưa Mây Trắng, nhưng không dễ dàng lắm. Chúng tôi tìm đến Mỹ thì được cho biết rằng: “Để gặp tác giả, chúng tôi phải đi qua Pháp”.

Tôi và vị giám đốc cùng một số vị dân biểu quốc hội Ấn-Độ khăn gói lên đường tìm đến Làng Mai để gặp cho được tác giả Thích Nhất Hạnh. Khi gặp được tác giả thì công việc cũng rất là đơn giản, vấn đề được giải quyết rất là nhẹ nhàng, tác giả đã hiến tặng cho chúng tôi tác phẩm  Đường xưa mây trắng mà không đòi hỏi một đồng tác quyền nào cả. Ngài nói: “Đây là sự cúng dường cho tam bảo, cho Bụt, một sự cúng dường trong sáng, để cuộc đời của Bụt được kể lại, được truyền bá!” Tôi cảm thấy rất là xúc động và biết đây thật sự là người mà mình có thể làm việc chung được, mình đã tìm đúng người rồi!”

Vấn đề khó khăn là quyển sách này rất là dầy mà mình chỉ làm cuốn phim trong vòng hai tiếng đồng hồ thôi. Chúng tôi thấy mình cũng có quan niệm cùng với tác giả là mình kể lại toàn thể cuộc đời của Bụt chớ không phải là một mảnh nào đó trong cuộc đời của Ngài. Đó có thể là một điều khó khăn cho cuốn phim chỉ dài có hai tiếng đồng hồ.

Tôi và ông Giám đốc phim là Michel Shane (một nhà Giám đốc phim rất là nổi tiếng, đã thực hiện những phim như: Catch me if you can, I robot) sẽ đi tìm người nào đó có khả năng viết phim bản, biến quyển sách rất dầy này thành hai tiếng đồng hồ cho cuốn phim cuộc đời Bụt Thích Ca. Rất nhiều nhà viết phim bản, họ cũng rất là lo và e ngại khi phải chuyển toàn bộ quyển sách dầy cộm đó thành một cuốn phim chỉ dài hai tiếng đồng hồ.

Chúng tôi rất may mắn, đã tìm được ông David Ward (ông đã nhận được giải Oscar về phim ảnh ở bên Mỹ), ông ta đã đồng ý chuyển quyển sách Đường Xưa Mây Trắng thành phim bản.

Sau khi anh David Ward viết xong, anh cũng cần sự chấp thuận của tác giả, xem tác giả có đồng ý hay không? Đó là một sự khó khăn khác nữa! Cũng không dễ dàng mời anh viết phim bản này tới Làng Mai - Pháp quốc được, nhưng mà cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được thời gian và khung cảnh thích hợp cho buổi tổ chức. Chúng tôi mời đức Đạt Lai Lạt Ma đến, cũng có mời Thiền Sư Nhất Hạnh đến nói chuyện về ngày kỷ niệm 11.09 tai nạn khủng bố tại Trung tâm Thương mãi ở New York. Sau đó chúng tôi mời anh David  Ward  tới để gặp tác giả quyển Đường xưa mây trắng. Đức Đạt Lai Lạt Ma rất lấy làm đắc ý về tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng và rất là mong mõi cuộc đời Bụt Thích Ca được dựng thành phim theo bộ truyện này. Thiền sư Nhất Hạnh cũng gặp David Ward và hai người rất là tâm đắc với nhau, do đó chương trình rất là thành công.

Quyển sách viết rất là hay, nó là một thiên anh hùng ca về cuộc đời đức Bụt Thích Ca, chúng tôi rất mong cuốn phim cũng thể hiện được nét hào hùng đó. Hiện nay, chúng tôi dự kiến là cuốn phim sẽ tốn chừng 120 triệu Mỹ kim. Tại Hollywood, nếu mình làm cuốn phim, vấn đề về pháp lý rất là quan trọng, có nhiều chuyện mình phải thực hiện, một trong những chuyện đó là mình phải có đủ số tiền 120 triệu Mỹ kim thực hiện cuốn phim đó. Hiện nay chúng tôi được nhiều người hổ trợ để thực hiện chuyện phim đó, chúng tôi được Michel Shane và anh David Ward cộng tác chung, thêm vào đó chuyện Đường Xưa Mây Trắng cũng rất nổi tiếng, cho nên chúng tôi có rất nhiều hy vọng.

