Vượt
thoát
hệ
lụy
-
Pháp
Thoại của Sư ông Làng Mai, ngày 14.12.2006 tại Xóm Thượng,
chùa Pháp Vân, Làng Mai, khóa an cư kết đông
Trích
từ Lá Thư Làng Mai số 30 năm 2007.
Cái Học
người tu
Kính thưa
đại chúng,
Hôm trước chúng ta có nói đến chánh niệm như một năng lượng mà mỗi
người trong chúng ta đều có khả năng chế tác. Công dụng của chánh
niệm là nhận diện, trước hết là nhận diện một cách đơn thuần. Ví dụ
như khi ngồi, chúng ta biết rằng chúng ta đang ngồi; năng lượng cho
mình biết mình đang ngồi đó là chánh niệm. Khi đang đi, mình biết là
mình đang đi; năng lượng cho mình biết mình đang đi đó là chánh
niệm. Trong khi bực bội, gắt gỏng mà mình biết là mình đang bực bội,
gắt gỏng, thì năng lượng cho mình biết là mình đang bực bội, gắt
gỏng đó là chánh niệm. Mình đang còn sống mà biết rằng mình đang còn
sống, đó là chánh niệm. Có nhiều người đang sống nhưng không biết là
mình đang sống; đến khi sắp chết rồi, họ mới biết là họ chưa bao giờ
từng sống hết. Niệm là một trong ba nguồn năng lượng mà người
tu phải chế tác. Người nào không biết chế tác ba nguồn năng lượng đó
thì không phải là người tu, dầu là người tu trong truyền thống Đạo
Bụt hay trong truyền thống Cơ Đốc giáo. Ba nguồn năng lượng này
trong Đạo Bụt gọi là “Tam Vô Lậu Học”. Đó là Niệm, Định,
Tuệ. Có khi chúng ta nói: Giới, Định, Tuệ. Nhưng tại Làng
Mai chúng ta biết rằng Giới chẳng qua là Niệm mà thôi.
Chữ Học
trong “Tam Vô Lậu Học” có nghĩa là rèn luyện, là
công phu tu tập; nó không có nghĩa là chất chứa kiến thức như
ngoài đời. Chúng ta phải phân biệt chữ Học trong đạo Bụt với
chữ Học ở ngoài đời. Học ngoài đời tức là dùng trí
năng để thu thập kiến thức, còn chữ Học trong đạo Phật có
nghĩa là thực tập, công phu, rèn luyện. Chữ Học này được dịch
từ chữ “siksa” (như trong siksamana) nghĩa là thực
tập. Những người Sa di ni, sau một thời gian thực tập, được
trao cho sáu giới Siksamana (Thức Xoa Ma Na), tức là
sáu Học Pháp để thực tập, rèn luyện. Tiếng Anh gọi “siksa” là
“training”, chứ không phải “learning”. Khi chưa thành
công, vẫn còn thực tập thì gọi là “Hữu Học”. Khi thực tập
thành công rồi, thì gọi là “Vô Học” – “Vô học” không
có nghĩa là không biết gì hết. Ngoài đời, “vô học” có nghĩa
là “không có educated, không có học vấn”. Trong khi đó, chữ “Vô
Học” trong đạo Phật lại có một giá trị rất lớn, nghĩa là người
đã thực tập xong rồi, đã rèn luyện xong rồi, khỏi phải thực tập nữa,
gọi là “Vô Học”.
Ý nghĩa
của chữ Học là như vậy. Cho nên, đi học Kinh điển trong
trường Trung cấp Phật học hay trong Học viện Phật giáo, cái học đó
không phải là chữ Học này. Cái học đó là thâu thập kiến thức còn cái
học này là áp dụng điều mình hiểu trong đời sống hằng ngày. Học đây
là thực tập. “Tam Học” được gọi là “Three Trainings”
chứ không phải là “Three kinds of learning”.
“Vô Lậu”
có nghĩa là thoát ra khỏi vòng hệ lụy. Mình đi vòng vòng trong thế
giới của hệ lụy, sầu thương, giận hờn, tuyệt vọng, tham đắm. Đôi khi
mình gắng leo lên, được một chút thì rớt trở lui lại trong cái vòng
đó. Mình thoát ra không được, xa lìa không được. Thế giới của hệ
lụy, của khổ đau, của phiền giận, của hận thù… gọi là thế giới
“Hữu Lậu”. Thoát ra được rồi thì mình có tự do lớn, không bao
giờ còn muốn rơi trở lại trong thế giới hữu lậu nữa. Đó gọi là
“Vô Lậu”. Vô lậu là không bị rơi vào trở lại, không bị
lọt vào trở lại.
Năng lượng
nào vớt mình ra khỏi thế giới hệ lụy? Đó là ba loại năng lượng:
Niệm, Định và Tuệ. Tinh ba của đạo Bụt là ba nguồn năng lượng
này. Nếu mình không có đủ ba nguồn năng lượng này, thì đừng nói đến
chuyện vượt thoát ra khỏi thế giới hệ lụy. Đời sống hằng ngày của
mình là để chế tác ba nguồn năng lượng đó.
Ba Nguồn
Năng Lượng
Nguồn năng
lượng đầu tiên là Niệm. Niệm tức là năng lượng
giúp cho mình biết cái gì đang xảy ra: Đang đi, biết mình đang đi;
đang ngồi, biết mình đang ngồi; đang ăn, biết mình đang ăn; đang
thở, biết mình đang thở. Riêng về chuyện thở thôi, Đức Thế Tôn đã
dạy rất nhiều. Một Kinh nói về hơi thở có tên là “Quán Niệm Hơi
Thở”. Khi mình thở vào, thì biết là mình đang thở vào. Khi mình
thở ra, thì biết là mình đang thở ra. Khi mình thở vào có hạnh phúc,
thì biết là mình đang thở vào có hạnh phúc. Chữ “An Ban Thủ Ý”
(Anapanasati) có nghĩa là như vậy. Sati có nghĩa là
Niệm. Còn “anapana” là “hơi thở vào, hơi thở ra”.
Ý thức được hơi thở vào hơi thở ra, gọi là “anapanasati”.
Ngày xưa Tổ Tăng Hội dịch “Anapanasati” là “An Ban Thủ Ý”.
“Thủ ý” tức là ý thức được, lấy tâm ý, lấy chánh niệm mà nhận
diện rằng: “À, mình đang thở vào. À, mình đang thở ra”.
