.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (... ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (... )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

Nghệ thuật sống thiền :


Người thương ta chết, ta có thể làm gì ? (I)

 

  • Tháng IV 2007 - Chân An Tịnh & Chân Giác Lưu phiên tả và biên tập
    Pháp thoại
    của Sư ông Làng Mai ngày 2 - IV - 2007 tại quốc tự Diệu Đế - Huế
    Ngày thứ nhất Đại lễ Thuỷ lục Giải oan Bình đẳng Cứu bạt Trai đàn lần thứ Hai

    Â
    m thanh MP3 : 
    Phần 1 (8.5MB)  Phần 2 (7.6MB)

 1- Phần xướng tụng

Các thầy, các sư cô bắt đầu buổi pháp thoại bằng bài xướng tụng  Đầu Cành Dương Liễu.
Tất cả đại chúng lắng nghe và chắp tay.

 Bồ Tát liễu  đầu Cam lộ thủy
 Năng linh nhất đích biến thập phương
 Tinh tuyên cấu uế tận căn trừ
 Tịnh thử đạo tràng tức thanh tịnh

Quí thầy, quí sư cô xướng bằng tiếng Việt

 Đầu cành dương liễu vương Cam lộ
 Một giọt mười phương rưới  cũng đầy.
 Bao nhiêu phiền lụy tiêu tan hết
 Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
 Nam mô Bồ tát Thanh lương địa
 Nam mô Bồ tát Thanh lương địa
 Nam mô Bồ tát Thanh lương địa
 Trí tuệ bừng lên đóa biện tại
 Đứng yên trên sóng sạch trần ai
 Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh
 Hào quang quét sạch buổi nguy tai
 Liễu biếc phất bày muôn thế giới
 Sen hồng nở hé vạn lâu đài
 Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh
 Xin nguyện từ bi  ứng hiện ngay
 Nam mô Bồ Tát Quan thế âm
 Nam mô Bồ Tát Quan thế âm
 Nam mô Bồ Tát Quan thế âm

Sau đó quí thầy, quí sư cô niệm  Bồ Tát Quan thế âm

 

2- Phần pháp thoại Sư ông Nhất Hạnh

Trong truyền thống của chúng ta, mỗi khi thiết lập trai đàn chẩn tế, ta làm lễ chiêu u, chiêu linh, ta lên núi, xuống biển để đón các vong linh về lạy Phật, nghe kinh, thọ thực và chuyển hóa để siêu thoát. Nhưng chúng ta biết rằng các hương linh không phải chỉ ở đó, ngoài đó, trên núi hay dưới biển. Các hương linh ở rất gần chúng ta. Khi tâm ta tưởng nhớ thì ta có thể tiếp xúc với các hương linh rất mau chóng.

 

cầu nguyện không phải chỉ bằng những lời kinh mà thôi

Ngày hôm nay tôi thực tập như thế này: Mỗi bước chân đi là đi cho các hương linh. Khi thở vào tôi bước một bướcc và nói rằng: “Tôi đã về, tôi đã tới”. Bước một bước thứ hai tôi nói: “Đã về, đã tới.” Tôi biết rằng trong cuộc chiến tranh có bao nhiêu triệu đồng bào tử nạn. Chúng ta biết rằng hôm nay chúng ta có một cơ hội rất lớn để cùng tới với nhau, đồng tâm hiệp lực cầu nguyện cho những đồng bào tử nạn đó đươc siêu sinh. Chúng ta muốn thực tập hết lòng. Mỗi hơi thở, mỗi lời nói, mỗi bước chân là để hướng về sự cầu nguyện. Mỗi bước chân đi là tôi đi cho các hương linh. Mỗi bước chân đi phải thảnh thơi, vững chãi, phải tiếp xúc được với giây phút hiện tại. Bước đi một bước tôi nói “ Tôi đã về “, bước đi bước khác tôi nói  “ Tôi đã tới”. Bước một bước nữa tôi nói “Tôi đã về cho 6 triệu đồng bào tử nạn” và bước một bước nữa tôi nói “ Tôi  đã tới cho 6 triệu đồng bào tử nạn”. Với trái tim của tôi, với  tấm lòng của tôi, tôi ôm lấy những đồng bào tử nạn và tôi cầu nguyện không phải chỉ bằng những lời kinh mà còn bằng từng bước chân, từng hơi thở, từng nụ cười.