Như quí vị biết, cộng đồng làm phim ở Hollywood, phần lớn là những người Do Thái, do đó cũng rất là khó để thuyết phục họ thực hiện phim về cuộc đời của Bụt. Ở tại Hollywood cũng có điều rất lạ hiện nay là có nhiều người Do Thái rất thích đạo Phật. Họ trở thành những nhà Phật giáo-Do Thái giáo, họ tự gọi là JUBU (Juish-Buddh) vừa có gốc rễ của Do Thái giáo, vừa có gốc rễ của Phật giáo. Cộng đồng của những người đó, hiện nay họ cũng họp lại để thảo luận, thực hiện cuốn phim này. Họ cũng đồng ý với nhau là đã tới lúc mình cần phải thực hiện cuốn phim về cuộc đời đức Bụt Thích Ca.

Chúng tôi cũng nhận được sự nâng đỡ rất nhiều từ chánh quyền Ấn Độ, cơ quan văn hóa, giáo dục tại Ấn Độ hỗ trợ để thực hiện cuốn phim này. Chúng tôi rất mong cuốn phim như là một thông điệp về đời sống của Bụt. Đặc biệt là có thể trao truyền lại cho các giới trẻ! Tôi là một nhà doanh nhân, tôi thấy cách hay nhất để sử dụng số tiền của tôi cho có ý nghĩa là thực hiện cuốn phim này. Thế giới hiện nay cũng rất sẵn sàng chấp nhận tạo dựng nên một cộng đồng mà trong đó có sự bình đẳng và bất bạo động. Cuốn phim này đóng góp rất nhiều cho việc tạo dựng một nền tảng, cấu trúc xã hội mới mà nền văn hóa bất bạo động có thể thực hiện được.

Chúng tôi dự định thực hiện cuốn phim này trên 100 ngôn ngữ khác nhau và người Việt có thể xem cuốn phim này qua ngôn ngữ của mình. Chúng tôi rất mong nhận được sự nâng đỡ của quần chúng Việt Nam trong vấn đề thực hiện cuốn phim này. Chúng tôi cũng nghĩ rằng với cuốn phim này thì người Việt Nam và những người Ấn Độ sẽ đến gần với nhau hơn, cũng như đến gần với tất cả người dân trên thế giới.

Chúng tôi xin cảm ơn và nếu đại chúng có ai có câu hỏi gì xin hỏi và chúng tôi sẽ trả lời.

Thiền sư Nhất Hạnh : Mình đã tìm ra được người đóng vai Bụt chưa?

Tiến sĩ Kuman Modi: Có danh sách chừng 20 người xin được đóng vai Bụt, trong đó có diễn viên Ấn Độ, có diễn viên Mỹ và cũng có rất nhiều thơ hỏi về chuyện này. Có rất nhiều sách nói về khuôn mặt, hình dáng của Bụt. Công việc đang tiến hành để tìm ra cái nét mà mình có thể tạm gọi là nét của Bụt, họ đang thiết kế khuôn mặt Bụt bắng máy vi tính nhưng hiện nay chưa đúc kết được là khuôn mặt Bụt sẽ như thế nào.

Hỏi : Đã đủ kinh phí 120 triệu chưa? Và có cần kêu gọi thêm những nhà hảo tâm để thực hiện cuốn phim này không?

Tiến sĩ Kuman Modi: Chúng tôi có tiền, 120 triệu Mỹ kim đối với tôi không thành vấn đề. Nhưng cũng có rất nhiều người muốn đóng góp vào trong cuốn phim này, tuy nhiên chúng tôi không muốn sử dụng số tiền muốn đóng góp này trước khi cuốn phim được thực hiện. Điều quan trọng là chúng tôi muốn những nhà tài trợ này có cùng chung một mục đích, một hướng đi chung với chúng tôi. Bản thân tôi đã dọn nhà đến Beverly Hills ở bên Mỹ, để sống bên đó và để thực hiện cuốn phim này. (Beverly Hills là thành phố có rất nhiều nhà làm phim ảnh, đạo diễn, tài tử sống ở đó).

Hỏi : Có thể có vóc dáng của người Việt Nam đóng vai Bụt trong phim Đường Xưa Mây Trắng không ạ?