Vì vậy, người tu là phải biết nhận diện. Nhận diện những gì đang xảy
ra trong cơ thể của mình gọi là Niệm Thân. Nhận diện những
cảm thọ của mình: vui, buồn, hay không vui không buồn; dễ chịu, khó
chịu, hay không dễ chịu - không khó chịu, thì đó gọi là Niệm Thọ.
Chúng ta có 51 tâm hành: buồn, giận, hy vọng, sầu, khổ… những tâm
hành bất thiện, những tâm hành thiện, và những tâm hành trung tính;
mỗi khi tâm hành nào phát hiện thì mình nhận diện nó. Khi giận thì
mình biết là mình giận, khi buồn thì mình biết là mình buồn, khi
tham đắm thì mình biết là mình tham đắm, khi thảnh thơi thì mình
biết là đang thảnh thơi. Đó là nhận diện
tâm hành hay Niệm Tâm.
Kinh dạy
về niệm thân, gọi là “Kinh Niệm Thân” (Kayagatasati).
Hơi thở thuộc về thân, cho nên niệm hơi thở thuộc về niệm thân. Trở
về nhận diện những gì xảy ra trong cơ thể gọi là niệm thân. Khi có
khả năng niệm thân rồi, thì mình sẽ có khả năng niệm thọ. Những cảm
thọ: dễ chịu, khó chịu, vui, buồn xảy ra trong người mình, mình đều
nhận diện được hết. Năng lượng giúp cho mình nhận diện đó là chánh
niệm, mindfullness, tiếng Pali là sati, tiếng Phạn là
smrti. Khi 51 tâm hành tuần tự phát hiện mà mình nhận diện ra
được, thì đó gọi là niệm tâm. Niệm tâm có nghĩa là niệm tâm hành.
“Citta samskara” là tâm hành. Trong truyền thống của
mình, có ít nhất là 51 tâm hành: tham, sân, si, mạn, nghi, kiến,
phẫn, hận, phú, đố, tật, san, cuống, siểm, hại, kiêu, v.v… (tâm sở
bất thiện); tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, cần, khinh an,
bất phóng dật, bất hại, v.v… (tâm sở thiện). Mỗi khi một tâm hành
xuất hiện thì mình phải có khả năng nhận diện: “Ah, Good morning!”,
“Hello, I know you!”, “Ta biết anh là ai!” Đó gọi là nhận diện
đơn thuần; và người tu phải làm được chuyện đó.
Đối tượng
thứ tư của sự nhận diện là Pháp. Pháp này không có nghĩa là
giáo pháp. Pháp này có nghĩa là những đối tượng của nhận thức,
những đối tượng của tri giác. Tri giác là một danh từ
tâm lý học, tiếng Anh gọi là perception, danh từ Phật học là
tưởng. Tưởng tức là “samjna”, tri giác. Thí dụ mình
nhìn lên cái bảng trắng, thì cái bảng trắng này là một pháp,
đối tượng của tri giác. Khi mình nhìn trời xanh, thì trời xanh là
đối tượng của tri giác. Khi mình nhìn một sư em của mình, biết đó là
sư em của mình, thì đó là đối tượng của tri giác, của tưởng. Khi tri
giác đó đúng thì không sao, nhưng khi nó sai, thì đó là vọng tưởng.
Vọng tưởng tức là không nhận diện
được thực tại: trắng mà cho là đen, đúng mà cho là sai, khổ mà tưởng
là vui, vui mà tưởng là khổ. Nhận thức đảo ngược với thực tại gọi là
vọng tưởng điên đảo. Điên đảo nghĩa là lộn ngược lại, tiếng
Anh là upsidedown.
Đối tượng của chánh niệm gồm bốn lĩnh vực, tiếng Pali là
“Patthana”, dịch là Xứ. Bốn lĩnh vực của chánh niệm gọi
là “Tứ Niệm Xứ”(The Four Foundations of Mindfulness).
Niệm, Định, Tuệ
là tinh ba của sự thực tập. Hễ có Niệm là bắt đầu có Định.
Ví dụ như khi nhìn bông
hoa này,
mình ý thức “À, đây là một bông hồng. Bông hồng màu vàng”. Mình
nhận diện được cái bông hồng màu vàng này, thì tự nhiên mình
chú tâm vào nó. Vì vậy, trong Niệm có mầm mống của
Định. Và nếu mình liên tục chú tâm tới đối tượng đó, thì Định sẽ
càng lúc càng mạnh. Niệm chuyên chở Định. Khi Định
có mặt rồi, thì trong lòng Định có Tuệ. Định
chuyên chở Tuệ. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn có một câu có
ý rất hay; Tổ nói rằng: “Định và Tuệ, đừng tưởng đó là hai cái.
Định tức là Tuệ”. Ví dụ như Định về vô thường, Định về vô ngã,
Định về tương tức đều chính là Tuệ. Câu trong Kinh Pháp
Bảo Đàn đó cho chúng ta thấy rằng trong Định đã có sẵn
Tuệ rồi. Thành ra đừng có dùng Định để đi tìm Tuệ.
Cứ an trú trong Định và làm cho Định hùng hậu, thì
Tuệ sẽ tự nhiên hiển lộ và phát triển.
Cố nhiên,
nếu trong Niệm có Định, thì trong Niệm cũng có
Tuệ. Nếu trong Định có Niệm, thì trong Định
cũng có Tuệ. Một cái chứa đựng được cả ba cái, gọi là
“tương dung”. Nhìn vào trong một cái mình thấy có cả ba cái. Hễ
có chánh Niệm là bắt đầu có Định và có Tuệ. Thí
dụ khi mình thở vào và có ý thức: “À mình đang thở vào”, thì ngay
trong hơi thở vào đó, mình có luôn cả Niệm, Định, và Tuệ. Đó
đã là Giác Ngộ rồi. Tuệ tức là Giác Ngộ. Cho nên, giác ngộ
không phải là cái gì phải đi kiếm xa lắm. Hễ thở vào một hơi mà biết
là mình đang thở vào hơi đó, an trú được trong hơi thở vào đó, thì
hơi thở vào đó có đủ Niệm, Định, và Tuệ. Và, cứ như vậy mà đi
tới thì Niệm, Định, Tuệ sẽ lớn lên. Hạnh phúc càng ngày càng
lớn, tự do càng ngày càng lớn. Khi mình đi thiền hành mà mình ý thức
được tròn đầy bước chân, tâm không suy nghĩ gì hết, những bước chân
của mình hoàn toàn nằm trong chánh niệm, thì mỗi bước chân như vậy
có mang theo cả Niệm, Định, và Tuệ. Điều đó có nghĩa là
Tam Vô Lậu Học có ngay trong từng hơi thở, từng bước chân. Công
phu là chỗ đó. Cứ làm cho miên mật thì sẽ thoát khỏi cái vòng hệ lụy
mà mấy ngàn năm, mấy ngàn kiếp nay mình chưa thoát ra được.