Tôi cũng cầu nguyện cho tất cả những người đang còn sống. Chúng ta có tới 80 triệu đồng bào. Tôi cũng bước đi, thở vào, đã về cho 80 triệu đồng bào, thở ra, đã tới cho 80 triệu đồng bào không phân biệt nam bắc, già trẻ, trai gái hay đảng phái chính trị. Tất cả đều là đồng bào của tôi.

Tôi có niềm tin rất vững chãi là nếu tất cả đem hết trái tim ra để cầu nguyện theo cách đó thì chắc chắn chúng ta sẽ chuyển được cái nghiệp thức cộng đồng, chữa lành được tất cả những thương tích cho ta và cho những người đã khuất. Chúng ta sẽ đem lại rất nhiều tình huynh đệ, rất nhiều hạnh phúc cho chúng ta và cho đất nước.

Trong 3 ngày của trai đàn chẩn tế mọi người đều được khuyến  khích nên làm bàn thờ linh trước hiên nhà. Mỗi ngày phải thắp hương nhiều lần. Mỗi ngày phải thay cháo, thay muối gạo, thay  nước trong. Mỗi ngày phải ăn chay, làm việc cứu tế, từ thiện, phóng sinh. Mỗi ngày phải nói những lời thương yêu, tha thứ, bao dung. Mỗi ngày phải chế tác những tư tưởng tha thứ, bao dung, chấp nhận và thương yêu đối với những người trong gia đình của mình. Mỗi ngày phải có những động tác có khả năng cứu giúp, bảo hộ, nâng đỡ, che chở. Trong 3 ngày đó tất cả mỗi giây phút trong đời sống hằng ngày đều hướng về sự cầu nguyện.

Chúng ta không phải chỉ cầu nguyện bằng những lời kinh mà thôi. Chúng ta cầu nguyện bằng những lời nói ái ngữ, bằng những hành động thương yêu, chăm sóc của chúng ta và cầu nguyện bằng những tư tưởng đi đôi với sự chấp nhận, thương yêu.

 

ba nghiệp là bản chất của sự tiếp nối

Tôi đã đưa ra hai hình ảnh để chúng ta quán chiếu. Hình ảnh đầu là hình ảnh của hạt bắp sinh ra cây bắp. Hình ảnh thứ hai là hình ảnh của đám mây trên trời. Bây giờ tôi đưa ra hình ảnh thứ ba, đó là hình ảnh một cây cam. Trong đời sống của nó cây cam đã chế tác ra lá cam, hoa cam và trái cam. Nếu một cây cam không chế tác ra được lá cam, hoa cam và trái cam thì cây cam đó không có tương lai. Nó không có sự nối tiếp.

Chúng ta biết rằng nếu muốn nuôi một cây cam thì phải có ít nhất là ba mươi hay bốn mươi lá cam. Bốn mươi lá cam đủ sức nuôi một trái cam để nó lớn và chín thành ra màu đỏ, màu cam. Cố nhiên khi có đủ lá rồi thì sẽ có hoa, hoa cam màu trắng, lá cam màu xanh, trái cam màu đỏ. Khi chúng ta trồng cam mà thấy nó hiến tặng lá rất là xanh, hoa rất là trắng và trái rất thắm thì chúng ta rất mừng. Cây cam đã hiến tặng cho chúng ta những cái mà nó có thể hiến tặng: lá cam, hoa cam và trái cam.

Đối với một con người thì cái quí nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho đời cũng có ba thứ: một là tư tưởng, hai là lời nói và ba là hành động của mình.Trong đạo Phật gọi là tam nghiệp. Tư tưởng thuộc về ý nghiệp, lời nói thuộc về khẩu nghiệp, hành động thuộc về thân nghiệp. Nghiệp của chúng ta có thể đẹp hay không đẹp. Cây cam nếu không đủ bổ dưỡng sẽ sinh ra những lá cam èo uột, vàng võ. Những lá cam đó không đủ sức để làm ra hoa cam và trái cam. Chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta phát ra những tư tưởng đầy hận thù, trách móc, tuyệt vọng, ghen tuông thì những tư tưởng đó làm hại cho đời chúng ta rất nhiều. Trái lại nếu chúng ta có khả năng chế tác những tư tưởng lành mạnh đi đôi với sự tha thứ bao dung, thương yêu, hiểu biết thì những tư tưởng đó sẽ làm đẹp cho chúng ta và cho cuộc đời.