Tiến sĩ Kuman Modi Modi: Đức Bụt sinh ra trước đây hơn 2500 năm tại Ấn Độ và trong thời gian qua đã có rất nhiều di dân từ Ấn Độ đi tới những miền khác trên thế giới, do đó những nét đặc biệt của Bụt mình có thể tìm thấy ở khuôn mặt của bất kỳ người nào trên thế giới đến từ vùng mà Bụt đã sinh ra và lớn lên. Rất có thể mình sẽ tìm được một người mà khuôn mặt giống như vậy. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là khả năng diễn xuất của người tài tử đó. Có những tài tử Mỹ rất là xuất sắc, nhưng muốn diễn xuất vai Bụt cho trung thực thì không phải là chuyện dễ dàng và thể hiện được cách sống của Bụt là vấn đề cũng rất khó. Hiện nay mình có thể tìm những nhân vật đó ở khắp nơi trên thế giới. Người viết tác phẩm cuộc đời của Bụt lại là người Việt Nam, do đó người Việt Nam nào có khả năng và có được khuôn mặt như vậy thì cũng có thể đóng được vai Bụt. Chúng tôi rất là cởi mở!

Đạo diễn Lê Cung Bắc: Chúng tôi sắp quay một cuốn phim nói về Phật giáo có bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ. Bộ phim của chúng tôi cũng dài 120 phút nhưng mà kinh phí chỉ bằng một  phần nghìn kinh phí của ông nhưng đến giờ cũng chưa có đủ. Xin ông một vài ý kiến, với số tiền 120 ngàn Mỹ kim, làm sao có thể làm một bộ phim dài 120 phút?

Tiến sĩ Kuman Modi: Cũng có những cuốn phim ở Ấn Độ đã thực hiện với một mức độ tài chánh ít hơn. Tuy nhiên cuốn phim Đường Xưa Mây Trắng mà tôi muốn thực hiện mang tính chất toàn cầu và trình bày nhiều nền văn hóa trên cả thế giới. Mà cuốn phim này mình muốn thực hiện như một bản hùng ca về cuộc đời Bụt Thích Ca, do đó mình muốn những khán thính giả khi họ vào giống như là họ được sống lại trong thời gian đó, từ vấn đề quần áo của thời đó, từ những cung điện ngày thời đó và những cuộc chiến tranh đã được xảy ra như thế nào, thì mình cũng phải làm giống như vậy, mình không thể cắt gốc được, mình không thể làm đơn giản vấn đề mà mình phải đi vào chi tiết, chi tiết hóa rất là nhiều chuyện và tiền 120 triệu Mỹ kim đó, chỉ là số tiền sản xuất cuốn phim thôi, ngoài ra mình còn phải chi tiêu về phát hành, phân phối và quảng cáo về phim. Để quảng cáo người ta chú ý về phim, mình còn phải bỏ ra ít nhất là 150 triệu Mỹ kim nữa. Nếu mình làm cuốn phim riêng của đất nước  mình, cho con người riêng của mình, cho ngôn ngữ riêng của mình thôi, có thể số tiền ít hơn, gọn hơn. Và trong qua khứ có những cuốn phim làm với mức tài chánh khác nhau.

Sư cô Định Nghiêm : Ông đã có dự tính ngày nào cho những tài tử, đạo diễn về Làng Mai tu tập với chúng tôi?

Tiến sĩ Kuman Modi: Gợi ý để cho các diễn viên, cũng giống như là nhà đạo diễn, giám đốc phim đến sống ở Làng và tu tập một thời gian. Cái gợi ý đó rất là tốt, tuy nhiên ở bên Pháp hơi xa, Làng cũng có tu viện Lộc Uyển ở Mỹ, miền Nam Cali, gần Hollywood, do đó có thể mời đoàn làm phim đến sống ở đó. Tôi cũng nghĩ rằng các diễn viên cũng như các vị đó, họ qua, họ sống qua hai, ba ngày của cuối tuần, họ cũng có thể thực tập được. Ông viết phim bản David cũng có cơ hội đến Lộc Uyển sống một vài ngày, ông ta nói ngày 15 tháng 8 năm nay qua Mỹ, ông ta hy vọng lúc đó biết được trong đoàn làm phim là người nào sẽ thực hiện vai trò như thế nào, như vậy có thể tổ chức được khóa tu hai, ba ngày gì đó cuối tuần để cho những người này, họ đến tham dự.

Thiền sư Nhất Hạnh (bổ túc thêm): Các diễn viên cũng như là đạo diễn phải tới tu ít nhất là vài ba tuần, chớ vài ba ngày không đủ, tại vì khi mà mình đóng vai trò của Bụt, của các đại đệ tử thì khi đi đứng, nằm ngồi, nói năng phải biểu hiện ra chất liệu của thảnh thơi, của hòa bình, của từ bi. Nếu diễn viên giả bộ từ bi, giả bộ thảnh thơi thì hơi khó. Phải có từ bi thật, phải có thảnh thơi thật, phải có ái ngữ thật và cái đó phải thực tập thật chớ mình giả bộ là không có được. Đó là điều kiện duy nhất mà tôi đưa ra khi tôi ký hợp đồng với tổ chức này là “chúng tôi không lấy đồng nào với điều kiện là các vị phải tới tu ba tuần.”