Khả Năng
Buông Bỏ
Ba nguồn
năng lượng Niệm, Định, Tuệ có khả năng vớt mình ra khỏi thế
giới của hệ lụy. Nhưng cái gì đã ngăn không có cho mình sử dụng ba
nguồn năng lượng đó? Đó là sự bận rộn. Sự bận rộn là trở ngại lớn
nhất của người tu.
Khi đọc lại tiểu sử của Tổ Nhất Định, người khai sinh ra chùa Từ
Hiếu, mình thấy có một điểm son. Điểm son của Tổ Nhất Định không
phải là Ngài được làm Tăng Cang nhiều chùa Vua. Điểm son của Ngài
không Phải là Giới Đao Độ Điệp, được Vua và các quan sùng kính, rồi
được làm trụ trì hết chùa này đến chùa kia. Điểm son của Tổ Nhất
Định là tới cái tuổi suýt soát sáu mươi thì Ngài cương quyết thoát
ra. Ngài đã tìm cách xin với Vua để trả hết tất cả những ngôi chùa
kia để về núi Dương Xuân, dựng một cái am ở một mình, với bà mẹ. Một
người được trọng vọng, được cung kính, có nhiều lợi lộc, quyền danh
như vậy, mà chỉ trong vòng một niệm là buông bỏ được, thoát ra được.
Đó là điểm son của Tổ Nhất Định. Cố nhiên là lên đồi Dương Xuân,
Ngài chỉ cất một cái am tranh thôi. Ngài đi với hai người đệ tử, hai
thầy trẻ mới thọ đại giới. Ba thầy trò cuốc đất trồng khoai. Hồi đó,
ở xung quanh chùa Từ Hiếu hoang vu lắm, không phải như bây giờ. Có
nhiều vị quan trong triều đình nhớ Ngài và tìm lên. Thấy Ngài sống
cực khổ quá, họ tội nghiệp. Trong khi đó, Ngài hạnh phúc quá chừng.
Chưa bao giờ Ngài hạnh phúc như vậy. Tại vì Ngài đã buông bỏ tất cả.
Ngài được sống một mình với hai người đệ tử, cuốc đất trồng khoai,
và được sống với bà mẹ “chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía
lau”. Các quan xin với Ngài để lập chùa cho “có tiện nghi”.
Ngài nói: “Thôi thôi, tiện nghi tôi có quá nhiều rồi. Chính tôi
đi kiếm cái này”. Và Ngài cương quyết không cho các quan lên lập
chùa. Cúng dường cái gì Ngài cũng trả lại hết. Điểm son của Tổ Nhất
Định là chuyện đó. Và mình, con cháu Từ Hiếu, phải hãnh diện là mình
có một vị thầy như vậy: Vất công danh, phú quý, địa vị dễ dàng như
vất một đôi dép cùn. Cái đó là điểm son của Ngài, chứ không phải là
cái làu thông tam tạng Kinh điển, hay những chức vị và sự sùng kính
của Vua và các quan. Đến ngày giỗ Tổ, để xưng tán công hạnh của Tổ
thì phải nói điểm đó.
Đi trở lui
trong lịch sử, mình thấy có nhiều chuyện tương tự, và mình rất lấy
làm hãnh diện vì chư Tổ đã làm được những chuyện đó.
Thực
tập
thả
bò
Có một mùa
xuân, Bụt đi khất thực với bốn năm mươi thầy. Đó là một buổi sáng
rất đẹp. Ông trưởng giả kia ra lệnh cho tất cả các công nhân của ông
đem bò ra cày ruộng. Ông ta có đến ba ngàn con bò và bao nhiêu là
công nhân để cày ruộng. Trưởng giả có nghĩa là ông nhà giàu, có rất
nhiều đất ruộng, và nhất là có nhiều bò. Ngày xưa, tài sản của một
người được đo bằng bò hơn là bằng đất ruộng. Ở Texas, hay các miền
đồng rộng mênh mông ở bên Mỹ, ngày xưa, ai sở hữu những đàn bò lớn
nhất thì chứng tỏ người ấy là người giàu nhất. Những chủ nông trại
giàu nhất có rất nhiều cowboys (tức là người chăn bò). Họ
chăn bò bằng ngựa. Vì bò nhiều quá, làm sao mà chăn bằng một chú bé
với một cây roi được! Năm bảy con bò hay vài chục con bò thì còn
chăn bằng cây roi được, chứ cả bảy ngàn hay hai mươi ngàn con bò thì
làm sao mà chăn bằng một cây roi được! Phải có nhiều cowboys cưỡi
ngựa thì mới có thể chăn bò được. Buổi sáng đó, Bụt đi khất thực, ôm
bình bát đi với các thầy, thì thấy ông nhà giàu, đại trưởng giả kia
đem ba ngàn con bò ra để cày ruộng. Ruộng nhiều lắm. Thấy Đức Thế
Tôn với các thầy đi chậm rãi, ung dung, ông hơi tức, nói: “Mình
làm việc như vậy mà mấy cái ông thầy chùa này không làm ăn gì hết,
mà cũng không có ích lợi cho xã hội”. Khi mới bắt đầu học chủ
thuyết cộng sản, người ta cũng ưa nghĩ như ông đó lắm. Người ta nói:
“Mấy ông thầy tu là cái thứ ăn không ngồi rồi, chỉ tiêu thụ mà
không có sản xuất. Các giới trí thức chẳng có ích lợi gì cả. Chỉ có
lao động mới là quan trọng thôi. Lao động là vinh quang!” Chúng
ta đã đi qua cái giai đoạn say mê chủ nghĩa Mác-xít này và chúng ta
đã biết điều đó. Những người trí thức “tiểu tư sản” đã được mỉa mai
như thế này: “Ôi, cái trí thức của anh hả? Không bằng một cục
phân. Cục phân kia người ta bón ruộng được, làm thành lúa được. Còn
cái trí thức của anh? Không có nghĩa gì cả”. Đã có lúc những
đảng viên Đảng Cộng Sản, những người chủ trương chủ thuyết cộng sản,
đã nói như vậy, đã quan niệm như vậy. Nhưng Việt Nam bây giờ đã thay
đổi, và thay đổi vượt mức rồi. Việt Nam bây giờ thấy rằng cái làm
cho người ta giàu là chất xám. Trong công nghệ thông tin, mình thấy
rất rõ ràng rằng chất xám nhiều thì giàu nhiều, không phải phân
nhiều mà giàu nhiều, hay bò nhiều mà giàu nhiều. Cái ông trưởng giả
đó, ông khinh khỉnh. Ông là nhà tư bản mà ông cũng khinh khỉnh như
là nhà vô sản. “Chúng tôi đem bò, đem ách, đem cày chúng tôi cày
ruộng. Chúng tôi gieo hạt, chúng tôi bỏ phân, chúng tôi tưới tẩm, và
chúng tôi có ăn. Mấy thầy không làm gì hết mà mấy thầy cũng đòi ăn
bình bát bự như vậy!” Chê trách Đức Thế Tôn. Ngài cười và nói:
“Nè ông trưởng giả, ông không biết đó, chúng tôi cũng có cày,
cũng có bừa, cũng có gieo giống, cũng có gặt hái như các ông vậy”.