Qúi vị có biết mỗi khi mình có những tư tưởng hắc ám, độc ác thì nó tiết ra những chất độc ngay cho cơ thể. Mình có thể bị bệnh vì những tư tưởng của mình. Nhưng nếu mình có thể chế tác ra những tư tưởng có hiểu biết thương yêu thì ngay khi nó được chế tác ra nó đã có ảnh hưởng tốt trên sức khỏe của chúng ta, sức khoẻ vật chất và sức khỏe tinh thần. Những tư tưởng trong sáng, lạc quan, những tư tưởng yêu đời, tha thứ, bao dung, thương yêu, có công năng chữa trị cho thân và tâm nhiều lắm. Thường thường nói đến công năng chữa trị thì người ta hay nghĩ đến thuốc men. Nhưng những tư tưởng tốt lành mà từ ngữ  Phật giáo gọi là Chánh Tư Duy (có nghĩa là tư tưởng lành) là một liều thuốc bổ. Nếu mỗi ngày chúng ta phát khởi ra những tư tưởng lành như vậy thì sức khỏe chúng ta sẽ tăng tiến. Nếu chúng ta chỉ phát khởi những tư tưởng hắc ám, đen tối, chán đời thì nó sẽ làm hư hoại sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của chúng ta.

Chúng ta là những Phật tử, là đệ tử của Đức Thế Tôn. Chúng ta đã học được phương pháp làm phát khởi những tư tưởng lành hay chưa ? Đó là sự thực tập của Bát Chánh đạo. Chánh Tư duy (tiếng Anh là right thinking, tiếng Pháp là la pensée juste) là một trong 8 con đường của Bát Chánh đạo, Chánh Kiến rồi đến Chánh Tư duy. Chánh Tư duy là những tư tưởng lành mạnh đi đôi với sự tha thứ, hiểu biết, thương yêu, chấp nhận. Chúng ta sống với con chúng ta, với chồng, với vợ chúng ta, với anh em chúng ta.. Chúng ta nghĩ về những người đó như thế nào ? Mỗi ngày chúng ta phát khởi những tư tưởng như thế nào về họ ? Đối với chồng, với vợ, với con mình mình có phát khởi những tư tưởng chấp nhận và thương yêu hay không hay là tư tưởng mình còn mang tính chất giận hờn, trách móc, buộc tội. Nếu mình là người Phật tử mình phải có khả năng mỗi ngày phát khởi những tư tưởng lành, thực tập Chánh Tư duy. Đối với vợ, chồng, con, và cha mẹ thì mình không trách móc. Mình có khả năng hiểu, chấp nhận, thương được người đó giúp cho người đó vượt thoát những khó khăn yếu kém của họ. Đó là những tư tưởng lành. Khi chúng ta phát khởi được tư tưởng lành thì tư tưởng đó sẽ có hiệu quả rất tốt đẹp trên sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần của  chúng ta. Đó là ý nghiệp.

Về khẩu nghiệp cũng vậy. Lời nào chúng ta nói ra mà có tính cách trách móc, buộc tội, chua chát, lên án, bêu xấu thì nó là tà ngữ, không phải là  ái ngữ, chánh ngữ. Đức Thế Tôn dạy chúng ta phải thực tập Chánh Ngữ tức nói những câu nói đi đôi với sự tha thứ, bao dung, thương yêu, chấp nhận. Mỗi ngày chúng ta có thể nói với con, với vợ với chồng, với cha, với mẹ những lời nói như vậy không ? Khi nói được một lời thương yêu và tha thứ thì trong người chúng ta nhẹ liền lập tức. Rất là hay! Những lời đó đâu cần phải có tiền bạc mới mua được. Nếu trong trái tim có một giọt nước Từ bi, giọt nước Cam lộ của hiểu và thương thì ta nói một câu như vậy rất dễ. Nói một cái thì trong tâm mình rất khỏe và ngưòi kia mặt tươi lên liền lập tức. Mình là người Phật tử mình phải có khả năng nói được những lời ái ngữ đầy thương yêu, tha thứ và chấp nhận. Đó là khẩu nghiệp.