Hỏi: Câu hỏi thứ nhất là mục đích làm phim của ông, ông có tham vọng thu lại đủ số tiền mình bỏ ra hay không? Câu hỏi thứ hai là : lúc đó tâm lý của ông khi bỏ số tiền đầu tư vào làm phim là như thế nào? Điều gì đã làm ông quyết định bỏ số tiền lớn vào trong cuốn phim đó ?

Tiến sĩ Kuman Modi: Tôi là một nhà doanh nhân, khi thực hiện sự nghiệp của tôi bằng cách giới thiệu vào Ấn Độ những điều rất là mới, giống như là máy photocopy đầu tiên tại Ấn Độ do chúng tôi sản xuất, những máy fax, những máy computer, những điện thoại di động, khi mà chúng ta giới thiệu những kỷ thuật mới thì chúng ta lấy tiền lại liền vì họ có tham dự vào. Vấn đề làm phim này, tôi nghĩ xã hội ở Ấn Độ hiện nay đã cũng sẵn sàng cho một điều gì đó mới, có một sự thay đổi mới. Trước đây mình cũng có những cuốn phim bạo động, về chiến tranh hoặc là về những chuyện tình cảm, tình yêu rất bình thường. Bao nhiêu năm nay, nó đã đi theo cái vòng đó. Bây giờ cuốn phim về cuộc đời của Bụt tôi hy vọng đưa một cái gì mới cho xã hội Ấn Độ. Tôi nghĩ xã hội Ấn Độ hiện nay có thể mở lòng ra chấp nhận chuyện đó. Điều quan trọng là nếu như cuốn phim này mà tất cả các giới thanh niên trẻ tuổi của thế giới, họ cảm thấy có sự phấn khởi về một đời sống mới. Đời sống, trong đó có hòa bình chớ không phải chỉ có chiến tranh, bạo động. Nếu lớp trẻ, thanh thiếu niên thích thì lấy lại số tiền đó không khó khăn gì.

Hỏi: Ông chuẩn bị làm cuốn phim về Bụt Thích Ca, cái quan trọng nhất là chọn người thể hiện được từ bi, hỉ xả như Bụt Thích Ca. Trong lúc sàn lọc chọn diễn viên, ngoài khả năng diễn xuất, ông có thêm tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức của người diễn viên đó hay không? Ông có nghĩ đến khó khăn khi làm đoạn phim đức Bụt tu khổ hạnh 6 năm mới đạt được sự giác ngộ hay không?

Tiến sĩ Kuman Modi : Về câu hỏi thứ nhất tôi cũng đồng ý với anh bạn, hiện nay dự kiến tìm một tài tử giỏi, một nhà diễn xuất giỏi có tài năng tuy nhiên người đó có thể không nổi tiếng trước đây, chưa từng được biết đến. Những diễn viên đã nổi tiếng rồi, họ đã được quần chúng có khái niệm về tốt, xấu. Họ đánh giá nhiều khi không có lợi lắm. Còn tài tử có khả năng diễn xuất hay nhưng mà chưa biết đến, nó sẽ tạo ra hình ảnh mới hơn.

Về điểm thứ hai, cấu trúc cuốn phim có thể chia ra làm 3 phần về cuộc đời của Bụt. Phần thứ nhất là Bụt được sinh ra, lớn lên và sau đó Ngài đi cầu đạo. Thời gian Ngài cầu đạo là giai đoạn thứ hai và giai đoạn thứ ba là Ngài kinh qua khả năng chuyển hóa tự thân của Ngài, Ngài đã giúp thay đổi xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Trong cuộc đời của Bụt, theo người ta nhận thấy trong khoảng 200 năm, kể từ khi Bụt bắt đầu hành đạo, trong vòng 200 năm đó, xã hội lúc đó có sự hòa bình, rất nhiều nhà vua trở thành đệ tử của Bụt, do đó Bụt là Vua của những vì vua, đó là sự thành đạt rất lớn. Vấn đề trong cuốn phim không những trình bày những phần khác, nhưng phần thứ ba này cũng rất là quan trọng, làm sao chuyển hóa tự thân của mình để giúp chuyển hóa xã hội chung quanh mình. Điều đó cũng rất là quan trọng.

 

Buổi tiếp chuyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và phần họp báo của Tiến sĩ Kuman Modi được chấm dứt với lời chia tay của Ban Tổ Chức.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.