Ông trưởng giả hỏi: “Đâu? Quý vị cày bừa cái gì đâu? Đất đâu? Hạt
giống đâu? Bò đâu?” Đức Thế Tôn đáp: “Tâm chúng tôi là ruộng,
hạt giống là những thiện căn mà chúng tôi gieo hằng ngày. Xã hội nếu
không có những hoa trái của sự tu học thì sẽ đau khổ vô cùng, tệ nạn
xã hội sẽ tràn lan. Vì vậy, chúng tôi cũng có ruộng, cũng có cày.
Chánh niệm, định, tuệ là những cái cày của chúng tôi. Và chúng tôi
chỉ gieo những hạt giống tốt, gặt hái hiểu biết, thương yêu, tha thứ
v.v... Xã hội rất cần đến sự gieo trồng của chúng tôi”. Cũng may
là nhà triệu phú này có một chút thông minh nên đã hiểu và phục
Ngài. Khi đó đã gần trưa, sắp đến giờ ăn trưa. Ông ta mới đem phần
cơm rất sang của mình ra cúng dường Bụt. Ông nói: “Xin các thầy
ngồi lại, tôi xin cúng dường”. Bụt nói: “Chúng tôi thuyết
pháp đâu phải là để đổi thức ăn này. Xin cám ơn ông”. Rồi Ngài
xá chào và đi. Đó là câu chuyện ghi lại trong Kinh.
Trong một
câu chuyện khác, cũng có dính líu đến bò: Hôm đó Đức Thế Tôn đang
ngồi trong rừng Đại Lâm ở thành phố Vasali. Thầy trò vừa mới thọ
trai xong, sắp pháp đàm, thì có một bác nông dân đi ngang qua, hớt
hơ hớt hải. Bác này không giàu bằng ông trưởng giả ở trên kia. Bác
chỉ có ba con bò thôi, nhưng mà bác khổ lắm. Bác hớt hơ hớt hải hỏi
Đức Thế Tôn: “Này thầy, thầy có thấy mấy con bò của tôi chạy
ngang qua đây không?” Đức Thế Tôn hỏi: “Bò nào?” “Thầy
ơi, quý thầy ơi, chắc tôi chết quá đi! Tôi chỉ có ba con bò mà không
hiểu tại sao sáng nay chúng bỏ chạy đi đâu mất hết”. Tại sao bò
bỏ chạy? Nguyên do gì mà bò bỏ chạy? Ngày xưa làm chú tiểu ở chùa Từ
Hiếu, tôi đã bị bò bỏ chạy một lần rồi. Ngày xưa tôi đã đi chăn bò.
Chùa nuôi bò không phải là để lấy sữa hay ăn thịt đâu! Chùa nuôi bò
với mục đích duy nhất, các bạn Tây phương nghe đừng cười, đó là để
lấy phân thôi. Chúng tôi cần phân bò để trồng rau. Mỗi buổi sáng tôi
gánh hai cái giỏ rất lớn và đem cuốn “Tì Ni Nhật Dụng Thiết Yếu”
đi lên núi. Sau khi tìm chỗ cho bò ăn cỏ rồi thì phải lấy liềm cắt
lá. Cắt lá gọi là lá bổi. Cắt bổi nhận cho đầy hai cái giỏ rồi mới
ngồi dưới gốc thông đem Kinh ra học. Lá bổi cắt là để thay rơm, vì
đồng ruộng xa lắm (chùa thì ở trên núi). Chúng tôi phải lấy lá đó
trải chuồng cho bò nằm. Mỗi ngày phải trải thêm lá mới để cho bò
nằm. Phân bò sẽ được trộn chung với lá bổi. Cứ một tuần hay mười
ngày chúng tôi vô dọn, cào hết các thứ vừa phân vừa lá đó gom thành
đống để ủ thành phân bón. Từ đó chúng tôi trồng sắn, trồng khoai,
trồng rau, trồng đủ thứ hết. Mục đích của nuôi bò là để có phân
thôi. Dù con bò có sinh ra con bê, có sữa đi nữa thì cũng không được
lấy sữa của bò. Ngày xưa có quan niệm: sữa là để dành cho con bò
con; nếu mình tranh ăn với con bò con thì mình không phải là người
lớn. Đó là quan niệm của chùa ngày xưa: Không có lý mình như vậy mà
giành ăn với con bò con sao? Có một bữa, hai con bò của tôi, không
biết tại sao không chịu ăn cỏ. Hình như trời mưa làm cho nó nhột.
Hình như là đến mùa ái tình của nó cho nên có một năng lượng gì
trong người thúc đẩy nó chạy đi; chạy đi để tìm người yêu. Là chú
điệu 16-17 tuổi, tôi đâu có hiểu được cái chuyện đó, đâu hiểu được
tâm lý, sinh lý của bò. Cho nên, tôi không biết tại sao nó chạy. Nó
chạy xuống An Cựu luôn. Và tôi sợ mất bò, về thế nào cũng bị thầy
rầy nên nó chạy, tôi chạy theo. Hai chân bị sướt gai, chảy máu mà
phải chạy theo hai con bò. Sau này lớn lên tôi mới biết nó chạy là
vì năng lượng tình dục của nó. Bị mưa rơi làm nhột, rồi bị tiếng gọi
của ái tình vọng lên, thành thử nó bỏ chạy. Không biết mấy con bò
của ông nông dân này chạy vì lý do đó hay vì lý do khác, nhưng ông
tìm không được. Và ông than thở với Đức Thế Tôn: “Bạch Thầy, chắc
tôi chết quá! Chỉ có ba con bò thôi mà nó bỏ đi hết. Và tôi có hai
sào hạt mè, vậy mà năm nay sâu ăn hết một trăm phần trăm. Chắc
tôi chết quá! Chắc tôi tự tử quá!”