Còn thân nghiệp là những hành động. Hành động của mình không phải là để trừng phạt, trị tội người kia. Trái lại hành động của mình có khả năng bảo hộ, che chở, cứu giúp, nâng đỡ. Đó gọi là  Chánh Nghiệp (right action), hành động lành. Nếu cây cam chế tác ra được lá cam, hoa cam và trái cam thì con người chúng ta chế tác được ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Nếu ba nghiệp đó đẹp thì chúng ta sẽ được tiếp nối rất đẹp. Ba nghiệp đó xấu thì mình sẽ được tiếp nối xấu.

 

có thể chuyển được nghiệp bằng sự cầu nguyện

Khi thân thể mình tan hoại thành đất mình không chết đâu. Mình không phải từ có mà trở thành không đâu. Mình sẽ được tiếp nối bởi ba nghiệp đó. Mình sẽ thay hình đổi dạng và ba nghiệp đó sẽ là bản chất của sự tiếp nối của mình. Nếu mình biết đầu tư vào ba nghiệp đó, ngày nào cũng có những tư tưởng lành, lời nói lành và những hành động lành thì đó là mình đầu tư cho tương lai. Mình sẽ được tiếp nối bởi ba nghiệp của mình. Trong kinh có câu “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong”, nghĩa là dầu cho trăm ngàn kiếp về sau nghiệp làm ra vẫn còn hoài không bao giờ mất. Nó là sự tiếp nối của mình. Vì vậy hôm nay chúng ta phải đầu tư một cách thông minh cho tương lai. Chúng ta hãy chế tác những tư tưởng lành (Chánh Tư duy), chúng ta hãy chế tác những lời nói lành (Chánh Ngữ), chúng ta hãy chế tác những hành động lành (Chánh nghiệp) để sau này chúng ta được tiếp nối một cách đẹp đẽ. Chúng ta không đi về những nẻo đường xấu ác như A Tu la, Ngạ quỷ, súc sanh mà chúng ta đi về những nẻo thật quang đãng như Thiên, Nhân, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Chúng ta phải chăm sóc ba nghiệp vì ba nghiệp là sự tiếp nối của mình.

Có những đám mây bị ô nhiễm, nhất là những đám mây xuất hiện trên bầu trời của những thành phố lớn như New York hay Los Angeles. những đám mây đó mang nhiều những chất khí, những chất acid và rất nhiều bụi bặm. Khi nó trở thành mưa thì nước mưa đó khá dơ. Mưa acid có thể tiêu diệt một khu rừng. Dễ sợ như vậy ! Ta biết rằng khi một đám mây mà ô nhiễm thì khi thành mưa, mưa đó cũng ô nhiễm.Chúng ta cũng vậy. Nếu ba nghiệp ta ô nhiễm thì khi sau này khi thay hình đổi dạng thì hình dạng ta sẽ khổ đau, xấu xa. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận lắm. Trong đời sống hằng ngày ta phải sáng suốt mà đầu tư cho tương lai. Ta  phải phát khởi những tư tưởng lành mà thôi. Ta đừng cho phát khởi những tư tưởng độc ác, đen tối, muốn trả thù, muốn cho người kia phải khổ. Nếu lỡ mà phát khởi rồi thì ta phải lập tức sám hối. Ta cho phát khởi một tư tưởng ngược lại để cho tư tưởng lành này bắt kịp và trung hòa hóa được tư tưởng kia.