Đó là cái giọng của những người thất vọng. Đức Thế Tôn thấy thương
hại. Ngài nói: “Bác nè, chúng tôi ngồi đây lâu rồi, mấy giờ đồng
hồ rồi nhưng không có thấy con bò nào đi ngang qua đây hết. Bác đi
tìm về phía bên kia coi thử. Chúc bác may mắn!” Bác nông dân cảm
ơn Đức Thế Tôn rồi đi về hướng Đức Thế Tôn chỉ. Sau khi bác nông dân
đi rồi, Bụt quay lại nhìn các thầy, mỉm cười nói: “Mấy thầy! Mấy
thầy có biết rằng mấy thầy may lắm không? Mấy thầy đâu có bò đâu mà
sợ mất!” Khi đọc ngang Kinh này tôi rất thích. Vì vậy, ở Làng
Mai, mình xây dựng một phương pháp thực tập gọi là “thả bò”.
Tổ Nhất
Định có bao nhiêu con bò rất mập, rất quý. Đến lúc muốn thả thì Ngài
thả. Danh lợi, quyền hành... tất cả những cái đó thả một cái, và trở
thành con người tự do. Mình hãy trở về coi thử mình còn có bao nhiêu
con bò. Từ lâu nay mình nghĩ rằng: Nếu không có mấy con bò này chắc
tôi chết quá! Nếu không có mấy con bò này đời tôi sẽ không còn gì
nữa! Ai dè, sự thật là: chính vì những con bò đó mà mình lận đận,
lao đao, quanh quẩn trong cái vòng hệ lụy này. Mình không thoát ra
được chính là vì bò. Nhưng những con bò ở bên ngoài đó tương đối dễ
thả, bò ở bên trong mới khó thả. Có những cái làm cho mình lận đận,
lao đao, hệ lụy suốt đời. Vậy mà mình không có can đảm buông bỏ. Vì
mình có cảm tưởng rằng buông bỏ rồi thì mình không còn gì hết, và
mình sẽ không có hạnh phúc. Ai dè, sự thật là nếu buông bỏ được thì
mình mới bắt đầu có hạnh phúc.
Tặng phẩm
dâng đời
Ngày xưa,
khi còn trẻ, khi xướng câu “Bồ Tát thanh lương nguyệt. Du ư tất
cảnh không”, tôi có rất nhiều sự biết ơn. Có bốn câu:
Bồ Tát
thanh lương nguyệt.
Du ư tất cảnh không,
Chúng sanh tâm cố tịnh
Bồ đề ảnh hiện trung.
“Thanh
lương”
tức là trong và tươi mát. “Bồ Tát thanh lương nguyệt”. Vị Bồ
Tát như là mặt trăng trong và mát. Nếu anh muốn làm Bồ Tát thì anh
phải có hai chất liệu đó: trong và mát (thanh lương). Không
trong và không mát thì sức mấy làm Bồ Tát được, dầu là Bồ Tát xuất
gia hay Bồ Tát tại gia. Hình ảnh một vị Bồ Tát có đầy đủ sự trong
sáng và tươi mát là hình ảnh tuyệt vời. Hai chất liệu đó là tặng
phẩm rất đẹp cho cuộc đời. Tu là mình muốn tặng cho đời những cái gì
đẹp nhất, phải không? Cái gì đẹp nhất để mình tặng cho đời? Con
người mình, nếu trở thành vị Bồ Tát, có đầy đủ sự trong sáng và tươi
mát, thì đó là tặng phẩm lớn nhất cho cuộc đời. Mình tự hỏi mỗi ngày
mình có chế tác được sự trong sáng và tươi mát đó hay không?
“Bồ Tát
thanh lương nguyệt.
Du ư tất cảnh không”.
“Du”
tức là đi chơi, du hành. Mình đi đâu cũng là đi chơi. Đi Hà Nội cũng
là đi chơi, đi qua Làng Mai cũng là đi chơi, đi Thái Lan cũng là đi
chơi, đi Singapore cũng là đi chơi, đi Xóm Hạ cũng là đi chơi, đi
Xóm Thượng cũng là đi chơi, đi vô thiền đường cũng là đi chơi, đi vô
nhà bếp cũng là đi chơi. Không vội vã, relax, “từng bước chân
thảnh thơi”[1]. Đó là sự tự do. Đó là dấu hiệu của
một vị Bồ Tát đích thực: Có sự trong sáng, có sự tươi mát, và có rất
nhiều tự do. “Du” là đi chơi, rong chơi. Rong chơi ở đâu?
“Ư ” là ở đâu. “Tức cảnh không” là không gian
không có lằn mé, không có biên giới, nghĩa là tự do tuyệt đối. Mình
có thể gọi tên nó là giải thoát, là thảnh thơi. Hình ảnh của nó là
không gian bát ngát. Thơ, nếu đúng thật là thơ, thì phải làm bằng
hình ảnh. Nếu muốn làm thơ, thì đừng nói thẳng, mà phải dùng hình
ảnh. Ví dụ muốn diễn tả mình buồn, thì đừng nói: “Tôi buồn quá!”
Nói vậy không phải là thơ. Mình nói: “Chiều hôm nay mây xám giăng
trong hồn tôi”, dùng hình ảnh, thì đó là thơ. Ở đây nói về tự
do, nhưng không dùng danh từ tự do, mà nói: Mặt trăng đi chơi
trong không gian không có lằn mé. Đó là bức họa đẹp nhất mình có thể
vẽ về một vị Bồ Tát hay một vị Bụt. Phật Thích Ca cũng là một vị Bồ
Tát. “Bồ Tát thanh lương nguyệt. Du ư tức cảnh không”. Thơ mà
làm đến mức đó thì gọi là thơ thần, thơ thánh. Hãy tưởng tượng, hay
không cần tưởng tượng, một bữa khuya, trên con đường từ cư xá của
mình đi ra thiền đường, mình dừng lại nhìn lên trời, thấy một vầng
trăng rất trong sáng, rất tươi mát, xung quanh có không biết bao
nhiêu là không gian. Không gian đó tượng trưng cho sự tự do.
Người tu mà không có không gian, không có tự do, không có sự thảnh
thơi, thì đâu có khác với người đời. Người đời họ hệ lụy, họ ràng
buộc, họ không có thì giờ để thở, không có thì giờ để ăn, không có
thì giờ để đi những bước chân thảnh thơi. Mình vô chùa mà mình cũng
như vậy, thì mình đâu khác gì người thế gian!
Ba yếu tố của người tu là: Trước hết, phải trong sáng, không
có những cái u ám của sự lo sợ, buồn phiền, hận thù, dục vọng. Thứ
hai là phải có sự tươi mát của người có nhiều từ bi, hỷ xả.
Yếu tố thứ ba là tự do, là không gian. Quý vị tu để làm gì?
Quý vị tu không phải là để sanh về Thiên Quốc, hay sanh về tịnh độ.
Quý vị tu là để có thêm sự trong sáng, có thêm sự tươi mát, và
nhất là để có tự do. Tự do đó không phải là ở ngoài đi vào. Tự
do đó là từ trong đi ra. Bụt và các vị Bồ Tát có rất nhiều tự do. Tự
do càng nhiều thì hạnh phúc càng lớn. Hình ảnh của vị Bồ Tát là mặt
trăng tròn đang đi ngang qua khung trời bao la rộng lớn. Tự do quá
nhiều. Tự do nhiều như vậy thì hạnh phúc làm sao mà đo lường cho
được?
Một bước thảnh thơi
Vì vậy, mỗi bước chân,
mỗi hơi thở của mình phải đem lại cho mình tự do. Chuyện này không
phải là chuyện nói chơi, hay lý thuyết. Tự do thì tôi muốn đó, nhưng
mà làm sao để có tự do? Hay là mình chỉ nói tự do thôi? Sự thật là
khi mình bước một bước chân, tùy theo cách mình bước mà mình có tự
do hay không có tự do. Một bước chân có thể buông bỏ tất cả, một
ngàn con bò, hai ngàn con bò, ba ngàn con bò... Một bước chân thôi,
buông bỏ hết. Cái đó là thiền hành. Đâu cần phải tu tám năm, hay
mười năm mới làm được, chỉ cần đi một bước chân thôi, đi trong ý
thức sáng tỏ. Mình muốn vượt thẳng ra khỏi cái thế giới hệ lụy mà
lâu nay mình bị chìm đắm, trói buộc. Một hơi thở, một bước chân thôi
có thể đưa mình ra khỏi liền. Bởi vì hơi thở đó có Niệm, Định, và
Tuệ. Bước chân đó cũng có Niệm, Định, và Tuệ.
Chớ đợi ngày mai
Có ông thầy
nọ có một người đệ tử. Hai người ở trong cái chùa rất là bận rộn.
Chùa thành phố, thành ra bận rộn lắm. Không biết đó là thành phố
nào? San Francisco hay là San Jose? Paris hay là Melbourne? Chùa chỉ
có một ông thầy và một người đệ tử. Hôm đó, người đệ tử mới nảy ra
một ý kiến, tôi gọi là “crazy idea”: “Bạch thầy, bữa nào thầy trò
mình tổ chức đi picnic một bữa đi”. Tây phương họ thích đi picnic
lắm. Picnic là chuẩn bị thức ăn, chuẩn bị đồ rồi đi chơi một ngày,
khỏi làm gì hết. Ông thầy nói: “Hay lắm, hay lắm! Good idea!”
Ông thầy chịu chơi. Ông thầy thấy rằng đệ tử của mình nó cần đi
picnic, mà chính bản thân mình cũng cần đi picnic nữa. Không phải là
ông thầy không thấy được sự thật đó. Đi chơi một ngày và buông bỏ
hết, để chơi thôi. Hai thầy trò cùng đồng ý với nhau rồi thì còn gì
hạnh phúc hơn nữa! Nhưng mà ngày mai đi picnic không được. Ngày mốt
đi picnic cũng không được. Ngày kia đi picnic cũng không được. Tuần
này đi picnic không được, tuần tới đi picnic cũng không được. Cuối
cùng, mấy năm trôi qua mà hai thầy trò chưa bao giờ có cơ hội để đi
picnic hết. Đó là chuyện của ai vậy? Chuyện của hai thầy trò đó hay
là chuyện của mình? Cho đến một ngày kia, hai thầy trò đi ngang
thành phố thấy người ta đông ơi là đông, cờ xí, kèn trống rất nhiều.
Thầy mới hỏi: “Nè con, họ làm cái gì vậy? Con ra coi họ đang làm cái
gì vậy”. Đó là một cái đám ma. Người đệ tử đi ra một hồi, về báo
cáo: “Bạch thầy, họ đang đi picnic!” Nếu mình không đi picnic
hôm nay, thì đám ma của mình là cái picnic duy nhất của đời mình. Đó
là câu chuyện thật xảy ra giữa một ông thầy và một đệ tử ở Tây
phương, nhưng Đông phương cũng có thể xảy ra như vậy. Câu chuyện đó
cũng không phải là câu chuyện của người khác; nó có thể là câu
chuyện của mình.
Vì vậy, mình phải có cơ
hội nhìn lại xem thử mình có đang đi trên con đường ngày xưa mình đã
phát nguyện đi hay không, hay là mình đã, đang rẽ qua một con đường
khác. Khi chúng ta đọc lại hành trạng của chư Tổ, chúng ta thấy mình
có thể tự hào đã có những bậc thầy có khả năng buông bỏ, có khả năng
đạt đến tự do.
Tập lìa thói cũ
Ở Làng Mai có truyền
thống mỗi tuần có một ngày làm biếng. Có người hỏi: Tại sao
dùng chữ làm biếng? Không hay gì hết! Phải nói đó là ngày
nghỉ ngơi, day-off!
Không biết
day-off là off cái gì? Rất khó. Cái ngày đó gọi là
ngày gì? Và trong hai chục năm nay đã có rất nhiều bạn bè đến làm áp
lực để mình bỏ cái danh từ “làm biếng” đi. Họ nói mình dùng:
“ngày nghỉ ngơi”, “ngày thực tập cá nhân” (personal practice),
hay là “ngày không làm gì hết” (day-off) chứ dùng chữ
“làm biếng” thấy không có vẻ đạo đức gì hết! Nhưng mà thầy
trò ở đây đã ráng phấn đấu để giữ lại được cái chữ “làm biếng”,
“lazy day”. Tại vì làm biếng khó lắm! Làm biếng,
không làm gì hết là rất khó, vì mình đã có tập khí luôn luôn làm cái
gì rồi. Ở Tây phương, nghiện rượu gọi là “alcoholic”; có
chương trình gọi là “12 steps program” để giúp người ta thoát
khỏi tập khí gọi là uống rượu đó. Hiện giờ có một chữ mới gọi là
“workaholic”. “Workaholic” là nghiện làm việc, tức là không làm
việc chịu không nổi, ngã lăn ra chết liền. Lâu nay mình coi chuyện
nhàn hạ là bất thiện, không làm gì hết là tội lỗi. Vì vậy, phải luôn
luôn làm cái gì. Ông bà tổ tiên mình đã trao truyền cho mình tư
tưởng đó: “Nhàn cư vi bất thiện”. Con đừng nên bao giờ nhàn cư.