Ví du hôm qua chúng ta có một tư tưởng dữ dằn. Ta muốn cho người kia bị khổ đau, bị trừng phạt vì người đó đã nói hay đã làm một điều khiến cho ta đau khổ. Vì vậy ta đã phát sinh ra một tư tưởng xấu, muốn cho người đó gặp tai nạn, khó khăn, khổ đau cho đáng kiếp. Khi  chúng ta phát khởi một tư tưởng như vậy thì chúng ta đang đầu tư một cách tiêu cực cho tương lai. Chúng ta có một ý nghiệp xấu. Nhưng sáng hôm nay được nghe thầy giảng, được đọc kinh cầu nguyện, ta thức tỉnh, ta nói : “Trời đất ơi !, hôm qua mình đã phát khởi ra một tư tưởng xấu. Sáng nay mình phải phát khởi một tư tưởng ngược lại. Bây giờ tôi không muốn cho người đó đau khổ nữa. Tôi muốn cho người đó gặp may mắn, gặp thầy, gặp bạn, gặp chánh pháp để người đó ăn hiền ở lành, đừng nói và đừng làm những điều gây khó khăn và khổ đau cho người khác. Tôi cầu cho người đó đừng đau khổ. Tôi cầu cho người đó được gặp sự may mắn”.  Khi mình có đưọc một tư tưởng lành như vậy thì tư tưởng lành này có thể chạy theo bắt kịp và trung hòa hóa được (neutraliser) tư tưởng ngày hôm qua.

Chúng ta có thể chuyển nghiệp được. Hôm qua chúng ta nói một câu nói độc ác, hôm nay chúng ta hối hận, chúng ta viết một cái thư nói lại : “Tôi xin lỗi. Hôm qua vì dại dột tôi đã nói  một câu như vậy. Thật ra thì tôi không nghĩ như vậy.” Mình nói một câu đầy tình thương. Câu nói ngày hôm nay sẽ chuyển hóa câu nói ngày hôm qua và nghiệp của mình sẽ trắng trong trở lại.  Rất là hay !

Trong đạo Phật có rất nhiều sự mầu nhiệm. Quá khứ còn đó không mất đâu. Mình có thể chuyển đổi được quá khứ bằng những gì mình nghĩ, mình nói, mình làm trong giây phút hiện tại. Ngày hôm nay mình chế tác những tư tưởng lành, lời nói lành và hành động lành, một mặt là để đầu tư cho tương lai tại vì mình muốn được tiếp nối một cách đẹp đẽ, đồng thời mình cũng giúp cho người thương của của mình. Mình có thể hồi hướng, chia sẻ những thiện nghiệp mình đã tạo ra hôm nay để hộ niệm cho người thương của mình đã qua đời. Do đó mới có sự hộ niệm và cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện không phải chỉ bằng lời mà bằng ba nghiệp có nghĩa là bằng tư tưởng, lời nói và hành động, những tư tưởng, lời nói và hành động có khả năng tha thứ, bao dung, chấp nhận, hiểu biết và thương yêu.

Trong ba ngày của Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan Bình đẳng chúng ta phải thực tập nghiêm chỉnh. Chúng ta nguyện rằng ngày nào mình cũng nói những lời thật dễ thương với những người trong gia đình và bạn bè của mình, ngày nào mình cũng phát khởi những tư tưởng lành có tính cách tha thứ, chấp nhận, thương yêu, ngày nào mình cũng làm những điều lành như phóng sinh, giữ giới, giúp đỡ những người khốn khổ. Tất cả đều là những lời cầu nguyện rất cụ thể chứ không phải là sự mong ước suông mà thôi.

Ngày mai lúc năm giờ rưỡi thì thôi sẽ tiếp tục đề tài này. Xin đại chúng trở về Quốc tự Diệu Đế để nghe. Bây giờ chúng ta thực tập Phóng sinh Đăng. Đêm nay là một đêm rất vui. Chúng ta có cơ hội đến với nhau. Chúng ta ôm tất cả những đồng bào đã tử nạn trong trong chiến tranh hiện bây giờ đang có mặt ở đây. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả đồng bào bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Trai đàn Chẩn tế là một lễ hội rất mầu nhiệm. Trong khi thực tập chúng ta giữ một thái độ nghiêm chỉnh, Chúng ta có thể chuyển được nghiệp ngày xưa bằng sự cầu nguyện của mình, Chúng ta sẽ tạo ra những năng lượng tươi vui, nhẹ nhàng cho chính chúng ta và cho những đồng bào đã khuất.

Xin đại chúng chắp tay niệm Nam Mô Đức Bồ Tát Quan thế Âm để hướng về các hương linh./.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.