Nhàn cư là bất thiện. Con phải luôn luôn làm cái gì để cho ngày mai.
Vì vậy cho nên bận bịu suốt ngày trở thành tập khí. Hai tay mà ở
không, không làm gì thì khó chịu vô cùng; phải đi tìm cái gì để làm
mới được. Nhất là chuyện mình nghĩ rằng phải làm, phải sản xuất để
có đồng ra đồng vào. Chuyện này đã trở thành tập khí không phải chỉ
nơi một người, một gia đình, mà ở cả làng, cả xóm, cả tỉnh, cả nước.
Tất cả mọi người đều bận rộn, và trở thành một đặc tính của nền văn
hóa bây giờ. Tất cả đều bận rộn. Người nghèo bận rộn đã đành, mà
người giàu “nứt đố đổ vách” cũng bận rộn không kém, có khi còn bận
rộn hơn nữa. Người nghèo nói rằng: “À chừng nào mình có được từng
này lợi nhuận thì đủ, có thể ngưng được”. Nhưng khi tới đây thì
thấy: Tại sao không tăng thêm mức lợi nhuận? Tới đây rồi vẫn thấy
không đủ, vẫn tiếp tục đi như vậy hoài. Tại Làng Mai mình có tổ chức
một khóa tu cho các nhà doanh thương. Mình thấy rằng những nhà doanh
thương khó có bao giờ ngừng lại được. Trong đầu của họ cứ nghĩ làm
sao để thành công hơn, để giàu hơn..., và họ không bao giờ ngừng lại
được. Họ không có thì giờ cho họ. Họ không có thì giờ cho vợ, cho
con, cho người thương. Những nhà doanh thương giàu có rất tội
nghiệp! Đầu óc ngày đêm chỉ nghĩ đến chuyện: Không biết trong thị
trường chứng khoán hôm nay cổ phần của mình tăng giá trị lên hay là
sụt xuống? Trong khi vị Bồ Tát có biết bao nhiêu là không gian thì
người này không có chút không gian nào hết. Tất cả thân, khẩu, ý của
ông ta đều xoay về hướng thị trường chứng khoán, xem nó lên hay là
nó xuống. Rất tội nghiệp! Giàu mà khổ vô cùng: Không có tình thương,
không có sự nhàn hạ.
Vì vậy,
ngày làm biếng của Làng Mai mình phải thực tập cho nghiêm chỉnh. Khi
gặp nhau tại Làng Mai, thay vì hỏi “Sư anh có mạnh không? Có vui
không?”, thì mình hỏi: “Sư anh hôm nay làm biếng có khá không?”.
“Làm biếng khá” nghĩa là biết tận hưởng những giây phút của
mình. Thật sự, ngày làm biếng nếu mình thực tập thành công thì có
ảnh hưởng rất tốt cho các ngày không gọi là ngày làm biếng. Trong
ngày làm biếng mình thực tập như thế nào để an trú sâu sắc trong
từng giây phút. Ngày làm biếng, mình cũng phải tắm giặt, cũng phải
viết thư, cũng phải ăn cơm, cũng phải đi cầu, cũng phải chải răng;
nhưng mà mình tắm giặt, viết thư, đi cầu, chải răng như thế nào để
có hạnh phúc ngay trong khi làm những việc đó. Thành công trong ngày
làm biếng thì những ngày theo thời khóa mình cũng có thể làm được
như vậy: Ngồi thiền cũng hạnh phúc, đi thiền hành cũng hạnh phúc,
chấp tác ngoài vườn cũng hạnh phúc, làm việc trong bếp cũng hạnh
phúc... Luôn luôn có sự tươi mát, có sự trong sáng và có rất nhiều
không gian thảnh thơi. Giá trị của người tu nằm ở chỗ đó. Nếu không
có ba phẩm chất đó thì tu làm gì?
Nền văn
minh của chúng ta có thể gọi là nền văn minh của sự bận rộn. Sự bận
rộn đã trở thành một nhà tù giam hãm tất cả chúng ta. Nếu muốn thoát
khỏi nhà tù đó, thì nhất thiết phải có ba loại năng lượng: Niệm,
Định và Tuệ. Mình cầu chúc cho mọi người có thể nương vào Niệm,
Định, Tuệ để thoát khỏi cái nhà tù bận rộn đó. Được như vậy thì mới
có hạnh phúc chân thật. Hãy nhìn vào một vài người mà người ta
thường ao ước, mong cầu, ví dụ như Tổng thống Bush, là người có
quyền hành rất lớn. Trở thành tổng thống Mỹ là giấc mơ của rất nhiều
người trai trẻ bên Mỹ. Chưa nếm mùi đó thành ra họ không biết. Ăn
không ngon, ngủ không yên, lo lắng suốt ngày suốt đêm, ác mộng suốt
đêm về tình trạng Iraq: Khạc không ra, nuốt cũng không vô, ngày nào
cũng có những thanh niên chết bên đó. Mình có đánh đổi đời sống của
một ông thầy tu để lấy đời sống của một ông tổng thống hay không?
Nếu mình làm giám đốc của một hãng xưởng lớn, thì suốt ngày mình
phải lo lắng, bận rộn, không có một giây phút nào để nghỉ ngơi,
không có hạnh phúc, không có thì giờ để thở, để đi những bước chân
thảnh thơi... Khi mình làm một ông thầy tu, khi mình làm một người
thực tập, thì mình có rất nhiều cơ hội, và mình phải có hạnh phúc
ngay trong giây phút hiện tại.
Chẳng ở đâu
xa
Tổ Lâm Tế
đã thỉnh một tiếng chuông rất lớn. Nếu quý vị từng học Lâm Tế Lục,
quý vị sẽ thấy rằng đời sống của Tổ Lâm Tế cũng như giáo lý của Ngài
là một nhân bản luận rất hào hùng. Tổ không muốn mình ngồi đó để ăn
những cái bánh vẽ, Tổ muốn mình có hạnh phúc, có tự do, có giác ngộ
lập tức trong giây phút hiện tại. Pháp môn thiền đi của Làng Mai là
trực tiếp lấy nguồn cảm hứng từ Tổ. Tổ nói: “Thần thông là khi
mình đi trên mặt đất” (Địa hành thần thông). Đi
như thế nào để mỗi bước chân đem lại giác ngộ, giải thoát và hạnh
phúc. Đi như vậy giúp mình đi vào Phật địa, tịnh độ. Tịnh độ hay
Phật địa nằm trong từng bước chân. Tổ Lâm Tế còn nói: “Quý vị đi
tìm Bụt hả? Quý vị đi tìm Tổ hả? Bụt là cái gì? Tổ là cái gì?”
Hồi đó người ta đang mê cái gọi là “Tổ sư thiền”. Gặp được
Tổ, Tổ nói một câu là mình giác ngộ liền, vì vậy mình đi tìm Tổ. Gặp
được Bụt, ngồi bên Bụt thì giác ngộ liền. Vì vậy, có nhiều người
chuyên môn đi bán Bụt, bán Tổ: “Tôi có Bụt thật. Tôi có Tổ thật. Anh
tới đây, tôi bán cho”. Nhưng đó chỉ là bánh vẽ, không phải thật.
Tưởng tượng vẽ một cái bánh chưng, rồi nói: “Anh ăn cái này đi!”
Làm sao no được? Trong Kinh Bách Dụ, Đức Thế Tôn có nói
chuyện này: Có một anh đó bị bệnh. Ông thầy thuốc nói: “Bệnh của
anh, nếu ăn chim trĩ thì hết”. Ông thầy thuốc bận quá, nói xong
câu đó ông phải đi ngoại quốc. Anh này hiểu lầm, nghĩ rằng lập lại
chữ “chim trĩ” như thần chú thì sẽ lành bệnh. Và anh cứ ngồi
đó nói “Chim trĩ, chim trĩ, chim trĩ” suốt ngày. Không hết
bệnh mà còn bệnh thêm nữa. Sau đó có một thiện tri thức nói: “Cả
ngày anh lẩm bẩm cái gì vậy? Tại sao anh cứ ngồi nói “chim trĩ, chim
trĩ, chim trĩ” hoài vậy?” Người bệnh nói: “Tại ông thầy thuốc
nói chim trĩ trị hết bệnh”. “Anh ngốc quá đi, ông thầy thuốc
nói rằng anh phải đi tìm con chim trĩ anh ăn. Anh biết con chim trĩ
là như thế nào không? Đưa tôi tờ giấy tôi vẽ cho để anh biết con
chim trĩ là gì”. Và người bạn ngồi đó vẽ ra con chim trĩ:
“Con chim trĩ là con này nè! Anh phải đi tìm con này, ăn cho nhiều
thì anh sẽ hết bệnh”. Anh chàng này vốn không có trí tuệ (hầu
hết chúng ta đều như vậy hết), khi bạn đi khỏi rồi, anh lấy cái kéo
cắt hình con chim trĩ đó ra nhai. Không hết bệnh, anh mới thuê thêm
họa sĩ đến vẽ thêm những con chim trĩ khác để ăn thêm. Suốt mấy
tháng cũng không hết bệnh. Một hôm một người bạn khác đến: “Anh
làm cái gì vậy? Anh vẽ cái gì mà nhiều vậy?” “Tôi vẽ chim trĩ. Tôi
phải ăn nhiều mới hết bệnh”. “Anh dại quá đi. Làm sao ăn chim trĩ vẽ
mà lành bệnh được? Anh đi với tôi ra ngoài chợ”. Người này nhất
định giúp cho anh thành công. Hai người ra ngoài chợ, thấy bán con
chim trĩ người bạn nói: “Anh phải mua về nấu cháo”. Và người
đó cương quyết giúp anh cho tới nơi tới chốn: Mua về, làm thịt, nấu
cháo, bắt anh ăn ngay trước mặt. Và anh lành bệnh. Chuyện bánh vẽ
Đức Thế Tôn cũng đã có nói tới, không nói bánh mà nói chim trĩ vẽ.
Chúng ta suốt ngày nói Bụt, nói Tổ, nói giải thoát, nói giác ngộ,
nói xã hội chủ nghĩa. Tổ Lâm Tế nói: “Quý vị đi tìm Tổ hả? Bụt là
ai? Tổ là ai? Bụt với Tổ chính là quý vị đó! Đang ngồi trước mặt
tôi, đang nghe Pháp đó”. Nếu trong giây phút hiện tại mà quý vị
trở về với quý vị được và làm phát sinh ra Niệm, Định, Tuệ,
thì quý vị đang chính là Bụt, là Tổ, đang sống trong tịnh độ, trong
Phật địa. Đừng đi tìm xa. Ngài nói là mình phải nếm liền cái đó. Ở
Làng Mai mình cũng làm như vậy. Mỗi bước chân nếu có Niệm, Định,
Tuệ, thì bước chân đó đưa mình vào ngay trong tịnh độ, niết bàn,
giải thoát. Vấn đề là vấn đề của giây phút hiện tại chứ không phải
là vấn đề ao ước trong tương lai. Phật độ, giải thoát, giác ngộ
không phải là vấn đề tương lai. Đó là vấn đề hiện tại.
Một cụm từ
ở trong giáo điển mà phần lớn chúng ta đều không nhớ là “hiện
pháp lạc trú”. “Hiện pháp lạc trú” là phải có hạnh phúc ngay
trong giây phút hiện tại. Chữ “Hiện pháp” có nghĩa là những
gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, mình dịch là “the
present moment”. “Lạc” tức là hạnh phúc. Mình sống, an
trú với hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại gọi là “hiện pháp
lạc trú” (drstadharmasukhavihara). Vihara có nghĩa
là trú, sukha có nghĩa là lạc, và
drstadharma có nghĩa là hiện pháp. Cái mình đi tìm là tự
do, hạnh phúc, giải thoát. Đi tìm ở đâu nếu không ở trong từng bước
chân, trong từng hơi thở, trong từng bữa ăn sáng? Ăn sáng như thế
nào mà trong thời gian ăn sáng đó mình an trú trong tịnh độ, trong
giải thoát, trong tự do, không phóng tâm về tương lai, không phóng
tâm về chỗ nào khác, hoàn toàn thiết lập trong giây phút hiện tại.
Làng Mai là chỗ quý vị tập sống như vậy.
Sống được
như vậy vài ba ngày rồi thì về trú xứ của mình, quý vị cũng thấy
tịnh độ, cũng thấy an lạc, cũng thấy giải thoát. Đó là tại vì quý vị
đã biết chế tác ba nguồn năng lượng Niệm, Định, và Tuệ. Chính ba
nguồn năng lượng đó vớt mình ra khỏi thế giới của hệ lụy, và mình
không phải đợi tới giờ phút đám ma thì mới bắt đầu cuộc picnic
của mình. Mình phải picnic ngay trong giây phút hiện tại.
{
Ghi
chú:[1] Tên một bài hát của Tịnh Thủy. |